GS Nguyễn Huệ Chi viết về Hòa Thượng Làng Mai
<table width="1" align="left" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody><tr><td>

15 ngày tôi hình như đã được sống trở lại một thế giới trong quá vãng đâu từ xa lắm – cái thế giới Thiền vô cùng khoáng đạt của thơ ca sách vở đời Trần. Trước ngày chia tay, vào một buổi sáng, Thiền sinh bốn phương đủ Âu Phi, Mỹ, Á… họp mặt đông đảo tại Thiền viện xóm Thượng, tôi đã có bài thơ tặng làng Mai, cũng là tặng Sư Ông:
重 到 梅 鄊 禪 院 感 作
梅 鄊 上 下 有 林 泉
屋 結 森 差 蔭 樹 邊
黃 白 黑 深 同 向 佛
越 英 法 德 一 言 禪
師 行 徒 集 如 雲 霧
鍾 叩 飱 停 似了 緣
夜 冷 梅 堆 波 月 朗
瓊 林 復 活 在 西 天
Phiên âm:
TRÙNG ĐÁO MAI HƯƠNG THIỀN VIỆN CẢM TÁC
Mai hương thượng hạ hữu lâm tuyền,
Ốc kết sâm si ấm thụ biên.
Hoàng, bạch, hắc, thâm đồng hướng Phật,
Việt, Anh, Pháp, Đức nhất ngôn Thiền.
Sư hành đồ tập như vân vụ,
Chung khấu xan đình tự liễu duyên.
Dạ lãnh Mai đôi ba nguyệt lãng,
Quỳnh Lâm phục hoạt tại Tây thiên.
Dịch thơ:
TRỞ LẠI THIỀN VIỆN LÀNG MAI CẢM TÁC
Làng Hồng hai xóm, suối rừng vây,
Lều bạt nhấp nhô dưới bóng cây.
Tu Bụt: đen, vàng, nâu, trắng đủ,
Lời Thiền: Việt, Pháp, Đức, Anh đầy.
Trò theo thầy bước như mây nổi,
Chuông nhắc người ăn lắng phút giây.
Đêm lạnh vườn mai lay sóng nguyệt,
Quỳnh Lâm sống lại dưới trời Tây.
Làng Mai đêm 4 tháng 9 năm 1994
Kính tặng Tăng Thiền làng Mai trước ngày giã từ
Nguyễn Huệ Chi
阮 惠 之
Năm 2001 lần đầu tôi có dịp đặt chân tới nước Mỹ và ở luôn trong 9 tháng. Ngày 11-9, tại San Jose tôi được chứng kiến qua màn hình vụ khủng bố Tòa tháp Đôi ở New York, với hình ảnh lửa khói ngún lên rồi hai tòa tháp theo nhau đổ sụp, cả màn hình chỉ còn là lửa và những chấm đen bay tung mịt mù. Và rồi sau đó là tình cảm đau thương phẫn uất của các cộng đồng cư dân Hoa Kỳ, nhất là người da trắng mà tôi được tận mắt thấy họ bỏ cả ăn chơi mua sắm, tự động đi cắm những lá cờ Mỹ nhỏ xíu trước mọi ngôi nhà, đến tụ tập tại những địa điểm đã định để nghe từng hồi chuông đổ rền, người thì cúi đầu mặc niệm, người ôm nhau khóc như mưa như gió, tưởng chừng một nước Mỹ thanh bình, yên ổn đã mất đi. Nhưng tôi sửng sốt biết bao khi trên tờ New York Time đăng tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có mặt chỉ ngay sau cái ngày khủng khiếp đó một tuần thôi – ông đến rất gần nơi hai tòa tháp đổ sụp ở New York để thuyết giảng về lẽ sống chánh niệm nhằm thức tỉnh lương tri người Mỹ, mong con dân nước Mỹ hãy nhìn sâu vào tâm thức của mình, đừng vội có những hành vi không tỉnh táo. Còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là giữa không khí hờn căm đang sôi sục, những buổi thuyết giảng như thế lại lôi cuốn được hàng chục ngàn người Mỹ đến dự, đến nỗi một chiếc vé vào cửa cũng không còn.
Thật may mắn, đầu năm 2005, tôi có dịp gặp lại con người mình ngưỡng mộ trên chính đất nước của mình. Tôi lại có được niềm vui cùng bạn bè trong giới những người thầy dạy học đến nghe Sư Ông pháp thoại, và được bày tỏ một vài cảm tưởng về mấy lần gặp gỡ Sư Ông.
Giờ đây, nhe tin Sư Ông là người được xếp thứ tư trong số 100 người có ảnh hưởng tâm linh nhất trên thế giới, tôi không chút ngạc nhiên. Sư ông là người cả cuộc đời chỉ làm mỗi một thiên chức đem đến cho con người sự thanh thản trong tâm hồn, giải thoát con người khỏi những đớn đau do hệ lụy của đời sống vật chất hiện đại mang lại, giúp con người buông xả mọi ám ảnh bạo lực mà bất kỳ nơi đâu còn bất công thì vẫn còn có nó. Sư Ông là hiện thân của đức tin vào con người như một sinh thể có quyền tự thực hiện sự tự do và bình đẳng vốn là cái hạnh phúc lớn lao nhất mà Tạo hóa ban cho họ. Trong tầm vóc ấy, Sư Ông đúng là một biểu tượng đối lập với bạo quyền, với các thế lực toàn trị, nhưng đối lập bằng thái độ bất bạo động, bằng sức mạnh lan tỏa của chính lòng lành. Sự truyền bá lòng lành từ phương cách tu tập thảnh thơi nhàn nhã, “tiệm ngộ” xoắn quyện với “đốn ngộ”của Sư Ông, đã làm cho một phần thế giới khổ đau trở nên có hạnh phúc. Đó chính là phần thưởng không gì sánh được, là cơ duyên kỳ diệu mà cuộc đời này dành cho Sư Ông.
Nguyễn Huệ Chi