Công đức thuyết linh

nguoidienhocphat1

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
31 Thg 8 2015
Bài viết
1,934
Điểm tương tác
347
Điểm
83
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật.

Thưa quí Phật tử.

....... Trải qua 49 ngày qua, do một thắng duyên mà Thầy và quí quyến đã một thời gian gần gũi nhau trong chánh pháp Phật. Những ngày qua, khi được trao đổi với quí Phật tử, thầy cũng nhận ra, gia đình mình là một gia đình có tâm đạo, và cũng là có nhân duyên với Phật pháp. Hôm nay là tuần chung thất, cũng là thời điểm mà nhân duyên hội ngộ của chúng ta sang trang mới.

....... Nhớ ngày xưa, khi đức Thế Tôn còn tại thế. Khi có gia đình Thiện nam, tín nữ mời thọ thực tại tư gia, đức Phật thường có một thời pháp thoại, để cho Phật tử được thắm nhuần giáo pháp.

....... Cũng giống như thưở xưa, Để bồi đáp Đạo tình của quí Phật tử, buổi cơm gia đình hôm nay, thầy sẽ có một đoạn pháp thoại, với chủ đề: TẤT CẢ PHÁP VÔ NGÃ.

....... Thế nào là tất cả pháp ? Thế nào là Vô ngã ?

....... * Tất cả pháp, nghĩa là tất cả những gì trên thế gian này, mà chúng ta thấy, nghe, hay, biết, cảm nhận và thọ dụng được.

....... * Vô ngã, nghĩa là chúng không thật có, chỉ là giả hợp không thật, bản chất chúng là "Huyễn". Ví như cây chuối, chỉ mượn những bẹ chuối kết lại mà làm thân.

....... Nhưng tại sao đức Phật dạy chúng ta về Vô ngã để làm gì ? Xin thưa. Đó là muốn cho chúng ta, nhận chân được sự thật để không phải đau khổ vì vô minh sai lầm.

....... Thầy lấy thí dụ: cụ thể như ông cụ nhà mình. Bản thân cụ hay là tất cả chúng ta đây đều là một cái "huyễn ngã", nghĩa là một cái ngã tướng không thật do hổn hợp nhiều nhân duyên.

....... Người ta có câu nói: Không ai tắm được 2 lần trên một dòng sông. Đó là vì dòng sông tạo nên bằng những giọt nước kế tiếp và tuôn chảy thay thế cho nhau, nên dòng sông không có thực thể và luôn luôn thay đổi nhà Phật gọi đó là vô ngã. Cũng vậy con người giống như một dòng sông được vận hành bằng 5 món là : tế bào, tâm lý, cảm thọ, nhận thức và nghiệp nhân ( mà nhà Phật gọi là 5 Uẩn ). Những món này luôn luôn thay đổi giống như những giọt nước trong dòng sông sinh mệnh, đó là lý vô ngã.

....... Thưa quí Phật tử. Vì vô ngã nên vô thường, vì vô thường có sanh, già, bệnh, chết, ai không biết và không nhận thức rõ thì phải bị đau khổ.

....... Thưa quí Phật tử. Cái qui luật, vô ngã, vô thường đó, nó không loại trừ bất cứ việc gì, từ công danh, sự nghiệp, sắc đẹp, tiền của, sức khỏe, gia đình, con cái, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp v,v… Nghĩa là nếu chúng ta không nhận thức rõ, thì khi vô thường đến chúng ta sẽ hụt hẩng, sẽ đau khổ, và sẽ không chống đở nổi để đứng vững trong cuộc đời.

....... Vậy thì khi đã biết rõ bản chất các pháp là vô ngã, làm sao chúng ta thoát được các khổ ?

....... Xin thưa.- Khi đã biết rõ "Ngã thân" của mình là vô ngã, là không có thật, là "huyễn ngã". Nó chỉ là do duyên hợp mà sanh, nên duyên ly là diệt, thì sự sanh đó không thật sanh, diệt đó không thật diệt, sanh để rồi chết, nhưng chết không phải là chấm dứt, mà chết để rồi lại sanh, sanh diệt theo sự kết tụ của các duyên, giống như ánh mặt trời xoay vòng quanh quả đất. Như thế thì đâu có gì phải đau buồn sợ hãi. Vì mặt trời thấy lặn ở đây, thì liền mọc ở kia, người thấy chết ở đây, thì có sanh ở chốn khác đó. Vì cái chết cũng là Vô ngã không thật. Việc tụ tán của tình cảm con người cũng là do duyên nên vô ngã , vô thường không cố định.


kinh dạy:

Chẳng vật tùy duyên sanh,
Chẳng vật tùy duyên diệt.
Sanh chỉ các duyên sanh,
Diệt chỉ các duyên diệt.

....... Theo thật tế chúng ta đâu có thật chết mất, mà chỉ lặn đây mọc kia, chết đây sanh kia. Nhưng cái Bản thể tâm của chúng ta thì không sanh không diệt, không đến không đi, vĩnh hằng bất hoại - thì ta đâu có gì phải lo sợ nữa.

....... Biết như vậy, chúng ta sẽ tạo duyên lành hay dữ mà tự thọ dụng. Đó là, chúng ta tự tạo nghiệp để vòng xoay sanh tử được theo ý muốn.

....... Trong kinh có nói đến "tuồng thiên diễn". nghĩa là sự sống chết của chúng ta, ví như một tuồng hát, chúng ta là những người nghệ sĩ, chúng ta mặc áo, vẽ râu, kẻ làm ông, người làm bà, kẻ làm cha, người làm mẹ, đứa lại đóng vai con cháu. chúng ta cùng nhau hát khúc tâm tình, để đến một lúc nào đó "vãng tuồng". Thì chúng ta lại vào trong hậu trường sân khấu, rửa mặt, rửa mày, nghĩ ngơi lấy sức. Sau đó, lại vẽ mặt mày mà hát tiếp tuồng lớp kề sau... Nhưng tuồng hát đó, đối với người xem, đối với tấm lòng người diễn vẫn khắc ghi những nổi niềm, những đau đớn, xúc động không sao tránh khỏi.

....... Như trên chúng ta thấy: Các pháp vô ngã là do chúng do các nhân duyên hợp chủng với nhau mà sanh ra. Có nhiều nhân duyên để sanh. Nhưng có 3 ác duyên chính dẫn đến đau khổ. Đó là Tham, sân, si. Lại có 3 thiện duyên dẫn chính đến hạnh phúc an lạc. Đó là: giới, định, huệ.

....... Bởi vậy. Thầy khuyên quí Phật tử : Khi chúng ta đã biết pháp vô ngã, biết thiện duyên, ác duyên rồi, thì chúng ta siêng năng ngăn ngừa các ác duyên, bằng cách hạn chế tham, sân, si. Siêng năng tạo các thiện duyên, bằng cách hành giới, định, huệ. Thì rồi đây, do hạnh nghiệp, nhân duyên này đời đời chúng ta sẽ được sức khỏe, sắc đẹp, tiền tài, danh tiếng, trí huệ. Đó là Phước Huệ song tu .

Cổ đức nói:

Kịch trần duyên một giấc vàng- Giới, định, huệ tu nhân thành Phật.

Trang thế sự trăm năm bạc- Tham, sân, si mang nghiệp vào thân.​

....... Bởi vậy, đời là giấc mộng, nên chăng chúng ta hãy nằm một giấc mộng đẹp, đời là một tuồng kịch, nên chăng hãy diễn một tấn kịch vàng.

....... Thưa quí Phật tử. Chính nhờ bài pháp nhân duyên- vô ngã này, mà ngày xưa ngài Xá Lợi Phất nghe được từ Tỳ Kheo Mã Thắng trên đường khất thực mà ngài chứng được Quả Tư Đà Hoàn. Phật dạy. người chứng được quả Tư Đà Hoàn chỉ còn 7 lần sanh tử nữa là đến được Niết Bàn vĩnh cửu không còn sanh tử nữa.

....... Thưa quí Phật tử. Thầy xin lặp lại nội dung pháp thoại này bằng câu kệ mà Tỳ kheo mã Thắng đã nói:

Các pháp do duyên sanh,

Lại do duyên mà diệt.

( là ý nghĩa vô ngã )

Ngã Phật đại sa môn,

thường dạy bảo như vậy.

....... Thầy xin nguyện đem công đức giảng nói kinh pháp này, nguyện hồi hướng cho hương linh cụ: được siêu sanh nhàn cảnh, hồi hướng phước báu cho quí quyến được đời đời sống an vui, hạnh phúc trong ánh hào quang của Phật Đà.

A Di Đà Phật.

Công đức vô lượng. Vừa khai thị người âm vừa giáo hóa người dương. Đó là hạnh nguyện độ sanh hoằng dương Phật pháp. Khi tâm rộng mở tất cả vì chúng sanh nơi đó cũng là vô ngã vậy. Không cần tìm kiếm vô ngã đâu xa hãy hành từ những hành động nhỏ nhất từ thân khẩu ý chính mình từ đó sẽ tiến dần đến vô ngã.
Kính chúc quý hữu an lạc và tinh tấn ngày càng độ sanh cứu giúp nhiều chúng sanh hơn nữa.
Nam mô A Di đà Phật!
 

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên