Vạn hạnh khởi như mây nhóm, chẳng chấp vào một pháp nào

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
65. Nêu bày ý nghĩa ẩn tàng của việc khuyên trì kinh Kim Cang



Mười pháp giới thánh - phàm, chúng sanh - Phật cao - thấp bất đồng, khổ - vui thật khác biệt, nhưng bản thể của cái tâm đều tịch chiếu thường hằng, chẳng sanh, chẳng diệt, linh minh tinh diệu, không biến, không dời. Nói: “Con người cùng một tâm này, tâm cùng một lý này. Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh” là vì lẽ này vậy. Phải biết cái tâm này chẳng liên can đến nhân - quả, tu - chứng, phàm - thánh, chúng sanh - Phật, nhưng nhân - quả, tu - chứng, phàm - thánh, chúng sanh - Phật đều được kiến lập trên cái tâm này. Ấy là vì Thể tuy bất biến, Dụng thường tùy duyên. Hễ theo ngộ tịnh duyên bèn thành tứ thánh pháp giới. Nếu theo mê nhiễm duyên liền thành lục phàm pháp giới. Dù ngộ tịnh đến cùng cực viên mãn Bồ Đề, an trụ trong Tịch Quang, hay mê nhiễm đến tột cùng vĩnh viễn đọa trong A Tỳ, chịu các nỗi khổ cùng cực, căn thân khí giới[29] cố nhiên phải khác biệt một trời một vực, nhưng bản thể của tâm đều hoàn toàn chẳng có tăng thêm hay bị tổn hoại trong những thời gian ấy. Nếu biết được nghĩa này, ai lại chịu dùng cái tâm có thể thành Phật đầy đủ pháp lạc này để làm chúng sanh vĩnh viễn oan uổng hứng chịu nỗi khổ sanh tử luân hồi?

Kinh Kim Cang là diệu pháp để triệt chứng tự tánh ngay nơi tự tâm của hết thảy chư Phật, là con đường tắt để hết thảy chúng sanh rốt ráo siêu phàm nhập thánh. Vì thế, nói: Hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều phát xuất từ kinh này. Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa được vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Vô Sư Trí, Vô Ngại Trí liền được hiện tiền”. Do vậy, kinh này nhiều lần răn cấm trụ vào pháp, chấp vào tướng; bởi lẽ trụ vào pháp chấp vào tướng thì tuy có tu tập, vẫn trọn chẳng thể thoát ra ngoài vọng tưởng, chấp trước. Nếu toàn thể đã thuộc trong vọng tưởng, chấp trước thì trí huệ Như Lai còn do đâu hiển hiện triệt để được nữa? Do vậy, kinh dạy phát Bồ Đề tâm độ thoát hết thảy chúng sanh, khiến cho họ nhập Vô Dư Niết Bàn hòng diệt độ, nhưng lại chẳng thấy có một chúng sanh nào được diệt độ. Bởi lẽ: Tâm chúng sanh vốn sẵn có Vô Dư Niết Bàn, nhưng do mê chân chạy theo vọng nên biến thành phiền não nghiệp khổ, chứ tự ban đầu nào bị mất đi. Đã được chỉ dạy bèn bỏ vọng theo chân, thì phiền não nghiệp khổ lại trở thành Vô Dư Niết Bàn, chứ nào phải đến bây giờ mới có! Ước theo Trí thì gọi là trí huệ Như Lai; ước theo Lý thì gọi là Vô Dư Niết Bàn. Tên gọi tuy khác, Thể vốn là một. Do tâm trụ vào Thật Tướng, chẳng trụ nơi Huyễn Tướng, nên bên trong chẳng thấy ta là người độ, vì vậy không có Ngã Tướng; ngoài thì chẳng thấy có người khác và chúng sanh được độ nên không có Nhân Tướng và Chúng Sanh Tướng; chính giữa chẳng thấy Vô Dư Niết Bàn để đạt được nên không có Thọ Giả Tướng. Bốn tướng đã không thì tam luân thể không, cho nên vạn hạnh khởi như mây nhóm, chẳng chấp vào một pháp nào. Do đó, chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành các hạnh như Bố Thí v.v… Bố Thí đứng đầu lục độ vạn hạnh nên kinh chỉ nêu hạnh đầu tiên để làm chuẩn cho những hạnh khác. Lời Phật hay khéo, chẳng cần phải rườm lời! Như vậy thì sóng trào biển Hạnh, mây bủa trời Từ, chẳng hề khoe khoang, làm mà không thấy mình làm thì trên khế hợp quả giác của Như Lai, dưới khế hợp tự tánh của tự tâm, cho nên thọ trì bốn, ba, hai, một câu kệ, công đức bằng với mười phương hư không.

Người đời chẳng biết nhìn vào chỗ lìa tướng vô trụ, bèn bảo kinh này phá tướng, chẳng biết kinh này chính là vô thượng diệu tướng dạy người rộng hành lục độ vạn hạnh, thượng cầu hạ hóa, khởi lòng Từ vô duyên, vận lòng Bi đồng thể. Phải biết lợi ích thật sự nơi Phật pháp ắt phải do chẳng chấp trước, do vô trụ mà đạt được. Muốn chẳng chấp trước, chẳng trụ mà không tận hết lòng thành, cạn hết lòng kính thì không được! Tận hết lòng thành, cạn hết lòng kính chính là đạo trọng yếu để tu tập Phật pháp thành thủy thành chung vậy. Đại sư Chân Đạt muốn khiến cho người thọ trì đều dấy tâm hoan hỷ, thành kính, bèn thỉnh cư sĩ Uông Hồng Tảo chép kinh theo lối chữ Khải để ấn hành lưu thông, và kèm thêm bài ca tụng công đức đằng sau ngõ hầu người thọ trì đều đạt được sở đắc như tiền nhân.



66. Nêu bày ý nghĩa ẩn kín của ba mươi hai ứng thân Quán Thế Âm Bồ Tát



Quán Thế Âm Bồ Tát thệ nguyện hoằng thâm, từ bi rộng lớn. Tuy đã thành Đẳng Chánh Giác, nhưng lại thị hiện làm Bồ Tát. Tuy đã thị hiện thân Bồ Tát, lại còn hiện đủ mọi sắc thân trong mười phương pháp giới, tầm thanh cứu khổ độ thoát chúng sanh. Hiện thân trong mười pháp giới, không thân nào chẳng hiện, khiến cho hết thảy chúng sanh xưng danh chí kính trong hiện tại lìa được những huyễn khổ đang phải gánh chịu, tương lai được thành tựu sự vui chân thật là thành Phật. Ngài có nhân duyên sâu đậm nhất đối với thế giới Sa Bà này. Vì vậy, trong phẩm Phổ Môn, Vô Tận Ý Bồ Tát nghe xong nhân duyên Quán Thế Âm Bồ Tát có được danh hiệu như vậy, lại hỏi đến chuyện Bồ Tát dạo qua thế giới này, phương tiện thuyết pháp; đức Phật bèn nói đại lược ba mươi hai ứng thân để chỉ dạy đại khái.

Ba mươi hai ứng thân là trong bốn thánh pháp giới thuộc mười pháp giới, chỉ lược nêu ba thân pháp giới Phật, Bích Chi Phật (tức Duyên Giác) và Thanh Văn (thân Bồ Tát chính là bổn vị nên chẳng nhắc đến). Trong sáu phàm pháp giới thì về loài trời, nêu đại lược sáu thân: Phạm Vương, Đế Thích, Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại Thiên, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn Thiên[30] mà thôi. Với loài người thì nêu mười lăm thân: tiểu vương, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, đồng nam, đồng nữ, các thân phụ nữ thuộc hàng trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà La Môn. Trong tám bộ thì trời đã được nêu trong phần trước, nên ở phần này không kể ra nữa, chỉ có Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, lại còn có Chấp Kim Cang Thần[31]. Tám thân này thì thân Tu La thuộc vào Tu La pháp giới, kỳ dư đều thuộc thiên [pháp giới], hoặc thuộc súc sanh, hoặc thuộc quỷ. Lục phàm pháp giới chỉ thiếu địa ngục pháp giới.

Nhưng đây là nói tóm lược, chứ không phải là Bồ Tát không hiện thân trong chốn đó để cứu khổ. Phải biết: Ba mươi hai ứng thân chẳng qua là nói sơ lược đại khái để nêu ví dụ cho những thân khác. Nếu nói tường tận thì chẳng thể kể trọn hết được. Bồ Tát hưng khởi lòng Từ Vô Duyên, vận lòng Bi Đồng Thể, tùy cơ ứng hiện, thần biến khôn ngằn, nếu hiểu được ý thì diệu nghĩa sẽ phô bày trọn vẹn. Nếu cứ khư khư chấp nhặt vào Tích để luận thì đã đánh mất sự hay khéo “chẳng động Chân Tế, hiện các oai nghi, trọn không tính nghĩ, không gì chẳng thích đáng, như một vầng trăng in bóng khắp ngàn con sông, ngàn con sông đều hiện toàn vẹn bóng trăng, một mùa Xuân tăng trưởng khắp mọi cây cỏ, mỗi loài đều được hưởng ánh nắng Xuân” của Bồ Tát vậy! Nhưng Bồ Tát chẳng chỉ hiện thân hữu tình, [mà còn hiện những thân vô tình] như núi, sông, thành trì, lầu, đài, nhà cửa, cầu, bến, đường sá, cây cối, thóc lúa, tùy theo cơ duyên thảy đều thị hiện. Ngài Di Sơn đã nói: “Đời tật dịch hiện làm cỏ thuốc, thuở đói kém hiện làm gạo thóc”, đủ chứng tỏ tấm lòng từ bi của Bồ Tát.

Đại sư Tông Thiền thuộc chùa Châu Cương thuộc Cao Đường, Phiên Ngung[32], Quảng Châu nghĩ đến ân đức của Bồ Tát rộng lớn, trọn khắp, thiết tha, nên bèn dựng một căn gác để thờ thánh tượng. Trong ấy thờ bổn tượng Quán Âm, hai bên thờ tượng ba mươi hai ứng thân. Ba mươi hai người như cư sĩ Bổn Nguyện v.v… ai nấy đều tùy sức mình bỏ tiền ra giúp, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn. Trộm nghĩ: Trong kiếp quá khứ, một người nữ tu bổ tháp Phật, ba mươi hai người giúp cho mới thành. Sau họ đều cùng được sanh lên Tam Thập Tam Thiên, người đề xướng trở thành Đế Thích, người giúp đỡ trở thành những vị trời thuộc tám cõi trời ở bốn phương. Tông Thiền đại sư, Bổn Nguyện cư sĩ v.v… chẳng cầu phước báo nhân thiên, chỉ nguyện người đề xướng, người trợ giúp và những người chiêm lễ, cúng dường trong hiện tại, vị lai đều được ngay trong hiện đời phước rạng huệ cao, dự vào bậc thánh hiền cao quý; lâm chung tình không nghiệp tận, lên thẳng cõi Cực Lạc, thấy Phật, nghe pháp, chứng Vô Sanh Nhẫn, trở về Sa Bà độ thoát chúng sanh mà thôi! Lại cầu mưa thuận, gió hòa, dân yên, vật mạnh, binh đao dứt, thiên hạ thái bình, lễ nghĩa, nhân nhượng hưng khởi, phong tục thuần mỹ. Do vậy, bèn nêu bày ý nghĩa ẩn tàng như thế đó.

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang17.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên