Hễ cảm liền ứng, không nguyện nào chẳng thỏa!

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
69. Bài ca tụng việc nghiền vàng để vẽ những hình tượng thuộc phẩm Phổ Môn



Lớn lao thay đức Quán Thế Âm! Triệt chứng pháp giới tạng, nương đại bi nguyện lực, hiện khắp các sắc tướng, tầm thanh cứu khổ, tùy theo lòng cảm mà ứng hiện trọn khắp. Như vầng trăng giữa trời, vạn con sông đều in bóng. Ấy là vì tâm chúng sanh và [tâm] Bồ Tát không hai. Do vì trái nghịch giác nên bèn thành khác biệt. Đã gặp phải các tai nạn, bèn ngưỡng cầu Ngài rủ lòng cứu giúp. Ngay trong tâm niệm ấy liền khế hợp nguồn Chân Giác. Vì thế, vừa khởi lên một niệm, niệm danh hiệu Bồ Tát thì liền ngay trong niệm ấy được cứu khỏi tai nạn, hình phạt.

Trên núi Linh Thứu, đức Thế Tôn rộng nói kinh Pháp Hoa. Vô Tận Ý Bồ Tát cung kính gạn hỏi ý nghĩa danh hiệu [đức Quán Thế Âm], đức Thế Tôn bèn lược nói chuyện hiện thân cứu khổ. Nêu lên một hạt bụi trong đại địa, lược giảng chút phần ý nghĩa. Do vậy, các chúng sanh đều có được chỗ nương tựa. Như trời đất che chở, như cha mẹ nuôi nấng. Xưa có một vị thiện sĩ, muốn rộng nêu lòng từ của Bồ Tát bèn nghiền vàng để chép phẩm Phổ Môn cũng như vẽ nghi dung cứu khổ. Niên đại đã lâu xa, may vẫn thường giữ được. Do vậy, đến khi ông Ngô Điệp Khanh đích thân được nhận lãnh, muốn khơi gợi niềm chánh tín cho người khác bèn xin tôi viết mấy lời, nguyện cho chúng sanh khắp pháp giới đều cùng chứng lý Thật Tướng. Thế nên, tôi quên mình hèn tệ, nêu bày đại lược các nhân duyên, mong sao người thấy kẻ nghe đều lên được trời Đệ Nhất Nghĩa.



VIII. Phụ Lục

1. Bài ký về chuyện Quán Âm Bồ Tát ứng tích tại chùa Viên Quang, Nam Ngũ Đài Sơn

(núi này cách tỉnh thành Thiểm Tây bảy mươi dặm)



Bài ký về sự thị hiện ứng tích văn từ điển nhã, tường thuật sự việc tinh tường. Tiếc rằng diệu lực vô tác chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát còn chưa được phát huy. Lượng tôi chẳng nề kém tệ, gượng soạn một bài tán để đặt ở trước, mong sao sự lý viên dung, Thể lẫn Dụng cùng được nêu tỏ. Nguyên do chúng sanh có thể cảm, nguyên do thánh có thể ứng đều được nêu bày, ngõ hầu người sau đọc đến liền phát Bồ Đề tâm, thấy người hiền mong được bằng, lấy tâm đức Quán Âm làm tâm mình, lấy việc của ngài Quán Âm làm việc của mình, để rồi cũng là đức Quán Âm trong đời vị lai. Tuy văn từ chẳng bóng bảy, trang nhã, nhưng ý nghĩa cũng đáng chấp nhận được. Tán rằng:

Quán Âm đại sĩ trong vô lượng kiếp, thành Phật đã lâu. Vì độ chúng sanh chẳng lìa Tịch Quang, hiện thân Bồ Tát. Lại còn ứng khắp quần cơ, hiện hình trong lục đạo. Dùng ba mươi hai ứng thân, mười bốn vô úy, bốn vô tác diệu lực chẳng thể nghĩ bàn, tầm thanh cứu khổ, độ thoát quần manh. Nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Khác nào trăng in bóng trên ngàn con sông, mùa Xuân tăng trưởng muôn cây cỏ. Tuy trọn chẳng tính nghĩ, nhưng chẳng sai sót mảy may. Ấy là vì triệt chứng duy tâm, tỏ trọn tự tánh. Vận lòng Bi đồng thể, khởi lòng Từ vô duyên, lấy niệm của chúng sanh làm tâm, lấy hết cảnh trong pháp giới làm lượng. Do vậy biết vô tận pháp giới vô lượng chúng sanh đều ở trong tâm tịch chiếu của Bồ Tát. Cho nên được mây bủa cửa Từ, sóng trào biển Bi, hễ cảm liền ứng, không nguyện nào chẳng thỏa!

(Thích Thánh Lượng đảnh lễ kính cẩn viết. Từ đây trở đi là phần ký về sự thị hiện ứng tích)



Hang Đại Sơn Nham là chỗ rồng rắn ở, lâu năm biến thành yêu tinh, mặc tình gieo hung tác nghiệt, ăn nuốt không ngừng, gây họa lây cho dân chúng, biến ra hình thù quái dị bay lên, không ai chế ngự nổi. Nếu không phải bậc ứng thân đại sĩ ai có thể cứu tế cho được! Vòi vọi thay diệu trí thần lực chẳng thể nghĩ bàn! Nhưng trong cảnh chẳng nghĩ bàn, gượng dùng văn từ để ghi chép, thuật lại sự tích ngõ hầu gây lòng tin sâu xa cho những bậc quân tử cả ngàn năm sau. Xưa kia, vào thời Tùy, trong niên hiệu Nhân Thọ (601-604), núi này có độc long. Do nó có sức thần thông tạo bởi nghiệp lực, nên biến hình thành người mặc áo lông (đạo sĩ), cầm đan dược đi bán ở Trường An, trá xưng tiên thuật để lừa kẻ ngu tục, bảo thuốc ấy linh lắm, uống vào lập tức bay lên trời. Ô hô! Người dân vô tri nhẹ dạ tin lời ấy, phàm kẻ uống thuốc ấy bay lên trời không biết là bao nhiêu! Nào có biết sẽ bị rớt xuống sào huyệt của đạo sĩ ấy để thỏa bụng miệng hắn?

Dân cư một phương vẫn mê chẳng ngộ, chỉ có đức Đại Sĩ ta do sức bi nguyện, hiện thân tỳ-kheo, kết cỏ làm am, sống trên đảnh núi ấy, dùng sức diệu trí hàng phục yêu quái thần thông ấy, dùng gió thanh tịnh trừ khử nhiệt não cho nó. Ý niệm từ bi thấm đến, độc khí ngầm tiêu, rồng được thanh lương ở yên trong hang núi. Dân chúng nhờ đức ấy đều giữ được mạng sống. Chuyện quái dị xưa kia chẳng còn thấy nữa. Do vậy, sự thi ân linh ứng ấy thấu đến triều đình. Vì Sư có công đối với đất nước, có ân đối với dân nên lập chùa trên đảnh núi để đáp tạ. Đại Sĩ dùng gió từ, mưa pháp cứu khắp hàm linh, huệ nhật sáng ngời thanh tịnh, phá các tối tăm. Do vậy, người quyền quý[35] ngưỡng mộ, kẻ bình dân khâm phục phong cách, cắt lưới ái để quy chân, bỏ trâm anh để nhập đạo. Đại Sĩ thường ngồi trên tảng đá, vượn núi, thú hoang quây quần bên tòa, trăm loài chim tụ họp đông nghịt, đậu lặng lẽ như đang nghe pháp âm, một lúc lâu sau mới bay đi.

Ô hô! Dựng chùa vừa được một năm thì vào ngày Mười Chín tháng Sáu, Đại Sĩ đột nhiên thị hiện vô thường, điềm nhiên nhập diệt. Mùi hương lạ ngập thất, sương sầu phủ kín trời, chim thú kêu ai oán, núi rừng đổi sắc. Lúc đó, mọi người trong chùa nghe triều đình sai sứ đem hương ban xuống, phụng chỉ phúng điếu, phong tặng để đề cao phước ngầm. Lúc làm lễ trà-tỳ[36], trời đất tối tăm, trong khoảnh khắc ấy, [nơi ấy] hóa thành cõi bạc, chợt nghe trên không trung vang lên tiếng tiêu, tiếng trống, núi non lay động, mây lành phủ trùm, hương lạ ngào ngạt. Từ trên ngọn núi phía Đông chợt hiện ra cái cầu vàng, trên cầu thiên chúng đứng thành hàng, ai nấy cầm tràng phan và rải hoa vàng phơi phới chẳng rơi xuống đất. Cuối cùng trên ngọn Nam Đài, trăm thứ báu chói ngời, nhiều không biết xuể, xông lên tận trời không ngằn mé! Trong đó, [Bồ Tát] hiện tướng tự tại đoan nghiêm, từ dung vĩ đại, rực rỡ, anh lạc, thù y[37], gió trời hiu hiu, sáng ngời trước mắt. Khi ấy, hai chúng Tăng - Tục một ngàn một trăm mấy mươi người đều thấy dung nghi thật sự, buồn vui lẫn lộn, không ai chẳng khóc lóc chiêm lễ, quy y, xưng danh hết sức cung kính. Lúc ấy mới biết là Quán Âm Đại Sĩ thị hiện ứng tích vậy! Thanh khí, dị hương đọng lại cả tháng.

Quan Tả Bộc Xạ[38] là ông Cao tấu trình đầy đủ sự việc. Hoàng thượng xem tờ biểu, than thở hồi lâu, thâu thập di cốt lập tháp, đích thân viết biển đề, ban hiệu là Quán Âm Đài Tự, ban tặng ruộng đất rừng núi mỗi chiều rộng trăm dặm. Mỗi năm ban ngự hương để chư Tăng làm lễ cúng tôn sùng pháp hóa rộng lớn. Đến năm Đại Lịch thứ sáu (771) đời Đường, đổi tên chùa thành Nam Ngũ Đài Sơn Thánh Thọ Tự. Thời Ngũ Đại, chiến tranh liên miên, điện vũ thuộc các đài đều bị thiêu hủy, chỉ còn tàn tăng, nhà nát ở lẫn cùng gỗ đá. Đến mùa Hạ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ ba (978) đời Tống, trước sau sáu lần hiện những điềm lành như mây lành có hình tròn năm màu. Vị Tăng chủ trì là Hoài Vĩ tường trình đầy đủ lên quan Phủ Doãn, được quan tâu lên triều đình. Triều đình bèn sắc tứ bảng vàng, đề là Ngũ Đài Sơn Viên Quang Tự. Do vậy, tu sửa, xây thêm điện báu, đắp vẽ tượng Bồ Tát. Ráng khói hương cùng vàng, ngọc đua sáng; điệu mõ cùng tiếng gió thổi qua rặng tùng cùng diễn nhiệm mầu. Nhà cửa trong các đài trên dưới đều xây dựng mới, trụ trì tiếp nối hương đèn chẳng dứt. Từ quang chiếu sáng, đá ươm mây lành, mưa pháp thấm đẫm, nước thành cam lộ.

Cách mấy trăm bước về phía Nam của Đài, có một thạch tuyền, chảy vào một cái ao hình vuông, sắc vị ngọt sạch, trừ được nhiệt não, làm tươi nhuận sự khô kháo. Mở rộng ra thời tràn ngập sa giới (các cõi nước nhiều như cát), thâu hẹp lại thì ao đá lặng trong. Có lúc hạn hán gắt gao, người nghênh thỉnh đứng nối tiếp nhau bên đường, đều được cảm ứng như lòng mong, châu quận đều ghi rõ [chuyện này] trong sách vở. Hữu tình được hưởng phước, cây cỏ đượm ân. Từ xưa đến nay, tiếng tăm chẳng mất. Ôi! Đại Thánh dùng sức bi nguyện phước phủ một phương, mà dân một phương ấy cũng chẳng quên ân phước từ bi. Mỗi dịp Thanh Minh và nhằm ngày kỵ vào mùa Hạ, chẳng ngại xa xôi trăm dặm, trèo leo khó khăn, hiểm trở, đều mang tấm lòng thanh tịnh noi dấu chân lên đến nơi, nào phải chỉ trăm ngàn vạn? Dìu già, dắt trẻ, đông nghịt đường nẻo, kéo dài hơn cả tháng. Ai nấy đều dùng hương hoa, âm nhạc, lọng lụa, tràng phan, vật dụng cần dùng để cúng dường. Rồi đầu mặt đảnh lễ, hết sức cung kính chiêm ngưỡng hình tượng, đi nhiễu, tán thán, không ai chẳng gột tội, được phước, trừ chướng, đượm ân, nào uổng công bôn ba leo trèo. Vị Tăng trong chùa là Pháp Nhẫn lo rằng năm tháng đã lâu, dấu thiêng bị chìm mất, nên đem các tấm bia hư vỡ nhờ ghi chép lại, Phổ Minh cố từ tạ nhưng chẳng được, thật xấu hổ chẳng phải là tay văn tài. Nếu gặp được bậc hiền sĩ sửa đổi cho đúng, chẳng hợp lẽ hơn ư?

Thái Bạch Sơn Thích Phổ Minh kính cẩn soạn vào ngày Rằm tháng Giêng năm Chí Nguyên thứ bảy (1270) tức năm Canh Ngọ. Nhật Đô viện chủ Thích Trừng Uyên lập bia.

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang17.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Về Niệm Phật Tam Muội

2. Ghi lại lời sờ voi (nói mò) về Niệm Phật Tam Muội

(nguyên cảo của sư Liễu Dư đã bị lược bớt do Phật Học Tùng Báo bỏ lầm mấy câu, vì thế sao lục nguyên văn)



Năm Bính Ngọ tôi yểm quan tại chùa Bảo Khánh ở Từ Khê[39], tạ tuyệt duyên đời, tu tập Tịnh nghiệp. Gặp đúng dịp vị chủ giảng trong chùa là pháp sư Đế Nhàn giảng Di Đà Sớ Sao gần chỗ bế quan. Tôi bèn bắt chước chuyện Khuông Xung khoét vách[40] khi xưa, đục một lỗ nhỏ nơi vách phòng bế quan, chẳng lìa đương xứ thường dự giảng tòa. Từ đấy niệm Phật càng cảm thấy thân thiết. Phật hiệu vừa khởi lên vọng niệm hoàn toàn tiêu, khắp thân mát mẻ, trong lòng cảm thấy vui sướng, khác nào cam lộ rưới đảnh, đề hồ thấm tâm. Sự vui sướng ấy không gì sánh ví được! Một ngày nọ có khách đến quan phòng hỏi:

- Tôi đã tu trì pháp Niệm Phật hơn hai mươi năm, đối với việc sanh lòng tin phát nguyện tu trì, không gì không chân thành, thiết tha, nhưng nghiệp sâu chướng nặng, rốt cuộc vẫn chưa thể đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn. Trộm xét căn tánh tôi chỉ đáng đới nghiệp vãng sanh, tuy trong đời này pháp Niệm Phật Tam Muội tôi không dám mong mỏi, nhưng pháp nào có thể đạt được, tướng nào sẽ đạt được [nơi tam-muội ấy] xin thầy hãy vì tôi mà dạy cho!

Tôi nói:

- Cảnh tướng của tam-muội chỉ có chứng mới hiểu rốt ráo được, như người uống nước, nóng - lạnh tự biết. Tôi đã chưa chứng làm sao tuyên nói được?

Khách cố kèo nài chẳng thôi, tôi nói:

- Nếu luận về pháp thì phải trong lúc đang niệm Phật, liền xoay trở lại quán niệm ấy, chuyên chú một cảnh, đừng để rong ruổi theo bên ngoài. Niệm niệm chiếu soi nguồn tâm, tâm tâm khế hợp Phật thể. Quay trở lại niệm nơi cái niệm của chính mình, quay trở lại quán chính sự quán của mình. Hễ niệm liền quán, hễ quán liền niệm, sao cho toàn bộ Niệm chính là Quán, ngoài Niệm không có Quán; toàn bộ Quán chính là Niệm, ngoài Quán không có Niệm. Quán và Niệm tuy giống như nước với sữa, vẫn chưa đạt đến cội nguồn. Phải hướng về một niệm “nam mô A Di Đà Phật” mà thể cứu (suy xét cho thấu hiểu) từng tầng một, khăng khắng chăm chú hướng đến. Càng thể cứu càng tha thiết, càng hướng đến càng thân thiết, cho đến khi lực cực công thuần, đột nhiên niệm rớt mất, chứng nhập cảnh giới “không niệm - không chẳng niệm”. Như câu nói: “Linh quang riêng chiếu, thoát khỏi căn trần, thể lộ chân thường, chẳng chấp vào văn tự. Tâm tánh vô nhiễm, vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng niệm chính là Như Như Phật” chính là nói về ý này vậy!

Công phu đến mức này là đắc pháp Niệm Phật, cảm ứng đạo giao rất dễ đắc lực. Tướng ấy giống như mây tan giữa hư không, bầu trời xanh lộ ra hoàn toàn, đích thân thấy được bản lai vốn không có gì để thấy được. Vô kiến chính là chân kiến, hữu kiến là đọa vào trần. Đến mức độ này thì sắc núi, tiếng suối đều là Đệ Nhất Nghĩa Đế, quạ kêu sẻ hót không gì chẳng phải tối thượng chân thừa, sống động hoạt bát nơi các pháp, chẳng trụ một pháp nào. Ánh sáng rực rỡ chiếu ngời các cảnh, nhưng trọn chẳng có một vật nào. Nói đến Dụng của nó thì như mặt trời buổi mai mọc lên từ phía Đông, tròn trịa chiếu sáng ngời. Nói đến Thể thì như vầng trăng rạng rỡ lặn bên phía Tây, thanh tịnh tịch diệt, vừa chiếu vừa tịch, vừa tịch vừa chiếu, cùng tồn tại, cùng biến mất, dứt bặt đối đãi một cách viên dung. Ví như tuyết phủ ngàn quả núi, biển dung nạp muôn mạch nước, chỉ là một sắc, trọn chẳng có vị gì khác. Không vướng mắc, tự tại, tự như. Luận về lợi ích thì hiện tại tuy chưa lìa Sa Bà, đã thường dự hải hội; lâm chung lên ngay thượng phẩm, đốn chứng Phật thừa. Chỉ có người trong nhà mới biết được chuyện trong nhà, [đem ra] nói với kẻ ở ngoài cửa chắc chắn sẽ bị báng bổ, đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

Lại hỏi:

- Con người trong sanh hoạt thường nhật thường gặp đủ mọi duyên, làm sao có thể “lọt vào mắt là Bồ Đề, chuyện gì cũng là đạo được?”

Đáp:

- Tâm sanh thì đủ mọi pháp sanh. Tâm diệt thì mọi thứ pháp diệt. Vạn cảnh chẳng ngoài một tâm, một tâm dung thông vạn cảnh. Nếu hiểu rõ tâm thể vốn không, nào ngại bao trùm vạn tượng? Phải biết vạn tượng như huyễn, sanh diệt chỉ là một tâm; các duyên không trói buộc, vốn tự giải thoát. Sáu trần không ác, vẫn đồng Chánh Giác. Tâm và cảnh như một, nào có vướng mắc? Chẳng thấy Sự Sự vô ngại pháp giới trong kinh Hoa Nghiêm đó sao? Nói: “Hết thảy các cõi nước trong mỗi một trần, hết thảy tâm trong mỗi một tâm. Trong mỗi một tâm, một trần, lại lần lượt có đủ lẫn nhau, trùng trùng vô tận không chướng ngại. Vì vậy, khí giới[41], sợi lông, hạt bụi, đài mây, lưới báu đều tuyên biển tánh, đều diễn chân thừa. Theo chiều dọc cùng tột ba đời, theo chiều ngang trọn khắp mười phương. Tìm một chỗ chừng bằng đầu sợi lông không phải là đạo cũng không thể được! Vì vậy, pháp gì, chuyện gì không gì không phải là đại tịch diệt trường. Tâm tâm niệm niệm đều khế hợp biển Tát Bà Nhã (Nhất Thiết Trí). Duy tâm diệu cảnh, duy cảnh diệu tâm, lìa tứ cú, tuyệt bách phi, dứt bặt đối đãi một cách viên dung, làm sao có thể nghĩ bàn cho được?” Những điều vừa nói trên đây như người mù sờ voi, tuy chẳng lìa voi, chỉ sợ chẳng phải là toàn thể con voi! Ghi lại để dâng cho các vị xem xét.



3. Khuyên thiêu hủy dâm thư

(Cư sĩ Trương Thụy Tăng ở Duy Dương cho khắc lại sách Cách Ngôn Liên Bích, nhờ Quang giảo đính. Do nguyên văn sách ấy chất phác, sơ lược, rất khó gây cảm động lòng người, nên bèn sửa chữa cho văn lẫn nghĩa đều suông sẻ, thông suốt. Cư sĩ muốn lưu truyền rộng rãi, khuyên Quang nên đăng kèm vào bộ Văn Sao; do vậy bèn lược thuật duyên khởi để khắc thêm vào phần Phụ Lục, mong người đọc chẳng thấy tôi ăn theo sự tốt đẹp của người khác mà chê cười.

Thích Ấn Quang ghi)



Sau thời Tam Đại[42], cõi đời lắm tà kiến, nhưng loại tà kiến gây hại cho thế đạo nhân tâm nhất thì không gì bằng tiểu thuyết dâm từ. Bởi lẽ kinh truyện của thánh hiền chỉ sợ chẳng thể làm cho sự ngu mê của thiên hạ được tỉnh giác, nhưng tiểu thuyết dâm từ lại chỉ sợ không thể phá hoại được liêm sỉ của dân chúng. Vì vậy, tiểu thuyết ra đời thì phong hóa dâm ô liền mạnh mẽ. Hễ dâm từ hưng thịnh thì trinh đức bị suy. Dẫu không có tâm thẹn ghét, há bằng lòng làm chuyện cầm thú, nhưng nếu con em thông minh, phụ nữ linh mẫn một phen xem đến những sách ấy sẽ đều bị mê hoặc. Thoạt đầu thì thấy từ chương bóng bẩy, cho là hay khéo, kế đến là tâm tình bị chuyển biến theo văn chương, chẳng tự chống chọi được, đến nỗi rốt cuộc cam lòng đem cái thân “mong thành thánh thành hiền, yên nhà yên nước” để khoét ngạch, vượt tường, cắp hương, trộm ngọc, hoàn toàn chẳng hề tiếc nuối, đều là vì bị những tà thư làm mê hoặc vậy. Chất độc của những sách ấy còn quá mứt ướp phê sương[43], hãm người còn thảm hơn hầm sâu tuyết phủ, khiến cho con người diệt lý, loạn luân, giảm phước, tổn thọ, tan nhà, diệt thân, ô nhục tổ tiên, tuyệt tự. Đến khi chết đi, thần thức còn bị đọa trong địa ngục, chịu các sự khổ cùng cực trải kiếp dài lâu, không do đâu được thoát ra. Chẳng đáng buồn ư?

Phàm những ai viết các sách ấy và kẻ buôn bán những sách ấy, tội còn nặng hơn tội đứng đầu bè lũ phản nghịch, cầm đầu loạn tặc, ắt bị phép nước tru lục, luật trời chẳng tha! Kính khuyên những vị danh tiếng vĩ nhân đang nắm quyền và hết thảy những bậc nhân từ quân tử có tâm lo cho thế đạo, phàm trông thấy những kẻ như vậy đều tận tụy khuyên họ nên đổi nghề, phàm thấy những sách ấy và những ván khắc [sách ấy] đều sốt sắng khuyên thiêu hủy sạch hết đi. Hễ có sức thì tự mình đảm nhiệm, nếu không có sức thì khuyên nhiều người cùng làm. Lại mong lần lượt chỉ dạy lẫn nhau, khiến cho ai nấy đều bắt chước theo, ngõ hầu thế gian vĩnh viễn không còn có những sách ấy nữa, nhân dân đều đôn đốc giữ vẹn luân thường mới thôi! Ắt sẽ thấy Phật, trời che chở như mây nhóm, tai chướng băng tiêu, thân tâm yên vui, cửa nhà được hưởng tốt lành giàu, sang, mạnh khỏe, bình yên, thân hiện đời hưởng ngũ phước như Cơ Tử đã nêu [trong thiên sách Hồng Phạm], tước vị tăng cao, hậu duệ được hưởng trăm điều lành như [đã nói] trong bài Y Huấn[44]. Riêng đem bốn điều hại của việc cất chứa những tiểu thuyết và mười cách thiêu hủy dâm thư ghi tường tận ở phần sau, mong sao những người có tâm cho lo thế đạo nhận lấy hành theo (Bốn điều hại, mười cách [thiêu hủy] xin xem trong Cách Ngôn Liên Bích).

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang17.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên