[NEN="http://giaoluututuong.com/trangchu/picture.php?albumid=28&pictureid=4051"]
HOA SẮC TRỜI XUÂN
HOA SẮC TRỜI XUÂN
Hoàng cúc li biên bất thị Xuân.
(Tuệ Trung Thượng sĩ, Việt Nam)
Dịch:
Đào đỏ trên cây thời tiết đúng
Đồng hồ buông mười hai tiếng, đã đến giao thừa. Cành mai đào của người bạn cao nguyên gởi tặng nhẹ mở những cánh hoa trắng phớt hồng tỏa hương dịu vợi rung ngân theo tiếng chuông đượm mùi nhang trầm mà mẹ cúng ở căn gác trước. Lòng lâng lâng chợt nhớ...
Có cô gái đến xin một bậc thầy Hoa đạo dạy cho nghệ thuật cắm hoa. Vị thầy dẫn cô ra vườn bảo cắt mấy cành hoa hòe đem cắm tùy ý vào chiếc độc bình trong phòng khách, rồi ông lui xuống nhà dưới. Trở lại, ông lặng lẽ bày ấm tách pha trà gạo lứt(2).
Rót trà mời khách và uống xong một hớp, ông hỏi: "Cô đã học cắm hoa với ai phải không?". Cô gái trả lời: "Thưa không!". Vị thầy liền bảo: "Cô đừng đùa với tôi. Cô học bao lâu rồi?". Cô gái bối rối đáp: "Thú thật em chưa học bao giờ". Vị thầy ngạc nhiên hỏi: "Vậy mà tôi thấy trong cách cắt và cắm của cô có nét tinh thông thuần thục. Chắc cô cắm hoa hàng ngày?". Cô gái e ấp nói: "Thưa có, sáng nào em cũng cắt vài cành trong vườn cắm lên bàn thờ. Để tỏ lòng thành, em tập cắm sao không sửa mà tự thấy hài hòa là được. Có người thấy bình hoa của em liền bảo đến đây học". Vị thầy kêu lên: "Thì ra vậy! Cô đã đạt đến trình độ thượng thừa của nghệ thuật cắm hoa rồi đó. Nếu học thêm e rằng sẽ bỏ mất cái cô đang có!".
Nụ cười hé nở như một trời hoa bừng rộ...
Người Nhật có Hoa đạo tức nghệ thuật cắm hoa với những kiểu cách độc đáo tượng trưng cho sự thống nhất giữa con người với trời đất, mối liên lạc của Tam bảo, đồng thời diễn tả ý tình của nghệ nhân. Hoa lá được cắm trông thật tao nhã, nhưng phải trải qua một quá trình "cải tạo" cắt tỉa, uốn ép đôi khi phải mạnh tay theo những quy luật chặt chẽ cầu kỳ.
CÓ CẦN VẬY KHÔNG?
Đức Phật Thích Ca trên hội Linh Sơn cầm cành hoa đưa lên và nói: "Hôm nay Ta truyền lại cho các ông tất cả bí quyết trong giáo lý của Ta". Cả hội ngơ ngác, chỉ có một đệ tử rạng mặt mỉm cười. Đức Phật bảo: "Ông đã hiểu. Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết bàn Diệu tâm, Pháp môn mầu nhiệm không thể giảng dạy bằng lời nay giao cho ông; hãy khéo giữ gìn, truyền trao mãi đừng cho dứt".
Pháp nhãn, Diệu tâm hằng có, nhưng nhìn mà không thấy, dò mà không hiểu, bởi tâm bị nhiễu loạn với vọng tưởng muôn điều, cứ phải cầu tìm nhiêu khê phức tạp. Nhưng lòng đã lắng thì chỉ một đóa hoa nở giữa tự nhiên cũng đủ gợi biết sự thâm cùng.
Tam thập niên lai tầm kiếm khách,
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi.
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu,
Trực chí như kim cánh bất nghi.
(Thiền sư Linh Vân, Trung Quốc)
Dịch:
Ba mươi năm tìm trang kiếm khách,
Bao phen lá rụng lại đâm chồi.
Từ ngày thấy được hoa đào nở,
Thẳng đến hôm nay sạch hết nghi. (3)
Đã là con người sinh ra trong cõi đời này thì dù xuất gia hay tại gia đều trải qua một quá trình lao tâm khổ trí, trải qua những lớp màn nhân tạo ảo hóa; rồi khi sự đời ngấm đủ, muôn pháp tỏ tường, tự nhiên à lên một tiếng.
