Giữ Tâm Ý trong sạch

Bạch Vân Nhi

Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (thán
Phật tử
Tham gia
27 Tháng 5 2009
Bài viết
2,518
Điểm tương tác
888
Điểm
113
Địa chỉ
CANADA
Giữ Tâm Ý trong sạch

Diệu Quý

giu-tam-y-trong-sach.jpg



Trong đời sống con người, tâm (citta) hay ý (mana) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó là chỗ phát khởi của muôn sự muôn việc ở đời. Sự đời tốt hay xấu, thiện hay ác, vui hay buồn, lạc hay khổ, tất cả đều do tâm ý tạo nên. Đức Phật, bậc thiện xảo về tâm và phương pháp điều tâm, dạy rằng ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác; nếu với ý ô nhiễm mà nói năng hay hành động thì theo đó khổ não sẽ phát sinh, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Nếu với ý thanh tịnh mà nói năng hay hành động thì theo đó an lạc sẽ theo sau, như bóng không rời hình 1. Do tâm ý đóng vai trò quan trọng như thế đối với đời sống hạnh phúc hay khổ đau của con người nên kinh điển đạo Phật nói nhiều đến phương pháp giữ tâm ý thanh tịnh hay cách thức làm trong sạch tâm tư.
Thông thường, có hai khuynh hướng tâm thức sinh khởi và vận hành đưa đến hai hệ quả khác nhau trong đời sống con người được nói đến trong kinh điển đạo Phật. Đó là tâm ý thiện và tâm ý bất thiện. Loại thứ nhất bao gồm các ý tưởng và tâm niệm hiền thiện, sinh khởi trong một người có căn tính hiền lành hoặc có sự tu tập và nuôi dưỡng tâm ý đúng như lời Phật dạy, có khả năng làm cho người ấy luôn luôn cảm thấy thanh thản, an lạc, không lo âu, phiền muộn, không rơi vào các việc làm sai trái, xấu ác. Kinh Phật gọi loại tâm ý này là ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm hay ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy. Loại thứ hai gồm các ý tưởng và tâm niệm bất thiện, sinh khởi trong một người có căn tính nặng về tham-sân-si, đưa đến lối sống buông lung phóng dật, khuyến khích các hành vi xấu ác, bất thiện, khiến cho con người luôn cảm thấy lo lắng, bất an, phiền muộn, khổ não. Kinh Phật gọi các tâm ý bất thiện này là dục tầm, sân tầm, hại tầm (đôi khi cũng được gọi là dục niệm, sân niệm, hại niệm2) hay dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy.
Cứ theo cách hiểu ở trên thì giữ tâm ý trong sạch chính là giữ cho tâm thức luôn luôn được hiền thiện, trong sáng, không để cho nó rơi vào bất thiện, ô nhiễm; nói cách khác là giữ cho tâm thức lúc nào cũng vận hành theo chiều hướng ly dục, vô sân, bất hại, không để cho nó rơi vào chiều hướng bị chi phối bởi dục vọng, sân hận và não hại. Theo lời Phật thì một tâm ý trong sạch tức là một tâm ý không bị dục vọng, sân hận và não hại làm cho ô nhiễm; một tâm ý như vậy là hiền thiện, đáng được gìn giữ, đáng được nuôi dưỡng và phát triển vì nó mang lại nhiều lợi ích an lạc. Trái lại, một tâm ý bị dục vọng, sân hận và não hại làm cho ô nhiễm tức là một tâm ý bất thiện, cần phải được khắc phục và loại trừ vì nó đưa đến nhiều bất hạnh khổ đau3. Về cách thức giữ tâm ý trong sạch, không để cho nó rơi vào ô nhiễm, Đức Phật nói cho chúng ta biết một kinh nghiệm bổ ích mà tự thân Ngài đã hành trì:
“Chư Tỳ kheo, trước khi ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh giác và còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau:
“Ta sống suy tư và chia hai suy tầm”. Chư Tỳ-kheo, phàm có dục tầm nào, sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai. Chư Tỳ-kheo, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: “Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”. Chư Tỳ-kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, dục tầm được biến mất, Chư Tỳ-kheo, khi ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ-kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ-kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ- kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm. Chư Tỳ-kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sân tầm khởi lên… (như trên)… hại tầm khởi lên. Ta tuệ tri: “Hại tầm này khởi lên nơi Ta, và hại tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”. Chư Tỳ-kheo, khi Ta suy tư: “Hại tầm này đưa đến tự hại”… “Hại tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”, hại tầm được biến mất. Chư Tỳ-kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận hại tầm… Chư Tỳ-kheo, ví như vào cuối tháng mùa mưa, về mùa thu, khi lúa đã trổ hạt, một người mục đồng chăn giữ bò, cầm roi đánh các con bò bên này, đánh bên kia, chế ngự chúng, ngăn chặn chúng. Vì sao vậy? Chư Tỳ-kheo, vì người mục đồng thấy do nhân duyên này, đưa đến sự chết, sự tù tội, sự đánh đập hay sự trách móc. Chư Tỳ-kheo, cũng vậy, Ta đã thấy sự nguy hại, sự hạ liệt, sự uế nhiễm của các pháp bất thiện, và thấy sự viễn ly, sự lợi ích, sự thanh tịnh của các thiện pháp”
4.

Trong kinh nghiệm tu tập của Ngài, Đức Phật bảo cho chúng ta do thấy rõ sự nguy hại, sự hạ liệt, sự uế nhiễm của các pháp bất thiện, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm, đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết- bàn, nên Ngài nỗ lực trừ bỏ và đoạn tận chúng, làm cho tâm trở nên trong sạch, không còn uế nhiễm; tựa như người mục đồng thấy rõ sự khiển trách, sự đánh đập, tù tội của việc lơ đễnh để cho các con bò xâm phạm vào lúa má của người nên phải luôn luôn chú ý chăn giữ đàn bò cho thật kỹ càng. Đây là một trong số các phương pháp giữ cho tâm ý được trong sạch5, không uế nhiễm, nhờ thường xuyên theo dõi tâm thức, nhận diện các cấu uế sinh khởi ở nội tâm – dục tầm, sân tầm, hại tầm – thấy rõ sự nguy hại của chúng và nỗ lực dùng chánh tư duy để đoạn trừ. Hẳn nhiên, tâm rất khó nhận biết vì nó không có hình tướng và luôn luôn thay đổi; do vậy mà vị hành giả cần phải thường xuyên theo dõi tâm thức của mình thì mới nhận ra nội tâm có cấu uế hay không có cấu uế để mà nỗ lực đoạn trừ. Bản kinh Không uế nhiễm, Trung Bộ nói rằng người ta không thể đoạn trừ được các cấu uế nội tâm hay làm sạch tâm tư, nếu không có sự chú ý xem xét tâm thức của mình. Nói cách khác, nếu không có sự quan sát và nhận ra cấu uế ở nội tâm thì người ta sẽ không khởi lên ước muốn, sẽ không cố gắng, sẽ không tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Kinh An trú tầm cũng xác nhận, nhờ thường xuyên quán sát sự nguy hiểm và tai hại của tâm cấu uế mà các bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ các bất thiện tầm, nội tâm được an trú, an tịnh, định tĩnh, nhất tâm.
Như vậy, để giữ cho tâm ý được trong sạch thì điều quan yếu là phải thường xuyên theo dõi tâm tư của mình, xem nó có cấu uế hay không; nếu tâm ý không rơi vào uế nhiễm, nghĩa là không bị dục tầm, sân tầm, hại tầm hay dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy chi phối và dẫn dắt, thì đó là tâm ý hiền thiện, đáng được gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển; trái lại, nếu tâm ý rơi vào uế nhiễm, bị dục tầm, sân tầm, hại tầm hay dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy chi phối, thì đó là tâm ý bất thiện, cần phải nỗ lực tìm cách ngăn chặn và đoạn trừ. Trong bản kinh Tất cả lậu hoặc, Đức Phật gọi sự nỗ lực đoạn trừ dục tầm, sân tầm, hại tầm hay dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy như vậy là pháp môn trừ diệt các lậu hoặc – dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu – cội rễ của hết thảy phiền não khổ đau. Ngài nhấn mạnh:
“Này các Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo như lý giác sát, không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại dục niệm ấy; không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại sân niệm ấy; không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại hại niệm ấy; không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại các ác, bất thiện pháp ấy. Này các Tỳ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỳ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt”6.

Nhìn chung, tâm ý là yếu tố quan trọng đối với đời sống hạnh phúc của con người nhưng nó là đối tượng khó nắm bắt, khó nhiếp phục, vì nó thường xuyên thay đổi và chuyển biến hầu như không tuân theo một quy luật nào. Hiểu được tính chất phức tạp của nó, Đức Phật đã đề ra nhiều pháp môn tu tập khác nhau nhằm đối phó và uốn nắn tâm thức theo chiều hướng hiền thiện lợi lạc gọi là làm trong sạch nội tâm hay giữ tâm ý trong sạch. Hẳn nhiên, có nhiều cách thức khác nhau được đề xuất cho việc nhiếp phục các loại tâm thức khác nhau mà kinh Phật gọi là “gột sạch một tâm cấu uế bằng phương pháp thích nghi”7. Tuy nhiên, căn bản của việc tu tập tâm ý hay giữ tâm trong sạch chính là sự tập trung theo dõi và nhận diện hai khuynh hướng vận hành, hiền thiện hoặc bất thiện, của tâm thức để có biện pháp ứng phó thích hợp. Lẽ tất nhiên, hành giả sẽ không có nhiều việc phải làm đối với một tâm tư hiền thiện và trong sạch, ngoài việc ghi nhận hướng vận hành yên ổn của nó. Nhưng với một tâm tư còn nặng về tham-sân-si hoặc bị kích động và chi phối bởi tham dục, sân hận và não hại thì cần phải quyết tâm uốn nắn, nhiếp phục và loại bỏ tâm tư bất thiện ấy.
Cũng do tính chất phức tạp, khó nắm bắt, khó thu nhiếp của nó mà việc tu tập tâm ý hay giữ tâm trong sạch được nói đến rất nhiều trong giáo lý đạo Phật và được nhấn mạnh như là pháp môn tu tập cần phải được vận dụng thường xuyên và lâu dài. Trong số các pháp môn tu tập hình thành nên tiến trình Giới-Định-Tuệ của đạo Phật, ngoài Định học (Samàdhi) gồm các bước thực tập liên quan trực tiếp đến việc nhiếp phục và phát triển tâm thức (loại bỏ năm triền cái và phát triển năm thiền chi), một số các pháp hành khác thuộc Giới học (Sìla) như tàm quý (hirottappa), thân, khẩu, ý hành thanh tịnh (parisuddha kàyasamàcàra, vacìsamàcàra, manosamà- càra), hộ trì các căn (indriya-guttadvàratà), tiết độ trong ăn uống (bhojana-mattannutà), chú tâm cảnh giác (jàgariya- yànuyoga), chánh niệm tỉnh giác (satisampajanna) cũng đều trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm đến việc làm sạch nội tâm hay giữ cho tâm ý được trong sạch, thoát khỏi tham- sân-si. Chẳng hạn, phần định nghĩa dưới đây về phương pháp chú tâm cảnh giác giúp cho chúng ta có thêm một hiểu biết rất căn bản về cách thức giữ tâm ý trong sạch:
Và y Mahànàma, thế nào là vị Thánh đệ tử chú tâm cảnh giác? Ở đây, này Mahanama, vị Thánh đệ tử ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh giữa, vị này nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy lại; ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp. Này Mahànàma, như vậy là vị Thánh đệ tử chú tâm cảnh giác”8.
Để giữ cho tâm ý được trong sạch, thoát khỏi các cấu uế tham-sân-si hay dục tầm, sân tầm, hại tầm, dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy mà phần định nghĩa trên gọi là các pháp chướng ngại (àvaranìya-dhammà) (đối với mục tiêu đoạn trừ khổ đau, thành tựu hạnh phúc Niết-bàn), thì trừ những lúc ngủ nghỉ, thời gian còn lại trong đêm và cả ban ngày vị Thánh đệ tử phải luôn luôn chú tâm cảnh giác đối với các cấu uế tham-sân-si thuộc nội tâm, không để cho các pháp chướng ngại ấy sanh khởi làm ô uế tâm thức. Rõ ràng, với sự thực tập chuyên chú như vậy mà được ứng dụng trong một thời gian dài với sự nỗ lực đầy kiên trì thì chắc chắn tâm ý sẽ dần dần được chuyển hóa, sẽ được thanh lọc trở nên trong sạch, không còn cấu uế tham- sân-si, cũng có nghĩa là tâm được giải thoát, được an lạc, không có khổ đau và không còn là lý do cho mọi phiền não khổ đau phát sanh, vì:
Người tâm ý an tịnh,
L
ời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy.
9 „

Chú thích:

  • Kinh Pháp Cú, kệ số 1-2.
  • Xem Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
  • Kinh Song tầm, Trung Bộ.
  • Kinh Song tầm, Trung Bộ.
  • Kinh An trú tầm, Trung Bộ, nói đến năm cách thức khác nhau để loại trừ các cấu uế nội tâm.
  • Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
  • Kinh Ngày trai giới Uposatha, Tăng Chi Bộ.
  • Kinh Hữu học, Trung Bộ.
  • Kinh Pháp Cú, kệ số 96.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 187
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên