Người điên trích dẫn bài viết thực tại hiện tiền của quý hữu đức trí trích trong bài giảng của thầy viên minh. Mong latuan ngộ được bao nhiêu thì ngộ. A di đà Phật!
- Đồng ý Phật không nói phương pháp, Ngài chỉ thẳng, nói thẳng cái thực cho người ta thấy mà sống với cái thực, nhưng sao kinh điển về sau, nhất là chư Tổ, dường như mỗi vị, mỗi tông phái, mỗi giáo phái đều có phương pháp riêng gọi là phương tiện thiện xảo?
- Vâng, câu hỏi đó hay lắm. Sự thật là, chư Tổ vì thấy chúng sinh nhiều bụi cát trong mắt quá, bụi cát chính là tư kiến, tư dục, không trực tiếp thấy được pháp, nên các Ngài bèn vận dụng, vận dụng ẩn dụ, biểu tượng; vận dụng phương tiện, phương pháp… mà thành ra Đại Thừa. Vậy pháp Đại Thừa chính là pháp vận dụng. Vận dụng cho đại đa số quần chúng để qua phương pháp, phương tiện đó mà tiếp cận cái thực. Cái thực mà những ai được Đức Phật trực tiếp chỉ thẳng có thể thấy ngay. Do đó, sau thời kỳ phương tiện, Thiền Tông lại trở về tinh thần chỉ thẳng của thời Nguyên Thủy. Thiền Tông nói “trực chỉ nhân tâm”, hoặc “đương xứ tức chân” v.v. chính là nói thực tánh Sandiṭṭhiko, Akāliko v.v. của Pháp trong thời Nguyên Thủy Phật giáo. Vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ai vừa mới há miệng định hỏi pháp, vấn thiền là Lâm Tế liền đưa gậy lên đánh hoặc hét to một tiếng. Vì sao vậy? Vì Lâm Tế muốn trả anh ta về với thực tại hiện tiền, muốn anh ta tỉnh cơn mộng dài của lý trí vọng thức. Vướng vào sở tri và sở đắc là trở ngại lớn trên đường tuệ giác.
Thực ra, Niết-bàn không phải là xa. Xa là vì chúng ta cứ mãi hướng ngoại tầm cầu mà sở cầu chỉ là Niết-bàn ảo ảnh. Nhưng ngay khi buông bỏ mọi khát vọng, mọi tầm cầu, mọi ý muốn thủ đắc Niết-bàn thì Niết-bàn đã ở đó tự bao giờ.
“Thân tại hải trung hưu mích thủy
Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn”.
(Thân chốn biển khơi thôi kiếm nước
Ngày dạo cao sơn chớ tìm non ).
Chính vì hướng ra ngoài mà mong cầu tìm kiếm nên không thấy Niết-bàn thực tại, chỉ thấy đâu đâu cũng là biển khổ mênh mông.
Pháp (Dhamma) luôn luôn nhắn nhủ rằng: “Muốn thấy Niết-bàn ư ? Hãy quay đầu mà thấy (Ehipassiko)”. Cho nên người xưa có lý khi nói: “Biển khổ mênh mông, hồi đầu là bến”. Có ai thấm thía được lời nhắn nhủ tha thiết này không?
Cho nên những người tu hành mà không thấy pháp rồi tu theo tưởng tượng của mình thì càng tu càng xa đạo. Càng tinh tấn càng dễ lệch đường. Điều đó thật là kinh khủng. Thật quá đau lòng, phải không?
Nói như vậy thì tất cả mọi người không nên tu sao? Đâu phải vậy? Tu chứ! Nhưng tu là phải thấy, điều kiện tất yếu của pháp do Đức Thế Tôn khai thị, là phải thấy, nếu không thấy ngay (sandiṭṭhiko) thì hãy hồi đầu mà thấy (Ehipassiko). Thấy pháp và sống pháp, ấy mới gọi là tu. Tu là ở trong pháp, với pháp, đặt chân đúng trên đất pháp, chứ không phải là chạy ra khỏi pháp mà tu để tìm pháp cái kiểu thả mồi bắt bóng. Nhưng nếu đã không biết hồi đầu ra làm sao mà thấy, lúc bấy giờ mới sử dụng phương tiện hay phương pháp mà tu. Đành vậy chứ biết làm sao! Pháp môn phương tiện thiện xảo của chư Tổ tuy không bằng pháp môn trực tiếp thấy pháp mà Đức Phật đã dạy, nhưng có thể giúp chúng ta tiếp cận với pháp một cách hữu hiệu. Tiếc rằng càng về sau càng ít ai hiểu được ý chỉ của chư Tổ nên lắm khi đành phải…lạc đường.
Chung quanh chúng ta, ở đâu cũng có thể bắt gặp những người mà học thì chạy theo kinh điển, ngôn ngữ, văn tự, giảng hay luận giỏi. Họ không biết là họ đang bỏ pháp nơi thực tại để tìm pháp trong ngôn từ! Còn hành thì chạy theo sở cầu sở đắc, theo thị hiếu thị dục. Họ tu hành tận lực, công phu quyết liệt, khổ hạnh khắc kỷ…nhưng vì không thấy pháp, không thấy cái thực nên họ càng tu chừng nào, càng thành tựu chứng đắc chừng nào thì càng xa pháp, vì cái thành tựu chứng đắc ấy chỉ làm lớn cái ngã vọng tưởng của họ mà thôi. Kết quả vẫn không ra khỏi luân hồi đau khổ. Nghĩa là vô minh, ái dục vẫn còn nguyên!
Có một anh chàng thanh niên kia tự nhiên khởi vọng đi tìm người yêu, người mà anh ta luôn mơ tưởng. Nhưng sự thật anh ta có đi tìm người yêu thật không? Không, anh ta chỉ đi tìm cái bóng dáng trong tình cảm của chính anh ta mà thôi. Quý vị nghĩ thử có đúng không? Anh ta chỉ đi tìm cái hình ảnh mà tình yêu của anh mơ mộng vẽ vời, chứ không có một người nào thật sự anh yêu cả! Cũng vậy, những người tu Phật nào mãi lo loay hoay đi tìm cái pháp trong mộng thì không thể nào thấy được pháp thực. Người thanh niên kia, sau một thời gian so tìm hình ảnh trong mộng, cuối cùng cũng kiếm được một cô gái cưới về làm vợ, nhưng rồi chẳng bao lâu anh phát hiện người này cũng chưa phải là người đích thực trong mộng của mình, nên anh thất vọng, chán chường và đau khổ. Cũng vậy, bây giờ nếu chúng ta nỗ lực tham thiền để đạt cái này, cái kia theo sở thích, thì khi đạt được rồi chẳng bao lâu quý vị cũng sẽ chán ngấy cho mà xem. Đương nhiên là như vậy. Đó là định luật mà. Dễ hiểu là bởi vì cái đạt được do chúng ta tạo tác đều là pháp hữu vi, mà tất cả cái gì do tạo tác hữu vi đều là vô thường biến hoại.
Quý vị có nghe chữ hữu vi không? Có hai loại hữu vi.
- Một là hữu vi chủ quan, tức là pháp nào do tâm hay tư ý tạo tác, từ thiện, bất thiện cho đến nỗ lực tu hành tinh tấn, đắc thiền, nhập định… cũng đều là pháp hữu vi cả. Pháp hữu vi thiện vẫn có sanh có diệt, nên chưa thật sự an lạc huống chi là pháp hữu vi bất thiện. Hữu vi tạo tác này cần được đoạn tận, cần được tịch tịnh. Cho nên Đức Phật dạy trong kinh Dhammapāda:
“Aniccā vata sankhārā “Hữu vi vô thường
Uppādavaya dhammino Sanh diệt là tánh
Uppajitvā nirujjhanti Đã sanh phải diệt
Tesaṃ vūpasamo sukho” Tịch tịnh an lạc”.
Hai là hữu vi khách quan, tức là các pháp do duyên khởi một cách tự nhiên, không do tâm ý tạo tác. Hữu vi đó cũng vô thường nhưng không phải nguyên nhân của khổ, nên mặc dù vô thường mà vẫn tịch tịnh. Nghĩa là mặc dù có tánh vô thường sinh diệt (trên hiện tượng tự nhiên khách quan), mà không vô thường sanh diệt (trong ý niệm thời gian tâm lý). Hữu vi tự nhiên này không cần phải đoạn trừ (phi sở đoạn).
“Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền”.