Haru wa hana(4)
Natsu wa totogisu(5)
Aki wa getsu
Fuyu wa yuki
Saete rei shikarikeri.
Dịch:
Mùa Xuân có hoa đào,
Mùa Hè có chim cu gáy,
Mùa Thu có vầng trăng
Mùa Đông có tuyết sáng lạnh.
(Thiền sư Đạo Nguyên, Nhật Bản)
"Hoa, chim, trăng, tuyết" là những hình ảnh ước lệ, công thức được người Nhật dùng diễn tả các mùa nối tiếp nhau bao gồm tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên, và như vậy đối với những nhà phê bình có hồn thơ lai láng thì chắc chắn bài thơ trên chẳng có gì hay nếu không nói là dở chẳng khác bài thơ "con cóc"(6). Nhưng ở đây nhà thơ không tả cảnh mà để trả lời câu hỏi "Bản lai diện mục là gì?"
"Mặt mũi xưa nay", chân tướng, chân tánh chẳng có gì cao xa, huyền bí, mà bày ra trước mắt, trong mọi hiện tượng "như thế" của thiên nhiên kể cả bản thân con người. Đêm ngày đắp đổi, lạnh nóng luân phiên, hoa lá bốn mùa biến chuyển, tất cả đều diễn ra theo một trật tự thường hằng với những quy luật bất di bất dịch, chánh pháp nhất như, chánh đạo miên trường.
Nương chánh pháp, vạn vật hạnh phúc, thường lạc. Nhưng với lý trí, con người bày ra nhiều phương tiện đấu tranh chụp giựt để thỏa lòng ham muốn, tưởng rằng mình thành công và có thể đoạt quyền tạo hóa để sống một đời nhân tạo sướng sung. Nào ngờ càng đấu tranh càng vấp phải khó khăn, tổn mình, phiền người và đụng đến chỗ chán chường ảo não.
Lại quay về, lại mò mẫm xuyên qua những khói sương luận lý, men theo bụi bờ định kiến để rồi nhận ra cảnh cũ "vốn là".
Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân
Mang hài đạp phá lãnh đầu vân.
Quy lai ngẩu bả mai hoa khứu
Xuân tại chi đầu dĩ thập phần.
(Ni sư Mai Hoa, Trung Quốc)
Dịch:
Tìm Xuân chẳng thấy bóng
Xuân sang,
Giày rơm giẫm nát đỉnh mây ngàn.
Trở về chợt ngửi hương mai ngát,
Xuân ở đầu cành đã chứa chan. (7)
Đương nhiên không trải không từng thì không biết, nhưng cái biết mỗi người mỗi khác và phát triển theo thời gian. Ban đầu thấy hoa là hoa, rồi thấy hoa không phải là hoa, cuối cùng thấy hoa là hoa. Từ đóa hoa riêng đẹp mắt đem vào nhà trang trí, rồi uốn ép tạo hình tượng trưng nhiều thứ và một lúc nào đó "hoát nhiên đại ngộ", chợt thấy hoa là chung cả vô biên vô tận gồm cả đẹp lẫn xấu, vui lẫn buồn, sướng lẫn khổ, là tiểu vũ trụ rung động nhịp nhàng theo chu trình sinh, thành, hoại, diệt trong vận tiết vĩnh hằng của đại vũ trụ thiên nhiên.
Niên thiếu hà tằng liễu nhất không
Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
(Điều Ngự Giác Hoàng, Việt Nam)
Dịch:
Thuở bé chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa Xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.(8)
Bất giác nhìn qua cửa sổ, chùm pháo hoa vừa tắt, không gian lại vắng lặng, chỉ còn ta với hoa mai hoa đào.
(1), (8) Thích Thanh Từ dịch, "Thiền sư Việt Nam", Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành1992.
(2) Trà gạo lứt: gạo lứt rang nâu sẫm dùng trợ tiêu hóa, bồi bổ thần kinh.
(3), (7) Phước Đức dịch, "Thơ Thiền đời Tống", Nxb.Đồng Nai 2000
(4) Hana nghĩa là "hoa" nói chung; nhưng khi nói hana vào mùa Xuân, người Nhật hiểu là hoa Anh đào.
(5) Totogisu là chim cu gáy, có người gọi là chim đỗ quyên.
(6) Thơ "con cóc" mô tả "con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi", dùng chê bai những tay học đòi làm thơ
[/NEN]