Chỉ Tâm Yếu Cho Người Tu Thiền

sanghata1

Registered
Phật tử
Tham gia
28 Tháng 5 2011
Bài viết
404
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Chỉ Tâm Yếu Cho Người Tu Thiền
Của Thiền Sư Thanh Viễn, hiệu Phật Nhãn
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch



Không nên ở trong chỗ rỗng không , không bờ mé, mà lập phần hạn. Nếu lập phần hạn tức là cái rỗng không, không bờ mé bèn bị rơi kẹt.

Vì thế, người hiểu “Không” chẳng có tướng “Không”.

Nếu dùng ngôn ngữ để diễn tả Tâm trọn chẳng được Tâm.

Chẳng dùng ngôn ngữ diễn tả Tâm cũng chẳng được Tâm.

Vì ngôn ngữ vốn là Tâm nên diễn tả nó vẫn không được.

Không ngôn ngữ cũng vốn là Tâm, không diễn tả nó vẫn chẳng được.

Các thứ hội đến đều không khế hợp với tự tâm.

Thượng Tổ bảo “Thầm khế hội mà thôi.”

Nếu như nơi đây mà chưa đạt đạo, thì chỉ không vọng niệm là được.

Nếu người biết là vọng niệm, tác ý dùng nó là vì thấy có vọng niệm.

Người có vọng niệm tác ý liền quán sát khiến thấy chánh lý, cũng thấy có vọng niệm.

Biết Vọng nguyên là Đạo mới không vọng.

Cho nên, người đạt Đạo không Sở Đắc.

Chỉ không cầu gì khác, biết “không mê vọng”, gọi là thấy Đạo.

Chổ tầm thường nhật dụng, như là khi thấy sắc là lúc chứng, khi nghe tiếng là lúc chứng. Khi ăn cháo, uống nước là lúc chứng, mỗi mỗi đều bặt năng sở.

Đây chẳng phải tập lâu, chẳng nhờ huấn luyện mà được.

Người học Đạo biết rõ có việc này, vì sao không được yếu chỉ mà thường nghi?

Chẳng biết Phản Chiếu như thế, bèn mê loạn không biết manh mối.

Giữa đường đang gặp khó khăn mỏi mệt, mà hay tự phản tỉnh: Lại không có người thứ hai.

Đã nói là việc này, thì đâu lại có biết.

Biết là vọng lự, thì việc này cũng chẳng mất.

Đạo chẳng bởi Nói với Chỉ rồi sau mới Hiểu, bởi vì nó tự thường bày.

Nói, chỉ là phương tiện của Đạo.

Người dùng nó để tỉnh ngộ cũng là lối tẻ tạm thời thôi. Hoặc nhơn nói mà chứng, hoặc nhơn chỉ mà nhập, hoặc tự chạm biết để trở về, trọn không có việc khác.

Đến tận nguồn Tâm là dừng.

Có người nói: Ngộ rồi mới tu. Đây thuộc về môn Đối Trị. Tuy nhiên, Thiền Môn cũng cho dùng Chánh Tri Kiến để trị nó.

Nếu luận người đương thời, tức chẳng phải như thế.

Phải nói “Phật Đạo dài lâu, hằng chịu siêng năng khổ nhọc, mới có thể được thành.”

Dài suốt ba đời Phàm-Thánh, nên nói “Phật Đạo dài lâu.”

Chẳng khởi tướng thấy khác, chưa từng trái bỏ, nên nói “Hằng chịu siêng năng khổ nhọc.”

Tột cùng không có pháp khác, nên nói “Mới có thể được thành.”

Đây là việc của Đại Trượng Phu.

Người không biết đi hỏi, liền y nơi đó mà đáp.

Chẳng biết bèn tự hỏi, thì ông muốn đáp cho ai?

Người không biết đáp, liền y lời nói khởi kiến giải!

Chẳng biết bèn tự đáp, thì ông có chỉ thú gì?

Cho nên nói: “Thảy đều là ông, khéo xem. Xem! “

Hoặc có người bảo: Từ trước có Thánh, Phật, Tổ chỉ bày ngôn giáo, lưu bố thế gian, mỗi mỗi phân minh, cớ sao đều nói là “tự mình”, đâu không phụ lòng từ bi của Thượng Tổ, Chư Thánh nhọc nhằn dạy bảo?

Tôi thuận theo Tông thú của Phật, Tổ. Chính ông phụ lòng từ bi của Chư Thánh trước, chớ tôi đâu có phụ. Tại sao? Nếu nói có sở thuyết tức là chê bai Phật, Tổ. Ông chớ nên làm người rốt sau đoạn hạt giống Phật.

Nếu chẳng đến nơi mình biết tự trở về, thì việc làm đều hư ngụy.

Dù ông nhớ được như hà sa hiểu được như trầm mặc, nơi bên mình, nào ích gì?

Cho nên nói: “Đem cái nghe nhớ lại Chư Phật, sao chẳng nghe lại Tánh Nghe? Cầu Phật có tướng ở bên ngoài, cũng đâu có dính dáng gì?”

Có vị Tôn Túc bảo: “ Nay ta đáp với ông một câu cũng chẳng thấy khó, nếu ông ngay một câu mà tiến được vẫn còn đôi phần so sánh; Nếu ông chẳng hội, lão tăng trở thành vọng rồi!”

Học giả thời nay đua nhau lấy “hỏi đáp” làm quan yếu trong Thiền Tông, chẳng biết là Tâm Thủ Xả khởi tướng.

Than ôi! Cái học đến lý, đến sự đều là lối nói của những người gần đây, dù có chút ít nhận hiểu cũng chưa được thôi dứt. Đâu chẳng nghe nói: “Đạo Niết Bàn dứt bặt nghĩ lường.”

Phải biết thẳng thắng tự kiểm điểm mới được.

Người do mê Tâm nên tìm Đạo, bèn lạc đến núi rừng cầu gặp Thiện Tri Thức, cho là riêng có cái Đạo có thể khiến người được an lạc. Họ không biết nghiên cứu trở lại, nhằm chỗ mê hạ thủ công phu là Tối Đệ Nhất. Nếu không đến được chỗ mê này, dù vào núi rừng không trở lại, cũng uổng công mà thôi.

Chỗ mê đó rất dễ nói mà khó vào. Cho nên Tiên Đức nói: “Khó tin, khó hiểu”. Lại bảo: “Đây là đạo của Tông Đốn.” Nói phản chiếu vốn là lời tẩu tác, huống là chẳng như thế! Người đời sau bèn dùng vào lời trên làm “bình thường vô sự một vị chân thật”. Đây là chỗ không rõ của kẻ hậu học; Ăn mặc mà chẵng xét.

Từ trước đến nay, có hai thứ phương tiện:

Chân Thật Phương Tiện: Nói không hở cách.
Thiện Xảo Phương Tiện: Khéo ứng dụng vào các căn cơ.
Nếu từ Chân Thật Phương Tiện được vào là chẳng nhờ suy nghĩ, tánh tự thầm giải, hằng không có lùi sụt, diệu dụng như hằng sa.

Nếu từ Thiện Xảo Phương Tiện được vào, thì được an nhiên ngồi mặc áo, về sau tự xem xét mới biết chỗ chưa được đủ mà cho là cứu kính.

Hai thứ phương tiện này đều là một pháp, không thể có mất trong chốc lát, người học phải khéo xét đó. Ngài Tuyết Phong chỉ dạy người: “Chớ bảo lão tăng có một câu đến trên phần của ông; Nếu có một câu đến trên phần của ông thì kham làm gì?”

Đây là cổ nhân bất đắc dỉ mà thôi. Người sau không hiểu ý cổ nhân, bèn cho rằng trên phần của chính mình không có các thứ nói bàn; Đây là hiểu lầm rồi.

Người thời nay phần nhiều đem việc xem xét trước mắt cho là cực tắc. Sở dỉ Ngài Huyền Sa nói với người: “ Chỗ núi sâu vắng bặt không người, đạo của ông lại có chăng? “: Ngộ tâm, Thấy Tánh phải như Tuyết Phong, Huyền Sa; Đáp trên đất thật phải như Nam Tuyền, Triệu Châu mới được.

Học giả thời nay chỉ lấy phương tiện của cổ nhân làm Thiền, làm Đạo; Không thể cùng cổ nhân đồng Tham Ví như người mạnh, gánh nặng 120 cân đi qua cây cầu khỉ mà chẳng run, chẳng nghiêng. Do sức gì phù trì mà được như thế? Bởi kia tinh thần không tạp mà thôi.

Kẻ vì Đạo cũng phải như vậy.

Trong kinh nói: “ Ví như con sư tử chụp voi cũng toàn lực, chụp thỏ cũng toàn lực.” Có người hỏi: “Toàn lực là gì?” Đáp: “ Toàn lực chẳng dối.”

Nếu thấy một mãy lông khác nơi Tâm thì tự tán thân mất mạng.

Cho nên người đạt Đạo không có gì là chẳng phải;

Lực này rất lớn, chỉ vì vô biên ác giác xâm lấn khiến nên lực dụng có kém. Nếu không có nhiều thứ pháp khác, trạng khác, duyên khác, niệm khác thì tùy tâm chuyển biến tự tại vô ngại.

Đạo chẳng cần khổ cầu. Cầu đó liền mất.

Sự không cần nhọc nhằn tiêu dung; Tiêu dung thì sự có.

Chẳng cầu, chẳng tiêu dung là Đạo cùng sự hội, thì sự nào mà chẳng phải Đạo.

Ví như kẻ có mắt sáng vào trong kho báu mà không biết có phương tiện là không có đèn đuốc soi sáng, vào trong liền bị đụng u đầu, sầy tay. Như thế gọi là hang độc, chớ chẳng phải kho báu.

Người trí vào trong kho cầm theo đèn đuốc sáng, thấy các thứ báu mặc tình lượm lấy; lượm lấy xong đi ra. Người tu trong mười hai giờ phải dùng trí huệ sáng chớ để sáu trần đụng chạm tới mình.

Thuở xưa, Thượng Tọa Vĩnh cùng Từ Minh đồng từ giả Phần Dương, mà Vĩnh chưa tột chỗ tuyệt diệu kia. Vĩnh theo Từ Minh hai mươi năm mà trọn chưa được an lạc. Một hôm ngồi quanh lò lửa đêm khuya, Từ Minh đưa gắp than, gõ trên than gọi: “Thủ Tọa Vĩnh.” Thủ Tọa Vĩnh bèn quát: “Dã Hồ Tinh.” Từ Minh bèn chỉ bảo: “ Kẻ khờ! Lại phải thế ấy đi.” Vĩnh do phương tiện này được cứu kính, song vẫn bảo theo nhau; Từ Minh ở đâu thường ra thưa hỏi. Những câu Từ Minh hỏi, chúng không thể đáp được; Vĩnh tới thì Từ Minh liền gật đầu hứa khả.

Đây gọi là liều thuốc không bịnh.

Học giả đương thời khó nhận được yếu chỉ kia, huống là bọn “tri kiến - hội giải” ở đời sau, do đâu nhận lãnh được việc ấy.

Được đó, phải như Vĩnh.

Cho thuốc phải như Từ Minh, thì mới nên vậy.

Ở chỗ ồn ào được lặng thì chợ xóm biến thành núi rừng, phiền não biến thành Bồ Đề, chúng sinh biến thành chánh giác.

Câu nói này, người mới học đạo đều nói được, hiểu được. Đến khi thực hiện mới thấy biết bình đẳng, và buông xả tâm ấy thì thấy Phàm, Thánh vẫn là hai như xưa. Lặng và Động đều là dụng khác. Thế càng biết rõ là giải hội, cần phải có chỗ an ổn, mới được một vị. Không nên gắng hội.

Gần đây, phần nhiều lấy vấn đáp là gia phong Thiền Gia; Chẳng rõ việc người xưa, một bề chạy theo ngọn ngành không biết trở lại.Thật là quái lạ.

Người xưa vì mê mà hỏi. Chỗ hỏi cầu chứng nhập được. Được một lời, nữa câu, đem làm việc nghiên cứu, phát minh, khiến thấu triệt. Không có giống người thời nay hỏi loạn, chụp lấy một câu đáp rồi cười đùa.

Kẻ đạt giả trong mười hai giờ học Đạo không có một khoảnh khắc buông xả; Người này dù chưa được vào mà mỗi niệm là tu hành. Tầm thường nói tu hành chẳng qua ba nghiệp, sáu căn thanh tịnh.

Thiền môn không thể như thế! Vì sao?

Vì môn Thiền Định, Niệm Niệm cùng Trí Ba La Mật bình đẳng, tất cả chỗ tự không lỗi lầm, hằng lâu bổng có ngày tâm địa thông minh, từ trước thảy được đầy đủ, gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Người thời nay toàn là sức Định, lại chẳng mở con mắt Trí Tuệ, có những cơ duyên ngữ cú thành tranh luận; Tâm hành sanh diệt.

Thiền học chẳng phải việc nhỏ bé; Chưa có cái dụng siêu việt: Siêu Phật, Siêu Tổ; Được rồi, còn siêu cũng chẳng khó. Cao Bửu Tôn Thừa Vụ biên thơ hỏi tôi: “Chẳng rời ý tưởng, chẳng ở có không, thế nào là phải?”

Tôi tự đáp:

Nếu hỏi, thế nào là chẳng phải?

Hỏi, thế nào cũng chẳng phải!

Khách say khiến tỉnh thì thần châu tự sẳn đủ

Đâu có thể dự tính làm, rồi sau mới nhận!

Người lanh lợi bật nhất, tâm thảo, chẳng đến một niệm này khéo được tự thấy; Thấy đó, tức phải. Không riêng có lối lẽ.

Bọn tầm thường cho niệm trước là phải, lấy niệm sau soi đó; Trước sau đuổi nhau, lấy tâm dụng tâm, tâm ắt thành cảnh.

Cái nguyên tắc ban đầu đã thành Tâm cảnh rồi, lần lượt lại chẳng kham.

Như niệm sau chẳng nhận, tự không có chỗ khởi diệt, chính nơi đó là giải thoát.

Niệm vốn chẳng sinh, sao lại có ý tưởng “có, không” làm lưu ngại?

Một niệm ngộ, tâm liền thành chánh giác, chính là nói nơi đây vậy.

Niệm niệm không sanh, niệm niệm không tướng cùng với hư không đồng; Chạm vật, gặp duyên đều là diệu dụng Phật, không có mảy tơ đối đãi. Hạt châu trong chéo áo riêng soi sáng khắp thế giới mười phương; Việc này mục kích, chẳng đợi dấy ý sau rồi mới biết. Sự nghiệp Đại Trượng Phu này không thể chẳng thành tựu.

Nếu muốn cầu phải, liền có pháp chẳng phải làm chướng ngại.

Muốn cầu đắc niệm, là lý do trước, sau đều thất niệm.

Ngày đêm không tự tại, cầu cùng đạo hiệp, song không có một mảy nào để hiệp.

Càng gấp, càng chẳng hiệp.

Bệnh tại chỗ “Lấy Một bỏ Một.”

Kẻ không khéo dụng Tâm chẳng được yếu thuật, mờ mịt không hiểu, mỗi ngày cùng Đạo càng xa.

Chẳng chấp bỏ một bên, đến một bên. Phải hiểu rõ ràng rành rẽ. Rõ ràng tác dụng, nhận thẳng hội lấy; Chuyển Phàm thành Thánh; Điễm sắt thành vàng;

Cần được lối tắt, không thể chẳng như thế mà nghiên cứu; Chỉ e người chạy theo hai đầu.

Một đã chẳng thành. Hai, lại chẳng phải.

Chẳng biết huyền chỉ, huống nhọc tịnh niệm.

Nhị Thừa do đoạn phiền não mà được chứng đạo; Gọi là tu thiền lệch; Chẳng bằng ứng niệm liền biến hóa thành vô thượng; Hiểu biết ấy rất là chóng.

Người tu hành khi gặp phiền não khởi thì phải làm sao? Cổ nhân có nói: “Chỉ dùng chánh tri kiến để diệt trừ nó.” Tôi thì chẳng thế; Chỉ dùng phiền não mà trị nó. Nhìn lại phiền não này, liền chẳng thấy có phiền não; Như lửa không thể đốt lửa, nước chẳng ướt nước, vì thế tánh đồng một, không thể được hiện bày.

Đây rõ phiền não vốn không, chẳng cần trừ dẹp.

Nếu khởi trí đoạn trị đè bẹp lại, thành dụng tâm khác.

Có đối đải thì bị hai cảnh lôi quanh.

Dù có được cũng có phần hạn.

Người tu hành phải đi đường thẳng tắt là trên hết.

Cổ nhân nói: “ Kiếp Hỏa từng đem không hỏi thôi, chẳng nhọc công lực liền đó chết”. Đó là cái ý này vậy.

Có khi ngồi tỉnh tọa, tâm niệm chạy lăng xăng; Hoặc lúc gặp việc, hoàn toàn mất hết; Đều bởi chưa được thân chứng. Bởi rơi vào hai, vào ba, đến sanh lầm lẩn, lần lượt mất sạch. Cổ nhân nói: “Động, tỉnh chẳng hai; Vọng, niệm chẳng hai.” Ngài Duy Ma nói: “Rõ tất cả pháp đều vào môn Bất Nhị”

Nếu nhận lãnh yếu chỉ này thì muôn cái động-tịnh tự diệt. Như mắt không đến sắc, tiếng chẳng đến tai, và tai chẳng đến tiếng; Mỗi pháp đều như thế; Nguyên là kho công đức của tự tâm, chẳng nên lấy bỏ.

Người khế hợp thì đi đến đâu mà chẳng có lợi.

Đây chính là Ma Già Đại Định.

Người sinh ra lời liền tự nhận học đạo, là do đời trước từng gieo trồng căn lành. Bởi có cội gốc, liền biết phát tâm, cũng biết khởi nghi đến nơi mình mà tầm cứu; Lại phiền não, chướng ngại mõng yếu, có nhân duyên, nên người này dể được hóa độ. Nếu người chưa huân tập tâm này thì Chánh Tín chẳng sanh, dù có nghe cũng chẳng sanh nghi, chỉ như gió thổi qua tai; khuyên dạy lại sanh tâm sân hận hủy báng, thì có duyên gì mà được hiển bày.

Do đó, nên trong ngàn người chỉ được có một, hai người thôi.

Nếu người tự hiểu, tạo kẻ sống, thâu thập được đầy đủ, thì đời đời từ đây mà đi, lần lượt sáng suốt nhạy bén, lại không thối thất công đức, một đời hơn một đời, vào khuôn vực của Chư Phật. Họ cùng Sự tương ưng, dù sanh trên trời, hay cõi người cũng chỉ như thế. Có đối đầu với ngủ dục, bát phong, và tất cả cảnh giới đều cùng Lý phù hợp. Kẻ ấy chẳng đi trong tam giới, chỉ một vị bình đẳng Chánh Tri Kiến, đâu còn việc gì.

Sanh tử không thể chẳng sợ, phải rõ một đoạn tình ngụy sanh tử này mới được an lạc không gì hơn. Thân tâm là mối lụy: Thân giống như gông cùm; Phải biết chỗ thân đi đến; Tâm như khỉ, vượn; Phải biết chỗ tâm khởi diệt. Hai cái này từ chỗ nào đi đến?

Khi cái khởi đã diệt, thì Thân Tâm tròn sáng, nhất như trong ngoài. Vả lại, Tâm là ở trong, Thân là ở ngoài. Thân là trong thì vật là ngoài. Quốc Sư bảo: “Thân Tâm Nhất Như, Ngoài Thân không thừa.” Thế thì, không thấy có sanh tử chống lại mình, nên gọi là Giải Thoát Đại Đạo. Cho nên hay khiến người thấy nghe, đâu chẳng dư, do chẳng thoát ý tưởng, đâu chẳng được chẳng dứt vật cảnh, đâu chẳng được dung thông, lại còn nghi ngờ ư?
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên