nguyenvanhoc2006

TỨ PHẦN LUẬT 四分律 (Chương 3 & 4)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
TỨ PHẦN LUẬT 四分律

_______

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng

_______


Chương 3. Bất định

1. Giới thứ 1
2. Giới thứ 2

Chương 4. Ni-tát-kỳ ba-dật-đề

01. Súc trường y
02. Ngủ lìa y
03. Chờ y một tháng
04. Nhận y phi thân lý ni
05. Nhờ phi thân lý ni giặt y cũ
06. Xin y nơi nhà phi thân lý
07. Nhận y quá phần
08. Khuyên cư sĩ tăng giá y
09. Khuyên hai nhà tăng giá y
10. Yêu sách giá y quá hạn
11. Ngọa cụ bằng tơ tằm
12. Ngọa cụ tòan đen
13. Ngọa cụ quá phần
14. Ngọa cụ dưới sáu năm
15. Tọa cụ không hoại sắc
16. Quảy lông dê
17. Nhờ chải lông dê
18. Cầm giữ vàng bạc
19. Kinh doanh tài bảo
20. Buôn bán
21. Chứa bát dư
22. Đổi bát mới
23. Xin chỉ sợi
24. Chỉ dẫn thợ dệt
25. Đoạt lại y
26. Thuốc bảy ngày
27. Y tăm mưa
28. Y cấp thí
29. A-lan-nhã gặp nạn lìa y
30. Xoay Tăng vật về mình
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

CHƯƠNG III BẤT ĐỊNH
[1]​

I. GIỚI THỨ 1

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di khi còn là bạch y có người bạn có vợ tên là Trai ưu-bà-tư[2] nhan sắc đoan chánh. Ca-lưu-đà-di cũng tướng mạo đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di.
Ca-lưu-đà-di đến giờ, đắp y, mang bát, đến nhà Trai-ưu-bà-tư. Hai người cùng ngồi nơi chỗ kín.

Khi Ca-lưu-đà-di cùng Trai-ưu-bà-tư nói chuyện, Tỳ Xá-khư Mẫu[3] có chút việc đến nơi đó. Từ xa, Tỳ Xá-khư nghe tiếng nói của Ca-lưu-đà-di. Ưu-bà-tư (ưu-bà-di) này có lòng mộ đạo, nghe bên trong có tiếng nói của tỳ-kheo, khởi ý nghĩ: «Không chừng tỳ-kheo nói pháp.» Do vậy liền đến dựa nơi vách để nghe. Nhưng lại chỉ nghe tiếng nói phi pháp. Tỳ Xá-khư lại nghĩ: «Nghe tiếng của tỳ-kheo mà lại nói những việc phi pháp. Tỳ-kheo không nên nói những lời như vậy!» Bà liền nhìn qua lỗ nhỏ, xem thấy Ca-lưu-đà-di với Trai ưu-bà-tư cùng ngồi trên gường nói việc phi pháp. Thấy vậy, Tỳ Xá-khư Mẫu bèn nghĩ: «Tỳ-kheo này ngồi chỗ phi pháp, lại nói lời phi pháp. Nếu phu chủ của người đàn bà này thấy thì họ sẽ mắng chửi vợ, sanh tâm bất tín.» Khi ấy, Tỳ Xá-khư Mẫu ưu-bà-tư liền ra khỏi nhà này, vội vàng đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Bạch đức Thế tôn rồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui.

Khi ấy, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di:

«Có thật ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng ở chỗ khuất vắng chăng?»

Ca-lưu-đà-di trả lời:

«Thật vậy, bạch Thế tôn.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng chỗ khuất vắng?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi bảo các tỳ-kheo:

«Ca-lưu-đà-di là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới này nên nói như vầy:


Tỳ-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại chỗ khuất chỗ kín, chỗ có ngăn che, chỗ có thể hành dâm, nói lời phi pháp. Có vị ưu-bà-di trụ tín nói một pháp trong ba pháp, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tỳ-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‹tôi phạm tội này.› Vậy cần xử trị một trong ba pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-di trụ tín. Cần như pháp xử trị tỳ-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. GIỚI TƯỚNG


Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Người nữ: người nữ có trí, chưa mạng chung.

Ngồi riêng: một tỳ-kheo, một người nữ.

Chỗ khuất kín: có hai loại. Một là khuất vắng đối với thấy; hai là khuất vắng đối với nghe. Khuất vắng đối với thấy là hoặc do bụi trần, do sương mù, trong bóng tối, không thấy nhau. Khuất vắng đối với nghe là nơi mà tiếng nói thường không nghe được.

Nơi có ngăn che: hoặc do cây, do vách tường, do rào, hoặc do vải và các vật khác có thể ngăn che.

Nơi có thể hành dâm: nơi có thể dung chứa hành động về dâm dục.

Nói lời phi pháp: tức là nói về pháp dâm dục.

Ưu-bà-tư trụ tín :[4] tin Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng; không giết, không trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống ruợu; khéo ghi nhớ sự việc không nhầm lẫn, nói lời chơn thật không hư vọng.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, tự nói có làm việc đó thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, mà không tự nói làm việc đó thì nên như lời của ưu-bà-tư nói mà xử trị.[5]

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên như lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, [601a1] không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo không tự nói tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói làm việc đó thì nên y theo lời của ưu-bà-tư mà xử trị.

Trong đây, không xác định pháp nào, cho nên gọi là bất định.[6]
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

II. GIỚI THỨ 2


A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di khi còn là bạch y có người bạn có vợ tên là Trai ưu-bà-tư[7] nhan sắc đoan chánh. Ca-lưu-đà-di cũng tướng mạo đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di.

Ca-lưu-đà-di đến giờ, đắp y, mang bát, đến nhà Trai-ưu-bà-tư. Hai người ngồi nơi chỗ trống, cùng nói chuyện.

Khi Ca-lưu-đà-di cùng Trai-ưu-bà-tư nói chuyện, Tỳ Xá-khư Mẫu có chút việc đến nơi đó. Từ xa, Tỳ Xá-khư nghe tiếng nói của Ca-lưu-đà-di. Ưu-bà-tư (ưu-bà-di) này có lòng mộ đạo, nghe bên trong có tiếng nói của tỳ-kheo, khởi ý nghĩ: «Không chừng tỳ-kheo nói pháp.» Do vậy liền đến dựa nơi vách để nghe. Nhưng lại chỉ nghe tiếng nói phi pháp. Tỳ Xá-khư lại nghĩ: «Nghe tiếng của tỳ-kheo mà lại nói những việc phi pháp. Tỳ-kheo không nên nói những lời như vậy!» Bà liền nhìn qua lỗ nhỏ, xem thấy Ca-lưu-đà-di với Trai ưu-bà-tư cùng ngồi chỗ trống trải nói việc phi pháp. Thấy vậy, Tỳ Xá-khư Mẫu bèn nghĩ: «Tỳ-kheo này ngồi chỗ phi pháp, lại nói lời phi pháp. Nếu phu chủ của người đàn bà này thấy thì họ sẽ mắng chửi vợ, sanh tâm bất tín». Khi ấy, Tỳ Xá-khư Mẫu ưu-bà-tư liền ra khỏi nhà này, vội vàng đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Bạch đức Thế tôn rồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui.

Khi ấy, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di:

«Có thật ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng ở chỗ trống chăng?»

Ca-lưu-đà-di trả lời:

«Thật vậy, bạch Thế tôn.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng chỗ trống?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi bảo các tỳ-kheo:

«Ca-lưu-đà-di là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới này nên nói như vầy:


Tỳ-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại trống, chỗ không thể hành dâm, nói lời thô tục. Có vị ưu-bà-di trụ tín nói một pháp trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tỳ-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‹tôi phạm tội này.› Vậy cần xử trị một trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-di trụ tín. Cần như pháp xử trị tỳ-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. GIỚI TƯỚNG


Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Chỗ trống: không có tường vách kín đáo, không có cây cối, rào dậu khuất kín và không có các vật ngăn che.

Chỗ không thể hành dâm: chỗ không dung chứa hành động dâm dục được.

Lời nói thô tục: tức là nói việc dâm dục, khen ngợi hai đường tốt xấu.

Ưu-bà-tư trụ tín: tin Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng; không giết, không trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống ruợu; khéo ghi nhớ sự việc không nhầm lẫn, nói lời chơn thật không hư vọng.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, tự nói có làm việc đó thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, mà không tự nói làm việc đó thì nên như lời của ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên như lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo không tự nói tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói làm việc đó thì nên y theo lời của ưu-bà-tư mà xử trị.

Trong đây, không xác định pháp nào, cho nên gọi là bất định.[8] *
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
CHÚ THÍCH :

[1] Ngũ phần 4 (T22n1421, tr.22c14). Tăng kỳ 7 (T22n1425, tr.289c18). Thập tụng 4 (T23n1435, tr.28b8). Căn bản 16 (T23n1442, tr.710a24). Pali, Aniyakaṇḍaṃ, Vin. iii. 186tt.

[2] Trai ưu-bà-tư 齋優婆私. Tăng kỳ 7: Con gái của một người bà-la-môn quen biết. Thập tụng: người quen cũ là ưu-bà-di Quật-đa. Căn bản 16: ưu-bà-di Cấp-đa 笈多. Pali: con gái của một nhà thí chủ; không nói tên cô gái.

[3] Tỳ Xá-khư Mẫu 毘舍佉母. Pali: Visakhā Migaramātā. Bà có nhiều con và cháu, tất cả đều giàu có. Vì vậy, trong mọi lễ hay tiệc, bà đều được mời. Bà đến nhà này cũng do được mời.

[4] Tín nhạo ưu-bà-tư 信樂優婆私. Trong giới văn, nói là trụ tín ưu-bà-tư 住信優婆私. Tăng kỳ7 (T22n1425, tr.290c13): khả tín ưu-bà-di 可信優婆夷; có 16 điều để gọi là ưu-bà-di đáng tin: 3 quy y, 4 bất hoại tịnh, tăng chưa được lợi, giúp cho được lợi; đã được lợi, giúp cho tăng trưởng; tăng mang tiếng xấu, tìm cách dập tắt; không tùy ái, không tùy sân, không tùy bố, không tùy si; ly dục hướng thành tựu giới. Pali: saddheyyavacasā upāsikā, ưu-bà-di mà lời nói đáng tin; giải thích: đây chỉ người nữ đã đắc quả, đắc hiện quán, đã học hiểu giáo pháp.

[5] Tăng kỳ 7: tác yết-ma mịch tội tướng mà xử trị.

[6] Pali, aniyato, vì không xác định là ba-la-di, hay tăng-già-bà-thi-sa, hay ba-dật-đề, nên gọi là bất định.

[7] Trai-ưu-bà-tư 齋優婆私. Xem cht.2 trên.

[8] Pali, aniyato, vì không xác định là ba-la-di, hay tăng-già-bà-thi-sa, hay ba-dật-đề, nên gọi là bất định.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

CHƯƠNG IV

NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ[1]​

I. SÚC TRƯỜNG Y[2]

A. DUYÊN KHỞI

1. Y DƯ

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.[3] Bấy giờ, đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo thọ trì ba y không được dư.
Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo chứa y dư. Hoặc có y mặc buổi sáng. Hoặc có y mặc buổi trưa. Hoặc có y mặc buổi xế. Nhóm sáu thường kinh doanh trang nghiêm y phục, cất chứa như vậy. Các tỳ-kheo thấy, bảo nhóm sáu tỳ-kheo rằng:

«Đức Phật cho phép thọ trì ba y, không được dư. Đây là y của ai?»

«Y dư của chúng tôi đấy.» Nhóm sáu trả lời.

Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Đức Như Lai cho phép thọ trì ba y, tại sao các thầy cất chứa y dư, hoặc có y mặc buổi sáng, hoặc có y mặc giữa ngày, hoặc có y mặc buổi xế?»

Các tỳ-kheo liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.

Đức Thế tôn vì nhân duyên này tập họp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao, nhóm sáu Tỳ-kheo, Như Lai cho phép thọ trì ba y, các ông lại chứa cất y dư?»

Đức Phật dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo:

«Nhóm sáu Tỳ-kheo là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, Chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

«Tỳ-kheo nào chứa y dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.»

2. QUÁ MƯỜI NGÀY

Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, Tôn giả A-nan nhận được một tấm y phấn tảo quý giá[4] từ nơi một người kia, muốn dâng cúng cho đại Ca-diếp.[5] Vì ngài Ca-diếp thường sống hạnh đầu đà, mặc loại y này. Nhưng lúc ấy, ngài không có ở đó. Tôn giả A-nan có ý nghĩ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới, ‹Tỳ-kheo nào chứa y dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Nay, ta nhận được y phấn tảo quý giá, muốn [602a1] dâng cúng cho đại Ca-diếp. Vì đại Ca-diếp thường sống hạnh đầu đà, mặc loại y này. Mà ngài không có ở đây. Không biết làm sao đây?»

A-nan liền đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, bạch đức Thế tôn:

«Bạch Thế tôn, Ngài vì các tỳ-kheo kiết giới, ‹tỳ-kheo nào chứa y dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Nay con nhận được một y phấn tảo quý giá, muốn dâng cúng lên đại Ca-diếp. Vì đại Ca-diếp thường tu hạnh đầy đà, mặc y phấn tảo.» Phật hỏi A-nan:

«Khi nào Ca-diếp về ?»

A-nan bạch Phật:

«Sau mười ngày sẽ về.»

Đức Thế tôn vì nhân duyên này, tập hợp Tăng tỳ-kheo, tùy thuận thuyết pháp cho các tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện nói về thiểu dục tri túc, hạnh đầu đà, ưa pháp xuất ly, rồi bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau cho phép chứa y dư, không quá muời ngày.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:


Tỳ-kheo nào, y đã xong, ca-thi-na đã xả, cất chứa y dư, trong mười ngày không tịnh thí được phép chứa. Nếu quá mười ngày, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. GIỚI TƯỚNG


Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Y đã xong: chỉ là ba y.[6]

Y ca-thi-na đã xả.[7]

Y:[8] có mười loại : y kiều-xa-da, y kiếp-bối (vải), y khâm-bà la, y sô-ma (bố), y sấm-ma, y phiến-na, y ma (vải gai), y bí-di-la, y cưu-di-la, y sấm-la-bán-ni.[9]

Y dư:[10] cho đến miếng vải chiều dài bằng tám ngón tay, chiều rộng bằng bốn ngón tay của Như Lai trở lên đều gọi là y dư.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, được chứa. Ngày thứ hai được y, cho đến ngày thứ mười được y, được chứa. Qua đến ngày thứ mười một, khi bình minh[11] xuất hiện, tất cả y đó trở thành ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai được y, ngày thứ ba không được. Ngày thứ tư được (như vậy lần lần lên đến ngày thứ mười không được, xây dựng câu văn cũng như trên).[12]

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai, ngày thứ ba không được. Ngày thứ tư được, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y nhận được trong tám ngày đó đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai được y, ngày thứ ba và ngày thứ tư không được. Ngày thứ năm được, (như vậy lần lần xuống, cho đến ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).[13]

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư không được y. Ngày thứ năm được y, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong bảy ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai được y, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không được y. Ngày thứ sáu được y, (như vậy chuyển, xuống cho đến ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười, không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).*

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không được y. Ngày thứ sáu được y, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong sáu ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không được. Ngày thứ bảy được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như vậy).*

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không được y. Ngày thứ bảy được y, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong năm ngày đó đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không được y. Ngày thứ tám được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).*

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không được y. Ngày thứ tám được y, cho đến ngày thứ mười được y, nếu qua ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong bốn ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không được y. Ngày thứ chín được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).*
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
a
Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không được y. Ngày thứ chín, ngày thứ mười được y; số y được trong ba ngày đó, nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín không được y. Ngày thứ mười được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).*

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín không được y. Ngày thứ mười được y. Nếu qua ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong hai ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).*

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y. Nếu qua ngày mười một, khi bình minh xuất hiện, số y nhận được trong một ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y không tịnh thí.[14] Ngày thứ hai được y tịnh thí. Ngày thứ ba được y, cho đến ngày thứ mười được y không tịnh thí. Qua đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y nhận được trong chín ngày đó đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y không tịnh thí. Ngày thứ ba được y tịnh thí. Ngày thứ tư được y không tịnh thí (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ mười được y tịnh thí, không tịnh thí, xây dựng câu văn cũng như trên).* Nếu y bị mất (xây dựng câu văn cũng như trên). Nếu làm phi y (đặt câu văn cũng như trên).* Nếu với ý nghĩ là người quen biết lấy (đặt câu văn cũng như trên).* Nếu quên đi (xây dựng câu văn cũng như trên).* Tất cả đều phạm ni-tát-kỳ.

Nếu y phạm xả đọa mà không xả, đem đổi lấy y khác, phạm một ni-tát-kỳ ba-dật-đề và một đột-kiết-la.

Y xả đọa nầy nên xả cho Tăng, hoặc một nhóm người, hoặc một người. Không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, mặc y trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến kính lễ Thượng tọa, quỳ gối, chấp tay, thưa:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tôi, tỳ-kheo tên là..., cố ý chứa y dư như vậy, quá mười ngày, phạm xả đọa. Nay, tôi xả cho Tăng sử dụng.»

Xả y rồi phải sám hối. Người thọ sám phải tác bạch, sau đó mới thọ sám. Lời tác bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tỳ-kheo này tên là..., cố ý chứa y dư như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi thọ sự sám hối của tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.»

Tác bạch như vậy xong, sau đó mới thọ sự sám hối. Vị thọ sám nên nói với phạm nhơn rằng:

«Hãy tự trách tâm ông!»

Phạm nhơn trả lời:

«Xin vâng.»

Nếu Tăng đông, khó tập hợp, mà tỳ-kheo này có duyên sự muốn đi xa thì nên hỏi tỳ-kheo ấy rằng: «Y này, ông muốn cho ai?» Tùy theo lời nói của vị ấy mà cho, và Tăng phải hoàn y nầy lại liền cho tỳ-kheo ấy bằng pháp bạch nhị yết-ma. Nghi thức trao như sau:

Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., cố ý chứa y dư như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem y nầy trao cho tỳ-kheo tên là... kia. Tỳ-kheo tên là... kia sẽ hoàn lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là... cố ý chứa y dư như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng, Tăng đem y này cho tỳ-kheo tên là... kia. Tỳ-kheo tên là... kia sẽ hoàn lại cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng đem y này trao cho [603a1] tỳ-kheo tên là... kia và Tỳ-kheo tên là... kia sẽ hoàn cho tỳ-kheo này, thì im lặng; vị nào không đồng ý, xin nói.

«Tăng đã chấp thuận cho Tỳ-kheo tên là... kia y nầy rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.»

Tỳ-kheo này ở giữa Tăng xả y rồi, mà không được trả lại; Tăng mắc đột-kiết-la.[15] Khi trả lại, có người nói «đừng trả», người ấy mắc đột-kiết-la.

Nếu tác pháp tịnh thí,[16] hoặc gởi cho người khác, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la,[17] hoặc cố ý làm cho hư hoại, hoặc đốt cháy, hoặc làm phi y,[18] hoặc thường xuyên mặc cho hư, đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: không quá mười ngày. Hoặc chuyển tịnh thí.[19] Hoặc gởi cho người. Hoặc tưởng bị giặc cướp; hoặc tưởng bị mất; hoặc tưởng bị cháy; hoặc tưởng bị trôi. [Trong các trường hợp này] không tịnh thí, không gởi cho người, không phạm.

Nếu y bị đoạt, y bị mất, y bị cháy, y bị trôi, lấy mặc,[20] hoặc người khác đưa cho mặc,[21] hoặc người khác đưa cho làm,[22] thì người kia không phạm.

Người nhận gởi gắm y kia hoặc mạng chung, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, hoặc bị giặc bắt dẫn đi, hoặc bị ác thú hại, hoặc nước trôi chìm. Các trường hợp như vầy mà không tác tịnh thí, không gởi cho cho người, cũng không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

II. NGỦ LÌA Y
[23]

A. DUYÊN KHỞI

1. LÌA Y

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đem y gởi nơi tỳ-kheo thân hữu để du hành trong nhân gian. Tỳ-kheo được gởi y, thường thường đem y phơi nắng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi:

«Đức Phật cho phép tỳ-kheo chứa ba y, không được dư. Đây là y của ai ?»

Tỳ-kheo phơi y trải lời:

«Đây là y của nhóm sáu tỳ-kheo. Họ là bạn thân của tôi, đem gởi cho tôi, để du hành trong nhân gian. Sợ bị sâu bọ phá nên tôi đem phơi.»

Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Sao các thầy đem y gởi cho tỳ-kheo thân hữu; lìa y mà du hành trong nhân gian ?»

Hiềm trách rồi, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.

Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại đem y gởi cho tỳ-kheo thân hữu; lìa y mà du hành trong nhân gian ?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Nhóm sáu tỳ-kheo là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa... cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:


«Tỳ-kheo nào, y đã xong, y ca-thi-na đã xả, lìa một trong ba y ngủ đêm nơi khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.»
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
2. CƯƠNG GIỚI CỦA Y

Khi đức Thế tôn vì các Tỳ-kheo kiết giới như vậy, bấy giờ có một tỳ-kheo bị bệnh càn tiêu,[24] có y phấn tảo tăng-già-lê nặng quá. Tỳ-kheo này vì có nhơn duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang nó theo được, tự nghĩ rằng: «Đức Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới, không được lìa y ngủ đêm. Lìa y ngủ đêm, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nay ta bị bệnh càn tiêu, mà ta có y phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhơn duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang theo được. Nay ta nên như thế nào đây?» Vị ấy nói với các tỳ-kheo đồng bạn rằng:

«Đức Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới, không được lìa y ngủ đêm. Lìa y ngủ đêm, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nay tôi bị bệnh càn tiêu, mà tôi có y phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhơn duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang theo được. Nay tôi nên như thế nào? Các Đại đức vì tôi đến bạch đức Thế tôn, Thế tôn dạy thế nào, tôi sẽ phụng hành như vậy.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn liền tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo rằng:

Từ nay về sau, cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo bệnh này pháp bạch nhị yết-ma, kiết không mất y. Nghi thức trao như vầy:

Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giầy dép, đến lễ Thượng tọa, quì gối, chấp tay, bạch xin như vầy:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, Tỳ-kheo tên là..., mắc bệnh càn tiêu, phấn tảo tăng-già-lê này nặng, có nhân duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang theo được. Nay tôi đến xin Tăng pháp không mất y.»

Nên cầu xin như vậy ba lần. Trong Tăng nên sai một vị có thể tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., mắc bệnh càn tiêu, có phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhân duyên muốn du hành trong nhơn gian, nên không thể mang theo được, đến xin Tăng pháp không mất y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này pháp không mất y. Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., mắc bệnh càn tiêu, có phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhân duyên muốn du hành trong nhơn gian, mà không thể mang theo được, nay đến xin Tăng pháp không mất y. Nay, Tăng trao cho tỳ-kheo tên là... pháp không mất y. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo tên là... pháp không mất y thì im lặng; vị nào không đồng ý xin nói.»

«Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo tên là... pháp không mất y rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.»

Từ nay về sau sẽ nói giới như sau :


Tỳ-kheo nào y đã xong, y ca-thi-na đã xả, lìa một trong ba y ngủ đêm chỗ khác, trừ tăng yết-ma, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. GIỚI TƯỚNG


Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Y đã xong: đủ ba y.

Y ca-thi-na đã xả. (như trên)

Ba y: tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội.

Y: có mười loại, như trên đã nói.

Tăng: cùng một thuyết giới, cùng một yết-ma.

Không mất y: trong Tăng-già-lam có một giới. Mất y: trong Tăng-già-lam có nhiều giới.[25]

Không mất y: cây có một giới. Mất y: cây có nhiều giới.

Không mất y: sân[26] có một giới. Mất y: sân có nhiều giới.

Không mất y: xe có một giới. Mất y: xe có nhiều giới.

Không mất y: thuyền có một giới. Mất y: thuyền có nhiều giới.

Không mất y: thôn có một giới. Mất y: thôn có nhiều giới.

Không mất y: nhà có một giới. Mất y: nhà có nhiều giới.

Không mất y: giảng đường có một giới. Mất y: giảng đường có nhiều giới.

Không mất y: kho chứa có một giới. Mất y: kho chứa có nhiều giới.

Không mất y: lẫm có một giới. Mất y: lẫm có nhiều giới.

Tăng-già-lam: có bốn loại như trên.[27]

Cây: cao bằng người, có bóng che đủ để ngồi kiết già.

Sân: nơi đập và phơi ngũ cốc

Xe: chỗ đủ cho xe quay đầu lại.

Thuyền: chỗ đủ cho chiếc thuyền xoay lại.

Thôn: [604a1] có bốn loại như trên.[28]

Giảng đường: có nhiều khoảng trống.

Kho: nơi chứa các vật mua bán, ngựa xe v.v...

Lẫm: chỗ chứa ngũ cốc.

Giới Tăng-già-lam: giới Tăng-già-lam này, chẳng phải giới Tăng-già-lam kia. Giới Tăng-già-lam này, chẳng phải giới của cây kia. Cho đến giới của kho chứa này chẳng phải giới của kho chứa kia, cũng như vậy.

Giới cây này chẳng phải giới cây kia. Cho đến giới kho chứa, giới của Tăng-già-lam cũng như vậy.

Giới của sân này chẳng phải giới của sân kia. Cho đến giới Tăng-già-lam, giới cây, cũng như vậy. Ngoài ra xây dựng câu văn cũng như trên.

Giới Tăng-già-lam: ở đường biên của Tăng-già-lam, với sức người trung bình, dùng đá hoặc gạch quăng đến chỗ nào thì nơi đó gọi là giới.[29] Cho đến giới của kho chứa cũng như vậy.

Nếu tỳ-kheo để y ở trong Tăng-già-lam, lại ngủ ở dưới gốc cây, khi bình minh chưa xuất hiện, hoặc xả y, hoặc tay cầm y, hoặc đến chỗ đá quăng tới. Nếu không xả y, hoặc tay cầm y, hoặc đến chỗ đá quăng tới; khi bình minh xuất hiện, tùy theo chỗ lìa y ngủ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Trừ ba y, lìa các y khác, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo để y trong Tăng-già-lam, đến chỗ sân phơi. Bình minh chưa xuất hiện, hoặc xả y, hoặc tay phải nắm y, hoặc đến chỗ đá quăng tới. Nếu không xả y, không đến chỗ đá quăng tới, mà bình minh xuất hiện, tùy theo chỗ lìa y ngủ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Cho đến ngủ nơi kho chứa, mỗi mỗi câu cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo để y dưới gốc cây, đến ngủ chỗ sân phơi lúa cho đến ngủ nơi kho chứa, Tăng-già-lam thì cũng như vậy.

Không mất y: Nếu nơi a-lan-nhã không có giới, trong khoảng tám cây.[30] Một cây là bảy cung. Cung pháp nước Giá-ma-lê[31] trung bình dài bốn khủy tay.

Nếu tỳ-kheo nơi a-lan-nhã có thôn, để y trong khoảng tám cây, ngủ chỗ khác, bình minh chưa xuất hiện. Không xả y, tay không nắm y, hoặc không đến chỗ đá quăng tới, khi bình minh xuất hiện, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ ba y, lìa các y khác, đột-kiết-la.

Y xả đọa này nên xả cho Tăng, hoặc một nhóm người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả biệt chúng, không thành xả phạm đột-kiết-la.

Khi xả cho Tăng, đương sự nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa quỳ gối, chấp tay, thưa như vậy:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là..., đã lìa y ngủ, phạm xả đọa. Nay, tôi xả cho Tăng.»

Phạm nhơn xả rồi phải sám hối. Vị thọ sám hối phải tác bạch, sau đó mới thọ sám. Tác bạch như vầy:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., lìa y ngủ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sám hối cho vị tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»

Bạch như vậy rồi, sau mới nhận sám hối. Vị nhận sám hối nên nói với phạm nhân rằng:

«Hãy tự trách tâm ông!»

Phạm nhân trả lời:

«Xin vâng.»

Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này, liền bạch nhị yết-ma. Thể thức trao lại y như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên, tác bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., lìa y ngủ, phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo... Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., lìa y ngủ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay, Tăng đem y nầy hoàn lại cho tỳ-kheo tên... Các trưởng lão chấp thuận, Tăng đem y nầy hoàn lại cho tỳ-kheo... kia thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói.

«Tăng đã chấp thuận trao y cho tỳ-kheo... kia rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.»

Nếu ở trong Tăng xả y rồi, mà không hoàn lại, Tăng phạm đột-kiết-la. Khi hoàn lại, có người nói: đừng hoàn, người ấy phạm đột-kiết-la.

Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la,[32] hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc luôn cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Đã được Tăng tác yết-ma. Khi bình minh chưa xuất hiện, tay nắm y, hoặc cả y, hoặc đến chỗ đá quăng tới, hoặc tưởng bị cưỡng đoạt, hoặc tưởng bị mất, hoặc tưởng bị cháy, hoặc tưởng bị nước trôi, hoặc tưởng bị hư hoại. Nếu đường thủy bị đứt đoạn, đường bộ bị hiểm nạn, hoặc bị giặc cướp, hoặc nạn ác thú, hoặc nước lên lớn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không xả y, tay không nắm tới y, không đến chỗ đá quăng tới thì không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
III. CHỜ Y MỘT THÁNG[33]

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo, y tăng-già-lê bị cũ rách hư hoại, tự nghĩ rằng: «Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Y đã xong, y ca-thi-na đã xả, cho phép chứa y dư trong mười ngày. Chứa quá hạn định ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Song, tăng-già-lê này của ta bị cũ hư mục, trong vòng mười ngày không thể may xong. Bây giờ, ta nên như thế nào?» Vị ấy liền nói với tỳ-kheo đồng ý rằng:

«Lành thay! Đại đức vì tôi bạch lên đức Thế tôn. Ngài dạy thế nào tôi sẽ phụng hành thế ấy.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên nầy bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo và bảo:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được chứa y dư, vì chờ cho đủ.»

Nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép chứa y dư vì chờ cho đủ. Họ có y phấn tảo và các loại y khác, cùng loại mà chưa đủ, liền lấy trong đó y phấn tảo giặt và nhuộm, bốn đầu góc điểm tác tịnh, đem đến gởi các tỳ-kheo thân hữu rồi du hành trong nhân gian. Vì họ đi lâu quá không trở lại, tỳ-kheo nhận gởi sợ y ẩm ướt đem phơi. Các tỳ-kheo thấy, hỏi:

«Thế tôn đã chế giới, cho phép chứa ba y, không được quá. Y nầy của ai?»

Tỳ-kheo nhận gởi trả lời:

«Y nầy là của nhóm sáu tỳ-kheo. Nhóm sáu tỳ-kheo nói: ‹Đức Thế tôn chế giới, cho phép được chứa y dư cho đến khi nào có đủ.› Họ có y phấn tảo và các loại y khác, cùng loại mà chưa đủ, nên lấy trong đó y phấn tảo, giặt và nhuộm, bốn đầu góc điểm tác tịnh, đem gởi cho tôi để du hành trong nhơn gian. Sợ hư mục nên tôi đem hong phơi.»

Lúc ấy, trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Tại sao nói đức Thế tôn cho phép chứa y dư vì chờ cho đủ, mà vì cùng loại y chưa đủ, lấy trong đó y phấn tảo giặt và nhuộm, bốn đầu góc điểm tác tịnh, đem gởi cho tỳ-kheo thân hữu để du hành trong nhơn gian?»

Các tỳ-kheo liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này, nhóm sáu tỳ-kheo! Tại sao Thế tôn cho phép tỳ-kheo chứa y dư vì chờ cho đủ, mà vì cùng loại y [605a1] chưa đủ lại lấy trong đó y phấn tảo giặt nhuộm, bốn đầu điểm tác tịnh, đem gởi cho tỳ-kheo thân hữu để du hành trong nhơn gian?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:

«Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:


Tỳ-kheo nào y đã đủ, y ca-thi-na đã xả, nếu tỳ-kheo được y vải phi thời, cần thì nhận; nhận rồi mau chóng may thành y; đủ thì tốt, không đủ thì được phép chứa một tháng vì chờ cho đủ; nếu chứa quá hạn, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. GIỚI TƯỚNG


Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Y đã xong: đủ ba y và y ca-thi-na đã xả.

Thời: không thọ y ca-thi-na thì sau lễ tự tứ một tháng; có thọ y ca-thi-na thì sau lễ tự tứ năm tháng.

Phi thời: nếu quá thời hạn của y nầy.

Y: có mười loại như trên đã nói.

Nếu trong mười ngày, cùng loại y,[34] đủ thì nên cắt rọc ra, lược may thành y. Hoặc tác pháp tịnh thí hoặc khiến cho người. Nếu không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không gởi cho người, ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, tùy theo số y (vải) nhiều hay ít, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu y cùng loại không đủ, đến ngày thứ mười một, y cùng loại mới đủ, trong ngày liền phải cắt rọc, lược may thành y. Nếu không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không sai cho người, đến ngày thứ mười hai, khi bình minh xuất hiện, tùy theo số y nhiều hay ít, đều phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Như vậy, cho đến ngày thứ hai mươi chín cũng thế. Nếu cùng loại y không đủ, ngày ba mươi đủ hay không đủ, cùng loại hay không cùng loại, trong ngày đó cũng phải cắt rọc, lược may thành y, hoặc tịnh thí, hoặc sai cho người. Nếu không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không sai cho người, đến ngày thứ ba mươi mốt, khi bình minh xuất hiện, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng hoặc nhiều người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả phạm đột-kiết-la.

Khi xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giầy dép đến lễ Thượng tọa, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., có y như vậy, chứa quá số ngày như vậy, phạm xả đọa. Nay tôi xả cho Tăng.»

Xả rồi phải sám hối. Người nhận sám hối phải tác bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., có y như vậy, chứa quá số ngày như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.»

Tác bạch như vậy rồi, sau đó mới nhận sự sám hối. Khi nhận sự sám hối nên nói với phạm nhơn rằng:

«Hãy tự trách tâm ông!»

Phạm nhơn đáp:

«Xin vâng.»

Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này ngay, bằng pháp bạch nhị yết-ma như sau: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., có cái y như vậy, chứa quá số ngày như vậy, phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., có cái y như vậy, chứa quá ngày như vậy, phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y nầy hoàn lại cho tỳ-kheo có tên… Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo có tên... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»

«Tăng đã thuận trao y cho tỳ-kheo có tên... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.»

Nếu trong Tăng, xả y rồi, không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Khi hoàn lại, nếu có người bảo «đừng trả», thì người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không trả lại, chuyển tịnh thí, hoặc khiến cho người, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc luôn luôn mặc cho hư, đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề; Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Chứa trong vòng mười ngày. Y cùng loại đủ, cắt rọc, lược may thành y. Cùng loại y không đủ, đến ngày thứ mười một cùng loại y đủ, đã được cắt rọc, lược may thành y. Hoặc tịnh thí, sai cho người. Cho đến ngày hai mười chín cũng như vậy. Ngày thứ ba mươi đủ hay không đủ, cùng loại hay không đồng loại, nội nhật phải cắt rọc, lược may thành y, hoặc tịnh thí, sai cho người, thì không phạm.

Tưởng bị đoạt, tưởng bị mất, tưởng bị cháy, tưởng bị nước trôi mà không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không sai cho người thì không phạm. Nếu y bị đoạt, y bị mất, y bị cháy, y bị nước trôi, lấy mặc, hoặc người cho mặc, hoặc làm mền thì không phạm. Nếu tỳ-kheo nhận gởi y, mạng chung, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, bị giặc, hoặc bị ác thú hại, hoặc bị nước trôi không cắt rọc, không lược, không may thành y, không sai cho người thì không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
IV. NHẬN Y PHI THÂN LÝ NI[35]

A. DUYÊN KHỞI

1. LIÊN HOA SẮC

Một thời, đức Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành La-duyệt.

Bấy giờ, có người thiếu nữ tên là Liên Hoa Sắc,[36] cha mẹ nàng gả nàng cho người Uất-thiền.[37] Sau đó, nàng mang thai, muốn trở về nhà cha mẹ. Nàng sanh được một đứa con gái, dung mạo đoan chánh.

Liên Hoa Sắc cùng người con gái ở chung một nhà. Trong thời gian này, chồng của Liên Hoa Sắc tư thông cùng với mẹ của Liên Hoa Sắc, bị đứa tớ gái của Liên Hoa Sắc bắt gặp, và thưa lại với Liên Hoa Sắc việc ấy. Liên Hoa Sắc nghe sự việc như vậy, thầm nghĩ và than rằng: «Sao con gái lại cùng với mẹ lấy chung một chồng. Thân người con gái để làm gì?» Liên Hoa Sắc đành bỏ hài nhi đang bồng trong tay, cải trang ra đi, đến nơi thành Ba-la-nại, đứng ngoài cửa thành. Thân hình đầy bụi bậm, và gót chân bị rách. Lúc đó, trong thành có ông trưởng giả, vợ ông vừa mạng chung, cỡi xe ra khỏi thành Ba-la-nại, để đến công viên ngắm cảnh. Ông trưởng giả gặp Liên Hoa Sắc đang đứng bên ngoài cửa thành, dung mạo đoan chánh mà thân hình lại đầy bụi bặm, gót chân rách nát, nên để ý Liên Hoa Sắc. Ông liền đến trước người nữ, hỏi:

«Cô thuộc về ai ?»

Liên Hoa Sắc trả lời:

«Tôi không thuộc về ai cả.»

Ông trưởng giả lại hỏi:

«Nếu chưa thuộc về ai thì có thể vì tôi làm vợ được không ?»

Liên Hoa Sắc trả lời:

«Cũng được !.»

Ông trưởng giả liền bảo lên xe, chở về nhà làm vợ.

Sau một thời gian, ông trưởng giả, chồng của Liên Hoa Sắc, tập trung nhiều của quý từ Ba-la-nại đến nước Uất-thiền để buôn bán. Nơi đây, lúc bấy giờ gặp ngày đại hội, đồng nữ trong nước đến vui chơi. Người con gái của Liên Hoa Sắc, trang sức đẹp đẽ, cũng ở trong số đông những người nữ đó. Thấy người con gái nầy đoan chánh, nên ông trưởng giả để ý, liền hỏi người bên cạnh:

«Cô gái này là ai ?»

Đáp rằng:

«Cô gái này tên như vậy»

Lại hỏi:

«Nhà cô ở đâu ?»

Đáp rằng:

«Nhà cô ở tại chỗ ấy.»

Lại hỏi:

«Đường gì ?»

Đáp rằng:

«Đường tên như vậy.

Trưởng giả lại hỏi:

«Cửa ngõ của nhà xoay về hướng nào ?»

Đáp:

«Cửa ngõ của nhà xoay về hướng ấy.»

Ông trưởng giả liền đến nhà đó, hỏi người cha rằng:

«Cô gái này là con của ông phải không ?»

Đáp rằng:

«Con gái của tôi đó.»

Lại hỏi:

«Ông có thể gả cho tôi không ?»

Đáp rằng:

«Vâng, có thể được.»

Ông trưởng giả hỏi:

«Ông cần đòi bao nhiêu của ?»

[606a1] Người cha của cô gái trả lời:

«Trao cho tôi trăm ngàn lượng vàng.»

Ông trưởng giả bèn trao đủ số. Cha của cô gái trang điểm cho con mình.

Từ nước Uất-thiền họ trở về Ba-la-nại. Liên Hoa Sắc nhìn thấy liền có cảm tưởng như đang nhìn đứa con gái mình. Cô gái này thấy Liên Hoa Sắc cũng với ý nghĩ là mẹ mình. Hai người gần gũi nhau thời gian lâu, Liên Hoa Sắc chải đầu cho người nữ kia và hỏi rằng:

«Cô em là người nước nào ? Con gái nhà ai ?»

Người nữ kia trả lời:

«Em là người nước Uất-thiền.»

Liên Hoa Sắc lại hỏi:

«Nhà ở chỗ nào ? Đường nào ? Cửa ngõ xoay về hướng nào ? Cha mẹ là ai ?»

Người nữ kia trả lời:

«Nhà của em ở chỗ nọ, chỗ kia, vân vân. Cha em tên như vậy như vậy.»

Liên Hoa Sắc lại hỏi:

«Mẹ của em họ gì ?»

Nữ đáp rằng:

«Em không biết mẹ. Chỉ nghe người ta nói mẹ tên là Liên Hoa Sắc. Bỏ nhà đi lúc em còn nhỏ.»

Lúc ấy, Liên Hoa Sắc lòng tự nghĩ rằng: «Đây chính là con của ta.» Nàng tự oán trách mình, «Ôi! Thân người nữ để làm gì? Tại sao ngày nay, mẹ và con lại cùng lấy một chồng?» Liên Hoa Sắc liền bỏ nhà ra đi.

Khi Liên Hoa Sắc đến vườn Trúc khu Ca-lan-đà nơi thành La-duyệt, lúc bấy giờ, đức Thế tôn đang nói pháp cho vô số đại chúng vây quanh. Từ xa thấy đức Thế tôn tướng mạo đoan chánh, các căn tịch tịnh, đạt được chế ngự tối thượng như con voi chúa đã thuần, như nước lóng trong, không có bụi dơ, Liên Hoa Sắc phát tâm hoan hỷ, liền đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên.

Bấy giờ, đức Thế tôn tuần tự nói pháp vi diệu, nói về bố thí, về trì giới, về sanh thiên và chê trách dục là bất tịnh; tán thán sự xuất ly. Đức Thế tôn nói về bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Tận, Đạo, phân biệt đầy đủ.

Bấy giờ, từ chỗ ngồi, Liên Hoa Sắc đạt được pháp nhãn tịnh. Ví như tấm lụa trắng mới và sạch, không có bụi bẩn, dễ nhuộm màu sắc. Liên Hoa Sắc đặng pháp thanh tịnh cũng lại như vậy; thấy pháp, đắc pháp, đắc thành quả chứng, bèn bước lên phía trước, bạch Phật rằng:

«Nguyện đức Thế tôn cho con xuất gia, ở trong pháp của Phật, tu hạnh thanh tịnh.»

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

«Ông dẫn Liên Hoa Sắc này đến chỗ Ma-ha Ba-xà-ba-đề, cho phép cô xuất gia.»

Tôn giả A-nan liền vâng lời đức Phật dạy, dẫn Liên Hoa Sắc đến chỗ Ma-ha Ba-xà-ba-đề nói rằng:

«Đức Thế tôn có dạy, Bà hãy độ người phụ nữ này xuất gia.»

Liên Hoa Sắc liền được cho phép xuất gia.

Một thời gian sau đó, Liên Hoa Sắc nhờ nổ lực tư duy ngày càng tinh tấn, nên chứng đặng A-la-hán, đạt được đại thần lực.[38]

Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni trụ nơi chỗ không nhàn,[39] nhưng Liên Hoa Sắc tỳ-kheo-ni ngồi riêng trong một khu rừng khác[40] tư duy. Nơi trú xứ của Liên Hoa Sắc, lại có tên đầu lĩnh của bọn cướp thường ở tại đó. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc chấp trì oai nghi lễ tiết, khoan thai, nên tên đầu lĩnh giặc thấy vậy liền sanh thiện tâm.

Thời gian sau đó, tướng giặc bắt được nhiều thịt heo. Ăn xong còn dư, gói lại đem treo trên nhánh cây và nói: «Trong rừng này, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, có đại thần lực thì lấy đem đi.» Tuy nói như vậy, nhưng tâm thì vì tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc.

Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc nhờ thiên nhĩ nghe, thiên nhãn thanh tịnh thấy, nên dùng tấm lụa trắng gói thịt heo treo lên nhánh cây. Sáng ngày nói với thức-xoa-ma-na, sa-di-ni rằng:

«Các con đến nơi chỗ đó. Trên nhánh cây, có cái gói bằng lụa trắng, trong đó có thịt heo. Lấy mang về.»

Cô ấy liền đến lấy về, đưa cho tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc. Tỳ-kheo Liên Hoa Sắc bảo nấu, rồi đến giờ ăn, tự tay mình đem lên trên núi Kỳ-xà-quật, dâng lên cúng dường các tỳ-kheo Thượng tọa.

Bấy giờ, có một tỳ-kheo mặc chiếc tăng-già-lê cũ rách vá chằm. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc thấy vậy, phát tâm từ mẫn, liền hỏi vị tỳ-kheo rằng:

«Thưa Đại đức! Sao Ngài mặc chiếc tăng-già-lê cũ rách đến thế?»

Vị tỳ-kheo ấy trả lời:

«Đại tỷ! Đây là pháp phải diệt tận, nên tệ hại như vậy.»

Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc đang khoác chiếc tăng-già-lê quí giá, nên thưa với vị tỳ-kheo ấy rằng:

«Thưa Đại đức! Con xin cúng chiếc y nầy cho Đại đức. Đại đức cho con xin chiếc y hiện Đại đức đang mặc có được không?» Vị Tỳ-kheo ấy trả lời:

«Được.»

Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền cởi y tăng-già-lê trao cho tỳ-kheo và lấy chiếc y cũ rách của tỳ-kheo mặc vào. Sau đó, Liên Hoa Sắc mặc chiếc y cũ rách này đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên. Đức Thế tôn biết mà cố hỏi Liên Hoa Sắc:

«Tại sao cô mặc chiếc y cũ rách đến thế?»

Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền đem nhơn duyên trên bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo:

«Nầy Liên Hoa Sắc! Cô không nên làm như vậy. Như lai cho phép cô chứa giữ năm y nguyên vẹn bền chắc.[41] Ngoài ra còn dư, mới tùy ý tịnh thí hoặc cho người. Tại sao vậy? Vì người nữ mặc y phục thượng hạng còn chưa tốt, huống chi là mặc y xấu.»

Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà cố hỏi tỳ-kheo kia rằng:

«Thật sự ông có nhận y từ tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc chăng?»

Vị tỳ-kheo kia thưa:

«Bạch đức Thế tôn đúng như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo kia:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại nhận y từ tỳ-kheo-ni?»

Quở trách rồi, đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Người này là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo biết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vậy:


Tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni,[42] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

2. NHỮNG NGOẠI LỆ


Khi đức Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, các tỳ-kheo đều sợ nên cẩn thận không dám nhận lấy y từ nơi tỳ-kheo-ni thân quyến. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni thân quyến. Tại sao vậy? Nếu không phải thân quyến thì không thể trù lượng được là nên lấy hay không nên lấy; hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc cũ, hoặc mới. Nếu là thân quyến thì trù lượng được, biết họ có khả năng hay không, nên nhận không nên nhận, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc cũ, hoặc mới.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

«Tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.»

Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như trên rồi, thì bấy giờ, trong Kỳ- hoàn, hai bộ Tăng[43] nhận được y cúng dường, cùng chia.

Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận nhầm y của tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo-ni nhận nhầm y của tỳ-kheo. Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni mới đem y đến trong Tăng-già-lam, thưa với tỳ-kheo rằng:

«Tôi đem y nầy đến trao cho Đại đức, Đại đức trao y của Đại đức cho tôi.»

Các tỳ-kheo bảo:

«Đức Phật không cho phép chúng tôi thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.»

Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

Từ nay về sau, cho phép trao đổi y. Muốn nói giới phải nói như vầy:


Tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ đổi chác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. GIỚI TƯỚNG


Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Chẳng phải thân quyến:[44] chẳng phải cha mẹ thân quyến cho đến bảy đời không thân.

Thân quyến:[45] cha mẹ thân quyến cho đến bảy đời thân quyến.

Y: có mười loại như đã nói ở trên.

Đổi chác:[46] dùng y đổi y, dùng y đổi phi y, hoặc dùng phi y đổi y, hoặc dùng kim đổi lấy ống đồng, hoặc dao, hoặc chỉ... cho đến một viên thuốc để đổi y.

Nếu tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ nơi tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ đổi chác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Vật ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả phạm đột-kiết-la.

Khi xả cho Tăng, nên đến trong Tăng, [607a1] trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối, chấp tay, tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»

Xả rồi phải sám hối. Trước hết người thọ sám nên tác bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là...., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi thọ sự sám hối của tỳ-kheo nầy tên là... Đây là lời tác bạch.»

Bạch rồi mới nhận sám hối. Vị nhận sám hối nên nói với phạm nhân rằng:

«Hãy tự trách tâm ông!»

Phạm nhơn đáp:

«Xin vâng.»

Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo nầy liền, bằng bạch nhị yết-ma để trao. Tăng nên sai một Tỳ-kheo có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng; Tăng chấp thuận trả lại y cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Tăng nay đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo nầy tên là... Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem y này trải lại cho tỳ-kheo có tên này thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói.

«Tăng đã chấp thuận trao cho y cho tỳ-kheo kia tên là... rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.»

Trước Tăng, đã xả y rồi, mà Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Khi trả y, nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc luôn cho cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó là phạm.

Sự không phạm: Thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni thân quyến, hoặc đổi chác. Vì Tăng vì Phật đồ mà lấy thì không phạm.

Người không phạm: đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

V. NHỜ PHI THÂN LÝ NI GIẶT Y CŨ
[47]

A. DUYÊN KHỞI


Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-lưu-đà-di có nhan sắc đoan chánh. Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà cũng lại đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý Thâu-lan-nan-đà. Thâu-lan-nan-đà cũng để ý Ca-lưu-đà-di.

Đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến chỗ Thâu-lan-nan-đà, ngồi ngay trước mặt, để lộ hình. Tỳ-kheo-ni cũng lại ngồi để lộ hình. Hai bên nhìn nhau với dục tâm. Một lúc sau, Ca-lưu-đà-di xuất đồ bất tịnh, làm bẩn an-đà-hội. Thâu-lan-nan-đà thấy vậy nói rằng:

«Đại đức đưa cái y đây, tôi giặt cho.»

Ca-lưu-đà-di liền thay đưa cho. Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà nhận được y, đến chỗ vắng dùng ngón tay lấy đồ bất tịnh cho vào miệng, rồi lại lấy một ít cho vào trong đường tiểu tiện, sau đó có thai. Các tỳ-kheo-ni thấy vậy hỏi rằng:

«Cô không biết hổ thẹn, đã làm hạnh bất tịnh.»

Thâu-lan-nan-đà nói:

«Đại tỷ! Tôi không phải không có hổ thẹn. Tôi không phạm tịnh hạnh.»

Các tỳ-kheo-ni nói:

«Nếu cô không phạm tịnh hạnh thì tại sao có thai? Các tỳ-kheo-ni không phạm tịnh hạnh sao họ lại không có thai?»

Bấy giờ, Thâu-lan-nan-đà mới đem sự việc đã xảy ra trình bày rõ ràng với các tỳ-kheo-ni.

Trong số các tỳ-kheo-ni nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, vì nhơn duyên này hiềm trách Ca-lưu-đà-di:

«Sao Tôn giả lại nhờ tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà làm việc như vậy?»

Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật.

Lúc bấy giờ, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di:

«Có thật ông đã nhờ tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà làm việc như vậy chăng?»

Ca-lưu-đà-di thừa nhận là có.

Đức Phật dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại nhờ tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà làm việc như vậy?»

Quở trách xong, Phật bảo các tỳ-kheo:

«Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vậy:

«Tỳ-kheo nào, khiến tỳ-kheo-ni giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.»

Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo chế giới như vậy rồi, sau đó các tỳ-kheo đều sợ, cẩn thận không dám khiến tỳ-kheo-ni thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập. Đức Phật dạy:

«Cho phép các tỳ-kheo khiến tỳ-kheo-ni thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập... »

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:


Tỳ-kheo nào, khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. GIỚI TƯỚNG


Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Chẳng phải thân quyến: như trên đã giải.

Thân quyến: cũng như vậy.

Y cũ: là chỉ cần một lần mặc qua.

Y: nói mười loại như trên.

Nếu tỳ-kheo khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, (tỳ-kheo) phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Bảo giặt, nhuộm, đập, nhưng cô ni chỉ giặt nhuộm mà không đập, (tỳ-kheo) phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề, một đột-kiết-la.

Bảo giặt, nhuộm, đập mà cô ni giặt, không nhuộm mà đập, phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề, một đột-kiết-la.

Bảo giặt, nhuộm, đập, nhưng cô ni không giặt mà nhuộm đập, (tỳ-kheo) phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề, một đột-kiết-la.

Bảo giặt, nhuộm, đập, nhưng ni không giặt, không nhuộm, không đập, (tỳ-kheo) phạm ba đột-kiết-la.

Nếu tỳ-kheo khiến thức-xoa-ma-na, sa-di-ni chẳng phải thân quyến giặt nhuộm, đập y cũ, (tỳ-kheo) phạm đột-kiết-la.

Nếu bảo tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y mới, (tỳ-kheo) phạm đột-kiết-la.

Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả, phạm đột-kiết-la.

Khi xả cho Tăng, nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối bên hữu sát đất, chấp tay thưa:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, Tỳ-kheo tên là..., đã khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»

Xả rồi phải sám hối. Trước hết vị thọ sám phải bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., đã khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên là... Đây là lời tác bạch.»

Bạch rồi sau đó mới nhận sám hối. Vị nhận sám hối nên nói với phạm nhân:

«Hãy tự trách tâm ông!»

Phạm nhân đáp:

«Xin vâng.»

Tăng nên trả y lại cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Tăng sai một vị có thể tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng; Tăng chấp thuận, đem y nầy trả lại cho tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng; Tăng chấp thuận đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y này hoàn lại cho [608a1] tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»

«Tăng đã đồng ý trao y cho tỳ-kheo tên là... rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.»

Trong Tăng vị tỳ-kheo này đã xả y rồi, nếu Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Khi trả lại, có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không trả lại, mà chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc đốt, hoặc cố làm cho hư hoại, hoặc mặc luôn cho rách, đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó là phạm.

Sự không phạm: Trao y cũ cho ni thân quyến giặt, nhuộm, đập; hoặc vì người bệnh mà giặt, nhuộm, đập; hoặc vì Tăng, Phật đồ giặt nhuộm đập; hoặc mượn y người khác giặt, nhuộm, đập thì không phạm.

Người không phạm: đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[48]
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

VI. XIN Y NƠI NHÀ PHI THÂN LÝ[49]

A. DUYÊN KHỞI


1. XIN Y TỪ PHI THÂN LÝ


aaaaMột thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một gia chủ,[50] vào buổi sáng, thắng cỗ xe, cùng đoàn tùy tùng đến công viên, rồi quay xe trở lại tinh xá Kỳ-hoàn; để xe bên ngoài cửa ngõ Kỳ-hoàn, đi bộ vào gặp Bạt-nan-đà Thích tử; lễ kính, hỏi chào. Rồi ngồi phía trước mặt mà nghe pháp.

Bạt-nan-đà Thích Tử là người biện tài, trí tuệ, nói pháp khéo léo. Ông nói pháp cho gia chủ này nghe dưới nhiều hình thức khác nhau, khai hóa, khuyến khích, khiến gia chủ sanh lòng hoan hỷ. Gia chủ nghe pháp rồi, liền nói với Bạt-nan-đà rằng:

«Tôn giả cần gì, xin cho biết.»

Bạt-nan-đà trả lời:

«Không cần gì cả. Sự thỉnh cầu này cũng là sự cúng dường rồi.»

Gia chủ lại nói:

«Xin Ngài cứ nói. Nếu cần dùng thứ gì, không nên ái ngại.»

Bạt-nan-đà nói:

«Thôi! Thôi! Không phiền hỏi nữa. Giả sử tôi có điều cần thì gia chủ cũng không thể cho được đâu.»

Gia chủ lại nói:

«Xin Ngài cứ nói. Tôi sẽ theo sự cần dùng mà cung cấp cho.»

Lúc ấy, gia chủ này mặc chiếc áo lụa trắng, rộng dài, quý giá. Bạt-nan-đà nói:

«Chiếc y ông đang mặc, có thể cho tôi. Tôi cần chiếc y đó.»

Gia chủ trả lời:

«Sáng mai đến nhà, tôi sẽ trao cho Ngài.»

Bạt-nan-đà nói:

«Tôi đã nói với ông trước rồi, ‹Giả sử tôi có điều cần thì Gia chủ cũng không thể cho được đâu.› Điều đó bây giờ đúng như tôi đã nói.»

Gia chủ thưa:

«Tôi cho Ngài chứ chẳng phải là không cho. Nhưng ngày mai hãy đến, tôi sẽ cho y này. Hoặc cho cái khác còn tốt hơn nữa. Bây giờ, nếu cởi chiếc y này dâng cho Ngài thì cũng được, nhưng tôi không thể không có y mà vào thành Xá-vệ.»

Bạt-nan-đà nói:

«Thôi! Thôi! Tôi không cần nữa.»

Khi ấy, gia chủ nổi giận, không vui, liền cởi y xếp lại trao cho Bạt-nan-đà và nói rằng:

«Tôi đã thưa với Đại đức là ngày mai hãy đến, tôi sẽ cho y này, hoặc cho cái khác còn tốt hơn nữa. Nhưng Đại đức không tin, khiến cho bây giờ tôi chỉ quấn một chiếc y[51] mà vào thành Xá-vệ.»

Rồi, gia chủ ra khỏi tinh xá Kỳ-hoàn, lên xe, chỉ quấn một chiếc y mà vào thành. Người giữ cửa thấy vậy liền hỏi ông gia chủ:

«Ông từ đâu về? Bị ai cướp y?»

Ông gia chủ bảo:

«Vừa bị giặc cướp trong Kỳ-hoàn.»

Lập tức người giữ cửa liền vớ ngay dao gậy, định đi đến Kỳ-hoàn. Gia chủ nói:

«Thôi! Thôi! Khỏi phải đi.»

Người giữ cửa hỏi:

«Tại sao vậy?»

Bấy giờ, gia chủ thuật rõ nhơn duyên. Các cư sĩ nghe qua đều cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử mong cầu nhiều, không biết đủ, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có chánh pháp gì? Sao lại đòi cho kỳ được chiếc áo mà gia chủ đang mặc trên thân? Đàn-việt cúng dường tuy không nhàm chán nhưng người thọ nhận phải biết đủ chứ.»

Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Sao Thầy lại đòi cho kỳ được chiếc áo quý giá mà ông gia chủ đang mặc trên người?»

Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn mới tập hợp các tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Bạt-nan-đà:

«Có thật ông đòi cho được chiếc áo mà ông gia chủ đang mặc trên người hay không?»

Bạt-nan-đà thưa:

«Bạch Thế tôn, có như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rằng:

«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại đòi xin cho kỳ được chiếc y mà ông gia chủ đang mặc trên mình?»

Đức Phật quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:

«Bạt-nan-đà là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vậy:

«Tỳ-kheo nào, xin y nơi cư sĩ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.»

Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, các tỳ-kheo đều sợ, cẩn thận không dám xin y nơi cư sĩ thân quyến. Đức Phật dạy:

«Các tỳ-kheo xin y nơi cư sĩ thân quyến, không phạm.»

Từ nay về sau muốn nói giới, nên nói như vầy:

«Tỳ-kheo nào, xin y nơi cư sĩ chẳng phải thân quyến, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.»
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Bên trên