Sống trong thế gian ắt phải trọn hết chức phận của chính mình

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
530. Thư trả lời hai vị nữ cư sĩ Huệ Thục và Huệ Khánh



Con người sống trong thế gian ắt phải trọn hết chức phận của chính mình. Có trọn được hết chức phận của chính mình thì mới chẳng phụ ân “trời che đất chở, mặt trời, mặt trăng chiếu soi, cha mẹ sanh thành, sư trưởng giáo huấn”. Nếu không, tuy mang tiếng là người, nhưng thật sự chẳng khác gì cầm thú cho lắm, sẽ thành phường sống uổng chết phí, tương lai trầm luân trong ác đạo, trọn chẳng có thuở thoát ra, chẳng đáng buồn sao? Nói tới chuyện trọn hết chức phận thì đối với thân phận nữ nhân, quả thật [chuyện ấy] có quan hệ lớn lao nhất nhưng trọn chẳng tỏ lộ dấu vết. Cõi đời bình trị hay loạn lạc, gia đình hưng thịnh hay suy sụp đều do nữ nhân có trọn hết chức phận hay không! Chức phận của nữ nhân như vừa mới nói đó chính là “hiếu thảo đối với bố mẹ chồng, hòa thuận với chị em dâu, giúp chồng dạy con” v.v… Bởi lẽ, [nữ nhân] có thể hiếu thảo, hòa thuận, ôn nhu, cung kính, đấy chính là “nghi gia”; có thể giúp đỡ chồng khiến cho đức hạnh lẫn nghề nghiệp của ông ta ngày càng tiến triển, lỗi lầm ngày một ít, đấy chính là “nghi thất”[26]. Hễ nghi thất nghi gia thì con cái nhìn vào sẽ được cảm hóa, đều thành hiền thiện. Con cái đã thành hiền thiện thì từ đấy trở đi, con cháu đời đời đều thành hiền thiện. Vì thế, Quang thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, bọn nữ nhân nắm quá nửa”. Lại nói: “Dạy con là cái gốc để trị quốc bình thiên hạ, nhưng dạy con gái lại càng quan trọng hơn”. Nếu không, chẳng những [nữ nhân] không thể giúp chồng dạy con thành người lành được, mà ngược lại sẽ giúp chồng dạy con thành kẻ ác đến nỗi trở thành tình thế vô pháp vô thiên như trong ngày nay!

Các bà đều có thiện căn từ đời trước, được làm vợ chồng với Huệ Dung. Tuy sanh nhằm thời Phật pháp tàn diệt, nhưng may mắn được nghe pháp môn Tịnh Độ là pháp môn phổ độ chúng sanh của đức Như Lai! Chỉ cần chịu sanh lòng chân thật, phát nguyện thiết tha, xưng niệm A Di Đà Phật vạn đức hồng danh, chắc chắn sẽ tiêu trừ Hoặc nghiệp, tăng trưởng thiện căn trong đời này. Khi lâm chung, nương theo Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, quả thật là vô thượng đại pháp chẳng dễ gì gặp được trong ngàn đời vạn kiếp! Các bà đã là chị em với nhau qua tình vợ chồng, ắt phải yêu thương, kính trọng lẫn nhau, khuyên răn, khích lệ lẫn nhau. Chớ nên giống bọn nữ nhân vô tri chưa nghe biết đạo: Hằng ngày cứ chuyên tranh cãi, ghen ghét, báng bổ, hạ nhục lẫn nhau. Như thế thì tâm địa ngày một tối tăm, phước - thọ ngày một thu hẹp, khi một hơi thở ra không hít vào được nữa sẽ khó khỏi đọa lạc trong ba ác đạo. Nỗi khổ ấy chẳng thể nào diễn tả được đâu!

Các bà đã cùng quy y, tức là đồng môn, đồng tu Tịnh nghiệp, tương lai cùng sanh Tịnh Độ, cùng thấy Phật A Di Đà, cùng nghe Phật pháp, cùng chứng vô thượng đạo. Trong lúc này mọi người đều cùng đồng tâm tận lực tu trì, há chẳng gắng công ư? Do Huệ Dung muốn cho hai người quý vị cùng được thấm nhuần sự giáo hóa của Phật nên mới xin Quang đặt pháp danh cho hai bà và khai thị. Do vậy tôi mới nói dài dòng như thế, thật sợ các bà tự nghĩ mình kém hèn, nhỏ nhoi, chẳng biết một niệm tâm tánh của chúng sanh và Phật trọn chẳng khác gì, nhưng do mê - ngộ khác nhau đến nỗi khác biệt vời vợi một trời một vực. Nay giảng đại lược nguyên do, những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục, hãy xin Huệ Dung giảng cho các bà thì sẽ đều biết rõ vậy.



531. Thư trả lời cư sĩ Từ Úy Như



Nhận được thư, biết lệnh thúc[27] sống - chết khá kỳ lạ. Các hạ nói đến chuyện [lệnh thúc sau khi mất, chuyển sanh làm] thần Già Lam[28] vốn là chuyện thực tình, nhưng đấy là tiểu Già Lam, chứ không phải là đại Già Lam. Ông ta ăn chay, tụng kinh đều do túc căn xui khiến, tiếc chưa từng được gặp tri thức của pháp môn Tịnh Độ đến nỗi [mất đi] vẫn đầu thai trong hàng hộ pháp có thần thông. Người ấy tri kiến giống với kẻ bình thường, còn đối với cảnh giới của Đại Sĩ đều chưa từng thấy. Nếu có thể dùng trí lực để biết đến cảnh giới của Đại Sĩ, sẽ trọn chẳng đến nỗi sống hồ đồ suốt cả một đời rồi vẫn sanh làm một vị thần hộ pháp có thần thông.

Lệnh đệ chẳng vì chuyện này mà cực lực chú trọng vun bồi sự Tây quy cho cụ, cứ vẫn muốn làm thế nào để tăng tiến địa vị cho ông cụ. Tâm ấy cố nhiên là tốt đẹp, nhưng nếu dựa theo Thật Lý để tính toán cho lệnh thúc thì hãy nên khuyên con trai ông cụ thành kính tột bậc để vun bồi nơi pháp môn Tịnh Độ, hồi hướng cầu cho cụ thoát khỏi chức cũ trong thần đạo, sanh vào cõi Phật Cực Lạc. Nói đến chuyện vun bồi công đức thì mở mang tri thức cho người khác là bậc nhất. Hiện thời Tăng Quảng Văn Sao đã sắp chữ xong xuôi, nhưng vẫn chưa kết thúc. Đợi cho Thọ Khang Bảo Giám sắp chữ xong sẽ thôi không đưa thêm bài [vào bộ Văn Sao nữa], cho in ra. Hiện thời đã dày tới bốn trăm hai mươi trang, nhưng vẫn chưa định được số trang thật sự. In chữ lớn thì mỗi bộ phải trên dưới tám cắc vì trong năm ngoái [tiền in mỗi cuốn] Đại Sĩ Tụng phải tốn đến ba cắc bốn xu mà [Đại Sĩ Tụng] chỉ có hai trăm mười trang. Sách này (tức Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên) phải đắt gấp đôi!

Gần đây chiến sự dồn dập, giá giấy tăng vùn vụt. Nếu lệnh đệ chịu bỏ tiền in bao nhiêu bộ để tự mình thí tặng ngõ hầu hết thảy những người đọc [Văn Sao] đều biết nguyên do vãng sanh Tịnh Độ; đem công đức ấy để làm bằng khoán vãng sanh cho cha, lại thêm chí thành, ắt sẽ được như nguyện, sẽ có lợi ích công đức chân thật nhất. Tuy tợ hồ chẳng dính líu đến Phổ Đà, nhưng cũng chẳng phải là không dính líu, vì mọi người đều nói “Phổ Đà Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao” vậy. Tiếp theo đó, tôi phải giám đính Phổ Đà Sơn Chí. Giám đính xong sẽ cho khắc ván, khoảng Xuân - Hè năm sau sẽ in thành sách. Nếu chịu bỏ tiền in để hồi hướng thì so ra càng thù thắng lâu dài hơn những thứ công đức khác!


http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien14.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

I

imported_gioidinhhue

Guest
Chí thành niệm Phật thì sẽ chuyển được nghiệp

Chí thành niệm Phật thì sẽ chuyển được nghiệp

535. Thư trả lời cư sĩ Lý Viên Tịnh (thư thứ tư)



Hôm qua tôi đã duyệt Gia Ngôn Lục được một nửa, hôm nay sẽ duyệt xong, nhưng vẫn phải đọc kỹ, cũng như tìm cách để mong đỡ mỏi mắt. Những chữ sai trong ấy đều ghi ra thành một bản gởi đi để làm căn cứ sửa đổi cho đúng khi tái bản. Trong bản giảo chánh của Quang đã nêu ra cặn kẽ [từng chỗ sai sót] nhằm dùng làm bản mẫu để sắp chữ [khi tái bản]. Trong tương lai, chuyện giảo đối sẽ do Quang tự đảm nhiệm. Trần Thái Thái đã chịu tiền sắp chữ, tiền làm Chỉ Bản và tiền in một ngàn bộ, như vậy là đỡ tốn công nhiều lắm. Tôi sẽ bảo ấn quán khi in xong một vạn bộ Văn Sao sẽ in cuốn sách này trước. Vẫn sợ là trong khoảng tháng Mười Một, tháng Chạp mới ra sách được. Quang ở đây chờ cư sĩ Tôn Hậu Tải, đợi ông ta đến rồi mới trở về đất Hỗ được!



536. Thư trả lời cư sĩ Lý Viên Tịnh (thư thứ năm)



Hôm qua nhận được thư, tâm hết sức vui mừng, an ủi. Khi trước nghe nói chiến sự nổ ra tại Thượng Hải, tôi nghĩ Tam Bảo gia bị chắc [gia đình ông] sẽ chẳng đến nỗi bị nguy hiểm. Nay biết trong lúc ông không trốn tránh được thì Viên Minh lại dám đem xe hơi đến đón mà lính Nhật cũng chẳng làm điều hung ác, Bồ Tát cứu khổ cứu nạn quả thật chẳng thể nghĩ bàn thấu suốt được! Xin hãy khuyên hết thảy mọi người cùng niệm Quán Âm để mong Bồ Tát gia bị khiến cho thủ lãnh quân Nhật ngưng diệt ác tâm lẫn độc tâm thì chiến sự sẽ tự ngưng dứt. Đừng nên đem lòng ác nguyền rủa [quân Nhật] bởi chẳng khế hợp với tâm đại bi bình đẳng của Bồ Tát vậy (ngày mồng Chín tháng Giêng năm Nhâm Thân - 1932)



537. Thư trả lời cư sĩ Đồng Ảnh



Trong tháng Chín tôi nhận được thư do anh của ông gởi, nói ông bị bệnh, tâm chí bất định: Hoặc là gấp muốn được trị bệnh giống như không rảnh rỗi để chờ đợi nữa, hoặc thầy thuốc đến kê toa nhưng không chịu uống, hoặc mời cả hai thầy thuốc v.v… thật giống như tánh tình của con nít! Cầu thầy trị bệnh kiểu đó sẽ càng bệnh thêm; làm sao lành bệnh cho được? Bởi lẽ, tâm niệm nóng nảy bộp chộp là tự mình tăng thêm bệnh. Cắt thuốc loạn xạ là thầy thuốc tăng thêm bệnh. Ông phát tâm muốn xuất gia tu hành, giải quyết cho xong đại sự sanh tử, nhưng thái độ phú quý kiêu căng ấy chưa bỏ được mảy may nào, khi xuất gia lỡ bị bệnh ắt sẽ chết gấp! Ông có tánh kiêu ngạo ấy, mà còn có thể cam chịu sự yên tĩnh, đạm bạc, xem thân này như thứ thừa thãi được ư?

Hơn nữa, người học đạo hễ gặp những chuyện chẳng như ý chỉ nên coi chúng như những cơ hội để hướng đến đạo. Cảnh nghịch xảy tới bèn thuận chịu, dẫu có gặp chuyện nguy hiểm gì đi nữa thì trong lúc ấy sẽ chẳng đến nỗi kinh hãi tới mức hoảng loạn, quýnh quíu! Chuyện gì đã qua thì lòng cũng chẳng bận tâm tới nữa, coi như giấc mộng đêm qua; há nên thường giữ mãi trong tâm đến nỗi tạo thành căn bệnh ngực đập như trống làng? Ông đã muốn tu hành hãy nên biết hết thảy cảnh duyên đều do túc nghiệp cảm thành. Lại càng phải nên chí thành niệm Phật thì sẽ chuyển được nghiệp. Chúng ta chẳng làm chuyện nghịch trời tổn đức thì đâu có sợ gì. Người niệm Phật được thiện thần che chở, gia hộ, ác quỷ tránh xa, còn sợ chi nữa?

Nếu ông thường sợ hãi, sẽ bị ma sợ hãi dựa vào, ắt sẽ có oán gia từ vô lượng kiếp thừa dịp lòng ông sợ hãi kéo đến dọa dẫm khiến cho ông mất trí điên cuồng để báo oán xưa. Đừng nói: “Ta vẫn niệm Phật, đâu sợ đến nỗi như thế!” Chẳng biết rằng toàn thể chánh niệm của ông đã quy vào lòng sợ hãi, khí phận đã cách ngăn với Phật, đã thông với ma! Đâu phải là Phật chẳng linh mà là do ông đã đánh mất chánh niệm, đến nỗi niệm Phật chẳng được lợi ích trọn vẹn. Xin ông thấy thư Quang hãy thống thiết sửa đổi tâm trước, sẽ nghĩ anh mình một vợ một chồng, đâu có gì đáng lo? Nếu túc nghiệp hiện tiền, dẫu sợ hãi há có tiêu diệt được chăng? Chỉ nên chẳng sợ, hễ giữ được chánh niệm thì cư xử sẽ thích đáng, thần thái chân thật đã yên định thì tà quỷ chẳng thể xâm phạm được. Nếu không, sẽ do tà chiêu tà, kẻ oán trong đời trước đều kéo tới, gặp chuyện không quyết định được, hoàn toàn bó tay! Chẳng đáng buồn ư?

Nay tôi tính kế cho ông: Hãy nên buông xuống những điều ôm giữ. Hết thảy mọi chuyện đều có thể lo liệu được, chớ nên ôm đồm, lo lắng. Chỉ sợ hạnh mình có tỳ vết, chẳng sợ quỷ thần gây họa hoạn. Nếu ông ở nhà tu hành tốt đẹp thì sẽ cùng với anh và vợ v.v… giúp đỡ nhau tu trì Tịnh nghiệp. Nếu chẳng thể làm được như vậy thì hãy sang Thượng Hải ở nhờ Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã, hằng ngày thường được nghe giảng nói, cũng như hằng ngày thường theo đại chúng niệm Phật. Hiện thời Tịnh Nghiệp Xã dời sang Nam Viên của nhà họ Giản, có cơ sở chừng mười hai mười ba mẫu đất, là đạo tràng lớn nhất. Năm sau, pháp sư Đế Nhàn sẽ giảng Niết Bàn Kinh Sớ[33] tại đấy. Nơi ấy nhiều phòng ốc, chẳng chật hẹp như [cơ sở cũ] ở đường Ái Văn Nghĩa (Avenue Road)[34]. Nếu ông đến thì mỗi tháng đóng góp bao nhiêu đó tiền ăn uống, chắc chắn sẽ được như nguyện. Sau mấy tháng sẽ trở về nhà thăm một chuyến, bàn bạc chuyện nhà với anh ông, hàn huyên với vợ, không đầy mấy ngày lại đi, quả thật là biện pháp tu đạo hy hữu bậc nhất. Quang nghĩ ông làm như thế thì lợi ích đạt được sẽ trỗi hơn vô lượng lần so với xuất gia, nhưng phải vứt bỏ kiến thức giống như trẻ nít và lũ người vô tri đầu đường xó chợ đi thì sẽ đích thân đạt được vô biên lợi ích!

Đang trong tình thế nguy hiểm này, hãy nên mở rộng tấm lòng, tầm mắt, nỗ lực tu trì Tịnh nghiệp. Tất cả cát - hung, họa - phước đều chẳng bận tâm đến, cứ tùy duyên ứng biến. Dẫu cho đại họa đối đầu, vẫn nghĩ tới những người cùng mắc họa này chẳng biết có mấy ngàn vạn ức. Trong lúc không thể làm gì được, vẫn còn có A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát để nương tựa được, nào còn sợ hãi chi! Lấy niệm Phật, niệm Quán Âm để làm căn cứ không sợ hãi. Mở rộng tâm lượng, đừng sợ hãi trước thì bệnh tự lành, thân tự yên vui. Nếu chẳng biết nghĩa này, chưa gặp cảnh nguy mà chính đã tự hãm vào trong cảnh nguy ngập trước, dẫu Phật, Bồ Tát cũng chẳng thể cứu được đâu! Do vậy, quân tử gặp cảnh hoạn nạn bèn hành xử theo cảnh hoạn nạn, cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được yên vui!


http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien14.htm
 
I

imported_gioidinhhue

Guest
Học Phật, trước hết là phải giữ vẹn luân thường

Học Phật, trước hết là phải giữ vẹn luân thường

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên,

Quyển 4

Phần 1

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang



13. Bài tụng nhân lễ khai mạc Bảo Sơn Cư Sĩ Lâm



Như Lai đại pháp là nguồn các pháp, mảy trần chẳng lập, vạn đức vẹn toàn. Khắp cả thế gian và xuất thế gian, nhân quả, sự lý, không gì chẳng gồm! Giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, mong thành thánh hiền, tâm địa ắt phải chẳng thẹn bóng áo[1], tu Giới - Định - Huệ, đoạn tham - sân - si. Tự lợi, lợi tha, cùng chứng Bồ Đề. Ví như dựng nhà, trước phải đắp nền; nền đã kiên cố, không gì chẳng thành. Do vậy học Phật, trước hết là phải giữ vẹn luân thường. Luân thường chẳng thiếu, mới hợp đạo chân. Chúng sanh đời Mạt nghiệp chướng sâu nặng, chỉ cậy tự lực, khó khỏi trầm luân. Như Lai xót thương, mở môn Tịnh Độ. Dùng chân tín nguyện, trì hồng danh Phật. Chúng sanh vận dụng lòng Thành cảm Phật; Phật vì từ bi, cảm ứng đạo giao, như gương hiện bóng. Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Nếu được như thế, muôn người tu tập, muôn người vãng sanh. Từ đầu đến cuối, dốc cạn thành kính, đừng làm các ác, vâng làm các lành. Dạy xuông sẽ cãi, thân làm người theo. Nhìn vào cảm hóa, lợi ích thật to. Bảo Sơn sáng lập Cư Sĩ pháp lâm, riêng viết đại nghĩa, phát khởi tín tâm. Một pháp Niệm Phật, nhiếp khắp các pháp, dường như hư không, chứa muôn hình tượng, trọn hết thông đạt. Nguyện người thấy nghe, đều cùng nức lòng, ngõ hầu kiếp vận, do đây tiêu diệt. Lòng người đã chuyển, thiên quyến[2] tự đến, thời vận hòa bình, mùa màng sung túc, hưởng mãi thái bình.



14. Ca tụng đức hạnh cao đẹp của Trình thái phu nhân mẹ ông Vương



Nghĩ tưởng Vương mẫu, túc căn thật sâu. Từ bé mẹ đã đỡ tốn công sức, giáo hóa uốn nắn, hiếu dưỡng song thân; lớn lên, lấy ông Vương, một niềm hiếu thuận, giúp chồng quán xuyến, trọn hết phận vợ. Ông Vương qua đời, nuôi dạy con cái, vừa từ, vừa nghiêm, mềm mỏng, cứng rắn, đều cùng rạng ngời. Con đã trưởng thành, cho đi học hỏi, phụng sự đất nước, mong noi tiên giác. Những năm gần đây, con là Bách Linh, thâm nhập Phật pháp, khuyên mẹ nhất tâm, tu trì Tịnh nghiệp. Tới lúc lâm chung, niệm Phật qua đời, chưa thấy tướng lành, Linh khá lo nghĩ, càng thêm tinh tấn.Trong khi quán Phật, tưởng nhớ tới mẹ, được thấy mặt mẹ, gần giống mặt Phật. Khi mẹ còn sống, mẹ con nương nhau, để cùng sống còn. Khi mẹ mất rồi, để khích lệ con, hiện bóng cho thấy. Tuyệt thay, Vương mẫu! Anh hiền khuê các! Nên viết đại lược để lưu truyền mãi.



15. Bài tán dương đề trên hình ảnh tỳ-kheo-ni Tiên Đức



Từ khi vào Không Môn, lòng chỉ nghĩ đến Phật, trong suốt mười hai thời, niệm Phật chẳng gián đoạn. Niệm lâu ngày chầy tháng, tâm đã hợp với Phật, biết trước được lúc mất, đến kỳ, ngồi qua đời, nhằm lợi khắp nữ giới, nên viết bài tụng này. Nguyện cho người đời sau, giữ mãi hạnh đẹp ấy.



16. Bài tán dương đề trên hình cư sĩ Cao Hạc Niên



Người chê cư sĩ tánh quá thiên lệch, tôi khen sự thiên lệch ấy chính là Viên. Do Thiên nên chẳng màng gia sản, do Thiên nên hiểu sâu Giáo, Thiền. Do Thiên nên vân du các nơi danh thắng trong cả nước. Do Thiên nên tham học với khắp các bậc cao hiền trong Tông, trong Giáo. Do Thiên nên chuyên tu pháp đặc biệt là Tịnh Độ. Do Thiên nên kết Tịnh duyên với khắp những người cùng hàng. Do Thiên nên chẳng truyền dòng giống. Sửa nhà thành am để an trụ bậc trinh tiết, ngõ hầu họ được trọn vẹn thiên tánh, nay đã sắp lìa đời ác Ngũ Trược, lên thẳng chín phẩm sen báu nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, qua hình vẽ của bạn già là Vương Nhất Đình, bèn viết lời chân thật để nêu tỏ duyên do của sự thiên lệch ấy (Cuối Xuân năm Bính Tý, tức năm Dân Quốc 25 - 1936)



17. Nêu lên những điểm chánh yếu của sách Sức Chung Tân Lương



Lúc mạng sắp hết, Tứ Đại chia lìa, mọi khổ đều nhóm. Nếu chẳng phải từ lâu đã chứng tam-muội, thật sợ chẳng dễ gì đắc lực được! Huống chi quyến thuộc chẳng am hiểu lợi - hại, thường vì tình cảm thế tục mà phá hoại chánh niệm. Do vậy, Sức Chung Xã được thành lập. Sức Chung (飾 终) có nghĩa là giúp đỡ cho người sắp mất được vãng sanh. Ấy là vì đang trong lúc ấy, nếu hành nhân được phụ trợ bằng khai thị, hướng dẫn sẽ sanh tâm vui mừng, hoan hỷ, lòng tham ái chấm dứt, tai nghe danh hiệu Phật, tâm duyên theo cảnh Phật, sẽ tự có thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Ví như kẻ yếu hèn muốn lên núi cao, đằng trước có người lôi, sau lưng có kẻ đẩy, hai bên có người xốc nách dìu đi, sẽ tự chẳng đến nỗi bỏ cuộc giữa chừng. Dẫu cho kẻ lúc bình thường trọn chẳng hề nghe đến Phật pháp, lâm chung được thiện tri thức chỉ dạy liền sanh tín tâm. Lại được trợ niệm Phật hiệu khiến cho người ấy theo tiếng niệm của đại chúng mà niệm ra tiếng hoặc niệm thầm trong tâm. Nếu được trợ niệm đúng pháp, không có hết thảy những chuyện phá hoại chánh niệm thì cũng có thể vãng sanh. Do Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, do pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, do chúng sanh tâm lực chẳng thể nghĩ bàn, nên được lợi ích thù thắng ấy. Nguyện những ai làm con làm cháu và các quyến thuộc cùng hàng phụ mẫu v.v… đều biết nghĩa này, cùng hành theo đó thì mới gọi là chân từ, hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu người thân vậy.



18. Đề từ cho cuốn Nghi Thức Niệm Tụng Của Linh Nham Sơn Tự



Hết thảy kinh Phật và các sách xiển dương Phật pháp, không một loại nào chẳng nhằm làm cho con người lánh dữ, hướng lành, sửa lỗi, hướng thiện, nêu rõ nhân quả ba đời, hiểu rõ Phật tánh sẵn có, vượt khỏi biển khổ sanh tử, sanh lên cõi sen Cực Lạc. Người đọc hãy nên sanh tâm cảm ân, sanh ý tưởng khó gặp gỡ, tay sạch, bàn sạch, giữ lòng kính, gìn lòng Thành, như đối trước Phật, trời, như đến trước các quan dạy bảo đế vương[3] thì vô biên lợi ích sẽ đích thân đạt được. Nếu phóng túng không kiêng dè, mặc tình khinh nhờn, và cố chấp, thấy biết hẹp hòi, lầm lạc sanh lòng hủy báng, tội lỗi sẽ ngập trời, khổ báo vô tận. Kính khuyên người đời, hãy lánh xa tội, cầu lợi ích, lìa khổ được vui vậy!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien19.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên