Bài 3 - Tâm là 4 trong 5 Uẩn.
Theo ngũ Uẩn: Uẩn là nhóm, là tập hợp một số yếu tố; để hình thành một con người.
Gồm có 5 Uẩn: Sắc Uẩn, thọ Uẩn, tưởng Uẩn, hành Uẩn, thức Uẩn.- Trong đó Sắc Uẩn thuộc sắc thân, 4 Uẩn còn lại thuộc về Tâm.
Đơn giản mà nói, (trong quan niệm Tâm là Uẩn), tâm là cái hay biết, biết suy nghĩ, tưởng nhớ, biết vui buồn, lo lắng, thương yêu, giận hờn, v.v... Trước khi nói hay làm một việc gì, người ta đều có suy nghĩ, tính toán. Mọi sự suy nghĩ, tính toán, thương ghét, tình cảm của con người đều do tâm làm chủ.
Cái hay biết (trí năng), biết nhận thức, biết đây là cái bàn, kia là cái ghế, đây là đàn ông, kia là đàn bà, biết đây là người thân, kia là kẻ thù, v.v... cái biết này trong đạo Phật, danh từ chuyên môn gọi là thức Uẩn, tức là sự biết, nhận thức, phân biệt.
Cái hay suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, tính toán lợi hại, mua cái này bán cái kia, làm sao kiếm lời, làm sao được tăng lương, khi nào lập gia đình, mua nhà, mua xe, trả nợ, v.v... trong đạo Phật gọi là hành Uẩn. Hành có nghĩa là đi, là làm, là lưu chuyển.
Cái hay tưởng nhớ (souvenir, recall), tưởng tượng (imagine), tưởng nhớ những chuyện quá khứ, tưởng tượng những dự án tương lai, v.v... trong đạo Phật gọi là tưởng Uẩn. Tưởng hơi khác với hành. Hành chỉ là những ý nghĩ không có hình tướng, còn tưởng không phải suy nghĩ mà là hình dung, khi tưởng thì trong tâm hiện ra những hình ảnh quá khứ hoặc tương lai.
Cái biết vui buồn, lo lắng, thương ghét, giận hờn, v.v... trong đạo Phật gọi là thọ Uẩn, tức sự cảm thọ. Cảm thọ có hai loại liên quan đến thân hoặc tâm. Cái biết đau nhức, nóng lạnh trên thân thể được gọi là thân thọ. Cái biết đau khổ, yêu thương, ganh ghét, giận hờn được gọi là tình cảm hay tâm thọ.
Mặc dù không ai thấy được tâm ra sao, nhưng mọi người đều biết mình có “bốn cái biết” (thức, hành, tưởng, thọ) vừa kể ở trên. Bốn cái biết này được gọi là tâm, hay đúng hơn là bốn công năng của tâm.
Mỗi khi biết, nhận thức thì đó là tâm biết hay tâm thức.
Mỗi khi suy nghĩ, đó là tâm suy nghĩ hay tâm hành.
Mỗi khi tưởng nhớ, tưởng tượng, đó là tâm tưởng.
Mỗi khi cảm giác vui buồn, sướng khổ đó là tâm thọ.
Con người chỉ là một hợp thể của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Nói gọn lại còn hai phần: tâm và thân, danh từ chuyên môn thường dùng trong Phật giáo Nam tông là danh và sắc. Tâm là danh (nama), thân là sắc (rupa). Liên quan giữa thân tâm và ngũ uẩn như sau:
Thân = sắc
Tâm = thọ, tưởng, hành, thức
Khi tâm suy nghĩ (hành), khởi lên những ý nghĩ, thì người ta gọi là tâm nghĩ hay ý nghĩ, do đó tâm đồng nghĩa với ý. Khi tâm biết nhận thức thì gọi là tâm thức, cho nên người ta cũng gọi tâm là thức, tâm (citta), thức (vinnana), và ý (mano) được xem như đồng nghĩa. Tuy nhiên thức được xem là tâm vương, còn thọ, tưởng, hành là những tâm sở.
Định nghĩa tâm như vậy được xem là giản dị nhất. Nhưng đi xa hơn thì không đủ, bởi vì nếu tâm là thức, tức là một trong bốn uẩn (thọ, tưởng, hành, thức), khi chết năm uẩn tan rã không còn gì hết, vậy chẳng lẽ tâm cũng tiêu tan luôn hay sao? Nếu tiêu hết thì rơi vào đoạn diệt, hư vô, có khác gì người vô thần cho chết là hết? Do đó cần phải định nghĩa thêm chi tiết về tâm.
(triển khai và giải rộng dựa theo bài viết của HT. Thích Trí Siêu)
