Hòa Thượng Hư Vân trùng hưng chùa Nam Hoa Tào Khê

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
CHÙA NAM HOA Ở ĐẤT TÀO KHÊ


Bài ký của Hòa thượng Hư Vân viết khi trùng hưng chùa Nam Hoa ở đất Tào Khê:

"Ở trên đầu sợi lông hiện ra Bảo vương sát.

Ngồi trong một hạt bụi (vi trần) mà chuyển pháp luân (quay bánh xe pháp).

Tận cùng hư không, khắp cả pháp giới, chỗ nào lại chẳng có đạo tràng?

Một nắm đất, một bức vẽ trên cát, việc nào mà chẳng là Phật sự? Nói đến nguyên tắc cùng cực, thì động niệm đã là sai quấy rồi, làm gì ngôn ngữ văn tự ghi chép được ư?

Nhưng, thời thế có biến chuyển trôi chảy, giới có phương hướng vị trí. Đạo có lúc ẩn lúc hiện, việc có khi phế bỏ, lúc trùng hưng, huống chi đạo ở nơi người mà chẳng hoằng dương?

Lý vì sự mà hiển. Muốn nối tiếp người xưa dẫn dắt người sau, tiếp tục huệ mạng để truyền ngọn đèn của Phật, sao lại chẳng có ngữ ngôn văn tự để ghi chép ư?

Như Tào Khê đây là đạo tràng của Lục Tổ Đại Giám thiền sư, truyền pháp mạch Đông Sơn, hoằng dương tông "Nam đốn". Một giọt nước của Tào Khê rơi khắp hoàn cầu, năm Tông giành nhau sự tốt đẹp của nó, gây ảnh hưởng đủ ngàn năm. Tuy có lúc mờ lúc tỏ, mà kẻ thành Phật, người lên Tổ chẳng biết là bao nhiêu.

Nay báo ân gốc rễ, nhớ tưởng nơi nguồn... hà chẳng là việc đáng trọng sao? Vì thế mà không sao không có ngôn ngữ văn tự để ghi chép vậy.

Hư Vân tôi nay đã già, tuổi quá cao, mới tới được Tào Khê làm kẻ đầy tớ quét dọn điện của Lục Tổ. Việc như là có túc duyên. Công phu hơn mười năm, lần lượt sửa sang, tâm sức chen nhau mệt mỏi, mới vừa đầy được khuôn viên này.

Mong các vị tông đồ sau này cố gìn giữ đừng để mất, vĩnh viễn bảo vệ đạo tràng. Trên để báo chút ít ơn lớn của Phật Tổ, ngoài cũng chẳng phụ cái nguyện lớn của các vị Hộ Pháp."

Năm Trung Hoa Dân quốc thứ 7, Hư Vân này ở tỉnh Vân Nam, chùa Kê Túc Sơn, ông Lý Căn Nguyên, Đốc biện vụ ở Triều Châu, sửa sang chùa Nam Hoa, có gởi thơ tới Vân Nam dặn dò Vân nầy qua đó chủ trì công việc.

Vì nhân duyên chùa Kê Túc Sơn chưa xong, nên từ tạ không nhận lời.

Năm Dân quốc thứ 16, Vân tới và cư sĩ Vương Cửu Linh cùng ở tại Hương Cảng. Lúc đó, vị chủ tịch tỉnh Quảng Đông là Trần Minh Khu mời Vân tôi đến Châu Giang và cùng mời trụ trì chùa Nam Hoa. Trước đó, có vị Bộ trưởng Hải quân Dương Thu Trang và ông Phương Thanh Đào, vì chùa Cổ Sơn ở Phúc Kiến gấp rút sủa sang nên ép buộc Vân tôi phải đến đó. Lại nữa, vì trước kia Hư Vân này xuống tóc xuất gia ở chùa Cổ Sơn này, nên chẳng có thể nào khước từ được.

Mấy năm cay đắng, mệt nhọc mới xây dựng tạm được phần nào, định lại cơ sở nơi đó.

Đến năm Dân quốc thứ 23, các vị Tăng ở tỉnh Quảng Đông là Kinh Thiền, Chí Thanh, Phước Quả đến tham lễ chùa Cổ Sơn. Họ bảo Vân nhiều lượt là Phật pháp ở Quảng Đông suy tàn, Tổ đình đổ nát, tệ đoan dẫy đầy, nên cố mời Vân đến đó để trùng hưng lại, nhưng lòng này chưa quyết định. Thì trong một đêm, Hư Vân tôi mơ liền ba lượt thấy Lục Tổ gọi sang Nam Hoa. Hôm sau, thuật lại chuyện này ai cũng cảm thán cho là hy hữu.

Chẳng mấy ngày, ông Lý Hán Hồn, chủ nhiệm Việt Bắc, nay là chủ tịch chánh phủ tỉnh Quảng Đông đánh điện mời Vân đến trụ trì chùa Nam Hoa. Mọi người đều đồng ý cho là việc phải, hợp với mộng theo ý Tổ.

Hư Vân liền đưa lên ba đề nghị với chủ tịch họ Lý:

1.- Chùa Nam Hoa, đạo tràng của lục Tổ phải vĩnh viễn là thập phương tùng lâm để cho các vị Tăng trụ trì.

2.- Nên trưng thu lấy lại đất nhà Nguyên trước đây là của chùa bị chiếm, với sự đồng ý của người giao trả, chẳng bức bách, uy hiếp bằng vũ lực.

3.- Hàng hóa, tiền bạc chi thu ra vào về sản nghiệp của chùa cần phải được sửa lại cho rõ ràng, và các việc thưa kiện trước đây... hết thảy đều do thí chủ phụ trách.

Nếu ông chủ tịch bằng lòng và chấp thuận những điều này, Hư Vân sẽ đến chùa xem xét. Ông họ Lý chấp nhận và cho người Bí thư là ông Ngô Chủng Thạch đại diện, cùng hơn mười vị Tăng và bạch y cư sĩ ở Quảng Châu và Hương Cảng đến chùa Cổ Sơn để đón Hư Vân tới.

Khi đến Tào Khê làm lễ Tổ xong, Vân này đi quan sát địa lý của chùa. Nhận thấy Đông, Tây sau trước khuôn viên chùa có nhiều điều thất nghi, cần phải thay đổi lớn. Vì thế, Vân này trình với ông chủ tịch họ Lý: "Việc này hệ trọng về mặt địa lý cần phải thay đổi, sức bần tăng mỏng, đức không là bao, e khó đảm đang nổi.

Ông Lý bảo:

- Như thế có nghĩa là gì?

- Đây là nơi danh thắng Tổ đình, là chốn quan trọng mà suy phế như thế này, địa thế thất nghi. Nếu chẳng phá hết đi, rồi kiến thiết lại cho đúng vị trí, thì không đủ để làm thông nguồn gốc của Tổ và giúp ích cho kẻ sau này.

Làm đúng theo phương pháp hợp với địa lý thì không thể làm nổi. Bần tăng đâu có đủ lực lượng và phương tiện.

Ông Lý nói:

- Xin Hòa thượng gắng sức làm việc này. Tiền nong, tôi sẽ đem hết năng lực ra lo vậy. Hòa thượng cứ yên tâm về mặt tài chánh và phương tiện vật chất.

Như thế là một sơ đồ kiến thiết, nhất nhất đều được vẽ ra để bàn luận. Và công việc bắt đầu, sau khi nhận xét kỹ lưỡng về hình thể ngọn núi này với vị trí các nơi của chùa phải sửa chữa xây dựng và thay đổi.

1.- Sửa đổi dòng sông trước đây chảy đâm thẳng vào cửa chùa, nay đưa nó chảy sang một hướng khác.

2.- Thay đổi làm cho hướng núi được chính và trở thành chủ thể, sửa sang lại các gò nổng cho đồng đều thứ tự, dọn dẹp những mồ mả chôn dọc ngang, loạn xạ, lấp bằng những hố vũng vô ích, mở bãi rộng trồng trọt các thứ cây, biến thành một khung cảnh: bóng mát cây xanh che trời, mây trắng trùm đất. Từ đàng xa trông lại, nghiễm nhiên thấy rõ là một nơi thanh tịnh đạo tràng.

3.- Bồi đắp núi chủ và xây cao hai ngọn núi hai bên tay trái, tay mặt để hộ vệ, làm thành một cục diện lớn, đầy đủ quân thần tá sứ.

4.- Kiến thiết, xây dựng lại lớn rộng và nguy nga cả chánh điện, thiền đường để giữ lấy chỗ nghiêm trang.

Rồi sẽ lần lượt cho mọc lên các điện, lầu chuông, gác trống, linh tòa, bảo tháp, liêu phòng, khách đường, học đường, giảng đường, tàng kinh các, chứa nước, ao phóng sanh, vườn rau cây trái, ruộng lúa vườn trà. Đồng thời đúc ba pho tượng cao năm trượng Kim thân đại Phật (gồm giữa là Thích Ca, bên trái Dược Sư, bên phải A Di Đà và hai pho tượng tôn giả Ca Diếp, A Nan đứng hầu hai bên cạnh. Với năm pho La Hán cùng ba pho khác rất đẹp và cũng khá to: Văn Thù, Phổ Hiền và Đại sĩ Quán Âm.

Lại san bằng các gò nổng rối loạn không thích hợp trước đây để xây dựng Tứ Thiên Vương điện, bên tả là Hư Hoài lâu, bên hữu là Vận Hải lâu. Lại xây nhà bếp Hương Tích trù, đào đất xây hồ sen to rộng (Khi đào đất xuống sâu, gặp được cái chảo nấu cơm rất lớn còn nguyên vẹn, có thể dùng nấu cháo cho một ngàn người ăn. Nghiệm ra, đây là vật đời nhà Nguyên (Thiền tăng đại phan oa). Bèn dời cái chảo lịch sử này đến sau điện Quán Âm Bồ tát dùng trồng hoa sen).

Cũng đào được một cái chuông đồng rất lớn từ đời nhà Tống. Chuông rất thanh, tiếng ngân đến mười dặm.

Lại xây Tây Quy đường thờ giác linh các vị Tăng chúng, Công Đức đường chủ vị các vị Hộ Pháp. Vân Thủy đường để tiếp đãi các Tăng chúng qua lại. Đồng thời mở rộng diện tích trồng trà và thu hoạch huê lợi để dùng vào chi phí thuốc men.

Khai thông các núi phía sau phương trượng dẫn nguồn nước Trác Tích Tuyền, xây thành một cái hang nước lớn rồi đặt ống từ đó đưa nước đi đến Hương Tích trù, các nhà, liêu, khắp chùa.

Một tòa Pháp đường rộng lớn được xây dựng để thuyết pháp, phía trên là Tàng Kinh lâu, chứa toàn bộ Long Tạng kinh thỉnh từ Bắc Kinh về từ năm Dân quốc thứ 25. (Ông chủ tịch Lý Bá Hào lại tặng cho một bộ Trách Sa Tạng).

Khi xây dựng xong giới đàn, đào đất gặp được một tấm bia đá sửa tháp từ năm Vạn Lịch trào nhà Minh. Nay dựng nó lên ở vách Hoa Vũ đài làm kỷ niệm.

Trong khi ấy lại xây dựng Hồi Hướng đường thờ chung các vong linh binh sĩ tử trận vì nước. Kiến thiết Nghênh Hiền lâu để tiếp đãi các khách qua lại viếng chùa có nơi ăn ở tạm nghỉ. Lập Vô Tận am để cho Tăng chúng phái nữ tu hành. Cất Niệm Phật đường dành cho chư Tăng Tịnh độ tu hành (Nơi đây cũng đào được một tấm bia từ năm Vạn Lịch có khắc chữ Tô Đình Am của ông Dư Đại Thành...) cũng dựng nó lên trên ở tường Niệm Phật đường này để ghi nhớ.

Xây dựng Diên Thọ đường để cho các chư Tăng già yếu an dưỡng tu hành (Đúng là ngài Hư Vân đã già nên cảm thông mà lo cho cái tuổi giá của người tu hành ở chùa).

Cũng tại đây, đào đất gặp được một tấm bia đá từ khoảng vua Thuần Hy đời Tống khắc chân tượng Lục Tổ.

Phía sau lầu chuông lại xây dựng nhà giã gạo, nhà tắm gội giặt rửa, nhà làm công nghệ, chỗ chứa vật liệu và nhà vệ sinh.

Nơi đây đào lên phát hiện rất nhiều xương người và mấy cái áo quan còn nguyên, dài đến một trượng sáu thước. Bên trong các áo quan này toàn là những đồ gốm nung lửa.

Từ xưa không có tháp Phổ Đồng (chôn chung), nên các vị Tăng qua đời, từ đời này sang đời khác chôn rối loạn ở chung quanh núi, lâu ngày mồ mả siêu lạc không được người săn sóc, thành ra vong linh các tiền bối không được an ủi! Bèn lập ra lò Trà Tỳ (lò thiêu xác) để thiêu hết các xương còn thiếu xót và đưa vào tháp Thất Chúng. Tháp này dùng sắt dài để đúc và xi măng xây hết sức kiên cố, có thể chứa đựng xương tro đến muôn cổ. Trên tháp có Niệm Phật đường luôn năm, tháng, ngày, đêm đều có Sư Tăng niệm Phật cầu nguyện làm lợi ích cho cả cõi âm và dương.

Bên mặt và bên trái của tháp, dựng bốn lâu phòng làm chỗ cho người coi sóc tháp và niệm Phật. Ngoài ra, chung quanh tháp lại có trồng hoa sen, cây cảnh. Có ao trong sạch chứa nước, có giếng nước lọc bằng cát với những ống dẫn đi các nhà dùng.

Sửa sang Phục Hổ đình ngăn chận sự phá hoại của cọp và thú rừng. Xây dựng trường Nghĩa Học dạy dỗ các trẻ em nhà nghèo.

Kể ra, thật công phu và chu đáo, chăm lo đời sống lẫn tinh thần và vật chất. Như vậy, ai bảo Phật giáo yếm thế?

Soát lại, suốt mười năm tận lực với bao sự ủng hộ của các nhà hộ pháp nhiệt tâm, đến nay công việc sửa sang kiến thiết mới tạm thành về mặt hình thức.

Nay lại lo bề giới luật, hoằng pháp trang nghiêm. Hư Vân này bèn tuân hành thanh qui của ngài Bá Trượng, giữ kỷ cương một cách nghiệm mật. Mỗi ngày chỉ một bữa cháo, một bữa cơm. Giữ phép ăn đúng ngọ. Một bước đi đứng, tới lui... hết thảy đều phải giữ gìn oai nghi khuôn mẫu làm chơn Phật tử... và từ đó giữ gìn lâu dài được cảnh Tùng lâm.

Sơ Tổ từ phía Tây đến chỉ truyền riêng tông Thiền (Đan truyền trực chỉ). Lục Tổ đắc pháp hoằng dương năm tông. Đây là Thiền Ba la mật vậy! Chư Phật, Tổ... không vị nào là chẳng từ trong thiền định mà tới được. Đạo cơ đại dụng chúng sanh không biết bao nhiêu.

Nay đạo tràng Đốn giáo của Lục Tổ vắng vẻ đã lâu, Hư Vân này tạo ra Thiền đường, định số nén hương để tọa thiền, phát ra lời Cảnh Sách, lập ra khuôn phép gắt gao (hạ kiềm chúng), mong các vị rèn luyện thâm tâm, tự độ, độ tha, nối tiếp huệ mạng đức Phật.

Thời này là thời mạt pháp, pháp vận suy tàn, lòng tôi (Hư Vân) đau, mắt tôi ứa lệ. Phật dặn ta: "Ba la đề mộc xoa (tức giới luật) là thầy của các con". Người lại bảo: "Giới luật như mặt trời, mặt trăng, có thể làm tan sự tối tăm của đêm dài. Nếu chẳng trì giới này thì thế giới sẽ đen tối". Quan trọng vậy thay giới luật! Phần đông dòng Thích tử, ngoài thì mặc áo cà sa mà hành động lại giống kẻ phàm tục. Đấy là đồ đệ thuộc ma Ba Tuần, làm con rận, con rệp ở trong thân sư tử mà thôi!.

Hư Vân này muốn lôi kéo bỏ mọi sự không hay, nên đã xin tiền và đồ vật của các thí chủ tín đồ mà biện được cảnh quy mô này, ý tôi muốn cho mỗi việc đều phải đúng theo Phật pháp, bồi đắp và trồng lấy nhân tài, thường xuyên chuyển pháp luân, nối tiếp huệ mạng... Vì thế xây dựng giới đàn trường kỳ, năm nào cũng truyền giới, đường chẳng kể xa gần, người bất luận nhiều ít, đúng theo thời giờ mà tới, mà truyền thụ pháp giới.

Sau khi được truyền giới, phải vào ngay nhà Học Giới thực hành sự tu tập để làm vốn đi sâu vào Phật pháp.

Nhờ oai linh chư Phật, nhờ đàn việt hộ pháp, Hư Vân tôi tạm làm xong cái chí của ngài Hám Sơn.

Nay điện đường, liêu phòng, nhà cửa có thể dùng cho năm trăm người trụ trì. Huê lợi, ruộng, trà, công nghệ chút ít... cũng đủ lương thực trong năm. Bốn việc cúng dường tuy đủ, nhưng hãy còn nhỏ chưa có gì.

Phật tử trụ trì, lòng yên không còn lo lắng nữa.

Kính mong mọi người chấp sự giữ gìn.

(Trích đăng sách Tiểu sử Hòa thượng Hư Vân, tác giả Thanh Lan Võ Ngọc Thành soạn)

http://thanhnienphattu.net/forum/viewtopic.php?f=14&t=3099

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên