BÁ TRƯỢNG QUẢNG LỤC

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Hỏi: - Như hiện nay các thầy Sa Môn đều nói: Tôi y theo lời Phật dạy học một kinh, một luận, một thiền, một luật, một tri, một giải, đáng thọ nhận bốn sự cúng dường của đàn việt như thế có tiêu được không ?


Sư đáp: - Theo như nay chiếu dụng, một thanh, một sắc, một hương, một vị, đối với tất cả pháp có, không, ở trên mọi cảnh đều không có mảy may đắm nhiễm, cũng chẳng y trụ vào sự không đắm nhiễm và cũng không khởi tri giải về sự chẳng y trụ, người được như vậy mỗi ngày ăn muôn lượng vàng ròng cũng tiêu. Như nay chiếu soi tất cả pháp có, không… nơi cửa lục căn dầu có cạo gọt mà đối với tham ái có một mảy may trị chẳng hết thì người này dù cho đến xin thí chủ một hạt cơm, một sợi chỉ, đều phải mang lông đội sừng, kéo cày chở nặng, mỗi mỗi đều phải trả nợ thí chủ mới được, vì họ chẳng y theo Phật. Phật là người vô trước, vô cầu, vô y, như nay cứ lăng xăng tham đi tìm Phật đều là trái vậy. Cho nên nói:

“Nhiều kiếp gần bên Phật,
Mà chẳng biết Phật tánh.
Chỉ thấy người xuất thế,
Luân hồi trong lục đạo.
Lâu mới thấy được Phật,
Lại nói Phật khó gặp”.


Ngài Văn Thù là Tổ Sư của bảy Đức Phật cũng gọi vị Bồ Tát đứng đầu thế giới Ta Bà này vô cớ tác ý tưởng thấy Phật, tưởng nghe pháp, nên bị sức oai thần của Phật đày xuống hai hòn núi Thiết Vi. Chẳng phải Ngài không hiểu, nhưng đặc biệt để làm gương cho người học, để kẻ hậu học đừng có thấy nghe như thế. Chỉ cần không có tất cả pháp, có, không, các kiến chấp có, không, mỗi mỗi đều thấu suốt ngoài ba câu, đây gọi là ngọc báu như ý, cũng gọi là đặt chân lên Bửu Liên Hoa. Nếu có tri kiến Phật, tri kiến Pháp, tri kiến có không gọi là con mắt bệnh, vì cái năng kiến, sở kiến, cũng gọi là kiến trói buộc, cũng gọi là kiến che lấp, cũng gọi là kiến tác nghiệt. Chỉ như nay niệm niệm cùng tất cả kiến, văn, giác, tri và hết thảy trần cấu khử bỏ được hết thì một trần, một sắc đều là một Phật. Dẫu khởi một niệm cũng là một Phật, niệm niệm của thân ngũ ấm quá khứ, hiện tại, vị lai vô lượng vô biên, đây gọi là Phật lấp bít hư không, cũng gọi là phân thân Phật, cũng gọi là Bảo Tháp hiện. Vì thế thường than rằng: “Sinh mạng ngày nay bị tứ đại nắm chặt, thiếu một ngày không sống, thiếu một ngày không chết, phải nhờ một hột gạo, một cọng rau, không được ăn thì bị chết đói, không được uống thì bị chết khát, không được lửa sưởi ấm thì bị chết lạnh, như thế chẳng bằng người đã đạt đạo vào lửa không bị cháy, xuống nước không chìm, muốn cháy liền cháy, muốn chìm liền chìm, muốn sống liền sống, muốn chết liền chết, đi ở tự do, người này có phần tự do vậy”.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Tâm nếu không loạn thì chẳng cần cầu Phật, cầu Bồ Đề, cầu Niết Bàn. Nếu chấp trước cầu Phật là tham, tham biến thành bệnh, nên nói: “Bệnh Phật rất khó trị”. Báng Phật, phỉ Pháp mới được lấy cơm ăn. Người ăn là tánh linh giác của chính mình, cơm vô lậu, thức ăn giải thoát, những lời trên là trị bệnh cho hàng Bồ Tát Thập địa.


Như nay hễ có tất cả tâm mong cầu đều gọi là Tỳ Kheo phá giới, là danh dự A La Hán, đều gọi là con chồn, hiển nhiên là không tiêu được đồ cúng dường của người.


Chỉ cần hiện tại nghe tiếng như vang, ngửi hương như gió, lìa hết tất cả pháp có, không, cũng chẳng trụ nơi lìa, cũng không có tri giải về chẳng trụ. Người này tất cả tội cấu không thể buộc ràng được.


Vì cầu Vô thượng Bồ Đề, Niết Bàn nếu gọi là xuất gia, vẫn còn là nguyện tà, huống là sự tranh luận hơn thua ở thế gian, như nói: “Tôi làm được, tôi hiểu được”. Tham thêm một môn đồ, thương một đệ tử, lưu luyến một chỗ ở, kết duyên với một đàn việt, một manh áo, một chén cơm, một danh, một lợi mà lại nói: “Ta được tất cả đều vô ngại”. Đó chỉ là tự dối mình.


Chỉ cần hiện tại đối với ngũ ấm của mình chẳng bị nó làm chủ. Bị người chặt đứt thân thể ra từng khúc vẫn không có tâm oán tiếc, cũng không phiền. Cho đến việc đệ tử của mình bị người đánh đập từ đầu đến chân, những việc kể trên đều không có một niệm sanh tâm bỉ ngã. Song, nếu còn y trụ nơi không có một niệm trên cho đó là đúng đây gọi là sự nhơ bợn của pháp trần. Hàng Thập địa còn thoát chưa được nên còn bị trôi vào dòng sanh tử. Do đó ta thường khuyên mọi người phải sợ phiền não của pháp trần như sợ tam đồ thì mới có phần độc lập. Giải sử có một pháp nào hơn cả Niết Bàn đi nữa, cũng không sanh ra ý tưởng quý trọng thì người này mỗi bước đi là Phật chẳng cần chân đạp hoa sen, chẳng cần phân thân trăm ức. Nếu hiện tại đối với các pháp có không, có tâm ái nhiễm bằng mảy lông thì dẫu cho chân có đạp hoa sen cũng đồng như ma làm.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Nếu chấp vốn thanh tịnh, vốn giải thoát, tự là Phật, tự là Thiền đạo, có kiến giải này, thuộc về phái ngoại đạo tự nhiên.


Nếu chấp nhân duyên tu thành, chứng đắc, tức thuộc về phái ngoại đạo nhân duyên.

Chấp có tức thuộc về phái ngoại đạo thường kiến.
Chấp không tức thuộc về phái ngoại đạo đoạn kiến.
Chấp cũng có cũng không tức thuộc về phái ngoại đạo biên kiến.
Chấp chẳng có chẳng không tức thuộc về phái ngoại đạo không kiến cũng gọi là ngoại đạo ngu si.


Hiện nay chớ khởi các kiến chấp Phật, Niết Bàn… Không có tất cả kiến chấp có không, cũng không có cả cái không kiến chấp nữa, mới được gọi là chánh kiến.


Không có kiến chấp nghe và không nghe, cũng không có cái không có kiến chấp nữa mới được gọi là chánh nghe, ấy gọi là dẹp trừ ngoại đạo.


Không có ma phàm phu đến là đại thần chú, không có ma Nhị thừa đến là đại minh chú, không có ma Bồ Tát đến là vô thượng chú, không có ma Phật đến là Vô đẳng đẳng chú.


Một biến chúng sanh là siểm khúc Tu La (B), hai biến Nhị thừa là siểm khúc Tu La, ba biến Bồ Tát là siểm khúc tu la. Đó là tam biến Tịnh độ (C). Tất cả pháp có, không, phàm, thánh… dụ như quặng vàng; tự mình đúng lý dụ như vàng. Vàng với quặng tách rời nhau thì vàng thật lộ ra. Bỗng người muốn tiền thì liền biến vàng thành tiền cho người ấy dùng. Cũng như bột mì thiệt, nếu có người đến xin bánh liền làm thành bánh cho người đó. Cũng như viên quan hầu cận có trí khéo hiểu được ý nhà vua, vua lúc muốn đi kêu “Tiên đà bà”, liền đem ngựa đến; lúc muốn ăn kêu “Tiên đà bà”, liền đem muối đến. Những việc trên dụ cho người học huyền chỉ khéo thông đạt được thì ứng cơ chẳng sai lầm, nên cũng gọi là lục tuyệt sư tử (tự tánh). Ngài Chí Công nói: “Tuỳ người tạo tác trăm sự biến hoá”. Hàng Bồ Tát Thập địa chẳng đói chẳng no, vào nước không chìm, vào lửa không cháy, ví như muốn cháy cũng chẳng được cháy, vì các vị ấy còn bị số lượng quản định. Phật thì chẳng phải như thế, vào lửa chẳng cháy, còn như muốn cháy liền cháy, vào nước chẳng chìm, muốn chìm liền chìm. Ngài sử dụng tứ đại được tự do, tất cả sắc là sắc Phật, tất cả thanh là thanh Phật, cặn bã nhơ uế của tâm siểm khúc sạch hết, thấu vượt nghĩa ba câu được nói lời này: Bồ Tát thanh tịnh, đệ tử sáng suốt, có nói ra điều gì chẳng chấp có không, tất cả chiếu dụng chẳng lạc vào thanh hay trược.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Người có bệnh mà không uống thuốc là người ngu. Người không bệnh mà uống thuốc là hàng Thanh Văn. Người chấp quyết định vào một pháp gọi là định tánh Thanh Văn. Người luôn luôn đa văn gọi là Tăng thượng mạn Thanh Văn. Người ham biết các Pháp ngoài tâm gọi là hữu học Thanh Văn. Người trầm không trệ tịch và tự biết mình gọi là vô học Thanh Văn.


Tham, sân, si là độc, mười hai phần giáo là thuốc, độc chưa tiêu hết, thuốc không được bỏ, không bệnh mà uống thuốc, thuốc trở thành bệnh. Bệnh hết mà thuốc không bỏ nên nói bất sanh bất diệt là nghĩa vô thường. Kinh Niết Bàn nói: “Có ba điều ác dục: Một là muốn được tứ chúng vây quanh; hai là muốn mọi người làm môn đồ mình; bà là muốn cho mọi người biết ta là Thánh nhân, là người có trí huệ cao”. Kinh Ca Diếp nói: “Một là muốn cầu thấy Phật vị lai; hai là muốn cầu làm Chuyển Luân Vương; ba là muốn cầu vào dòng Sát Đế Lợi; bốn là muốn được vào hàng Bà La Môn nhẫn đến chán sanh tử cầu Niết Bàn.” Những điều ác dục như vậy trước hết phải dứt trừ. Hiện tại hễ có dấy niệm đắm nhiễm đều gọi là ác dục, đều thuộc về sáu cõi trời dục bị ma Ba tuần cai quản.


Hỏi: - Trong hai mươi năm thường sai đi trừ phẩn là thế nào?


Đáp: - Chỉ cần dứt hết thảy các tri kiến có không, chỉ cần dứt tất cả các sự tham cầu, mỗi mỗi đều thấu suốt nghĩa ba câu thì gọi là trừ phẩn. Còn như nay cầu Phật, cầu Bồ Đề, cầu tất cả pháp có không,… Thì đó là chở phẩn vào, không gọi là chở phẩn ra. Nếu hiện tại khởi ra Phật kiến, Phật giải, hễ có sở kiến, sở cầu, sở trước đều gọi là phẩn hý luận, cũng gọi là thô ngôn, cũng gọ là tử ngữ. Như nói: “Biển lớn không chứa tử thi”. Bình thường nói chuyện chẳng gọi là hý luận. Lời nói biện biệt thanh, trược, gọi là hý luận. Văn trong kinh có nói chung hai mươi mốt thứ “không” là để gạn lọc trần luỵ của chúng sanh.


Bậc Sa môn trì trai, giữ giới, nhẫn nhục, nhu hoà, từ bi, hỷ xả là phép tắc thông thường của Tăng sĩ. Đã biết như thế là rõ ràng làm theo lời Phật dạy, song không nên chấp trước. Nếu hy vọng được Phật, được Bồ Đề và các pháp…. Thì khác nào để tay chạm vào lửa. Ngài Văn Thù nói: “Nếu khởi Phật kiến, Pháp kiến thì sẽ tự hại mình”. Vì thế Ngài Văn Thù cầm gươm bên Phật, ông Ương Quật cầm đao bên Thích thị (Phật). Như nói: “Bồ Tát làm ngũ vô gián mà chẳng bị vào địa ngục Vô gián, vì các Ngài là người huyền thông Vô gián nên không đồng như chúng sanh tạo tội ngũ nghịch Vô gián”.


Từ Ba tuần thẳng đến Phật đều là cáu ghét. Không có mảy may y chấp như thế còn gọi là đạo Nhị thừa, huống chi tranh luận tìm sự hơn thua, nói “Ta làm được, ta hiểu được” thì chỉ được gọi là tranh luận Tăng, chẳng được gọi là Vô vi Tăng.


Hiện tại chỉ cần không tham nhiễm tất cả các pháp có không thì gọi là vô sanh, cũng gọi là chánh tín. Tin mà còn chấp trước vào tất cả pháp thì gọi là lòng tin chẳng đủ, cũng gọi là lòng tin không trọn vẹn, cũng gọi là lòng tin lệch lạc. Lòng tin chẳng đủ cho nên gọi là Nhất xiển đề. Như nay muốn được hoát nhiên ngộ giải thì chỉ cần nhân pháp đều bặt, nhân pháp đều đứt, nhân pháp đều không, thấu suốt nghĩa ba câu đây gọi là người bất đoạ chư số (không lọt vào số lượng), đó là tin pháp, đó là giới thí, văn huệ… Bồ Tát chịu nhịn chẳng thành Phật, chịu nhịn chẳng làm chúng sanh, chịu nhịn chẳng trì giới, chịu nhịn chẳng phá giới, cho nên nói là không trì, không phạm.


Trí trược chiếu thanh, huệ thanh biết trược. Nơi Phật gọi là chiếu huệ, nơi Bồ Tát gọi là trí, nơi Nhị thừa và chúng sanh gọi là thức, cũng gọi là phiền não. Nơi Phật gọi là trong quả nói nhân, nơi chúng sanh gọi là trong nhân nói quả. Nơi Phật gọi là Chuyển pháp luân, nơi chúng sanh gọi là Pháp luân chuyển. Nơi Bồ Tát gọi là đồ anh lạc trang nghiêm, nơi chúng sanh gọi là ngũ ấm Tòng lâm. Nơi Phật gọi là bốn địa vô minh, do vì hiểu rõ vô minh nên nói vô minh là đạo thể, chẳng đồng với ám muội vô minh của chúng sanh.

Kia là sở, đây là năng,
Kia là sở văn, đây là năng văn,
Chẳng một, chẳng khác,
Chẳng đoạn, chẳng thường,
Chẳng đến, chẳng đi.


Là lời nói sống, là lời nói vượt ra ngoài khuôn khổ ngữ cú, chẳng sáng, chẳng tối, chẳng Phật, chẳng chúng sanh cũng đều như vậy. Đến, đi, đoạn, thường, Phật, chúng sanh đều là lời nói chết. Khắp hay chẳng khắp, đồng hay dị đoạn hay thường, … đều là cái nghĩa của ngoại đạo. Bát Nhã Ba La Mật là Phật tánh của chính mình cũng gọi là Ma Ha Diễn (Đại thừa). Nếu chấp giữ cái tri giác của mình thì thần ngoại đạo tự nhiên. Không giữ cái giác chiếu soi hiện tại, không cầu Phật, nếu cầu cái khác thì thuộc về ngoại đạo nhân duyên. Sơ Tổ nói: “Tâm có chỗ phải, ắt có chỗ quấy”. Nếu quý một vật ắt thì bị một vật làm mê hoặc, nếu trọng một vật thì bị vật làm mê hoặc. Tin thì bị lòng tin làm mê hoặc, không tin thì lại thành phỉ báng. Thế nên đừng quý, cũng đừng không quý, đừng tin cũng đừng không tin.


Phật cũng chẳng phải là vô vi, tuy chẳng phải là vô vi lại cũng chẳng phải là cái tối tăm yên lặng như hư không. Phật là chúng sanh thân lớn, giác chiếu soi nhiều nhưng thanh tịnh, quỷ tham sân bắt không được. Phật là người ở ngoài vòng trói buộc không có mảy may ái thủ, cũng không có tri giải về không ái thủ, đây gọi là đầy đủ lục độ vạn hạnh, nếu cần đồ trang nghiêm thì thứ nào cũng có, còn như không cần không dùng thì cũng chẳng mất nó. Tự do sai khiến được nhân quả, phước trí là tu hành, chứ chẳng phải nhọc nhằn mang nặng mới gọi là tu hành.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Ba thân một thể, một thể ba thân.


1. PHÁP THÂN THẬT TƯỚNG PHẬT:


Pháp thân Phật không sáng, không tối. Sáng tối thuộc về huyễn hoá. Thật tướng là do đối với hư tướng mà đặt tên, thật ra nó vốn không có tất cả tên gọi, như nói: Pháp thân vô vi bất đoạ chư số, thành Phật cao quý, … đều là lời nhẹ như gánh một lon, một lít. Do tên trược mới được đặt tên thanh nên nói thật tướng Pháp thân Phật, cũng gọi Thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật, cũng gọi hư không Pháp thân Phật, cũng gọi Đại Viên Cảnh Trí, cũng gọi đệ bát thức, cũng gọi là Tánh Tông, cũng gọi không tông, cũng gọi là Phật ở cõi không tịnh, không uế, cũng gọi sư tử ở tại hang, cũng gọi Kim cang Hậu đắc trí, cũng gọi Vô cấu đàn, cũng gọi Đệ nhất nghĩa không, cũng gọi Huyền chỉ. Tam Tổ nói: “Chẳng biết huyền chỉ, uổng công niệm định”.

2. BÁO THÂN PHẬT:


Báo thân Phật là Phật dưới cội Bồ Đề, cũng gọi là huyễn hoá Phật, cũng gọi là tướng hảo Phật, cũng gọi là Ứng thân Phật, cũng gọi là viên mãn Báo thân Lô Xá Na Phật, cũng gọi là Bình đẳng tánh trí, cũng gọi là đệ Thất thực, cũng gọi là Thù nhân đáp quả Phật, đồng với số năm mươi hai Thiền na, đồng với A La Hán, Bích Chi Phật, đồng với tất cả Bồ Tát, đồng chịu các khổ sanh diệt mà không đồng nghiệp khổ ràng buộc của chúng sanh.

3. HOÁ THÂN PHẬT:


Hiện tại đối với các pháp có, không đều không tham nhiễm, cũng không cả cái không tham nhiễm, lìa ngoài tứ cú. Tất cả ngôn thuyết biện tài đều gọi là Hoá thân Phật, cũng gọi là Thiên bá ức Hoá thân Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng đại thần biến, cũng gọi là Du hí thần thông, cũng gọi là Diệu quan sát trí, cũng gọi là đệ Lục thức.

Cúng dường nghĩa là làm thanh tịnh ba nghiệp. Tiền tế (quá khứ) không phiền não để đoạn, trung tế (hiện tại) không tự tánh để giữ, hậu tế (vị lai) không Phật để thành, đó là Tam tế (tam thế) đoạn, là ba nghiệp thanh tịnh, là Tam luân không, là tam đàn không (Tam đàn: người bố thí, người nhận bố thí, tài vật bố thí). Thế nào là Tỳ Kheo hầu hạ Phật? Đó là người lục căn chẳng lậu, cũng gọi là “Trang nghiêm vô chư lậu”, “Rừng cây trang nghiêm vô chư nhiễm”, “Hoa quả trang nghiêm vô Phật nhãn”. Về pháp nhãn của người tu hành biện biệt thanh trược, cũng không có tri giải về sự biện biệt thanh trược, đây gọi là Ngũ nhãn (nhục nhãn cho đến Phật nhãn).

Kinh Bảo Tích nói: Pháp thân không thể dùng kiến, văn, giác, tri để cầu, Nhục nhãn không thấy được vì nó vô sắc, Thiên nhãn không thấy được vì nó vô vọng, Huệ nhãn không thấy được vì nói lìa tướng, Pháp nhãn không thấy được vì nói lìa hành, Phật pháp nhãn không thấy được vì nó lìa thức. Nếu không có những tri kiến trên thì gọi là Tri kiến Phật. Đồng sắc mà chẳng phải hình sắc nên gọi là chân sắc. Đồng không mà chẳng phải thái hư nên gọi là chân không. Sắc với không cũng là lời nói thuốc với bệnh để trị nhau (chấp sắc lấy không trị, chấp không lấy sắc trị).
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Pháp giới quan nói: “Chớ nói tức sắc, chẳng tức sắc, cũng chớ nói tức không chẳng tức không”.


Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không lãnh nạp tất cả pháp có không, gọi là chuyển vào đệ Thất địa. Bồ Tát Thất địa không lui sụt thất địa. Từ Bồ Tát Bát địa đến Bồ Tát Thập địa, tâm địa trong sạch để hiện diệu dụng của tự tánh, nói lửa lửa liền cháy.


Từ Sắc giới trở lên bố thí là bệnh; bỏn xẻn tham làm là thuốc. Từ Sắc giới trở xuống bỏn xẻn tham lam là bệnh, bố thí là thuốc.


Hữu tác giới là cắt dứt pháp thế gian, chẳng phải thân tay làm thì không có lỗi. Vô tác giới, cũng gọi là Vô biểu giới, cũng gọi là Vô lậu giới. Hễ có dấy tâm động niệm đều gọi là phá giới. Nay chỉ cần không bị các cảnh có không làm hoặc loạn, cũng chẳng y trụ nơi không hoặc loạn, cũng không có tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là biến học (phổ biến) cũng gọi là cần tán niệm (cần = siêng, tán = khen), cũng gọi là Quảng lưu bố.


Lúc chưa ngộ, chưa hiểu gọi là mẹ, ngộ rồi hiểu rồi gọi là con. Cũng không có cái tri giải về ngộ hay không ngộ, hiểu hay không hiểu, đây gọi là mẹ con đều chết. Không có sự ràng buộc của thiện, của ác, của Phật, của chúng sanh; số lượng cũng vậy, nhẫn đến không có sự ràng buộc của tất cả số lượng. Cho nên nói Phật là bậc siêu việt số lượng, vượt ra ngoài các sự ràng buộc.


Tham lam, ưa thích tri giải, nghĩa cú cũng như mẹ thương con, chỉ biết cho con ăn nhiều sữa ngon mà con có tiêu hoá được hay không đều không biết. Những lời này dụ cho:

- Hàng Thập địa thọ sự cúng dường của trời, người là tôn quý phiền não.
- Thiền định sanh vào Sắc giới, Vô sắc giới, là phước lạc phiền não.
- Được thần thông tự tại bay đi ẩn hiện khắp tịnh độ mười phương chư Phật, là nghe pháp phiền não.
- Học từ bi hỷ xả là nhân duyên phiền não.
- Học lý không, bình đẳng, là Trung đạo phiền não.
- Học tam minh, Lục thông là Tứ vô ngại phiền não.
- Học tâm Đại thừa là phát Tứ hoằng thệ nguyện phiền não.
- Sơ địa, Nhị địa, Tam địa, Tứ địa là minh giải phiền não. Ngũ địa, Lục địa, Thất địa là chư tri kiến phiền não. Bát địa, Cửu địa, Thập địa là song chiếu Nhị đế (chân đế và tục đế) phiền não. Cho đến học Phật quả là bá vạn A tăng kỳ chư hạnh phiền não. Chỉ biết tham nghĩa cú tri giải chẳng biết đó là trói buộc phiền não, nên nói: “Dòng sông kiến chấp hay cuốn trôi hương tượng” (loài voi lớn ở Hy Mã Lạp Sơn dụ cho hàng Bồ Tát).
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Hỏi: - Thấy chăng ?

Đáp: - Thấy.

Lại hỏi: - Sau khi thấy thì thế nào ?

Đáp: - Cái thấy không hai.

Đã nói thấy không hai thì không được lấy “kiến” để “kiến” cái “kiến”. Nếu “kiến” lại thêm “kiến” thì thành hai câu đầu. Vậy cái “kiến” trước phải hay cái “kiến” sau phải? Cũng như Kinh Lăng Nghiêm nói: “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập” (Hai chữ “kiến kiến” này là chỉ cho “kiến tánh”. Khi đã kiến tánh thì kiến (- trước) không phải là năng kiến cho nên không có tánh để làm sở kiến (- sau). Gọi là kiến còn phải lìa kiến, nếu có năng kiến thì không thấy được tự tánh, cho nên nói: Kiến bất năng cập).


Vì thế không hành kiến pháp, không hành văn pháp, không hành giác pháp, không hành tri pháp, thì chư Phật liền thọ ký cho.

Hỏi: - Kiến pháp đã chẳng phải là lời thọ ký thì dùng cái gì để thọ ký ?

Sư đáp: - Người đã ngộ Tông thì chẳng bị tất cả pháp có không trói buộc như giặt áo bẩn vậy, nên nói: Ly tướng gọi là Phật, hư thật đều không còn; trung chỉ độc huyền, huyền đạt một lối (Trung chỉ = tự tánh, độc huyền = bất khả tư nghì. Tự tánh huyền diệu bất khả tư nghì, đạt đến cái huyền diệu ấy chỉ có một đường lối là phải tự ngộ mới được), kẻ đồng đạo hậu tấn (hậu học) khế hợp đến bậc đó, nên nói thọ ký vậy.


Vô minh là cha, tham ái là mẹ. Tự kỷ là bệnh, tự kỷ cũng là thuốc. Tự kỷ là dao giết cha vô minh, mẹ tham ái của chính mình, nên nói giết cha hại mẹ. Đó là một cách nói để phá hết thảy pháp. Người ăn phi thời thực cũng vậy. Hiện tại đắm nhiễm tất cả pháp có không đều gọi là ăn phi thời thực cũng gọi là ác thực, là thức ăn nhơ đựng trong chén báu, là phá giới, là làm nhơ chén, là tạp thực.


Phật là người không cầu, hiện nay tham cầu tất cả pháp có không, hễ có sở tác đều là quấy cả, tức là phỉ báng Phật. Hễ có tham nhiễm đều gọi là thọ thủ (trao tay). Còn như nay không tham nhiễm, cũng chẳng y trụ vào không tham nhiễm, cũng không có tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là lửa Bát Nhã, lửa đốt ngón tay là không tiếc thân mạng, là cắt thân ra từng mảnh, là xuất thế gian, là cầm thế gian trong lòng bàn tay ném qua phương khác.


Hiện tại, nếu đối với mười hai phần giáo và tất cả pháp có, không ở trong tạng phủ còn có một mảy may lưu giữ là chưa ra khỏi lưới. Hễ có sở cầu, sở đắc, hễ có khởi tâm động niệm đều là con chồn. Như nay chỉ cần trọng tạng phủ đều vô sở cầu, vô sở đắc thì người này là đại thí chủ, là sư tử rống. Lại cũng chẳng y trụ vào Vô sở đắc, cũng không có tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là lục tuyệt sư tử.


Nhân ngã chẳng sanh, các điều ác không khởi, đó là để núi Tu Di vào trong hạt cải, chẳng khởi tất cả tham sân và bát phong, … Đó là hút được hết tất cả nước bốn biển lớn vào miệng. Chẳng thọ nhận tất cả ngữ ngôn hư vong, đó là chẳng lọt vào lỗ tai. Chẳng cho thân tạo các điều ác đối với người, đây là nạp tất cả lửa vào trong bụng. Hiện tại chỉ cần đối với mọi cảnh chẳng mê lầm, chẳng tán loạn, chẳng giận, chẳng mừng, nơi của lục căn của mình phải cạo gọt cho sạch sẽ, đó là người vô sự hơn hẳn tất cả những người tri giải, Đầu đà tinh tấn, gọi là Thiên nhãn, cũng gọi là Liễu chiếu nhãn, cũng gọi là Pháp giới tánh, cũng gọi là xe chở nhân quả.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Hỏi: - Phật xuất thế độ chúng sanh là thế nào ?

Đáp: - Niệm trước không sanh, niệm sau không tiếp nối, nghiệp trong niệm trước đã hết gọi là độ chúng sanh. Niệm trước nếu giận hờn thì liền đem thuốc hoan hỷ để trị tức gọi là có Phật độ chúng sanh. Tất cả ngôn giáo chỉ là thuốc trị bệnh, vì bệnh chẳng đồng nên thuốc có khác, cho nên có lúc nói có Phật, có lúc nói không Phật. Lời chân thật dùng để trị bệnh, nếu trị lành được bệnh thời mỗi lần đều là lời chân thật, còn nếu trị bệnh chẳng lành thì mỗi lời đều là lời hư vọng. Lời chân thật thành lời hư vọng vì sanh kiến chấp; lời hư vọng thành lời chân thật vì dứt được điên đảo của chúng sanh. Bởi vì bệnh là hư vong, nên dùng thuốc hư vong để trị.


Phật xuất thế độ chúng sanh là chính bộ giáo ngữ, là giáo ngữ bất liễu nghĩa. Giận hờn và hoan hỷ, bệnh tật và thuốc men đều là tự kỷ chứ không có ai khác, thì chỗ nào có Phật xuất thế, chỗ nào có chúng sanh để độ? Như Kinh Kim Cang nói: “Thật không có chúng sanh được diệt độ”. Cũng nói: “Không ưa thích Phật, Bồ Đề, không tham nhiễm các pháp có không gọi là độ tha, cũng chẳng chấp lấy tự kỷ gọi là tự độ”. Vì bệnh không đồng, thuốc cũng không đồng, cho toa cũng không đồng, không được cố chấp. Y theo Phật, y theo Bồ Đề và các pháp, … đều là cơ sở y. Cho nên người trí chẳng được y theo một pháp nào cả. Lời trong kinh dụ như lá vàng, chẳng biết lý này thì gọi là đồng với vô minh. Như nói: “Bồ Tát thực hành Bát Nhã chẳng nên chấp lấy lời ta và y theo lời dạy”.


Sân như cục đá, ái như nước sông. Hiện nay chỉ cần không sân, không ái là thấu được núi sông, vách đá chỉ là trị bệnh cho kẻ tục tai điếc thôi, còn đa văn biện thuyết là để trị bệnh đau mắt.


Từ người lên đến Phật là đắc, từ người trở xuống địa ngục là thất. Thị phi cũng vậy, Tam Tổ nói: “Đắc thất thị phi, nhất thời buông bỏ”.


Không chấp trụ vào tất cả pháp có không thì gọi là bất trụ hữu duyên, chẳng y trụ vào không, y trụ thì gọi là bất trụ không nhẫn.


Người có kiến giải chấp tự kỷ là Phật, tự kỷ là Thiền, đạo gọi là nội kiến, chấp nhân duyên tu chứng mà thành gọi là ngoại kiến, Ngài Chí Công nói: “Nội kiến, ngoại kiến đều sai”.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Mắt, tai, mũi, lưỡi mỗi cái không tham nhiễm tất cả pháp có, không gọi là thọ trí bốn câu kệ, cũng gọi là Tứ quả Lục nhập không dấu tích, cũng gọi là Lục thông. Hiện tại chỉ cần không bị các pháp có, không làm ngại, cũng chẳng y trụ nơi vô ngại và cũng không có tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là Thần thông. Không chấp thần thông này là đúng gọi là Không thần thông. Như bảo: Bồ Tát không thần thông, dấu chân không thể tìm là người hướng lên Phật, là người không thể nghĩ bàn là tự kỷ.


Trời là trí chiếu soi. Khen ngợi liền vui mừng, vui mừng thuộc về cảnh. Cảnh là trời, khen ngợi là người. Trời người giao tiếp cả hai được thấy nhau. Cũng nói: Tịnh trí là trời, chánh trí là người, vốn chẳng phải là Phật mà nói với họ là Phật, gọi là thể kết. Nay chỉ cần chớ có tri giải Phật, cũng chẳng y trụ nơi không tri giải Phật, đây gọi là diệt kết, cũng gọi là chân như, cũng gọi là thể như.


Cầu Phật, cầu Bồ Đề gọi là hiện thân ý. Hiện tại hễ có tất cả tâm cầu thì gọi là hiện thân ý. Như nói: Cầu Bồ Đề tuy là sự mong cầu tốt nhưng mà là chồng thêm trần luỵ. Cầu Phật là Phật chúng, cầu tất cả pháp có không là chúng sanh chúng. Hiện tại đối với các môn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… không yêu thích, đối với mọi cảnh không tham đắm, hễ không có mười câu trược tâm là liễu chân thành Phật. Học văn cú, tìm tri giải gọi là duyên nhân thành Phật.


Thấy Phật, biết Phật thì được, nói Phật có biết, có thấy tức là phỉ báng Phật. Nếu nói Phật biết, Phật thấy, Phật nghe, Phật nói thì không được, như nói thấy lửa thì được, mà nói lửa thấy thì không được; như dao cắt vật thì được mà vật cắt dao thì không được. Người biết Phật, người thấy Phật, người nghe Phật, người nói Phật thì trong muôn người không có một, còn người nói Phật biết, Phật thấy, Phật nghe, Phật nói thì nhiều như số cát sông Hẳng, chỉ vì tự mình không có mắt, mượn mắt người khác làm mắt, trong kinh gọi là Tỷ lượng trí, như nay tham lam tri giải Phật cũng gọi là Tỷ lượng trí.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

Thí dụ của thế gian là thí dụ thuận, giáo bất liễu nghĩa là thí dụ thuận, giáo liễu nghĩa là thí dụ nghịch, xả bỏ đầu, mắt, não, tuỷ là thí dụ nghịch, như nay chẳng thích các pháp Phật, Bồ Đề … là thí dụ nghịch rất khó buông bỏ; cái thí dụ về đầu, mắt, não, tuỷ có ý nghĩa như sau: chấp trước tất cả các cảnh pháp có không gọi là đầu, bị tất cả các cảnh pháp có, không làm nhiễm loạn gọi là tay, lúc chưa chiếu soi tiền cảnh gọi là não tuỷ.


Bậc Thánh làm nhân phàm là Phật, vào trong chúng sanh thị hiện đồng loại để dẫn dụ hoá đạo, đồng bọn với ngạ quỷ chịu lửa đốt từng nóng xương thuyết pháp Bát Nhã Ba La mật cho chúng nghe, khiến chúng phát tâm. Nếu cứ ở nơi địa vị Thánh thì làm sao đến chỗ họ để dạy dỗ. Phật vào trong các loài để làm thuyền bè cho chúng sanh, cả bọn cùng nhau chịu khổ, nhọc nhằn vô hạn; Phật vào chỗ khổ cũng chịu khổ đồng như chúng sanh, nhưng Phật đi ở tự do chẳng đồng chúng sanh, Phật chẳng phải hư không thì lúc chịu khổ đâu thể không khổ. Nếu nói không khổ thì lời này sai trái. Chớ nên nói bậy: Nói Phật được thần thông tự tại hay không tự tại.


Vả lại, người biết hổ thẹn thì không dám nói Phật là hữu vi hay vô vi, chẳng dám nói Phật là tự do hay không tự do, trừ sự khen ngợi phương thuốc ra, chằng muốn để lộ ra hai điều xấu xí (tương đối). Kinh nói: “Nếu người để Phật Bồ Đề ở bên đúng, người này mắc tội lớn”. Cũng nói: “Như ở trước người không biết Phật pháp nói với họ như vậy thì không lỗi”. Như sữa bò vô lậu hay trị bệnh hữu lậu, loài bò này không ở cao nguyên cũng không ở nơi ẩm thấp, sữa bò này có thể làm thuốc, cao nguyên dụ cho Phật, ẩm thấp dụ cho chúng sanh. Như nói: “Pháp thân Phật trí Như Lai không có bệnh này”. Biện tài vô ngại, bay đi tự tại, bất sanh bất diệt, đây gọi là sanh, già, bệnh, chết đau đớn chập chồng, là lối ăn canh nấm bị bệnh kiết lỵ cũng là tối. Sáng ẩn thì tối bày. Sáng, tối đều quét chớ chấp lấy một bên cũng không có cái không, chấp lấy vốn chẳng sáng chẳng tối. Phật từ cung vua sanh, cưới Da Du Đà La cho đến bát tướng thành đạo, những thị hiện này, hàng Thanh Văn và ngoại đạo vọng tưởng cho đó là thật, như nói: “Chẳng phải thân tạp thực”. Ông Thuần Đà nói: “Tôi biết Đức Như Lai chắc chắn không thọ không ăn”. Nhất là cần phải có đủ hai con mắt soi thấu cả hai đầu sự việc không nên chỉ dùng một con mắt hướng bên này đi tức có bên kia đến. Công đức Thiên, Hắc ám Nữ, người chủ có trí thì đối với cả hai đều không nhận. Hiện tại chỉ cần tâm như hư không thì sự học mới thành.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Cao Tổ (ở Ấn Độ) nói: “Tâm tâm như gỗ đá”.
Tam Tổ nói: “Thiện ác đều chớ nghĩ”.
Tiên Sư (Mã Tổ) nói: “Như người lầm đường chẳng biết phương hướng”.
Ngài Tăng Triệu nói: “Đóng chặt trí, lấp thông minh, tánh giác làu làu”.
Ngài Văn Thù nói: “Tâm đồng hư không nên sự kính lễ không có sở quán, kinh điển sâu xa chẳng nghe, chẳng thọ trì”.


Nay chỉ cần đối với tất cả pháp có, không đều chẳng thấy, chẳng nghe, lục căn lấp bít, nếu học được như thế, trì kinh như thế mới có phần tu hành. Lời này nghe qua thật trái tai, đắng miệng nhưng nếu làm được như thế thì đến đời thứ hai, đời thứ ba, có thể hướng đến chỗ không có Phật, ngồi đại đạo tràng thị hiện thành đẳng chánh giác, biến ác thành thiện, biến thiện thành ác. Dùng pháp ác để giáo hoá hàng Bồ Tát Thập địa, dùng pháp thiện để giáo hoá địa ngục, ngạ quỷ, được hướng chỗ sáng để cởi mở sự ràng buộc của sáng, được hướng chỗ tối để cởi mở sự ràng buộc của tối, nắm vàng thành đất, nắm đất thành vàng, trăm thứ biến hoá tự do. Ở ngoài hằng sa thế giới có người cầu cứu, Phật liền dùng ba mươi hai tướng hiện ra trước người ấy, dùng tiếng giống họ để thuyết pháp, ứng cơ tiếp vật, tuỳ hình cảm hóa, biến hiện vào các loài, lìa ngã, ngã sở là thuộc về việc bên kia còn là tiểu dụng cũng là nằm trong các môn Phật sự. Đại dụng là thân lớn ẩn nơi vô hình, là tiếng to giấu trong hy thanh (tiếng ngoài tần số nghe), như lửa trong gỗ, như tiếng ở trong chuông trống; lúc nhân duyên chưa đến thì không thể nói là có hay không. Báo thân sanh lên cõi trời, bỏ Báo thân này như bỏ đàm dãi. Lục độ, vạn hạnh của Bồ Tát như cõi thây chết để qua sông, như ở lao ngục, trong lỗ cầu xí được thoát ra. Phật mang tấm thân ba mươi hai tướng, tướng ấy bị gọi là áo bẩn nhơ, cũng nói: Nếu nói Phật luôn luôn không thọ thân ngũ ấm thì thật vô lý, Phật chẳng phải là hư không thì đâu thể luôn luôn không thọ, Phật chỉ đi ở tự do không đồng với chúng sanh. Từ một cõi trời đến mội cõi trời, từ một Phật sát đến một Phật sát là pháp thường của chư Phật.


Lại nói: Nếu căn cứ vào tam thừa giáo thì thọ người tín thí cúng dường, họ ở trong địa ngục, Bồ Tát phải thực hành tâm từ bi đồng loại hoá độ để báo ân, chứ chẳng nên thường ở Niết Bàn.


Lại nói: Như lửa, thấy lửa đừng mó tay vào thì lửa chẳng đốt người. Hiện tại chỉ cần không có mười câu trược tâm: tâm tham, tâm ái, tâm nhiễm, tâm sân, tâm chấp, tâm trụ, tâm y, tâm trước, tâm thủ, tâm luyến. Mỗi câu đều có ba câu, hễ thấu suốt được nghĩa ba câu thì tất cả chiếu dụng mặc tình tung hoành, thì tất cả cử động làm việc, nói, nín, khóc, cười đều là Phật huệ. Phiền các vị đã ứng lâu, trân trọng cám ơn.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Hỏi: - Thế nào là pháp yếu nhập đạo Đại thừa đốn ngộ ?

Sư đáp: - Trước hết ông phải bặt hết các duyên, dẹp bỏ muôn việc, các pháp thiện hay bất thiện, thế gian và xuất thế gian thảy đều buông bỏ, đừng ghi đừng nhớ, đừng duyên đừng niệm, buông bỏ thân tâm, đều cho tự tại, tâm như gỗ đá, miệng không biện luận, tâm không mống niệm, tâm địa nếu không thì mặt trời trí huệ tự hiện, như tan lớp mây mù thì mặt trời xuất hiện, chỉ cần dứt tất cả phan duyên thì các tình chấp tham sân, ái, thủ, sạch, nhơ, đều hết; đối với ngũ dục, bát phong, tâm chẳng động, chẳng bị cái kiến, văn, giác, tri làm chướng ngại, chẳng bị các pháp làm mê lầm thì tự nhiên đầy đủ tất cả công đức, đầy đủ tất cả thần thông, diệu dụng, đó là người giải thoát.


Đối với tất cả cảnh pháp, tâm không tranh cãi loạn động, không nhiếp, không tan, thấu qua tất cả thanh sắc, không bị vướng mắc gọi là đạo nhân.


Thiện ác, phải quấy đều không dùng, cũng không mến một pháp nào, cũng không bỏ một pháp nào gọi là người Đại thừa.


Chẳng bị tất cả thiện ác, không hữu, cấu tịnh, hữu vi vô vi, thế gian xuất thế gian, phước đức trí huệ, ràng buộc gọi là Phật huệ.


Phải quấy, tốt, xấu, đúng lý, không đúng lý, các thứ tình chấp tri giải đều sạch hết, chẳng còn ràng buộc được, nơi nơi đều tự tại đây gọi là Bồ Tát mới phát tâm được lên địa vị Phật.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Hỏi: - Đối với tất cả cảnh làm sao để được tâm như gỗ đá ?

Sư đáp: - Tất cả pháp vốn chẳng nói không, chẳng tự nói sắc, cũng chẳng tự nói phải quấy, nhơ sạch, chẳng có tâm trói buộc người, chỉ vì con người tự sanh hư vọng trói buộc, làm ra biết bao thứ tri giải và lãnh hội, khởi ra biết bao loại tri kiến, sanh ra biết bao sự yêu thương, sợ hãi, chỉ cần rõ biết các pháp chẳng tự sanh, đều từ một niệm vọng tưởng điên đảo của mình chấp tướng mà có. Biết tâm và cảnh vốn chẳng đến với nhau, ngay nơi đó chính là giải thoát, mỗi mỗi các pháp, ngay nơi đó là tịch diệt, ngay nơi đó là đạo tràng.


Lại nữa tánh sẵn có, không thể đặt lên, vốn chẳng phải phàm chẳng phải Thánh, chẳng phải nhơ sạch, chẳng phải không hữu, cũng chẳng phải thiện ác, nếu nó cùng với các pháp nhiễm tương ưng gọi là cõi người, cõi trời, cõi Nhị thừa, nếu tâm nhơ sạch đều dứt, chẳng trụ nơi ràng buộc, chẳng trụ nơi giải thoát, không có tất cả tâm lượng hữu vi, vô vi, ràng buộc, giải thoát, thì ở nơi sanh tử mà tâm vẫn tự tại, cứu cánh chẳng hoà hợp với các pháp hư vong, huyễn hoá trần lao, sanh tử, ngũ uẩn, lục nhập… xa lìa tất cả, không y trụ một nơi nào. Chẳng bị pháp nào ràng buộc, đi ở vô ngại, qua lại trong sanh tử tử tương tự như cửa mở.


Người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý hay không vừa ý mà tâm vẫn không lui sụt, chẳng nghĩ đến tất cả thứ danh tiếng, lợi dưỡng, ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức, lợi ích, chẳng bị các pháp thế gian làm vướng mắc, không thân, không mến, bình tâm trước mọi sự khổ vui, áo thô ngừa lạnh, cơm hẩm đỡ lòng, ngây ngây như ngu, như điếc, như câm, thì mới có chút phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học rộng, biết nhiều, cầu phước, cầu trí đều là sanh tử, đối với lý đạo vô ích lại bị gió tri giải thổi trôi, chìm trong biển sanh tử.


Phật là người không cầu, nếu cầu tức là trái lý – Lý là lý không cầu, nếu cầu liền mất, nếu chấp thì đồng với hữu vi. Do đó Kinh Kim Cang nói: “Chẳng chấp lấy pháp, chẳng chấp lấy phi pháp, chẳng chấp lấy phi phi pháp”. Lại nói: “Pháp mà đức Như Lai được, pháp này không thực cũng không hư”, chỉ cần suốt đời tâm như gỗ đá, chẳng bị ấm giới các nhập, ngũ dục, bát phong làm trôi chìm tức là nhân sanh tử đã được cắt đứt, đi ở tự do, chẳng bị tất cả nhân quả hữu vi trói buộc, chẳng bị hữu lậu câu thúc, mai kia sẽ trở lại dùng sự không tự trói buộc làm nhân, đồng sự lợi ích, dùng tâm vô trước ứng tất cả vật, dùng huệ vô ngại mở tất cả sự trói buộc cũng gọi là tuỳ bệnh cho thuốc
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Hỏi: - Như nay xuất gia thọ giới, thân miệng thanh tịnh, đã đủ các pháp có được giải thoát không ?

Sư đáp: - Được chút phần giải thoát mà chưa được tâm giải thoát, cũng chưa được tất cả chỗ giải thoát.

Hỏi: - Thế nào là tâm giải thoát và tất cả chỗ giải thoát ?

Sư đáp: - Chẳng cầu Phật, chẳng cầu pháp, chẳng cầu Tăng, nhẫn đến chẳng cầu phước trí, tri giải … Tình chấp nhơ sạch đều dứt hết, cũng chẳng chấp không cầu là phải, cũng chẳng trụ nơi chỗ dứt hết, cũng chẳng mến thiên đường, sợ địa ngục, trói buộc và giải thoát đều vô ngại, tức là thân tâm và tất cả chỗ đều được giải thoát.


Ông chớ cho rằng có được chút phần giới thân miệng ý thanh tịnh là xong, đâu biết rằng: Môn giới, định, huệ như số cát sông Hằng mà vô lậu giải thoát đều chưa dính một mảy lông.


Hãy nỗ lực tiến lên! Hãy dũng mãnh tham cứu! Đừng đợi tai điếc, mắt mờ, mặt nhăn, đầu bạc, già khổ đến thân, buồn thương vương vít rơi lệ dầm dề, trong lòng sợ hãi không có gì để nương tựa và cũng không biết phải đi về đâu. Đến lúc ấy, muốn tay chân không run rẩy cũng không được. Dẫu cho có phước trí, tiếng tăm, lợi dưỡng cũng không cứu được, vì tâm huệ chưa mở, chỉ nghĩ đến các cảnh, chẳng biết phản chiếu, chẳng thấy Phật đạo, nghiệp duyên thiện ác của một đời, tất cả nghiệp ác trong lục đạo, ngũ ấm, hoặc vui, hoặc sợ, từ tham ái của tự tâm hiện ra, biến thành những cảnh thù thắng: nhà cửa xe thuyền tốt đẹp chói lọi hiển hách, chỉ theo chỗ nặng của tham ái, tuỳ nghiệp thọ sanh rồng, súc sinh tốt xấu chưa định được, chẳng chút tự do.


Hỏi: - Thế nào là được phần tự do ?


Sư đáp: - Như nay được thì được, hoặc đối với ngũ dục, bát phong, tâm không lấy bỏ, bỏn xẻn, đố kỵ, tham ái, ngã sở đều sạch, nhơ sạch đều quên, cũng như mặt trời trên hư không, chẳng duyên mà chiếu, tâm tâm như gỗ đá, niệm niệm (tham thiền) như cứu lửa cháy đều cũng như voi lớn qua sông cứ băng ngang dòng nước không chút nghi ngờ. Người này thiên đường, địa ngục không câu thúc được.



WP: Thích Đồng Thường

05-26-2008 04:34:23
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên