Đạo vốn không tên, nhân tâm có đạo.
Tâm và tên nếu có thì đạo không rỗng suốt.
Tột tâm đã không thì đạo nương đâu mà lập???
Cả hai đều là giả danh.
Bản chất của đạo vốn không có tên, chẳng qua vì khi cần thiết phải nói ra, cho nên miễn cưỡng đặt tên này tên nọ.
Thí dụ trước khi đóng cái bàn, người thợ mộc phải khởi nghĩ về cấu trúc, hình dáng. Sau đó ghép ván gỗ, đóng đinh nối các bộ phận lại với nhau mới thành hình, đặt cho nó tên là cái bàn.
Nếu họ đặt tên nó là cái ghế thì bây giờ chúng ta cũng gọi nó là cái ghế.
Nói như vậy để thấy danh từ “cái bàn” vốn không phải là bản thân cái bàn, mà chỉ do con người tạm đặt là tên giả mà thôi.
Tiến thêm một bước nữa, ngay chính bản thân vật thể cái bàn cũng không phải là chính nó.
Bởi vì cái bàn do nhiều yếu tố kết hợp lại: gỗ, đinh, sơn, công sức của người thợ mộc … mà thành. Những yếu tố chính này lại cũng do nhiều yếu tố khác tạo nên.
Ví như gỗ là từ cây, muốn có cây thì phải từ hạt giống, nước, gió, ánh sáng v.v…
Cho nên ngài Bổn Tịnh nói đạo không rỗng suốt nghĩa là tất cả pháp đều là không, do nhân duyên kết lại mà thành. Tột tâm đã không thì đạo nương đâu mà lập? Cả hai đều là giả danh.
- Nếu nói Phật độ chúng sanh, đạo không độ, đây là vọng sanh thấy hai.
Theo sơn tăng tức chẳng phải vậy.
Phật là tên suông, đạo cũng dối lập, cả hai đều không thật, toàn là giả danh.
Trong một cái giả sao lại phân làm hai?
Người tu hành vốn không tên. Toàn là giả danh.
Người được giác ngộ gọi là Phật, như vậy chữ Phật là danh xưng.
Tên đó để chỉ người giác ngộ. Người giác ngộ không phải là Phật.
Chân vọng cả hai đều bặt, Phật, đạo cả hai chẳng còn, tu hành tánh là không, danh tướng chẳng thật, thế giới như huyễn, tất cả đều giả danh.
Thiền sư Pháp Không hỏi:
- Phật với đạo đều là giả danh, mười hai phần giáo cũng chẳng phải thật, vì sao các hàng tôn túc từ xưa đều nói có tu có đạo?
- Đại đức lầm hội ý kinh, đạo vốn không tu, đại đức cưỡng tu, đạo vốn không tác, đại đức cưỡng tác, đạo vốn không sự, đại đức cưỡng sanh đa sự, đạo vốn không biết, ở trong ấy cưỡng biết. Thấy hiểu như thế cùng đạo trái nhau. Tôn túc từ xưa không như thế, tự đại đức không hội, xin suy ngẫm đó.
Sư có bài kệ:
Đạo thể bản vô tu,
Bất tu tự hiệp đạo.
Nhược khởi tu đạo tâm,
Thử nhân bất hội đạo.
Khí khước nhất chân tánh,
Khước nhập náo hạo hạo.
Hốt phùng tu đạo nhân,
Đệ nhất mạc hướng đạo.
Dịch:
Thể đạo vốn không tu,
Chẳng tu tự hiệp đạo.
Nếu khởi tâm tu đạo,
Người này không hiệp đạo.
Bỏ mất một tánh chân,
Lại vào nơi phiền lụy.
Chợt gặp người tu đạo,
Bậc nhất chớ hướng đạo.
Thiền sư Bổn Tịnh
Người tu ngày nay thường mắc phải lỗi chấp thủ.
Nếu không chấp thân, chấp tâm thì cũng chấp vào những lời dạy của chư Phật, chư tổ mà không thật sự nhận ra bản chất vô thường duyên hợp của vạn pháp.
Đó là sai lầm muôn kiếp của chúng sanh, cho nên cứ lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử.
Thiền sư Thích Thanh Từ