LUẬN PHẬT TÁNH
Phật nói: Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, Phật tánh sẵn sàng như vải trắng không có màu sắc. Các màu sắc khác dụ như các đạo Tiên, Thánh, Thần, Quỷ… các màu xanh, đỏ, vàng, đen màu nào cũng bay lợt trở lại trắng.
Chúng sanh rốt cuộc đều thành Phật, đến Phật là cùng tột. Nhưng tùy theo màu phai mau hay chậm cũng như căn cơ tuy cạn sâu có khác nhau.
Phật tánh rất nhiệm màu, hễ đủ duyên rồi thì phát sáng mau lẹ, khó nghĩ lường. Tỷ như lửa cháy ở giữa hư không tìm không thấy có lửa. Nhưng cố tìm tòi xé banh ống quẹt cây diêm coi có lửa không vẫn không thấy.
Phải biết dụng công đến khi đủ duyên thì lửa huệ tự phát. Hễ tâm thanh tịnh thì trí huệ phát sanh.
PHÁP VÔ THƯỢNG
Các pháp Phật vô lượng, vô biên, bất sanh, bất diệt không có gì xen phá hoại được.
Pháp thế gian có thì Phật pháp còn. Chân lý không ngoài sự vật.
Chúng sanh mê tạo khổ. Pháp Phật giác diệt khổ. Hết tạo thì hết diệt. Hết tạo hết diệt thì đó là Phật, là pháp vô thượng.
Pháp ly tướng ly pháp, không thiên ma ngoại đạo nào thay đổi phá hoại được, đó là pháp vô thượng.
Các pháp không tự tánh, có gì thật có gì hư. Phật đâu có nói pháp gì nhất định, tùy duyên ảnh hiện như ánh trăng lòng sông rạch, dường như có nhiều vô lượng vô biên, mà vẫn bất sanh, bất diệt.
THÀNH PHẬT KHÔNG THÀNH CHÚNG SANH.
Tu đến chỗ không còn Phật, chúng sanh, mới là thật đạo Phật tánh tuy sẵn có, nhưng phải tu mới thành. Dụ như bột, có nặn bánh và hấp mới thành bánh. Bánh chín rồi, không khi nào trở thành bột. Và những người biết chữ rồi, có khi nào trở lại dốt không biết chữ không ?
Như trái cây chín rồi, có khi nào trở lại sống không ? Tu tập chứng đạo, như trái chín không phải như không rồi chín, phải chín lần lần mới tới thật chín, nếu không có cái lần lần chín, thì làm sao có cái thật chín. Do sự biến chuyển không ngừng thì đâu có tướng gì nhất định, nên tuy có chín mà thật không có cái chín.
Cũng như tu tuy có chứng mà như không có chứng, vì tiến lần lần đến chỗ rốt ráo không có chứng tướng gì hết. Đã đạt đến vô ngã vô pháp không lẽ còn có pháp ngã hay sao?
PHẬT TÁNH KHÔNG TỘI
Khi ta làm điều tội, Phật tánh có tội không?
Như bột ngâm thúi, khi xay làm bánh, bánh có thúi không?
Như nước đục tại nứơc hay tại bùn đục?
Nước tánh nó vẫn trong, chỉ tại bùn đục.
Như vậy, thì biết Phật tánh tuy lẫn lộn trong các nghiệp nhơ xấu tội lỗi dù bị lên xuống trong 6 đường mà Phật tánh vẫn là Phật tánh không gì thêm không có gì bớt.
Xin hỏi:
Khi ra độ sanh không biết độ ai trước, độ ai sau?
Như một chén bột khô quậy ra thành một diêm nước bột, khi múc một vá đổ vào trong chão để hấp bánh, bánh chín… Vậy có ai biết hột bột nào trước, hột bột nào sau?
PHẬT ĐẠO
Nước dụ như là Phật đạo, các món ăn dụ như là ngoại đạo. Ngoại đạo phàm phu ăn các món ăn mặn nồng chua cay, rốt rồi đều phải uống nước.
Các món ăn thuộc tướng, nước thuộc tâm.
Tướng đủ màu sắc tươi đẹp thơm ngon, nhưng nó đều là giả. Còn nước nó không có mùi vị mà nó là thật nên nó cứu khổ được.
PHẬT KHÔNG HAM MUỐN.
Đức Phật muốn gì thì có nấy mà Phật còn có muốn thì có khác gì chúng sanh! Bởi:
Hết ham muốn mới thành Phật
Còn ham muốn thì còn sanh tử.
Ham muốn nhiều thì khổ đau nhiều.
TÂM PHẬT
Tâm chưa khởi (sanh) đó là Phật.
Tâm khởi lên liền có khổ, đó là chúng sanh. Để tỷ dụ vài việc để thấy rõ tâm Phật lúc nào cũng sẵn có.
Như ta mượn tiền bạc của người, không có làm giấy tờ, đến sau chối ngược rằng không có mượn. Tuy miệng chối mà tâm vẫn biết là có mượn. Đó chính là tâm Phật lúc nào cũng ngay thẳng sẵn có, nên nhận thật trong tự tâm.
Lại nữa như người làm chứng thiên vị. Tuy miệng nói vị giùm người kia mà cái tâm Phật (tâm giác) cũng biết rõ đó là nói thiên vị, là không đúng đắn. Tâm giác đó lúc nào cũng sẵn có, tâm giác không có nói thiên vị.
Lại nữa, như ông quan ăn hối lộ của người này để nói hiếp đàng kia. Nhưng cái tâm Phật của quan biết rõ việc làm đó là sai không ngay thẳng. Vì vậy nên biết cái tâm Phật không chấp nhận hối lộ.
TRÊN ĐƯỜNG TU
Người mới đi tu, không biết lợi hại ra sao, gặp pháp môn nào cũng tu. Như người đi rừng không nghĩ có cọp voi nên không sợ.
Người tu tiến tới một mức rồi mới có sợ, như người đi rừng đến xa xa nghe nói có cọp, sư tử mới lo sợ.
Còn người tu cao đến chỗ rốt ráo mới hết lo sợ, như người đi rừng có đủ khí giới hộ thân.
Ngoại đạo có năng lực rất cao rất khéo, người tu bực nào họ cũng cung cấp tài phép theo bực ấy. Như người học tới sơ học , thì họ đưa ra chương trình trung học (diplôme). Đã được Diplôme thì họ đưa chương trình tú tài. Học tới cử nhân họ đưa chương trình Tiến Sĩ… Bởi vậy tu bực nào cũng mệt với ngoại đạo.
Nếu không có minh sư khai thị, thật khó mà ngộ nhập Phật đạo.
HỎI LÝ MẦU
Hỏi: Bạch Thầy! Niệm khởi tự diệt, đâu có niệm này diệt niệm kia được, vậy rồi làm sao hết niệm sanh diệt?
Đáp: Hễ tìm sanh thì sanh diệt, hễ tìm diệt thì diệt sanh. Ở trong sanh không có diệt, ở trong diệt không có sanh niệm niệm an nhiên.
Hỏi: Làm sao trụ được cảnh giới ấy? Tại sao chúng sanh cứ khởi niệm phân biệt? Và trong kinh nói bất tùy phân biệt là sao?
Đáp: Vì đạo lực chưa tới nên tâm còn vọng khởi phân biệt. Hễ tới rồi thì hết phân biệt. Ví như người đói thấy các món chua, ngọt, béo, bùi món nào cũng thèm. Mà hễ người đó có hơi no rồi. Thì tự nhiên ít thèm. Cũng như:
Người tu được một phần thanh tịnh thì khi đối cảnh tâm nhẹ một phần xao động. Hễ tâm càng thanh tịnh thì càng hết xao động, dầu ở trong cảnh sắc tài danh vọng.
Lại dụ như người đi đường, tuy thấy đủ các thứ cảnh vật cây lá cỏ hoa ở hai bên vệ đường và các thứ sỏi sạn cát đất lớn nhỏ ở nơi đường mà tâm không có chút nghĩ tưởng phải lượm lấy hay mong được cái gì. Đi cứ đi để đến chốn, Nên tuy thấy các cảnh vật mà không chú ý, không bị các vật tướng kia lôi cuốn, vì vậy nên đi mau tới chỗ. Bất tùy phân biệt ý nghĩa cũng thế.
LÝ LUẬN
Có người hỏi: Ông từ đâu đến, đến rồi đi đâu ?
Đáp: Ta chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Tâm sanh phiền não, phiền não tức bồ đề.
Bến giác là sông mê, sông mê là bến giác. Cây sanh trái chát, chát sanh chua, đủ tiết đủ mùa chua sanh ngọt. Lý đó do đâu ?
Hỏi: Khi chết bị luân hồi rồi các tội trước mất hay còn ?
Đáp: Hễ tâm còn thì tội lỗi còn.
Như người ăn trộm bò, làm thịt con bò ăn tiêu mất. Vậy vật mất rồi, tội lỗi mất hay sao? Đừng nghĩ rằng tử giả biệt luận. Cái án ăn trộm còn, thì đến ngày bị bắt cũng bị ở tù.
Hỏi: Khoa học nói vật chất sanh tinh thần phải không ?
Đáp: Như cái chuông do các thứ thau đồng (vật chất) hợp thành mà có tiếng kêu, nhưng phải có cây dùi đánh mới kêu. Tuy kêu có tiếng mà có cái hiểu biết không ?
Cũng như khoa học nói chế ra con người bằng máy, mà nó có sự hành động hiểu biết không ? Và chế trứng gà bằng vật chất mà nó có nở ra con được không ?
GIẢNG KINH THUYẾT PHÁP
Giảng nữa giảng lại, nói tới nói lui những ý nghĩa trong kinh sách, như cách người nhai xác mía. Xác mía để cả vỏ, từ ông này nhả ra, ông kia nhai lại, ông này bỏ, ông kia lượm, nhai tới nhai lui cũng là xác mía mà thôi. Làm như vậy mãn đời cùng kiếp vẫn không được một cây mía nào khác để nhai cho ngọt.
Kinh sách tuy hay, nhưng người tu cần phải thực hành chứng đắc đạo quả mới thấm ý vị ngọt ngào. Còn người nói suông không khác nào như nhai xác mía vậy.
TÁNH ĐẠO KHÓ NÓI
Pháp quán, pháp chỉ dụng công tỷ như cái xe đang chạy mà thắng lại , cái xe tuy đứng mà máy vẫn còn rồ. Tuy tu có kết quả định huệ mà các nghiệp ẩn sâu không dứt. Đi sâu vào bản tánh tịch tịnh thì thấy pháp chỉ, pháp quán như còn ở sân thềm chưa vào tới tận trong nhà.
Tu chỉ quán dụ như người muốn mở tủ sắt, lấy chày vồ dọng bổ cửa tủ, tuy mạnh mà không mở ra được. Còn người biết cách, lấy chìa khóa tuy nhỏ mà mở liền được.
Tánh đạo thật khó tới, tới được tất phải tỏ ngộ pháp màu vô thượng vậy.
CHÚNG SANH ĐÁNG THƯƠNG
Chúng sanh đều là người bịnh cả. Kẻ bịnh nhiều, người bịnh ít, kẻ đau lâu người mới đau. Kẻ bịnh nặng, người bịnh nhẹ.
Tu như vào nhà thương dưỡng bịnh, có kẻ hết trước người hết sau.
Xét kỹ chúng sanh là người đáng thương hơn đáng ghét.
Sở dĩ có ghét thương với nhau là vì đồng nghiệp với biệt nghiệp mà thôi. Như nằm trong nhà thương, kẻ nào bịnh ít nằm yên, sạch sẽ thì thương những kẻ nằm yên sạch sẽ như mình. Trái lại, lại ghét những kẻ bịnh nhiều, dơ bẩn, rên la, lăn lộn, dậm đạp, quơ tay múa chân…
Người tu hành phải nhận biết như thế mà từ bi hỷ xả cho nhau.
CHÚNG SANH VÀ PHẬT KHÔNG HAI
Bất giác hiện vô minh tức là chúng sanh.
Giác không có vô minh tức là Phật.
Dụ như: Hiện tại tâm ta thản nhiên, có ai mắng chửi ta, ta an nhiên biết rõ đó không có gì, ta không sân không hận, luôn luôn mát mẻ đó là Phật.
Nếu ta bất giác, nhận đó là chướng ngại xấu xa thì trên tâm ra hiện ra sự nóng bức của lửa sân hận, liền mắng nhiếc trả lại. Đó là vô minh hiện ra vậy.
Sở dĩ chúng sanh không dám nhận mình là Phật vì lẽ vô minh chồng chất nhiều lớp, chưa bao giờ thấy rõ.
VÒNG LUÂN HỒI KHÔNG MỐI HỞ
Con người bước lên xe luân hồi cũng như con chuột tàu nhảy lên cái đu quay, quay mãi không ngừng.
Cũng như con người lên đu tiên, xích mãi đưa mình lên rồi xuống, xuống rồi lên, không chỗ hở để bước chân xuống ngừng nghỉ.
(Sự lên xuống tỷ như người được hưởng sang với hèn, giàu với nghèo, sáng với tối chuyền nối không thôi).
Cũng như ta bước lên xe hơi, xe chạy vụt vụt, khi lên đèo xuống ải, chạy rất nguy hiểm mà ta vẫn tưởng là yên ổn. Ta ngó xuống đất, thấy đất nó lăn theo, ngó cây cỏ thấy cây cỏ nó chạy theo rất lẹ, mà sự thật cỏ cây đất đai vẫn đứng yên lặng.
Ví như ta xây bồ bồ, thì thấy trời đất quay vòng vòng mà sự thật trời đất nào có quay.
Như ta đi ghe, thấy hai bờ sông cứ trôi theo ghe. Như ta chạy dưới trăng, ta thấy trăng kia rượt theo mãi. Nhưng sự thật bờ nào có đi, trăng nào có rượt.
Như vậy biết rằng tại ta hư vọng lầm thấy sanh tử, ngờ rằng Phật tánh cũng bị ảnh hưởng trong luân chuyển. Nhưng Phật tánh lúc nào cũng vẫn thanh tịnh và như như bất động, yên lặng mãi như đất bằng, như cây cỏ, bờ sông, vầng trăng kia.
Khi nào ta ra khỏi đu luân hồi hay xe luân chuyển kia, mà ta đứng yên đất, thì ta sẽ thấy rõ cái nào quay, cái nào chạy và cái nào đứng yên.
Ta được đứng yên trên đất đó là dụ ta được an trụ nơi tánh thanh tịnh vậy.
PHÓNG HẠ VẠN DUYÊN.
Biết mà không lo tu, để tuổi già sức yếu, hối hận quá trễ. Hễ mình có bán thì người ta có mua. Mình có ra làm thì người ta mới kêu. Mình có đi ăn giỗ thì người ta mới mời.
Hễ hứa, hễ làm đều mệt cả!
Biết buông bỏ muôn duyên, liền đó giải thoát, liền đó thành Phật vậy.
KHAI THỊ DIỆU Ý.
Tại sao tâm ta chưa tự tại ?
Vì còn hột giống nghiệp làm nhơn phát sanh tướng vọng động. Nếu không nhơn, dù có duyên, có cảnh cũng không làm sao kích khởi mê vọng được.
Dụ như nước không có chất dầu, dù đem hơ lửa đốt nó cũng không cháy. Lại như nước sình, có chất diêm dầu hỏa lên khi ta dậm sình, chất diêm điện đó nổi lên, ta quẹt cây quẹt đưa qua đưa lại nó liền phựt cháy. Mặc dù lửa đốt cháy được các thứ, nhưng chỗ không bổi không diêm, lửa kia không làm sao cháy hư không được.
Tâm ta cũng thế, nếu hột giống nghiệp nhân tiêu sạch dù cảnh ngũ dục có trêu chọc trước mắt , tâm ta vẫn lặng yên bất động.
Nhưng làm sao giống nghiệp hết được ?
Chỉ có hạ thủ công phu vào thiền định. Thiền định đều phát sanh trí huệ minh tâm kiến tánh mới là rồi.
Nhưng tánh là gì ?
Tánh ta là bản thể như như, tịch chiếu, không có cái nhớ và cái quên, không có cái có và cái không, vẫn rỗng rang và lặng lẽ, tỏ biết mà không vướng mắc, diệu dụng vô ngại không theo cảnh mà cũng không trốn cảnh, không ở trong ba cõi mà vẫn tự tại trong ba cõi.
Muốn đến chơn tánh ấy, ta phải thực hiện cái pháp thiền rỗng rang tự tại.
Pháp này hành không để ý gom hay không gom cũng như không cố ý nhớ và không cố ý quên.
Vì cố nhớ, tỷ như con mắt mình dòm ra thấy cảnh, dòm thì bị loạn động. Còn cố quên tỷ như con mắt nhắm lại, nhắm lại còn có cái thấy, tức là như trong cái không mà còn có cái có. Bởi nếu cố nhớ thì vạn duyên đều có, có quên thì vạn duyên in hình như không nhưng tồn tại có cái cố quên đó tức là có vậy.
Tâm trí diệu dụng của ta phải sáng suốt và phải thật lanh lẹ. Các nghiệp nó nhanh chóng như chiếc hỏa tiễn bay xẹt. Tâm ta như anh chủ lái hỏa tiễn, nếu tâm không lanh, không đủ trí lái nó, nó sẽ xẹt sa xuống hố sâu hay biển cả thì nguy to.
Chơn tánh lúc nào cũng rỗng rang tự tại như con mắt luôn luôn có cái thấy vô ngại. Nếu dùng định gom thần sẽ bị các duyên ngoại cảnh đột nhập xen lẫn vào tâm tánh, phát ra nhiều tướng lạ lùng thiên hình vạn trạng.
Gom lại như cái tay nắm lại có sức mạnh, nếu nó đột nhập vào thì tay nó run rẩy và co giựt một cách mãnh liệt.
Gom lại là thần, mà phóng đó là nghiệp vậy. Nên chú ý hễ mình ngồi an thân thì thần an, tự nhiên nó có cái tâm sẵn rồi. Nếu mình cố gom nữa thì sẽ bị kẹt trong thần định.
Bởi vậy, khi ngồi nên quán sát nó vừa gom nơi đâu, ta liền an tâm định một cách rỗng rang phá mở tung ra lần lần. Coi chừng khi tung ra vừa mãn lực định thì nó gom lại nữa. Ta phải dụng tâm như cách quét bụi, vừa quét ra rồi lấy chổi vô, lại quét ra. Cứ tung mở như vậy như vậy đến rỗng rang rốt ráo mới thôi.
Có khi ta phải nương hơi thở làm nhịp chuyên phá. Lúc mới tung mở vừa rỗng nó còn cợn lại như mặt nước đóng phèn một lớp vàng vàng vậy.
Ta nên nhớ, dùng định tâm rỗng rang mở phá, phá nhẹ nhẹ từ từ, không nên phá mạnh. Vì thế hễ ta cố phá mạnh nó lại gom xiết mạnh. Ta cố quên nó lại nhớ, ta cố diệt nó lại san, chỉ có cách tâm an định rỗng rang là chuyên phá được thành công viên mãn.
NÓI ĐẠO
Mật ngọt cũng chết ruồi mòng.
Ánh sáng cũng chết bù hong.
Mà tương chao muối mặn không có loại nào nhào vô bị hại. Cho nên mới nói đạo là nói tới chỗ vô ngại, không kết ơn kết nghĩa, không sợ oán thù sâu cao
Nói Đạo mà cứ dạy họ tu phước như vậy như vậy hoài chính mình không được phước gì. Không khác nào anh lính gác cầm cây ba trắc, đứng ngã tư đường chỉ qua chỉ lại cho họ đi, họ đi đâu mất mà mình vẫn đứng yên một chỗ.
Phật bao giờ cũng nghịch với chúng sanh, vì nói trái ý chúng sanh.
Chúng sanh chạy theo vọng, Phật nói bỏ vọng, Chúng sanh mê chấp, Phật bảo giác ngộ bỏ mê chấp.
HÁI QUẢ SA MÔN
Thấu đặng cái nguồn cội sẵn có đó gọi là Sa Môn. Muốn hái được cái quả Sa Môn, phải dứt bặt các mối lo nghĩ, chớ không phải do học mà được. Người mê đem tâm đi cầu tâm, tưởng rằng nhờ học mà được đạo.
Người học nhiều như trẻ nít được uống nhiều sữa. Người học nhiều danh từ không tiêu hóa được trở thành thuốc độc. Họ tận lực hướng về nẻo sanh diệt mà tìm đạo, trong khi đó trong chân như không có sách vở, không có biết có giải gì hết.
TÌM CHƠN LÝ
Ở trong thân tứ đại của ta nhiều trạng thái biến đổi như sự việc trong giấc chiêm bao hiện bày không ngớt. Tất cả đều do vọng niệm.
Bản tánh tuy không thấy, nhưng có thể nhận được. Còn thần cảnh nhiều chi tiết đều do nhân duyên khó nói hết.
Trong thân có thủy hỏa, nó là hiện tướng của âm dương mà âm dương là tướng của thần thức, thần là tướng của thức, thức là tướng của chơn tâm.
Dụ như gió sóng không phải nước, gió sóng không thật, như thần thức không phải chơn tâm, nước là nước chớ không phải là sóng gió.
Như hai bàn tay vỗ có tiếng bộp, tiếng bộp ấy vốn không thiệt có, tay cũng không thiệt có. Vậy cái nghe tiếng đó có thiệt không ?
Không thiệt có, vì cái nghe vẫn là vọng, bởi theo nhân duyên có tiếng có nghe, không tiếng không nghe.
Tứ đại do âm dương hòa hợp mà có. Như lửa không có nóng do dương khí nhiều, âm khí hợp lại kích khởi mới nóng. Nước không có lạnh cũng như thế ấy.
Sống trong sanh tử như sống trong chiêm bao, như ngủ thấy ăn yến tiệc, sự việc vẫn không có thật. Tất cả do nhân duyên biến chuyển thay đổi vô cùng, như vậy làm sao thọ lãnh lấy tánh chơn thường an định để an vui ? Đã có thân này tứ đại sanh khác, bịnh hoạn khó ăn, trong vui có khổ, trong khổ có vui, nên ít ai chịu khó tìm tu.
Thân bịnh mượn thuốc trợ duyên. Bịnh nhiều thần thức đi nhưng cái nhân âm điện vẫn còn liên quan. Như ngọn đèn bị gió mạnh phải tắt, nhưng cái tim vẫn còn nóng.
Thần thức đi vẫn duy trì nghiệp tội phước mà thọ vui khổ, thần thức liên can với thân tướng như con diều giấy bay cao có sợi dây. Ở dưới này có ai động sợi dây thì diều cũng rung rinh. Như người con gái chết rồi, có ai luyện thiên linh đem về làm bạn thì họ theo, hay có ai đào mồ mả họ, họ cũng bắt.
Nhưng nên biết sợi dây (âm điện) liên quan với thân đó sẽ đứt hoặc sớm hoặc muộn không nhất định. Vì thế nên người sống ở đời có khi hơn trăm tuổi hoặc dưới trăm tuổi hay là ít hơn.
Còn người luyện xuất thần (tu tiên) dụ như máy bay có xăng bay lên, hết xăng sẽ xuống. Đó là do điện lực nhẹ nặng mà thôi. Tu phước báo có hơn kém, không như thanh tịnh Niết Bàn.
Sống trong phước báo như sống trong chiêm bao, được danh lợi như anh học trò đi thi nằm ngủ thấy mộng Huỳnh Lương.
Sống trong bản tánh luôn luôn an vui thanh thoát rỗng rang tự tại.
Sống trong vô minh ví như ở trong nhà có đủ thứ ngọc vàng tốt mà cũng có các thứ bụi rác và các thứ hột cây. Ta hốt bụi rác, hột cây đem đổ ra xa. Thời gian lâu ta trở lại chỗ đó nó đã thành rừng. Ta không nhận biết đó là rừng mê, nhè trở lại tận lực sửa sang cảnh rừng ấy. Như là chạy theo trong các việc ngũ dục, cùng tướng pháp tu theo ngoại đạo.
Ta nếu có trí lực giác mới nhớ cái nhà cũ đầy vàng ngọc đó mà mong trở về. Tức là biết tu theo chánh định, như bỏ rừng mê mà trở về nhà bản tánh thanh tịnh Niết Bàn. Như vậy vui sướng tự tại biết nhường nào.
Tất cả phước báo là do nhân duyên hợp sanh nên bị diệt. Như trồng cây, phải theo thời tiết trồng trọt.
Vũ trụ biến chuyển luôn, đều là do nhân duyên sanh khắc. Thân ta không lúc nào an. Có thân không khi nào không bịnh hoặc ít hoặc nhiều. Vậy ta phải biết tìm tu trở lại chơn tánh.
Tánh sẵn có, tại sao nó không giữ tự tánh mê vọng sanh vô minh ?
Tại trong bản thể có sẵn chơn vọng lẫn lộn từ hồi nào rồi. Bây rồi chỉ thanh lọc mà thôi.
Tánh tình, cái biết lúc nào cũng có cái biết, cái nghe cũng thế. Trong cái biết có sẵn cái không biết, cái không biết là vô minh. Cái biết không có thay đổi, thêm bớt đầu đuôi. Còn cái không biết nó có thay đổi thêm bớt.
Cái biết không phải dốt hay hay chữ mới biết, vì vậy nên cái biết lúc nào cũng có sẵn. Còn cái không biết nó có tùy duyên thêm bớt nên nó sẽ bị mất. Như cái biết về đôi liễng, cái biết đó sẵn sàng. Còn trong đôi liễng đó có chữ không biết, cái không biết đó là theo duyên thay đổi.
Như cái nghe, lúc nào cũng nghe, còn nghe cái tay vỗ bộp đó là vọng (thuộc thức), vì cái nghe đó chạy theo cảnh theo tiếng.
Người tu đạt được Chánh Đẳng Chánh Giác thì trí hiểu biết mới cùng tận máy sanh diệt, ở trong sanh tử mới khỏi bị lầm mê.
PHƯỚC BÁO
Phước báo là do sự tiến hóa theo âm dương chuyển xoay cùng tư tưởng tập quán hướng thiện mà có.
Còn giải thoát là do sự giác ngộ mà được. Phước báo thì còn ở trong vòng nghiệp. Đã là nghiệp buộc thì không thể nói ai giỏi, ai dở, ai hơn, ai thua gì cả.
Tỷ như sự phát minh tiến hóa của các nhà khoa học, lo xây dựng xã hội cho đầy đủ, nhưng chưa chắc các ông phát minh làm ra được để hưởng mãi. Có khi để lại cho kẻ dại hưởng thụ. Kiếp sau các ông nếu bị nghiệp lực chuyển xoay lại có khi phải phục dịch cho kẻ dở, kẻ dại an hưởng. Nên biết còn ở ở trong vòng nghiệp dù được tiến hóa cũng vẫn loanh quanh trong việc trả vay khổ não.
Còn người giác ngộ giải thoát ra khỏi vòng nghiệp mới là hết khổ.
Bởi vậy thế gian có pháp mà không pháp như Hittler trong nước biết chế bom nguyên tử mà nước mình mất, tức vô pháp rồi.
Còn tu hành không pháp mà có pháp, như đức Phật thanh tịnh thấy tất cả không có pháp gì mà Ngài được giải thoát. Đó là như có pháp.
Còn như thần tiên xây dựng thân phước báo ngàn năm đó là do sự kết tập xây dựng điện lực, thu hút ngũ hành. Nhưng họ không ngờ thân này cho đến nhà cửa đền đài, trái đất thảy đều vô thường hư hoại. Điện lực dù bền lâu hơn thân trái đất đi nữa cũng bị hư hoại vô thường.
Bởi kết hợp điện lực thành thân này cho nên ở trong thân có đủ các tướng và trong đó có đủ các mưu kế thế phương. Tuy nó không tên không tuổi mà nó hiện hành biến hóa không lường. Nhưng rốt cuộc rồi nó cũng hư hoại tiêu tan! Bởi vậy, phước báo không bền chắc, không sánh kịp giải thoát là như thế.
KHAI THỊ DIỆU PHÁP.
Vạn pháp giai không, nó chỉ là tương sanh giả huyễn, có gì là gì đâu. Tất cả đều rỗng không, không thật. Chỉ tại ta lầm mê chấp trước mà gây tạo đủ thứ. Tại sao để cho tâm sanh hiện ra các pháp, tại sao để cho các pháp kích khởi cho tâm sanh ?
Tại sao ta không lìa cái tâm sẵn có của ta, ta chấp cố nó làm chi để phân biệt và sanh tạo vạn duyên?
Phật dạy ly tâm, ly tướng, ly niệm, cũng ly. Nếu ta không ly tâm thì phải còn dính mắc trong ba cõi.
Ba cõi là gì ? Tham, sân, si. Dứt được tham sân si là vượt ra khỏi 3 cõi, liền sẵn có Giới, Định, Huệ.
Tiến lên lìa cả Giới, Định, Huệ mới là được giải thoát tự tại, rốt ráo vô ngại.
Tánh Phật giác ngộ ai cũng sẵn có như trong đất có chất vàng, nước có chất thành rượu. Tự ta chưa có phương pháp khai thác đó thôi.
Khi ta còn mê nhiễm say đắm cảnh vật này tỷ như người nghiện rượu, nhớ rượu, thèm rượu cố uống rượu. Khi ta giác ngộ tu tiến, như không còn uống rượu nữa đó là có huệ. Do 3 năng lực ấy mà dứt được tham, sân, si.
Song vì có tham, sân, si mới có Giới, Định, Huệ tương đối rồi tương sanh tương diệt. Phải lìa hai cái ấy mới tới lý trung đạo sẵn có không sanh không diệt.
Tỷ như người đầy đủ Giới, Định, Huệ thì không uống rượu, không thèm rượu, không nhớ rượu. Còn người lìa các tướng Giới, Định, Huệ đó dù có gặp rượu cũng không thèm rượu. Dù có uống rượu cũng không ghiền rượu. Vì tất cả pháp bấy giờ đều rỗng không, không có cái gì chi phối bản tánh vô tướng nữa.
Nói về cái vui của người giác ngộ, dụ như người không uống rượu. Tuy không có vẻ gì ngon thích, nồng nàn, nhưng có cái vui an khỏe nhẹ nhàng, không say sưa, không khổ não loạn cuồng.
Còn cái vui của người mê, dụ như người uống rượu say. Họ có cái vui thích ngon nồng, chén nuốt ra vẻ khoái trá. Song cái vui đó đem lại sự say sưa nóng nảy cuồng loạn lại còn hao tiền tốn của nữa, bứt rứt khổ não.
Người tu mà xả được tất cả là đệ nhứt. Tâm tu rồi các pháp đều bỏ, dụ như nấu rượu đã thành các thứ men, hèm, nếp, khắp đều bỏ, như qua sông lên bờ rồi, thuyền bè đều bỏ hết vậy.
TÂM KHÔNG ĐỘC CHIẾU
Tâm chơn như không thay đổi, không thêm không bớt, không nhơ không sạch, một màu rỗng rang thanh tịnh chiếu soi tự tại.
Bởi vậy tâm không có khôn dại, vì đối cảnh phân biệt nên có hơn thua khôn dại, hoặc giác hoặc mê mà ta đặt là khôn dại.
Tâm không nặng nhẹ, hơn thua, cao thấp. Tại có người hoặc mang đồ nhiều (dụ nghiệp nặng) hoặc có kẻ mang đồ ít (dụ nghiệp nhẹ) đi trên đường xa nghìn dặm, thấy có nặng có nhẹ, có tới trước có tới sau in hình như khác nhau. Nếu cả hai đồng bỏ hết đồ sẽ được như nhau và tới chỗ sớm muộn như nhau (người ta dụ tâm, đồ nặng nhẹ là dụ nghiệp).
Tâm không có sanh tử, sanh là nghiệp duyên hòa hợp mà có ra, tử là do nghiệp duyên tan rã mà mất đi, chớ thật tâm không có gì có và không.
Tâm luôn luôn yên lặng, không hình tướng đứng sựng bất động mà điều khiển vạn vật. Dụ như chạy do máy chuyển do tay quay chưn đạp, tay chưn do ý điều khiển, ý lại nương bản thể vô ngôn thuyết. Bản thể luôn luôn sáng chói, rỗng rang thanh tịnh như hư không, không có gì làm ngăn ngại được.
THANH TỊNH NIẾT BÀN
Tánh tịnh Niết Bàn dụ như: Cái học biết viết chữ, nó có trong thân xác không? Thế mà khi viết ra ai cũng biết đó là người có học. Cái tâm có học tuy không thấy mà nó không mất theo xác thân.
Cái không thấy có mà vẫn có như thần thức, dù ta đập nát chẻ nhỏ xác thân này để kiếm, hay đậy lò kín xôi nấu xác thân, cũng không thấy được thần thức.
Còn tánh tịnh Niết Bàn không bị dính mắc vào đâu, không có tướng hình nên không trụ nơi nào, tuy không thấy được mà nó vẫn có.
GIÁ TRỊ CỦA TRÍ
Chỉ có trí ta là tuyệt đối, tất cả vạn vật là tương đối. Trí siêu việt mới đạt đạo, biết được nguyên nhân nguồn gốc của vạn tượng. Như tham, sân, si từ đâu có ?
Vũ trụ tại sao có gió ? Trong đất sao có mỏ sắt, mỏ chì, mỏ đồng ? Ớt trồng dưới đất sao lại cay ? Mía cũng trồng dưới đất sao lại ngọt ? .v.v. . .
Tham, sân, si nó khởi sanh trong tích tắc, từ vi-tế hiện ra tướng. Dụ như hai người nam nữ ngó nhau hai luồng điện lực nó chạm nhau (tế) kích khởi phát động ái nhiễm (thô). Như không khí chuyển động thành gió, gió kết tập nhiều sanh giông tố sập nhà. Ái ân, sân hận cũng thế từ nội nhơn ngoại cảnh tiếp xúc khởi động thành hình thành tướng từ tế đến thô.
Vì vậy, sự tu của ta cần thấu rõ nguyên nhân, suy tận nguồn gốc. Tu tập cần lọc lược cùng tận cái ý tánh mới sạch được vô minh mê muội.
Càng lọc lược, trí giáo càng sáng tỏ, mới thấu đặt được đến chỗ niệm niệm vi tế.
Phải dụng trí quán sát chuyển vận cả tánh tướng lọc lược đồng đều. Như hai con trâu đồng sức kéo cày, trục đất làm cho đất hết cỏ mới sạch láng được. Pháp tu đó là tướng là sự mà ý dụng chuyển pháp đó là tánh là lý. Tánh tướng phải lọc cho đồng đều mới thanh tịnh rốt ráo được.
TU CẦN NHIỀU NGHI.
Từ đâu ta đến?
Từ ở trong mầm mống mê vọng sanh ra. Sanh ra biết khổ ta lại tìm tu để thoát khổ. Ai cũng nhận từ tâm mê sanh khởi, nhưng biết tâm đâu để nhiếp định dứt sanh diệt?
Thân do các duyên hòa hợp mà có ra. Tư tưởng do âm dương và các nghiệp kích nhiếp sanh ra.
Bây giờ chuyển pháp gom nghiệp, như trong nước đục mà gom các thứ bụi bùn thì nước tự trong, như trong nhà bụi mù che lấp mà gom bụi lại thì không khí tự sạch.
Pháp tu lóng lặng bên trong. Chuyển pháp nên biết, đừng dùng tư tưởng chạy theo cảnh vật bên ngoài, sẽ bị các điện khác đột nhập.
Các thứ thần thông đều do thu hút các điện lực bên ngoài. Phật có 5 thần thông không? Nếu có, Phật tất không hoàn toàn thanh tịnh. Như nước có 5 màu thì nước không thiệt trong. Chỉ có lậu tận thông mới là gốc thanh tinh. Các thứ thần thông đều ta ái nhiễm, chỉ có Lậu-tận-thông mới là thanh tịnh.
Bỏ tất cả sẽ được tất cả. Bỏ tất cả danh lợi mê hoặc mới được tâm chơn như thanh tịnh.
Tâm ta là tuyệt đối, vì tất cả tài sắc danh lợi không chi phối được. Chi phối được là tương đối.
Vũ trụ vạn vật đều có điện lực xông tỏa cùng khắp. Trong điện lực nó có tánh, nhưng vì thiếu duyên nên vạn vật kia có thứ không nói và đi được. Dụ như đứa con nít khi còn là bào thai nằm ở trong bụng mẹ, nó không có tâm sao ? Đâu phải nó không tâm, nó vẫn có điện lực đó.
Vạn vật không phải có không, do nhân duyên đủ thiếu mà thôi. Như một đống cát nó không phải một, như nước các sông nước không phải riêng.
Niết bàn thanh tịnh tự tánh sẵn có, vì bị mây mù vô minh che ám nên ta không nhận được. Tư tưởng dồn dập xoay chuyển cái này đến cái kia, làm sao chuyển phá dứt trừ ngừng lặng là được thanh tịnh.
Tư tưởng là vô thường, động diệt. Sống theo tư tưởng sẽ bị động mãi.
Muốn tu Phật, phải hiểu cho đúng lý thì tu mới được lợi ích, thiết thiệt, mới hiện rõ bản tánh.
Tụng kinh mãi có thành Phật không ?
Như ăn mà nhai hoài một miếng cơm có no không ? Phật tánh không có đại tiểu, đông tây, nam nữ, âm dương, chứng đắc.
Ba tạng kinh trước vốn không có, sau mới kiết tập. Nếu cố phân Đại thừa Tiểu thừa, tranh chấp rất có hại, trái với bản tánh.
Tu phải diệt tam độc, mới được tam vô lậu học, bản tánh thanh tịnh lúc nào cũng hiển lộ năng lực giải thoát, không hơn thua dính mắc, dù có bị mê vọng tham, sân, si che lấp một thời gian rồi cũng hồi tỉnh trở về tự tánh.
Dụ như đứa bé mới biết bò, bò ra đường bị người khác bắt đem về nuôi dưỡng, lớn lên nó vẫn không giống ông cha nuôi mà lại giống và cảm thông với ông cha ruột nhiều hơn.
Tu mà cứ van vái cầu khẩn có kết quả không ?
Như nước lóng nó tự trong, không cần cầu khẩn nó cũng vẫn trong.
Tu hành, thiện ác đều bỏ mới tới chỗ giải thoát. Nếu tu thiện nhiều sẽ khó bỏ. Như cô gái gặp chồng dữ con hung dễ bỏ. Sau nếu gặp được chồng hiền con thảo, dù bắt ốc hái rau lo nuôi nấng cực khổ cách mấy vẫn không bỏ được.
Như Khương Tử Nha gặp Văn Vương, Võ Vương dầu gian lao đến bạc đầu vẫn phụng sự. Như Lưu Huyền Đức có tiếng là hiền đức cứ khóc lóc mà các tướng thảy đều hy sinh tận tụy. Thân làm tướng gặp Minh Quân làm sao bỏ được ? Người tu ham làm điều Thiện cũng thế.
Phải nhận kỹ, nên tự độ, không nên cầu bên ngoài. Mình sống với lửa trong thân, chớ không phải với lửa hơ bên ngoài mà sống được. Bỏ cha mẹ đi tìm đạo tuyệt đối mà lại chạy theo danh lợi thế sự là pháp tương đối thì uổng lắm.
Tư tưởng thu hút, điện lực bị đồng hóa. Nếu điện lực đen trược sẽ bị sa vào chỗ hạ tiện, nếu điện lực sáng thanh sẽ được lên cao.
Tư tưởng đồng hóa trong cảnh sanh diệt, phải quấy nó quay cuồng nhào lộn luân hồi điên đảo. Như hai anh em ruột một trai một gái mà đem cho người lạ từ lúc mới sanh, sau lớn lên gặp nhau, cũng có thể sanh tâm ân ái. Còn em nuôi tuy lạ mà ở chung một nhà, sau lớn lên vẫn thương nhau một cách thiệt tình.
Xuất gia cầu giải thoát như nước lóng phèn, nếu đem đất mài vào trong ấy càng mài càng thêm đục.
Tu hành không nên cầu sanh về đâu: Hư không có sanh đi đâu hay không ? Tâm định ta phải rỗng rang như hư không, không nên đem vọng nghiệp mà phân ra cảnh giới.
LUYỆN SỐ TỨC TIÊN GIA
Hậu thiên nhẩm tức. Tiên thiên chơn tức.
Tức sanh, tức trụ, tức dị, tức diệt.
Luyện hơi thở tới mức không cần thở ở lỗ mũi, mà thở ở trong tai hoặc thở ở mắt hay ở cùng mình.
Chứng số chơn tức Tiên thiên bồng lên bồng lên lâng lâng vụt xuất hiện ra cảnh giới tốt đẹp. Đó là thuộc về thần quang xuất hóa.
Phần kết quả khi còn xác thân này luyện như vậy là được. Khi chơn tức xuất ra rồi sẽ sanh lên cảnh giới trên hưởng phước báo, bay đi biến hóa thần thông dường như tự tại. Đến sau thời gian lâu lại bị cảnh duyên chi phối, lần lần thần quang sẽ biến hoại mà thọ thân trở lại nơi trần cảnh.
VŨ TRỤ QUAN
Cảnh giới của trái đất có điện lực bao chụp, thân người ở trong đó như các thây ma chôn dưới mồ trong bãi tha ma.
Thân ta vốn có điện lực nên một khi tưởng đến đâu thì điện lực chạy cái rét đến hiện thân nơi ấy dù cách xa muôn triệu cây số.
Con người ở cảnh giới cao có điện lực thanh nhẹ nên xẹt đi biến hóa nhanh chóng hơn các cảnh giới thấp.
Như nước nào khoa học phát minh trước thì có các thứ cơ khí hay lạ và trong nước đó có trang sức tốt đẹp hơn. Nhưng hễ còn có cảnh giới thì còn có tư tưởng sanh diệt. Dù cảnh đó có thần thông nhanh chóng như phản lực cơ, hỏa tiễn v.v. . . cũng bị sanh diệt.
Người tu nào còn dùng tư tưởng phóng vẹt thì sẽ sanh về cảnh giới đồng nghiệp, thọ cái thân của cảnh giới giả có. Thân ấy được sống lâu nhiều kiếp nên khó được giải thoát sớm.
Như đất nước Việt Nam từ nay có dân trí lên cao, thì các nước khác sẽ vô nhiều, nó sẽ gây hại thêm nhiều, mặc dù nó có xây dựng hình thức tốt đẹp hơn.
Còn trái đất này càng lâu đời nó sẽ tiến hóa lên. Các nhà tu tiến nhiều sẽ bị các vị thần ở cảnh trên họ hạ xuống dây dưa vào mượn đồ để nắm lấy tinh thần dân chúng, họ xoay chuyển cho hướng về họ. Các Thần Tiên muốn nắm lấy ai đó phải là những kẻ có tánh đức tu hiền nhưng thiếu hiểu biết họ mới dựa vào.
Nếu người tu không hiểu biết thì sẽ bị lạc lầm trong giới tà ma. Rồi chính mình (nhà tu) đầu cơ bán chúng sanh cho bọn tà giáo. Cũng như các nhà trí thức mà còn mê lầm thì sẽ bị bọn chánh trị hoạt động ở ngoại quốc mua chuộc, vô tình thành người bán nước, bán dân tộc.
Ai cách mạng đứng đắn cao sâu, các nước phải sợ. Còn tham một chút làm vua cũng khổ.
Giải thoát chỉ là tâm thanh tịnh hết tham. Dù không có một xu mà lòng không tham vọng thì vẫn an vui không khổ. Nếu còn lòng tham thì dù ở trong cảnh vàng ròng cũng khổ như thường. Như người ở chỗ đất sình lầy, có được một hai cục đá đã coi là quý rồi. Còn người ở đất vàng ròng, vàng kia vẫn vô dụng, ăn rồi họ còn phóng uế trên đất vàng đó, có gì quý.
Mấy đời xoay chuyển trước ra sau, sau ra trước, như số1 và số 9. Nếu số 1 trước số 9 thì thành 19, còn để số 9 trước số 1 thì thành 91, có cái gì là thật.
Chạy theo danh từ thì sẽ bị lạc hướng, như chất quý báu mình đặt tên cho là vàng, chất kém hơn đặt là đồng … Bây giờ họ đặt lại đồng là chất quý báu nhất, còn vàng là kém hơn, cũng được vậy. Nếu ai chạy theo danh từ thì còn xài đồ giả. Mình tu mà còn mê theo danh từ thì sẽ lầm Phật giả vậy.
PHẬT LÀ GÌ ? PHẬT Ở ĐÂU ?
Có tướng có cảnh nên có danh từ xưng gọi. Ngoài cái hình tướng, không có danh từ gì để nói được.
Như ai dốt tạm gọi là chúng sanh. Như người không biết nghề làm thợ mộc gọi là dốt, dụ là chúng sanh. Nay đây người ấy đã học rành nghề đóng đồ mộc tủ ghế. Vậy hỏi cái biết đóng đồ mộc đó nó ở đâu ?
Khi ông thợ đó cùng với 2, 3 người dốt khác đồng đi chung một đường, vậy ai biết ai là thợ ? Nhưng khi nào có đem đồ ra đóng làm bàn ghế, lúc đó mới biết rõ ông nào là thợ.
Thân ông thợ có trẻ có già, mà nghề thợ của ông không biến đổi.
Như Phật, thân ngài vẫn già mà tâm vẫn tịnh nên biến mà bất biến. Vì thế, không thể nói Phật hết duyên rồi mà nhập Niết Bàn.
Tỷ như mặt trời kia có lặn, thật ra nào có lặn mất.
Tại thân biến đổi già, trẻ, bịnh, mạnh chớ tánh nào có đổi thay. Như ông thợ mộc lúc có đồ làm thì in như cái nghề thợ hiện ra, lúc không đồ thì nghề thợ không hiện ra.
Nghề thợ mộc vẫn là nghề thợ mộc (dụ cho tánh) không có thay đổi, xuất nhập gì cả.
Như thân mình khi đi, cái đi có khi vấp, có khi sượng mà thân mình (dụ cho tánh) không có động và thay đổi.
Như Đức Phật muốn sang giàu vẫn dễ, mà tại sao Ngài vẫn đi xin ăn. Ngày nào không có ai cho cơm, Ngài cũng bị đói. Đói mà không có khổ, vì tại tâm thanh tịnh nên mới được như thế. Đó là Niết Bàn sẵn có vậy.
Còn chúng sanh bị nghiệp danh lợi tình, làm đau khổ nên không an vui được. Tỷ như cơm dọn sẵn mà người bịnh không ăn hưởng được.
Hễ người tịnh rồi, dù có đi đến chỗ nào tâm cũng vẫn tịnh. Như đi tới một bước, ở chỗ đó tâm cũng vẫn tịnh, đi tới mấy bước nữa, ở chỗ đó tâm vẫn bất biến, mặc dù thân có tới lui dời đổi.
Tâm, nói tâm cũng chưa phải tâm, có danh từ là chẳng phải. Dụ như bụi hợp lại thành cát, cát hợp lại thành đất cho đến thành thế giới. Vậy cái nào sanh ra cái nào ? Như con gà sanh trứng hay trứng sanh con gà cũng thế.
Các pháp do hợp sanh, chớ thật không có pháp gì. Không có Phật mà cũng không có chúng sanh.
Như vách tường kia, mình cầm trái banh chọi vào, chọi nhẹ dội nhẹ, chọi mạnh dội mạnh, chớ có gì là lạ. Vậy có phải tường chọi lại mình không ? Là banh dội lại mình.
Trên đời tất cả mọi sự vật đều có sự lý. Như chánh trị là lý, quân sự là sự. Như lửa là nóng, nóng có sáng, nước là ướt, ướt là lạnh.
Lời nói đạo pháp phải chứng cứ rõ ràng. Đạo Phật là sự thật không cần sơn phết. Như trắc gỗ, lúc nào cũng tốt, cũng thật. Còn đồ giả rốt cuộc thảy đều xấu bỏ.
Người biết rõ sự thật, dám hy sinh để tìm sự thật. Cái thật rốt ráo không còn có danh từ luận bàn tới được, đó mới là cái thật không còn thay đổi vậy.
CHƠN TÂM VỌNG TÂM
Chơn tâm sẵn có mà ta không thấy.
Vọng tâm không có thật mà ta thường thấy. Nay đây chỉ lấy thiền để tu dứt mê vọng, thấy chơn lý.
Pháp tu không chỉ rành dễ nghi lắm. Thân này có âm dương làm chủ điều động làm lạnh nóng, âm dương sanh khắc, căn trần đối đãi khởi ra vọng tâm.
Nước có sóng vì có gió. Gió hoạt khởi chuyển động nổi sóng như âm dương sanh khắc khởi vọng tưởng.
Nếu đè ép âm dương cho yên không khác nào thả mồi bắt bóng. Nếu ta nhiếp âm dương mà tìm chánh định thì không dễ được. Vì định nó không phải âm dương hợp.
Ta phải chuyển pháp cho tế nhị, lần lần sẽ được định.
Nếu ta không biết, sẽ bị âm dương chuyển biến ra các tướng màu sắc đen, xám, xanh, đỏ, vàng, trắng…
Mình biết nhiếp âm dương rồi nó tự chuyển chạy. Nhưng tâm không phải ở đó. Khi chuyển đến tế vi lặng diệt thì tâm mới yên lặng.
Khi chuyển mà thấy pháp nó cứ chạy loay hoay mãi, mình cho là không đến đâu, đó chỉ còn là vọng tâm thôi.
Nếu mình còn dùng cái hữu lậu âm dương thì sẽ bị người thôi miên dụng thần mạnh có thể chuyển ta được. Như bảo ta đứng, ngồi, ngủ v.v. . .
Sống trong máy móc bị nó cấu kết nên sống rất mệt nhọc. Như ta bị trong máy móc âm dương cấu kết, tư tưởng sanh khởi nên khó thoát ra.
Khi ta phá rỗng tâm an, mới không nặng nhọc với công phu. Nay ta còn nhiếp gom, còn bận ý dòm ngó, chăm chú thâu thúc nên còn rất nhọc.
Khi ta chuyển pháp đừng để nó phóng ra, ta phải gom về nhiếp chuyển cho nó tan đi. Đừng để các điện lực nó lăng xăng rồi gom lại một chỗ, nó sẽ phắt khởi tư tưởng mãnh liệt khó phá tan. Người nhiếp thần cao cũng được định lực mạnh. Người đó sẽ được sáng suốt, thông đạt giáo lý. Nhưng còn bị trụ trong khối thần trí chưa rỗng suốt.
Khi nào hạ thủ công phu có chỗ nghi ngờ nên hỏi lại. Khi chăm chú vào pháp chuyển như tay nắm đồng hồ không còn nắm cái khác được. Như con mắt đến thấy vật này rồi khó thấy cái khác.
Không có Niết Bàn để chứng. Khi tu thấy có chỗ trụ có chỗ an đó là chưa rốt ráo.
Khi ta hiểu rõ lý sự rồi, thì sự tu không chán. Như người phát cỏ, càng phát càng trống, đất rộng nên mới ham phát.
Khi công phu ngồi kiết già sẽ có một tư thế tạo ra sức khỏe cho thân. Mặc dù mình biết chuyển nắm âm dương bên trong mà thiếu sức khỏe thì khó tiến đạo đến mức cao xa. Mình ngồi có thế thì mình gom mới mạnh. Gom mạnh mới chuyển đến chỗ tế nhị được. Lúc đó tâm phải cẩn mật lắm mới chu đáo. Nếu để hở một chút điện lực vọng tưởng phóng tán ra khó gom lại khó phá tan.
Như con ngựa chứng, mình phải biết phương pháp để trị nó trở lại thuần. Nếu không biết thì ngựa né qua né lại, nhào tới nhào lui, rất khó làm cho nó thuần.
Nên biết cái nào đáng xả thì xả, cái nào đáng giữ thì giữ. Giới không phải tánh, muốn thấy tánh phải giữ giới. Pháp không phải tánh, muốn thấy tánh cần phải chuyển pháp.
Chuyển gom đến chỗ tế rồi điện lực nó mếm yếu, dù nó có phóng tán ra, gom lại cũng dễ. Nhưng phá tan nó thật rất khó, vì nó rất dẻo dai.
Tu hành phải từ từ mà tiến, đừng nên vội gấp mà thối chí ngã lòng.
Nếu mình không nhận thấu vô dư tịch tịnh, thì cứ trụ mãi trong hữu dư. Mình không rõ vô dư thì cứ bị trong bầu điện tử vọng mê thôi. Khi đạt được vô dư, đó là đi đến chỗ chơn tâm.
Khi còn trong thân hữu dư nghiệp này, ta đừng trụ trong thân theo pháp chuyển đó. Vì tánh định không phải là pháp kia.
Ta phải làm cho rỗng rang như vây trơn trợt, không rễ nhánh, không ai nắm kéo được.
Người đói đều muốn no. Như cơm dọn ra, nếu không ăn cơm làm sao thấy no và thiệt khỏe. Tu không hành pháp để nắm được chỗ chơn tế thì không an tịnh được. Ta phải tinh tấn, tiếc mót ngày giờ. Cố gắng công phu không lúc nào giải đãi. Người tu khi thấy sự tịch tịnh rồi, không bao giờ chịu bỏ mất thì giờ.
Khi mình chăm chú theo chỗ chuyển pháp đó, thì nó mượn tư tưởng đó mà sanh khởi. Đó là tại ta không hiểu biết. Còn ta biết tách rời tâm và pháp ra rồi mới được an tịnh đó gọi là ly pháp. Như tay ta cầm hột đạn tròn dồi lên dồi xuống, khi quen thuần rồi không cần để ý nữa nó vẫn dồi lên dồi xuống.
Như ta gom chuyển pháp ở chỗ đó mà ta không để ý đến chỗ đó nữa, pháp ấy trở thành như cái máy vô tri nên nó không sanh khởi vọng động nữa.
Sự tách rời nhân duyên là cần yếu. Công phu đó mới đạt tới chỗ nhiệm mầu. Nhưng khi gom chuyển còn thô quá mà muốn tách rời thì công phu càng khó.
Người biết lý giải thoát mà không hành được an tịnh vững vàng thì trong tâm xốn xang khổ não lắm.
Đây là cốt yếu chỉ rõ tướng trạng trong chỗ hành Đạo, không phải rộng luận các việc thông thường.
Tu hành phải cố gắng công phu. Dụ như cọ cây lấy lửa. Cọ cây vừa nóng, bỏ đi rồi trở lại cọ, làm như vậy biết bao giờ có lửa được.
Phải cố gắng! Cố gắng!
PHÂN BIỆT CÁC THIỀN
Đã giảng chơn tâm vọng tâm, nay phân biệt các thiền YOGA, niệm Phật có khác gì với pháp thiền đang tu đây không ?
Ở trong nhà muốn thấy sân, trước phải thấy nhà. Định của các pháp tùy theo nhân duyên mà định, như hai tay nắm chấp lại. Vì do thần sanh pháp, tư tưởng có cao thấp, thanh trược tương đối, vô ký nên không đạt đến giải thoát.
Trước khảo cứu về thân tâm, thấy thân có định, mà định có nhập có xuất, thuộc về thâu thần nên không toàn an. Do các năng lực kết hợp lại làm cho định ló rồi lần lần lơi ra, như bàn tay nắm xiết lại một hồi rồi yếu mãi sẽ lơi ra.
Tu Yoga dùng các tư thế chuyển thân để cho thần kích khởi phát lên mạnh hình như định, nhưng rồi sẽ tan lần khi thần yếu.
Nếu ta đem định này phá tan định kia thì không rốt ráo thí như hai thứ nước ngọt và nước mặn hòa lại sớt qua sớt lại mà tìm thứ nước ngọt thì không thể có. Nếu ta biết đem pháp nấu thanh lọc mới được nước ngọt. Nhưng đó cũng như tiên gia lọc lược, như nước hóa hơi, rồi gặp duyên sẽ tụ thành nước nữa.
Đời không lối ra, như người đời tìm học làm quan để cho được giàu sang mãi nhưng rốt rồi cũng tàn tạ, đó là không lối ra. Còn tu nếu cố gắng chay lạt thu thúc mà không tỏ ngộ, đến già hoặc sanh tật ham muốn, sân nộ . . . đó là không lối thoát.
Tu như cây khô mong gặp nước. Nhè gặp thứ nước danh lợi tài tình, nó càng thấm nhiều lại càng làm cho mau mục.
Nếu chỉ hành pháp vô thường khác nào như ăn cơm uống nước lâu năm, mà một ngày không ăn uống thì cũng bị đói khát như thường, đó là như tu pháp niệm Phật, pháp Yoga.
Ta tu làm sao như người nghiền rượu mà bỏ rượu hoàn toàn dù ngồi quán rượu nói rượu cũng không dính líu.
Tu cần phải tìm chỗ an nghỉ. Chớ nên tu cái định trơ trơ cảnh náo động một bên vẫn không hay không biết, như thế làm sao thấu đạt chơn lý. Đó là thoái hóa.
Nếu mình không tịnh tâm được, cố định rồi tan, tan rồi định đó là ở chỗ nhân duyên. Như việc tu tịnh độ, phải thấu rõ ý nghĩa. Còn thực hành phải hiểu biết cái nhân, tại sao có giận, từ đâu mà giận.
Tỷ như ta cố gom cho định, ngắt không hay, khác nào ta lặn sâu xuống biển, ở trên dù cho có ai chọi lựu đạn cũng không hay biết. Nhưng khi trồi đầu lên nó phục kích rồi cũng chết.
Như Đức Phật xưa kia, khi đi tìm tu với các tiên gia thấy tam tâm tứ tướng chưa thoát, nên tự tìm đến chỗ chơn tánh.
Như ông tổ Thần Y nếm cỏ bị độc, nhiều khi bị chết giấc, phải tìm thuốc giã. Người tu Thiền đã chết giấc nhiều trong thiền, sau đến chỗ an nhiên tự chủ và rõ thấu các bịnh thiền của người khác.
Như Ngài Ca Diếp tuy đã được định cao, mà khi gặp Phật khai ngộ, ông tự tiến mà không trụ chỗ định xưa.
Người tu thiền mà biết làm thuốc, xem mạch là vì rõ biết từ nhân duyên này chuyển biến đến nhân duyên khác, nhờ sự kinh nghiệm ngay trong bản thân mà biết được.
Vì thế, nên biết người tu thiền Yoga, niệm Phật, gom xiết một lúc, sau lại bị tan rơi vọng loạn.
Như mình có định ló rồi, không phải mình nhập vào định đó mà có.
Không phải mình gia nhập vào quân đội này qua quân đội kia mà hết giặc, cũng chỉ là ở trong thế gian mà thôi.
Nếu hiệp cái này hiệp cái kia để cho mạnh đặng rút lui cái khác, có ngày cũng bị nó rút lui lại.
Các cái định không phải do hiệp lại mà có. Như ở trong đời ta không bị sắc dục tài tình lôi cuốn, ta mới tự tại. Như ông thầy tu đi đâu dù gặp quân đội cũng không sợ giết hại.
Cái định của mình cũng vậy. Khi mình hiểu biết cái sanh diệt của định, hành lần lần rồi sẽ mở rộng ra khỏi sanh diệt . Như người mới xuất gia, thấy sự sống eo hẹp khó sống. Xuất gia lâu rồi mới thấy được sự sống rộng rãi vì do tài đức đầy đủ.
Người tu Giải Thoát chỉ tạo phước báu Vô Lậu mà thôi. Như người tu Thiền, dù được cũng không trụ nơi chỗ được. Còn người thế gian ham khoe của Hữu Lậu, đeo hột xoàn để kết lòng tham cho đời, họ sẽ bị cướp hại dù có gác-đờ-co cũng không giữ được.
Phật xưa nói chỗ vọng để chỉ chỗ chơn, nói chỗ tương đối để chỉ chỗ tuyệt đối.
Pháp thiền đây chỉ cho tu, nếu mình chấp mà trụ thì hoàn toàn không thông.
Trong các nghiệp nếu ta hiểu rõ thì có gì ngại. Còn tu thiền mà dành qua lấn lại thì khác nào phát cỏ tranh.
Ta có tâm sẵn có, làm sao ta an trụ được mới thanh tịnh vô ngại. Nếu ta không hiểu biết nói : có trời làm chủ tể sanh ra vạn vật, chớ có dè đâu như các vị thuốc hợp lại thì nó có cái tánh khác, đó là do nhân duyên hợp.
Nếu không hiểu, khác nào như tay đeo đồng hồ tự động mà tin có một vị thần điểu khiển đồng hồ.
Tu thiền có đủ thứ thiền: Có phàm phu thiền, khoa học thiền, tiên thiền, thánh thiền .v.v. . . Các thiền đó đều có ở trong thân ta. Nếu ta tu, biết rõ rồi, phải ra khỏi hết các thứ thiền đó.
Nếu không biết, như người bạn rủ đi ăn trộm, bạn bảo làm cái gì thì mình làm cái nấy. Đến rốt cuộc bị chủ bắt được phải chịu khổ.
Danh từ không đủ bảo đảm. Mình nghe họ đặt tên định này định kia đủ thứ mà mình tin đó sẽ bị lầm.
Như danh từ La Hán nói là vô sanh mà còn trở lại làm Bồ Tát để tiến lên Phật. Rồi nói Bồ Tát là cao mà cho là hơn La Hán . . .
Tu do không hiểu mà cứ tụng niệm, cúng vái khác nào nhai đi nhai lại lời cha mẹ. Hay khi nào cha mẹ có bịnh rồi vái cúng một thùng dầu, phẩm vật nhiều ít gì đó. . . bịnh hết nói là có lòng, bịnh không hết đổ là tại không có lòng, không dè tại vì mê tín.
Đó là nói: Tu cái Định này lầm rồi sang cái Định khác, Định khác chưa thỏa mãn rồi sang Định khác, cũng như các việc hiểu về mê tín cầu vái vậy.
Tu Thiền phải hiểu ý cho đúng đắn. Nếu không hiểu thì nói tu cách nào cũng được. Như ta không biết tiếng Anh, tiếng Tàu, có ai ngồi một bên nói ta đều không hiểu.
Vạn sự khởi đầu nam! Ta phải tìm hiểu cho thấu đáo rồi hạ thủ công phu mới khỏi bị lầm sai.
Trạng thái tâm tư của người Định Giải Thoát như thế nào ?
Dụ như người hiểu chữ hiểu nghĩa, rõ thông lý, không ai bẻ gãy.
Dụ như người bịnh nhát gió, kỵ mù sương, dù ở chỗ kín cũng bị gió sương nhập. Còn người mạnh có nắng có gió càng thêm khỏe.
Như người đắc đạo, có người thương mình mà không bị sa lụy và đau khổ. Đó là sự lợi lạc thiết thật vậy.
Nếu ta còn nhờ cảnh vật chất để làm trợ duyên cho thân mà ta bị khổ, đó là không giải thoát.
Dù cho có người đến hộ Đạo đông đảo, vẫn không có gì là bận rộn, mà lại trợ duyên cho ta được giải thoát.
Như người thợ giỏi, dù có ai phá hư một phần nào trong cái nhà của mình đang dở giàn trò, cũng sửa lại tốt đẹp không có gì chướng ngại.
Tâm ta định rồi thì không có gì sai lầm giả vọng, lúc nào cũng không thất bại, không bị hư hỏng, như người trí sáng, việc gì cũng không che lấp, mê mờ, biến chuyển được. Đó là trạng thái được định giải thoát vậy.