<center>BỐN LOẠI TỊNH ĐỘ</center><center>
</center>
Tịnh Độ không phải chỉ có một cõi, mà rất nhiều cõi. Đứng về phương diện tính chất, từ tế đến thô, có thể chia làm bốn loại Tịnh Độ:
1. THƯỜNG TỊCH QUANG TỊNH ĐỘ:
Đây là cảnh giới mà pháp thân Phật an trụ. "Thường" là không thay đổi, không sanh diệt tức Pháp thân Phật; "Tịch" là xa lìa các phiền não vọng nhiễm, tức là đức Giải thoát của Phật; "Quang" là chiếu sáng khắp cả mười phương, tức là Bát nhã của Phật. Như thế cõi Tịnh Độ này đủ cả ba đức quí báu của Phật là thường, tịch và quang; cho nên gọi là "Thường Tịch Quang Tịnh Độ".
Cảnh Tịnh Độ này không hình sắc mà chỉ là chơn tâm. Vì bản thể chơn tâm, hay tánh viên giác "thường vắng lặng, chiếu soi và thanh tịnh", nên gọi là "thường tịch quan tịnh độ". Chư Phật khi đã chứng được cảnh giới này rồi thì thân và độ không hai, song vì căn cứ theo ba loại Tịnh Độ sau đây mà tạm gọi là có thân có độ. Tu chứng đến chỗ này, nếu đứng về thân thì gọi là "Pháp thân", còn đứng về độ thì gọi là "Thường Tịch Quang Tịnh Độ".
Kinh Tịnh Danh, về lời sớ, có chép: Tu nhơn hạnh về viên giáo, khi nhơn viên quả mãn, thành bậc Diệu Giác (Phật), sẽ ở cõi "Thường Tịch Quang Tịnh Độ".
2. THẬT BÁO TRANG NGHIÊM ĐỘ:
Hành giả phải trải qua ba vô số kiếp tích công lũy đức, do phước báo tu hành nhiều đời dồn chứa lại, làm trang nghiêm cảnh giới chân thật, nên gọi là "Thật Báo Trang Nghiêm Độ". Cảnh giới Tịnh Độ này là chỗ ở của Báo Thân Phật".
Kinh Quán Vô Lượng Thọ, về lời sớ có chép: Tu tập chơn thật, cảm đặng quả báo tốt đẹp, nên gọi là "Thật Báo Trang Nghiêm Độ". Bên Đại thừa Viên giáo thì cõi này là của các bậc Tam hiền (Trụ, Hạnh, Tướng); còn bên Đại thừa Biệt giáo, thì đây là cõi của các bậc từ Thập địa cho đến Đẳng giác Bồ tát.
3. PHƯƠNG TIỆN HỮU DƯ TỊNH ĐỘ
Cảnh Tịnh Độ này không phải là cứu cánh rốt ráo, mà chỉ là phương tiện. Đây là cõi Tịnh Độ của hàng Nhị thừa. Các vị này, tuy đã dứt được kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới), nhưng còn dư lại hai hoặc là vô minh hoặc và trần sa hoặc chưa trừ được, nên gọi là "hữu dư". Đã là "hữu dư" tức chưa phải hoàn toàn cứu cánh, nên gọi cõi Tịnh Độ này là "Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ".
4. PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ TỊNH ĐỘ:
Đây tức là cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà ở Tây phương. Đã gọi là Tịnh Độ hay Cực Lạc, tất nhiên có đủ các đức thanh tịnh, trang nghiêm, không có bốn ác thú. Nhưng đây vì Phật, Bồ tát và các vị thượng thiện nhơn (thánh) cùng sống chung với các chúng sanh mới vãng sanh, chưa chứng quả thánh (còn phàm), nên gọi là "Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ".
Vì phần đông tín đồ Phật giáo Việt Nam và Trung Hoa trong khi tu về pháp môn Tịnh Độ về nguyện sanh về cõi Tịnh Độ này, tức là cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà; nên ở đây, chúng tôi xin căn cứ theo kinh "Tiểu Bổn A Di Đà" thuật lại lời đức Phật Thích Ca đã tả về cảnh giới của cõi Tịnh Độ này:
"Từ cõi Ta Bà này, cứ về hướng Tây, cách đây hơn mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Vị giáo chủ ở thế giới ấy là Phật A Di Đà, thường hay nói pháp. Cõi ấy có bảy lớp câu lơn (tường hoa), bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây xinh đẹp, có "hồ thất bảo" đầy "nước tám công đức". Đáy hồ toàn là cát vàng. Bốn phía bờ hồ để cẩn vàng ngọc, châu báu. Trong hồ có hoa sen bốn màu lớn bằng bánh xe, hương thơm ngào ngạt, màu nào cũng có hào quang chiếu sáng. Quanh hồ, vươn lên những tòa lâu đài nguy nga, xinh đẹp làm toàn bằng thất bảo.
Trên không trung, hòa lẫn trong những bản nhạc thiêng, có những tiếng chim báu, do Phật hóa hiện ra, để thuyết pháp ngày đêm sáu thời cho dân chúng nghe. Người nghe rồi liền phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Không những chỉ tiếng chim, mà cho đến cả tiếng nước chảy, gió thổi, cây reo cũng đều phát ra tiếp pháp nhiệm mầu.
Cảnh giới Cực lạc tốt đẹp, trang nghiêm như thế là do công đức của Phật A Di Đà là vị Giáo chủ của cõi ấy và các vị Bồ tát, Thánh chúng chung nhau tạo thành.