PHÁT BỒ ĐỀ TÂM LUẬN (Thiên Thân Bồ-tát tạo luận)

K

kequaduong

Guest

12247ca7cac7feab.gif


PHÁT BỒ ĐỀ TÂM LUẬN


(Quyển thượng)

Thiên Thân Bồ Tát tạo luận

Đời Diêu Tần, ngài tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch

Phẩm 1: Khuyến Phát

Kính lạy khắp pháp giới
Khứ lai hiện tại Phật
Đấng đại bi cứu thế
Đẳng không[1], Bất động trí[2].


Có một pháp gọi là Đại phương đẳng[3], tối thượng diệu[4], thuộc Ma đắc lặc già tạng[5], là chỗ tu hành của bồ tát. Pháp đó có năng lực (một) khuyến khích các vị bồ tát vui thích tu tập Vô thượng bồ đề; (hai) có thể làm cho chúng sanh phát tâm rộng sâu; (ba) kiến lập thệ nguyện đều vì trang nghiêm bồ đề[6]; (bốn) bằng cách xả thân mạng tài bảo để nhiếp phục tham lận; (năm) tu tập ngũ tụ giới[7] để dẫn dạy chúng sanh.


____________

1 - Đẳng không: bình đẳng như hư không.
2 - Bất động trí: Trí tuệ của Phật lấy đại bồ đề tâm làm thể. Đại bồ đề tâm là bản tánh thanh tịnh, vô vi tịch diệt, nên gọi là bất động.
3 - Đại phương đẳng: Theo truyền thống đại thừa, sở dĩ gọi là kinh điển phương đẳng vì ý nghĩa của nó rộng lớn như hư không, vì nói về chân lý chính xác và rộng lớn. Phương đẳng còn gọi là phương quảng: là tất cả ngôn thuyết có liên hệ đến bồ tát tạng, là chỗ sở y để có thể đem lại lợi ích và an lạc cho chúng sanh. Cũng gọi là quảng phá: vì khả năng phá huỷ một cách rộng rãi các chướng ngại. Cũng gọi là vô tỷ: vì không có pháp nào có thể so sánh bằng. (Đại bát niết bàn kinh, A tì đạt ma tập luận)
4 - Tối thượng diệu: Vấn đề trọng tâm của luận này là phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm là căn bản tối quan trọng của bồ tát đạo nên gọi là tối thượng. Như luận này nói: “Bồ đề tâm là chỗ phát sanh tất cả thiện pháp, thiền định, trí tuệ”, nên gọi là diệu vậy.
5 - Ma đắc lặc già tạng: Tên gọi riêng cho luận tạng, dịch là bản mẫu, hành mẫu. Giáo lý là gốc, luận tạng là mẹ sinh ra giáo lý nên gọi là bản mẫu. Luận tạng cũng còn là bà mẹ sinh ra các hành pháp (giáo pháp tu tập) nên gọi là hành mẫu.
6 - Trang nghiêm bồ đề: Bồ đề (bodhi) là tri, giác, tức là sự giác ngộ mà căn bản là tuệ tâm sở. Trang nghiêm bồ đề của toàn bộ luận này là trang nghiêm Vô thượng bồ đề (A nậu đa la tam miệu tam bồ đề = sự giác ngộ tối thượng, Vô thượng chánh đẳng chánh giác). Đó là từ ngữ bồ đề trong bồ đề tâm.
7 - Ngũ tụ giới: 1. Ba la đề mộc xoa, 2. Định cộng giới, 3. Vô lậu giới, 4. Nhiếp căn giới, 5. Vô tác giới. Xem phẩm Thi la ba la mật, thứ 5.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

K

kequaduong

Guest

không phạm cấm hạnh; (sáu) hành tất cánh nhẫn[8] để điều phục sân si; (bảy) phát khởi tinh tấn một cách mạnh mẽ để an chỉ chúng sanh; (tám) thực tập các thiền định để biết các loại tâm tánh; (chín) tu hành trí tuệ để diệt trừ vô minh; (mười) ngộ nhập như thật pháp môn để rời xa các chấp trước; (mười một) nói bày các pháp rất sâu là không, vô tướng; (mười hai) xưng tán công đức để Phật chủng không đoạn dứt. Có vô lượng phương tiện như vậy làm pháp môn thanh tịnh trợ giúp đạo Bồ đề. Đây chính là những pháp thượng thượng thiện mà tôi muốn phân biệt, chỉ bày rõ ràng cho hết thảy chúng sanh đạt đến cứu cánh là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Các người con Phật, nếu là đệ tử Phật, thọ trì lời Phật dạy, thường vì chúng sanh diễn nói giáo pháp, thì trước nên xưng dương công đức của Phật, chúng sanh nghe rồi mới có thể phát tâm cầu trí tuệ Phật. Do phát tâm như vậy nên Phật chủng không đoạn dứt. Hàng tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di thường niệm Phật, niệm pháp, và lại còn niệm công hạnh của đức Như lai: Lúc hành đạo Bồ tát, vì cầu pháp mà đức Bồ tát phải trải qua a tăng kỳ kiếp thọ các cần khổ. Với tâm niệm cầu pháp như vậy, đức Bồ tát được nghe thuyết pháp, dù chỉ là một bài kệ. Đức Bồ tát được nghe giáo pháp qua sự chỉ dạy lợi mừng[9], thì đã gieo trồng thiện căn, tu tập Phật pháp, chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì đoạn trừ các khổ não của vô lượng chúng sanh trong đường sanh tử vô thỉ. Hàng đại Bồ tát muốn thành tựu vô lượng thân tâm thì phải cần tu tinh tấn, phát đại nguyện sâu, hành đại phương tiện, khởi đại từ bi, cầu đại trí tuệ vô kiến đảnh tướng[10]. Cầu các pháp lớn của chư Phật như vậy rồi, lại phải biết pháp đó vô lượng vô biên. Do pháp vô lượng nên phước đức quả báo cũng lại vô lượng. Đức Như lai dạy rằng: “Nếu các Bồ tát lúc ban đầu phát tâm cho dù một niệm hạ liệt, thì phước đức quả báo của họ trăm ngàn vạn kiếp nói không thể hết. Huống lại, một ngày, một tháng, một năm cho đến trăm năm, tập quen nhiều niệm, thì phước đức quả báo đâu thể nói hết. Vì sao vậy ? Vì việc làm của Bồ tát là không cùng tận, vì muốn cho tất cả chúng sanh đều trụ Vô sanh pháp nhẫn[11], được quả Vô thượng Chánh đẳng giác”.
Các người con Phật, Bồ tát Sơ phát Bồ đề tâm, thí như biển lớn lúc bắt đầu khởi sự khô cạn, phải biết sự khô cạn đi theo thời gian, từ bậc hạ, trung, thượng cho đến


_____________

8 - Tất cánh nhẫn = Thanh tịnh tất cánh nhẫn: sự nhẫn nhục không kẹt nhị tướng. Xem phẩm Sằng đề ba la mật, thứ 6.
9 - Chỉ dạy lợi mừng: Chánh văn là thị giáo lợi hỷ. Đây là lối thuyết pháp của Phật và bồ tát, theo đó thị là trình bày cho người nghe rõ thiện ác, tốt xấu; giáo là thuyết phục người nghe bỏ ác làm lành, rời xấu theo tốt; lợi là chỉ ra sự lợi ích của việc thực hành ấy; hỷ là tán thưởng sự thực hành ấy cho người nghe vui mừng.
10 - Vô kiến đảnh tướng (đỉnh đầu không thể nhìn thấy): Trên đỉnh đầu của Phật có gò thịt nổi cao lên, cũng gọi là nhục kế, là một trong 32 tướng đại trượng phu của Phật. Trong tướng này có cái đỉnh điểm mà tất cả trời và người không thể nhìn thấy được. Trí tuệ vô kiến đảnh tướng là nói về trí tuệ cao tột, tức Phật trí.
11 - Vô sanh pháp nhẫn = tuệ giác vô sanh: Vô sanh là không phát sanh phiền não, ác nghiệp. Pháp vô sanh (= không nổi dậy/ không phát sanh) là thật tướng (bản thể) vốn không phải phiền não, không sanh phiền não. Thể nhận pháp vô sanh ấy gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Được tuệ giác này là đến địa vị Bất thối chuyển (A bệ bạt trí)
 
K

kequaduong

Guest

không còn cấp bậc, thì chỗ chứa bảo châu như ý hiện bày. Bảo châu đây đều từ biển lớn sanh ra. Bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, từ lúc sơ phát tâm rồi dần dần phát huy, phải biết bồ đề tâm tăng trưởng từ người, trời, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Phật đà. Bồ đề tâm là chỗ phát sanh tất cả thiện pháp, thiền định, trí tuệ[12].
Lại nữa, như tam thiên đại thiên thế giới từ lúc sơ tạo, đến khi hình thành, thứ tự có 25 hữu[13]. Tất cả chúng sanh trong các hữu đó thảy đều gánh vác (nhân quả), làm chỗ nương tựa nhau. Bồ tát phát bồ đề tâm cũng lại như vậy, từ lúc sơ phát tâm rồi dần dần phát huy (trong các hữu), khắp vì tất cả vô lượng chúng sanh, bao gồm lục thú, tứ sanh, chánh kiến, tà kiến, tu thiện, tập ác, hộ trì tịnh giới, phạm tứ trọng tội, tôn phụng tam bảo, chê bai chánh pháp, chư ma, ngoại đạo, sa môn, phạm chí, sát lợi, bà la môn, phệ xá, thủ đà la, mà vì gánh vác tất cả, làm chỗ nương tựa cho chúng sanh.
Lại nữa, bồ tát phát tâm, lấy từ bi làm đầu. Tâm đại từ của bồ tát thì vô lượng, vô biên, cho nên sự phát tâm cũng không có giới hạn, trùm khắp chúng sanh giới. Thí như hư không trùm khắp tất cả (không chỗ nào không có), bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, vì tất cả chúng sanh mà phát tâm nên không chỗ nào không có (sự phát tâm của bồ tát). Cũng như chúng sanh giới vô lượng, vô biên không có cùng tận; bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, vô lượng, vô biên không có cùng tận. Hư không không cùng tận, nên chúng sanh giới không cùng tận. Do bồ tát phát tâm ngang bằng chúng sanh giới[14], mà chúng sanh giới không có giới hạn, nên sự phát tâm cũng không có giới hạn[15]. Nay tôi nương ý chỉ của Phật mà nói bày một chút phần của chúng sanh giới, như sau:


__________

12 Thiện pháp bao gồm 37 phẩm trợ đạo của thanh văn. Thiền định, trí tuệ chỉ cho lục độ vạn hạnh của bồ tát.

13 Thế giới quan Phật giáo cho rằng, do nghiệp sai biệt của loài hữu tình nên thế gian chia ra 3 cõi: Dục giới (Kamadhatu), Sắc giới (Rupadhatu) và Vô sắc giới (Arupadhatu). Dục giới là nơi chúng sanh còn nhiễm năm dục lạc. Sắc giới là nơi chúng sanh đã ly dục nhưng còn có sắc tướng trang nghiêm của thân và cảnh. Vô sắc giới có thể gọi là tinh thần giới, vì nơi đây tuyệt tướng thân cảnh, không có sắc uẩn, chỉ có thọ, tưởng, hành, thức, 4 ấm mà thôi. Ba cõi như vậy chia làm 25 hữu. Hữu có nghĩa là “có nhân có quả, sanh tử liên tục, không phải giải thoát”. Phần Dục giới có 14 hữu, chia ra làm 3:
aaaa1. Bốn ác thú: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a tu la.
aaaa2. Bốn đại châu: Nam thiệm bộ châu, Đông thắng thần châu, Tây ngưu hoá châu và Bắc câu lô châu.
aaaa3. Sáu tầng trời (lục dục thiên): Tứ vương thiên, Đao lợi thiên, Tu dạ ma thiên, Đâu suất thiên, Hoá lạc thiên và Tha hoá tự tại thiên. Phần Sắc giới có 7 hữu: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Đại phạm thiên trong Sơ thiền, Vô tưởng thiên và Tịnh cư thiên trong Tứ thiền. Phần Vô sắc giới có 4 hữu: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hứu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

14 Như trường hợp ngài Địa tạng bồ tát phát nguyện: Chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề. Vì chúng sanh giới thì vô tận nên ngài Địa tạng mãi mãi làm bồ tát qua lại trong mười phương.

15 Do bồ tát phát tâm …. giới hạn: Theo sát chánh văn, lẽ ra phải dịch là: Do chúng sanh giới không có cùng tận nên bồ tát phát tâm ngang bằng chúng sanh giới. (Bởi vì) Chúng sanh giới thì không có giới hạn vậy.
 
K

kequaduong

Guest

Phương đông có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật, cho đến phương nam, phương tây, phương bắc, bốn hướng trên dưới, mỗi mỗi có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật. Hết thảy đem nghiền nát làm vi trần. Các vi trần này cực nhỏ đến nỗi nhục nhãn không nhìn thấy được. Một trăm vạn ức hằng hà sa a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có bao nhiêu chúng sanh thảy đều tụ tập, chung lấy một trần. Hai trăm vạn ức hằng hà sa a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có bao nhiêu chúng sanh, chung lấy hai trần. Như vậy, lần lựa lấy mười phương, mỗi phương có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật, chỗ nào có địa chủng đều nghiền làm vi trần, gom lại hết, thì chúng sanh giới cũng không thể cùng tận.
Thí như có người chia chẻ một sợi lông làm trăm phần, lấy một phần sợi lông, nhúng vào nước biền lớn. Tôi nay nói bày ít phần về chúng sanh giới cũng lại như nước trên một phần sợi lông, những điều chưa nói như nước biển lớn. Giả sử chư Phật trong vô lượng vô biên a tăng kỳ rộng bày thí dụ, nói cũng không hết (về chúng sanh giới). Sự phát tâm của Bồ tát có khả năng che khắp hết thảy chúng sanh giới như vậy. Vì sao ? Các người con Phật, vì Bồ đề tâm đâu thể cùng tận vậy. Nếu có Bồ tát nghe lời như trên mà không kinh, không sợ, không thối lui, không quên mất, phải biết người đó quyết định có thể phát Bồ đề tâm. Giả sử, vô lượng hết thảy chư Phật trong vô lượng a tăng kỳ kiếp xưng tán công đức của người đó cũng không thể cùng tận. Vì sao? Vì Bồ đề tâm không có giới hạn, không có cùng tận, nên có vô lượng lợi ích như thế. Cho nên nay tôi tuyên nói vì muốn cho hết thảy chúng sanh được nghe để phát Bồ đề tâm vậy.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)

    TOP 5 Tài Thí

    Bên trên