ĐĐ.Thích Giác Hạnh: Âm thầm tích thiện cho đời

Bạch Vân Nhi

Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (thán
Phật tử
Tham gia
27 Tháng 5 2009
Bài viết
2,518
Điểm tương tác
888
Điểm
113
Địa chỉ
CANADA
ĐĐ.Thích Giác Hạnh: Âm thầm tích thiện cho đời

<small></small> Tôi gặp Đại đức Thích Giác Hạnh (45 tuổi, trụ trì Tịnh xá Ngọc Vạn, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) trong lúc cả người sư lấm đầy bụi, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt chai sạm. Như đoán được ý nghĩ của tôi, sư Hạnh cười hiền lành: “Tranh thủ trời nắng, tôi chẻ đá để sắp tới xây nhà”. Câu nói gọn lỏn của sư khiến tôi tò mò. Thì ra trước đó, sư đang chẻ đá để chuẩn bị xây nhà cho một hộ nghèo ở thị xã Ninh Hòa. Nghe có vẻ lạ nhưng đó lại là công việc sư đã làm hơn 3 năm nay. Không chỉ thế, sư còn tham gia trồng rừng để bảo vệ môi trường… Với sư Hạnh, việc hành thiện như bổn phận tất yếu của mình trên nẻo đường xuất gia.
Xây nhà cho người nghèo
images684810_P1020705.jpg
Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Kiên được sư Hạnh và địa phương hỗ trợ xây mới.

Khóc và cười trong hạnh phúc là tâm trạng của những người được hỗ trợ xây nhà. Tuy sống gần cuối đời nhưng bà Nguyễn Thị Thân (70 tuổi, thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) chưa có được một ngày thảnh thơi. Vợ chồng con gái bà đã qua đời vì cơn bạo bệnh, để lại hai đứa con thơ dại. Cuộc mưu sinh hàng ngày khó khăn nên mười mấy năm nay, ba bà cháu vẫn phải ở trong căn nhà lụp xụp, không đủ để che nắng, che mưa. Giờ thì ước mong có tiền sửa nhà bao năm qua của bà đã trở thành hiện thực. Tất cả là nhờ có sư Hạnh. Với hơn 20 triệu đồng mà sư Hạnh hỗ trợ để xây nhà trên diện tích 30m2, gia đình bà Thân đã có căn nhà đầy đủ bếp, khu vệ sinh. Hôm gặp chúng tôi, bà Thân nghẹn ngào: “Trước đây, mỗi khi mưa dột, tôi phải lấy áo mưa trùm cho các cháu và đồ đạc nhưng vẫn bị ướt. Những lúc ấy, nhìn các cháu run vì lạnh, tôi chỉ biết khóc. Nếu không có sư Hạnh, tôi chẳng biết đến bao giờ mới có đủ tiền để sửa nhà”.

Trong khi đó, không có đất sản xuất, trước đây, vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiên (thôn Tân Phước Bắc, xã Vạn Phước) kiếm sống bằng làm thuê, làm mướn. 52 tuổi, vợ chồng ông đã có mấy chục năm ở nhà tranh tre, dột nát. Mấy năm nay, vì đau bệnh, không làm việc nặng được, ông bà sống nhờ đồng lương ít ỏi từ việc phụ hồ của con trai, cuộc sống gia đình rất khó khăn, Năm 2009, gia đình ông đã được sư Hạnh và địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng xây nhà, cộng thêm họ hàng, dòng tộc đóng góp nên gia đình ông đã có ngôi nhà khang trang. Ngày nhận được nhà mới, vợ chồng ông vui mừng khôn xiết. “Mấy mùa mưa đã qua, gia đình tôi không còn lo cột mục sập nhà nữa…” – ông Kiên trải lòng.
Phủ xanh đồi trọc
Qua những người dân trong vùng, tôi được biết, Đại đức Thích Giác Hạnh còn vận động Phật tử, người dân trồng rừng để bảo vệ môi trường. Đi bộ 2 cây số đường dốc để lên núi Hoa Sơn, tôi có dịp chiêm ngưỡng hàng trăm nghìn cây bạch đàn, xà cừ, keo đã được sư và người dân trồng. “Ngày ấy, đường lên núi lởm chởm đá, nhiều cây gai. Để mang được cây giống lên núi trồng, chúng tôi phải đi bộ mất 1 giờ, đó là chưa kể trên đường đi thường bị trầy xước, té ngã… Thời gian đầu, do đất bạc màu, lại thiếu nước tưới nên cây không phát triển được. Nhiều lúc nản lòng, nhưng rồi nghĩ đến một ngày khu rừng sẽ xanh tươi nên tôi vận động mọi người trồng dặm cây mới, vun xới những cây trồng cũ. Mới ngày nào, những cây keo, xà cừ, bạch đàn cao chưa tới bụng mà giờ đây đã có cây cao hơn nóc nhà” – sư Hạnh kể.
images684811_P1020655.jpg
Sư Hạnh cùng người dân chăm sóc rừng bạch đàn.

Tôi hỏi về ý tưởng trồng rừng, sư Hạnh cho biết: “Năm 1992, tôi theo sư phụ đến xã Vạn Phước hành đạo. Chứng kiến những cánh rừng xanh “chảy máu” từng ngày bởi nạn chặt phá rừng, tôi rất xót xa. Năm 2005, khi đã có điều kiện, tôi mua 15ha đất của người dân khai hoang để trồng rừng; đồng thời vận động tăng, ni, Phật tử và người dân cùng làm. Cứ trồng một cây, hai cây… rồi cũng thành rừng. Đến nay, hơn 20ha đồi trọc đã được phủ xanh”. Nói đến đây, giọng sư chùng xuống, ánh mắt xa xăm nhìn về phía núi: “Trồng rừng đã khó, bảo vệ rừng càng khó hơn. Tôi chỉ mong mọi người giữ rừng như bảo vệ lá phổi của chính mình”.

Mong ước ấy tưởng chừng bình dị nhưng là cái đích phấn đấu cả đời của sư Hạnh. Điều đáng mừng là học theo sư, nhiều người dân địa phương cũng đã có ý thức hơn trong việc trồng và bảo vệ rừng. Gia đình ông Tô Văn Vũ (thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ) là một ví dụ. Không có việc làm ổn định, 10 năm trước, gia đình ông Vũ sống bằng nghề đốn củi. Từ khi giúp việc cho sư Hạnh, ông đã ý thức được tác hại của việc đốt rừng. Ông tâm sự: “Ban đầu đi trồng rừng, tôi nghĩ đơn giản là kiếm tiền chi tiêu trong gia đình. Sau 3 năm, tôi đã thấy lợi ích mà dự án trồng rừng mang lại. Dòng suối dưới chân núi Hoa Sơn giờ đã có nước trở lại. Ngoài việc giữ nước, chống xói mòn đất, cải thiện môi trường, việc trồng rừng của sư Hạnh còn giúp hơn 20 hộ dân có việc làm với thu nhập 100.000 đồng/ngày”.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà sư Hạnh lại gắn đời mình với nghiệp xây nhà cho người nghèo. Năm 2008, trong một chuyến hành hương làm từ thiện, chứng kiến cảnh một cụ ông 70 tuổi sống trong túp lều dột nát khiến sư luôn đau đáu trong lòng. Từ đó, sư đã vận động các nhà hảo tâm thực hiện chương trình xây nhà cho người nghèo. Hơn 4 năm qua, sư đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam các xã, phường trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa xây mới và sửa chữa khoảng 50 căn nhà với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Hành thiện từ tâm

Sư Hạnh chẻ đá để xây nhà cho người nghèo

Không chỉ góp sức trong việc sửa chữa và xây nhà cho người nghèo, bằng nguồn kinh phí vận động, sư Hạnh đã giúp phẫu thuật tim cho hơn 40 trẻ em trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 2 tỷ đồng; đồng thời xây Tuệ Tĩnh Đường trong tịnh xá để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Sư tâm sự: “Thấy người ta bệnh, người ta gặp khó khăn mà không giúp, tối về tôi ngủ không yên. Đặc biệt, với trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, nếu không phẫu thuật, cuộc đời của các em sẽ gặp nhiều khó khăn. Bị mổ chậm một năm, trẻ đi học muộn một năm và cũng có thể phải đứng ngoài lề xã hội. Đó là chưa kể đến những trường hợp đau thương khi có gia đình vĩnh viễn mất con…”

images684813_P1020692.jpg
Ngoài việc hành đạo, sư Hạnh còn làm thuốc nam để giúp cho người nghèo chữa bệnh.

Những việc làm xuất phát từ cái tâm, cái đức trong sáng của sư Hạnh đã giúp tôi hiểu được vì sao nhiều người quý mến sư. Tôi còn nhớ hình ảnh em Nguyễn Văn Vương (19 tuổi, bị bệnh thiểu năng, ở thôn Tân Phước Bắc, xã Vạn Phước) ôm chặt lấy sư hôm chúng tôi đến thăm. Thường ngày, em không muốn tiếp xúc với ai, thế nhưng em lại dành tình cảm đặc biệt với sư Hạnh. Thấy tôi thắc mắc, bà Nguyễn Thị Khánh (mẹ em Vương) bộc bạch: “Sư thường cho quần áo, bánh, kẹo nên cháu rất mến sư. Ngày nào cháu cũng lên Tịnh xá chơi với sư. Mỗi lần sư đến nhà, cháu vui mừng như gặp người thân của mình”… Trong khi đó, năm nay tuy đã gần 70 tuổi nhưng ông Võ Văn Sự (ở phường 2, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn chấp nhận xa gia đình đến Tịnh xá làm công đức. 4 năm chung sống với sư Hạnh, ông Sự hiểu tường tận niềm vui, nỗi buồn của sư: “Dù trời nắng hay mưa, nghe ở đâu có người già, trẻ em bị bệnh không có tiền chữa trị… là sư tìm đến giúp. Cảm động trước tấm lòng của sư, tôi quyết định ở lại Tịnh xá”. Có thể nói, trong sâu thẳm tâm hồn ông, sư Hạnh như bụt trong truyện cổ tích, luôn mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mọi người…

Chia tay Tịnh xá Ngọc Vạn, tôi chợt nhớ đến một câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai…”. Và có lẽ trong hơn 30 năm hành đạo, sư Hạnh không chọn cho mình những việc nhẹ nhàng, nhưng cái sư Hạnh được là nhiều căn nhà tình nghĩa, những trái tim khỏe mạnh và cánh rừng xanh giúp ích cho đời.
Bà Trần Thị Nhượng – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vạn Phước: Thời gian qua, Đại đức Thích Giác Hạnh đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, xã hội hóa các hoạt động từ thiện, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Bằng nguồn kinh phí vận động, hàng năm, sư phân bổ quà, nhu yếu phẩm cho người nghèo, trẻ em ở xã. Đại đức còn phối hợp với địa phương xây 8 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, mỗi căn nhà được sư hỗ trợ từ 10 đến 30 triệu đồng…”.
Kim Thoa
Theo: baokhanhhoa

 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên