ý nghĩa lễ hội rằm tháng 7

lele

Trưởng Ban Tin Tức
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 10 2006
Bài viết
1,366
Điểm tương tác
77
Điểm
48
Ý NGHĨA LỄ HỘI RẰM THÁNG BẢY
Tỳ kheo THIỆN MINH
Lễ hội Rằm tháng Bảy là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo Bắc tông. Đây là ngày Vu Lan báo hiếu, đồng thời là ngày mãn mùa An cư kiết hạ (tự tứ) của chư Tăng Phật giáo Bắc tông. Tuy nhiên, trong Phật giáo Nam tông, ngày này là ngày lễ bình thường, vì lịch sử của ngày này không thấy ghi trong kinh điển Nguyên thủy. Phật giáo tại Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Bắc tông trong gần hai ngàn năm lịch sử, nên ý niệm về ngày Rằm tháng Bảy đã ghi sâu vào trong tâm tư của quần chúng. Vì thế, Phật giáo Nam tông tại Việt Nam cứ đến mỗi độ thu về cũng hòa đồng cùng niềm vui chung với truyền thống Phật giáo Bắc tông, tổ chức lễ Rằm tháng Bảy nhưng theo nghi thức riêng của hệ phái.

Trong kinh Vu Lan Bồn, Đức Phật khuyên người tại gia nên cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng và cầu an cho thân bằng quyến thuộc còn hiện tiền nhân ngày Rằm tháng Bảy. Kinh còn đề cập đến một chi tiết quan trọng nữa là khi ngài Mục Kiền Liên đắc đạo, nhớ đến công ơn mẹ, dùng thần thông quan sát tìm mẹ, thấy mẹ đã sanh vào cõi ngạ qủy. Ngài thương tiếc, mang cơm dâng mẹ nhưng mẹ không ăn được. Khi về thế gian, ngài đem chuyện này bạch Phật và Phật dạy hãy chờ đến ngày Rằm tháng Bảy khi chư Tăng mãn hạ, Mục Kiền Liên làm phước hồi hướng cho mẹ thì người mẹ mới có thể nhận được phước báu.

Trong khoảng thập niên 60, kể từ khi quyển sách “Bông hồng cài áo” ra đời, một nghi thức mới lạ được thực hiện trong ngày Rằm tháng Bảy rất đặc thù, làm sống động hình ảnh của cha mẹ, hai đấng sinh thành dưỡng dục. Mặc dù nghi thức đó – qua quyển sách trên – chịu ảnh hưởng văn hóa của Nhật Bản nhưng được nhiều người tán đồng, cho rằng có ý nghĩa, đáng được phát huy và duy trì. Những người tham dự lễ đều được cài trên áo một bông hồng theo từng hoàn cảnh khác nhau. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì được cài trên áo một bông hồng màu đỏ thắm. Nếu như mất mẹ thì được cài hoa hồng màu trắng. Cảm động là ở chỗ nhìn thấy người khác hoặc mình khi có cài trên áo một bông hồng màu trắng thì cảm thấy xót xa thân phận mất mẹ hiền, thông cảm với người đồng phận và cảm thấy chạnh lòng thương nhớ mẹ vô cùng. Chính vì thế, ngày Rằm tháng Bảy trở thành ngày lễ hội quan trọng của hai giới tại gia lẫn xuất gia. Cứ đến ngày này, chư vị cư sĩ sắm sửa món ngon vật lạ đem cúng dường Tam bảo để cầu an cho gia đạo và cầu siêu cho cửu huyền thất tổ đã quá vãng. Còn người xuất gia ngày này đánh dấu ngày tăng thêm một tuổi đạo và xứng đáng thọ lãnh quả báu cúng dường y phục và tứ vật dụng của đàn na tín thí.

Một điều ghi nhận ở đây là trong kinh tạng Nguyên thủy, không thấy có bộ kinh nào tương đương với quyển kinh Vu Lan Bồn của Bắc tông. Không biết những nhà kết tập kinh điển Nguyên thủy có lược bỏ một số kinh văn nào hay không, hay kinh này là do phong trào phát triển Phật giáo trước tác thêm vào sau này. Một điều khó hiểu nữa là tại sao Đức Phật lại khuyên ngài Mục Kiền Liên muốn trả hiếu cho mẹ phải đợi đến Rằm tháng Bảy? Chắc có lẽ là vào ngày này, khi chư Tăng mãn mùa an cư nên Tăng chúng đông đảo và phước báu sẽ nhiều hơn. Nhờ oai lực đó thì cầu nguyện dễ siêu thoát. Thế nhưng, theo giới luật Phật giáo Nam tông, chư Tăng nhập hạ ngày Rằm tháng Sáu và ra hạ vào ngày Rằm tháng Chín. Như thế, nếu Phật tử trong truyền thống Nam tông tin theo quyển kinh Vu Lan Bồn thì họ phải điều chỉnh lại ngày Vu Lan báo hiếu đến ngày Rằm tháng Chín chứ không phải Rằm tháng Bảy.

Có một quyển sách tựa đề “Cuộc đời Tôn giả Mục Kiền Liên” do học giả người Đức Hellmuth Hecker biên soạn rất công phu, đã được cư sĩ Nguyễn Điều dịch sang Việt ngữ, Nhà Xuất bản TPHCM ấn hành trong mấy năm qua. Quyển sách tuy mỏng, nhưng độc giả sẽ nhận thấy người viết đọc hiểu kinh tạng Nguyên thủy rất uyên thâm, viết về cuộc đời và đạo hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên rất đầy đủ, đồng htời khi đề cập đến phần nào đều có trích dẫn kinh điển nghiêm túc. Đọc tác phẩm này thì lại không thấy đề cập đến kinh Vu Lan Bồn, hoặc về chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ ở địa ngục, v.v… Thêm nữa đạo Phật là đạo dựa trên nền tảng lý nhân quả và nghiệp báo. Đức Phật từng tuyên bố gieo giống nào gặt quả nấy. Ngài đã trầm lặng, không thể can cứu khi hay biết vua Thiện Giác (cha vợ của Ngài khi còn là thái tử) bị đất rút và dòng họ Thích Ca bị tàn sát. Ngài có nhiều phép thần thông siêu xuất trong tam giới này nhưng qua kinh điển, Ngài vẫn phải để cho nghiệp lực chúng sinh trổ quả theo chu trình tự nhiên. Mặc dù biết trước việc tàn sát dòng họ Thích Ca và đã hơn hai lần đến thương lượng, cuối cùng thì Ngài cũng không giúp được gì hơn, bởi vì nghiệp dòng họ Thích Ca gieo trong kiếp quá khứ nay đến chu kỳ phải trả quả. Cho rằng ngài Mục Kiền Liên dù là một đại Thánh tăng đã đắc quả A la hán, có nhiều thần thông mà vẫn không cứu mẹ được, phải nhờ đến đại chúng Tăng cùng cầu nguyện mới cứu được, có thể sẽ dễ đưa đến một ngộ nhận cho rằng bây giờ chúng ta không cần phải tu tập tâm tánh, cứ tự do làm tội lỗi và cố dành dụm một số tiền lớn để lại cho thân nhân, và nhờ họ sau khi ta qua đời, nhớ rước thầy đông đảo để cầu nguyện cho siêu thoát. Một quan niệm như thế có thể sẽ có những hậu quả tiêu cực, không có lợi chi trên con đường tu tập giải thoát.

Về mặt sử liệu và kinh điển của các truyền thống thì có mâu thuẫn đôi chút như thế. Nhưng về mặt hướng thiện, đạo đức của quần chúng Phật tử thì việc tổ chức ngày Rằm tháng Bảy rất hữu ích. Việc này giúp cho người tại gia lẫn xuất gia có một ngày trọn vẹn để tưởng nhớ đến hai đấng sinh thành dưỡng dục, giúp họ có ý thức vững chắc để hành thiện, bố thí, đền đáp công ơn trời biển của cha và mẹ.

Hòa nhịp trong sinh hoạt chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến Rằm tháng Bảy, mỗi chùa Nam tông đều tổ chức lễ đặt bát hội chư Tăng. Nghi lễ thường là người Phật tử sắm thức phẩm như cơm, nước, trái cây … đợi đến giờ chư Tăng xếp hàng đi chậm rãi trong chánh niệm, theo thứ tự trưởng hạ, Phật tử thành kính để thức ăn vào trong bình bát của chư Tăng. Chư Tăng hoan hỷ thọ nhận và đọc kinh Phúc chúc để Phật tử thành tâm chú nguyện chia đều phần phước này thấu đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, rồi sau đó Phật tử cùng đọc kinh hồi hướng. Chương trình còn có buổi thuyết giảng của chư Tăng để người Phật tử hôm đó được dịp ôn lại trọn vẹn hình ảnh công ơn bao la của cha mẹ, để thấy rằng bổn phận làm con là phải đáp đền công ơn cao cả này.

Thêm vào đó, người Phật tử Nam tông cũng cần hiểu rằng việc trả hiếu phải thực hiện trong bất cứ ngày, tháng, năm nào chứ không phải đợi đến Rằm tháng Bảy. Ví như người thân chúng ta thiếu nước thì chúng ta phải cung cấp cho họ ngay. Trong kinh Tăng Chí, Phật dạy người con chí hiếu phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sinh tiền những nhu cầu vật chất, không làm cha mẹ phiền lòng, thậm chí nếu cha mẹ không hiểu đạo thì người con phải cố gắng an trú cha mẹ vào trong chánh pháp, khi cha mẹ qua đời mới hồi hướng phước cho cha mẹ. Chứ không phải lúc cha mẹ còn sống thì người con ăn nói thô lỗ, bất hiếu, đến khi cha mẹ qua đời thì lại khóc lóc, cầu trời vái Phật, hoặc đi nhiều chùa để cầu siêu cho cha mẹ. Làm như thế sẽ không có kết quả gì nhiều.

Tóm lại, hành lễ ngày Rằm tháng Bảy hàng năm là để nhắc nhở những người con nam nữ phải nhớ đến công ơn vô bờ bến của cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì người con nên mua món quà nào đó để kính dâng lên cha mẹ để nhớ đến ơn nghĩa sinh thành, để tự nhắc nhở đến sự hiện hữu vi diệu của một niềm hạnh phúc rất đáng giá, ghi khắc trong tâm và tự hứa với đất trời không thể quên lãng người cha yêu dấu, người mẹ hiền kính thương. Nếu như người đã ngàn thu vĩnh biệt thì người con phải làm phước, bố thí, trì giới, tham thiền và lập trai đàn cầu siêu cho cha mẹ. Trên nền tảng căn bản đó, người Phật tử luôn ghi nhớ trong tâm. Hiếu hạnh là truyền thống của chư Phật. Vì thế, bổn phận làm con phải nhớ đến ơn nghĩa sinh thành và phải đáp đền trong muôn một. Không phải đợi đến ngày Rằm tháng Bảy mới nhớ đến công ơn của cha mẹ mà suốt đời, suốt năm, suốt tháng, từng ngày, từng giờ, từng giây chúng ta phải đáp đền công ơn hiếu dưỡng của hai đấng sinh thành.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên