SO TÍNH NHIỀU ÍT
Anh em ruột thịt trong nhà mà còn tính toán rạch ròi so bì anh nhiều tôi ít, tôi nhiều anh ít, hai bên đều khư khư chấp nhặt tạo nên mọi sự chia rẽ trong gia đình. Chúng ta thấy đó, anh em trở mặt, bạn bè tuyệt giao đều do so tính nhiều ít mà ra. Một số người cho rằng chia nhau mà mình được phần ít là thiệt thòi, được phần nhiều là có lợi. Thật ra nhiều ít không phải căn cứ nơi số lượng vật chất mà căn cứ nơi đạo đức bản thân.
* Xưa, có người mẹ kế sợ con ruột mình gánh nặng nên bảo nó gánh rơm, sai người con ghẻ gánh gạch. Thình lình một trận gió lớn thổi đến, gánh rơm bay hết không còn một cọng, còn gánh gạch thì còn nguyên. Thế mới nói người tính không bằng trời tính.
* Có một gia đình nọ, khi người cha qua đời để lại mười bảy con bò. Trong tờ di chúc có ghi rõ cách phân chia gia tài như sau: Người con cả được một phần hai số bò, người con thứ hai được một phần ba, người con út được một phần chín. Các số thập phân trên đều là số lẻ làm cho các người con không thể chia được rồi đưa đến cãi nhau. Ngày ngày cứ cãi vã mà không giải quyết được vấn đề. Ông nhà giàu ở gần bên thấy thế dẫn con bò của mình sang bảo với mấy anh em nọ: “Ta cho các cháu thêm một con bò này để dễ phân chia, tránh sự cãi vã trong nhà”. Mười bảy con bò thêm một con bò của ông nhà giàu là mười tám con. Phần người con cả chia được chín con, người thứ hai là sáu con, người con út là hai con. Cộng cả số bò được chia vừa đúng mười bảy con mà người cha cho họ. Một con bò không nhiều mà cũng không ít, con bò dư ba anh em dẫn qua trả lại cho ông nhà giàu. Ông nhà giàu chẳng những không mất mát gì mà còn giúp ba anh em giải quyết vấn đề.
THIÊN ĐƯỜNG Ở NƠI ĐÂU?
Có ai hỏi thiên đường ở nơi đâu? Anh sẽ đáp thiên đường tại nhân gian, nếu anh có đời sống an ổn, yêu mến nhân gian. Nhưng nếu anh thấy nhân gian lòng người đầy hiểm ác, phải trái đảo lộn, anh chỉ thấy được sự ấm áp, đáng yêu của gia đình thì anh sẽ đáp thiên đường ở trong nhà. Bằng như anh thấy những thành viên trong gia đình hết sức phức tạp, chín người mười ý, chỉ có những lúc ở yên một mình mới có thể tìm được sự an ổn thì anh sẽ đáp thiên đường ở trong tâm. Còn nếu tâm anh chất đầy những sân hận, oán hờn… bất mãn thì anh chỉ có thể đáp cuộc đời này không có thiên đường, một ngày cũng như mọi ngày. Vậy thiên đường ở nơi đâu? Thiên đường ở cách địa ngục một bức tường.
Có câu chuyện vui: Bức tường ngăn giữa thiên đường và địa ngục một hôm bị gió thổi ngã. Thiên vương và Diêm vương hợp tác mỗi bên phái các kiến trúc sư, luật sư cùng với các ngân hàng thành lập "Ủy viên hội tu sửa". Lâu sau Diêm vương không thấy Thiên vương cho người đến. Không đợi được nữa ông bèn gởi tối hậu thư lên thiên đình, yêu cầu Thiên vương phải có trách nhiệm với hậu quả trên. Thiên đường và địa ngục gần như không còn sự ngăn cách. Thiên đế bèn thưa: Ở thiên đường thật tình tôi không tìm ra những người tài để đưa đến!
KẺ THÙ CỦA CON NGƯỜI
Kẻ thù là người hay đối nghịch với ta, là kẻ gây ra mọi chướng ngại, chỉ muốn hãm hại và tiêu diệt chúng ta. Nhưng kẻ thù chính xác nhất lại là chính chúng ta. Tại sao mình lại là kẻ thù của chính mình?
Như khi ta lười biếng, thì lười biếng là kẻ thù của chúng ta. Ta ôm lòng oán hận, thì oán hận là kẻ thù của chúng ta. Ta tự tư tự lợi, giả dối, thì tự tư, giả dối là kẻ thù của chính ta.
Một người nếu không xem trọng tình nghĩa, thì dù là bạn thân cũng trở thành kẻ thù. Người giàu có mà không san sẻ với mọi người, thì dù là quyến thuộc cũng trở thành kẻ thù. Thậm chí không biết quan tâm chăm lo cho gia đình, thì gia đình cũng là kẻ thù. Chí đến không thanh tịnh tư tưởng, không nuôi dưỡng chánh niệm, thì chính thân tâm này cũng là kẻ thù của mình!
Nếu chúng ta không yêu quý, bảo vệ tổ quốc mà ngược lại còn làm một kẻ bán nước thì khi nước mất nhà tan, làm thân nô lệ, đó chẳng phải là tự mình hại mình, tự mình là kẻ thù của chính mình sao?
Người công nhân không nhiệt tình công tác, làm cho xí nghiệp phải đóng cửa, việc kinh doanh bị đình trệ, chính mình bị thất nghiệp. Đó không phải mình là kẻ thù của chính mình sao?
Như người uống rượu, rượu có thể làm loạn tánh đem đến tai họa, ta uống rượu tức là tự hại chính mình. Lại như người đắm mê tửu sắc, coi thường sức khỏe đến nỗi mang bệnh, đó chẳng phải là tự mình hại mình sao?
Ta hãy nên kết giao thân cận với những người hiền đức, bằng ngược lại ta sanh lòng đố kỵ, hãm hại người hiền, rốt cuộc chẳng ích lợi gì mà còn chuốc lấy tai họa. Đây chẳng phải tự mình là kẻ thù của chính mình sao?
Anh em trong nhà mà gây gổ cãi vã nhau, thấy như ta đả kích chống đối họ nhưng kỳ thực là tự chặt đi tay chân của mình. Đó chẳng phải tự mình là kẻ thù của chính mình sao?
ĐỜI NGƯỜI BA MƯƠI TUỔI
Có câu chuyện ngụ ngôn: Hôm ấy, ở địa ngục có một cuộc hội thẩm, phạm nhân tên là Triệu Đại. Vua Diêm-la đập bàn, phán:
- Triệu Đại! Ở nhân gian ngươi làm nghề lương thiện, sống có đạo đức, biết bố thí, biết tin nhân quả tội phước, truyền ngươi được trở lại làm người sống ba mươi tuổi!
Triệu Đại cúi đầu cảm tạ rồi đứng qua một bên. Đập bàn, vua Diêm-la lại phán:
- Tiền Nhị! Ngươi ở nhân gian chỉ lo tự tư tự lợi, tà kiến ngu si, không tin chân lý, chấp trước biếng lười. Truyền ngươi xuống nhân gian làm thân trâu ngựa ba mươi năm!
Tiền Nhị hốt hoảng, thưa:
- Làm thân trâu ngựa phải kéo xe cày ruộng khổ sở quá, xin Đại vương giảm cho con xuống còn mười lăm năm thôi.
Vua Diêm-la hỏi:
- Còn mười lăm năm kia để làm gì?
Triệu Đại đứng bên nghe thế liền quỳ xuống thưa:
- Tâu Đại vương, mười lăm năm ấy hãy để cho con.
Vua thuận cho. Thọ mạng Triệu Đại tăng lên thành bốn mươi lăm tuổi. Vỗ bàn lần nữa, vua Diêm-la phán:
- Tôn Tam! Ở nhân gian ngươi không tin nhân quả, trung thành một cách ngu muội, truyền ngươi làm chó sống ba mươi năm.
Tôn Tam thưa:
- Làm chó chỉ ăn cơm thừa canh cặn, từ sáng đến tối phải giữ nhà lại còn bị người đánh đập. Xin Ngài giảm cho con còn mười lăm năm là đủ rồi.
Triệu Đại lại đến trước vua xin mười lăm năm của chó. Thế là tuổi Triệu Đại tăng lên được sáu mươi. Vua lại đập bàn phán tiếp:
- Lý Tứ! Ngươi sống bất lương, trộm cá thịt của dân làng. Truyền ngươi phải làm khỉ sống ba mươi năm.
Lý Tứ kinh hoàng thưa:
- Loài khỉ chỉ ăn toàn trái cây, ngày ngày sống trong sự rình rập của thợ săn, luôn phải nơm nớp lo sợ. Xin giảm cho con còn mười lăm năm thôi.
Triệu Đại đứng bên lại thưa:
- Mười lăm năm ấy xin hãy cho con luôn.
Tuổi Triệu Đại tăng thêm thành bảy mươi lăm tuổi.
Theo truyện này thọ mạng con người chỉ có ba mươi tuổi, thế nên những năm tháng tốt đẹp của đời người cũng chỉ có ba mươi năm. Còn lại là làm trâu làm ngựa cho con cái. Ăn cơm thừa canh cặn của chúng nó, vì con cái mà tựa cửa ngóng trông đến nỗi cứ nơm nớp lo sợ phải mất mạng vì đời sống có rất nhiều cạm bẫy. Những năm tháng sau ba mươi tuổi là là đời sống của trâu, ngựa, chó, khỉ để lo cho gia đình
ĐÔI ĐŨA
Chuyện kể: Đôi đũa ăn cơm của người ở thiên đường và địa ngục đều dài ba thước. Thế nên chúng sanh trong địa ngục khi gắp thức ăn đưa vào miệng liền bị người xung quanh cướp ăn. Vì vậy mà hai bên sinh ra cãi vã oán hờn không dứt. Còn người ở thiên đường gắp thức ăn không đưa vào miệng mình mà đút cho người bên cạnh. Hai bên đút qua đút lại rồi cảm ơn nhau, vì thế mọi người luôn chan hòa vui vẻ.
Thực tế, tâm ta cũng thường lên xuống thiên đường và địa ngục, rồi đến ngạ quỷ, súc sanh… Đồng thời cũng qua lại mười phương cõi Phật, Bồ-tát. Chỉ cần chúng ta thương yêu giúp đỡ mọi người thì đó là thiên đường. Còn nếu ta chỉ nghĩ đến tự tư, tự lợi ôm lòng nghi ngờ, tật đố, ghen ghét thì đó là địa ngục. Trên đời này ai ai cũng muốn mình sống ở thiên đường nhưng nếu ta không thấy được giá trị cao đẹp của nó thì thiên đường cũng biến thành địa ngục. Còn nếu ta biết ứng dụng Phật pháp vào những tình huống khó khăn, chuyển hóa việc xấu thành việc tốt thì địa ngục cũng biến thành thiên đường.
BUÔNG ĐI ! BUÔNG ĐI !
Xưa, có người nọ có việc phải vất vả băng núi lội sông, đi qua những vách núi sừng sững, cheo leo rất nguy khốn. Bất thần, anh bị hụt chân té xuống vực sâu. Sinh mạng anh giờ chỉ còn trong chớp mắt, anh đưa hai tay quờ quạng quơ quào trên không trung, thời may chụp được một cành cây khô trên vách núi. Anh mừng rỡ vì mình còn có cơ hội sống sót, nhưng khổ nỗi người anh cứ bị treo lơ lửng không thể xuống hay lên.
Trong lúc vô cùng nguy cấp anh nhìn lên bờ, chợt thấy Đức Phật từ bi đứng nhìn xuống. Gặp được cứu tinh, anh vội vàng cầu xin Phật từ bi cứu vớt. Đức Phật hiền từ nói:
- Ta sẵn sàng cứu nhưng ngươi phải nghe theo lời ta.
Anh ta thưa:
- Bạch Ngài, đến nước này con đâu còn dám cãi lời Ngài. Con nhất định nghe lời Ngài chỉ dạy.
Đức Phật nói:
- Tốt lắm! Bây giờ ông hãy buông tay đang nắm cành cây ra.
Người này nghe xong liền nghĩ nếu buông tay sợ sẽ rơi xuống vực sâu muôn trượng, tan xương nát thịt làm sao bảo toàn sinh mạng đây? Vì sợ mất mạng nên hai tay anh càng nắm chặt hơn.
Phật bảo:
- Ngươi không chịu buông cây đưa tay lên cho ta thì làm sao ta cứu ngươi được?
Thế nhưng anh ta vẫn khư khư nắm chặt cành cây, Đức Phật dù có thương cũng đành chịu.
TÌNH CẢM MẸ CON
Đứa con là một phần thân thể của người mẹ. Còn con dâu suy cho cùng cũng chỉ là người dưng được con mình cưới về nhà. Đó là chưa nói đứa con trai duy nhất của bà đã hoàn toàn bị cô ta chiếm giữ. Do đó, tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn có nguy cơ bị chôn vùi xuống hố sâu. Muốn cho quan hệ mẹ con, mẹ chồng nàng dâu được êm đẹp với nhau thì cần phải hiểu rõ mối quan hệ này.
Thực tế cuộc sống cũng có những quan hệ mẹ con không hòa thuận, nhưng lại có mẹ chồng nàng dâu thương yêu hơn cả mẹ con ruột thịt. Sự tương quan giữa người với người cũng như một cái chén không thể gây nên tiếng kêu loảng xoảng mà đòi hỏi ít nhất phải có hai cái trở lên.
* Bác sĩ Triệu Lệ Vân trong một lần nói chuyện, có nhắc đến quan hệ đối xử giữa bà và mẹ chồng. Bà nói có một bí mật trong cuộc sống gia đình giữa mẹ chồng và nàng dâu là hai bên cần phải biết nghệ thuật nhảy đầm, vợ chồng bè bạn hay bất cứ mối quan hệ nào của mọi người trên thế giới cũng cần phải học theo nghệ thuật nhảy này. Nghệ thuật đó là nếu anh bước tới thì tôi thụt lùi, tôi bước tới thì anh thụt lùi. Nếu hai người cùng bước tới thì sẽ giẫm đạp lên nhau, còn hai người cùng thụt lùi thì không thành điệu nhảy, không có sự nhịp nhàng.
MẸ CHỒNG NÀNG DÂU VÀ CON GÁI
Trong gia đình, mâu thuẫn giữa mẹ và con thường đơn giản hơn nhiều so với mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Có một câu chuyện vui:
Năm hết Tết đến, mẹ chồng bảo con dâu gói ít bánh tét để cúng ông bà. Những nàng dâu thời nay mấy ai mà biết gói bánh tét, nhưng cô này không dám cãi lời mẹ chồng. Cô hì hục làm từ sáng đến chiều mà cũng chưa xong. Đang lúc mệt mỏi, căng thẳng lo nấu bánh cô lại nghe mẹ chồng gọi điện thoại bảo cô con gái đã có chồng về nhà ăn bánh. Cô tức giận, nghĩ thầm mình mệt mỏi muốn lả cả người mà bà ấy chớ hề quan tâm, chờ đến khi bánh chín lại gọi con gái về ăn. Càng nghĩ càng tức cô ném cái tạp-dề, thay quần áo định bỏ về nhà cha mẹ. Vừa ra đến cửa thì nghe điện thoại reo, té ra mẹ cô gọi điện đến bảo con gái mau về nhà ăn bánh tét của chị dâu gói. Nghe xong trong bụng cô rất bồi hồi… thì ra tình mẹ con trong thiên hạ đều giống như nhau!