Nghĩ đến Công ơn Tương quan

Bạch Vân Nhi

Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (thán
Phật tử
Tham gia
27 Tháng 5 2009
Bài viết
2,518
Điểm tương tác
888
Điểm
113
Địa chỉ
CANADA
[NEN="http://giaoluututuong.com/trangchu/picture.php?albumid=12&pictureid=4012"]
Nghĩ đến Công ơn Tương quan

tamthienha_1.jpg


Ta hiện hữu là hiện hữu với Cha Mẹ, với Thầy, với bạn. Ta hiện hữu là hiện hữu với con người, với muôn loài và với thiên nhiên. Không có Cha Mẹ ta, thì sẽ không bao giờ có ta. Nên, ta phải luôn nghĩ đến sự hiện hữu của Cha và Mẹ ta. Phải nhìn sâu vào sự sống của ta để luôn nghĩ đến công ơn của Cha Mẹ. Khi ta nhìn sâu vào để thấy công ơn của Cha Mẹ đối với ta, thì ta sẽ toát ra được chất liệu hiếu kính.
Nếu chúng ta không có chánh niệm tỉnh giác để nhìn sâu và thấy rõ được những công ơn to lớn đó, thì ta sẽ không có được sự hiếu kính, hoặc nếu có, thì cũng không phải là sự hiếu kính đích thực. Ta chỉ có sự hiếu kính đích thực, khi nào ta có chánh niệm tỉnh giác.
Nhìn bàn tay của ta, nhìn trái tim của ta, nhìn tâm hồn của ta và ta thấy được trong tất cả các yếu tố đó đều có mặt của Cha Mẹ ta. Và khi ta thấy được rằng, trong số hiện hữu của mình luôn luôn có Cha Mẹ, thì đó là sự hiện hữu có gốc rễ và mình sẽ không cảm thấy bị lạc loài. Đây là điểm hết sức quan trọng, khi thế kỷ 21 này, người ta có khuynh hướng làm ra những con người nhân tạo.
Và khi những con người nhân tạo bằng máy bắt đầu xuất hiện trên trái đất chúng ta, thì trái đất chúng ta sẽ có một thảm họa và thế giới con người sẽ là một thảm họa, bởi vì những con người được “sinh ra” bởi thai nhân tạo sẽ không biết được Cha Mẹ nó ở đâu, nó không có gốc rễ. Khi đã không có gốc rễ, nó sẽ hành động theo thú tính hoàn toàn. Nó sẽ hành động theo cảm giác bơ vơ, lạc lõng như một loài không có gốc rễ và đó là cái nguy hiểm cho thế giới con người.
Các nhà đạo đức, các học giả trên thế giới vẫn đang còn tranh cãi nhiều về vấn đề này. Người ta giả tưởng rằng, khi mà thế giới con người ra đời bằng bào thai nhân tạo, người ta vẫn chưa tưởng tượng ra được thế giới con người lúc đó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn rằng, nó sẽ thấp kém hơn, sẽ bi đát hơn thế giới con người chúng ta đang có mặt. Bởi vì sao?
Bởi vì trong sự tương quan, khi chúng ta nói một em bé mà em bé đó không nghe, thì chúng ta có thể nói với Cha Mẹ nó, với cô dì chú bác, hoặc có thể với ông bà nội, Ông Bà ngoại của nó... Nhưng, nếu một đứa bé được sinh ra từ bào thai nhân tạo, khi nó hư hỏng mình sẽ nói với ai? Một con người có chánh niệm tỉnh giác, mình sẽ rất vinh dự khi thấy rằng, mình có mặt là bởi vì Cha Mẹ mình đã có mặt, và Cha Mẹ đã luôn luôn có mặt ở trong mình. Dù đang ở Sài Gòn hay Hà Nội, có ở Mỹ hay Pháp, chỉ cần nhìn bàn tay của mình trong chánh niệm, mình sẽ tiếp xúc được với cội rễ của mình và từ đó cảm giác cô đơn của những người con tha hương sẽ không có cơ hội trỗi dậy.

Chúng ta đi những bước đi là không những đi cho chúng ta, hay đi cho cá nhân ta, mà là đi cho Cha Mẹ mình. Cha Mẹ mình có an toàn hay không, là tùy thuộc vào bước chân an toàn của chính mình. Mình cười, và thở cũng là cười và thở cho Cha Mẹ mình. Ngay cả mình học, mình đỗ đạt, cũng chính là học và đỗ đạt cho Cha Mẹ mình. Kỳ thi Đại học vừa qua, có những em bị rớt không vào đại học được, trong gia đình Cha Mẹ buồn thiu như là nhà có đám vậy, và dọn cơm ra không ai ăn được cả. Rõ ràng là chúng ta đâu phải học cho cá nhân mình, mà là học cho Cha Mẹ, cho anh em mình. Người đệ tử Phật nhìn sâu vào sự hiện hữu của mình, sẽ nhận ra rằng, mình luôn luôn hiện hữu với Cha Mẹ, với anh chị em, với bạn bè mình. Khi nghe bạn mình thi rớt, chúng ta cũng ăn không được. Rõ ràng, mình đâu chỉ học cho riêng mình, mà còn học cho bạn mình.

Ta hiện hữu là hiện hữu với Thầy của mình, trong mình có Thầy. Nếu mình có những hành xử sơ suất, thì không những mình bị thiệt hại, đau khổ mà Thầy mình cũng buồn, cũng đau khổ. Có một vị Thầy ở trong Đà Nẵng cách đây ba tuần ra Huế thăm tôi, thăm quý Thầy ở Từ Hiếu và sau đó Thầy đó bày tỏ lòng biết ơn đối với hội đồng giáo thọ tại tổ đình Từ Hiếu, đã chăm sóc người học trò của vị đó một cách rất là chu đáo. Sau thời gian ở đây, người học trò của vị đó đã trở về lại trú xứ và đã hướng dẫn cho Phật tử tu tập rất có hiệu quả. Như vậy, mình tu không phải chỉ là tu cho mình, mà còn tu cho Thầy mình; mình học không phải chỉ đem lại vinh quang cho bản thân mình, mà còn đem lại vinh quang cho Thầy mình, cho những người đồng cảm với mình. Trong mỗi động tác đều có Cha Mẹ, có Thầy, có bạn của mình. Nếu động tác của mình sơ suất, xuống hố, thì Thầy của mình cũng rơi xuống hố, Cha Mẹ của mình cũng sẽ rơi xuống hố, và bạn bè mình cũng vậy. Nếu động tác của mình thăng tiến, thì mình thăng tiến, Cha Mẹ mình thăng tiến, Thầy mình cũng thăng tiến và bạn bè mình cũng thăng tiến. Khi có chánh niệm tỉnh giác, mình thấy được như vậy, thì trong từng giây phút mình đi đâu, ở đâu cũng có Cha Mẹ, có Thầy, có bạn bè ở trong mình. Nếu mình không có chánh niệm tỉnh giác, thì mình sẽ không thể biết ơn Cha Mẹ, biết ơn Thầy, bạn một cách sâu sắc được. Nhìn kỹ, mình sẽ thấy trong mình là hiện hữu của tất cả hết thảy mọi người.

Chúng ta ăn cơm chánh niệm, chúng ta phải thấy những thực phẩm mà chúng ta khất thực là từ tâm hồn của những người dâng cúng, mỗi người, mỗi kiến thức để nấu và chế tác ra món ăn, rồi đem món ăn đó về quần tụ ở nơi một đạo tràng tu học, và đặt những thực phẩm vào những vị trí đã được quy định. Và chúng ta cùng đi khất thực, chúng ta đã tiếp xúc được rất nhiều món ăn ở trong một bữa ăn, và rất nhiều món ăn trong một bát cơm.
Bát cơm mình ăn, đâu phải chỉ là của mình, mà còn có bác nông dân ở trong, có chị bán cải, có bác thợ rèn, v.v... Nếu không có bác thợ rèn, mình không thể nào gọt và cắt cho đàng hoàng được. Có người làm đậu khuôn, có chị làm chả, có anh làm nấm, có người xay gạo, người giã gạo, người nấu cơm, có ông giám đốc và nhân viên nhà máy đèn, nhà máy nước, có những nhà sản xuất chén bát, có giám đốc và nhân viên ngân hàng, v.v...
Cho nên, chúng ta phải thấy bát cơm của ta ăn là một bát cơm được tạo ra từ một trường đại học bách khoa thực tiễn của đời sống. Nên, nhìn sâu vào một bát cơm bằng tuệ giác, ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và rất sung sướng. Ăn một miếng cơm mà có mặt của nhiều người như vậy, nếu mình ăn với một lòng tham, ăn mà lật đật, thì làm sao xứng đáng! Thường thường mình hay phụ bạc nhau một cách rất là ghê gớm, nếu không có chánh niệm tỉnh giác trong khi ăn.

Chúng ta thử nghiệm mà xem! Mẹ ở nhà lặt rau muống, nấu cơm, nấu canh... rồi dọn lên sẵn trên bàn cho mình; vợ hay chị mình nấu cơm, nấu canh, làm thành những thực phẩm của một bữa ăn, rồi dọn sẵn lên bàn ăn cho mình bằng tất cả tấm lòng, nhưng khi ta đi làm việc về đến nhà, ta ăn, rồi chê mặn, chê lạt, hoặc chỉ lùa lùa ba miếng cho xong chuyện, rồi lại xem tivi, xem đá bóng. Ta sống và ăn như vậy, thì đời sống của ta quả thật là phụ bạc và vô vị! Tại sao mẹ, vợ, chị mình đã thương và lo cho mình những thực phẩm để ăn như vậy, mà mình không ngồi vào bàn để mà ăn cho đàng hoàng và sâu sắc, để mà thấy tâm hồn của Mẹ mình, của vợ và của chị ở trong tô canh, ở trong bát cơm? Con người ăn mà không biết giá trị của cái ăn và những gì đã tạo nên cho cái ăn ấy, đó là con người gì? Khi con người đã coi thường ân nghĩa của chính Cha Mẹ mình, của những người thương yêu mình, thì người đó sẽ là người như thế nào ở trong cõi người? Ông triết gia Tây phương E. Fromm nói thế kỷ 20 là thế kỷ mà con người đã chết. Đã chết là vậy đó! Chết từ trong tâm hồn của mình, chết từ trong bữa ăn của gia đình mình, chết từ trong dòng họ của mình, và chết từ trong cuộc sống của mình.

Thực tập chánh niệm tỉnh giác là lấy lại chủ quyền của con người trong đời sống hằng ngày của mình, để trong đời sống hằng ngày của con người, khi nào cũng có mặt của Cha Mẹ, của thầy, của bạn bè, những người thương yêu của mình, đồng loại của mình, và đâu phải chỉ là đồng loại mà là cả muôn loài. Ta không thấy thực vật, nó luôn có mặt trong bữa ăn của mình đó sao! Khi một thực vật được hoàn thành để trở thành thức ăn, thì không biết bao nhiêu loài chúng sinh đã chết trong thực vật đó, để cho mình ăn. Bao nhiêu con sâu đã phải hy sinh thân mạng của chúng bởi một xị thuốc rầy, để mình có được một miếng rau tươi!

Cho nên, nếu ăn một miếng cơm mà có chánh niệm tỉnh giác, thì mỗi miếng cơm là một niềm hạnh phúc lớn, chứ không phải đến lúc ăn no mới hạnh phúc. Khi đưa muỗng cơm chạm vào trong miệng mình, đó là một hạnh phúc lớn, một cảm giác kỳ lạ trong đời sống của chính mình. Hạnh phúc lớn là ở đó, chứ không phải hạnh phúc là ở nơi miếng thịt, nơi ly bia, ly rượu. Chúng ta có thể ăn ít cũng được, nhưng mà phải ăn cho sâu sắc.
Với chất liệu chánh niệm tỉnh giác này, dù trải qua bao thời đại, người đệ tử Phật không bao giờ là kẻ phản bội. Họ ở trong gia đình, thì họ xây dựng gia đình tốt đẹp; họ ra giữa làng xã, thì họ xây dựng làng xã tốt đẹp; họ ở trong quốc gia nào, thì họ sẽ xây dựng quốc gia đó trở thành tốt đẹp. Vì một vị đệ tử Phật có chánh niệm tỉnh giác, vị ấy biết rất rõ rằng, đối với đời sống, ta nên làm gì và không nên làm gì. Nên, vị ấy sống ở đâu thì họ làm đẹp ở đó và có sự hòa bình ở đó. Điều đó là điều mà lịch sử loài người đã xác chứng.

Những giáo hữu Kitô họ nói rằng: “Thà mất nước không thà mất Chúa ”. Nghĩa là nước sẵn sàng để cho mất, nhưng mà Chúa sẽ không để cho mất. Còn trong đạo Phật, người Phật tử nói: “Thà mất nước không thà mất hạnh ”. Bởi vì hạnh là nếp sống, là văn hóa, đạo đức, là chánh niệm tỉnh giác, là tuệ quán minh triệt, là niềm tin sáng trong, thuần tịnh. Mình mất nước mà còn có chánh niệm tỉnh giác, còn giữ được nếp sống, còn có niềm tin trong sáng và thuần tịnh, thì mình còn có cơ hội phục hồi lại đất nước. Nếu nước chưa mất mà hạnh đã mất, chánh niệm tỉnh giác không còn, niềm tin bị phá sản, thì coi như nước cũng đã mất. Hạnh của người đệ tử Phật là gì? Là hành, là nếp sống. Mà nếp sống của người đệ tử Phật là nếp sống có chánh niệm tỉnh giác, có quán chiếu minh triệt, có niềm tin sáng trong thuần tịnh. Trong chánh niệm, vừa có giới, tức là niềm tin đạo đức. Trong chánh niệm, vừa có định, tức là sự vững chãi. Và trong chánh niệm, vừa có tuệ, tức là sự quán chiếu sâu sắc, sự hiểu biết minh triệt. Chính những cái đó tạo ra cái hạnh của người đệ tử Phật.
Trong đời sống của một con người, có khi thăng, khi trầm, khi tán, khi tụ, khi buồn, khi vui. Đời sống của một gia đình cũng vậy, khi thăng, khi trầm, khi tán, khi tụ, khi buồn, khi vui. Giàu đó rồi nghèo đó, vinh đó, rồi nhục đó, phú quý đó, rồi cơ hàn đó, đoàn tụ đó rồi phân ly đó. Mình nhìn kỹ, thì gia đình nào cũng có tình trạng như vậy hết, nhưng mà gia đình có chất liệu đệ tử của Phật, thì khi giàu mình cũng có chánh niệm tỉnh giác, khi nghèo mình cũng có chánh niệm tỉnh giác, khi vinh cũng như khi nhục, luôn giữ được chất liệu chánh niệm tỉnh giác. Nếu mình mất chánh niệm tỉnh giác, mất niềm tin trong sáng, trong đời sống hằng ngày, thì người đệ tử Phật xem như là mất hạnh, mất nết, mất nếp sống của mình. Và khi nếp sống của mình đã mất, thì mình không còn có cơ hội gì để gọi là biết ân Thầy, bạn, Cha Mẹ, mọi người. Mà đã không biết ân, thì làm sao bảo vệ? Có biết ân cha mẹ, mình mới bảo vệ thanh danh của Cha Mẹ mình. Có biết ơn Thầy, mình mới bảo vệ danh tiết của Thầy, mình mới đi theo cái khí tiết của Thầy mình. Có biết ân bạn bè, thì mình mới sống có nghĩa. Có biết ân quê hương xứ sở, thì mình mới bảo vệ quê hương. Có biết ơn con người, thì mình mới chăm sóc, mới trân trọng quyền sống của con người.

Chúng ta thấy ân nghĩa, hiếu kính, quyền sống, cũng đều từ nơi chánh niệm tỉnh giác mà ra cả. Nếu không có chánh niệm tỉnh giác, thì không có tuệ, và không có tuệ thì đâu có thấy được sự liên hệ giữa mình và người. Giới định tuệ là chất liệu xuyên suốt trong mọi lãnh vực, trong mọi hành xử của người đệ tử Phật mà chánh niệm tỉnh giác cần phải thực tập miên mật để giới định tuệ luôn luôn sống động và hiện tiền.
Đám mây ở trên trời không có liên quan gì đến mình ở dưới đất này hết. Nghĩ như vậy và nói như vậy, tức là không có chánh niệm tỉnh giác. Đám mây ở trên trời nó vẫn có liên quan chặt chẽ với mình. Giả như đám mây đó bị nhiễm độc, và một trận mưa rơi xuống, thì liệu ở dưới này mình có thảnh thơi được hay không? Nếu đám mây bị vẩn đục, nó đi vào trong không khí, vào trong nước mưa, nó rơi xuống, thì cả thế gian này đều lãnh sẹo hết. Nếu có dịp, chúng ta đi về biển, ngắm mặt trăng, ngắm sóng biển, chúng ta sẽ thấy được sự liên hệ rất là chặt chẽ của chúng. Khi mặt trăng lên là nước biển lên, và nước biển lên như là nó đùa giỡn với mặt trăng vậy. Nó đẹp đến thế ! Với con mắt của phàm tục, con mắt thiếu chánh niệm tỉnh giác, thì mình sẽ thấy mặt trăng và sóng biển không có liên hệ gì với nhau cả. Khi ta có chánh niệm tỉnh giác, thì ta nhìn cái gì cũng vui, đi đâu mình cũng có bạn cả, mặt trời là bạn mình, đám mây bạc là bạn mình, núi xanh là bạn mình, con đường, đám hoa dại, con còng bò trên bãi cát cũng đều là bạn mình, v.v... Vậy thì có gì mà ta lại sợ cô đơn! Lẽ đương nhiên chúng ta phải thực tập để có được chất liệu chánh niệm tỉnh giác, có chất liệu của tuệ quán minh triệt trong đời sống hằng ngày, để niềm tin sáng trong của chúng ta có thể khởi sinh từ chất liệu thực tập ấy, khiến chúng ta có thể cảm nhận được rằng: “Sự sống là tất cả ”.

Thích Thái Hòa
Nguồn: Thư viện Cổ Pháp





[/NEN]
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

tanphuqm

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
27 Thg 10 2006
Bài viết
1,775
Điểm tương tác
90
Điểm
48
PHỤC HỒI MỘT XÃ HỘI HIẾU THẢO

Nếu có lòng hiếu, chúng ta dễ dàng nhận ra thân thể này là do cha mẹ và nhiều yếu tố khác mà thành, sống được đến ngày nay là nhờ cha mẹ. Làm bất cứ điều gì đối với thân thể này, chúng ta phải tự nghĩ cha mẹ có bằng lòng không, có buồn khổ không. Thành thử, trao thân dễ dàng, phá hoại thân thể dễ dàng (như sử dụng ma túy, tham gia đua xe…), hay tự tử là những hành vi bất hiếu là vì vậy.


Lòng hiếu là tình thương, sự kính mến và biết ơn đối với cha mẹ, những người đã sanh ra và nuôi dưỡng giáo dục mình. Lòng hiếu luôn luôn được đề cao trong nhân loại, nhất là ở trong những truyền thống phương Đông. Nó là một phẩm tính quan trọng của nhân cách. Đến độ, nếu biết anh, chị là người có hiếu, tôi có thể kết luận ngay anh, chị là người tốt, hiền thiện và có hạnh phúc.

phapvo.jpg



Chúng ta trích hai đoạn trong Kinh Tăng Chi Bộ:

“Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường, những gia đình ấy được xem là giống Phạm thiên. Những gia đình nào cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường, những gia đình ấy được xem là giống như các bậc đạo sư thời xưa, giống như chư Thiên, giống như những bậc đáng được cúng dường. Này các Tỳ kheo, Phạm thiên, các bậc đạo sư thời xưa, chư Thiên, những bậc đáng được cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì sao thế ? Vì cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dạy và dẫn dắt các con vào cuộc đời này”.

“Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được, đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm như vậy suốt đời, vừa xoa bóp hầu hạ, và dù cha mẹ có khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện trên đó, cũng chưa đủ đền ơn cha mẹ”.


Nhưng tiếc thay, ngày nay với một thế giới được vật chất hóa thay vì thiêng liêng hóa, đồ vật hóa thay vì giá trị hóa, lượng số hóa thay vì nhân tính hóa… phần đông chúng ta đọc Nhị thập tứ hiếu của Khổng giáo thì cảm thấy e dè, sợ sệt, thậm chí cho là kỳ dị, điên rồ. Chúng ta đã mất một thế giới thiêng liêng của tình cha con, tình mẹ con để thay vào đó một thế giới trần trụi với những ý niệm hời hợt vì bị hiểu sai: dân chủ, tự do, nữ quyền, bình đẳng…


Sau đây chúng ta sẽ đối diện với vài phản biện, vài nạn vấn về lòng hiếu của thời đại ngày nay.


Mắc gì tôi phải có hiếu với cha mẹ, tôi chỉ “sòng phẳng” thôi. Khi cha mẹ ăn ngủ với nhau, có nghĩ đến tôi ra đời đâu. Có khi cha mẹ còn sử dụng biện pháp tránh thai ngừa thai đối với tôi. Thậm chí như ở Trung Quốc, nếu tôi là đứa con thứ ba hay con gái, tôi sẽ bị “trục” ra ngoài.


Vâng, lòng hiếu đã mất không chỉ vì con cái, mà còn vì cả cha mẹ.


Ngày xưa, cha mẹ khi ăn ngủ với nhau, không chỉ nghĩ đến lạc thú của mình mà còn nghĩ đến con cái, dòng họ, trời đất. Họ còn coi cả ngày tốt ngày xấu, ngày kiêng kỵ… Con cái đã có trong lòng cha mẹ từ thuở mới lấy nhau. Cũng từ đó, có cả việc dạy con từ khi còn trong bụng mẹ.

Vâng, cha mẹ có thể “vô tình”, không đủ văn minh, không đủ hiểu biết khi bắt đầu có tôi. Và dù tôi có mặt ở đời này một cách vô tình đi nữa, thì sự mang nặng đẻ đau, nuôi tôi bú mớm, và sự chăm sóc cũng đủ để tôi mang ơn suốt đời.


Rồi ai thức đêm, cho tôi từng ngụm sữa, làm vệ sinh cho tôi, ai xanh mặt khi tôi té, ai cõng tôi tất tả chạy đón xe khi tôi phải vào bệnh viện, ai mua cho tôi từng tập vở, gọt cho từng cây bút chì, ai lo cho tôi thi cử, ai cho tôi những lời khuyên nhủ khi tôi chọn bạn đời? Cho đến khi già, bạc tóc, dù tôi có ở hạng thấp nhất hay có địa vị cao nhất trong xã hội, tôi vẫn là đứa con của cha mẹ đấy thôi.



