(Phần tiếp theo)
Nước là một chất lỏng chan hòa với tất cả các chất, cũng như sự không xan tham, chan sớt sống chung cùng với cả chúng sanh. Nước bao giờ cũng mát, dầu phải bị cơn đốt nấu đi nữa, thì sau khi đó nó cũng mát trở lại tánh cũ. Cũng như người quân tử không bao giờ sân giận, dầu phải bị ai gây gỗ khêu chọc, thì cái nóng ấy cũng chỉ trong giây lát mà thôi. Vì bởi người đã quen tánh mát, tánh mát đã tự nhiên, để tự nhiên là nó mát lấy nó.
Nước màu sáng trắng cũng như trí của quân tử chẳng chút si mê. Mặt nước thì bằng phẳng, sáng rỡ và tự nhiên cũng như sự im lặng, chơn như, sự công bình theo đạo lý, như sắc diện sáng rỡ của bậc quân tử trượng phu.
Nước thì trong như lòng không dính lợi của nhà đạo. Vị của nước ngọt, giống lời nói của người hiền. Nước ngọt lỏng nhẹ hay chảy có đường, nên kêâu là sự nho nhã, nhu hòa nhu đạo.
Nước thì lưu thông không chi ngăn bít được, cũng như nhà thông thái châu du thiên hạ, chỗ nào cũng đến. Nước không có hột phân tách, cũng như lòng sống chung từ bi bác ái, đại đồng, bình đẳng của nhà đạo đức, không chia rẽ phân biệt, ích kỷ tư riêng.
Nước chỉ có một màu sáng trắng, tức là sự thanh bạch của các vị đạo sư. Nước cũng có vị lạt, nhưng khi biến sanh đất, thú, cỏ, cây, sắt, đá, thì lại có đủ vị mùi, cũng như pháp giáo của thánh hiền, lời lẽ rất tầm thường mà tánh cách của lý nghĩa rất quí, hay, mầu nhiệm, do đó mà sanh đẻ ra tất cả chúng sanh sự sống.
Thiếu ăn thì người ta còn nhịn được, chớ thiếu nước ắt chẳng xong. Cũng như không có ác là không sao, chớ mất thiện lành thì người ta phải chết.
Tuy nước ao nầy ao kia cách khoảng, nhưng nó cũng có hang mạch thông đồng; cũng như xứ đạo đức bên nầy, nước quân tử bên kia, tuy ở cách xa, chớ tinh thần lý trí điển lành lúc nào cũng dung hợp làm một, mà không ai ngăn cản được.
Nước bao giờ cũng thấm nhuần trong đất, làm cho đất dính liền, không đến nỗi phải khô khan ra bụi. Cũng như, giáo lý thánh hiền lúc nào cũng từ bi thương xót kẻ lợi danh ác quấy, ban bố dạy khuyên. Cảm hóa lần lần, chớ không nỡ để cho họ chia rẻ tương tàn sát hại với nhau.
Không ai chém giết đánh đập được nước, dầu sau cơn bị động rồi, thì nước vẫn trở lại yên lặng bằng phẳng như nhiên, như không có chi hề hấn. Người quân tử cũng vậy, chẳng bất bình ai cả, chẳng chi làm tổn hại xao xuyến tâm người. Dầu ai có múc nước uống, đem nước nấu khô, hay là đổ đi đâu thì nước bao giờ cũng trở về với nước. Hoặc còn là chất nước trở về, hoặc nước chết thân hình, còn lại hồn linh của nước làm mây và hóa mưa, là sanh thân trở về với nước lại y như cũ. Khác nào người đạo dầu bị ai cám dỗ bắt đi đâu, dầu cho lợi danh nào ràng buộc, thì lòng đạo bao giờ cũng trở về với đạo, chẳng trở lại bằng xác thịt được, thì khi chết đi, linh hồn cũng trở về sanh nơi xứ đạo của mình. Nên gọi xứ của người quân tử chỉ có thêm chớ không có bớt, không hề thất lạc, rơi mất một người. Vì người quân tử không hề vong bổn bỏ đạo, mà chịu đi xu hướng ở lại với ai ai, chỗ lợi danh! Người quân tử chẳng mất, cũng như nước bao giờ cũng vẫn còn hoài hoài.
Nước của một quả địa cầu, dầu có trôi chảy thành mây, nhưng xoay đi lộn lại, đời đời, kiếp kiếp vẫn y nguyên một mực, không dư, không thiếu, khác nào người quân tử cư xử với đời lúc nào cũng vậy, chẳng lưng, chẳng đầy, sau trước không sai khác. Nước tuy dẻo dai mềm yếu nho nhã nhu hòa chan sớt theo hình lớn nhỏ, mà lại bền bỉ mạnh cứng to lớn nặng nề. Cũng như biển dã mênh mông to lớn, cũng như thùng nước nặng, cũng như máy chạy mạnh bằng nước, cũng như nước còn hoài, không mất, không chết bao giờ.
Nước bao giờ cũng như con của tất cả, mà nước cũng lại là chúa tể, là cha nuôi, là mẹ sanh, là thầy dạy của tất cả chúng sanh vạn vật, vì cả thảy đều do nước mà ra. Chữ "quân" là vua của người tôn, chữ "tử" là con của người, tự mình gọi, mà đạo quân tử là che chở sanh sản giáo hóa cả muôn loài, cao quý vô cùng. Tuy mềm yếu lỏng nhẹ trôi chảy chiều chuộng như sợ sệt, ai muốn sao theo vậy, cũng như không ta, không tự chủ, không nhứt định, là cái sống của chúng sanh, sống theo nhơn duyên, mà như thế mới là một sức mạnh, to lớn, ích lợi bền dài sống mãi.
Người quân tử thắng được cái ý của mình, thắng được cái thô lỗ, cộc cằn, thắng được cái dốt nát, ngang bạo, thắng được cái tự đắc, tự cao, kiêu hãnh, ngã mạn chấp ta của mình, nên gọi là cái thắng cái hay, của sự mới mẻ lạ lùng, ít ai làm được mới là quý.
Sự thành công của người quân tử, cũng như hột mưa chảy thành đường trên đất, và lôi rủ bòn vét, kéo đất xuống giòng sông, làm cho nước càng cao, đất càng thấp, nước trồi dưng lên, đất kia phải mòn lẳn xuống; cũng như nước chảy đá mòn. Nước thì bao giờ cũng ở trên đất, dầu nơi chỗ núi, gò cao, nước ở hố thấp, chớ nước cũng đang ở trên đất; hay như gặp chỗ đất thấp thì nước lại phủ tràn bít đất, mà đất thì không bao giờ bít nước được, vì không ở chỗ đó, là nó sẽ trôi chảy lại chỗ kia. Cũng như trên mây thì hơi nước ở trên hơi đất, như khi đám mưa xuống thì nước cũng động trên chót núi, trên đỉnh nhà mà thôi.
Thế nên gọi thiện là đầu, ác là chơn, nước là đầu trên, đất là chân dưới. Người quân tử là kẻ trên đầu của chúng sanh cũng y như vậy, ai mà không tôn kính, mến trọng! Ai mà không phải đem của cải tô đắp, nâng cao người quân tử! Ai mà không đem vật chất kéo trôi theo nguồn đạo? Ai mà chẳng hạ bỏ xác thân đối với đạo thiện trên cao? Dầu cho cõi đời, cái ác cao đến mấy, vật chất chỗ nào cao nhiều, thì cái thiện bị lấn áp ở thấp sâu, chớ không phải thiện là ở dưới. Trái lại xứ nào cái ác thấp và vật chất ít, là đạo đức sẽ phủ tràn giăng bủa, như nước ngập mênh mông kia vậy. Nước là đạo, là pháp, nước là thiện, là lành. Nước là sống đời vĩnh viễn, nước ấy là tánh của người quân tử, là tâm của Phật, là thân của trời, là trí của loài người, mà khi xưa các bậc hiền triết muốn cho chúng sanh tập theo tánh nước ăn ở sống đời, nên đặt tên là nước, nước là dân, dân là đạo, đạo là tâm thủy tánh nước đó. Người lo việc nước tức là lo trau giồi tâm thủy, tập tánh quen như nước, chớ nào phải là sự đánh giết ai đâu? Nước là quân tử là Phật, mà các bậc đại hiền muốn cho tất cả đều tu, và chỉ đạo cho ngó thấy, lấy nước mà so sánh cho dễ hiểu, mong cho cõi đời trở nên xứ Phật, xứ đạo đức, xứ hiền lương, chớ nào có bảo việc hơn thua tranh lợi.
(Còn tiếp)