Hoa Sen - Biểu tượng sức sống mãnh liệt Dân tộc Việt

Bạch Vân Nhi

Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (thán
Phật tử
Tham gia
27 Tháng 5 2009
Bài viết
2,518
Điểm tương tác
888
Điểm
113
Địa chỉ
CANADA
[NEN="http://trungtamtutam.com/diendantuthien/picture.php?albumid=21&pictureid=3257"]
Hoa Sen - Biểu tượng sức sống mãnh liệt Dân tộc Việt

picture.php

Chỉ duy nhất loài Sen mới hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học - nhân sinh cao quý, là ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt.
hoasen090_jpg.jpg
Chỉ duy nhất loài Sen mới hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học - nhân sinh cao quý, là ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt.

Biểu tượng cao quý của phẩm cách
Đạo Phật lấy hoa Sen làm Phật đài. Vì sao bông hoa sen sinh trưởng trong ao hồ bùn nước kia lại được xem làm một biểu tượng linh thiêng, cao quý nhường ấy?
Trong muôn vàn các loài hoa với bao hương sắc lộng lẫy, quyến rũ và sự thực, nếu chỉ xét theo cái nhìn thông thường thì có không ít loài hoa thơm hơn sen về hương, đẹp hơn Sen về sắc. Tuy vậy chỉ duy nhất loài Sen mới hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học - nhân sinh cao quý, là ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt.
Sen bắt đầu ủ mầm trong bùn đất, mà là ở vị trí cực cách bức, tối khuất, nhơ bẩn và từ vị trí đó Sen nở mầm kiên nhẫn vươn lên.
Phật giáo lấy hoa Sen làm Phật đài, biểu tượng tinh thần về 5 điều cơ bản.
1) Tính vô nhiễm: Sen mọc lên từ chốn tối tăm bùn lầy hôi tanh mà Sen không bị vương bẩn.
2) Tính thanh lọc: Khi cây Sen lớn lên, sinh sôi nẩy nở thì sẽ làm cho dòng nước nơi đó trở nên trong mát.
3) Tính thuỳ mị của mùi hương: Hương sen toả lên một mùi thơm thanh khiết, không quá nồng nàn, ngào ngạt.
4) Tính thuần khiết: Bông hoa Sen từ khi nở tới lúc tàn không hề bị một loài ong bướm nào tới đậu lấy nhụy.
5) Tính kiên nhẫn: Cây Sen từ lúc nẩy mầm trong bùn đất, ở đáy nước cho tới lúc vươn lên trên mặt nước rồi xoè lá, trổ hoa là cả một quá trình sinh trưởng kiên nhẫn lớn lao.
Trong thế giới thảo mộc, các loài hoa không có loài nào phải chịu đựng sự gian khó của hoàn cảnh sống đến vậy. Và ở điểm này Sen còn hàm chứa ý nghĩa tốt đẹp, là sinh trưởng trong bùn tối nên sen đã tránh không phải cạnh tranh vị trí sống với loại cây nào.
Ngoài năm lẽ cơ bản về phẩm chất - tinh thần sống trên, Sen còn có thêm những giá trị cao quý vô lường khác. Như hạt Sen có thể cất giữ hàng trăm năm khi gieo vẫn nẩy mầm như thường. Và đời sống của Sen còn thể hiện nên 3 tầng sống riêng biệt, là trong bùn tối; vươn lên khoảng trong sạch là dòng nước; rồi cuối cùng vươn lên khoảng hư không, lên với bầu khí quyển và vầng mặt trời. Quan niệm nhà Phật xem đó như biểu trưng cho 3 tầng sống là cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Cây Sen trải qua 3 tầng sống đó khi nở hoa xem như sư đạt ngộ, giải thoát...

picture.php


Thêm nữa, hoa Sen trong Phật học còn mang nhiều lớp nghĩa khác. Như kiết già, ngồi phỏng theo thế bông sen gọi là Liên hoa toạ. Khi hai tay chắp lại làm lễ Phật, phỏng theo hình búp Sen thì gọi là Liên hoa hợp chứng. Và hai bàn tay chắp lại là biểu hiện của Lý và Trí. Năm ngón tay trái là ngũ trí - Thai tạng giới, năm ngón tay phải là ngũ trí - Kim cương giới. Mười ngón tay chắp lại thành Thập độ, hay còn gọi là Thập pháp giới.
Về Thập pháp lại chia ra năm phàm và năm thánh. Tay trái thuộc phàm là Địa ngục, Ngũ quỷ, Súc sinh, Nhân và Thiện. Tay phải thuộc thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Quyền Phật và Thiện Phật... lại thêm những nghĩa, 4 chữ Vi, 12 chữ Diệu, 2 chữ Hương, 3 chữ Khiết v.v... Hay như câu chân ngôn "Án - ma - ni bát mê hồng", tạm dịch ra tiếng Việt là "Ôi! Chân linh trong Hoa sen", một câu chân ngôn được xem có huyền lực vô biên của pháp Phật.
Còn nhiều ý nghĩa khác của Sen trong Phật học. Quả không gì quý và lạ bằng Sen.
Ngoài Phật học, Sen còn mang giá trị triết học về âm dương ngũ hành và đây cũng là một cơ sở Phật học dụng nghĩa cho Phật đài - Yên hoa tạng thế giới.
Về ngũ hành, cây Sen thuộc hành mộc. Để vươn lên mặt ao hồ Sen phải vượt qua tầng nước sâu, nước là hành thuỷ. Bông hoa Sen màu hồng, màu thuộc hành hoả. Nhụy Sen màu vàng, màu thuộc hành thổ. Và ngó Sen màu trắng, màu thuộc hành kim. Ngũ hành - năm hợp chất quan trọng, có thể gọi đó là bản thể của thế gian này.
Ngoài ngũ hành, giá trị của hoa sen cũng phải kể tới hương thơm. Có thể tính làm phần giá trị thứ sáu. Số 6 này xem như phần "linh" của đời sống. Nó vô hình, vô sắc nhưng lại hữu linh.
Về âm - dương, từ phần gốc, thân Sen chìm trong nước, trong tối khuất, thuộc âm, phần lá và hoa nở trên mặt nước, khoe hình sắc dưới ánh mặt trời là thuộc dương.
picture.php


Loài hoa nhân sinh
Về ý nghĩa nhân sinh, nhân chủng và xã hội học. Tôi nghĩ, trong thế giới cơ bản cũng có năm loại người.
Loại người thứ nhất thân phận cũng giống như gốc rễ của cây Sen. Sống chìm khuất sâu trong bùn đất, chịu cách bức giữa nước với bầu khí quyển, mặt trời phía trên cao. Ấy là thân phận đại đa số con người lao động lam lũ, khổ nghèo. Dù phần "gốc rễ" mang giá trị nền tảng vô cùng quan trọng của kiếp nhân sinh đi chăng nữa, nhưng tầng lớp người lao động này do thiếu tri thức và những phương tiện, kỹ năng sống trong đời sống xã hội nên họ khó có thể vươn lên các tầng nổi - mặt trên của đời sống được.
Tầng sống thứ hai, ứng với phần thân sen, phần đó vươn lên trên bề mặt bùn đất để có sức tạo hình dáng và có thể "đung đưa" mình trong khoảng nước trong mát, ấy là lớp người, có thể nói, đã có kiến thức, kỹ năng sống nhất định và đã ít nhiều tạo được tiếng nói riêng. Có thể ví với lớp người đó có học thức nhất định. Tuy vậy ở tầng sống này vẫn còn nhiều hạn chế về tri thức, môi trường ví như thân Sen còn ngâm trong nước chịu bám bíu với những rong rêu, đục bẩn.
Tầng sống thứ ba, ứng với lá Sen. Ở tầng sống này là lớp người đó trang bị cho mình kiến thức đời sống đáng kể đủ sức vươn lên với một không gian sống cao rộng, với ánh sáng ấm nóng mặt trời, có thế giới quan, có tầm nhìn bao quát, chiêm nghiệm và gây được tầm ảnh hưởng của mình với đời sống xã hội. Ấy là tầng lớp trí thức bậc trung.
Tầng sống thứ tư, tầng sống ứng với bông hoa Sen. Với tầng sống này hẳn thuộc về lớp người có thể toả hương, phát sắc đời sống không chỉ cho ý nghĩa cá nhân họ mà họ đó là đài hương sắc của đời sống, có thể nói tiếng nói về giá trị cuộc đời này. Ấy là lớp trí thức cao cấp. Sức ảnh hưởng, chi phối đời sống xã hội - thời đại của lớp người này có tính quyết định. Bởi họ là đại diện không thể thay thế của giá trị xã hội, thời đại họ.
Cũng như cây Sen, tất yếu giá trị cao nhất của nó là hoa Sen. Tầng sống tối cao, tầng thứ năm của cuộc sống, ứng với phần nhụy Sen. Phần sống này ứng với hạng trí thức lớn, các danh nhân, các lãnh tụ tinh thần và xã hội. Tầng sống trung tâm này vừa ngự ở vị trí trung ương mà "toả hương", kết hạt đời sống và sâu sắc, vừa mang vẻ vàng rực rỡ tựa phần ánh tinh tuý, dịu dàng nhất của hào quang mặt trời vừa giữ nguyên đấy màu sắc vàng nguyên khôi của thổ - phần sống gốc rễ của sen bám vào để sinh trưởng. Quả là một vị trí trung tâm với đầy đủ phẩm chất xứng đáng nhất trong sức ôm trùm từ gốc rễ tới đỉnh ngọn.
Và cũng như cách tính ngũ hành, ở cách tính phân loại này cũng có con số 6, con số hợp với điều linh, vô hình, vô sắc. Ấy là phần "linh" ứng với một hạng người đặc biệt, hạng thánh nhân. Hạng người này dù khi đã khuất hình và sắc vào thiên thu nhưng phần sống hoá linh từ phẩm chất tinh thần, tâm hồn họ thì mãi mãi ngự trị trong lòng người hậu thế. Như Đức Phật, Chúa Jêsu, Đức Thánh Trần hay các bậc vĩ nhân về văn hoá v.v...
picture.php

Cây Sen trong khoa Đông y còn dùng làm một cây thuốc quý với cách phân loại ra tám vị thuốc:
1) Ngó Sen là vị liên ngẫu.
2) Thân Sen là vị liên chi.
3) Lá Sen là vị liên diệc.
4) Hoa Sen là vị liên hoa.
5) Tua Sen là vị liên tu.
6) Đài Sen là liên phòng.
7) Hạt Sen là vị liên nhục.
8) Giữa hạt Sen là vị liên tâm.
Âm dương, ngũ hành, tám vị thuốc quý hay lục chất (số 6), năm, sáu hạng người hay điều 6 linh thiêng trong cách ứng dụng với đài hoa Sen - Phật đài là một bản trùng phức, tương giao như có ý của tạo hoá mầu nhiệm tạo thành. Hoa Sen - một loài hoa có một không hai, vô cùng quý giá của thế gian này. Ôi, chân linh trong hoa Sen!
Và khi nghĩ về hoa Sen, người viết bài này nghĩ đến dân tộc mình - dân tộc Việt, một dân tộc luôn biết hướng thiện, hướng tới những giá trị tinh thần cao quý, làm nên cốt cách văn hóa chính mình.
Hoa Sen - quả xứng đáng là quốc hoa, là biểu tượng của các loài hoa ở Việt Nam.

picture.php


Theo: tuanvietnam.net


[/NEN]
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bạch Vân Nhi

Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (thán
Phật tử
Tham gia
27 Tháng 5 2009
Bài viết
2,518
Điểm tương tác
888
Điểm
113
Địa chỉ
CANADA
"Hoa Sen phù hợp các tiêu chí của Quốc hoa VN"

[NEN="http://trungtamtutam.com/diendantuthien/picture.php?albumid=21&pictureid=3255"]
"Hoa Sen phù hợp các tiêu chí của Quốc hoa VN"

" Tôi biết Ấn Độ, Sri Lanka đã chọn hoa sen trắng làm quốc hoa thì Việt Nam có thể chọn hoa sen hồng. Loài hoa này có nhiều điểm phù hợp với tiêu chí chúng tôi đưa ra", ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm trao đổi với phóng viên ngày 20/1.
- Thưa ông, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã đưa ra những tiêu chí nào để lựa chọn quốc hoa?
- Chúng tôi đưa ra 6 tiêu chí như có nguồn gốc, hoặc trồng lâu đời ở Việt Nam, được phát triển ở nhiều vùng đất nước; thể hiện được bản sắc, văn hoá, cốt cách tinh thần dân tộc; hoa bền đẹp, có hương thơm; được sử dụng nhiều trong văn học nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc và có giá trị sử dụng cao. Ngoài ra đó phải là loài hoa được nhiều người yêu thích, sử dụng và tôn vinh.
1_13_jpg.jpg


Hoa Sen được nhiều người bầu chọn là Quốc hoa VN.
Trong đề án quốc hoa chỉ đưa ra mục đích ý nghĩa yêu cầu, tiêu chí, không đề xuất loại hoa cụ thể. Song khi đưa ra hội thảo, đã có nhiều ý kiến đề xuất quốc hoa là hoa sen Việt Nam. Kết quả bầu chọn trên mạng thì có khoảng 40% số người chọn hoa sen, được cao phiếu nhất. Tại triển lãm ở Vân Hồ sắp tới, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có ý đề cử nhấn vào hoa Sen theo căn cứ kết quả bầu chọn trên mạng, bên cạnh trưng bày nhiều loại hoa khác.

- Ông nhìn nhận thế nào nếu hoa Sen được chọn là quốc hoa?
- Nếu phân tích ra thì hoa Sen có nhiều điểm phù hợp tiêu chí, như Việt Nam có nền nông nghiệp lúa nước, hoa Sen là loài đại diện cho văn minh lúa nước, sống ở hồ ao sông ngòi. Về mặt hình thức nghệ thuật thì Sen hồng rất đẹp về màu sắc, tạo hình, kể cả nụ, lá, đài Sen. Loài hoa này cũng thể hiện cốt cách, tinh thần của người Việt Nam từ bùn đen trỗi dậy mà vẫn thanh cao, tươi tắn. Từ xưa cha ông ta đã tôn vinh loài hoa Sen, từ cột trụ, đài hoa trong các chùa.
- Hoa Sen đã được một số quốc gia lựa chọn là quốc hoa, ông nghĩ sao nếu quốc hoa của Việt Nam bị trùng lặp?
- Trùng lặp không sao hết. Tôi biết Ấn Độ, Sri Lanka đã chọn hoa Sen trắng làm quốc hoa thì Việt Nam có thể chọn hoa Sen hồng. Tôi nghĩ đến một lý do khác biệt với các nước khác là hoa Sen gắn vị lãnh tụ của riêng Việt Nam. Đó là câu thơ nổi tiếng mà ai cũng biết: "Tháp Mười đẹp nhất bông Sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".

- Nhiều ý kiến cho rằng hoa Sen không được người dân miền Nam ưa chuộng, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi được biết nhiều người bình chọn cho hoa mai là ở miền Nam. Cũng có một số người phía Bắc bầu chọn cho hoa Mai, nhất là những người kinh doanh thực phẩm, hoa và cây cảnh, vì họ cho rằng hoa Mai dễ phát triển hơn, thậm chí có thể phát triển thành ngành kinh tế. Song theo dư luận chung thì tỷ lệ đó không nhiều.
Với các loài hoa đào, hoa mai chỉ đẹp vào mùa xuân, các mùa khác không có. Về lợi ích kinh tế có thể hơn song tôi nghĩ với việc chọn quốc hoa là biểu tượng tinh thần của dân tộc, không nên đề cập yếu tố kinh tế. Kể cả sau khi công bố quốc hoa thì cũng không nên trồng, phát triển, xuất khẩu hoa. Theo tôi thì hoa Sen ở Đồng Tháp Mười rất nhiều, có thể hơn số hoa ở miền Bắc.

- Sau khi công bố quốc hoa, liệu loài hoa đó có được duy trì và bảo tồn?

- Việc duy trì bảo tồn nên có khi mà người dân ý thức được tầm quan trọng của quốc hoa. Còn nếu không loài hoa đó vẫn duy trì và đã đi vào đời sống người dân, ví dụ người dân vẫn trồng Sen để làm mứt, làm trà, gỏi sen... Nếu tôn vinh hoa Sen thì người dân sẽ có ý thức giữ gìn loài hoa hơn. Tuy vậy, vẫn nhiều người lo ngại với tình trạng lấp ao hồ xây nhà ở thì sau này không còn hồ để trồng sen.
- Với đề án quốc phục, tiêu chí lựa chọn như thế nào?
- Đề án này đang được dự thảo, nằm trong kế hoạch công tác năm 2011 của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm. Cuộc triển lãm tại Vân Hồ sắp tới mang tính khởi động, thăm dò ý kiến người dân. Đề án về quốc phục từng làm cách đây 10 năm, mời các nhà thiết kế song không đến đích.

Quốc phục sẽ có hai bộ của nam và nữ, mỗi giới có hai bộ mùa hè và mùa đông. Áo của nữ thì dễ được đồng thuận là áo dài, chỉ có chọn màu gì, thêm hoạ tiết gì để điển hình là văn hoá Việt Nam. Còn bộ cho nam là cả vấn đề nan giải.

Triển lãm tới sẽ bày nhiều bộ trang phục Việt Nam qua nhiều thời kỳ Lý, Trần, Lê và hiện đại. Người dân xem và đánh giá, đề xuất nên chọn trang phục thế nào. Nhưng tôi cho rằng bộ áo nam sẽ phải có thiết kế mới, không thể nguyên mẫu một bộ áo dài khăn đóng ngày xưa. Bộ quốc phục sẽ trông chờ vào tài năng của các nhà thiết kế thời trang Việt Nam.
- Ông thấy vấn đề khó khăn khi lựa chọn quốc hoa, quốc phục là gì?
- Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phong phú, mỗi ý kiến đều có cái lý khiến cơ quan quản lý băn khoăn xem xét. Như nhà văn hoá Vũ Khiêu có uy tín trong nước từng đề xuất quốc hoa là hoa mào gà. Đề xuất này không phải không có lý. Đây là vấn đề khó.
Những vấn đề tác động đến tâm linh, tình cảm của công chúng thì không phải dễ đồng thuận.

Tuy nhiên, tôi tin rằng sẽ có phương án tối ưu nhất, cái chính là người quyết định. Bộ sẽ đưa ra phương án tối ưu trình Thủ tướng quyết định vì đây là quốc hoa, quốc phục đại diện cho quốc gia.
Đoàn Loan (Vnexpress)


[/NEN]
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên