- Tham gia
- 26/10/06
- Bài viết
- 1,343
- Điểm tương tác
- 592
- Điểm
- 113
ĐẠO SĨ VÀ CỌNG CỎ
Đức Trí Quế Anh
Đức Trí Quế Anh
TỰA
Ý tưởng, đôi khi như ánh chớp, chợt lóe lên và cần được nắm giữ ngay trước khi chúng loãng vào vùng bất tận.
Ý tưởng, như những giấc mơ, khi thức dậy, chỉ còn nhớ được một phần.
Nguyên tác Việt ngữ của Đạo Sĩ và Cọng Cỏ được viết xong trong ba tuần, và bản Anh ngữ được hoàn tất trong bốn tuần kế đó.
Đạo sĩ và Cọng Cỏ, đến với bạn, chỉ xin như ánh chớp hay như một giấc mơ.
MỞ
Trong khu rừng yên vắng, có một đạo sĩ sống và đạt đạo. Cảnh vật xung quanh ông là bạn bè của ông. Đôi khi ông ở trong hang núi và cũng có khi ông hòa mình vào không gian. Các loài muông thú và cây cỏ, đều không biết ông từ đâu mà tới. Ngay cả hang núi cũng không biết tại sao ông giấu cuộc sống mình trong đá. Và màu thiên thanh của trời cao thì không còn nhớ ông đã hiện hữu từ khi nào.
Lún phún dưới đất là cọng cỏ vui tính. Cuộc sống của nó ngập đầy niềm hoan hỉ cùng sự hào hứng. Nó nhìn thấy những điều mới lạ mỗi ngày và tự hỏi tại sao trên đời lại có nhiều tạo vật đến thế. Khung cảnh trước mắt nó thật đẹp, nhưng cũng thật phức tạp. Khung cảnh ấy như một kiệt tác đảo lộn mà cọng cỏ chưa thể tìm ra cách thưởng thức đúng điệu. Đầu óc của nó nhẹ như tầng khí mỏng, còn thân thể nó thì tươi mát như gió núi.
ĐỘNG VẬT VÀ THỰC VẬT
Sau một thời gian tu luyện, đạo sĩ rời hang núi để tìm kiếm thức ăn. Đạo sĩ có thói quen ăn chay, do đó ông thường ăn lá rừng và cây cỏ. Một hôm, ông cúi xuống định bức một nhánh cỏ để ăn thì bỗng nghe:
- Ấy, ông định làm gì thế, tính giết tôi à?
Đạo sĩ nhìn kỹ, thì ra là nhánh cỏ mà ông định ngắt, ông đáp:
- Ta đói, ta cần ăn, ta lại không ăn thịt, chỉ ăn cỏ và lá cây.
Cọng cỏ hỏi:
- Thế tôi đói, tôi ăn ông nhé, được không?
- Ngươi đói, ngươi ăn đất, tinh khí trong đất bồi bổ ngươi, sương là nguồn nước của ngươi,
- Ông nói đúng. Nhưng ông cũng được tinh khí đất trời bồi bổ ông vậy?
- Đúng. Điều khác giữa ta và ngươi là ngươi có thể quang hợp, dùng ánh sáng mặt trời để tự tạo ra thức ăn. Còn ta không quang hợp nên cần thức ăn lấy từ ngoài cơ thề, vả lại ta ăn chay, chỉ ăn thực vật.
- Tại sao? – Cọng cỏ thắc mắc.
- Ăn thực vật giúp ta hạn chế được dục tính, bớt được phiền não, tốt cho cơ thể ta.
Cọng cỏ kết luận:
- Như vậy ông là động vật ăn cỏ à?
Đạo sĩ cười lớn:
- Ngươi dí dỏm lắm, có thể ngươi đúng.
Cọng cỏ lại hỏi:
- Theo ông động vật có quyền ăn thực vật sao?
Đạo sĩ trầm ngâm rồi đáp:
- Đó là lẽ tự nhiên.
Cọng cỏ không phục:
- Như vậy là không phải rồi đó, ông không thấy bất công sao? Thực vật có đòi ăn động vật bao giờ đâu?
- Ngươi sai rồi. Một số loài thực vật cũng bẫy động vật để ăn đấy chứ. Các loài thực vật còn lại được nuôi bằng nước, không khí, ánh sáng, và đất. Động vật được nuôi bằng thực vật hay bằng chính động vật. Khi động vật chết trở về cát bụi lại nuôi dưỡng thưc vật. Vậy không phải là động vật và thực vật đều nương nhau mà sinh tồn sao?
Đạo sĩ nói xong, bỏ đi. Còn lại một mình, cọng cỏ bấu rễ xuống từng thớ thịt của đất ăn bữa điểm tâm và chiêm nghiệm sự liên hệ giữa thực vật và động vật.
DỤC TÁNH VÀ LÝ TRÍ.
Đạo sĩ lững thững trở về, cọng cỏ nhìn ông, hình như ông đã kiếm được thức ăn.
- Ông đã ăn loài gì? - Cọng cỏ hỏi nhỏ.
- Lá cây, đã nói ta chỉ ăn chay, đồng nghĩa là loài thực vật.
- Ông từng nói ăn chay hạn chế tính dục trong người ông. Thế ra ông dùng thực vật để kiềm hãm dục tính?
- Có gì là sai?
- Sai thì có lẽ không, nhưng dùng ngoại vật để nén nội tâm, vậy nội công ông chắc còn yếu?
- Ngươi khoan hãy vội kết luận như vậy. Vạn vật sanh ra đều cần ăn uống hay có sự nuôi dưỡng. Ta không phải là một ngoại lệ. Ăn cũng là tập luyện. Lý trí ta bảo ta ăn thực vật để giúp đỡ cơ thể ta lành mạnh. Từ suy nghĩ đến hành động ta đều nhất quán, không hỗn loạn. Tự lý trí ta đã đè nén ta trước khi ta ăn. Vậy sao bảo ta dùng ngoại vật để tự chủ dục tính?
- Thế dục tính có còn trong người ông không?
- Dục tính luôn ở trong ta, nhưng dục tính không hẳn là kẻ thù cần phải loại bỏ. Dục tính có thể trở thành bạn đồng hành khi lý trí và dục tính hiểu nhau.
- Ông nói lý tưởng và mơ hồ quá!
- Khi lý trí hiểu tánh tự nhiên của dục tính, lý trí sẽ hướng dục tính đến thiện tính. Vậy không phải là bạn đồng hành sao?
- Nếu là đồng hành, tại sao không phải là dục tính hướng dẫn lý trí? - Cọng cỏ thắc mắc.
- Nếu dục tính hướng dẫn lý trí, mọi sự sẽ bị đảo lộn. Có thể ta sẽ tìm giết những vật yếu đuối trong cơn đói. Có thể ngươi sẽ bành trướng khắp quả địa cầu vì ngươi muốn đi đây đi đó. Có thể đêm sẽ không tàn, lửa sẽ không tắt, sức nóng sẽ nung chảy địa cầu hay có thể băng tuyết không ngừng kết tinh. Lúc đó ta và ngươi sẽ không có cơ hội nói chuyện nữa. Lý trí đồng hành với dục tánh là cả hai cùng bổ túc cho nhau. Ta nói “hướng” ở đây là hướng về thiên tính, về sự dung hòa, chứ không phải “hướng” là thi thố quyền lực hay cai trị nhau.
Cọng cỏ im lặng. Có lẽ, cọng cỏ đang tìm hiểu về dục tính của mình. Đạo sĩ đã bỏ đi từ lúc nào.
(còn tiếp)