Chúng ta luôn luôn là con của cha mẹ suốt cuộc đời trần thế này. Mỗi người, nếu không ai có thể kể hết về cuộc đời mình, thì cũng không ai có thể kể hết những gì cha mẹ đã làm cho mình, kể hết những gì mình đã có với cha mẹ. Bởi vì cha mẹ luôn luôn đứng bên cạnh hay sau lưng mình, cho tới khi ông bà ra khỏi cuộc đời này, cho tới khi chính chúng ta ra khỏi cuộc đời này.

Nhưng cũng có người nói, khi tôi lớn lên, tôi thấy có những khác biệt, những xung khắc, tôi thấy rất nhiều những giới hạn, những khuyết điểm, những lỗi lầm của cha mẹ. Hình ảnh của cha mẹ không còn đẹp đẽ, lý tưởng như ngày tôi còn nhỏ nữa. Người nào có được những bậc cha mẹ là hình ảnh lý tưởng suốt đời cho con cái hẳn là những người rất có phước.


Ngày nay, có rất nhiều cái thử thách lòng hiếu của chúng ta. Chẳng hạn, xã hội ngày nay cha mẹ dễ ly dị hơn, nếu một người mất, người kia dễ dàng bước thêm bước nữa. Rồi như ngày xưa, vì có hiếu với cha tôi, nhưng cha anh giết cha tôi, tôi phải trả thù.


Chính trước những thử thách đầy dẫy này, chúng ta mới thấy lòng hiếu của Phật giáo có khác biệt với lòng hiếu Khổng giáo, bởi vì lòng hiếu Phật giáo nằm trong một lòng từ bi bao la hơn. Cha mẹ tôi có nhiều khuyết điểm, không thể thoát khỏi những hoàn cảnh ngặt nghèo của số phận, thì nếu có lòng từ bi, tôi vẫn giữ được lòng hiếu, thậm chí đậm đà thêm.



Những giới hạn, những khuyết điểm lỗi lầm của cha mẹ - vì cha mẹ cũng chỉ là con người, là chúng sanh - khi được nhìn với lòng từ bi sẽ không làm mất mát lòng hiếu của tôi đối với họ. Bởi vì lòng hiếu chính là lòng từ bi được cục bộ hóa trong phạm vi cha mẹ, gia đình. Lòng hiếu mà không biết cội nguồn của nó là lòng từ bi sẽ trở thành cố chấp, đáng sợ.

Nếu tôi biết thương kính cha mẹ tôi, tôi sẽ biết thương kính cha mẹ người khác. Nếu tôi có hiếu với cha mẹ tôi, dần dần tôi sẽ có hiếu với cha mẹ người khác. Hiếu là căn cứ để mở rộng lòng từ bi.


Không thể nói hết về lòng hiếu chỉ trong một bài ngắn. Ở đây chúng ta bàn đến sự bảo vệ của lòng hiếu đối với mỗi người.


Có những người chỉ vì nóng giận mà giết người. Nếu họ nghĩ đến ngày ra trước tòa án với đôi mắt cha mẹ đứng sau, họ đã không dám nóng giận đến như vậy. Lòng hiếu là không làm cho cha mẹ buồn khổ vì mình, chỉ riêng điều đó đã tránh cho chúng ta biết bao tội lỗi. Nếu biết nghĩ đến cha mẹ mình và cha mẹ người khác, có lẽ tội lỗi sẽ không có trên cuộc đời này nữa.


Và các thanh niên, nếu họ nghĩ đến cha mẹ mình và cha mẹ người khác, sẽ không có một số người cổ vũ cho “sống thử”, “tự do tình dục”... Không chỉ trong vấn đề tình dục, mà còn rất nhiều vấn đề làm hại đến thân thể chúng ta: ma túy, nhậu nhẹt, đua xe...


Chúng ta không có quyền “tự do” sử dụng thân thể ta tùy thích, vì thân thể này không hoàn toàn là của chúng ta. Thân thể này không do chúng ta tự sinh ra nên chúng ta không có quyền làm gì tùy ý. Nếu có lòng hiếu, chúng ta dễ dàng nhận ra thân thể này là do cha mẹ mà có, sống được đến ngày nay là nhờ cha mẹ. Làm bất cứ điều gì đối với thân thể này chúng ta phải tự nghĩ cha mẹ có bằng lòng không, có buồn khổ không.


Thành thử, trao thân dễ dàng, phá hoại thân thể dễ dàng (như ma túy, đua xe...), hay tự tử là những hành vi bất hiếu là vì vậy. Trái lại, làm cho thân tâm này càng ngày càng thêm tốt đẹp, sáng sủa là cách báo hiếu hiệu quả nhất, cao quý nhất mà chúng ta có thể làm để đền đáp đối với cha mẹ.

Lòng hiếu là căn bản để anh em hòa thuận, có được hòa khí trong gia đình.

Rộng ra ngoài xã hội, nếu tôi có hiếu với dân chúng, tôi sẽ không tham nhũng, cửa quyền, ép bức để lấy lợi riêng cho mình. Người lãnh đạo cao minh là người có hiếu với dân chúng như các vua Lý, vua Trần….. Nếu tôi có hiếu với những người khác, tôi sẽ làm cho họ được thỏa mãn, an vui.


Hướng thượng hơn nữa, nếu tôi muốn khi chết được về cõi Tây phương Tịnh độ, thì tôi phải có hiếu với Phật A Di Đà. Nếu tôi muốn khi chết được về cõi trời Đâu Suất, tôi phải có hiếu với Phật Di Lặc tương lai.


Ngày nay, một thành ngữ thời thượng là “tạo ra sự khác biệt”. Đông phương có lòng hiếu để tạo ra sự khác biệt với Tây phương. Lòng hiếu là một sức mạnh căn bản để chữa lành những vết thương xã hội của thế giới hiện nay. Phục hồi được lòng hiếu, một phương diện đặc thù, gần gủi và cụ thể của lòng từ bi, chúng ta sẽ xây dựng được một nền tảng cho xã hội lành mạnh và bền vững trong phát triển.


Lòng hiếu không phải là một bổn phận khắt khe bắt chúng ta làm một cách khó nhọc, không phải là những điều luật của luật pháp bắt chúng ta phải nghiêm ngặt dè chừng, một món nợ chúng ta phải trả.


Lòng hiếu là một quyền lợi đem lại hạnh phúc cho chúng ta:


Vui thay kính dưỡng mẹ !
Vui thay kính dưỡng cha !
Vui thay kính dưỡng tăng !
Vui thay kính dưỡng thánh !
(Pháp Cú, Phẩm Voi)


Khi quyền lợi hiếu ấy trở nên bao la, hạnh phúc cũng bao la. Đó là khi chúng ta có hiếu với mọi chúng sanh, vì theo Phật giáo, mọi chúng sanh đều từng và sẽ là cha mẹ chúng ta trong dòng thời gian vô tận. Quyền lợi ấy càng trở nên bao la hơn nữa, càng hạnh phúc hơn nữa, khi chúng ta có hiếu với thiên nhiên, vì không có thiên nhiên thì cũng chẳng có sự sống của chúng ta.

Hiếu với tất cả, đó là hạnh phúc khắp cả, hạnh phúc trọn vẹn.


Lúc ấy mỗi chúng ta sẽ tự hát lên bài ca của đời mình:


Hạnh phúc thay được làm người !
Hạnh phúc thay có lòng hiếu!

Nguyễn Thế Đăng
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên