Đoạn trừ cũng không có nghĩa là nỗ lực tiêu diệt

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Trong Kệ Dhammpada 21 đức Phật dạy: “Không buông lung là sinh lộ, phóng dật là tử lộ”; và trong Kinh Aṅguttara Nikāya Ngài nói rõ hơn: “Ta không thấy một pháp nào khác… có thể đưa đến lợi ích lớn như tinh cần tinh tấn… do pháp ấy các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi, các pháp bất thiện đã sinh bị đoạn tận”.

Vì vậy, khi tinh tấn đúng chỗ, đúng lúc, chính xác và phù hợp với hoàn cảnh thì nó sẽ thể hiện được bốn công năng chính:

- Ngăn ngừa pháp bất thiện chưa sinh: Ngăn ngừa không phải là chờ pháp bất thiện đến rồi cố gắng chận đứng lại không cho nó sinh khởi, mà khi bạn tinh tấn đúng mức thì các pháp bất thiện không thể sinh lên. Giống như khi ngọn đèn tỏa sáng thì bóng tối không thể đến được.

- Đoạn trừ pháp bất thiện đã sinh: Đoạn trừ cũng không có nghĩa là nỗ lực tiêu diệt pháp bất thiện đã sinh, mà khi tinh tấn đúng đắn thì pháp bất thiện tự rút lui. Giống như khi mặt trời lên thì bóng đêm tự tan biến.

- Khởi sinh pháp thiện chưa sinh: Điều này rất dễ hiểu lầm, nên nhiều người cố gắng tập luyện để sở hữu được những phẩm chất đạo đức, hay làm nhiều thiện sự để có nhiều công đức. Thực ra, khi tâm không còn bị pháp bất thiện chiếm giữ thì pháp thiện sẽ tự khởi sinh một cách tự nhiên chứ không phải kết quả nỗ lực của bản ngã.

- Phát huy pháp thiện đã sinh: Như chúng ta vừa nói trên, thiện pháp tự sinh, và khi không còn bị che lấp bởi pháp bất thiện của vọng ngã thì sẽ tự phát huy diệu dụng viên mãn chứ không phải do bản ngã dụng công phát triển.

Bốn công năng này không được thực hiện riêng rẽ mà thường tiến hành cùng lúc, nghĩa là khi một trong bốn công năng dẫn đầu thì ba công năng kia cũng tự động có tác dụng.

Ví dụ, khi bạn tinh tấn thực hành thiền phát triển tâm từ thì các thiện tâm sở tương ứng liền cùng phát sinh (khởi sinh pháp thiện chưa sinh), đồng thời tâm sân tự biến mất (đoạn trừ pháp bất thiện đã sinh) và không thể sinh khởi trở lại khi tâm từ đang hiện diện (ngăn ngừa pháp bất thiện chưa sinh). Chính sự tinh tấn này duy trì và phát triển tâm từ ngày càng rộng lớn hơn (phát huy thiện pháp đã sinh).

Ngoài ra chánh tinh tấn còn giúp chúng ta:

- Dễ thành công trên mọi lãnh vực: Người tinh tấn, không thối chí nản lòng nên không bỏ cuộc nửa chừng vì vậy họ dễ dàng đạt được mục đích của mình.

- Thêm bạn bớt thù: Tinh tấn là loại bỏ điều ác, làm những hạnh lành, nghĩa là luôn sống lợi mình lợi người nên gieo ân nhiều hơn kết oán.

- Thân tâm an lạc: Người siêng năng luôn năng động, phấn khởi, tích cực; không rơi vào tình trạng trì trệ, buông xuôi, tiêu cực; không dễ sinh buồn phiền, chán nản, hay say sưa, nghiện ngập, vì vậy, luôn tự tin và hoan hỷ.

- Danh thơm tiếng tốt: Người tinh tấn luôn vượt trội hơn giữa những người thiếu chí, giống như con ngựa khỏe giữa đám ngựa yếu gầy. Vì vậy, dù không cần danh vọng địa vị họ vẫn được trọng vọng hơn người.

Hỏi:

- Con hành thiền Vipassanā, phải thường tinh tấn giác niệm để loại trừ tham sân. Bây giờ thầy nói tinh tấn như vậy có thể sai, làm con hoang mang không hiểu vì sao đã là tinh tấn giác niệm mà lại còn có thể sai được?

Đáp:

- Dĩ nhiên, chánh tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác không sai. Nếu sử thực hiện đúng, đó là những yếu tố quyết định cho sự giác ngộ giải thoát. Nhưng khi bạn ứng dụng những yếu tố này với thái độ không đúng, mục đích không đúng thì chỉ mang lại phản tác dụng mà thôi.

Thế nào là mục đích và thái độ sai? Khi bạn tinh tấn với ý định muốn diệt tham/sân thì ý định đó cũng là một kiểu tham/sân khác. Như vậy, ngay từ đầu, tinh tấn bị thúc đẩy bởi động cơ tham/sân đã là thái độ thất niệm làm sao có thể gọi là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác được?

Có thể bạn đã hiểu lầm lời dạy của Đức Phật trong Kinh Tứ Niệm Xứ: ”Ở đây,…chế ngự tham sân ở đời, vị tỳ kheo sống quán thân trên thân…, quán thọ trên các thọ…, quán tâm trên tâm…, quán pháp trên các pháp, với tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm”. Cho nên bạn đã tinh tấn với ý định diệt trừ tham/sân. Nhưng lời dạy này ám chỉ rằng trong khi quán chiếu bạn không được để cho tham hay sân xen vào đối tượng sở quán. Nếu bạn quán chiếu vì thích hay ghét đối tượng thì bản ngã đã xen vào, ngăn che sự thấy biết trong sáng của bạn, trong khi mục đích của tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là phát hiện ra cấu trúc của bản ngã cùng với những hoạt động tạo tác ngăn che thực tánh pháp, chứ không phải để khước từ pháp này hay nắm bắt pháp nọ theo ý đồ của tham/sân. Bởi vì đó không phải là tinh tấn trong chánh niệm tỉnh giác mà là trong thất niệm bất giác. Và tinh tấn trong thất niệm bất giác dĩ nhiên là sai, vì làm thế nào mà tham/sân lại loại trừ tham/sân được?

Ngay cả giác niệm cũng có thể chẳng mang lại hiệu quả nào, chẳng có khả năng thấy được thực tánh, nếu tầm nhìn không đúng hướng, không đủ mức độ thích nghi. Huống chi giác niệm mà đa số thiền giả thể hiện là theo kiến thức chủ quan và giới hạn của mình về truyền thống kinh điển hoặc khuôn mẫu Sớ Giải hơn là y cứ trên thực tại khách quan. Thật là một nhầm lẫn tai hại biết bao!

Hỏi:

- Cố gắng loại trừ điều xấu, trau dồi điều tốt là lý do tu hành chính đáng sao gọi là tham sân được?

Đáp:

- Lý do chính đáng nhưng động tác thực hiện sai thì bạn vẫn không đạt được mục đích. Giống như bạn thêm dầu để chữa cháy là đúng hay sai? Cũng vậy, bạn không thể loại trừ điều xấu bởi tham hay sân được. Nói vậy không có nghĩa là cứ để mặc cho thói hư tật xấu phát triển tự do chẳng cần cải thiện gì cả, vì như vậy lại rơi vào buông xuôi phóng dật. Nếu như một bộ phận nào đó trong ô-tô của bạn bị hỏng, dĩ nhiên là bạn phải sửa chữa hoặc loại bỏ nó đi và tìm mua một cái mới để thay vào. Nhưng trước tiên bạn hay người thợ máy phải thấy biết chính xác chỗ thật sự cần sửa đổi mới được.

Khi bạn cố gắng loại trừ điều xấu, trau dồi điều tốt do thấy biết đúng, đó là nỗ lực thuận pháp chứ không phải tham sân. Nhưng khi bạn cố gắng một cách chủ quan thiếu thấy biết đúng để loại trừ điều xấu, trau dồi điều tốt thì bạn chỉ làm cho vấn đề phức tạp thêm theo quan niệm thiện ác của bạn. Giống như người cứ cố uống thuốc để chữa bệnh nhưng không biết rõ bệnh mình cũng không am tường về thuốc thì không phải tự hại mình sao?

Hỏi:

- Khi tôi tập luyện yoga hay thực hành thiền định tất nhiên tôi phải cố gắng điều hòa hơi thở và tập trung tâm ý. Sự cố gắng ổn định hai yếu tố như vậy là để phát triển năng lực sao có thể gọi là tiêu hao năng lực được?

Đáp:

Có hai loại năng lực:

- Một là nội lực tự sinh, năng lực này ẩn tàng, và bình sinh dường như không có dấu vết, nên không cần giữ gìn phát triển. Tuy nhiên khi cần nó sẵn sàng đáp ứng vô hạn mà không bao giờ bị hao tổn.

- Hai là năng lực thủ đắc do khổ công rèn luyện, năng lực này có giới hạn, tùy điều kiện, nên phải kiên trì gìn giữ, phát huy, mới không mai một. Nhưng khi đem ra sử dụng thì nó rất dễ bị tổn thương và cạn kiệt.

Trong trường hợp thứ nhất, một sự cố gắng chủ quan do tham vọng đạt được năng lực có thể chỉ cản trở tính linh hoạt của nội lực tự sinh. Năng lực này chỉ đến khi tâm bạn lặng lẽ rỗng rang, theo nguyên lý “Điềm đạm hư vô chân khí tùng chi”. Vì vậy bạn phải thận trọng xem lại việc luyện tâp yoga hay thiền định của bạn có thật sự là một nhu cầu tự nhiên hay chỉ là ý muốn chủ quan của bản ngã.

Trong trường hợp thứ hai, năng lực có thể đạt được nhờ khổ luyện với điều kiện bạn phải nỗ lực đúng và nhận thức đúng về sự tương quan vận hành của thân tâm. Nếu không bạn sẽ chỉ tiêu phí năng lực vô ích. Tất nhiên, cố gắng phát triển năng lực loại này bạn có thể thành công, nhưng năng lực nhân tạo này sẽ dễ dàng bị tiêu mòn ngay nếu bạn ngưng khổ luyện.

Hơn nữa, bạn phải sử dụng một năng lực để thủ đắc một năng lực mà bạn kỳ vọng, rồi lại phải mất một năng lực khác để duy trì phát triển năng lực đã đạt được. Như vậy có nghĩa là để đổi lấy năng lực bạn mong muốn thì bạn phải hao tổn năng lực của mình, đúng không?

Vì vậy, luyện công có vẻ như gia tăng công lực nhưng đồng thời cũng chính là đang tiêu phí năng lực. Giống như một võ sĩ vận lực tung ra một cú đấm mạnh bao nhiêu thì cũng tiêu hao bấy nhiêu công lực. Nên đánh càng lâu anh ta càng thấm mệt.

Nội lực tự sinh vốn vận hành một cách tự nhiên, tạo ra sự sống linh động, hài hòa, hanh thông bất trệ, đã bị phá hỏng bởi chính những nỗ lực chủ quan của chúng ta phát xuất từ bất mãn, tham vọng và vô minh tà kiến của “cái ta chấp thủ”.

Nếu bạn tập yoga hay hành thiền định như một cố gắng của cái ngã tham vọng thì bạn sẽ chỉ đạt được năng lực hữu hạn, nhưng khi bạn thật sự chánh niệm, khách quan và vô tư thì tinh tấn của bạn sẽ tùy cơ ứng biến một cách tự nhiên. Vì vậy, bạn không cần gắng sức mà tâm ý tự định tĩnh, năng lực tự điều hòa. Đó mới chính là yoga, thiền định đích thực và vô ngã.

Hỏi:

- Phải chăng nói thế có nghĩa là mọi ý chí rèn luyện tu tập cho tương lai tốt đẹp hơn hay để hoàn thiện chính mình đều sai?

Đáp:

- Không phải tất cả. Tuy nhiên, nếu chúng ta tự hỏi: “Ai mong muốn một tương lai tốt đẹp? Ai hy vọng hoàn thiện chính mình?” thì liệu câu trả lời sẽ là gì? Bạn có đủ can đảm đối mặt với sự thật này không? Phải chăng luôn có cái ta ẩn núp bên trong, thúc đẩy bạn thực hiện ý đồ của nó? Nếu vậy, càng đạt được nhiều sở đắc, cái ta của bạn càng kiên cố hơn. Để rồi chính cái ngã hoàn thiện đó trói buộc bạn chặt hơn trong luân hồi sinh tử. Làm thế nào bạn thoát khỏi hệ lụy này?

Ý chí hoàn thiện có thể chỉ là chiêu bài của tham vọng cầu toàn, mà thực chất chỉ là ảo tưởng “đứng núi này trông sang núi nọ” mà thôi. Vì vậy, nỗ lực loại bỏ cái này chiếm hữu cái kia trong sự chọn lựa chủ quan chỉ là sự vẽ vời của cái ta không ngừng vọng động.

Nếu tu tập là chiếu soi, khám phá thực tại để hóa giải cái ta ảo tưởng, cùng với toàn bộ qui trình vận hành của nó thì dĩ nhiên không sai. Và nếu rèn luyện là kỹ thuật đáp ứng những nhu cầu cần yếu hay điều chỉnh những vấn đề thiết thực hiện tại thì hoàn toàn đúng. Ví dụ như khi bạn bị đau lưng, bạn nên tập thể dục để điều chỉnh thì tốt hơn. Nhưng nếu nỗ lực rèn luyện để đáp ứng tham vọng của bản ngã thì chắc chắn là sai rồi.

Có ba khuynh hướng hoàn thiện chính mình:

- Khuynh hướng tinh tấn bao gồm những người dựa vào nỗ lực cá nhân để hoàn thiện chính mình. Nhưng phải mất một thời gian rất dài để giác ngộ, vì khó mà hóa giải được chấp thủ “cái ta” và “của ta” trong sự hoàn thiện ấy.

- Khuynh hướng đức tin bao gồm những người đặt niềm tin vào sự chỉ dẫn của bậc thầy để hoàn thiện chính mình. Vì dựa vào niềm tin nên dễ ỷ lại vào tha lực, nhưng không tự đắc về nỗ lực cá nhân của mình nên ít bị ý niệm “ta” và “của ta” chi phối, do đó thời gian giác ngộ nhanh hơn.

- Khuynh hướng trí tuệ bao gồm những người dựa vào thấy biết khách quan để quan sát, quán chiếu thực tại và khám phá thực tánh của các pháp nên dễ dàng phát hiện ra bản chất vô ngã của sự hoàn thiện. Vì vậy, thời gian giác ngộ nhanh nhất.

Hỏi:

- Xin lỗi. Có phải vì sợ rằng nỗ lực là công cụ của bản ngã, mà phần lớn các nước theo Phật giáo đều nghèo, trong khi các nước phương Tây nhờ nỗ lực cầu tiến mà văn minh giàu có?

Đáp:

- Đây quả là một vấn đề khá tế nhị, và nhạy cảm, không thể đánh giá hời hợt qua hiện tượng bên ngoài. Thực ra, nghèo khó không chỉ dành riêng cho những nước châu Á theo Phật giáo, mà nhiều nước châu Phi không theo Phật giáo còn tệ hại hơn nhiều. Ngay cả ở trong các nước Âu Mỹ phồn thịnh cũng có không ít giai cấp bần hàn cơ cực.

Phật giáo không khuyến khích ai phải chịu nghèo khó. Chính đức Phật khen ngợi những người làm giàu một cách chân chính bằng trí tuệ và sức lực của mình, rồi còn biết sử dụng tài sản đó để lợi mình lợi người một cách hợp tình hợp lý. Vậy nguyên nhân thực sự của nghèo khó không phải vì giáo lý vô ngã của nhà Phật.

Nhân đây tôi xin đưa ra một vài gợi ý để chúng ta cùng suy gẫm hơn là vội vàng kết luận. Nghèo khó có thể phát xuất từ nhiều nguyên nhân khác nhau tùy từng trường hợp như:

- Vì lười biếng, thiếu nỗ lực hoặc thiếu ý chí tiến thủ.

- Vì không có điều kiện thuận lợi để làm giàu như: năng lực, phương tiện, vốn đầu tư…

- Vì bị các nước đề quốc, thực dân giàu mạnh xâm lăng, cai trị, bóc lột, cướp đoạt.

- Vì người thật thà chất phác đã bị những người giàu có bất lương – cường hào, ác bá – đẩy vào chỗ khốn cùng.

- Vì lương tâm không cho phép làm giàu bất chính.

- Vì đánh giá sự giàu có tinh thần (trí tuệ, đức hạnh) cao hơn sự thịnh vượng vật chất (tài sản, địa vị).

- Vì đánh giá đời sống an bình hạnh phúc hơn là sở hữu tài sản.

Vậy tại sao chúng ta không đặt câu hỏi ngược lại để xét xem: “Bên cạnh những cống hiến khoa học và cung ứng tiện nghi vật chất, sự giàu mạnh của các nước phương Tây có thật sự đem lại hạnh phúc cho nhân loại không hay chính vì cố làm giàu mà các nước công nghệ tiên tiến đã trở thành thủ phạm hủy diệt sự sống trên trái đất chúng ta?” Xin bạn tư duy thật kỹ lưỡng về điều này.

trungtamhotong.org/thuvien
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên