Ngày Tự Tứ: Thành Tâm Nhìn Lại Việc Mình Đã Làm

tt_chuyenphapluan

Ban Đại Biểu nhiệm kỳ III (2015-2016)
Quản trị viên
Phật tử
Tham gia
6 Thg 8 2010
Bài viết
1,020
Điểm tương tác
193
Điểm
63


Ngày Tự Tứ: Thành Tâm Nhìn Lại

Việc Mình Đã Làm
thumbnail.php


Nhân ngày tự tứ, là ngày phê bình và sám hối của các vị xuất gia trong kỳ an cư, chúng ta là người con Phật, dù là người đệ tử tại gia vào dịp quý báo nầy, hãy thành tâm sám hối để từ đó có được tịnh tâm mà hồi tưởng lại con đường hoằng pháp vô cùng cao quý, vô cùng vĩ đại không gì có thể so sánh được của Thế Tôn.
Trong suốt 45 năm hoằng pháp, từ lần thuyết pháp đầu tiên, đến những năm tuổi già sức yếu, cho đến những ngày sắp nhập Niết bàn vào năm 80 tuổi, Đức Phật vẫn ngày qua ngày, du hành đến khắp nơi chốn, từ các làng quê nghèo khổ thuộc vùng rừng núi, thảo nguyên với vực sâu, vách đá; đến các thị thành thuộc vùng bình nguyên sông nước mênh mông khó vượt.
Lục địa Ấn Độ khi xưa, đất đai vô cùng rộng lớn, trải rộng trên nhiều vĩ tuyến và kinh tuyến, điều kiện tư nhiên rất khắc nghiệt, mùa nắng thì nóng bức khô hạn nhiệt độ lên đến 40 độ C, mùa mưa thì lủ lụt triền miên, mùa đông những cơn gió từ dãy núi Hymalaya thổi về mang theo cái lạnh vô cùng buốt giá.

Trong hoạt động hoằng pháp, phương tiện di chuyển chủ yếu của Thế Tôn là đi bộ bởi việc khất thực từng nhà và kinh hành là những điều tu tập cơ bản thường ngày của vị xuất gia. Tuy là Bậc cao quý tối thượng trong muôn loài, là Bậc đã đắc Tam minh, với đầy đủ Nhất thiết trí và Thần thông, nhưng đôi chân Ngài vẫn bước đi trên những con đường mà vào thời ấy chắc hẳn là rất nhỏ hẹp, đầy đất đá, buội mù, bùn lầy nước đọng, hai bên đường thường là rừng cây nhiệt đới rậm rạp, là nơi trú ẩn của rất nhiều loài côn trùng và thú dữ.

Chỉ tại các nước, hay vùng thị tứ trù phú mới có hệ thống đường giao thông phát triển, việc du hành rất khó nhọc, lại mất nhiều thời gian do từ làng nầy đến làng kia, từ thị trấn nầy đến thị trấn nọ cách nhau rất xa.
Do Thế Tôn có dáng đi của một Tượng vương, vừa oai nghi vừa thong thả, nên việc hành cước nhiều khi phải mất nhiều tháng trời mới đến nơi được.

Trên bước đường thuyết pháp độ sinh, hàng đêm Thế Tôn vẫn theo thường lệ, dừng chân an nghỉ tại tại các nơi chốn thật đơn sơ giản dị, lều tranh mái cỏ, gốc cây, hang đá chốn tùng lâm . . . Ngài chỉ cư ngụ trong các tịnh xá mái lá tại vùng ngoại ô, hay ven các khu rừng vào mùa an cư.

Như thường lệ, cứ vào mỗi bưổi sáng, Thế Tôn vẫn tự mình thực hiện hạnh khất thực từng nhà với ba y một bình bát tại các thôn làng hay thị thành, đến trưa trở về dưới gốc cây dùng bửa theo hạnh nhất tọa thực với đồ ăn thức uống thô sơ đạm bạc, nhận được gì ăn nấy.

Trên quãng đường hoằng pháp xa xôi vạn dặm, cơ cực, gian khổ, nhiều nguy hiểm ấy, không phải lúc nào bậc Đạo sư và các đệ tử đều được hoan nghênh, có người từ chối bố thí thức ăn, nước uống, thậm chí buông lời khiếm nhã.

Với lòng từ bi vô hạn, với lòng thương tưởng vì lợi ích, vì hạnh phúc và sự an lạc của chư thiên và loài người, Thế Tôn đã khéo dùng biết bao phương tiện, biết bao công sức, ròng rã suốt 45 năm trời, chỉ với mục đích duy nhất là giúp tất cả chúng sinh, thuộc đủ mọi giai cấp, mọi thành phần, trong đủ mọi loài thoát khỏi cảnh khổ đau, thoát khỏi sầu bi khổ ưu não.
Nhân ngày tự tứ, là ngày phê bình và sám hối của các vị xuất gia trong kỳ an cư, chúng ta là người con Phật, dù là người đệ tử tại gia vào dịp quý báo nầy, hãy thành tâm sám hối để từ đó có được tịnh tâm mà hồi tưởng lại con đường hoằng pháp vô cùng cao quý, vô cùng vĩ đại không gì có thể so sánh được của Thế Tôn.


Đức Phật là Bậc tối thượng trong những Bậc tối thượng, siêu việt nhất trong các Bậc siêu việt; Giáo pháp của Ngài là tối thắng trong tất cả thắng pháp nơi cõi trời và người.

Thế nhưng con đường thuyết pháp của Thế Tôn lại nhân bản nhất trong những giá trị nhân bản; nhân từ, từ ái nhất trong những phẩm chất nhân từ, từ ái; vĩ đại nhất trong những gì vĩ đại, và lại luôn dể hiểu, luôn giản dị, luôn gần gủi, luôn có ý nghĩa và mục đích xuyên suốt và nhất quán; luôn mang lại lợi ích thiết thực có thể thấy được ngay trong hiện tại, luôn mang lại sự an lạc, hạnh phúc không những có giá trị bền vững trong cuộc sống đời thường mà trong đó nhằm luôn hướng đến mục đích cao thượng, mục đích giải thoát cao quý nhất.
Không những đối với hàng vương giả cao sang mà chí đến tất cả hạng người bình dân tận cùng nghèo khổ đều được hưởng Pháp lạc này.

Dõi theo Con đường Hoằng pháp quá đổi cao quý, quá đổi vĩ đại trên đã khiến chúng ta bổng dưng bồi hồi xúc động trong tâm khởi lên niềm tôn kính không sao tả xiết, rồi tự bên trong, chúng ta khởi lên sự hổ thẹn với chính mình, với những người quanh mình, chúng ta thật đáng trách quá, chúng ta có nhiều sai lầm quá, chúng ta đã quá xa rời chính pháp, đã đi quá xa rồi, rất xa những lời dạy dỗ mà trong suốt 80 năm ròng rả liên tục không ngừng nghỉ, Thế Tôn đã dùng biết bao phương cách, đủ mọi phương tiện giảng dạy để chúng ta hiểu và hành trì, chỉ với mục đích duy nhất vì lòng thương yêu, mong sao cho chúng ta không còn khổ nữa hay ít nhất để chúng ta thật sự được vơi đi nổi khổ nơi thế gian này.

Nghĩ đến đây tự dưng chúng ta rơi lệ, chúng ta xấu hổ quá, chúng ta hư hỏng quá, chúng ta hối hận, mặc cảm quá, đau buồn quá. Rồi chỉ khi chúng ta thật sự bình tâm, thật sự chân thật, thật sự chân thành để khởi lòng thành kính hướng về Tam bảo, chúng ta như thấy Thế Tôn tuy đã nhập diệt từ lâu rồi, nhưng giờ đây như đang hiện hữu giữa nhân gian, như đang hiện hữu trước chúng ta.

Đến bây giờ chúng ta mới nhận ra rằng không phải chỉ nhiều, rất nhiều kinh điển, hay thật nhiều bài luận giảng bác học, triết lý cao siêu mới là Chính pháp mà con đường hoằng pháp của Bậc Đạo Sư cũng là Chính pháp để chúng ta noi theo, để chúng ta ra sức gìn giữ, ra sức thừa tự với một lòng, một dạ son sắt. Từ đó kiên trì nỗ lực thực hiện những gì đúng với Chính pháp, đúng với truyền thống cao thượng đã được Thế Tôn, Đấng được thế gian tôn kính, vị Thầy của tất cả cõi trời và người, vì lòng thương yêu vô bờ bến tất cả chúng sinh đã giảng dạy và chế định cho chúng ta, để đời sống chúng ta trong những năm tháng còn lại trên cõi đời này không khỏi hoang phí, để cơ hội vô cùng hãn hữu, vô cùng hy hữu của con Rùa mù không bị uồng phí.


Giờ đây chúng ta tự làm mới mình, kham nhẫn trước nghiệp duyên quá khứ, kiên trì đứng vững trước cám dỗ vi tế, khôn lường trong hiện tại mà nỗ lực, chuyên cần, tinh tấn, tinh cần thực hiện đời sống Phạm hạnh, có như thế chúng ta mới là tấm gương, mới là hình mẫu, và là nguồn cảm hứng mang đến sự khích lệ, sự sách tấn, an ủi, phấn khởi, an lạc bền vững cho chính mình, cho những người thân trong gia đình, cho bạn bè, cho những người quen biết và những người không quen biết, bởi họ đang tin tưởng, đang dõi theo, để tìm sự nương tựa nơi chúng ta, và hơn hết góp phần nào đó dù là nhỏ nhoi vào sự tồn tại và phát triển Phật pháp vốn có nhiều biến chuyển trước áp lực của sự phát triển kinh tế xã hội trong thời gian vừa qua.

Đức Phật có lòng thương tưởng không những đối với những ai hiện đang đạt được những tiến bộ, những thành tựu trong quá trình tu tập, thực hiện lý tưởng của đời mình, mà còn đối với tất cả những ai đã và đang vấp phải những lổi lầm từ cuộc sống hiện tại vốn có quá nhiều cám dổ trình rập, từ những chướng ngại tùy miên, và từ những nghịch cảnh do nhân xấu trong quá khứ, Ngài luôn thương yêu, luôn tha thứ cho những lỗi lầm của ta. Chúng ta phải thật thành thật nhận ra lỗi lầm của mình và chân thành mong muốn được sự chấp nhận, từ đó quyết tâm phòng hộ trong tương lai để không tái phạm nữa.

Trong kinh Trung Bộ II, Tôn giả Bhaddali dù được Thế Tôn khuyên giải, vẫn không chấp hành các học giới do Thê Tôn chế định và bỏ đi trong suốt thời gian dài. Sau đó nghe theo lời khuyên của các vị Tỷ-kheo khác, Ngài hối lỗi, đi đến đảnh lễ Thế Tôn và thưa như sau:


Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp nhận học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm để có thể phòng hộ trong tương lai
Trước sự ăn năn hối hận nhận ra lỗi lầm trên, Đức Phật đã giảng dạy cho Ngài Bhaddali về những tác hại của sự không thực hành trọn vẹn các học giới trong giáo pháp của bậc Đạo Sư. Thế Tôn là Bậc Thế gian giải, là Bậc cao quý tối thượng trong tất cả chư Thiên và loài người, ngay cả những vị A-la-hán đã giải thoát, các vị đã chứng Tuệ giải thoát, các vị Thân chứng, Kiến đáo . . . Tùy pháp hành . . . Tùy tín hành, các Ngài luôn hân hoan, luôn hoan hỷ mong muốn được phục vụ Thế Tôn, các vị ấy sẳn sàng làm cầu cho thế Tôn bước lên để đi qua vũng bùn, trong khi lúc ấy, Tôn giả Bhaddali lại không tuân theo lời dạy, trống không, rỗng không, phạm lỗi lầm. Tuy vậy, với lòng từ bi vô hạn, sau khi phân tích, giảng giải với những ví dụ cụ thể trên, Thế Tôn nói với Tôn giả Bhaddali rằng:

Này Bhaddali, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt Ông, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. trong khi chúng Tỷ-kheo chấp nhận học giới đã được Ta chế định, Ông đã tuyên bố sự bất lực của Ông. Này Bhaddali, nếu sau khi Ông thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, và như pháp phát lộ, chúng ta sẽ chấp nhận cho Ông. Vì rằng này Bhaddali, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật của bậc Thánh, nghĩa là bất cứ ai, sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, phải như pháp phát lộ và phòng hộ trong tương lai
Không những thế, nhân dịp này Thế Tôn dạy: Các học giới do Thế Tôn chế định là nền tảng quyết định kết quả của tất cả pháp môn tu tập khác, ví như nếu như có vị Tỷ-kheo không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp của bậc Đạo Sư thì dù cho vị ấy tu tập pháp môn nào đi nữa đều bị thất bại do bậc Đạo Sư quở trách, các vị đồng Phạm hạnh có trí quở trách, chư Thiên quở trách, tự mình quở trách mình.


Nếu có vị nào đã phạm tội nhưng hãy còn một ít lòng tin, với một ít lòng thương, thì các vị khác khi kết tội, đừng để cho chút lòng tin, chút lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt. Như một người chỉ có một con mắt, các thân hữu bà con huyết thống bảo vệ con mắt ấy, không để bị đoạn diệt.

Chư Hiền, các Tỷ-kheo này còn sống (trong tăng chúng) với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, chúng ta hãy đừng để cho chút lòng tin, chút lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt

Chúng ta hãy rống tiếng rống sư tử với chính ta, dũng mãnh mà chân thành nhìn lại mình, nhìn lại trong thời gian qua, chúng ta có sống theo đúng lời dạy của Thế Tôn chưa, điều gì đã thực hiện được, điều gì chưa thực hiện được, do đâu? bởi nguyên nhân gì? Để sau đó thành tâm sám hối mà quyết tâm nổ lực hơn nữa!
Nếu chúng ta có chính tín, có lý tưởng, nếu chúng ta có ý chí kiên định trước sau như một, không để bị chi phối trước các xu thế xã hội đầy tham dục mà đôi khi các tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng nhân bản bị đảo ngược, để vững bước trên con đường mình đã chọn thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được lý tưởng.
Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử, có lòng tin giáo pháp bậc Đạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời giáo pháp bậc Đạo sư được hưng thịnh được nhiều sinh lực.
Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử, có lòng tin giáo pháp bậc Đạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, thời tùy pháp này được khởi lên:

Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, {Dầu không có học vị nào cả, dầu không có chức vụ, danh vị nào cả, dầu không có chúng đệ tử nào cả, dầu không quen biết đại thí chủ, tiểu thí chủ nào cả, dầu không có đều kiện làm công tác xã hội nào cả, dầu không có tác phẩm được in ấn xuất bản nào cả, dầu không cư ngụ trong trú xứ chốn thị thành, hay có nơi ở to lớn hiện đại nào cả, dầu không có tiện nghi sinh hoạt tối tân, xinh đẹp, đắt tiền nào cả. . . } mong rằng sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu nhẫn nại, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng.
Này các Tỷ-kheo, đối với một đệ tử, có lòng tin giáo pháp bậc Đạo sư và sống thể nhập giáo pháp ấy, vị ấy sẽ chứng một trong hai quả sau: Chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả bất hoàn
” (Kinh Kitagiri)

Sơ lược về các điều kiện tu tập xưa và nay:

1/ Nơi ở:

1.1.Khi xưa:

- Tại các vùng hẻo lánh không gian tĩnh lặng, xa chốn thị thành, thuộc vùng thảo nguyên, rừng núi;
- Tại các thôn làng vùng quê, ngoại ô các thị thành, hay ven các khu rừng thuộc gần thành thị.

1.2. Hôm nay:
- Tại các vùng tập trung dân cư ở thôn quê, xã, huyện
- Tại các chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt, dân cư đông đúc. Đầy đủ tiện nghi giải trí, văn minh hiện đại.
2/ Chỗ ở:

2.1.Khi xưa:

- Trong hang đá, ngoài trời trong nghĩa trang, dưới gốc cây, đống rơm, . . .
- Trong thảo am chỉ đủ cho một người, cất trên núi, ven rừng hay trong tịnh xá .

2.2. Hôm nay:
- Nhà cấp bốn, nhà phố, chung cư, căn hộ cao cấp, biệt thự,
- Tịnh xá, giảng đường, chùa, thiền viện, viện, đại tự viện . . . máy quạt, máy lạnh, máy nước nóng, trang trí đèn hoa rực rở . . . có ít hay nhiều tầng, đủ chổ cho hàng trăm hay nhiều ngàn người
3/ Đi lại:

3.1.Khi xưa:

- Đi bộ
- Đường giao thông rất nghèo nàn, thô sơ, hiểm trở, lệ thuộc vào thiên nhiên
- Môi trường thiên nhiên hoang dã, nhiều hiểm nguy về cướp bóc, thú dữ, bệnh tật

3.2. Hôm nay:
- Đi xe gắn máy, xe ô tô máy lạnh, xe lửa, tàu thủy, máy bay
- Giao thông thuận lợi, rút ngắn khoảng cách về địa lý
- An ninh xã hội bảo đảm, các nguy hiểm trong tự nhiên rất ít.
4/ Độ nhật:

4.1.Khi xưa:

- Đi khất thực từng nhà
- Thọ thực cúng dường tại nhà gia chủ
- Dân cư thưa thớt, kinh tế chưa phát triển, đời sống nông dân còn thiếu thốn nhiều, việc bố thí lương thực bị hạn chế nên có gì ăn nấy, trừ 3 loại thịt.

4.2. Hôm nay:
- Thọ thực tại tịnh xá, giảng đường, chùa, thiền viện, viện . . .
- Tại nhà thí chủ
- Tại tiệm cơm, nhà hàng máy lạnh
- Kinh tế phát triển, đời sống người dân đầy đủ, các thí chủ đóng góp tịnh tài, vật thực có khi rất lớn.
5/ Thức ăn, thức uống:

5.1.Khi xưa:

- Không phân biệt loại thức ăn, trừ 3 loại thịt
- Chứa chung các loại thức ăn trong bình bát
- Một ngày chỉ ăn một buổi, vào giửa trưa, quán tam tướng. . . khi ăn
- Khi nhận cúng dường tại nhà gia chủ thuyết pháp cho thí chủ
- Hầu như chỉ có một loại đồ uống là nước lả, thường là nước ao hồ, sông suối

5.2.Hôm nay:
- Phân biệt thức ăn chay và mặn
- Rất nhiều chủng loại thức ăn, nhập từ nhiều nước, nhiều loại thức ăn chay có tên, hình dáng và mùi vị nhân tạo rất giống thức ăn mặn.
- Rất nhiều đồ dùng, chén bát, trang trí đủ kiểu
- Thường phân biệt mặn lạt, nóng nguội, ngon dở, ít nhiều, rẻ đắt . . .
- Rất nhiều loại đồ uống: bia, rượu, trà, cà phê, nước tinh khiết, nước rau quả . . .
6/ Y phục, đồ dùng:

6.1. Khi xưa: Mỗi người chỉ có 3 y ( y dưới, y trên, y ngoài ), y làm bằng:

- Phấn tảo y ( y rách nát, nhặt được do người khác vứt bỏ )
- Y may bằng nhiều mảnh nhỏ, vải củ rách hay thô xấu
- Y chỉ có một màu đất
- Y mặc chừa trống vai phải
- Không đội mủ, nón, găng tay
- Thường không mang dép trừ trường hợp bị bệnh
- Bình bát
- Tọa cụ
- Đồ lọc nước, kim khâu

6.2. Hôm nay: Cá nhân có nhiều bộ y phục làm bằng:
- Rất nhiều loại vải sợi
- Rất nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc
- Luôn ủi là tươm tất
- Đội mủ, nón; mang găng tay, giày, dép, kính mát, điện thoại di động, xe máy, ô tô. . . với nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc.
7/ Tiện nghi sinh hoạt giải trí, học tập, làm việc:

7.1. Khi xưa:

- Không có tiện nghi sinh hoạt giải trí
- Có nhiều thời gian để chuyên tu tập, giúp người khác tu tập (do không phải lo việc cất giử tài sản, tiền bạc, quản lý hành chánh, xây dựng . . . nên thời gian trong ngày chủ yếu dành cho tu tập và khích lệ người khác tu tập: khất thực, thiền định, đi kinh hành, thăm viếng đàm luận, khích lệ, an ủi, thuyết pháp, . . . thời gian ăn nghỉ, ngủ rất hạn chế)
- Không có kinh sách
- Không có ảnh tượng (Hiện nay, có rất nhiều và to lớn),
- Không có nhiều lễ hội với đủ loại lễ vật, nhang đèn, hương hoa nghi ngút
- Không có hòm công đức nơi chánh điện
- Không trường lớp, bàn ghế, vi tính. Chỉ có giảng đường mái lá.
- Không bằng cấp, học vị
- không nhiều chức vụ, quyền hạn, quyền lợi
- Tự thuyết giảng cho thính chúng hay luôn sẳn sàng hoan hỷ vui vẻ thuyết giảng, giải đáp khi có người cần tham vấn, thậm chí cật vấn, tranh luận. Không phân biệt ngoại đạo, giai cấp, thành phần, địa vị, giàu nghèo.
7.2. Hôm nay:

- Có nhiều tiện nghi sinh hoạt, giải trí
- Có ít thời gian để chuyên tu tập ( Do phải kiêm nhiệm việc cất giữ tài sản, tiền bạc, tài khoản, bằng khen, quản lý hành chánh, xây dựng, thi cử, sáng tác, công tác xã hội . . .)
- Có nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học, thư viện (rất nhiều kinh sách, báo, tạp chí, phim ảnh. . .) vi tính, internet . . .
- Có nhiều loại bằng cấp, học vị, học bổng trong nước và ngoài nước ( Cấp độ chức vụ, học vị đôi khi được xem tương đương với cấp độ đạo hạnh ?)
- Rất nhiều chức vụ, nhiều cấp bậc với nhiều quyền hạn, quyền lợi, nhiều người phục vụ
- Có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc làm công tác xã hội
- . . . . . . . . . . . .
8. Y tế:

8.1. Khi xưa:

- Chỉ dùng thuốc từ thảo dược
- Điều kiện chăm sóc y tế còn đơn sơ.
- Tuổi thọ thấp

8.2. Hôm nay:
- Nhiều loại thuốc phòng trị bệnh, thuốc bổ dưỡng .
- Điều kiện chăm sóc y tế phát triển
- Tuổi thọ cao

Qua sự đối chiếu sơ lược trên, có thể nhận thấy việc tu học hôm nay có nhiều thuận lợi hơn khi xưa rất nhiều, điều kiện và phương tiện để tu tập phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết.

Theo sự phát triển chung, các điều kiện tu tập cần có sự thay đổi so với các điều kiện khi xưa để thích ứng với xã hội hiện nay, không những về mặt vật chất mà còn về tâm sinh lý hữu tình nữa. Tất cả nhằm mục đích tu tập và hóa độ, trên cầu đạo Bồ đề dưới giáo hóa chúng sanh đạt kết quả tốt nhất.
Thiển nghĩ những phương tiện, tiện nghi, và các thành tựu về vật chất và tinh thần của thế kỹ 21 cần được thu dụng có chọn lọc để mang lại lợi ích cho việc tu tập và hoằng pháp nhưng điều cốt yếu là phải đúng Chính pháp và ít nhất là giữ vững giá trị, phẩm chất của người con Phật, mà tất yếu có được những tính chất cao quý riêng để không bị đồng hóa, lẫn lộn với người thế tục.


Tâm sinh lý của con người hiện nay dù có nhiều biến đổi so với khi xưa, nhưng điều cơ bản tồn tại trong tâm hồn vẫn là tham sân si. Do xã hội và con người có nhiều thay đổi về lượng và chất, nên theo quy luật cần có thêm những học giới để giúp các Phật tử phòng hộ có hiệu quả. Nếu không có bổ sung các quy định, nội quy mới, thì cần phải nghiêm trì các giới luật cơ bản đã có.

Còn nếu như đi ngược lại, không cần phải bổ sung, hay cần đổi mới hoặc giản lược đi, để chỉ cần thọ trì một số ít học giới do bậc Đạo sư chế định, thì có thể đi đến kết luận rằng: Hầu như tất cả Phật tử hiện nay đều là những vị có phẩm hạnh cao thượng, giới đức trang nghiêm, có phẩm tính cao quý thượng thừa, vô công dụng hạnh.
Này, Bhaddali, khi nào một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong tăng chúng, khi ấy bậc Đạo sư vẫn không chế định một học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy.

Và này Bhaddali, ở đây, chỉ khi nào một số hữu lậu pháp hiện khởi trong tăng chúng, chỉ khi ấy bậc Đạo sư mới chế định một học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy . . .
Và này Bhaddali, chỉ khi nào tăng chúng đã được lớn mạnh (lớn mạnh về số lượng), thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong tăng chúng, khi ấy Bậc Đạo sư mới chế định học giới cho các đệ tử để để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy.

Thuở xưa, thời Đức Phật có rất nhiều vị Tỷ-kheo, Tỷ-Kheo-Ni đắc A-La-Hán, các vị ấy thuộc nhiều thành phần, nhiều giai cấp, trong đó có nhiều vị thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội thời bấy giờ. Do bị ràng buộc bởi đời sống thế tục, nên người cư sỹ gặp nhiều khó khăn trên con đường tu học, tuy vậy vẫn có nhiều vị đắc A-La-Hán. Tăng Chi Bộ Kinh ghi lại, có đến 21 vị gia chủ trở thành A-La-Hán mà chưa hề xuất gia làm Tỳ-Kheo.

Trong khoản thời gian nhiều thế kỷ qua, các kinh sách chưa ghi lại nhiều trường hợp đắc quả A-La-Hán và Bồ Tát. Có thể do các vị đắc đạo sau này không muốn cho người khác biết đến, hay có thể quần chúng thời bấy giờ không có khả năng nhận biết. Nếu không kể đến những trường hợp nầy, có thể con số các vị A-La-hán và Bồ Tát chắc hẳn là không nhiều.

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, lúc xưa các học giới ít hơn, nhưng các Tỳ-Kheo ngộ nhập tri kiến nhiều hơn. Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, duyên gì, ngày nay các học giới nhiều hơn, nhưng các Tỳ-Kheo chứng nhập tri kiến ít hơn “ (Kinh Trung Bộ 2, trang 228)
Mùa Vu Lan 2010
Nguyên Nghĩa
Sách tham khảo:
- Kinh Trung Bộ, HT Thích Minh Châu, 1992

- Đức Phật Lịch sử, Trần Phương Lan, 2000

- www.phattuvietnam.net
- www.daophatngaynay.com
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên