Câu 1: Người tu niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, còn ăn thịt thì có được vãng sanh chăng ?
Câu 2: "Xả bỏ muôn duyên, chẳng sanh một niệm", câu này nên hiểu nghĩa như thế nào ?
Theo thiển ý,
1. Người ăn mặn, niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương; công đức bằng với người ăn chay niệm Phật không khác. Chỉ cần hết lòng cầu sanh Tây Phương mà niệm Phật thì việc ăn chay, ăn mặn chẳng chướng ngại sự vãng sanh. Tại sao ? Vì bổn nguyện của Phật A Di Đà là tiếp dẫn người niệm Phật, chẳng tiếp dẫn người tu các hạnh khác ( như trì giới, bố thí...).
2. "Xả bỏ muôn duyên, chẳng sanh một niệm".
"Xả bỏ muôn duyên", duyên có cảnh, có tâm - tâm này là tâm biết khởi niệm. Do có tâm biết khởi niệm, nên có cái duyên cần xả bỏ. Vì sao ? Vì tự biết, đối cảnh nên mới sinh niệm này vậy. Người mới phát tâm tu, muốn thanh tịnh tâm ý, liền khởi cái niệm xả bỏ - cái ý xa lìa. Đây là do có sự quán chiếu nơi nội tâm mình.
Cái pháp "xả bỏ": chẳng phải ở chỗ tránh duyên, dứt niệm, đổi niệm ác thành niệm thiện, dùng "Thánh Hiệu" đè nén tâm niệm không cho phát khởi niệm khác. Mà hướng vào chỗ "chẳng sanh một niệm" mà quán chiếu, thì tự khắc lâu dần, muôn duyên không xả mà tự xả, muôn niệm không dứt mà tự dứt". Chỗ "chẳng sanh một niệm",
Thiền Tông còn gọi là "vô thỉ vô minh", "thoại đầu", "đầu sao trăm thước","đáy thùng sơn đen".
Sao gọi là quán chiếu ? Quán (hay còn gọi là khán) là nhìn, dùng lực dụng của nhãn căn mà nhìn, chẳng phải dùng con mắt. Chiếu là soi rọi, làm cho sáng tỏ, minh bạch. Cái động lực chiếu rọi, muốn sáng tỏ nơi mỗi người đều có. Song lại phân ra có chánh, có tà, có mạnh, có yếu.
- Chỗ phân định chánh tà là ở nơi cảnh mà quán thấy sự vô thường, thấy sự sinh diệt, thấy tạm bợ - huyễn giả, trói buộc, khổ đau khởi tâm muốn minh bạch cội gốc của nó thì gọi là chánh. Ngoài cái này ra, thì gọi là tà. Tà ở đây là lệch lạc, là cái nhìn không đúng với sự thật.
- Sự phân định mạnh yếu là ở nơi tín tâm với Phật, Pháp và bản thân mình. Tín mạnh thì động lực mạnh, tín yếu thì động lực yếu. Lực mạnh thì tới chỗ "chẳng sanh một niệm", nhân duyên chín mùi, liền được sáng tỏ. Lực yếu thì chẳng thể tới chỗ này, hoặc giả có tới thì cũng lầm nhận là nhà, chẳng thể bước thêm bước nữa.