Đáp lời hỏi của hòa thượng Mộ Tây

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
2. Đáp lời hỏi của hòa thượng Mộ Tây



1) Hỏi: Thiên Phật Y có phải là tổ y [31] thêu hình tượng Phật, còn Long Hoa Y là [ca-sa] thêu rồng thêu hoa hay không, xin hãy rủ lòng dạy bảo?

Đáp: Thiên Phật Y tức là y do một ngàn vị Phật trong Hiền Kiếp[32] chế ra, tức là tổ y năm điều hay bảy điều chúng ta thường đắp. Kẻ vô tri không hiểu biết bèn thêu hình tượng Phật lên y, tội đáng chết muôn vàn! Kẻ ngu chẳng biết tội lỗi, ngược ngạo tưởng đó là sang trọng! Lại còn thêu rồng, thêu hoa! Đường đường là một vị tỳ-kheo lại học theo thói nữ nhân, tư cách kẻ ấy chẳng đáng giá nửa đồng! Điều thứ nhất trong tác phẩm Chánh Ngoa Tập của Liên Trì đại sư đã luận về chuyện này!

2) Hỏi: Nuôi tóc dài, để móng tay dài, đeo khuyên bằng bạc, bằng đồng, có phải là tướng Đầu Đà hay chăng?

Đáp: Đầu Đà là tên gọi của vị hành khổ hạnh. Hạnh Đầu Đà gồm mười hai điều[33]. Người đời nay chẳng thể hành được, lại lầm lạc đem tướng của ma vương, ngoại đạo ghép vào, đáng than quá đỗi!

3) Hỏi: Người bế quan niệm kinh, niệm Phật cho người khác có phải là tà mạng hay không?

Đáp: Bế quan cần phải có chánh niệm, chân thật niệm kinh, niệm Phật. Nếu chuyên niệm cho thí chủ, chẳng biết chú trọng nơi chuyện tu hành của chính mình thì có bị gọi là tà mạng cũng đáng! Nếu chỉ dùng bế quan để gạt gẫm kẻ khác cúng dường thì sẽ trở thành đại tà mạng vậy!

4) Hỏi: Có người [suy nghĩ] quan phòng (nơi để bế quan) này do vị thí chủ nọ cúng dường, bèn niệm kinh để báo đáp người ấy. Có thể dùng pháp bảo để làm quà tặng được hay chăng? Hơn nữa, tăng nhân vì người khác xem kinh, đếm số quyển [kinh mình đã tụng] để tính giá trị, viết một phiếu tụng kinh giao cho người ta, những tăng nhân như vậy mắc những tội gì, người tục gia có được phước gì?

Đáp: Người ta tài thí, mình dùng pháp thí [để đáp tạ] thì cũng không phải là không được. Nếu chẳng biết Phật pháp, chuyên môn vì người khác niệm kinh thì cũng giống như cuốc đất tính công lãnh tiền! [Tụng kinh hay xem kinh] đã bị coi như là làm lụng mà nếu lại còn thật sự chẳng xem, chỉ viết một tờ phiếu ghi những kinh đã tụng để làm bằng chứng thì so ra chỉ có thể diện hơn đánh cướp một chút, chứ thật ra là cùng một loại dụ dỗ, lừa gạt! Niệm hay chẳng niệm không nhất định, cung kính hay không cung kính cũng không nhất định thì làm sao có thể định tội kẻ ấy cho được? Kẻ tại gia có tâm chánh tín xuất tiền thỉnh niệm, dẫu cho tăng nhân chẳng niệm, chỉ dùng một tờ phiếu kê khai để lừa người ta thì cũng chẳng thể nói là [thí chủ] trọn không có công đức. Từ nay chớ nên gởi thư đến nữa, tôi không có thời gian và sức lực rảnh rỗi để bàn luận những chuyện thừa thãi này!



3. Đáp lời hỏi của cư sĩ Niệm Phật (tức cư sĩ Châu Mạnh Do)



[Cư sĩ Niệm Phật hỏi]: Trong thư trả lời cư sĩ Hương Nghiêm của Triệt Ngộ đại sư có câu: “Hãy nên dùng lòng tin sâu xa để thấu hiểu sâu xa: Ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, toàn tâm chính là Phật, toàn Phật chính là tâm. Nhất niệm hiện tiền thì nhất niệm tương ứng, niệm niệm hiện tiền thì niệm niệm tương ứng, chỉ nên giữ sao cho niệm ấy thường hiện tiền thì sẽ đạt được hiệu nghiệm chân thật. Lìa ngoài niệm ấy ra thì đừng cầu hiệu nghiệm, bởi đã gián đoạn, chẳng thân thiết, liền đi vào ngõ rẽ. Kinh dạy: ‘Tâm này làm Phật, tâm này là Phật’ chính là nói về ý này vậy!” Tuy con tin đoạn văn dài này là mấu chốt cho sự tu Tịnh, nhưng lời văn đảo đi, đảo lại, rườm rà, chẳng dễ gì thấu suốt được lý. Nay con kính cẩn trình bày những điều nghi nan, ngưỡng xin thầy rủ lòng phân tích, giải thích cặn kẽ để con nhờ vào đây vun bồi tịnh nhân thì thật là may mắn lớn lao!

1) “Ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, toàn tâm chính là Phật, toàn Phật chính là tâm”. Thế nào gọi là tâm? Thế nào gọi là Phật? Nếu chỉ giải thích sơ sài thì “hiện tiền khởi niệm là tâm”, chẳng biết có thích đáng hay chăng?

Đáp: Cái tâm niệm Phật hiện tiền chính là tâm. Vị Phật được niệm trong hiện tiền là Phật, tức là vị Phật được tạo bởi tự tâm, vì thế nói: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”.

2) Bốn câu này ý nghĩa có tương tự bốn câu “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” của Tâm Kinh hay không?

Đáp: Sắc - Không của Tâm Kinh so ra rộng rãi hơn ý nghĩa “làm, là” trong Quán kinh. “Làm, là” trong Quán Kinh càng thân thiết hơn “bất dị, tức thị” (chẳng khác, chính là) của Tâm Kinh.

3) Đã nói “ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không Tâm” sao lại nói “toàn tâm tức Phật, toàn Phật tức tâm” là ý nghĩa gì?

Đáp: Hai câu sau giải thích lại ý nghĩa của hai câu trên.

4) Chữ “niệm” trong “nhất niệm hiện tiền” và “niệm niệm hiện tiền” cùng với chữ Tâm trong “tâm Phật” ý nghĩa có giống nhau hay không?

Đáp: Tâm và niệm chỉ là một thứ. Chẳng qua ước theo sự thường còn mà gọi là Tâm, ước theo sự hiện khởi mà gọi là Niệm.

5) “Ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm...” bốn câu này có phải là nói về Tánh Đức? Còn “một niệm hiện tiền, một niệm tương ứng…” bốn câu này có phải là nói về Tu Đức hay chăng?

Đáp: Cả hai đều là Tu Đức, bởi lẽ “ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm” chính là điều sẽ đạt được bởi công phu.

6) “Nhất niệm hiện tiền thì nhất niệm tương ứng…” bốn câu này thì kẻ sơ cơ làm được hay phải là người tu lâu mới làm được?

Đáp: Sơ cơ có sự tương ứng của sơ cơ, tu lâu có sự tương ứng của tu lâu, há nên chấp chết cứng?

7) Tin sâu, thấu hiểu chắc thật là nói kiểu viên dung. Chưa đạt tới mức thấu hiểu chắc thật, chẳng thể gọi là tin sâu! Nếu gọi là tin sâu thì sẽ thấu hiểu chắc thật. Nói theo thứ tự thì tin sâu dễ, thấu hiểu chắc thật là khó. Chưa hiểu chắc thật, chẳng trở ngại gì tin sâu; trong lá thư này, ngài Triệt Ngộ nói “tin sâu, thấu hiểu chắc thật” là nói kiểu viên dung hay nói theo thứ tự?

Đáp: Chẳng cần phải phân biệt như thế, do chẳng biết ông ta (tức cư sĩ Hương Nghiêm) thuộc hạng căn tánh nào!

8) Phần trên nói “hãy nên tin sâu, thấu hiểu chắc thật”. Phần dưới nói “chỉ nên giữ sao cho niệm ấy thường hiện tiền thì sẽ đạt được hiệu nghiệm chân thật”, dường như có nghĩa là sau khi đã tin sâu, thấu hiểu chắc thật thì mới có hiệu nghiệm chân thật?

Đáp: Đây là tin và ngộ.

9) Như vậy là chỉ nên giữ cho niệm ấy thường được hiện tiền?

Đáp: Đấy là thực hành.

10) Nhưng chưa đủ lòng tin sâu xa, hoặc chưa đạt đến mức thấu hiểu chắc thật, dẫu cho niệm ấy thường hiện tiền vẫn tự chẳng thể có hiệu nghiệm chân thật ư? Nếu vậy thì người tin sâu, thấu hiểu chắc thật chẳng có mấy ai, mà cũng chẳng thấy được nhiều kẻ đạt được hiệu nghiệm chân thật cho mấy!

Đáp: Chưa thể tin hiểu mà thường hiện tiền như thế cũng chẳng nhiều nhặn gì! Nhưng chất phác niệm đến chỗ tột cùng thì cũng có thể đạt đến địa vị ấy!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien20.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

I

imported_gioidinhhue

Guest
“tự tu là Chủ, khuyên người khác là Trợ”

11) Vợ chồng đệ tử tập khí xấu xa sâu nặng, sửa đổi chẳng dễ, do vậy sanh ra những đứa con hoang đàng, biếng nhác, ngang ngạnh, phô trương, thật chẳng có hy vọng gì chúng sẽ nên người. Con tính trong lúc này, cứ nghĩ sẵn trước là chúng sẽ bị đọa lạc trong tương lai, buông những hoài bão xuống, tự điều chỉnh sao cho thích nghi. Nếu quả thật sau này có ngày đọa lạc, ly tán thì do đã suy nghĩ kỹ càng, chín chắn, sẽ chẳng đến nỗi hứng chịu phiền não, tiếc hận lớn lao. Lối nghĩ tưởng như thế có đáng nên vâng giữ hay chăng?

Đáp: Nên vâng giữ!

12) Xưa kia Văn Chánh Công thường nói: “Phàm làm người kỵ nhất là lo nghĩ ngược ngạo tới sự truân chuyên, trắc trở mai sau, nhưng người đọc sách mắc bệnh này rất nhiều, đấy đều là dấu hiệu chứng tỏ bạc phước”. Lời nói ấy có đích xác hay không?

Đáp: Đích xác!

13) Lại nữa, trong bài Gia Huấn của Lục Phóng Ông có câu: “Cư hương, dĩ khốn úy, bất nhược nhân, vi triết[34]” (Sống trong làng thì phải khôn ngoan xử sự bằng thái độ ta là kẻ kém cỏi, e dè, chẳng bằng ai). Nên giải nói như thế nào, xin thầy khai thị?

Đáp: Đã biết ta kém cỏi, biết e dè, đã biết ta chẳng bằng người, sao dám cùng người khác tranh cãi? Kẻ nào tranh cãi đều không có ba tâm ấy.

14) Đệ tử thường mộng thấy niệm Phật bay lên, thường bị một căn nhà trên đỉnh lợp toàn bằng pha lê ngăn trở, hễ thân thể bay lên thì căn nhà ấy và lớp pha lê phủ trên nóc đều cùng bay theo. Con muốn vượt thoát ra khỏi lớp pha lê ấy để vùng vẫy trong hư không liền chẳng được như ý, chưa biết là nghiệp chướng gì?

Đáp: Giấc mộng ấy cũng chẳng dễ có. Nếu vượt thoát ra được thì tốt, Nhưng chỉ nên nhất tâm niệm Phật, chớ nên chuyên mong tưởng thực hiện được giấc mộng ấy để khỏi do lợi ích mà đâm ra bị tổn hại.

15) Có người cho rằng “khuyên người niệm Phật cầu sanh là Chủ (chánh yếu), còn tự mình tu là Trợ”; có người nghĩ “tự tu là Chủ, khuyên người khác là Trợ”. Cả hai đều phát xuất từ lòng chí thành, nhưng công đức nào vượt trỗi hơn?

Đáp: Quan điểm sau tốt hơn quan điểm trước.

16) Một vị Tăng nói đến nhân quả, chăm lo chùa miếu, vì nhằm lợi lạc tứ chúng mà tịnh tu, nhưng ý niệm ta - người, lợi danh khá nặng. Một vị Tăng khác nghiêm trì giới hạnh, chuyên niệm Phật, hồi hướng cầu cho các chúng sanh sẽ được vãng sanh, ý niệm ta - người, lợi danh rất nhẹ, [so ra hai người ấy] hơn - kém ra sao?

Đáp: Người sau trỗi hơn.

17) Hành giả lâm chung sanh Tây, cưỡi đài hoa sen thì ngồi, hay quỳ, hay đứng?

Đáp: Ngồi.

18) Có lúc muốn làm một chuyện, tự cảm thấy dường như cũng mang lòng từ mẫn, mà hình như cũng ôm lòng ghen ghét, hoặc là mang lòng hâm mộ quyền thế, tham lợi. Chẳng làm thì sợ tổn hại đến lòng từ mẫn, làm thì sợ đọa vào tình kiến, ngay trong lúc ấy chẳng tự biết ý niệm là thiện hay ác, là nặng hay nhẹ! Lại chẳng thể cân nhắc sự duyên lợi - hại, hoãn - gấp. Lại không có thiện tri thức để quyết đoán thì nên xử trí như thế nào là hay nhất?

Đáp: Gặp chuyện, nên lấy nghĩa làm chuẩn. Nếu không, sẽ trở thành người không có chủ ý gì hết!

19) Con trộm thấy có tăng sĩ chưa từng phải lo liệu [xây cất] chùa miếu, ý vẫn cho rằng nếu hoàn thành được một ngôi chùa để tự lợi, lợi tha, bèn có thể chuyên tâm niệm Phật, một dạ sanh Tây. Đến khi nhân duyên hợp đủ, chùa miếu đã hoàn thành, dần dần lại tham mến chùa miếu, mưu tính tích cóp sản nghiệp, nắm níu quẩn quanh, chần chừ, lầm lỡ chuyện vãng sanh. Đấy mới chỉ là nêu một trường hợp làm thí dụ. Những kẻ khác thì muốn thông giáo lý, trở thành nhà trước tác, và kẻ thế tục thì mong cầu nhà cửa dư dả, con cháu hiển đạt v.v… Những điều này đều là đệ tử tự lượng thân phận, sợ sẽ giẫm theo vết xe đổ, nguyện tùy duyên niệm Phật chẳng mong tạo tác. Tuy chưa đạt đến mức ấy, nhưng thật lòng muốn gắng công, có được hay chăng?

Đáp: Được.

20) Xưa kia tại Thượng Hải, đứa con gái thứ ba của con chết yểu, đau tiếc không sao nguôi được, do vậy tạm làm công đức cho cháu. Tiếp đó được thầy ban lời an ủi, khuyên nhủ, bảo là “nương nhờ sức Tam Bảo, con gái ông sẽ được sanh Tịnh Độ”. Đệ tử liền quyết định tin tưởng chẳng nghi, thôi than khóc vì chuyện “lá vàng” [phải khóc cho lá xanh] nữa, nỗi buồn nhanh chóng ngưng dứt. Trong Lâu Các Chú Kinh[35] có dạy: “Chép chú ngữ này để lên thân người chết, người chết liền được sanh về Tịnh Độ”. [Do vậy], con thường in những tấm chú này tặng cho thân hữu để họ dùng kèm thêm trong đồ liệm. Cũng có kẻ sanh lòng tin quyết định, nói: “Người ấy ắt sanh Tịnh Độ, chẳng khởi tâm niệm ngờ vực”, tâm thật mừng vui an ủi. Có kẻ chẳng tin thì nguyện dùng công đức tu trì, đủ mọi phương tiện khiến cho họ sanh lòng tin tưởng kiên cố, cùng được thấm nhuần lợi ích nơi mặt pháp. Dụng tâm như thế có phải cũng là một phương pháp tự độ, độ tha, chân thật thọ dụng hay chăng? Không rõ con làm như vậy có bị lệch lạc, sai lầm hay chăng?

Đáp: Chú lực chẳng thể nghĩ bàn, tâm lực chẳng thể nghĩ bàn. Nếu tặng cho kẻ hờ hững, hời hợt thì lợi ích cũng sẽ bị giảm nhẹ theo!

21) Công khóa hằng ngày của đệ tử là niệm Phật hai tiếng, niệm Quán Âm một tiếng, hễ bận thì ngưng niệm Quán Âm. Bữa nào tâm cảnh thanh tịnh thì niệm Phật tương ứng nhất (đối với chữ Ứng (應), đệ tử chuyên đọc theo giọng Khứ Thanh, bản khắc kinh Hoa Nghiêm ở Hàng Châu ghi đọc theo giọng Bình Thanh (tức Ưng), chưa biết đọc theo cách nào đúng hơn?)

Đáp: Đọc Bình Thanh (tức Ưng) thì có nghĩa là tâm và Phật tương ứng, đọc giọng Khứ Thanh (Ứng) thì có nghĩa là cảm ứng đạo giao. Hai âm ấy đọc theo cách nào cũng được.

22) Gặp phải hôm sợ hãi, tham - sân - si lừng lẫy, con đem hai tiếng đồng hồ niệm Phật đổi hết thành niệm Quán Âm, còn ngày nào sợ hãi v.v… đều tiêu tan thì vẫn niệm Phật hiệu, có được hay chăng?

Đáp: Được!
 
I

imported_gioidinhhue

Guest
Làm sao có thể ngầm hợp ý Phật, viên ngộ ý chỉ của kinh

23) Xưa kia con được thầy rủ lòng Từ dạy cho cách đọc kinh: Thân phải ngồi ngay ngắn như đối trước thánh dung, đích thân nghe viên âm, chẳng dám manh nha một ý niệm giải đãi, khởi một ý niệm phân biệt nào! Từ đầu đến cuối đọc thẳng một lượt, bất luận dù văn hay nghĩa đều nhất loạt chẳng bận tâm đến. Duyệt kinh như thế thì người lợi căn sẽ có thể ngộ được lý Nhị Không[36], chứng được pháp Thật Tướng. Dẫu là kẻ căn khí ngu độn kém cỏi cũng tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Nếu cứ một mực phân biệt câu này nghĩa như thế nào, đoạn này nghĩa ra sao thì sẽ hoàn toàn là phàm tình vọng tưởng, dò đoán, suy lường, làm sao có thể ngầm thông ý Phật, viên ngộ ý chỉ của kinh để nhân đấy nghiệp chướng tiêu diệt, phước huệ tăng trưởng? Đệ tử cho rằng đoạn huấn thị này có lẽ là vô thượng diệu pháp để duyệt kinh. Nhưng nói: “Chẳng khởi phân biệt, dù văn hay nghĩa đều nhất loạt chẳng bận tâm đến” có phải là dốc cạn lòng thành kính, nhận biết văn tự cho rõ ràng, âm thanh niệm đọc cho thuần thục trọn vẹn giống như các bà cụ già niệm kinh hay chăng? Bởi lẽ trước đây đệ tử hay lo ra, nếu chiếu theo cách đọc không phân biệt chẳng quan tâm đến văn nghĩa thì chắc là sẽ khó thể tâm đắc, chẳng sanh pháp hỷ. Vì thế, mỗi khi con đọc A Di Đà Kinh, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, liền miệng tụng, chú tâm nơi sự trang nghiêm của cõi Cực Lạc, sự từ bi của đức Phổ Hiền tràn ngập cõi lòng, pháp hỷ tràn trề. Kế đó, con nghĩ cách đọc như vậy chưa chắc đã khỏi rớt vào lối mòn phàm tình vọng tưởng, dò đoán, suy lường. Dẫu cho có sở đắc nhỏ nhoi, nhưng ví như đối với nước bốn biển mênh mông bát ngát lại dùng tay vốc nước, đâm ra chỉ được một chút tẹo, đúng như thầy đã dạy “làm sao có thể ngầm hợp ý Phật, viên ngộ ý chỉ của kinh” cho được!

Đáp: Nếu văn lẫn nghĩa đều rõ ràng thì hiểu rõ [từng câu, từng đoạn] đâu có trở ngại gì! Chỉ là chớ nên đặc biệt sanh tâm động niệm muốn thấu hiểu, chứ không phải là chỉ đọc, không được phép hiểu rõ!

24) Con lại thấy một vị Tăng nhận biết mặt chữ nhưng không hiểu ý, trì tụng kinh Pháp Hoa nhưng lòng vui sướng tràn ngập nơi mặt mũi, đủ biết: Sanh được pháp hỷ hay không chẳng chuyên liên quan tới chuyện có hiểu rõ văn nghĩa hay không! Nếu có thể dùng tâm cung kính, tâm từ bi, chẳng khởi tâm phân biệt, chẳng bận tâm thấu hiểu văn nghĩa, cứ thẳng thừng mà đọc, tự nhiên sẽ đạt được lợi ích chân thật, tăng trưởng pháp hỷ. Ý con tính sau này cứ chiếu theo cách đọc ấy, hồi hướng Bồ Đề; chẳng biết là có trái nghịch, sai khác với ý chỉ ban đầu của lời thầy dạy hay chăng?

Đáp: Người thông minh trong thế gian phần nhiều là tâm thường cố thấu hiểu. Đối với nghĩa lý thì được, chứ đối với pháp hỷ sẽ khó đạt được lắm!

25) Thêm nữa, giữa đọc và tụng[37] thì công đức nào lớn hơn?

Đáp: Khổng Tử đọc kinh Dịch, ba lượt đứt lề sách. Đọc sẽ có ích hơn [tụng] nhiều. Nếu không, sao Khổng Tử lại nhọc nhằn mở sách ra đọc như thế. Trong câu “đứt lề sách ba lượt” thì [chữ “lề sách”] chỉ cho sợi dây bằng da để buộc các phiến gỗ hay các thẻ tre[38]. Dây đã bị đứt ba lần tức là số lần mở sách ra đọc chẳng thể đếm được số!

26) Phần trường hàng của phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện thường được ghép trong Phật Học Nguyện Văn (“như thị Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na, như thị tận pháp giới, hư không giới” (Như nay đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na, trọn hết pháp giới, hư không giới như thế) v.v….) nếu chấm câu thì nên chấm sau chữ Tỳ Lô Giá Na hay là chấm sau chữ “như thị”?

Đáp: Tám chữ đầu là nêu thí dụ, hai chữ “như thị” là tiếp nối ý trên.

27) Lại nữa, trong sách [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện Phẩm Tập Yếu Sớ, cụ Đế Nhàn viết rằng: “Đối với câu kệ tụng ‘nguyện ngã lâm dục mạng chung thời’ (nguyện con lúc mạng sắp chấm dứt) nếu đổi hai chữ ‘nguyện ngã’ thành ‘thị nhân’ (người ấy) thì [ý nghĩa] càng thêm rõ rệt”. Con trộm nghĩ nếu sửa như thế có lẽ thì đối với hai câu “ngã kim hồi hướng chư thiện căn, vị đắc Phổ Hiền thù thắng hạnh” (con nay hồi hướng các căn lành, để được hạnh Phổ Hiền thù thắng) trong phần trên và câu “ngã thời ư thắng liên hoa sanh, hiện tiền thọ ngã Bồ Đề ký” (khi ấy, con sanh trong hoa sen tươi đẹp, ngay trong lúc ấy được Phật thọ ký cho con sẽ thành Chánh Giác) trong đoạn này, hai chữ Ngã đều chẳng thông suốt với nhau! Hơn nữa, theo phần Trường Hàng, khi lâm chung do nhờ sức tụng kinh, nương theo sức dẫn dắt của Nguyện Vương mà vãng sanh Cực Lạc, liền thấy Phật Di Đà. Trong kệ tụng nói diện kiến Di Đà liền sanh về Cực Lạc, [nếu đổi chữ “ngã nguyện” thành “thị nhân” thì] tựa hồ như đã đẩy cái này lôi cái kia (chữ “đẩy” ở đây hình dung ý “gượng ép”) sao cho ý trong lẫn ngoài được khớp nhau. [Con cho rằng]: Nhằm rốt ráo làm cho hành giả mong mỏi được Phật Di Đà tiếp dẫn, cho nên nói hai chữ “ngã nguyện”. Con nghĩ giữ nguyên chữ [như trong chánh kinh] so ra thỏa đáng hơn. Kiến giải của con hèn tệ như thế, chẳng biết có thích đáng hay chăng?

Đáp: Ý này tuy do ngài Thanh Lương đề ra, nhưng chẳng phù hợp với kinh văn, đấy là ý phụ chứ không phải ý chánh. Nếu coi đấy là ý nghĩa chánh yếu sẽ trở thành trái nghịch kinh, chớ nên theo. Hễ theo sẽ phạm lỗi!

28) Gần đây đệ tử thường dựa theo phẩm Tịnh Hạnh [trong kinh Hoa Nghiêm] để phát nguyện, chỉ là gặp cảnh chạm sự liền niệm thầm “xin nguyện chúng sanh sẽ như thế này, thế nọ”. Chỉ cần niệm một lần hoặc là tùy ý tùy sức niệm liên tục chẳng quan tâm đến số biến. Lại nữa, nếu chẳng hiểu rõ ý nghĩa nguyện văn lắm thì có thể dựa theo bài văn để đọc hay không?

Đáp: Pháp tu trì trọn chẳng nhất định. Người chuyên niệm Phật sao không do cơ duyên, do hoàn cảnh mà niệm. Lời văn phát nguyện thì tùy lòng ưa thích, chớ nên chấp bài này, chê bai bài kia, chấp bài kia, chê bai bài này là được rồi!

29) Năm trước con được thầy từ bi khai thị, bảo đệ tử tuổi đã gần năm mươi rồi, chớ nên nghiên cứu kinh, chỉ nên chết lòng niệm Phật để mong vãng sanh. Từ đấy con chẳng đổ công sức nghiên cứu nữa; chỉ có điều gần đây mở xem Đại Trí Độ Luận, Tử Bách Tập, các sách ấy giúp mở rộng tầm mắt, cảnh tỉnh, răn nhắc thân tâm khá nhiều. Nhưng ngoài lúc lễ tụng trong thời khóa chánh yếu ra, có nên nhân lúc rảnh rỗi xem đọc thêm đôi chút những loại kinh luận ấy hay không, hay là nhất loạt ngưng xem thì mới nên?

Đáp: Tu trì không phải là chuyện đóng đinh, đẩy mái chèo, cần phải sống động, hoạt bát, tuy chết lòng niệm Phật, nhưng xem thêm đôi chút kinh luận cũng chẳng phải là không được. Nhưng nếu coi Chủ Hạnh (hạnh chánh yếu) như chuyện kèm thêm thì sẽ trở thành tu trì không có chỗ nương tựa. Tử Bách Tập tuy là cảnh sách, nhưng [những lời dạy của ngài Tử Bách] chú trọng nơi tham cứu; sao không dụng tâm nơi Tịnh Độ Thập Yếu? Ông cho rằng Tịnh Độ Thập Yếu chẳng có ích lợi sâu xa cho con người bằng Tử Bách Tập ư?

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien20.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên