Tổng hợp các nhân duyên vãng sanh, bậc, hạng

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Kính thưa tất cả quý vị,

VNBN lập ra chủ đề này nhằm tổng hợp lại những nhân duyên vãng sanh mà Đức Phật đã tuyên tuyên thuyết liên quan đến Cực Lạc Thế Giới, tất cả nhân duyên ấy được các Cao Tăng và Cư Sĩ khái quát hóa lập thành tôn chỉ: TÍN - NGUYỆN - HẠNH.

VNBN chưa đọc hết các Kinh điển liên quan đến Tịnh Độ nên cũng chưa tổng hợp hết được, nhất là trì chú vãng sanh,... Do đó, còn nhiều thiếu sót. Nay xin tổng hợp trước hết ở các Bộ Kinh Vô Lượng Thọ Phật, Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Kinh Niệm Phật Ba La Mật.

Qua đó chúng ta quán xét bản thân mình có phần vãng sanh hay không? Khả năng chúng ta có thể tu tập nhân duyên gì trong hoàn cảnh của bản thân mỗi người. Từ đó vững tin mà tiến bước.

Vậy là chủ đề này bàn về Hạnh là chính, còn Tín-Nguyện thì người sơ cơ cần đọc hết toàn thể một Bộ Kinh trong số trên để phát khởi lòng tin đúng đắn. Tín - Nguyện là kim chỉ nam cho Hạnh, có vai trò quyết định toàn cuộc.

Mỗi ngày VNBN sẽ đăng một ít, đến khi nào hết thì thôi.
Trân trọng!

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Thứ nhất, trong Kinh A Di Đà, vừa ngắn gọn xúc tích lại vừa đủ để người tu Tịnh Độ thực hành.
http://hoavouu.com/a26247/kinh-a-di-da-ban-phien-dich-viet-ngu-van-phat-thanh-thanh
Này Xá-lợi-phất! Không thể chỉ có chút thiện căn và phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia đâu.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào nghe nói về Đức Phật A-di-đà rồi chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày với nhất tâm không tán loạn. Người ấy đến lúc lâm chung, Đức Phật A-di-đà cùng chư Thánh chúng sẽ hiện ra ở trước mặt. Khi người này mạng chung, tâm họ sẽ không điên đảo và liền đắc vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà.

Phần Hán Văn,
http://113.171.224.178/videoplayer/kinhadida-doantrungcon.pdf?ich_u_r_i=7a9886176200a39ff3b6cd5e4951503a&ich_s_t_a_r_t=0&ich_e_n_d=0&ich_k_e_y=1645078931750263372450&ich_t_y_p_e=1&ich_d_i_s_k_i_d=3&ich_u_n_i_t=1
Xá-lợi-phất! Bất khả dĩ thiểu thiện căn,
phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc.
Xá-lợi-phất! Nhược hữu thiện nam tử,
thiện nữ nhân văn thuyết A-di-đà Phật, chấp
trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị
nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược
ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật,
nhất tâm bất loạn. Kỳ nhân lâm mạng chung
thời, A-di-đà Phật dữ chư thánh chúng hiện
tại kỳ tiền. Thị nhân chung thời, tâm bất điên
đảo, tức đắc vãng sanh A-di-đà Phật Cực Lạc
quốc độ.

Lời bàn cá nhân của VNBN: những điểm cần chú ý trong hạnh niệm Phật ở trên:
- Nếu
- Thiện nam tử, thiện nữ nhân
- Nghe nói về Đức A Di Đà
- Chấp trì danh hiệu
- Nhất tâm bất loạn

Chữ nếu vừa thể hiện "nhân" vãng sanh, vừa thể hiện không bao hàm tất thảy mọi trường hợp vãng sanh.

Thiện ở đó là những người tin sâu nhân -quả, đã tin sâu nhân quả thì chẳng dám móng tâm tạo ác. Cho nên khi niệm Phật với cách như trên thì nếu có khởi niệm thì chỉ khởi các thiện niệm, buông xả mọi điều ác nơi tâm mà niệm Phật. Thiện này xem như giới luật trong niệm Phật.

Nghe nói về Đức A Di Đà, tin nhân quả không chưa đủ mà còn tin về sự tồn tại của Đức Phật A DI ĐÀ (48 nguyện, sự thành tựu Phật Quả, sự tiếp dẫn) và cõi nước Cực Lạc bất khả tư nghì trang nghiêm lộng lẫy không một chút xấu uế, khổ não.

Chấp trì danh hiệu là đeo bám danh hiệu chẳng để lạc mất, dồn hết tâm trí vào câu Phật hiệu mà thôi, dù trời có sập xuống cũng chẳng buông bỏ sự chấp trì. Chú tâm vào tâm điểm là câu Phật Hiệu, phần này xem như là Định trong niệm Phật.

Nhất tâm bất loạn là vừa sự nhảy vọt xa bỏ mọi vọng tâm cầu sanh lợi thế gian, tuy sống ở đời nhưng tâm niệm luôn hướng về Cực Lạc, trọn đời chỉ một tâm hướng mà thôi. Tuy chưa có khả năng nhập Niết Bàn nhưng tâm trí đã được khai mở nhàm chán mọi pháp luân hồi, tự mình không vào nẻo tà ác. Sự khai mở như thế do năng lực bất khả tư nghì của danh hiệu Phật. Người được nhất tâm bất loạn đó, khi niệm Phật thì tâm vững chải hơn cả đinh đóng cột, chẳng gì lay động nổi, chẳng có sự phân tán. Phần này xem như Huệ vậy. Niệm Phật đạt như thế ắt được vãng sanh như lời Phật đã dạy.

 
Last edited:

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Thứ hai, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, có nói về 9 phẩm vãng sanh
14. Quán Tưởng Ba Phẩm ở Thượng Sanh
--------------------------------------------------------------------------------

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

"Phàm hễ ai sinh về tây phương thì sẽ ở một trong chín phẩm. Ở thượng phẩm thượng sanh, nếu có chúng sanh nào nguyện sinh về cõi nước kia và phát ba thứ tâm thời sẽ vãng sanh ở phẩm trên. Những gì là ba?

1. tâm chí thành
2. tâm tin sâu
3. tâm hồi hướng phát nguyện

Những ai hội đủ ba tâm ấy thời nhất định sẽ sanh ở cõi nước kia. Lại có ba hạng chúng sanh sẽ đắc vãng sanh. Những gì là ba?

1. Lòng từ không giết hại, các giới hạnh trọn đủ.
2. Đọc tụng Đại Thừa Phương Đẳng Kinh điển.
3. Tu hành lục niệm (1), hồi hướng phát nguyện và nguyện sinh về cõi nước kia.

Nếu đầy đủ các công đức đó thì từ một ngày cho đến bảy ngày sẽ liền được vãng sanh. Bởi người ấy dũng mãnh và tinh tấn tu hành nên lúc sắp vãng sanh ở cõi nước kia, Đức A-di-đà Như Lai, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô số hóa Phật, trăm ngàn Tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, và cung điện bảy báu hiện ra. Quán Thế Âm Bồ-Tát cầm đài kim cang và Đại Thế Chí Bồ-Tát sẽ đến trước hành giả. Đức Phật A-di-đà phóng đại quang minh chiếu sáng thân hành giả cùng chư Bồ-Tát dang tay tiếp đón. Đức Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí và vô số Bồ-Tát ngợi khen, khuyến tấn hành giả.

Khi hành giả thấy rồi, vui mừng hớn hở và tự thấy thân mình ở trên đài kim cang, rồi theo sau Phật. Như chừng khảy móng tay liền vãng sanh ở nước kia. Lúc đã sinh về cõi nước kia thì liền thấy sắc thân và trọn đủ các tướng của Phật, thấy vẹn đủ các sắc tướng của chư Bồ-Tát, ánh quang minh và cây báu diễn nói diệu Pháp. Nghe xong, liền ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trải qua chừng vụt thoáng thời có thể phụng sự chư Phật khắp mười phương thế giới và lần lượt được thọ ký ở trước chư Phật. Lúc trở về bổn quốc thì chứng đắc vô lượng trăm ngàn Pháp môn đà-la-ni. Đây gọi là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

Người sinh ở thượng phẩm trung sanh thì không nhất thiết phải thọ trì đọc tụng Phương Đẳng Kinh điển. Nhưng phải khéo lý giải nghĩa thú và tâm đối với đệ nhất nghĩa chẳng kinh chẳng động, tin sâu nhân quả và không hủy báng Đại Thừa. Rồi đem công đức ấy hồi hướng và nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc. Khi người thực hành hạnh như vậy sắp mạng chung, Đức Phật A Di đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và vô lượng đại chúng quyến thuộc vây quanh, tay nâng kim đài vàng tím đến trước hành giả và khen rằng:

'Này Pháp tử! Ông tu hành Pháp Đại Thừa và liễu giải Đệ Nhất Nghĩa. Vì thế Ta nay đến tiếp dẫn ông.'

Bấy giờ có 1.000 hóa Phật đồng thời cầm tay tiếp dẫn. Hành giả sẽ tự thấy mình ngồi trên kim đài vàng tím và chắp tay tán thán chư Phật. Như chừng một niệm khoảnh, liền sanh trong ao thất bảo ở cõi nước kia. Kim đài vàng tím này như hoa báu lớn và trải qua một đêm thì sẽ nở.

Bấy giờ thân hành giả có màu vàng tím. Ở dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Phật cùng Bồ-Tát đồng thời phóng quang chiếu nơi thân hành giả, mắt liền mở sáng. Do nhân tu tập ở đời trước nên nghe khắp âm thanh đều nói toàn Đệ Nhất Nghĩa Đế sâu xa. Sau đó, liền bước xuống kim đài, chắp tay đảnh lễ Phật và tán thán Thế Tôn. Trải qua bảy ngày thì lập tức đắc quả vị bất thối chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngay tức khắc có thể phi hành phụng sự chư Phật khắp mười phương và ở Đạo Tràng của chư Phật tu hành tam-muội. Trải qua một tiểu kiếp thời sẽ đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn và hiện tiền được thọ ký. Đây gọi là Thượng Phẩm Trung Sanh.

Người sinh ở thượng phẩm hạ sanh cũng tin nhân quả và không hủy báng Đại Thừa. Duy nhờ phát Vô Thượng Đạo tâm, rồi đem công đức ấy hồi hướng và nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc. Lúc hành giả sắp mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng chư Bồ-Tát, tay cầm hoa sen vàng và hiện ra 500 hóa Phật nghênh đón người ấy. 500 hóa Phật đồng một lúc nhấc cánh tay ra và khen rằng:

'Này Pháp tử! Nay lòng ông thanh tịnh và phát Vô Thượng Đạo tâm. Ta nay đến tiếp dẫn ông.'

Khi thấy việc ấy rồi, tức sẽ tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen vàng. Tọa xong, hoa khép lại, theo sau Thế Tôn và lập tức đắc vãng sanh trong ao thất bảo. Trải qua một ngày một đêm thì hoa sen mới nở và trong vòng bảy ngày sẽ thấy được Phật. Tuy thấy thân của Phật song tâm chẳng thấy rõ các tướng tốt. Phải đợi đến 21 ngày sau thời mới thấy rõ ràng và nghe được các âm thanh đều diễn nói diệu Pháp. Sau đó, họ du hành cúng dường mười phương chư Phật và nghe các Pháp thậm thâm ở trước chư Phật. Trải qua ba tiểu kiếp thì sẽ đắc Bách Pháp Minh Môn và trụ ở Hoan Hỷ Địa. Đây gọi là Thượng Phẩm Hạ Sanh.

Trên đây gọi là Thượng Bối Sanh Tưởng, là Pháp quán thứ mười bốn. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán."

--------------------------------------------------------------------------------
15. Quán Tưởng Ba Phẩm ở Trung Sanh
--------------------------------------------------------------------------------

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

"Ở trung phẩm thượng sanh, nếu có chúng sanh nào thọ trì Ngũ Giới, thọ Bát Quan Trai, tu trì giữ các giới luật, không tạo năm tội ngỗ nghịch và không làm điều xấu ác. Sau đó, đem thiện căn ấy hồi hướng và nguyện cầu sinh về Thế Giới Cực Lạc ở phương tây. Lúc gần mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng chư Tỳ-kheo quyến thuộc vây quanh, phóng ánh sáng sắc vàng đến thân người đó và diễn nói: khổ, không, vô thường, vô ngã, ngợi khen xuất gia, xa lìa các khổ. Hành giả thấy xong, tâm sanh đại hoan hỷ. Rồi tự thấy thân mình ngồi trên đài liên hoa, hai gối quỳ, chắp tay đảnh lễ Phật và còn chưa kịp ngẩng đầu lên thì đã vãng sanh tới Thế Giới Cực Lạc. Hoa sen liền nở ra. Đương lúc hoa nở thì hành giả nghe các âm thanh ngợi khen Pháp Tứ Đế và lập tức đắc Đạo A-la-hán, đầy đủ Tam Minh, Lục Thông, và Bát Giải Thoát. Đây gọi là Trung Phẩm Thượng Sanh.

Ở trung phẩm trung sanh, nếu có chúng sanh nào thọ trì Bát Quan Trai chừng một ngày một đêm, thọ trì giới Sa-di chừng một ngày một đêm hoặc giới Cụ Túc chừng một ngày một đêm và uy nghi chẳng khiếm khuyết. Rồi đem công đức của giới hương huân tu đó hồi hướng và nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc. Lúc hành giả như thế sắp mạng chung, họ sẽ thấy Đức Phật A-di-đà cùng các quyến thuộc phóng hào quang sắc vàng, tay cầm thất bảo liên hoa đến trước hành giả. Khi ấy, hành giả sẽ tự nghe trên không trung có tiếng khen rằng:

'Này thiện nam tử! Người hiền lương như ông, do tùy thuận lời dạy của tam thế chư Phật nên Ta đến tiếp dẫn ông.'

Lúc đó, hành giả tự thấy mình ngồi trên hoa sen, hoa sen khép lại và liền vãng sanh trong ao báu của Thế Giới Cực Lạc ở phương tây. Qua bảy ngày sau hoa sen mới nở. Khi hoa nở, hành giả mở đôi mắt, chắp tay và tán thán Thế Tôn. Sau khi nghe Pháp, tâm sanh hoan hỷ và đắc quả Tu-đà-hoàn. Trải qua nửa kiếp sẽ thành A-la-hán. Đây gọi là Trung Phẩm Trung Sanh.

Ở trung phẩm hạ sanh, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào hiếu dưỡng cha mẹ, xử thế nhân từ. Lúc người này sắp mạng chung mà gặp được bậc Thiện Tri Thức và vì họ rộng nói các sự an vui nơi cõi nước của Đức Phật A-di-đà cùng 48 lời nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Khi nghe việc ấy rồi, liền bỗng mạng chung. Trong khoảnh khoắc ví như vị tráng sĩ co duỗi cánh tay, tức khắc vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc ở phương tây. Qua bảy ngày sau thì sẽ gặp Đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Sau khi nghe Pháp, tâm sanh hoan hỷ và đắc quả Tu-đà-hoàn. Trải qua một tiểu kiếp sẽ thành A-la-hán. Đây gọi là Trung Phẩm Hạ Sanh.

Trên đây gọi là Trung Bối Sanh Tưởng, là Pháp quán thứ mười lăm. Quán như thế là chánh quán; nếu quán khác đi là tà quán."

--------------------------------------------------------------------------------
16. Quán Tưởng Ba Phẩm ở Hạ Sanh
--------------------------------------------------------------------------------

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

"Ở hạ phẩm thượng sanh, nếu có chúng sanh nào tạo các nghiệp ác, tuy không phỉ báng Phương Đẳng Kinh điển nhưng người ngu này tạo nhiều việc xấu, lòng chẳng biết hổ thẹn. Khi sắp mạng chung mà gặp được bậc Thiện Tri Thức và vì họ nói tên Kinh Đại Thừa trong 12 Bộ Kinh. Bởi nghe được các tên Kinh nên diệt trừ 1.000 kiếp cực trọng ác nghiệp. Bậc trí giả lại dạy chắp tay xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Do xưng niệm hồng danh của Phật nên diệt trừ 50 ức kiếp nghiệp tội sanh tử. Lúc bấy giờ, Đức Phật kia liền sai hóa Phật, hóa Quán Thế Âm, hóa Đại Thế Chí đến trước hành giả và khen rằng:

'Này thiện nam tử! Ông do xưng niệm danh hiệu của Phật nên các tội tiêu trừ. Ta đến tiếp dẫn ông.'

Nói lời ấy xong, hành giả liền thấy hào quang của hóa Phật tràn khắp tịnh thất của mình. Khi thấy rồi, lòng vui mừng và liền đó mạng chung, ngồi trên bảo liên hoa, theo sau hóa Phật và sanh trong ao báu. Trải qua 49 chín ngày, hoa sen mới nở. Đương lúc hoa nở, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-Tát và Đại Thế Chí Bồ-Tát phóng đại quang minh và ở trước người đó thuyết giảng 12 Bộ Kinh thậm thâm. Khi nghe xong thì liền tín giải và phát Vô Thượng Đạo tâm. Trải qua mười tiểu kiếp sẽ đầy đủ Bách Pháp Minh Môn và được vào Sơ Địa. Đây gọi là Hạ Phẩm Thượng Sanh."

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

"Ở hạ phẩm trung sanh, nếu có chúng sanh nào hủy phạm Năm Giới, Tám Giới, hoặc giới Cụ Túc. Những người ngu này lấy trộm đồ vật của chư Tăng, ăn cắp đồ vật của hiện tiền Tăng, bất tịnh thuyết Pháp, lòng không biết tàm quý và dùng các nghiệp ác để trang nghiêm bản thân. Do gây tạo nghiệp ác nên những người tội như thế đáng lẽ phải bị đọa vào địa ngục và khi sắp mạng chung thì các ngọn lửa của địa ngục cũng đồng thời kéo đến. Nhưng nhờ gặp bậc Thiện Tri Thức với lòng đại từ bi, ngài khen nói Thập Lực uy đức của Phật A-di-đà, rộng tán dương hào quang và sức uy thần của Đức Phật kia, cũng như ngợi khen giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Khi người ấy nghe qua thì nghiệp tội sanh tử trong 80 ức kiếp của họ sẽ được diệt trừ. Lửa hừng hực của địa ngục sẽ hóa thành làn gió mát và thổi ra các thiên hoa. Trên hoa đều có hóa Phật và hóa Bồ-Tát đến tiếp dẫn người đó.

Như chừng một niệm khoảnh thì họ liền đắc vãng sanh ở trong hoa sen của ao thất bảo. Trải qua sáu kiếp thì hoa sen mới nở. Đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí sẽ dùng tiếng Phạm âm để an ủi người kia và thuyết các Kinh điển Đại Thừa thâm diệu. Sau khi nghe Pháp xong, họ liền phát Vô Thượng Đạo tâm. Đây gọi là Hạ Phẩm Trung Sanh."

Phật bảo ngài A-Nan và hoàng hậu Vi-đề-hy:

"Ở hạ phẩm hạ sanh, nếu có chúng sanh nào làm các nghiệp chẳng lành, nào là tạo năm tội ngỗ nghịch, làm mười điều ác, và làm toàn việc bất thiện. Do gây tạo nghiệp xấu nên những người ngu như thế, lẽ ra phải bị đọa vào ác đạo và trải qua nhiều số kiếp để chịu khổ vô cùng tận. Song những người ngu này lúc sắp mạng chung, nhờ gặp bậc Thiện Tri Thức ân cần an ủi, thuyết diệu Pháp và chỉ dạy niệm Phật. Tuy nhiên, do người kia bị khổ bức nên chẳng kịp niệm Phật. Khi ấy, bậc thiện hữu lại bảo:

'Nếu ông không thể thường niệm Đức Phật kia thời nên xưng danh hiệu của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Hãy chí tâm xưng Nam-mô A-di-đà Phật và làm cho mỗi tiếng niệm không bị đứt đoạn và đầy đủ mười niệm như thế.'

Do xưng hồng danh của Phật nên trong mỗi niệm diệt trừ 80 ức kiếp nghiệp tội sanh tử. Lúc mạng chung, người đó thấy hoa sen vàng giống như mặt trời hiện ra trước mặt. Như chừng một niệm khoảnh, họ liền đắc vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc. Họ ở trong hoa sen và khi mãn 12 đại kiếp thì hoa sen mới nở. Lúc ấy, Đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí sẽ dùng âm thanh đại bi và vì người đó rộng nói thật tướng các pháp và Pháp diệt trừ tội chướng. Sau khi nghe Pháp, họ sanh tâm hoan hỷ và liền phát Bồ-đề tâm. Đây gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh.

Trên đây gọi là Hạ Bối Sanh Tưởng, là Pháp quán thứ mười sáu."

(1) Lục niệm bao gồm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Bố Thí, và niệm Thiên--tức nghĩ tưởng phước báo của cõi trời chẳng thường còn và rồi sẽ hết.
 

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Lời bàn cá nhân của VNBN về 9 phẩm vãng sanh: 5 phẩm đầu thì hành giả chủ động tu tập, 4 phẩm sau nhờ may mắn gặp Thiện Tri thức, 3 phẩm cuối ngoài Thiện Tri Thức còn nhờ các duyên lành của quá khứ mới khởi phát lòng tin chính chắn vào Phật, Pháp, Tăng.

9 phẩm này là luận theo công đức hữu lậu hoặc vô lậu, tức bao gồm tất cả các thiện hành, phạm hạnh, các loại công đức tu trì, không luận pháp tu gì Thiền, Tịnh, Mật.

Qua 9 phẩm này chúng ta thấy rằng bất kì ai giữ được Tín Nguyện đến cùng thì đều phải vãng sanh, còn phẩm cao hay thấp là do công đức, dù là một ít công đức sám hối.

Giữ được Tín Nguyện không phải là chuyện dễ. Có nhiều người tưởng là không cần làm gì hết cứ tin và nguyện vãng sanh là được nhưng đến lúc nghịch duyên hoặc lâm chung bị các nghiệp chi phối không đủ lí lẽ và không muốn vãng sanh nữa.

Bơi vậy mà "tâm chí thành, tâm tin sâu, tâm hồi hướng phát nguyện" được đưa vào thượng phẩm. Tâm tin sâu này không đơn thuần là bằng lời nói "à, tôi tin nhiều lắm" mà bao hàm các thứ căn lành về nhân quả thiện hành và trí tuệ giải thoát. Tin sâu thì chẳng có lí lẽ nào thắng lại lý lẽ của lòng tin (nhưng không phải lý lẽ ngang tàn, mà phải hợp với lý nhân quả và giải thoát), đó mới là tin sâu. Đức Phật dạy rằng đây là pháp khó tin, chính là ở chỗ tâm tin sâu này đó. Tin thì có nhiều người tin, nhưng để tin sâu thì không nhiều.

Người tu niệm trì danh hiệu Phật sẽ vãng sanh ở phẩm nào?
Có thể vãng sanh hoặc không! Nếu người niệm Phật đó tín tâm cạn cợt, lại gặp phải chướng duyên thì bỏ cuộc, không muốn vãng sanh nên chẳng thể vãng sanh.

Nếu đến cùng vẫn còn Tín Nguyện thì đều vãng sanh vào một trong 9 phẩm, chí ít cũng phải trì được 10 câu Phật hiệu lúc lâm chung.

Nhưng nay đã tu thật lòng thì ai cũng muốn được phần chắc chắn. Cứ mỗi thời điểm hễ có tín nguyện thì có phần nhưng cuối cùng có phần chắc không thì phải luyện tập tinh tấn dũng mãnh biết trước ngày giờ vãng sanh, hoặc tin rất sâu khi xong việc đời buông xả vạn duyên lâm chung chắc chắn vãng sanh.

Trong 9 phẩm có thượng phẩm, nếu những ai đã thâm hiểu sâu xa nghĩa lý Đại Thừa, lại thiện hành thì đều có thể dễ dàng đạt được, nhất là trung phẩm thượng sanh và hạ phẩm thượng sanh.

Đặc biệt, chúng ta thấy công đức xưng tán danh hiệu Phật không thể nghĩ bàn, đã cứu giúp cho hạ phẩm hạ sanh, hạng thấp nhất lẽ ra chẳng có gì cứu nổi trong hiện đời mà còn lại là lúc lâm chung. Thế mà nhờ xưng tán danh hiệu Đức Phật A DI ĐÀ mà được vãng sanh chắc chắn sẽ bước vào con đường của giải thoát!
 

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Thứ ba, kinh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.

QUYẾT CHỨNG CỰC QUẢ

Lại này A Nan! Cõi nước đức Phật đó không có cảnh tối tăm đèn đuốc nhật nguyệt tinh tú ngày đêm, cũng không có tên năm tháng kiếp số, lại không có sự tham đắm nhà cửa, mọi nơi không có danh hiệu tiêu thức, cũng không có nhà ở riêng biệt, chỉ có sự hưởng thọ thanh tịnh an lạc tối thượng. Nếu có trai lành gái tín nào hoặc đã sanh hoặc sẽ sanh đều an trụ nơi chánh định, quyết sẽ chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tại sao vậy?

Nếu có tà định hay bất định thì không biết rõ đạo lý nhân quả để sanh về Cực Lạc được.

PHẨM HAI MƯƠI BA

MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT TÁN THÁN

Lại nữa A Nan, hằng hà sa số thế giới ở phương Đông, trong mỗi thế giới có hằng sa đức Phật xuất tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang minh nói lời thành thật, khen ngợi công đức bất khả tư nghì của đức Phật Vô Lượng Thọ. Hằng sa thế giới chư Phật ở chín phương khác, cũng đồng xưng tán như thế. Tại sao vậy?

Vì muốn chúng sanh ở các phương khác nghe danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ, phát tâm thanh tịnh nhớ nghĩ thọ trì, quy y cúng dường cho đến phát một niệm tịnh tín, nếu có căn lành nào chí tâm hồi hướng, nguyện sanh về cõi Cực Lạc ấy, tùy nguyện vãng sanh, được Bất thối chuyển cho đến quả vị Vô thượng chánh đẳng Bồ đề.



PHẨM HAI MƯƠI BỐN

BA BẬC VÃNG SANH

Này A Nan ! Chư thiên, nhân dân ở mười phương thế giới chí tâm nguyện sanh về cõi ấy có ba hạng:

Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục làm sa môn, phát tâm Bồ đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, làm các công đức, nguyện sanh về cõi đó. Những chúng sanh này khi mạng chung, đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, liền theo đức Phật sanh về cõi đó, tự nhiên hóa sanh trong hoa sen bảy báu, trí huệ dõng mãnh, thần thông tự tại.

Này A Nan! Nếu có chúng sanh muốn hiện đời thấy Phật A Di Đà, phải phát tâm Vô thượng Bồ đề, phải luôn nhớ nghĩ cõi nước Cực Lạc, nhóm chứa được căn lành nào nên đem hồi hướng. Do thấy được Phật, nên khi sanh về nước đó được bậc Bất thối chuyển cho đến quả Vô thượng Bồ Đề.

Hạng trung là những người tuy không làm sa môn, nhưng làm nhiều công đức, phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà. Tuy đã làm nhiều công đức, giữ gìn trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường, treo phan đốt đèn dâng cúng hoa hương, tất cả đều phải hồi hướng nguyện sanh về Cực Lạc. Khi mạng chung hóa thân đức Phật A Di Đà hiện ra đầy đủ tướng tốt quang minh như chính đức Phật cùng với đại chúng vây quanh hiện trước người đó, nhiếp thọ tiếp dẫn, liền theo hóa Phật sanh về cõi Cực Lạc, ở bậc Bất thối chuyển Vô thượng Bồ Đề, công đức trí huệ kế bậc thượng phẫm.

Hạng hạ phẩm là những người giả sử không hay làm các công đức, mà đã phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, vui mừng tin sâu không chút nghi ngờ, hết lòng nguyện sanh về cõi Cực Lạc, người này mạng chung mộng thấy đức Phật cũng được vãng sanh, công đức trí huệ kế bậc trung

Nếu có chúng sanh theo pháp đại thừa, đem tâm thanh tịnh, hướng về đức Vô Lượng Thọ, niệm đến mười niệm, nguyện sanh về Cực Lạc, nghe pháp rộng sâu hiểu rốt ráo, cho đến được một niệm thanh tịnh, phát một niệm nhớ nghĩ đến đức Phật đó, người này mạng chung thấy Phật A Di Đà như trong chiêm bao, nhứt định sanh về nước Cực Lạc, được Bất thối chuyển Vô thượng Bồ Đề.

Lại này A Nan! Nếu có trai lành gái tín nào nghe kinh này, thọ trì đọc tụng biên chép cúng dường, ngày đêm liên tục cầu sanh về cõi Cực Lạc, phát tâm Bồ Đề, giữ các giới cấm bền vững không phạm, lợi ích hữu tình, làm được chút điều lành gì đều ban bố cho họ khiến được an vui, hằng nhớ nghĩ đến đức Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc ở phương Tây, người ấy khi mạng chung có sắc tướng trang nghiêm như Phật, sanh về cõi báu mau được nghe pháp, vĩnh viễn không thối chuyển.



PHẨM HAI MƯƠI LĂM

CHÁNH NHÂN VÃNG SANH

Lại nữa A Nan! Nếu có chúng sanh muốn sanh về nước kia, tuy không siêng năng thiền định, nhưng hết lòng trì kinh giữ giới, chuyên làm điều lành, nghĩa là không giết hại sanh vật, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không thêu dệt, không nói lời hung dữ, không nói đâm thọc, không tham lam, không giận hờn, không si mê, ngày đêm nhớ nghĩ đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc có nhiều công đức, nhiều sự trang nghiêm, chí tâm quy y đảnh lễ cúng dường; người ấy khi mạng chung không kinh sợ, tâm không rối loạn, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc.

Nếu người quá nhiều việc không thể xuất gia, không rảnh tu trai giới, nhứt tâm thanh tịnh, lúc rảnh rỗi yên tịnh thân tâm , tuyệt dục bỏ lo lắng, từ tâm tinh tấn, không hờn giận, ganh ghét, không tham tiếc keo kiệt, không ân hận hồ nghi, hiếu thuận, trung tín, tin sâu lời Phật dạy, tin làm lành đặng phước, phụng trì các pháp như vậy không được thiếu mất, suy nghĩ chính chắn, muốn được độ thoát, ngày đêm luôn cầu nguyện được vãng sanh về cõi thanh tịnh của Phật A Di Đà, trong mười ngày mười đêm, cho đến một ngày một đêm không ngừng nghỉ, khi mạng chung được vãng sanh về cõi nước kia, tu đạo Bồ Tát. Những người vãng sanh đều được Bất thối chuyển, thân sắc đủ ba mươi hai tướng tốt, sẽ được thành Phật. Nếu muốn thành Phật ở một phương cõi nào khác, theo tâm ước nguyện tùy sự chuyên cần, sáng tối cầu đạo không ngừng nghỉ, sẽ được kết quả không mất chí nguyện.

Này A Nan! Do điều lợi này nên vô lượng vô số bất khả tư nghì, vô biên thế giới chư Phật Như Lai đều xưng dương tán thán công đức Phật Vô Lượng Thọ.
 

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Lời bàn cá nhân của VNBN trong phần trích dẫn thứ ba trên:

Ba bậc vãng sanh ở đây là đối với hành giả Tín sâu, Nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Tín sâu, thể hiện ở chỗ Đức Phật dạy "Nếu có tà định hay bất định thì không biết rõ đạo lý nhân quả để sanh về Cực Lạc được" , người này không cầu pháp thế gian 6 đường, cũng chẳng trong sự bất định về cứu cánh cuối cùng tức là họ tín tâm rõ ràng nơi Vô Thượng Bồ Đề, và lòng tin này ứng hiệp với Tây Phương Cực Lạc nên mới "dốc lòng tin tưởng, phát nguyện vãng sanh". Như vậy họ là những người có Tín - Nguyện bền vững, trong đó nhất thiết phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Khi Tín - Nguyện bền vững, chí tâm niệm Phật ắt đều sẽ vãng sanh, tùy theo chỗ công đức ít, nhiều, hoặc không đáng kể gì mà chia làm ba bậc như trong Kinh đã nêu.

Tuy nhiên có những người không chuyên trì danh hiệu Phật miên mật thì trong trích dẫn trên cũng đã nêu rõ, từ những người xuất gia cho đến những người bận rộn ở đời, tất cả đều có thể hành trì pháp Tịnh Độ Vãng Sanh này. Mọi người tùy theo chỗ mình mà chọn lựa.

Tất cả đều lấy Tín-Nguyện làm đầu, theo đó mới có Hạnh (không có Hạnh thì đó là tà Tín), Hạnh đều lấy nhân quả làm căn bản (vì có trong Tín), sau đó là niệm Phật hoặc bất kì pháp tu trì nào khác hồi hướng vãng sanh đúng như Đức Phật đã dạy trong từng trường hợp ở trên.
 

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Thứ tư, Kinh Niệm Phật Ba La Mật, không nêu bậc hạng vãng sanh mà dạy niệm Phật Tam Muội. VNBN cũng đưa vào để nói rõ hơn việc Chánh yếu của Niệm Phật.

VNBN sẽ chia ra nhiều phần để nói và nói theo cái hiểu nơi VNBN, quí vị muốn tìm hiểu nên xem trọn bộ cho đầy đủ, rất là tuyệt vời.


- "Lành thay ! Các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân ! Nay ta vì lời thưa thỉnh của Ưu-bà-tắc Diệu-Nguyệt, và của Ưu-bà-di Vi-Đề-Hy, lại nương theo Bổn nguyện của vô lượng vô số bất khả thuyết chư Phật, mà tuyên dương giáo nghĩa bí mật vi diệu tối thắng đệ nhất, nhằm cứu độ hết thảy chúng sanh ở trong thời kỳ Phật Pháp cuối cùng.

Giáo nghĩa nầy, chư Phật quá khứ đã nói, chư Phật hiện tại đang nói, và chư Phật vị lai sẽ nói. Tất cả chúng sanh đời Mạt pháp sẽ nương nơi giáo nghĩa này mà được giải thoát rốt ráo, mãi mãi xa lìa các đường ác, hiện đời an ổn, sau khi mạng chung đuợc sanh về cõi Phật, chứng ngôi vị Bất-thối, dần dần tu tập cho đến khi đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề.

Nầy cư sĩ Diệu-Nguyệt, hãy chăm chú lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói:

- "Diệu-Nguyệt, tất cả các loại chúng sanh chết ở nơi đây, rồi sanh sang nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi sắp mạng chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiển hiện rõ ràng. Chúng sanh nào sống thuần bằng tư tưởng, thì bay lên hóa sanh nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm cả phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh-độ.

Chúng sanh nào tình ít, tưởng nhiều thì vào hàng phi tiên, bay đi nhẹ nhàng nhưng không được xa bằng hạng thuần tưởng.

Chúng sanh nào tình và tưởng bằng nhau thì sẽ phát sanh vào cõi người. Bởi vì sao như vậy ? Bởi tưởng là thông sáng, tình là mê tối. Nếu tình và tưởng ngang bằng nhau thì không bay lên và cũng không đi xuống.

Chúng sanh nào tình nhiều, tưởng ít thì sẽ lạc vào bàng-sanh, nhẹ thì làm chim bay, nặng thì làm thú chạy.

Chúng sanh nào có bảy phần tình và ba phần tưởng, sẽ bị đọa làm thân ngạ quỷ, thường chịu nóng bức, đói khát trải qua trăm ngàn kiếp dài lâu.

Chúng sanh nào có chín phần tình và một phần tưởng, thì sẽ đọa vào địa ngục. Nhẹ thì vào nơi địa ngục hữu gián, nặng thì sẽ đọa vào ngục Đại A-tỳ. Nếu ngoài cái tâm thuần tình ấy, còn kiêm thêm các trọng tội như hủy giới cấm của Phật, khinh báng Đại-thừa, thuyết pháp sai lầm, đắm tham của tín thí, lạm thọ sự cung kính, và phạm vào thập ác ngũ ngịch, thì sẽ chiêu cảm quả báo luân chuyển sanh về các ngục Vô-gián ở khắp mười phương.

Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ ! Trong thời kỳ Chánh pháp diệt tận, chúng sanh nơi cõi Diêm-phù-đề tình nhiều tưởng ít, tâm địa bỏn sẻn, tham lam ghét ganh, các căn lành phước báo kém cỏi. Lúc sanh tiền thọ nhận đủ loại nghiệp dữ, sau khi mạng chung sẽ chịu các quả báo đau khổ trong ba nẻo ác dữ với hạn kỳ lâu dài. Vì thế mà chư Phật khắp mười phương xót thương vô cùng, luôn luôn tìm cách cứu trừ khổ não cho các hạng chúng sanh kia.

Các đức Như-Lai hiện ra nơi đời, mục tiêu chân chánh là không chỉ tuyên dương diệu pháp bí áo sâu xa cho những bậc Thánh giả, hiền nhân - mà mục tiêu khẩn thiết nhất vẫn lànhằm cứu vớt các loại chúng sanh tội khổ, nặng về tình, nhẹ về tưởng.

Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sanh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sanh xấu tốt có sai biệt. Nhưng điểm sanh khởi chẳng rời sát-na tâm sanh diệt, chỗ hội quy cũng không rời sát-na tâm sanh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát-na tâm sanh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp NIỆM PHẬT.

Diệu-Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào, đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được Y báo, và Chánh báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ Tây-phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Đó gọi là quả vị Bất-thối-chuyển. Từ lúc ấy nhẫn nại về sau, vượt qua Thập-địa, chứng Vô-thượng-giác.

Lời bàn VNBN: trong đây chúng sanh thuần tưởng là chúng sanh đã đạt được các mức "sức định" trong các trạng thái sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ...., phi tưởng phi phi tưởng xứ, tức là cái định tâm thông thường chưa phải tuệ tâm trong Đạo Phật. Có liên quan gì đến Niệm Phật không?

Có, thuần tưởng + phước huệ +tịnh nguyện thì vãng sanh. Trong pháp tu vãng sanh Cực Lạc, Phước huệ + Tịnh nguyện chính là TÍN + NGUYỆN. TÍN + NGUYỆN đã có thì làm sao để vãng sanh. Phải thuần tưởng hay chính là sức định vừa nói ở trên. Sức định này không chỉ có "ngồi" thiền mới có. Phật dạy cách dễ nhất đạt được sức định đó chính là Niệm Trì Danh Hiệu Đức Phật A Di Đà. Vì hành giả chú tâm vào câu Phật Hiệu nên sức định được nảy sanh.

Và Đức Phật dạy sức định tối thiểu là lâm chung cố giữ cho 10 niệm nối tiếp nhau, đó cũng nằm trong 48 nguyện. Đây là việc không dễ chút nào, giống như học sinh lới 12 học 12 năm trời ròng rã mà chỉ quyết định trong vài chục phút của thi cử của đại học. Kẻ rớt người đậu không ai dám chắc.

Với 10 niệm vãng sanh thì chỉ những ai thật sự Tín Sâu Nguyện Thiết mới có thể nói là tự tin là chắc. Còn ngoài ra chỉ là cầu may. Do đó, trong Kinh này Đức Phật dạy cho hành giả niệm Phật phải luyện tập thật sự thuần thục. Mà thuần thục rồi thì đừng tưởng chứng Đạo giải thoát liền bỏ Nguyện mà hỏng mất.

Lại nữa, Tín Nguyện đã sâu xa (nhân quả, đạo lí giải thoát, Đức A DI ĐÀ và Cực Lac) thì tự đã rõ đạo lí vãng sanh nên đủ lòng tin chí quyết, chỉ cần xưng tán danh hiệu Phật là đủ, đó là hạnh chánh, càng chuyên trì càng tốt. Đó là thâu nhiếp 6 căn mà niệm trì danh hiệu Phật vậy.
 

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Diệu-Nguyệt nên biết, đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất, mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sanh. Đây thật là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết-bàn tại thế, thành Phật trong một đời.

Đây là môn tu Đại oai lực, Đại phước đức mà chư Phật giúp chúng sanh vượt thắng thân phàm phu, mà thâm nhập cảnh giới Chơn-thường.

Đây là môn tu Đại bát-nhã, Đại thiền-định, mà chư Phật dùng làm thuyền bè đưa hết thảy chúng sanh qua thấu bờ bên kia, không còn sanh già bịnh chết, hoàn toàn hưởng dụng pháp lạc.

Đây là môn tu Đại trang-nghiêm, đại thanh-tịnh, mà chư Phật dùng để đưa hết thảy chúng sanh vào giới luật, nhiếp chúng sanh vào oai nghi, an ổn khoái lạc.

Đây là một môn tu Đại nhu-hòa, Đại nhẫn-nhục, mà chư Phật giúp hết thảy chúng sanh tự tại giữa khổ và vô thường mà thành tựu Tri Kiến Phật.

Đây là môn tu Đại Bồ-đề, Đại siêu-việt, mà chư Phật dùng làm cứu cánh để giúp hết thảy chúng sanh thành Phật, như Phật ngay trong một kiếp.

Đây là môn tu Đại từ-bi, Đại dũng-mãnh, mà chư Phật dùng để giúp chúng sanh có được cái Tâm bằng Tâm chư Phật, có được cái nguyện bằng Nguyện chư Phật, mau chóng vượt qua địa vị phàm phu và tự chứng Pháp thân từng phần.

Lại nữa trong quá khứ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nhẫn lại đến nay, chư Phật cũng chỉ dùng một pháp Niệm Phật nầy để độ khắp chúng sanh. Trong hiện tại cũng có vô lượng vô biên hằng hà sa chư Phật ở mười phương cũng đang thuyết giảng giáo nghĩa Niệm Phật nầy để rộng cứu vớt chúng sanh.

Trong đời vị lai, tất cả chư Phật nếu muốn cứu vớt hết mọi chúng sanh, thì cũng phải do nơi pháp Niệm Phật này. Do đó mà Như-Lai bảo rằng Niệm Phật là vua của tất cả các Pháp.

Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, hãy một lòng tin nhận lời dạy của Như-Lai. Hãy ghi nhớ kỹ lời dạy của Như-Lai. Hãy thực hành theo lời dạy của Như-Lai, và hãy chứng đắc Pháp Nhẫn tối tôn, tối diệu, đệ nhất nầy mà như lai đã ban cho.

Vì sao vậy ? Vì pháp của Như Lai là chân thật, là giải thoát, là an vui, là thuận theo sở cầu, sở nguyện của mọi chúng sanh. Vì pháp của Như-Lai là vắng lặng, không dính mắc, vô cấu nhiễm, thuận theo tình và tưởng của chúng sanh mà vẫn giúp chúng sanh thành tựu địa vị Phật Đà, không bị hư hoại, cho nên chẳng cần phải chán ghét lìa bỏ thế gian, ở trong chỗ ràng buộc mà tâm vẫn tự tại, thọ dụng pháp lạc. Và sau khi lâm chung được sanh về cõi Phật A-Di-Đà".

Đức Phật tán dương pháp Niệm Phật, khuyên tin, cũng đồng thời nêu lên ý nghĩa rộng độ không có pháp môn nào sánh bằng: nhờ pháp niệm Phật này từ ngũ nghịch cho đến hạng thượng căn đều sẽ đồng vào một chỗ. Chưa có pháp tu nào làm được như vậy, thế mới nói pháp Niệm Phật này là vua của các pháp độ sanh.
 

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
716
Điểm
113
Bạch đức Thế-Tôn, con thường tin và nghĩ rằng Niệm Phật tức là thành Phật ngay trong đời nầy. Thế thì tại sao hôm nay đức Thế-Tôn lại ân cần khuyên bảo chúng con phải phát nguyện vãng sanh Cực-Lạc quốc độ ở Tây phương ?"

Khi ấy, đức Thích-Ca mỉm cười, giơ cao cánh tay hữu, lấy bàn tay xoa trên đỉnh đầu của Trưởng-giả Diệu-Nguyệt, mà nói lời nầy:

- "Hay thay ! Hay thay ! Diệu-Nguyệt cư sĩ, đây là pháp khó tin, khó hiểu bậc nhất mà Như-Lai chưa từng nói. Đây là pháp tối thượng Nhứt thừa, chứa đựng vô lượng vô biên ý nghĩa vi diệu mà Như-Lai đợi đến đúng lúc, đúng thời mới ban cho, tự như hoa Ưu-đàm-bát-la mấy muôn ngàn năm mới nở một lần. Đây là Tạng Pháp bí mật của chư Phật ba đời, ví như viên bảo châu trên búi tóc Luân-vương không thể khinh xuất giao cho người khác. Mà Như-Lai chỉ truyền giao cho bất cứ chúng sanh nào quyết chí hoàn thành địa vị Thiên Nhân Sư, tiếp nối hạt giống Bồ-đề.

Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, nay ta dùng cặp mắt toàn giác để quan sát Tâm hiện tiền của chúng sanh, thì thấy rõ bản chất của cái Tâm ấy gọi là Tâm-thể, Tâm thể ấy vốn không có hình dáng, tướng mạo, không có sắc chất, không dài, không ngắn, không quá khứ, không hiện tại, không vị lai, không dữ, không lành, không sanh, không diệt, cũng chẳng phi sanh diệt. Tâm-thể ấy luôn luôn xa rời tất cả luận giải của thế gian. Do vì Tâm-thể nhơ bẩn mà chúng sanh mãi luân chuyển trong ba cõi, sáu đường, đời đời chịu khổ. Do vì Tâm-thể ấy trở nên thanh tịnh, mà chúng sanh được thành tựu giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đắc quả A-la-hán ... nhẫn đến địa vị Phật Đà.

Bởi duyên với các pháp ác, mà Tâm-thể ấy tạo ra cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, A-tu-la nhẫn đến chìm trôi triền miên bất tận nơi những cõi khổ khắp mười phương. Bởi duyên với các pháp lành mà Tâm-thể ấy tạo ra cảnh giới Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền v.v...

Lại nữa, do vọng niệm tương tục nối nhau không dứt, mà biến hiện đủ loại hình tướng, sắc thân, thọ mạng, ẩm thực, quyến thuộc, phiền não để hưởng dụng trong các cảnh giới kia. Hoặc cam chịu những quả báo khổ lạc do những nhân tố sai biệt. Đời đời như thế mãi, chưa lúc nào tạm ngừng nghỉ.

Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, nên biết rằng danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật chính là Pháp-thân Viên-mãn Chu-biến Nhất-thiết-xứ, là Phật-tánh thậm thâm có đầy đủ mọi năng lực vô úy bất khả tư nghị, có đầy đủ diệu dụng vô ngại bất tư nghị. Là cứu cánh siêu việt tối thượng, có đầy đủ năng lực bất khả thuyết, bất khả xưng tán, để chuyển hóa vô minh thành ra giác ngộ, sinh tử thành Niết-bàn. Là phương tiện vi diệu bật nhất, thường cải biến hết thảy Sở-y và Sở-hành của mọi chúng sanh, đưa tất cả tướng trạng hữu lậu, trói buộc, trở về với Bản-tánh Vô-lậu, Giải-thoát.

Cho nên, nếu chúng sanh nào đem Tâm-thể của mình mà duyên với danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì Tâm-thể của người ấy dần dần trở nên vô cấu nhiễm, dần dần phát sanh vô lượng vô biên đức tướng Như-Lai. Do vậy, tự nhiên thấy mình ở trong thế giới Cực-Lạc trang nghiêm, thù thắng. Cùng một lúc, cái niệm tưởng Nam-mô A-Di-Đà Phật sẽ phát khởi thân lượng, oai nghi, tướng hảo và quang minh của đức A-Di-Đà cùng chư vị Thánh-chúng.

Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, người ở nơi ý nghĩa ấy phải nên hiểu rõ như thế !

Pháp môn Niệm Phật chính là là chuyển biến cái Tâm-thể của chúng sanh, bằng cách không để cho Tâm-thể ấy duyên với vọng niệm, với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, với huyễn cảnh, với trí lực, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt v.v... Mà chỉ đem Tâm-thể ấy duyên mãi với danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Không bao lâu, người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc cảm ứng với nguyện lực của đức A-Di-Đà, thấy mình sanh vào cõi nước Cực-Lạc, thân mình ngồi trên tòa sen báu, nghe Phật và Bồ-Tát nói pháp, hoặc thấy Phật lấy tay xoa đảnh ...

Lại nữa Diệu-Nguyệt, nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm-thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-phần Pháp-thân, âm thầm ứng hợp với BI TRÍ TRANG NGHIÊM của Phật - nhưng chưa thể đắc Tam-minh, Lục-thông, vô lượng Đà-ra-ni, vô lượng Tam-muội, nhẫn đến chưa thể đắc Nhất-thiết Chủng-trí, chẳng thể đồng đẳng với chư Phật được mà chỉ thành tựu bước đầu tiên trên lộ trình Như-Thật-Đạo.

Thí dụ như làm gạch để xây nhà vậy. Tuy đã nhào trộn đất sét, bỏ vô khuôn và đã đúc ra hình dạng của viên gạch. Nhưng muốn viên gạch được bền lâu, chắc chắn, không hư rã, chịu được nắng chói mưa sa, thì cần phải đưa vào lò lửa nung đốt một hạn kỳ. Người niệm Phật cũng lại như thế. Tuy công phu niệm Phật trong hiện kiếp đã đặt nền tảng vững vàng cho sự nghiệp giải thoát, nhưng sau đó phải vãng sanh Tịnh-độ, lãnh thọ sự giáo hóa của Phật và Thánh-chúng cho tới khi thành tựu Vô-sanh Pháp-nhẫn. Sau đó, mới đủ năng lực hiện thân khắp mười phương hành Bồ-Tát đạo, ra vào sanh tử mà không trói buộc, trở lại chốn ác trược mà chẳng nhiễm ô, cứu độ chúng sanh không có hạn lượng.

Thí dụ như việc khắc họa hình tượng. Tuy đã dùng gỗ tốt đẽo gọt lâu ngày và tạo nên hình dáng con người. Nhưng phải bỏ ra một thời gian lâu xa để chạm trổ thêm mắt, tại, miệng, nét mặt, nếp nhăn, dáng vẻ, bộ tịch, thần sắc ... Người niệm Phật cũng lại như thế. Tuy đã phát khởi tín tâm dũng mãnh, và công phu không gián đoạn, bê trễ, nhưng nếu tái sanh cõi Ta-bà thì vẫn bị luân chuyển vì Định Tuệ còn non kém, quả đức chưa hoàn mãn. Cần phải vãng sanh Cực-Lạc thế giới, cận kề Phật và Thánh-chúng, thành tựu vô lượng Ba-la-mật thâm nhập Tam-muội Tổng-trì-môn, phát hoằng thệ nguyện đi khắp mười phương giáo hóa vô số chúng sanh. Không lâu, lấy cỏ rãi nơi Bồ-đề đạo-tràng, hàng phục ma quân, thành Đẳng-chánh-giác, Chuyển-pháp-luân Vô-thượng.

Diệu-Nguyệt cư sĩ, nên biết rằng được vãng sanh Cực-Lạc thì không bao giờ trở lại địa vị phàm phu với thân xác ngũ uẩn nữa. Do đó, mới gọi là Bất-thối-chuyển. Từ đó về sau, dần dần thành tựu mười thứ Trí-lực, mười tám pháp Bất-cộng, năm nhãn, sáu thông, vô lượng Đà-ra-ni, vô số Tam-muội, thần thông du hí, biện tài vô ngại ... đầy đủ bao nhiêu công đức vô lậu của Đại Bồ-Tát, cho đến khi đắc quả Phật. Bởi vậy mà Ta, Thích-Ca Mâu-Ni Thế-Tôn hôm nay trân trọng xác quyết rằng : VÃNG SANH ĐỔNG Ý NGHĨA VỚI THÀNH PHẬT, VÌ VÃNG SANH TỨC LÀ THÀNH PHẬT.

Muốn vãng sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực ... không thể nghĩ bàn".

Diệu-Nguyệt Trưởng-giả lại thưa rằng:

- "Bạch đức Thế-Tôn, tuy con đã thấu triệt nghĩa lý thâm diệu của pháp niệm Phật, nhưng vẫn khẩn cầu đức Thế-Tôn thương xót mà rộng chỉ bày thêm, để hết thảy chúng sanh nơi đời vị lai được mọi điều lợi ích.

Lời bàn của VNBN: Ngài Diệu Nguyệt cư sĩ đã hỏi một câu hỏi trúng chỗ mà đại chúng cùng thắc mắc mong mỏi làm rõ, đó là một câu hỏi rất hay và nói lên chỗ trọng yếu của pháp niệm Phật vãng sanh. Đó là tại sao nên nguyện vãng sanh mà không như các pháp môn khác cầu chứng hiện tại lạc trú trong đời này?

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước hết đã giải thích tại sao không nói pháp một cách tùy tiền, mà đợi đúng thời đúng lúc mới nó. Mà nay với pháp tối thượng, khó tin bậc nhất này đã đến lúc tuyên pháp.

Đức Phật dùng tâm giác ngộ tròn đầy quan sát tâm hiện tiền của tất cả chúng sanh vốn đồng với Phật không khác, mà Ngài định nghĩa là TÂM THỂ. Nó lìa xa tất cả ngôn luận của thế gian và Ngài phương tiện dạy bảo rằng nó không hình tướng, không dài hay ngắn, không hiện tại, không quá khứ, không vị lai, không sanh, không diệt, chẳng không phải sanh diệt, chẳng nhiễm, chẳng tịnh,... Nhưng do duyên với pháp ác thì hiện ra ba đường ác, do duyên với pháp lành mà hiện ra các đường lành, do duyên với pháp ô nhiễm thì sanh tâm ô nhiễm, do duyên với pháp thanh tịnh mà sanh tâm thanh tịnh,....Giống như chất nước, chế vào bình hình trụ thì có dáng hình trụ, chế vào bình hình cầu thì có dáng hình cầu,...

Pháp niệm Phật là tâm thể duyên với danh hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật". Mà danh hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật" này chính là pháp thân Phật, là Phật Tánh thậm thâm vi diệu, là bất nhị,...
Do đó, duyên với danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật là duyên với sự thanh tịnh tròn đầy của Phật Quả. Cho nên cái tâm thể ấy dần dần trở nên thanh tịnh.

Đức Thích Ca dạy: "Pháp môn Niệm Phật chính là là chuyển biến cái Tâm-thể của chúng sanh, bằng cách không để cho Tâm-thể ấy duyên với vọng niệm, với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, với huyễn cảnh, với trí lực, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt v.v... Mà chỉ đem Tâm-thể ấy duyên mãi với danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Không bao lâu, người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc cảm ứng với nguyện lực của đức A-Di-Đà, thấy mình sanh vào cõi nước Cực-Lạc, thân mình ngồi trên tòa sen báu, nghe Phật và Bồ-Tát nói pháp, hoặc thấy Phật lấy tay xoa đảnh ..."

VNBN lấy thí dụ cho dễ hiểu: chẳng hạn nhà ở cạnh bên của mình, thường hay mở nhạc nhưng mà loại nhạc đó mình không thích, do ngày nào cũng nghe riếc rồi thấy bình thường như các loại nhạc khác mà chính mình cũng không hay biết. Huống gì nay hành giả chí tâm thích thú niệm Phật, đem tâm mình duyên vào sự thanh tịnh bất khả tư nghì nên tâm ngày càng trở nên chuyên nhất và dần dần thanh tịnh mà thanh tịnh từ lúc nào ta chẳng hay biết.

Và Đức Phật chốt lại về câu trả lời cho câu hỏi của Ngài Diệu Nguyệt "Tại sao cần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc?"
Đức Phật dạy rằng "Thí dụ như làm gạch để xây nhà vậy. Tuy đã nhào trộn đất sét, bỏ vô khuôn và đã đúc ra hình dạng của viên gạch. Nhưng muốn viên gạch được bền lâu, chắc chắn, không hư rã, chịu được nắng chói mưa sa, thì cần phải đưa vào lò lửa nung đốt một hạn kỳ. Người niệm Phật cũng lại như thế. Tuy công phu niệm Phật trong hiện kiếp đã đặt nền tảng vững vàng cho sự nghiệp giải thoát, nhưng sau đó phải vãng sanh Tịnh-độ, lãnh thọ sự giáo hóa của Phật và Thánh-chúng cho tới khi thành tựu Vô-sanh Pháp-nhẫn. Sau đó, mới đủ năng lực hiện thân khắp mười phương hành Bồ-Tát đạo, ra vào sanh tử mà không trói buộc, trở lại chốn ác trược mà chẳng nhiễm ô, cứu độ chúng sanh không có hạn lượng.

Thí dụ như việc khắc họa hình tượng. Tuy đã dùng gỗ tốt đẽo gọt lâu ngày và tạo nên hình dáng con người. Nhưng phải bỏ ra một thời gian lâu xa để chạm trổ thêm mắt, tại, miệng, nét mặt, nếp nhăn, dáng vẻ, bộ tịch, thần sắc ... Người niệm Phật cũng lại như thế. Tuy đã phát khởi tín tâm dũng mãnh, và công phu không gián đoạn, bê trễ, nhưng nếu tái sanh cõi Ta-bà thì vẫn bị luân chuyển vì Định Tuệ còn non kém, quả đức chưa hoàn mãn. Cần phải vãng sanh Cực-Lạc thế giới, cận kề Phật và Thánh-chúng, thành tựu vô lượng Ba-la-mật thâm nhập Tam-muội Tổng-trì-môn, phát hoằng thệ nguyện đi khắp mười phương giáo hóa vô số chúng sanh. Không lâu, lấy cỏ rãi nơi Bồ-đề đạo-tràng, hàng phục ma quân, thành Đẳng-chánh-giác, Chuyển-pháp-luân Vô-thượng."

Hiện nay nhiều người cho rằng niệm niệm tương tục hoặc bất niệm tự niệm là VÔ NIỆM, đó là một điều hết sức sai lầm. Như Đức Phật đã dạy ở trên, niệm niệm tương tục thì vẫn còn niệm, công phu vững nhưng nếu bỏ công phu thì tập khí vẫn còn (dù là rất mỏng), Định Tuệ vẫn chưa đủ sức vượt tam giới.

Vãng sanh để làm chi? Là để hoàn thiện cái Định Tuệ, là trí tổng trì các môn giải thoát, người có trí này mới chính thức bước lên con đường VÔ NIỆM, mà trí tổng trì này Phật bảo là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Khi thành Phật Quả mới chính thức gọi là VÔ NIỆM.

Tóm lại, hành giả niệm Phật có lộ trình như sau: phàm phu+niệm Phật hướng đến vãng sanh, vãng sanh hoàn thiện trí tuệ căn bản của Bậc Bồ Tát là Vô Sanh Pháp Nhẫn, sau đó thẳng đến Phật Quả không còn thối lui địa vị. Vì lẽ đó mà Đức Phật xác quyết rằng "VÃNG SANH ĐỔNG Ý NGHĨA VỚI THÀNH PHẬT, VÌ VÃNG SANH TỨC LÀ THÀNH PHẬT."

Do đó, hành giả niệm Phật phải nguyện vãng sanh, vì vãng sanh là để đảm bảo một con đường chắc chắn để thành tựu Phật Quả.

Đức Phật dạy rằng "Muốn vãng sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực ... không thể nghĩ bàn".

Điểm này Người nói quá rõ, danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật biểu tướng pháp thân Phật, chứa đựng vô lượng công đức không có ngần mé,.. không thể nghĩ bàn. Hạng trọng tội ngũ nghịch ăn năn sám hối lâm chung 10 niệm còn vãng sanh được, đó là do công đức xưng tán danh hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật", huống hồ gì người không phạm tội ngũ nghịch, chuyên tâm xưng tán danh hiệu Phật thì dư sức vãng sanh!
 
Last edited:
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên