KINH ÐỊA TẠNG

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Phẩm 9

Xưng Tụng Danh Hiệu Chư Phật

Địa Tạng đại sĩ khi ấy thưa rằng :
_ Bạch đức Thế tôn ! bây giờ con xin vì những người trong thì gian vị lai mà nói đến một sự ích lợi. Trong lúc sống cũng như trong lúc chết, sự ấy làm cho họ được ích lợi vĩ đại. Con thỉnh cầu đức Thế tôn cho phép con nói về sự ấy.
Đức Thế tôn dạy :
_ Điạ Tạng, đại sĩ muốn thương và cứu hết thảy những kẻ tội khổ trong sáu đường mà định nói đến sự bất khả tư nghị thì thật đúng lúc, nên nói liền đi. Như Lai sắp nhập Niết bàn; nói đến sự ấy là đại sĩ tự làm cho thệ nguyện của mình sớm được hoàn tất, lại làm cho Như Lai hết phải lo nghĩ về mọi người trong hiện tại và trong tương lai.

Địa Tạng đại sĩ bạch đức Thế tôn, trong quá khứ, vô số kiếp vô số, có đức Phật xuất thế danh hiệu Vô Biên Thân Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà sinh tâm tôn kính, thì dẫu chỉ trong chốc lát, người ấy cũng vượt được tội nặng sinh tử trong bốn mươi kiếp, huống chi còn biết đắp vẽ hình tượng của ngài mà hiến cúng và xưng tụng. Cái phước mà người này được thật vô lượng vô biên.

Trong quá khứ, cách nay những kiếp nhiều như cát sông Hằng, có đức Phật xuất thế danh hiệu Bảo Tánh Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà phát tâm qui y, thì dẫu chỉ bằng thì gian đàn chỉ một cái, người ấy đối với tuệ giác vô thượng cũng không còn thoái chuyển.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Ba Đầu Ma Thắng Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào được danh hiệu của ngài lướt qua thính giác, thì người ấy sẽ được ngàn lần sinh lên sáu tầng trời Dục giới, huống chi còn biết chí tâm mà trì niệm danh hiệu ấy.

Trong quá khứ, lâu đến hai lần không thể nói hết về kiếp vô số, có đức Phật xuất thế danh hiệu Sư Tử Hống Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà phát tâm qui y, thì dẫu trong chốc lát mà thôi, người ấy cũng gặp được vô lượng chư Phật xoa trên đỉnh đầu mà thọ ký cho.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Câu Lưu Tôn Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà chí thành chiêm bái xưng tụng, thì người ấy, trong pháp hội của ngàn đức Phật đà thuộc về Hiền kiếp này, đều làm vị Phạm vương, và được sự thọ ký tối thượng.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Tỳ Bà Thi Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì trong thì gian rất lâu dài không còn sa vào đường dữ, thường sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu.

Trong quá khứ, với những kiếp nhiều bằng số cát của vô lượng vô số sông Hằng, có đức Phật xuất thế danh hiệu Bảo Thắng Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì người ấy tuyệt đối hết còn sa vào đường dữ, thường ở trên chư thiên mà hưởng sự yên vui tuyệt diệu.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Bảo Tướng Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà sinh lòng tôn kính, thì người ấy không lâu sẽ thực hiện đạo quả La hán.

Trong quá khứ, vô lượng kiếp vô số, có đức Phật xuất thế danh hiệu Cà Sa Tràng Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì vượt được tội lỗi sinh tử trong một trăm đại kiếp.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Đại Thông Sơn Vương Như Lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì người ấy được gặp hằng sa chư Phật, được các ngài nói Phật pháp cho một cách đầy đủ, và quyết chắc thành tựu Tuệ giác vô thượng.

Trong quá khứ, có đức Tịnh Nguyệt Như Lai, đức Sơn Vương Như Lai, đức Trí Thắng Như Lai, đức Tịnh Danh Vương Như Lai, đức Trí Thành Tựu Như Lai, đức Vô Thượng Như Lai, đức Diệu Thanh Như Lai, đức Mãn Nguyệt Như Lai, đức Nguyệt Diện Như Lai ... Các đức Như lai như vậy nhiều đến số lượng không thể nói hết. Bạch đức Thế tôn, hiện tại và vị lai, hết thảy mọi người, bất cứ chư thiên hay nhân loại, bất cứ nam tử hay nữ nhân, chỉ được trì niệm danh hiệu của một ngài, công đức cũng đã vô lượng, huống chi được trì niệm nhiều danh hiệu. Những người ấy, lúc sống cũng như lúc chết, tự được ích lợi lớn lao, không bao giờ còn bị sa vào đường dữ.

Những kẻ sắp chết, thân nhân trong nhà, dầu chỉ một người biết vì kẻ ấy mà cao tiếng niệm danh hiệu của một đức Phật đi nữa, kẻ ấy, ngoại trừ năm thứ nghiệp dữ vô gián, dư ra, nghiệp dữ của những quả khổ khác đều tan biến hết thảy. Năm thứ nghiệp dữ vô gián tuy cực kỳ nặng nề, sẽ sa vào địa ngục ấy với cái kiếp cả ức năm vẫn chưa thoát khỏi, nhưng mà nhờ lúc sắp chết được người khác niệm cho danh hiệu của Phật, nên nghiệp dữ ấy cũng tiêu dần đi, huống chi có kẻ tự mình niệm được danh hiệu của Phật. Kẻ ấy, phước được đã vô lượng mà tội diệt cũng vô lượng.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Phẩm 10

Trắc Lượng Công Đức Bố Thí

Địa Tạng đại sĩ, lúc ấy, vâng theo uy thần của đức Thế tôn, đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, quì xuống, chắp tay mà thưa :
_ Bạch đức Thế tôn ! con quan sát những kẻ ở trong các nẻo đường của nghiệp, trắc lượng sự bố thí của họ thì thấy có nhẹ có nặng, có sự hưởng phước một đời, có sự hưởng phước mười đời, có sự hưởng phước lớn trong trăm đời ngàn đời. Vì lý do nào, con thỉnh cầu đức Thế tôn dạy cho con rõ.
Đức Thế tôn dạy :
_ Địa Tạng đại sĩ, hôm nay, trước toàn thể đại hội các chúng tại Đao lợi Thiên cung như thế này, Như Lai sẽ nói về sự bố thí tại châu Diêm phù, bằng cách trắc lượng công đức nhẹ nặng của sự ấy. Đại sĩ hãy nghe cho kỹ Như lai sẽ nói cho.
Địa tạng đại sĩ bạch đức Thế tôn :
_ Con hoài nghi về việc ấy, nên rất ước muốn và thích thú được nghe.

Đức Thế tôn dạy Địa tạng đại sĩ : tại châu Diêm phù ở về phía Nam này, những vị quốc chúa, tể tướng đại thần, đại trưởng giả, đại sát lợi, đại bà la môn, gặp những người rất thấp, rất nghèo, cho đến tật nguyền, câm ngọng, điếc lác, đui mù, cơ thể đủ cách không hoàn chỉnh như vậy, mà những vị quốc chúa cho đến bà la môn, trong lúc bố thí, vẫn đủ từ tâm rộng rãi, hạ lòng mình xuống, cười đón vui vẻ, tự tay đưa khắp cho họ, hay tự bảo người khác đưa giúp, dịu dàng an ủi, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy được phước như hiến cúng chư Phật nhiều bằng số cát của một trăm sông Hằng. Lý do là vì quốc chúa cho đến bà la môn mà đối với những người rất thấp, rất nghèo, cơ thể không hoàn chỉnh, lại có từ tâm rộng rãi, nên phước của họ được có cái quả báo là trong trăm ngàn đời, bảy thứ quí báu còn luôn luôn đầy đủ, huống chi y phục, thực phẩm và những thứ cần dùng khác.

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn gặp được chùa tháp của Phật, hình tượng của Phật, hình tượng của Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, đích thân sắm đồ mà hiến cúng, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy được phước ba kiếp làm thân Đế thích, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Nếu biết đem cái phước bố thí như vậy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy trong mười kiếp thường làm Phạm vương.

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn gặp được chùa tháp hay kinh tượng của Phật quá khứ bị hư hỏng mà biết phát tâm tu bổ, bằng cách tự mình lo liệu hay khuyến khích người khác, cả trăm cả ngàn người, hiến cúng để kết mối liên hệ tốt đẹp với Phật, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy trăm ngàn đời thường làm Luân vương, còn những người chung sức thì cũng với số đời ấy thường làm quốc chúa. Nếu còn biết đem công đức như vậy đối trước chùa tháp hay kinh tượng đã tu bổ mà phát nguyện hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy, cùng những người chung sức với họ, đều sẽ làm Phật, vì lẽ quả báo của sự hiến cúng như thế này thật vô lượng vô biên.

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn thấy những người già cả, những người bịnh tật và những kẻ sản phụ mà, dẫu chỉ một lúc, phát ra từ tâm rộng rãi, chu cấp dược phẩm, đồ ăn, thức uống và đồ nằm cho họ yên vui, thì phước này rất bất khả tư nghị, trong một trăm kiếp thường làm chúa trời Tịnh cư, trong hai trăm kiếp thường làm chúa trời Lục dục, cho đến cuối cùng thì trở thành một đức Phật đà chứ không bao giờ còn sa vào đường dữ, cả trăm cả ngàn đời thính giác không nghe đến âm thanh đau khổ (55b) .

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn làm được những sự bố thí như trên đây thì được phước vô lượng. Nếu còn đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì bất cứ bố thí nhiều hay ít, cuối cùng thành Phật tất cả, huống chi làm Đế thích, Phạn vương hay Luân vương. Vì lý do này, Địa tạng đại sĩ, hãy khuyến khích mọi người nên học tập sự bố thí như vậy.

Lại nữa, Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của Như Lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành, thì điều lành ấy dầu chỉ bằng lông tóc cát bụi đi nữa, phước báo họ nhận được cũng không thể ví dụ.

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được mà biết hiến cúng hình tượng của Phật đà, của Bồ tát, Duyên giác hay Luân vương, thì được phước vô lượng, thường ở trong nhân loại hay trên chư thiên mà hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Nếu biết đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo họ nhận được không thể ví dụ.

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được Kinh điển Đại thừa, dầu chỉ nghe một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa, mà thiết tha, trân trọng, xưng tụng, tôn kính và hiến cúng, thì kẻ đó được phước báo vĩ đại, có tính chất vô lượng vô biên. Nếu biết đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo họ nhận được không thể ví dụ.

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được chùa tháp của Phật và Kinh điển Đại thừa, loại mới thì hiến cúng, xưng tụng, tôn kính, chắp tay, chiêm ngưỡng và lễ bái; loại cũ hoặc hỏng thì tu bổ bằng cách phát tâm ra sức một mình, hay khuyến khích nhiều người phát tâm chung sức. Những người chung sức thì trong ba mươi đời thường làm quốc chúa, còn người chủ xướng thì làm luân vương, lại đem pháp lành khuyến hóa thêm nữa cho các vị quốc chúa.

Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của Như lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành như bố thí hiến cúng, như tu tạo chùa tháp, như chỉnh trang kinh điển, thì dẫu chỉ bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hạt cát, một giọt nước đi nữa, điều lành như vậy nếu biết đem hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo người ấy nhận được là trăm ngàn đời hưởng sự yên vui tuyệt diệu và thượng đẳng. Nếu chỉ biết đem cầu nguyện cho thân thuộc trong gia đình của mình, hay chỉ biết đem cầu nguyện cho lợi ích bản thân, thì kết quả chỉ hưởng được yên vui trong ba đời mà thôi. Như vậy thì biết bỏ một mới được cả vạn.

Địa tạng đại sĩ, nhân tố và phước báo của sự bố thí là như vậy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Phẩm 11

Thần Đất Hộ Trì

Bấy giờ Thần đất Cứng chắc bạch đức Thế tôn :
_ Từ xưa đến nay, con chiêm ngưỡng và lễ bái vô lượng Bồ tát Đại sĩ, toàn là những vị mà thần lực và tuệ giác đều vĩ đại và siêu việt, hóa độ sâu rộng hết thảy chúng sinh. Trong các vị ấy, Địa Tạng đại sĩ có thệ nguyện sâu nặng hơn cả. Bạch đức Thế tôn, đối với châu Diêm phù này, Địa Tạng đại sĩ có sự liên hệ lớn lao. Các vị Đại Bồ tát khác, như ngài Văn Thù, ngài Phổ Hiền, ngài Quan Âm, ngài Di Lạc, tuy cũng phân hóa thân hình cả trăm cả ngàn mà hóa độ sâu rộng sáu đường chúng sinh, nhưng thệ nguyện của các ngài vẫn có lúc hoàn tất. Đến như Địa Tạng đại sĩ thệ nguyện hóa độ sáu đường chúng sinh thì số lượng về kiếp mà thệ nguyện ấy trải qua, nhiều đến như số cát của ngàn lần trăm ức sông Hằng.

Bạch đức Thế tôn, con thấy, trong vị lai, và ngay trong hiện tại, người nào, nơi chỗ mình cư trú mà xoay qua hướng Nam, trên đất sạch sẽ, lấy đất đá tre gỗ mà làm khám thất (56) , trong đó đắp vẽ hình tượng Địa Tạng đại sĩ, hay đem vàng bạc đồng sắt đúc hình tượng ấy, rồi đốt hương mà hiến cúng, chiêm ngưỡng, lễ bái, xưng tụng, thì người ấy, và chỗ ở của người ấy, được mười sự ích lợi: một là đất đai đầy những chất tốt, hai là nhà cửa luôn luôn yên vui, ba là người chết sinh lên chư thiên, bốn là người sống tăng thêm tuổi thọ, năm là ước muốn đúng đều toại ý, sáu là không bị tai họa nước lửa, bảy là không bị mọi sự hao tổn, tám là tuyệt hết mọi thứ ác mộng, chín là đi về quỉ thần hộ trì, mười là thường gặp nhân tố thánh thiện. Bạch đức Thế tôn, trong vị lai, và ngay trong hiện tại, người nào nơi chỗ mình ở mà hướng về phía nam, làm được sự hiến cúng như con đã nói, thì được những sự ích lợi cũng như con đã nói.

Thần đất Cứng chắc lại bạch đức Thế tôn :
_ Trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, nơi chỗ họ ở có kinh điển và hình tượng của Địa Tạng đại sĩ, người ấy lại trì tụng kinh điển và hiến cúng hình tượng như vậy, thì cả ngày lẫn đêm, con luôn luôn vận dụng thần lực của con mà hộ vệ cho họ, đến nỗi thủy tai, hỏa hoạn, trộm cướp, giặc giã, tai họa ngang trái lớn, tai họa ngang trái nhỏ, hết thảy việc dữ đều tan biến cả.

Đức Thế tôn dạy :
_ Thần đất Cứng chắc, thần lực của ông lớn lắm, ít có thần nào sánh nổi. Vì lẽ đất đai Diêm phù đều nhờ ông gìn giữ. Cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, thóc gạo, đồ quí, tất cả do đất mà có -- tất cả đều nhờ thần lực của ông. Vậy mà ông lại còn luôn luôn xưng tụng sự ích lợi chúng sinh của Địa Tạng đại sĩ, thì công đức và thần lực của ông gấp trăm ngàn lần đối với các vị thần đất bình thường. Vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào biết hiến cúng hình tượng và trì tụng kinh điển của Địa Tạng đại sĩ, và dẫu chỉ biết làm theo một việc của kinh điển ấy, kinh Bản nguyện của Địa Tạng đại sĩ, mà thôi, ông cũng nên vận dụng thần lực của mình mà hộ vệ cho họ, đừng để tai họ phải nghe những thứ tai hại và bất như ý, huống chi để thân họ phải chịu những thứ ấy.

Không phải chỉ mình ông biết hộ vệ cho những người ấy, mà Đế thích, Phạm vương, chư Thiên và những kẻ tùy thuộc của họ, cũng hộ vệ cho những người ấy. Tại sao những người ấy được sự hộ vệ của bao nhiêu người hiền có thánh có như vậy ? Vì lẽ lễ bái hình tượng Địa Tạng đại sĩ và trì tụng kinh Bản nguyện của ngài thì đương nhiên cuối cùng thoát khỏi biển khổ, thực hiện Niết nàn. Đó là lý do có được sự hộ vệ lớn lao.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Phẩm 12

Lợi Ích Của Sự Thấy Nghe

Vào lúc bấy giờ, từ trên đỉnh đầu, đức Thế tôn phóng ra trăm ngàn vạn ức tia sáng lớn: tia sáng trắng và trắng lớn, tia sáng điềm tốt và điềm tốt lớn, tia sáng ngọc và ngọc lớn, tia sáng tía và tía lớn, tia sáng xanh và xanh lớn, tia sáng biếc và biếc lớn, tia sáng hồng và hồng lớn, tia sáng lục và lục lớn, tia sáng vàng và vàng lớn, tia sáng mây lành và mây lành lớn, tia sáng ngàn vầng và ngàn vầng lớn, tia sáng vầng ngọc và vầng ngọc lớn, tia sáng mặt trời và mặt trời lớn, tia sáng mặt trăng và mặt trăng lớn, tia sáng cung điện và cung điện lớn (57) , tia sáng mây biển và mây biển lớn ... Từ trên đỉnh đầu phóng ra những tia sáng như vậy rồi, đức Thế tôn lại xuất ra âm thanh tuyệt diệu, nói với toàn thể đại hội các chúng, trong đó có tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, rằng hãy lắng nghe, hôm nay, tại Đao lợi Thiên cung, Như Lai sẽ xưng tụng tán dương những sự sau đây của Địa Tạng đại sĩ: sự đem lại lợi ích trong nhân loại và chư Thiên hay là sự bất khả tư nghị, sự làm cho nhân tố thánh thiện ấy siêu việt lên hay là sự thực hiện quả vị Thập địa, sự cứu cánh không thoái chuyển đối với Tuệ giác vô thượng (58) .

Khi đức Thế tôn nói như vậy thì trong pháp hội có một vị Đại Bồ tát danh hiệu Quan Thế Âm, từ chỗ ngồi đứng dậy, quì xuống, chắp tay mà thưa :
_ Bạch đức Thế tôn, Địa Tạng đại sĩ hoàn thành đại từ bi, xót thương chúng sinh tội khổ, nên trong ngàn vạn ức thế giới hệ, đại sĩ phân hóa ngàn vạn ức thân hình. Công đức và thần lực bất khả tư nghị của đại sĩ, con đã được nghe đức Thế tôn cùng chư Thế tôn trong mười phương, khác nhau cơ quan phát âm mà lại đồng nhất về lời tiếng, xưng tụng rằng, dẫu chư Phật quá khứ hiện tại và vị lai diễn đạt công đức và thần lực ấy cũng không cùng tận. Vừa rồi lại được đức Thế tôn nói cho toàn thể đại hội các chúng biết đức Thế tôn muốn tán dương những việc của Địa Tạng đại sĩ, đại loại như việc ích lợi bất khả tư nghị của ngài. Do vậy mà con thỉnh cầu đức Thế tôn vì bao kẻ trong hiện tại và vị lai, trong đó có tám bộ Thiên Long, thực hiện sự tán dương ấy, để cho họ biết mà chiêm ngưỡng và hưởng phước (59) .

Đức Thế tôn dạy :
_ Đại Bồ tát Quan Thế Âm ! đối với thế giới hệ Sa bà này, ông có sự liên hệ lớn lao. Thiên long, nam nữ, quỉ thần, cho đến những người tội khổ trong sáu đường, ai nghe danh hiệu của ông, ai thấy hình tượng của ông, ai ngưỡng mộ ông, ai xưng tụng ông, những người ấy đối với tuệ giác vô thượng quyết chắc không còn thoái chuyển, thường sinh trong nhân loại hay trên chư Thiên, hưởng thụ đầy đủ sự yên vui tuyệt diệu, và khi nhân quả sắp thành thục thì họ sẽ gặp Phật và được Phật thọ ký cho. Nay, vì lòng đại từ bi, ông xót thương chúng sinh trong đó có tám bộ Thiên Long, nên muốn nghe Như lai nói những sự ích lợi bất khả tư nghị của Địa Tạng đại sĩ, thì ông hãy nghe cho kỹ Như lai sẽ nói đến.
Đại Bồ tát Quan Thế Âm thưa :
_ Bạch đức Thế tôn ! con xin tuân lời ngài, nguyện muốn được nghe.

Đức Thế tôn dạy :
_ Quan Thế Âm, vị lai hay hiện tại, trong các thế giới hệ, người nào trong chư Thiên hưởng hết phước chư Thiên, năm sự suy biến hiện ra, đến nỗi có thể sa vào đường dữ; thì người ấy, không kể nam hay nữ, trong lúc những sự suy biến hiện ra mà thấy được hình tượng hay nghe được danh hiệu của Địa tạng đại sĩ, nhất tâm chiêm ngưỡng và lễ bái (60) , thì chuyển tăng phước báo chư Thiên, hưởng thụ hạnh phúc to lớn, và trong một thì gian lâu dài không sa vào đường dữ, huống chi thấy và nghe về Địa Tạng đại sĩ rồi hiến cúng bằng hương hoa, y phục, ẩm thực, bảo vật, vòng hoa (61), thì phước và phước báo của người ấy đạt được thật vô lượng vô biên.

Quan Thế Âm, vị lai hay hiện tại, trong các thế giới hệ, bất cứ người nào thuộc sáu đường chúng sinh, khi sắp chết mà được nghe danh hiệu Địa Tạng đại sĩ, và chỉ mỗi một âm thanh ấy đi vào thính giác mà thôi, thì người ấy trong một thì gian lâu dài không phải trải qua cái khổ của ba đường dữ. Huống chi khi sắp chết, cha mẹ bà con biết đem nhà cửa, tài sản, bảo vật hay y phục của họ làm chi phí mà đắp vẽ hình tượng của Địa tạng đại sĩ, hơn nữa, cha mẹ bà con làm cho người ấy trong giờ phút sắp chết mà chưa chết, mắt thấy được hay tai nghe được, cùng lắm thức biết được, rằng cha mẹ bà con đem nhà cửa bảo vật của mình, vì mình mà đắp vẽ hình tượng Địa Tạng đại sĩ. Như vậy, người ấy nếu nghiệp báo chỉ chịu bịnh nặng, thì nhờ công đức này mà lành ngay, tăng thêm đời sống; còn nếu nghiệp báo kết thúc sinh mạng, lại có nghiệp dữ đáng sa đường dữ, thì nhờ công đức này mà chết rồi sinh trong nhân loại hay trên chư Thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu, mọi thứ nghiệp dữ rồi ra tiêu tan được cả.

Quan Thế Âm, trong vị lai, nam tử hay nữ nhân nào, khi mới sinh hay lúc lên ba lên năm, lên đến mười tuổi trở lui, chết mất cha mẹ anh em chị em, lớn lên, người ấy tưởng nhớ cha mẹ thân thuộc, nghĩ không biết sa vào chỗ nào, sinh đến thế giới nào, hay sinh lên tầng trời nào. Người ấy nếu biết đắp vẽ hình tượng Địa tạng đại sĩ, hoặc nghe được danh hiệu của ngài, rồi nhất tâm chiêm bái. Từ một ngày cho đến bảy ngày, người ấy đừng suy giảm tâm chí ban đầu, chí thành trong việc nghe danh hiệu hay thấy hình tượng đều chiêm bái hiến cúng. Như vậy thì cha mẹ thân thuộc người ấy nếu vì nghiệp dữ mà đã sa đường dữ, và kể ra đáng lẽ phải trải qua số lượng cả kiếp, nhưng nhờ người ấy, vốn là con cái hay anh em chị em của họ, làm cái công đức đắp vẽ chiêm bái hình tượng Địa Tạng đại sĩ, nên tức khắc thoát khỏi đường dữ, sinh lên nhân loại hay chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Còn cha mẹ thân thuộc của người ấy nếu có nghiệp lành, đã sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu, thì nhờ công đức trên mà tăng thêm cho nhân tố thánh thiện, sự yên vui họ đang hưởng cũng tăng thêm vô lượng (62) . Người ấy nếu có thể thêm nữa, trong ba lần bảy ngày, nhất tâm chiêm bái hình tượng Địa Tạng đại sĩ, trì niệm danh hiệu của đại sĩ đủ một vạn biến, thì sẽ được đại sĩ hiện cái thân không biên cương, nói rõ cho biết chỗ sinh của cha mẹ thân thuộc; hoặc trong mộng, người ấy được đại sĩ dùng thần lực đích thân đưa đến mọi thế giới mà gặp cha mẹ thân thuộc.

Người ấy, hơn nữa, mỗi ngày trì niệm danh hiệu Địa Tạng đại sĩ một ngàn lần, và trì niệm một ngàn ngày như vậy, thì bản thân còn được đại sĩ khuyến cáo quỉ thần khu vức người ấy cư trú hộ vệ người ấy suốt đời, hiện tại thì ăn mặc sung túc, không bịnh không khổ, đến nỗi mọi sự ngang trái không hề xâm nhập cửa ngõ, huống chi xâm nhập thân thể, và cuối cùng thì người ấy quyết chắc được đại sĩ xoa đầu mà thọ ký cho (63) .

Quan Thế Âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào muốn phát từ tâm quảng đại cứu độ tất cả, muốn tu tuệ giác vô thượng, muốn siêu thoát ba cõi, những người có những chí nguyện như vậy mà thấy hình tượng hay nghe danh hiệu của Địa Tạng đại sĩ, chí tâm qui y, hiến cúng bằng hương hoa, y phục, bảo vật, ẩm thực, rồi chiêm ngưỡng và lễ bái, thì chí nguyện của họ sẽ hoàn thành một cách mau chóng, thoát khỏi mọi sự trở ngại.

Quan Thế Âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu trăm ngàn vạn ức ước nguyện và sự việc, về hiện tại cũng như tương lai, thì hãy qui y, chiêm ngưỡng, lễ bái, hiến cúng và xưng tụng Địa Tạng đại sĩ qua hình tượng của ngài, như vậy thì ước nguyện và sự việc mà họ cầu sẽ thành tựu được cả. Lại nguyện cầu Địa Tạng đại sĩ từ bi hộ trì mãi mãi cho con, thì người ấy, trong mộng, được đại sĩ xoa đầu mà thọ ký cho.

Quan Thế Âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, đối với Kinh điển Đại thừa, vô cùng tôn trọng, quí báu, phát ra tâm chí siêu việt muốn học muốn tụng. Nhưng, dầu gặp minh sư chỉ dạy và chăm nom (64) để học cho thuộc, mà thuộc đâu quên đó, cả tháng liền năm vẫn không tụng được. Như vậy là vì thiện nam hay thiện nữ ấy (65) bị sự chướng ngại của nghiệp cũ chưa được trừ bỏ, nên đối với Kinh điển Đại thừa không có khả năng học tụng. Người ấy, nghe được danh hiệu và thấy được hình tượng của Địa Tạng đại sĩ, hãy đem tâm nguyện của mình mà cung kính khấn bạch, rồi hiến cúng hương hoa, y phục, đồ ăn uống, đồ thưởng ngoạn. Lấy một chén nước trong và sạch, đặt trước hình tượng đại sĩ suốt một ngày đêm, rồi chắp tay xin uống, với sự xoay đầu qua hướng nam. Khi nước sắp vào miệng và khi nước vào miệng, hãy chí thành, trịnh trọng. Uống rồi, phải cữ năm vị cay nồng, cữ rượu thịt, cữ tà dâm (66) , cữ nói dối và cữ mọi sự sát sinh. Cứ như vậy trong một lần đến ba lần bảy ngày, thì thiện nam hay thiện nữ ấy, trong mộng, thấy rõ Địa Tạng đại sĩ hiện thân không biên cương, rưới nước trên đỉnh đầu của mình. Người ấy tỉnh mộng tức khắc thông minh, kinh điển đại thừa lướt qua thính giác là nhớ mãi, không còn quên mất dầu chỉ một câu đủ nghĩa hay một bài chỉnh cú.

Quan Thế Âm, trong vị lai, bao nhiêu người thiếu ăn thiếu mặc, ước nguyện không thỏa, bịnh tật đã nhiều, tai biến càng không ít, nhà cửa không yên, thân thuộc tan tác, mọi sự ngang trái phần nhiều cùng đến ngổ ngáo thân họ, chiêm bao cũng phần nhiều kinh hãi. Những người như vậy, nghe danh hiệu hay thấy hình tượng Địa Tạng đại sĩ mà hết lòng kính lễ và trì niệm đủ số vạn biến, thì bao nhiêu việc trái ý cực bụng đều tan biến dần đi, yên vui hiện ra, ăn mặc đầy đủ, đến nỗi chiêm bao cũng toàn an lạc.

Quan Thế Âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào vì việc làm ăn, vì nhiệm vụ công tư, vì việc sống chết, vì sự cấp bách, mà phải vào rừng núi hay vượt sông biển, gặp nước lớn hay qua đường hiểm, thì người ấy trước đó hãy trì niệm danh hiệu Điạ Tạng đại sĩ đủ số vạn lần, như vậy qua chỗ nào cũng được quỉ thần hộ vệ, đi đứng nằm ngồi đều được giữ cho yên mãi, dầu gặp phải cọp sói, sư tử, mọi thứ độc hại, cũng không thể tổn thương.

Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan Thế Âm, đối với châu Diêm phù này, Địa Tạng đại sĩ có sự liên hệ lớn lao, đến nỗi nếu nói đến mọi sự ích lợi mà chúng sinh thấy nghe về ngài, thì trong một kiếp cả trăm cả ngàn năm nói cũng không hết. Vì lý do ấy, Đại Bồ tát Quan Thế Âm, ông nên vận dụng thần lực mà truyền bá kinh này, cho người quốc độ Sa bà trăm ngàn vạn kiếp mãi mãi yên vui. Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn lại nói những lời chỉnh cú sau đây.

Như Lai quan sát
Thần lực Địa tạng,
thấy Hằng sa kiếp
nói cũng không cùng.
Thấy hình nghe tên
vị đại sĩ này,
chí thành chiêm bái
dầu chỉ một lúc,
vẫn được lợi ích
ở trong nhân loại
và trên chư Thiên
qua vô số việc.
*
Bất cứ nam nữ
hay là Thiên Long,
quả báo sắp hết
sắp sa đường dữ,
nhưng biết chí thành
qui y Đại sĩ,
thì thêm tuổi thọ
lại hết nghiệp dữ.
*
Từ nhỏ đã mất
cha mẹ thân nhân,
không biết nghiệp thức
sinh nơi chốn nào,
anh em chị em
cùng với cha mẹ,
lớn lên nghĩ đến
chẳng biết sinh đâu.
Thì hãy đắp vẽ
hình tượng Đại sĩ,
thiết tha chiêm bái
không chút lãng xao,
liên tiếp ba tuần
niệm hiệu đại sĩ,
Đại sĩ sẽ hiện
thân không biên cương,
chỉ cho biết chỗ
thân nhân sinh đến,
dầu sa đường dữ
cũng thoát được liền.
Nếu không thoái chuyển
thành tâm ban đầu,
thì được Đại sĩ
xoa đầu thọ ký.
*
Người nào muốn tu
Tuệ giác vô thượng,
muốn giải thoát cả
khổ đau ba cõi,
đã có tâm chí
đại từ bi ấy,
trước hãy chiêm bái
hình tượng Đại sĩ,
những chí nguyện này
thành tựu mau chóng,
bao nhiêu nghiệp chướng
hết còn cản trở.
*
Những người phát tâm
trì tụng kinh pháp
để cứu vớt người
vượt lên bờ giác;
tuy có chí nguyện
siêu việt như vậy,
nhưng học là quên
phần nhiều sót mất,
là vì nghiệp cũ
làm cho chướng ngại,
không thể nhớ thuộc
Kinh pháp Đại thừa.
Thì hãy hiến cúng
Địa Tạng đại sĩ
hương hoa y phục
ẩm thực ngọa cụ,
đặt trước Đại sĩ
chén nước trong sạch,
suốt một ngày đêm
cầu nguyện mà uống;
lòng phải cẩn trọng,
cữ năm vị tân,
cữ rượu cữ thịt
tà dâm vọng ngữ,
càng cữ sát sinh
suốt trong ba tuần,
chí thành trì niệm
danh hiệu đại sĩ,
tức thì mộng thấy
thân không biên cương,
tỉnh dậy liền được
thính giác sắc bén (67) ,
Kinh pháp Đại thừa
lướt qua thính giác,
là ngàn vạn kiếp
không bao giờ quên.
Thần lực siêu việt
của vị Đại sĩ
làm cho người này
được tuệ giác ấy.
*
Bao người nghèo nàn
mà lại bịnh tật,
nhà cửa suy bại
thân thuộc ly tan,
đến nỗi chiêm bao
cũng toàn kinh hoàng,
ước vọng trái ý
không chút thỏa dạ.
Thì hãy chí tâm
chiêm bái Đại sĩ,
hết thảy việc xấu
đều tan biến cả,
đến nỗi trong mộng
cũng toàn yên vui,
ăn mặc sung túc
quỉ thần hộ vệ.
*
Vào trong rừng núi
vượt qua biển cả,
cầm thú đã dữ
người còn dữ hơn,
thần dữ quỉ dữ
hợp với cuồng phong,
bao nhiêu gian nan
bao nhiêu nguy khốn.
Thì hãy trước đó
chiêm bái hiến cúng
Địa tạng đại sĩ
qua hình tượng ngài,
mọi sự dữ dội
ở trong rừng sâu
hay trong biển cả
biến mất hết thảy.
*
Quan Âm tịnh thánh,
hãy chú tâm ý
nghe Như lai nói,
Địa Tạng đại sĩ
có vô cùng tận
sự bất tư nghị.
Kiếp ngàn vạn năm
nói cũng không cùng
để tả thần lực
Địa Tạng đại sĩ.
Ai nghe danh hiệu
Địa Tạng đại sĩ,
ai thấy hình tượng
Địa Tạng đại sĩ,
mà biết trì niệm
và biết chiêm bái,
lại hiến hương hoa
y phục ẩm thực,
thì trăm ngàn kiếp
hưởng phước tuyệt diệu.
Nếu đem phước ấy
hiến cho tất cả,
cuối cùng làm Phật
siêu thoát sinh tử.
Vì vậy Quan Âm,
hãy nói rộng rãi
cho mọi quốc độ
biết được kinh này.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Phẩm 13

Thế Tôn Ký Thác

Khi ấy đức Thế tôn lại đưa cánh tay vàng xoa trên đỉnh đầu Địa Tạng đại sĩ mà bảo :
_ Địa Tạng, Địa Tạng ! thần lực của đại sĩ thật là siêu việt, từ bi của Đại sĩ thật là siêu việt, tuệ giác của Đại sĩ thật là siêu việt, hùng biện của Đại sĩ thật là siêu việt. Dầu chính mười phương chư Phật như lai tán dương và diễn đạt sự siêu việt của Đại sĩ trong một kiếp ngàn vạn năm cũng không thể cùng tận. Địa Tạng, Địa Tạng, Đại sĩ hãy nhớ, hôm nay, tại Đao lợi Thiên cung, trước đại hội gồm có các đức Phật đà, các Đại Bồ tát, cùng tám bộ Thiên Long, nhiều đến trăm ngàn vạn ức hai lần không thể nói hết, một lần nữa Như Lai đem nhân loại, chư Thiên và mọi loài khác, tất cả những người chưa thoát khỏi ba cõi mà vẫn còn ở trong nhà lửa, ký thác cho Đại sĩ. Đại sĩ đừng để họ sa vào đường dữ dầu chỉ một ngày đêm, huống chi để họ bị sa đến tận Vô gián A tỳ, nơi đủ cả năm sự không xen cách, và trải qua cái kiếp ngàn vạn ức năm, khó mong thoát khỏi.


Địa Tạng đại sĩ, người Diêm phù ý chí và tánh tình thật là bất định, phần nhiều làm ác. Giả sử tâm lý hiền lành có phát ra đi nữa thì phút chốc cũng biến mất, nhưng gặp điều kiện độc ác thì độc ác tăng lên ngay trong mỗi ý tưởng. Vì lý do ấy, Như Lai đã phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức (68) , tùy trình độ và tâm lý mọi người mà hóa độ cho họ. Địa Tạng đại sĩ, hôm nay Như Lai thiết tha đem họ ký thác cho Đại sĩ. Trong vị lai, người nào trong chư Thiên, hay thiện nam thiện nữ nào trong nhân loại, biết y theo giáo pháp của Như Lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành, thì điều lành ấy dầu chỉ bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hạt cát, một giọt nước, Đại sĩ cũng vận dụng thần lực mà nâng đỡ giữ gìn cho họ bước lần lên Tuệ giác vô thượng, đừng để lui mất. Hơn nữa, Địa Tạng đại sĩ, trong vị lai, hoặc chư Thiên, hoặc nhân loại, kẻ nào tùy theo nghiệp dữ mà sa vào đường dữ, khi sắp vào đó hay đã đến ngay đầu cửa rồi, kẻ ấy niệm được một danh hiệu Phật đà, một danh hiệu Bồ tát, hoặc nhớ được một câu đủ nghĩa hay một bài chỉnh cú của Kinh điển Đại thừa, thì Đại sĩ hãy vận dụng thần lực mà cứu họ, bằng cách hiện thân không biên cương ra ngay nơi chỗ của họ, phá nát Địa ngục cho họ sinh lên chư Thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Đức Thế tôn lại nói những lời chỉnh cú sau đây.

Trời người và các loài
trong hiện tại vị lai,
Như Lai lại thiết tha
đem ký thác Đại sĩ.
Đại sĩ dùng thần lực
phương tiện mà cứu độ,
đừng để họ sa lạc
vào trong các đường dữ.

Địa Tạng đại sĩ, lúc bấy giờ, quì gối, chắp tay mà thưa :
_ Bạch đức Thế tôn ! xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ. Trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của đức Thế tôn mà có một ý niệm tôn kính thôi, con cũng dùng trăm ngàn cách hóa độ cho họ siêu thoát sinh tử một cách mau chóng; huống chi nghe những việc lành của đức Thế tôn dạy mà thực tu trong từng ý nghĩ, thì những người ấy đối với Tuệ giác vô thượng tự nhiên được con hộ trì mà vĩnh viễn không còn thoái chuyển.

Địa Tạng đại sĩ nói lời ấy rồi, trong đại hội có một vị Bồ tát danh hiệu Hư Không Tạng, thưa rằng :
_ Bạch đức Thế tôn ! tại Đao Lợi Thiên cung này, từ lúc mới đến cho đến bây giờ, con được nghe đức Thế tôn xưng tụng thần lực của Địa Tạng đại sĩ thật là siêu việt. Bạch đức Thế tôn, như vậy, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, cho đến tám bộ Thiên Long, nghe được Kinh điển và danh hiệu của Địa Tạng đại sĩ, hoặc chiêm bái hình tượng của ngài thì được bao nhiêu phước ? Con thỉnh cầu đức Thế tôn vì bao kẻ trong vị lai, và ngay trong hiện tại, mà dạy một cách khái lược về cái phước ấy.

Đức Thế tôn dạy bồ tát Hư Không Tạng ;
_ Hãy nghe cho kỹ Như Lai sẽ phân tích về cái phước ấy. Trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, thấy được hình tượng hay nghe được Kinh điển của Địa Tạng đại sĩ mà biết trì tụng, hiến cúng hương hoa, ẩm thực, y phục, trân bảo, rồi xưng tụng, chiêm bái, thì được hai mươi tám ích lợi: một là Thiên chúng Long chúng hộ trì thương tưởng, hai là phước báo ngày càng thêm lên, ba là tập hợp nhân tố thánh thiện và thượng đẳng, bốn là Tuệ giác Bồ đề không còn thoái chuyển, năm là ăn mặc đầy đủ, sáu là tật bịnh và bịnh truyền nhiễm không đến với họ, bảy là không bị tai nạn về nước và lửa, tám là không bị tai nạn trộm cướp giặc giã, chín là ai thấy cũng khâm phục và tôn kính, mười là quỉ thần giúp đỡ giữ gìn, mười một là thân nữ nhân sẽ chuyển được thân nam tử, mười hai là sẽ làm con gái vương giả hay đại thần, mười ba là tướng mạo đẹp và đoan trang, mười bốn là phần nhiều sinh lên chư Thiên, mười lăm là hoặc làm quốc chúa, mười sáu là biết được đời trước, mười bảy là cầu gì cũng thỏa, mười tám là thân quyến yên vui, mười chín là tai họa ngang trái biến mất tất cả, hai mươi là thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài, hai mươi mốt là đi đâu cũng thông suốt, hai mươi hai là trong mộng cũng yên vui, hai mươi ba là gia tiên thoát khổ, hai mươi bốn là chỉ sinh ra bằng phước đức đã làm, hai mươi lăm là các vị Thánh giả đều xưng tụng, hai mươi sáu là thông minh lanh lợi, hai mươi bảy là giàu lòng từ bi, hai mươi tám là cứu cánh thành Phật.

Thêm nữa, Hư Không Tạng, hiện tại hay vị lai, tất cả Thiên Long Quỉ Thần, ai được niệm danh hiệu Địa Tạng đại sĩ, ai được lạy hình tượng Địa Tạng đại sĩ, hoặc nghe hạnh nguyện của Địa Tạng đại sĩ mà xưng tụng, chiêm ngưỡng và lễ bái, thì được bảy ích lợi: một là vượt lên địa vị Thánh giả một cách mau chóng, hai là nghiệp dữ tiêu tan, ba là chư Phật hộ trì, bốn là Tuệ giác Bồ đề không hề thoái chuyển, năm là tăng thêm năng lực đã có, sáu là biết được đời trước, bảy là cứu cánh thành Phật.

Lúc bấy giờ các đức Phật đà, các Đại Bồ tát, cùng tám bộ Thiên Long, số lượng đạt đến hai lần không thể nói hết, đã từ mười phương quốc độ hội đến Đao Lợi Thiên cung, nghe đức Thích Ca Mâu Ni thế tôn xưng tụng sự siêu việt về thần lực vĩ đại của Địa Tạng đại sĩ, ai cũng tán dương là việc chưa từng có. Đao Lợi chư Thiên tung rải như mưa bao nhiêu là hương hoa, y phục và chuỗi ngọc của chư Thiên, hiến cúng đức Thích Ca Mâu Ni Thế tôn và ngài Địa Tạng đại sĩ rồi, toàn thể đại hội, một lần nữa, cùng chiêm ngưỡng, lễ bái hay chắp tay mà cáo thoái.


HẾT
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
CHÚ THÍCH

Ghi Chú (1)

Bản dịch này đáng lẽ cũng chia kinh Địa tạng làm 2 cuốn như Chính 13/777-790, nhưng vẫn chia làm 3 cuốn như nguyên bản thường là để dễ thích ứng với thì gian trì tụng.

Ghi Chú (2)

Tạm dịch tên 23 định như sau: 1. định có thể phát ra trí giác, 2. định đầy đủ trí giác vô biên, 3. định đầy đủ trí giác trong sạch, 4. định đầy đủ trí giác hổ thẹn, 5. định đầy đủ trí giác các thừa, 6. định đầy đủ trí giác không lo, 7. định đầy đủ trí giác thần thông, 8. định soi khắp thế gian, 9. định đèn đuốc chư Phật, 10. định ánh sáng kim cương, 11. định trí giác khó phá, 12. định ánh sáng của điện, 13. định đầy đủ mùi vị hơn hết, 14. định đầy đủ tinh chất hơn hết, 15. định đầy đủ đồ dùng hơn hết, 16. định dẫn ra trí tuệ không cãi, 17. định dẫn ra phấn chấn hơn hết, 18. định dẫn ra ánh sáng đường đời, 19. định khéo ở kim cương hơn hết, 20. định dẫn ra quán sát tăng thượng, 21. định đầy đủ từ bi, 22. định dẫn ra phước đức, 23. định ánh sáng điện biển.

Ghi Chú (3)

Ngũ trược, hay ngũ trược ác thế, mà trong kinh Thập luân, ngài Huyền tráng đã dịch ngũ trược ác thời, là thời kỳ dữ dội đầy cả 5 thứ vẩn đục -- thời kỳ mà nói chung là kiếp trược (thời kỳ vẩn dục: thời kỳ dữ dội), vì có kiến trược (kiến thức vẩn đục: kiến thức sai lầm), có phiền não trược (tâm lý vẩn đục: tâm lý độc ác), có chúng sinh trược (con người vẩn đục: con người xấu kém), và có mạng trược (đời sống vẩn đục: đời sống ngắn ngủi). Giai đoạn ngũ trược thì dẫn đến giai đoạn tam tai, tức là 3 tai nạn đao binh, tật dịch, cơ cẩn (chiến tranh, nhiễm độc, nhân mãn). Sự dữ dội của tam tai thì cứ nhìn vào thế giới ngày nay cũng đủ thấy, không đợi phải tả lúc ấy con người thấy cái gì cũng là vũ khí, và một lá cỏ giết người còn hơn tất cả binh chủng toàn cõi Ấn độ xưa.

Ghi Chú (4)

Phải nói rõ vị thứ đối với mình của người mình cầu an cầu siêu cho. Nếu nhiều người cùng lúc lễ bái trì tụng thì chỉ bạch "Đệ tử chúng con nguyện cầu siêu cho những người quá vãng và cầu an cho những người hiện còn".

Ghi Chú (5)

Khuy cơ đại sư nói, khi giải thích chữ Phật trong câu "nhất thời Phật tại", rằng xét bản chữ Phạn của các kinh đều gọi đức bổn sư là Bạc dà phạn (Thế tôn). Đức Bổn sư dạy để chữ ấy vì chữ ấy gồm đủ các đức tính. Nhưng dịch chủ ý muốn vắn tắt nên để chữ Phật (Vạn 33/71B).

Ghi Chú (6)

Hai lần không thể nói hết là 1 trong những số rất nhiều.

Ghi Chú (7)

Thế giới hệ nghĩa là một hệ thống thế giới. Thế giới, quốc độ, hầu hết những chữ ấy tôi đã đổi ra chữ thế giới hệ, để mong hình dung nổi một thế giới của hóa thân Phật giáo hóa. Nên tạm đối chiếu thế giới hệ như vậy với các thiên hà trong thiên văn. Nhưng thế giới hệ chỉ là đại thiên thế giới (tam thiên đại thiên thế giới), chưa phải hoa tạng thế giới hay thế giới chủng.

Ghi Chú (8)

Chính văn bất khả tư nghị có khi để nguyên, có khi được dịch là siêu việt, có khi được dịch là không thể nghĩ bàn. Bất khả tư nghị có nghĩa là siêu việt tư duy và mô tả. Ở chỗ khác, từ ngữ này có khi chỉ cho thật tướng "ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt": chỉ cho Không. Nhưng ở kinh này thì từ ngữ này hầu hết chỉ có nghĩa siêu việt, vĩ đại, không thể nghĩ và nói cho thấu; có khi chỉ có nghĩa phi thường, đặc biệt, không thể nghĩ và nói một cách bình thường.

Ghi Chú (9)

Ánh sáng ngàn vạn ức sắc thái, chính văn là bách thiên vạn ức đại quang minh vân, dịch đủ là vầng mây ánh sáng rực rỡ đủ cả trăm ngàn vạn ức sắc thái. Ánh sáng ngàn vạn ức sắc thái là ánh sáng biểu thị vô số các pháp mà Phật có và muốn truyền đạt, tức đại viên mãn, v/v. Nhìn vào ánh sáng này, bực thượng căn nhìn ra và có được các pháp ấy. Thuyết pháp và nghe pháp như vậy là sắc trần thuyết pháp. Mà lục trần đều thuyết pháp cả. Nên thế giới Hương tích thuyết pháp bằng hơi thơm và đó là hương trần thuyết pháp. Phải coi thêm các chú thích 11 và 12 dưới đây.

Ghi Chú (10)

Không thể nói hết cũng là 1 số nhiều, sau số hai lần không thể nói hết.

Ghi Chú (11)

­ thanh đủ mọi sắc thái mầu nhiệm, chính văn là chủng chủng vi diệu chi âm, dịch sát là âm thanh đủ thứ mầu nhiệm. Âm thanh đây là tiếng. Chưa phải nói, chưa phải ngôn ngữ. Tức như tiếng Phật mở cửa tháp Đa bảo hay 2 tiếng dằng hắng và đàn chỉ trong Pháp hoa. Âm thanh đây có lúc cũng là nói, nhưng chỉ như Phật nói "Thiện lai tỷ kheo" (cách Phật truyền giới; người được nói với, nghe, là thành tỷ kheo). Âm thanh đủ sắc thái mầu nhiệm là âm thanh biểu thị vô số các pháp mà Phật có và muốn truyền đạt, tức lục độ, v/v. Các bậc thượng căn nghe âm thanh này là nghe ra và có được các pháp ấy. Thuyết pháp và nghe pháp như vậy là thanh trần thuyết pháp. Sau ánh sáng và âm thanh, Phật nói, chỉ là nói lại những gì 2 thứ ấy biểu thị, và nói cho những ai phải hiểu bằng lời nói. Lời nói cũng là thanh trần, nhưng sau âm thanh nhiều lắm, đến nỗi văn thân, danh thân và cú thân thì đã là bất tương ưng hành pháp.

Ghi Chú (12)

Ánh sáng và âm thanh mà Phật phóng xuất là vài thần lực của ngài, có tác dụng vừa biểu thị các pháp mà ngài muốn truyền đạt, vừa làm cho những người có cơ duyên đến dự pháp hội Phật tuyên thuyết về các pháp ấy - tức kinh này đây.

Ghi Chú (13)

Phi phi tưởng là Phi tưởng phi phi tưởng, nhưng gọi tắt là Phi phi tưởng lại chỉnh hơn.

Ghi Chú (14)

Kinh này hay dùng chữ đại sĩ đễ gọi đức Địa tạng. Bản dịch này dùng toàn chữ này thay hết những chữ khác nữa đã gọi ngài. Và chỉ ngài mới gọi bằng chữ đại sĩ.

Ghi Chú (15)

Tám bộ thiên long là 8 bộ loại: 1. Thiên: chư thiên, 2. Long: chúa thủy tộc, 3. Dạ xoa: quỉ thần phi hành không gian, 4. Càn thát bà: nhạc thần tấu nhạc thế tục của Đế thích, 5. A tu la: thần hay chiến đấu với Đế thích, 6. Ca lâu la: thần kim sí điểu, 7. Khẩn na la: ca thần tấu nhạc chánh pháp của Đế thích, 8. Ma hầu la dà: thần địa long. Tám bộ thiên long cũng gọi là 8 bộ, 8 bộ long thần, thiên long quỉ thần. Tám bộ này khác 8 bộ quỉ chúng của 4 Thiên vương thống lãnh. Trong 8 bộ, thiên và long linh nhất nên hay gọi là 8 bộ thiên long. Lại nữa, 8 bộ thiên long thường kèm theo từ ngữ ờnhân phi nhânở, có nghĩa tất cả 8 bộ khi đến Phật thì hiện thân người, nhưng gốc của họ không phải loài người, nên gọi là nhân phi nhân (người không phải người). Trường hợp nhân phi nhân có nghĩa nhân loại và loài khác, thì từ ngữ này cũng hay đi sau từ ngữ 8 bộ thiên long, nhưng loài khác là 8 bộ thiên long (và 8 bộ quỉ chúng).

Ghi Chú (16)

Thì gian lâu dài, chính văn là vĩnh. Vĩnh nghĩa là vĩnh viễn, lâu dài, rất lâu. Kinh này phần nhiều là 2 nghĩa sau.

Ghi Chú (17)

Sáu đường (lục đạo) là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh (thường gọi là 3 đường dữ) và trời, người, a tu la (trời và người thường gọi là đường lành). Sáu đường có khi thu lại 5 đường (ngũ đạo) thì a tu la gồm vào trong quỉ và trời. Đường, chính văn là đạo, có nghĩa những nẻo đường chúng sinh qua lại lên xuống; cũng gọi là thú, có nghĩa những hướng chúng sinh đi mau đến. Do đó, 6 đường có khi cũng dịch 6 loài.

Ghi Chú (18)

Trăm triệu, chính văn là na do tha, ngài La thập dịch là cai, ngài Khuy cơ giải là trăm triệu (Vạn 52/447B).

Ghi Chú (19)

Đọc thấy như thế này đừng nghĩ thành Phật rồi không còn độ sinh nữa. Trái lại. Thành Phật là để độ sinh, và độ sinh mới nhiều hơn. Nên chính đức Địa tạng cũng hiện thân Phật mà độ sinh (Chính 13/725). Như vậy, nói như trên đây về đại nguyện của đức Địa tạng chỉ là đề cao một đại nguyện đặc biệt của một vị đại sĩ độc đáo. Những cách nói sau này cũng vậy.

Ghi Chú (20)

Kiếp vô số là A tăng kỳ kiếp. A tăng kỳ là vô số (1 trong các số rất lớn). A tăng kỳ kiếp là thời kỳ dài vô số.

Ghi Chú (21)

Giáo pháp tương tự, chính văn là tượng pháp. Sự tồn tại của giáo pháp Phật có 3 thời kỳ: thời kỳ giáo pháp nguyên chất (chánh pháp, có sự giải thoát kiên cố), thời kỳ giáo tương tự (tượng pháp, có sự thiền định kiên cố) và thời kỳ giáo pháp cuối cùng (mạt pháp, chỉ có sự đấu tranh kiên cố). Hiện nay là thời kỳ giáo pháp cuối cùng của đức Bổn sư.

Ghi Chú (22)

Nghiệp thức, chính văn là hồn thần, 1 chữ có vẻ cố ý dùng cho phổ thông. Nhưng chữ ấy có những ý tưởng trái với Phật pháp. Chữ ấy đúng ra phải nói là nghiệp thức, tức di thục thức trong Duy thức học hay thức và hữu trong 12 duyên khởi, là trung hữu trong 4 hữu, nên phải đổi lại cho xác. Nghiệp thức là thức đã huân tập nghiệp một cách thành thục, nên ngay hiện tại mà đã hình thành nghiệp quả vị lai: đang là con người mà đã thấy sẽ là ông trời hay con vật (nghiệp quả vị lai ấy là sinh trong 12 duyên khởi).

Ghi Chú (23)

Diêm phù, nói giản dị, là thế giới loài người chúng ta đây.

Ghi Chú (24)

Nhân tố thánh thiện, hay nhân tố thánh thiện và thượng đẳng, là dịch những chữ thiện nhân, thánh nhân, thánh phần, thánh sự, thiện sự, thiện duyên, thánh thượng nhân. Những chữ này, ở kinh này, dầu gồm có chữ thánh cũng vẫn chưa phải chỉ cho nhân tố vô lâểu, mà chỉ là những việc thiện kinh này đề ra, quan trọng là niệm Phật, trì Kinh này, bố thí hiến cúng, không sát sinh ... Việc thiện như vậy là nhân tố sinh nhân thiên. Và sẽ trở thành nhân tố vô lậu nếu biết hồi hướng cho chúng sinh, nghĩa là làm cho nhân tố thánh thiện vượt lên (siêu thánh nhân) như Kinh này dạy rõ.

Ghi Chú (25)

Toàn là địa ngục, chính văn là thị giai địa ngục, thị, có bản chép đại: sai.

Ghi Chú (26)

Tuệ giác vô thượng, chính văn là A nậu đa la Tam miệu Tam Bồ đề, dịch ý là Vô Thượng Chánh Đẳng Giác: Tuệ giác biết đúng, biết khắp và biết hơn hết. Tuệ giác ấy là của Phật, và được gọi tắt là Vô Thượng Bồ Đề (Tuệ Giác Vô Thượng).

Ghi Chú (27)

Phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức là, theo kinh Phạm võng (Chính 24/997), Phật từ bản thân phân hóa một ngàn thân, một ngàn thân này mỗi thân phân hóa một trăm ức thân nữa. Như vậy ngàn trăm ức nghĩa là một ngàn và một ngàn lần trăm ức. Thân Phật trong lịch sử loài người là 1 trong số một ngàn lần trăm ức. Nhưng một ngàn và một ngàn lần trăm ức như vậy chỉ là nói Phật phân hóa thân Phật, chưa nói Phật phân hóa thân khác và phân hóa cảnh vật - là 2 sự phân hóa mà Kinh Địa Tạng này kể ra một số ở dưới. Phật nói chính ta cũng phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức, Phật ấy, đối với chúng ta thì chỉ là một trong số một ngàn lần trăm ức, nhưng đối với đức Địa Tạng thì ít nhất cũng là bản thân đã phân hóa ra ngàn trăm ức thân hình (như Phạn võng nói) lại phân hóa thân khác và phân hóa cảnh vật (như một phần nữa của kinh này nói).

Ghi Chú (28)

Bản in năm 2514 (1970) tôi đã chuyển văn một chút mà dịch: Hoặc hiện sông núi, bình nguyên, ao hồ, suối giếng, lợi ích tất cả, toàn là tác dụng hóa độ. Nay trích ra đây để làm cho câu này rõ nghĩa hơn. Về chữ bình nguyên, chính văn là nguyên, không nên cố hiểu như có bộ thủy rồi dịch là suối nguồn.

Ghi Chú (29)

Dịch sát: ... thì đại sĩ hãy nhớ, tại cung trời Đao lợi này ta đã thiết tha ký thác, mà làm cho chúng sinh thế giới hệ Sa bà trong quãng từ nay đến ngày Di Lặc Từ Tôn xuất thế, đều được giải thoát, xa hẳn mọi sự thống khổ, gặp Phật thọ ký cho.

Ghi Chú (30)
Đức Phật của mình, chính văn là kỳ Phật. Chữ kỳ Phật ấy là chữ duy nhất và rất đúng. Trong phần dẫn nhập, phẩm 1 đã nói thần lực tại cung Đao lợi có 1 phần không nói mà thấy rất rõ, đó là biến cung Đao Lợi vốn rất lớn và trang nghiêm càng lớn và trang nghiêm vô tận, trường hợp như Bồ đề tràng trong Hoa nghiêm. Đến phẩm này, khi nói "đức Thế tôn đưa cánh tay vàng xoa trên đỉnh đầu hết thảy thân hình của Địa Tạng đại sĩ đã phân hóa tại các thế giới hệ nhiều đến vô số con số vô số". Nói như vậy mà không thêm ít nhất là mấy chữ "bằng thần lực" vào trước hay sau mấy chữ đức Thế tôn, nhưng ta vẫn thấy thần lực ấy rất rõ. Đó là nói về Phật. Còn đức Địa Tạng thì nội một việc phân thân cũng đã thấy ngài là vị Pháp thân đại sĩ. Nên đức Phật của ngài, như trên, không phải chỉ là đức Phật chúng sinh thấy được.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
Ghi Chú (31)
Năm nghiệp dữ trong đoạn này nói, xét ra chính là 5 thứ mà các phẩm sau gọi là 5 tội sa vào Vô gián ngục, mặc dầu trong chi tiết thì nói cho người xuất gia nhiều hơn. Trong đoạn này chính văn có câu "thiên vạn ức kiếp" cần phải nói đến. Câu này không phải chỉ có trong đoạn này, mà Kinh này còn nhiều chỗ nữa cũng nói và có khi nói khác một chút. Câu này theo văn tự thường và thường hiểu là ngàn vạn ức kiếp. Ý nghĩa câu này thì ngoại trừ nói tổng quát, khoa dụ hay cảnh cáo, nói để biểu thị sự tối đa, còn có chỗ như đoạn này lại có ý nói đến đại kiếp. Nhưng sự sống lâu tại vô gián ngục, theo 2 ngài Khuy Cơ và Cát Tạng là các vị đáng học nhất, khi giải thích Pháp Hoa (phẩm Thí dụ) nói "nhập a tỳ ngục, cụ túc nhất kiếp" (Chính 9/15) thì kiếp ấy là tiểu kiếp (tiểu kiếp của ngài La Thập dịch là trung kiếp của ngài Huyền Trang dịch). Tham chiếu Vạn 42/401B và Vạn 52/410B và 411A. Do vậy, "thiên vạn ức kiếp" phải dịch một kiếp ngàn vạn ức năm (và ức kiếp nên dịch một kiếp có ức năm ...).

Ghi Chú (32)
Năm sự ấy nói ngay ở dưới. Nhưng nói tắt và xác hơn thì cái tên vô gián ngoài cái nghĩa của luận Câu xá nói chịu khổ một cách không có sự tạm ngừng hay không có sự vui xen vào, còn có cái nghĩa của luận Thành Thật nói đọa vào Vô gián ngục thì không có đời nào hay sát na nào xen cách vào. Nghĩa là đời này chết là đời sau đọa liền, không có đời nào xen cách; hơn nữa, sát na này chết là sát na sau đọa liền, không có sát na nào xen cách. Học lý này cho thấy đọa Vô gián ngục nặng ở chỗ không có cái thì gian 49 ngày để có thể làm phước cứu vớt hiệu quả hơn.

Ghi Chú (33)
Dịch sát: mọi Khương, rợ Hồ, các sắc tộc phương đông và các sắc tộc phương bắc. Tức là chỉ nói về mọi rợ. Nhưng ý thì ở đây rõ ràng phải nói cả mọi rợ và văn minh.

Ghi Chú (34)
Đã sẩy vào trong dòng nước có lưới rồi, thì dẫu có lúc tạm thoát ra khỏi lưới đi nữa, chính văn là thoát nhập tạm xuất (sẩy vào tạm thoát). Chữ sẩy khá giống từ ngữ bất giác vọng động. Không bản chính nào chép thoát hoặc tạm xuất (thảng hoặc tạm thoát). Với ví dụ này, kinh này nói giải thoát có 2: thoát đường dữ (thoát lưới) và thoát cả 5 đường luân hồi (thoát dòng nước). Đó là nói về quả. Nói về nhân thì ví dụ này cho thấy giải thoát là thoát thức tánh bất định (thoát dòng nước) và thoát hoàn cảnh chi phối (thoát lưới); hoặc cạn hơn, giải thoát là thoát nghiệp dữ (thoát lưới) và thoát hoàn cảnh chi phối (thoát dòng nước). Như vậy sự giải thoát kinh này tuy có 2: có sự thoát tạm và có sự thoát hẳn; nhưng sự thoát tạm (thoát lưới: thoát nghiệp dữ và đường dữ địa ngục) là cần kíp nhất và kinh này rất quan tâm.

Ghi Chú (35)
Đàn chỉ, thường cắt nghĩa là gảy móng tay, có nghĩa móng tay này gảy móng tay khác. Nhưng xét ra có lúc và có chỗ không ổn. Đàn là đánh, gõ, gảy; chỉ là ngón tay, không phải móng tay. Như vậy đàn chỉ là đánh hay gõ ngón tay vào vật khác (như gõ cửa) hay có nơi dùng 8 ngón tay của 2 bàn tay đánh vào nhau (gần như vỗ tay). Đàn chỉ như vậy thì đúng nhu cầu của Tăng luật. Còn đàn chỉ theo nghĩa tốc độ (như kinh này nói ở đây) thì cắt nghĩa thế nào cũng được.

Ghi Chú (36)
Y phục ở đây là vải lụa gấm vóc dùng làm khăn, đãy và hộp mà che phủ chứa đựng.

Ghi Chú (37)
Chính văn đủ thì có 3: tước, cáp (bồ câu) và uyên ương. Riêng tước, thường nói là chim sẻ, nhưng Địa Tạng khoa chú (Vạn 35/264A) nói là khổng tước (con công) : loại chim dâm bậy nhất.

Ghi Chú (38)
Kiến thức sai lầm, chính văn là tà kiến, cốt yếu chỉ cho các chủ thuyết phủ nhận nguyên lý nhân quả, nhất là nguyên lý nhân quả về thiện ác và nghiệp báo. Tà kiến là ác kiến: kiến thức độc hại. Chỗ không có Phật pháp, chính văn là biên địa: những địa phương biên thùy, nói rộng ra là những nơi không có Phật giáo hay tư tưởng Phật giáo. Tuy nhiên, tà kiến và quả báo tà kiến như thế này chưa đủ để diễn tả những chủ thuyết độc hại nhân loại hiện nay.

Ghi Chú (39)
Khổ báo hay phước báo đều có 3 giai đoạn. Ba giai đoạn của khổ báo: giai đoạn chịu trước, chịu ngay trong đời này hay đời kế tiếp; giai đoạn chính thức, chịu ngay trong đời kế tiếp hay các đời sau (trừ trường hợp sinh thân đọa địa ngục); giai đoạn còn thừa, chịu trong các đời sau. Xét những quả khổ được nói trong đoạn kinh này thì thấy phần nhiều giai đoạn chịu trước, cũng có thứ là giai đoạn còn thừa. Hai giai đoạn này hay giống nhau, và phần nhiều chịu trong loài người, còn giai đoạn chính thức thì toàn đọa 3 đường dữ mà khổ nhất là địa ngục.

Ghi Chú (40)
Bốn chúng là tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Bốn chúng còn là người (4 chúng trên), trời, rồng và thần (tức 8 bộ). Lại có pháp số 4 chúng nữa tuy không chính thức mà rất đáng chú ý. Là với một pháp thoại của Phật có 1. người phát khởi: người khơi động để Phật nói, 2. người đương cơ: những người đối tượng của pháp Phật nói, 3. người ảnh hưởng: những người làm trang trọng cho cuộc nói pháp ấy, 4. người kết duyên: những người kết duyên lành với pháp ấy để tương lai chứng ngộ.

Ghi Chú (41)
Dịch sát: không bằng lòng chịu thay. Nhưng nghĩa chính là bằng lòng chịu thay cũng không được.

Ghi Chú (42)
Vì tôi biết từ lâu, chính văn là ngô dĩ cửu tri. Chữ dĩ ở đây là vì, không phải chữ dĩ là đã như bản khác chép. Chép dĩ là đã thì thừa và non.

Ghi Chú (43)
Viên sắt có cạnh sắc gai nhọn, chính văn là tật lê. Tật lê phải viết bộ thảo, không phải bộ kim. Tật lê là vũ khí bằng sắt, làm giống trái tật lê, thứ trái có 3 cạnh 4 gai, tức là có nhiều cạnh sắc gai nhọn. Vũ khí này mắc vào một đầu giây xích. Người sử dụng móc tay vào đầu dây xích còn lại, rồi cánh tay giật tới giật lui với một tốc độ mau và mạnh, vũ khí tật lê vung tới vung lui làm cho nạn nhân khó né tránh cho khỏi. Vũ khí người học võ còn có cái gọi là tật lê chùy, quân khí cũng có thứ gọi là thiết tật lê.

Ghi Chú (44)
Lược bớt chữ nhân phi nhân, chỉ để ngắn gọn mà thôi.

Ghi Chú (45)
Đem lại lợi ích trong nhân loại và chư Thiên, chính văn là lợi ích Nhân Thiên. chính văn ấy tuy cũng có thể hiểu và dịch là lợi ích cho Nhân loại và chư Thiên, nhưng không chính xác với việc và ý bằng sự hiểu và dịch như đã dịch. Dịch như đã dịch, có nghĩa là đem lại sự yên vui tuyệt diệu (thắng diệu lạc mà ở đây gọi là lợi ích) cho nhân thiên và mọi loài (chính văn gọi là 6 đường chúng sinh). Thắng diệu lạc hay lợi ích như vậy tuy còn siêu việt lên nữa chứ không phải chỉ có ở trong phạm vi nhân thiên, nhưng phần chính vẫn là ở trong phạm vi ấy, nên gọi là "đem lại lợi ích trong Nhân loại và chư Thiên".

Ghi Chú (46)
Y phục gấm lụa: coi lại chú thích 36 .

Ghi Chú (47)
Không mọi bịnh hoạn, chính văn là vô chư tật bịnh. Có bản chép thiếu 4 chữ này : sai.

Ghi Chú (48)
Diễn tấu nhạc khí, chính văn là tác chư kỹ nhạc. Câu này có chỗ còn là biểu diễn kịch nghệ và hòa tấu nhạc khí. Dĩ nhiên kỹ nhạc ở đây là kỹ nhạc Phật giáo. Riêng chữ kỹ phải viết bộ thủ hay bộ nhân, nghĩa là kỹ thuật diễn tấu; không phải viết bộ nữ, có nghĩa là kỹ nữ.

Ghi Chú (49)
Lắm sự kinh hãi, chính văn là yểm mị. Mị là ngủ say. Yểm là bóng đè, ma đè, ác mộng, nói chung là những sự làm kinh hãi.

Ghi Chú (50)
Năm tội sa vào Vô gián ngục, chính văn là ngũ vô gián tội, còn được dịch là 5 nghiệp dữ vô gián hay dịch tắt hơn: 5 tội vô gián. Dịch thật rõ thì ngũ vô gián tội là 5 tội sa vào địa ngục có 5 sự không xen cách. Năm tội hay nghiệp dữ ấy, ở kinh này, là tội đã nói trong phẩm 3 (coi lại chú thích 31).

Ghi Chú (51)
Cử động, chính văn là cử chỉ, dịch đúng và đủ thì phải là hoạt động (cử) và đình chỉ (chỉ), có nghĩa làm hay ngưng gì của chúng ta cũng là tội lỗi nếu làm hay ngưng với dụng ý và hậu quả xấu.

Ghi Chú (52)
Một câu đủ nghĩa, chính văn và nhất cú. Nhất cú không phải là 1 câu, mà là 1 câu đủ nghĩa, như nói các pháp vô thường, chúng sinh có giác tánh, v/v. Còn 1 bài chỉnh cú, chính văn là nhất kệ. Kệ, mà dịch ý là tụng, có 2 loại chung và riêng. Loại riêng là thể văn chỉnh cú, 4 câu làm 1 kệ, mỗi câu có 3 đến 8 chữ. Loại chung là lối tính tổng số chữ : bất cứ thể văn chỉnh cú hay thể văn trường hàng, cứ đếm 8 chữ làm 1 câu, 4 câu làm 1 kệ, và mấy kệ là tổng số chữ của mỗi kinh luận. Nhất kệ (1 bài chỉnh cú) là chỉ cho cả 2 loại kệ ấy: chỉ cho bất cứ 4 câu liên tiếp nào thuộc thể văn chỉnh cú, hay chỉ cho bất cứ 32 chữ liên tiếp nào trong tổng số chữ.

Ghi Chú (53)
Phan cái, cái ở đây không phải lọng, dù, mà là bảo cái. Phan cái là bảo cái có mắc tràng phan.

Ghi Chú (54)
Ngay sau khi mới chết, chính văn là lai thế. Lai thế là đời sau. Nói người sắp chết hay chết rồi mà đời sau họ có nhân lành làm cho đời sau ấy sinh Nhân Thiên thì vô lý, nên có người đổi chữ lai thế mà dịch là đời trước: đời trước hay đời này họ có nhân lành để đời sau họ sinh Nhân Thiên. Nhưng sự việc ở đây là ngay sau khi mới chết, nhất là 49 ngày sau đó, thì gian này cũng thuộc về lai thế (đời sau) nhưng chỉ mở đầu lai thế ấy mà thôi. Và thì gian này người chết có thể có nhân lành do người khác làm cho: đó là điều kinh này khuyến khích và mới nói ở đoạn trên và trong nhiều chỗ khác. Người khác làm cho, người khác ấy là một phần thân nhân biết Phật pháp, là bạn tốt. Không những người khác làm cho, mà tự người chết, ngay sau khi mới chết, cũng có thể có nhân lành, như phẩm 13 nói, "... kẻ nào tùy theo nghiệp dữ mà sa vào đường dữ, khi sắp vào đó hay đã đến ngay đầu cửa rồi, kẻ ấy niệm được một danh hiệu Phật đà, một danh hiệu Bồ tát, hoặc nhớ được 1 câu đủ nghĩa hay 4 câu chỉnh cú của Kinh điển Đại thừa ..." Như vậy, ngay sau khi mới chết (cũng là lai thế mà chính văn nói), người chết vẫn có nhân lành do được làm cho hay tự làm lấy và nhân lành đó rất quan trọng đối với đời sau (lai thế) của người chết.

Ghi Chú (55)
Sát chính văn thì đoạn này phải dịch:... để cứu giúp họ, thì thọ trai chưa xong hay lúc sắp đặt trai soạn, nước gạo lá rau đừng đổ nơi đất; cho đến trai soạn chưa hiến cúng Phật Tăng thì đừng ăn trước ... Dịch sát như vậy thì vị trí mấy chữ "thọ trai chưa xong" không ổn. Nên phải chuyển văn mà dịch như đã dịch. Thêm nữa, xét những chữ tinh khiết, sạch sẽ, cẩn trọng, giữ gìn sạch sẽ ở dưới, thì đoạn này đáng lẽ nên hiểu và dịch "lúc sắp đặt trai soạn thì gạo nước rau lá đừng để dưới đất". Nay không dịch như vậy nhưng vẫn phải hiểu và làm như vậy. Tức là đồ thải ra không đổ xuống đất, mà đồ chưa làm hay đang làm không nên để dưới đất, dưới chỗ ngồi.

Ghi Chú (55b)
Điều này, và cọng với trước đây, cho thấy kinh Địa Tạng đề cao niệm Phật, không sát sinh, chu cấp người già người bịnh và sản phụ. Đó là sự đặc thù của kinh này về quan niệm phước đức.

Ghi Chú (56)
Khám thất là cái nhà làm theo hình cái khám thờ, tức như đền, miếu ... Nếu tách ra thì khám là khám thờ, thất là đền miếu thờ.

Ghi Chú (57)
Cung điện, như của chư Thiên mà thôi cũng đã có ánh sáng và di chuyển theo thân (cũng có ánh sáng).

Ghi Chú (58)
Đoạn này dịch như vậy là đối chiếu kỹ với chữ và việc dưới đây, nhất là sau đây. Dịch như vậy có nghĩa sự đem lại lợi ích trong nhân loại và chư Thiên chính là sự bất khả tư nghị, và sự làm cho nhân tố thánh thiện ấy siêu việt lên chính là sự chứng được Thập địa. Nên 4 sự mà thực ra chỉ có 2: sự ích lợi bất khả tư nghị, sự này là nhân tố thánh thiện; sự làm cho nhân tố thánh thiện ấy siêu việt lên để chứng được Thập địa. Hai sự như thế này tức như Phật dạy về sự bố thí và dạy cách hồi hướng sự bố thí ấy. Cả 2 sự này có cái căn bản và cứu cánh là Vô thượng Bồ đề. Rốt lại, sự ích lợi bất khả tư nghị là chính yếu, trong đó bao gồm sự biến thành nhân tố chứng được thập địa và không thoái chuyển Vô thượng Bồ đề. Chính sự diễn dịch qui nạp này cho thấy tại sao ở đây liệt ra 5 sự mà sau đây thì nói toàn là những sự ích lợi bất khả tư nghị. Nếu không làm như vậy mà chỉ dịch lấy có thì là "sự ích lợi nhân thiên, sự bất khả tư nghị, sự siêu việt nhân tố thánh thiện lên (không phải siêu việt lên trên nhân tố thánh thiện), sự chứng Thập địa, sự cứu cánh không thoái chuyển Vô thượng Bồ đề".

Ghi Chú (59)
Sát thì phải dịch: Vừa rồi lại được đức Thế tôn nói cho toàn thể đại chúng biết ngài muốn tán dương sự lợi ích của đức Địa Tạng. Nên con thỉnh cầu đức Thế tôn vì hết thảy chúng sinh trong hiện tại và vị lai mà tán dương sự bất khả tư nghị của đức Địa Tạng, làm cho 8 bộ Thiên Long chiêm lễ được phước. Dịch sát như vậy thì có sự trùng lặp, lại có sự ngược nhau. Nhưng vẫn dịch sát ra đây để thấy sự ích lợi của đức Địa Tạng chính là sự bất khả tư nghị của ngài. Vì vậy mà xuống ngay đoạn dưới, tự Phật nói rõ là sự lợi ích bất khả tư nghị.

Ghi Chú (60)
Chính văn là nhất chiêm nhất lễ, dịch sát là một nhìn một lạy. Nhưng đối chiếu với từ ngữ ấy ở đoạn sau đoạn này 1 đoạn thì thấy ý nghĩa là chuyên nhất trong sự chiêm lễ, nên phải dịch nhất tâm mà chiêm ngưỡng lễ bái.

Ghi Chú (61)
Chính văn là anh lạc, chữ ấy có trường hợp là chuỗi ngọc, nhưng ở đây là vòng hoa (dầu có thể là vòng hoa được làm bằng ngọc). Có một bản dịch Pháp hoa từ Phạn tự cho thấy như vậy.

Ghi Chú (62)
Có bản chép ít lời hơn, theo đó thì dịch: ... chiêm bái hình tượng Địa Tạng đại sĩ nên tức khắc tránh khỏi đường dữ; còn cha mẹ thân nhân của người ấy vốn có nghiệp lành đã sinh trong nhân loại hay chư Thiên hưởng sự yên vui tuyệt diệu, thì nhờ công đức trên mà tăng thêm cho nhân tố thánh thiện, sự yên vui họ đang hưởng cũng tăng thêm vô lượng ...

Ghi Chú (63)
Đoạn này tuy văn khí và văn ý thuộc về đoạn trên, nhưng rõ ràng và có thể tách ra làm 1 đoạn riêng, mà là 1 đoạn quan trọng cho những người chuyên trì niệm đức Địa Tạng.

Ghi Chú (64)
Chỉ dạy và chăm nom, chính văn là giáo thị. Thị ở đây là nhìn, coi sóc, chăm nom, không phải thị là chỉ, chỉ bày, chỉ dạy (cùng nghĩa với chữ giáo) như bản khác chép.

Ghi Chú (65)
Thiện nam hay thiện nữ ấy, chính văn là thiện nam nữ. Nữ, có bản chép tử: sai.

Ghi Chú (66)
Tà dâm có thể tổng quát làm 2 phần. Phần bản thân là thủ dâm, ý dâm, cho dâm. Phần với người hôn phối là hành dâm phi xứ (ngoài phòng ngủ) phi chi (Ngoài bộ phận sinh dục) phi lượng (dâm dục quá độ) và phi thời (lúc bịnh, thời kỳ mang thai, thời kỳ con bú, lúc trai giới, cầu nguyện, ngày vía). Cữ tà dâm ở đây là bản thân và phi thời, nghĩa là cữ dâm dục hoàn toàn. Đến như tà dâm là ngoại tình thì không cần phải nói.

Ghi Chú (67)
Thính giác sắc bén, chính văn là lợi nhĩ căn (thính giác sắc bén, nhĩ căn lanh lợi). Có bản chép lợi căn nhĩ (thính giác thuộc giác quan sắc bén, nhĩ căn thuộc lợi căn). Nghĩa như nhau.

Ghi Chú (68)
Ngàn trăm ức, chính văn là thiên bách ức, chép bách thiên ức: sai. Coi chú thích 27.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên