Bàn về 7 loại Thánh nhân trong kinh điển: Tuỳ tín hành, Tuỳ pháp hành, Thân chứng, Kiến đáo...

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
-- Bảy loại Thánh nhân trong Trung bộ kinh:

Trong "Kinh Kītāgiri" thuộc "Trung Bộ Kinh", Đức Phật có phân loại về bảy hạng Thánh Nhân như sau:

1. Hạng Tùy tín hành (Saddhānusnusāri) : “Ở đây, này chư Tỳ kheo, có người tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vô sắc (santā vimokkhā ārupā) vượt khỏi các sắc; sau khi thấy với trí tuệ các lậu hoặc của vị ấy chưa được đoạn trừ. Nhưng vị ấy có niềm tin với Như Lai, có lòng thương kính đối với Như Lai. Hơn nữa, vị ấy còn có những pháp như tín căn, tấn căn, niệm căn, “định căn” và tuệ căn. Người này, này chư Tỳ kheo, được gọi là một vị Tùy tín hành.”

2. Hạng Tín giải thoát (Saddhāvimutto): “Ở đây (trong Giáo Pháp này), có người tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vô sắc vượt qua các sắc; nhưng sau khi thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc của vị ấy đã được đoạn trừ và niềm tin nơi Như Lai đã được xác định, được an trú trên nền tảng vững chắc. Người này, này chư Tỳ kheo, được gọi là hạng người Tín giải thoát.”

3. Hạng Thân chứng (Kāyasakkhi) : “Và, này chư Tỳ kheo, thế nào là hạng người Thân chứng? Ở đây, này chư Tỳ kheo, có người tự Thân chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vô sắc vượt qua các sắc, và sau khi thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc của vị ấy đã được đoạn trừ. Người này, này chư Tỳ kheo, được gọi là hạng người Thân chứng.”

4. Hạng Câu phần giải thoát (Ubhatobhāgavimutta): “Thế nào, này các Tỳ kheo, là hạng Câu phần giải thoát? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự thân đã đạt đến các giải thoát tịch tịnh vô sắc, vượt khỏi các sắc, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị ấy đã diệt tận. Người này, này các Tỳ kheo, được gọi là bậc Câu phần giải thoát”.

5. Hạng Tùy pháp hành (Dhammānusāri): “Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vô sắc, vượt khỏi các sắc; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị ấy cũng chưa hoàn toàn đoạn trừ. Nhưng những lời dạy mà Như Lai (Tathāgata) tuyên thuyết đã được vị ấy chấp nhận thuần do tư duy, và vị ấy có được những pháp này – tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Người này, này các Tỳ kheo, được gọi là bậc Tùy pháp hành.”

6. Hạng Kiến đáo (Ditthappatta): “Và này các Tỳ kheo, thế nào là hạng Kiến đáo? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự thân không chứng đắc tịch tịnh giải thoát vô sắc, vượt qua các sắc, nhưng sau khi thấy với tuệ, một số lậu hoặc của vị ấy đã được diệt tận và những pháp do Như Lai tuyên thuyết đã được vị ấy thấy và xác chứng với trí tuệ. Người này, này các Tỳ kheo, gọi là bậc Kiến đáo”

7. Tuệ giải thoát (Paññāvimutta): “Thế nào, này các Tỳ kheo, là hạng Tuệ giải thoát? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự thân không chứng các tịch tịnh vô sắc, vượt qua các sắc, song, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị ấy đã được diệt tận. Hạng người này, này các Tỳ kheo, được gọi là hạng Tuệ giải thoát.”
 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
-- Đối với tuệ giác ngộ, Bộ Nhân Chế Định phân bảy hạng Thánh được phân làm ba:

1. Hạng đầu, gồm các vị Tùy tín hành (saddhānusāri) và Tùy pháp hành (dhammānusāri), nói chung những vị đang trên Nhập Lưu Thánh đạo.

2. Hạng thứ hai gồm vị Tín giải thoát (saddhāvimutta), vị Thân chứng (kāyāsakkhi) và vị Kiến đáo (ditthippatta), tức là những vị ở sáu giai đoạn trung gian, từ Nhập Lưu Thánh quả đến Alahán Thánh đạo.

3. Hạng thứ ba bao gồm vị Câu phần giải thoát (ubhatobhāvimutta) và vị Tuệ giải thoát (paññāvimutta), chỉ gồm các vị Alahán.

-- Tuy nhiên, đối với định, bảy hạng Thánh này được phân làm hai:

1. Hạng “tự thân đã đạt đến các giải thoát tịch tịnh vô sắc, vượt khỏi các sắc”: Hạng Thân chứng (Kāyasakkhi), Hạng Câu phần giải thoát (Ubhatobhāgavimutta).

2. Hạng “không tự thân đã đạt các giải thoát tịch tịnh vô sắc, vượt khỏi các sắc” gồm năm hạng còn lại: Tùy tín hành (Saddhānusnusāri); Tín giải thoát (Saddhāvimutto); Tùy pháp hành (Dhammānusāri); Kiến đáo (Ditthappatta); Tuệ giải thoát (Paññāvimutta).

-- Trong khi sự giải thích theo tinh thần Kinh tạng đề cập rành mạch đến sự thiếu các “tịch tịnh giải thoát vô sắc”, tức là không có bốn thiền vô sắc, thì bộ Nhân chế định thuộc Tạng Vi Diệu Pháp lại thay thế bằng “tám giải thoát” (atthavimokkhā). Tám giải thoát này bao gồm “ba” thiền chứng thuộc bốn thiền sắc giới, bốn thiền vô sắc và Diệt Tận Định.

Như vậy, dẫu theo cách giải thích thuộc Kinh hay Bộ Nhân Chế Định, thì hạng Thánh Nhân được xem là “không tự thân đã đạt đến các giải thoát tịch tịnh vô sắc” vẫn có thể hiểu theo hai cách:

1. Bậc có chứng thiền định trong quá trình tu giải thoát : vị ấy chỉ đắc chứng một trong bốn bậc thiền sắc giới, bởi đối với hạng Tùy tín hành và hạng Tùy pháp hành vốn “không tự thân đã đạt đến các giải thoát tịch tịnh vô sắc”, nhưng Đức Phật lại liên hệ rõ ràng đến định căn (“Hơn nữa, vị ấy còn có những pháp như tín căn, tấn căn, niệm căn, “định căn” và tuệ căn”).

Đối với định căn, trong Tương Ưng Bộ V. 197. Kinh Phân Tích, Đức Phật giải thích như sau: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

"Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được “nhứt tâm”. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ... an trú Thiền thứ hai... an trú Thiền thứ ba... từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn."

Lại nữa, Trong Tăng Chi Bộ Kinh.VI. Vườn Phía Ðông (S.v, 222) , Đức Phật giảng như sau:

“Thánh trí tuệ và Thánh giải thoát. Cái gì trong vị ấy, này các Tỷ-kheo, là Thánh trí tuệ, cái ấy là tuệ căn. Cái gì trong vị ấy, này các Tỷ-kheo, là Thánh giải thoát, cái ấy là định căn.”

2. Vị ấy là chỉ là một vị Thuần quán thừa hành giả (suddhavipassanāyānikka):

Với vị Thuần quán hành giả, thì yếu tố định vẫn phải có mặt nơi vị ấy. Định ấy chính là sát-na định. Sự việc này được minh chứng trong Kinh Susīma thuộc Tương Ưng Bộ, kèm theo các bản chú giải của nó.
 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
Trong bài Kinh này, vị Tỳ kheo Susīma cảm thấy bối rối về điều một nhóm Tỳ kheo tuyên bố đã đạt đến Alahán Quả nhưng lại phủ nhận việc có các năng lực thần thông hoặc các giải thoát tịch tịnh thuộc vô sắc giới. Trước câu hỏi làm thế nào họ lại có thể trở thành các bậc Alahán mà không có các chứng đắc này, họ trả lời: “chúng tôi được giải thoát bằng trí tuệ” (“chúng tôi” là các bậc Tuệ giải thoát – paññāvimutt kho mayam). Lúng túng trước câu trả lời này, Susīma đi đến gặp đức Phật để được sáng tỏ. Đức Phật tuyên bố:

"Này Susīma, Pháp Trú Trí phải đến trước rồi sau đó đạo tuệ mới đến lấy Niết-bàn làm đối tượng vậy."

Thực sự mà nói, trong văn Kinh không gán việc thiếu thiền định cho nhóm các vị Tỳ kheo giải thoát bằng tuệ này. Kinh chỉ đề cập đến sự vắng mặt của ngũ thông (abhiññā) và các thiền vô sắc (rūpa). Tuy nhiên các nguồn diễn giải sau này về bài Kinh đã lấp vào chỗ trống, cho thấy rằng các vị Alahán này đã đạt đến cứu cánh mà không có thiền hiệp thế thuộc mức an chỉ.

Chú giải diễn đạt rõ lại câu trả lời của vị Tỳ kheo “chúng tôi được giải thoát bằng tuệ” để làm sáng tỏ sự kiện họ là các thiền giả thuần quán hay khô quán.

Chú giải giải thích trí hiểu biết về cấu trúc của các pháp (hữu vi) chính là pháp trú trí (dhammatthiti ñāṇa), còn trí về Niết bàn (Nibbāne ñāṇa) là đạo trí.

Chú giải nói rằng sở dĩ Đức Phật phải đưa ra những lời giải thích dài dòng về tuệ quán “vì mục đích muốn chỉ cho thấy sự khởi sanh của trí ngay cả khi không có định (Vinā pi samādhim evam ñānuppattidassanattham)”.

Trong khi đó, Phụ chú giải lại làm cho mục đích của bài Kinh trở nên rõ ràng hơn bằng cách giải thích đoạn “ngay cả khi không có định” của chú giải có nghĩa là “ngay cả khi định đạt đến đặc tính của tịnh chỉ đã không được hoàn tất trước đó , điều này được nói liên quan đến vị hành giả theo cỗ xe thuần quán (Samatha lakkhanappattam purimasiddham vinā pi samādhinti vipassanā yānikam sandhāya vuttam)”: “Định đạt đến đặc tính của tịnh chỉ đã không được hoàn tất trước đó” chính là ý nghĩa của sát-na định. Bởi để có thể có được Pháp trú trí đòi hỏi hành giả phải có được năng lực nhất tâm trên tính chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi tức các hành (saṅkhāra dhamma): Danh –sắc và các nhân của chúng.

Đây là lý do vì sao Pháp Trú Trí đến trước, rồi Đạo Trí lấy Niết-bàn làm đối tượng đến sau.
 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
Bộ Thanh Tịnh Đạo khẳng định rằng : “Không thể có định siêu thế và tuệ siêu thế mà trước đó không có định và tuệ hiệp thế; vì (nếu) không có cận định và an chỉ định nơi một vị mà cỗ xe của họ là tịnh chỉ, hoặc không có sát na định nơi một vị mà cỗ xe của họ là minh quán, và không có Tam giải thoát môn …, đạo lộ siêu thế, trong cả hai trường hợp, chẳng thể nào được đạt đến."

Lại nữa,“Nahi khanikasamādhim vinā vipassanā sambhavati.” Vism. T. 1:11 ( không có tuệ quán nào xảy ra mà không có sát-na định)( Vism., T. 1:15)(Để hiểu chính sát về sát-na định,xin tham khảo “Sát-na định trong Page Chánh Pháp và Sự Thật”).

Như vậy, trong tất cả bảy hạng Thánh Nhân mà Đức Phật đề cập và phân loại, không thể có một vị nào không có định mà có thể chứng đắc Đạo, Quả dù vị ấy có là một vị thuần quán thừa hành giả. Hơn nữa Đạo Trí và Quả Trí đều có định tương ứng với các bậc thiền.

Thật vậy, trong Kinh Điển, chúng ta thấy Đức Phật hết lòng tán thán sự tu tập định, Ngài thậm chí không ngần ngại khi "thẳng tay" liệt bốn bậc thiền sắc giới vào hàng Chánh Định. Mỗi khi nói về định tu tập, nói về định căn, nói về Chánh Định..vv thì Đức Phật mãi lặp đi lặp lại, đó là sơ thiền,.. nhị thiền,.. tam thiền,.. tứ thiền! Về sau các chú giải mới giải thích mở rộng ra về cận định, và sát-na định.

Vì sao? Bởi vì tất cả những vị tỳ kheo thời của Ngài, những bậc Tam Nhân, có đủ ba la mật, có đủ khả năng chứng đắc Thánh Qủa đều chắn chắn đắc được bậc thiền một cách dễ dàng. Hơn nữa, trước khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, tu tập định đã là truyền thống phạm hạnh lâu đời của phần lớn các tu sĩ, các bà la môn giáo thời xa xưa. Cho đến khi Giáo Pháp của Đức Phật xuất hiện trên thế gian, chuẩn mực của pháp hành thiền tuệ (minh sát) vẫn khai triển dựa trên nền tảng của định tâm hay tâm thanh tịnh. Sống trong môi trường ít dục lạc, cùng với truyền thống tu định, thế nên, việc có được tâm thanh tịnh (định) đối với những vị ấy là chuyện bình thường. Hơn nữa, với các tiềm năng ba la mật cao, việc thực hành một thoáng minh sát sau khi lắng nghe một thời pháp đã khiến họ đã giác ngộ tức thời.

Còn những hàng học Phật chúng ta thời nay, hoàn toàn khác xa về môi trường, truyền thống, cũng như các tiềm năng ba la mật. Nhưng khi nói đến pháp hành để giác ngộ, phần lớn các thiền giả lại đi mặc cả về định với phương châm , không nhất thiết phải tu tâm (tu định) mà vẫn có hành minh sát để có được tuệ giác ngộ?? Họ đưa ra những ví dụ về những vị chứng đắc Đạo Qủa chỉ qua việc nghe một thời pháp hay chỉ qua việc "thuần minh sát" của những vị thuần quán hành giả thời Đức Phật.

Sự việc này được ví như giống trường hợp sau: Một người con nhà giàu, có đầy đủ tài sản và những thứ cần thiết, họ không muốn bỏ tiền ra để tiêu cho những thứ khác. Điều này hoàn toàn khác với những người nghèo khó, không có tài sản, họ không có tiền để tiêu cho thứ mình cần. Để làm được vậy, họ phải bỏ công sức làm việc vất vả để có được tiền, để tiêu cho những nhu cầu thiết yếu của bản thân.
 

Thiên Không

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 4 2018
Bài viết
783
Điểm tương tác
211
Điểm
43
Cũng vậy, những Bậc Đệ Tử Thuần Quán thời Đức Phật, chính là những người giàu có ba la mật, giàu có minh và hạnh, họ thừa sức đắc các bậc thiền, nhưng vì tâm họ đã hoàn toàn thanh tịnh khỏi các triền cái khi nghe pháp từ Đức Phật hoặc khi họ hướng tâm trong sạch ấy đến tuệ quán các pháp hữu vị, họ thấy rõ ràng sự sanh diệt của chúng đúng nghĩa, thấy các đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc cùng các nhân. Nhờ đó mà họ chứng đắc Đạo Qủa mà không thiết tha đến việc tu tập bậc thiền.

Thiền Định trong thời Đức Phật được hiểu một cách rất đơn giản, vì nó chỉ là một phương pháp tu tập để có được tâm thanh tịnh! Đó là lí do khi Đức Phật liên hệ đế phần định học trong ba học tập (Tam Học), thực chất đó chỉ là sự tu tập tăng thượng tâm (Adhicitta-sikkhā) mà thôi!

“Có ba, này các Tỳ-Khưu, là những học tập này(Tisso imā bhikkhave sikkhā).
Thế nào là ba? (Katamā tisso):

1) Tăng thượng giới học (Adhisīla-sikkhā),

2) Tăng thượng Tâm học (Adhicitta-sikkhā) (Đây chính là định học)

3) Tăng thượng tuệ học (Adhipaññā-sikkhā).

-- Thế nào là tăng thượng “Tâm” học tập?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú sơ thiền... nhị thiền... tam thiền… tứ thiền...”

(A.III.II.iv.9 ‘Kinh Học Tập thứ nhất’ (Paṭhama∙Sikkhattaya∙Suttaṃ)): Thật quá rõ ràng, chúng ta cần phải hiểu khi Đức Phật giảng về sự tu tập “tâm”, tức Ngài đang nói về sự tu tập định (samatha).

“Chỉ tịnh được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận. Quán được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận. Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát. Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập. Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.” ( Phẩm Người Ngu (A II.III.x)

Như vậy, theo lời Đức Phật , chỉ với tâm được tu tập làm cho thanh tịnh, hành giả mới có thể tiến hành tuệ quán và có thể chứng đắc Đạo Quả. Đó là lí do Thanh Tịnh Đạo liệt sát-na định, cận định cùng với một trong tám thiền chứng là giai đoạn Tâm Thanh Tịnh.

Bản thân Bồ Tát trước khi thành Chánh Giác cũng phải nương theo định bậc thiền của Niệm Hơi Thở để làm nền tảng cho việc minh sát trên các hành và đắc được Trí Toàn Giác. Thế nhưng, trong thời nay phần lớn những người tự xem là hành giả minh sát lại chỉ đang hướng về tuệ trong khi bản thân mình hoàn toàn không có được tâm thanh tịnh?không thể loại trừ được năm triền cái một cách triệt để? Đây là điều vô cùng vô lý!

Bởi nếu một người được xem là đã loại trừ tham ưu (năm triền cái) ở thế gian thì chắc chắn vị ấy phải có được ánh sáng trí tuệ (paññāloko). Và cũng chỉ với ánh sáng đó, hành giả mới như thật rõ biết các pháp( hữu vi) hay danh (81 loại tâm + 52 loại tâm sở) và sắc (18 loại sắc cụ thể), hay năm uẩn, hay mười hai xứ..cùng với các nhân của chúng ! Bằng không vị ấy không thể tiến hành tuệ quán đúng nghĩa. Tâm không thanh tịnh thì việc hành minh sát để có tuệ giải thoát chỉ là những phương pháp tự kỷ ám thị mà thôi. Nó không thuộc phạm vi lời dạy của Đức Phật!

“Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu .”(Kinh Ðại Niết-Bàn (D.16))

Fb Pháp Quang

(https://www.facebook.com/dhammajoti84)
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên