- Tham gia
- 27/10/06
- Bài viết
- 1,775
- Điểm tương tác
- 90
- Điểm
- 48
TU và NGHIỆP
Đành rằng : người tu là phải dứt trừ tam nghiệp của thân khẩu ý, không nên tích trữ nó nữa; nhưng đó là dứt nghiệp hiện tại, và không sanh nghiệp vị lai, chớ những nghiệp quá khứ đã gieo tạo rồi, thì cũng không sao tránh được sự kết quả, của thiện ác khổ vui xảy đến.
Trong đời có lắm người tu, muốn nhập định thanh tịnh yên vui giải thoát, nhưng vì không dứt đặng nghiệp hiện tại và vị lai, nên không thể tu bền dài.
Hơn nữa, có kẻ ngờ tu là được trọn hưởng yên vui hạnh phúc, không còn phải bị quả báo khổ nạn, nên khi chịu khổ nạn, thì họ chán nản, muốn thôi tu. Những kẻ ấy chưa hiểu biết rằng : người tu mà không còn nghiệp, quả xấu, là chỉ có chư Phật Như Lai, hay đại Bồ Tát mới được. Vì hai bậc này, là đã tu lâu đời lắm, nghiệp xấu đã từ lâu không gieo tạo thêm, nên từ nay về sau là không còn khổ nạn, ấy mới gọi là Niết-bàn, Niết-bàn là không còn nghiệp quả khổ báo; và cũng bởi các Ngài tế độ chúng-sanh đông, tức là các Ngài đền trả nghiệp tội cho mau chóng, chính trong lúc khổ nhọc giáo hóa, tức là đền nghiệp báo; vậy thì đó cũng là một cách trả nghiệp nhẹ, chớ không ai tránh khỏi đặng. Như thế nghĩa là : người tu không gây nghiệp hiện tại, vị lai, và muốn phải ít chịu quả báo của nghiệp quá khứ, là hãy rán tế độ chúng-sanh mới phải.
Thế mà trong đời ít kẻ được trọn tu, lại muốn không trả đền nghiệp quả xấu, để phải lâu ngày thêm vốn to lời nặng, thật đáng thương xót. Những kẻ ấy cứ mảng tính hưởng sự yên vui, trên sự tạo vay, mà không nghĩ đến ngày mai bị người bắt buộc, thật là lếu quá. Nào ai có ngờ đâu, chính người khổ nạn cực nhọc, vui chịu thiệt thòi mãi, kẻ ấy mới ắt phải giàu to tâm trí, an lạc, vĩnh viễn sau này, đó mới gọi là phép tu vậy, cũng bởi thế, mới có người hiểu lầm, cầu vái Phật, xin Phật chứng minh cho người được yên vui toại nguyện, trên đống nghiệp nợ càng gieo. Họ quên rằng : tứ đại sanh tượng thân hình người một thân một, đâu có chi của cải; những cái có có của người hôm nay, đều là của muợn vay, của cả thảy những chúng-sanh xung quanh, chớ phải đâu của họ. Họ vái nguyện xin Phật cho họ mạnh giỏi bình yên, trên sự bất công tội lỗi. Mà người ta chưa nhận xét được rằng : chính chư Phật kia, còn phải bỏ sự sống dai, tốt đẹp, danh vọng, sang giàu, luyến ái, sức mạnh vui chơi, trí hóa v.v.. Các Ngài đã sợ mà xa tránh các nghiệp tội ấy, thì há Ngài lại đem nó mà mê hoặc, chôn lắp chúng-sanh đành sao ? Do đó mà nguyện vọng của tham cầu, đối với chư Phật Thánh, không được cảm ứng chi hết.
Sự thật ít ai giác-ngộ lẽ ấy. Kìa như những người tu, họ thường nói bảo với nhau rằng : nghiệp quả đối với người định tâm giải thoát, là phải dồn đến mau lẹ và nhiều hơn kẻ thế, nhưng rồi thì sẽ mau hết sớm, đỡ bớt vốn lời; có như thế mới mong sang qua ở được nơi bên kia xứ Phật. Vậy nên họ rất vui lòng đền tội trả báo, càng nhiều càng hay, càng khổ càng tốt. Họ như người liều mạng xác thân, để theo đuổi mục-đích giải thoát. Vì thế mà họ càng được yên vui tốt đẹp thêm lên mãi, về đức tánh thiện lành trong sạch và giải thoát; để kết quả hiện tại nơi đây, khỏi cần phải đi đến đâu cũng được. Họ được như thế, là do nhờ đức tin, đức tin làm cho họ siêng năng trau giồi công đức cho tâm, để rửa sạch vết lem nơi lòng họ, để diệt tham sân si vọng động trong đức tánh của họ; tức là họ sẽ được tròn trịa trong sạch, là quả giải thoát A La Hán, đó mới thật gọi là tu.
Những người ấy cũng giống như một kẻ kia thiếu nợ lâu đời, vay cùng khắp xứ, nếu như còn ở đó, chẳng tính đi đâu, thì các chủ nợ không gấp hỏi đòi; nên họ quên, tưởng là không thiếu bợ ai, lầm là mình đang tự chủ sung sướng, cho là ai ai cũng tôi tớ mình, họ không dè rằng : cái thân miệng ý mỗi ngài mỗi vay, là quyền tự chủ đã bán đứt từ lâu. Nhưng nếu người ấy lại tính đi xa bỏ xứ đó, quyết theo Phật, bỏ thế giới dó, hay là muốn ngủ nghỉ chết đi, để giựt nợ, là lẽ tất nhiên các chủ nợ, lại bu xúm hỏi đòi dồn dập, làm cho người kia khổ sở quá, mà hoảng sợ. Trong lúc ấy, người phải vướng vào hai cảnh ngộ : một là sẽ thối chí, muốn ở lại, không còn tính đi nưã, để cho các chủ nợ được hẹn kỳ, yên trí mà bớt hỏi đòi gắt gao. Như thế là trả ít thì lâu ngày dễ chịu hơn, nhưng bởi mắc cái thân miệng ý hỏi vay hoài, thì vừa trả, vừa vay thêm mãi, không bao giờ yên vui trong sạch giải thoát đặng. Còn cách thứ hai là : Phải rán chịu khổ công, trả cho xong hết một lần, không còn tiếc rẻ món có có chi của ta nữa. Có trả xong hết một lần một, thì ắt sẽ đi xa đặng, hay từ đólà sẽ rảnh rang tự chủ, mà không vay tạo thêm nữa, để sống cuộc đời bình thường, an lạc thanh nhàn hơn, đó tức là cách giải thoát tiến hóa vậy.
Kìa như thuở nọ, có một người tôi tớ, gặp một ông lão ở chùa, đi tới tiền lợp chùa lại, chủ nhà không chịu cúng thí; nó bèn liều mạng, xin bán thân ở mướn trọn đời, đặng lấy tiền đó để cúng cho chùa. Vì nó xét nó bần cùng ngu dốt, đời sống tội lỗi không ích lợi chi hết, và cũng không biết tu hành là cai chi nữa; thôi thì chỉ hy sinh làm sự phải, vì nó nghe người ta nói : chùa là chỗ lợi ích, để dùng kêu gọi thức tỉnh, giải khổ cho người hiền. Nó chỉ nghe vậy là biết hay vậy, việc nó làm là không có tham cầu chi hết, nó thấy ra đó là một chút giảm bớt tội lỗi của xác thân, từ nhỏ tới lớn, và chỉ muốn mong sao cho hết tội nghiệp. Thế làqua năm sao nó lại đui mù, chủ nhà không chứa nuôi nó, cho nó ra đi và hứa cho luôn số nợ. Nó lần mò đi xin ăn được một năm, kế gặp ông lão ở chùa nọ, dắt nó đem về cho đánh chuông, làm việc công đức, trau tâm. Chẳng dè qua năm sau nữa nó lại cùi phung cả hai tay, chỉ còn ngồi không niệm tưởng Phật. Đến năm chót nó lại té lọt chết dưới hầm cầu tiêu, và khi vớt đem chôn được một năm, nấm đất mộ của nó, lại bị sét đánh nám đen rã nát, việc ấy làm cho ai cũng kinh sợ lạ lùng cả, tại sao kẻ hy sinh làm thiện như nó, mà còn bị quả báo như thế ấy ?
Bấy giờ có một vị Đại tiên thấy vậy mới giải rằng : Bởi bao đời trước, nó gây tội ác rất nhiều, nên nay phải trả báo. Lẽ ra nó phải chịu : một kiếp làm tôi tớ, một kiếp đui mù, một kiếp cùi phung, một kiếp chết trong hầm phân, một kiếp bị sét đánh. Nhưng nhờ nó quên mình làm việc thiện, biết tin tưởng Phật trời, và nó ước mong cho hết tội, nên nghiệp quả cảm ứng, hiện đến trả cho nó luôn một lần cho mau hết, và kể từ đây, nó sẽ được sanh ra làm một vị công tử con quan đại thần, khi lớn lên sẽ mộ đạo xuất gia tu học, lúc thác sanh lên cõi tiên vậy.
Đó tức là sự cộng dồn nghiệp quả, chớ không có chi lạ chi hết. Điều ấy cũng giống như xưa kia, nhiều kẻ lể bái chầu Phật … mà được chết sanh về cõi trời. Nhờ cung kỉnh lặng im nghe pháp, mà ngày sau chết sanh về cõi tiên, nhờ cúng dường Tăng mà chết được sanh về cung Trời Đế Thích. Nhờ biết quý trọn Tam bảo, mà nguyện lành được chư thiên hiển ứng, hễ thiện lành tới, thì ác dữ phải lui dang xa, mất biệt, bỏ chạy, là chết cái thân nghiệp ác, thế là những cái chết ấy quý tốt lắm chớ sao ? Cũng như có kẻ tu mà trọn đời bịnh hoạn, khổ sở, lao đao, tai nạn.
Kìa như xưa có vị A La Hán, mà khi chết còn bị chúng cắt đầu, ông Huệ Năng còn bị người cuốc mả. Lắm người tu đói bần cùng, bị sỉ mạ, bắt bớ, khiến sai đủ thứ v.v… Đó tức là nghiệp quả cộng dồn, trả nhiều là mau hết nợ đã vay, ấy là sự phải hay lắm. Người chơn tu ai ai cũng muốn như vậy; bởi thân tứ đại mượn vay nầy, học chứa biết bao nhiêu tội lỗi lâu đời, nếu không trả xong, thì đâu đặng yên tâm Niết-bàn nghỉ khỏe. Thế mới biết rằng : Cõi đời có ra là do nhơn nghiệp, cái chi mỗi chút cũng là quả báo hết, ai còn thân khẩu ý, tức nghiệp chơn thiện ác còn gieo, thì kết quả tội phước khổ vui, vốn không sai chạy, chỉ trừ ra các bậc chơn tu lâu đời, trả hết quả xấu, toàn nhơn nghiệp tốt,
hay tự nhiên trơ lặng, làm Khất sĩ không không, thì mới mong dứt nghiệp, vì nghiệp của ai nấy lãnh, không ai bớt cho ai, chư Phật giáo hóa cho người giác-ngộ, chớ cũng không tư vị, xử hiếp lấp ai cả, có điều là chúng-sanh dầu tội lỗi tới đâu, Ngài cũng không nỡ chấp trách bỏ bê, cho đến tội lỗi với Ngài, Ngài cũng thứ tha chỉ dạy xót thương, chớ không đành sa thải.
Cũng vì thế mà kẻ phát tâm tu về tịnh nghiệp thật có rất nhiều trở ngại, mà lướt qua được trở ngại, mới là giải thoát. Việc ấy tức như là một bức tường, hay cái sàng, là sự cản ngăn kẻ biếng nhác, non gan, tham vọng, dơ bẩn; sàng lọc kẻ tội lỗi kém căn, khiến nên trong cõi Niết-bàn an lạc, kẻ chúng-sanh phàm tâm nghiệp tội, không bao giờ đến được. Mà sự trả nghiệp là phép tu tâm, là sự lập công tu đức, quý báu nên hay lắm, có trả nghiệp nhiều mới đặng nhẹ nhàng khỏe khoắn thêm lên, cũng như sự tắm rửa; nhờ vậy tam nghiệp của tâm mới thanh tịnh vãng sanh Tịnh độ.
Kìa như một người tu tịnh nghiệp, là để trau giồi tam nghiệp thanh tịnh, để được vãng sanh Tịnh độ, là bước qua cõi sống tinh-thần, làm chủ cõi lý trí, dứt bỏ sanh tử luân hồi, để làm bậc giác-ngộ, sống bằng giác-ngộ, ở trong sự giác-ngộ thanh tịnh, lấy tục độ vạn hạnh làm gốc chân mặt đất, chỗ ở của tâm cũng y như thế. Cuộc đời đối với họ, họ sẽ đứng ngừng, trơ lặng tự chủ, thế là họ được giải thoát trong sạch, không còn làm khách tớ, quanh quẩn chịu đụt trong trần nữa. Những kẻ ấy chừng được tiến lên y như vậy, tức là được vãng sanh Cực Lạc, Phật tiếp dẫn, Pháp hộ đưa, để cho nhập chúng làm Tăng giải thoát, ở trong giới luật Tăng già là xứ Phật, cõi của lục độ thanh tịnh.
Vậy nên đức Quán Thế An Bồ tát có dạy rằng : tam nghiệp thanh tịnh là Tịnh độ. Tịnh độ là lục độ thanh tịnh, là giới luật tăng già Khất sĩ giải thoát, Giới-luật giải thoát là Niết-bàn Cực lạc, xứ an lạc, quý báu hơn cõi thiên đường, nhơn loại, thấy rõ như thế, mới gọi là Quán Thế Am Bồ Tát là quán xét sự đời tiếng khổ tối tăm, mà thấy ra được thế giới An lạc, Cực lạc của Pháp tạng là A Di Đà Phật, đang ở trong giữa võ-trụ hư vô phiền não, mà đến nơi ở được. Do đó mà các bậc cư sĩ nhơn, thiên, ai ai cũng phát tâm tu tịnh nghiệp, cầu vãng sanh giải thoát, để tiến lên Khất sĩ Tăng sư ở trong tịnh độ Cực Lạc. Như thế tức là họ cố gắng, để diệt nghiệp mà xuất gia, ra khỏi nhà thế sự. Họ dứt bỏ tất cả, họ lãng quên tất cả, họ bố thí hết, họ nhẫn nhục luôn, họ siêng năng bố thí nhẫn nhục và bỏ qua, để tập lo trì giới, tham thiền, chưởng tu định huệ, vui chịu khổ công, xem như thân đã chết. Họ tự độ lấy tâm mình trước, để cho chúng-sanh noi gương; chớ chẳng dám tưởng lầm, quên bỏ tâm mình, tam nghiệp bẩn nhơ, mà vấy bôi cho khắp cùng thiên hạ, đúng lý như vậy.
Xưa kia có một người muốn xuất gia giải thoát, mà tự mình dứt nghiệp không đặng, không nỡ dứt bỏ gia-đình. Bấy giờ người cầu cứu với một vị đại tiên. Vị tiên nầy bèn dùng phép thần thông đem người đi qua một xứ khác, ở ít lâu, cải sửa mặt mày xấu xí, ăn mặc bẩn thỉu bần bàn, khiến nên lúc trở về, nghèo nàn, đói khát, gia-đình, quyến thuộc chẳng ai nhìn nhận; do đó mà người được giải thoát xuất gia không còn chi ràng trói quyến luyến nữa.
Lại như có một người kia, vì giàu có, muốn đi tu, mà lại tiếc của tham danh, không đành đi đặng, bởi yếu tinh-thần, nên người cầu vái đến Phật, xin Phật cứu độ giúp sức. Người ấy chẳng bao lâu nhà cháy, của cải tiêu tan, vợ con lại bỏ đi, thân còn bị người bắt buộc hành phạt. Bấy giờ người mới tỉnh ngộ ra, biết là đến lúc Phật đã độ mình, nên liền mau xuất gia giải thoát nhập đạo làm Tăng, chết bỏ cảnh đời, sanh vào nhà Phật, ở trong xứ Phật (giới-luật).
Có người nọ thấy mình già yếu tật bịnh, muốn giải thoát vãng sanh, mà chẳng biết làm sao ? Người phát nguyện xuất gia Tịnh độ, Khất sĩ, cầu xin Phật tiếp độ, quả nhiên chẳng bao lâu lành mạnh được, và giải thoát làm Tăng tu trì tinh tấn.
Tổ sư Minh Đăng Quang