Hỏi: Vậy thì sự khác biệt ra sao?
Đáp: Điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất, đó là Mật Tông lấy “Chú” làm phương tiện, và do phương tiện này đem đến những lợi ích đặc biệt lớn lao.
Hỏi: Lợi ích đặc biệt thế nào?
Đáp: “Nghiệp” là cái đem con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, nay nhờ “Chú”, ta chuyển được Nghiệp, giải được Nghiệp để sớm giải thoát. Đó là điểm khác biệt quan trọng nhất của Mật Tông so với tông phái khác.
Hỏi: Còn điểm nào khác nữa?
Đáp: “Chú” còn giúp hành giả lập công bồi đức và tiêu tội nữa.
Đấy là chỉ kể những lợi ích thiết thực cho vấn đề giải quyết sanh tử luân hồi thôi, chứ chưa nói đến lợi ích chữa bệnh, tăng thêm thọ mạng…
Hỏi: Phật tử theo tông phái khác, nay xem kinh sách rồi tự mình “trì CHÚ” và “bắt ẤN” như vậy có được không?
Đáp: Được chứ, có ai cấm đâu! Tuy nhiên, tu học kiểu đó cũng giống như người mù chơi dao, lợi bất cập hại (lợi ít hại nhiều).
Hỏi: Tại sao lợi ít mà hại nhiều?
Đáp: Vì “Chú” là con dao hai lưỡi, nếu biết xài thì rất nhạy bén còn không biết xài thì dễ bị đứt tay.
Hỏi: Vậy là thế nào?
Đáp: Đã gọi là “Thần chú” vì có những linh nghiệm lớn, thì cũng có những tác hại không nhỏ cho người hành giả nếu không biết sử dụng.
Hỏi: Hại ra sao?
Đáp: Đã có biết bao nhiêu tu sĩ cũng như Phật tử trì chú lâu ngày trở thành khùng điên hoặc bất bình thường. Đó là phản ứng tất nhiên của “Chú”.
Hỏi: Như vậy, muốn “trì CHÚ” và “bắt ẤN” phải làm sao?
Đáp: Phải được truyền pháp một cách đúng đắn qua các tu sĩ Mật Tông, hoặc những người tu học Mật, chứ không nên tự mình làm ẩu.
Hỏi: Muốn được truyền pháp thì phải làm sao?
Đáp: Thì phải gia nhập dòng pháp Mật Tông.
Hỏi: Nhập dòng pháp là thế nào?
Đáp: Là xin theo nhập học, tu theo Mật Tông.
Hỏi: Gia nhập dòng pháp cần điều kiện gì?
Đáp: Cửa Phật rộng mở, pháp môn thì nhiều, ai hợp môn nào thì theo môn ấy, không có gì đòi hỏi ở người phát tâm tu hành cả. Mật Tông cũng giống như các tông phái khác là muốn xin học thì phải được làm lễ ra mắt với chư Phật, với Tổ Pháp bằng một lễ “Quy y Quán Đảnh”.
Hỏi: Phật tử đã quy y rồi, thuộc tông phái khác, nay theo Mật Tông được không?
Đáp: Đã quy y rồi thì không cần quy y nữa, nhưng phái làm lễ “Quán đảnh”. Đang theo tông phái khác mà nay muốn theo Mật Tông thì phải xin phép “Sư Môn”, tức xin phép thầy mình đã, khi được chấp thuận thì mới xin gia nhập được.
Hỏi: Xin cho biết sơ qua về lịch sử Mật Tông.
Đáp: Mật Tông là một tông phái của Đạo Phật đã có từ lâu, nhưng ít phổ biến như các tông phái khác vì nhiều lý do (xem phần III nói về quan niệm của người tu Mật Tông sẽ rõ). Đại để, có thể nêu ra một vài điểm:
- Vì Mật nên không truyền rộng được,
- Vì rất ít người có đủ căn cơ để tu học và có duyên để gặp,
- Vì nhân duyên của chúng sinh khi nào hội đủ thì Mật Tông mới có mặt.
Do đó lịch sử của Mật Tông không có một sự truyền thừa tuần tự từ vị tổ này đến vị tổ khác, đời này tiếp đời khác như
Thiền Tông hay Tịnh Độ. Mật Tông đi chìm, chỉ nổi khi cần cứu độ chúng sanh, sau lại chìm đi không để ai biết. Đó cũng là đặc điểm của Mật Tông vậy. Tuy nhiên, Mật Tông khi truyền qua Nhật thì ở đây cũng tạm lập một hệ thống truyền thừa như sau:
Tổ Pháp là đức ĐẠI NHẬT NHƯ LAI, sau truyền cho ngài KIM CANG TÁT ĐỎA, Ngài KIM CANG TÁT ĐỎA truyền cho ngài LONG MÃNH vv.. theo hệ thống dưới đây:
1. Đại Nhật Như Lai
2. Kim Cang Tát Đỏa
3. Long Mãnh tức Long Thọ
4. Long Trí
5. Kim Cang Trí
6. Bất Không
7. Huệ Quả (Trung Quốc)
8. Không Hải (Nhật Bản)
Ở Việt Nam thì đời nhà Lý có các Pháp sư nổi tiếng như:
- Từ Đạo Hạnh
- Nguyễn Minh Không.
Đời Trần, đời Lê sau này cũng có nhưng không hiển lộ và không lập môn phái.
Hỏi: Mật Tông thịnh hành nhất ở đâu?
Đáp: Như trên đã nói, Mật Tông không phổ biến nên ở nước nào cũng có, nhưng đem hành sử một cách rộng rãi thì rất khó thấy được, nhất là ở trong các nước mà Phật giáo chiếm đa số dân chúng. Tuy nhiên có thể nói đến một nước tiêu biểu nhất có nhiều người tu Mật Tông, đó là Tây Tạng trước năm 1950, và bây giờ là ở Nhật.
Hỏi: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật bao giờ, lại gọi là Tổ Pháp?
Đáp: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật trên cõi trời Vô Sắc, thuyết pháp độ sanh từ ở đó. Ngài là một hóa thân của đức TỲ LÔ GIÁ NA. Ngài là pháp thân.
Vì ngài thuyết kinh Đại Nhật, Ngài dạy về pháp Mật nên tôn ngài là Tổ Pháp của Mật Tông.
Hỏi: Mật Tông có kinh riêng à?
Đáp: Kinh chỉ là phương tiện hướng dẫn tu hành. Những kinh thuyết riêng về Mật Pháp cho người tu Mật Tông hành trì gồm có:
- Kinh Đại Nhật
- Kinh Kim Cang Đảnh
- Kinh Tô Tất Địa
- Kinh Mật Nghiêm…
Kinh Đại Nhật tức là kinh “Tỳ Lô Giá Na thành Phật”.
Và Tạng cũng có bộ “Mật Tạng”.
Nhưng đại để những kinh sách này hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt, nếu có chăng, chỉ là những phần “trích dịch” mà thôi, phần đông còn là chữa Hán. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ cho người tu Mật thời nay, nhưng đây không phải là một trở ngại.
HÀNH GIẢ MẬT TÔNG
Du già hành cước khắp nơi,
Không nơi ngừng nghỉ chẳng dời chân tâm.
Đi vào cuộc sống âm thầm
Quên mình vì đạo chẳng nhằm lợi danh.
Hàng ngày trong việc độ sanh,
Sống vì trần thế đấu tranh chẳng ngừng.
Đi hoài chẳng có chỗ dừng,
Nơi nào cần tới vui mừng đến ngay.
Thời gian chẳng kể đêm ngày,
Cứ đi, đi mãi như say tình đời.
Làm tròn “Mật Hạnh” sáng ngời,
Ra vào cuộc thế như chơi ván cờ.
26-10-1986
MẬT NGHIÊM