Tất Cả Vì Chúng Sinh Mà Chẳng Vì Chính Mình, Đó Là Hành Bồ Tát Đạo

123456789

Registered
Phật tử
Tham gia
14 Thg 6 2009
Bài viết
491
Điểm tương tác
76
Điểm
28
23755816_883353058508598_8408253990103482285_n.jpg


TẤT CẢ VÌ CHÚNG SINH MÀ CHẲNG VÌ CHÍNH MÌNH, ĐÓ LÀ HÀNH BỒ TÁT ĐẠO

Học Phật pháp, phải biết rõ tính quan trọng của Phật pháp. Nếu không nhận thức rõ ràng, hoặc chẳng hiểu biết triệt để, thì không thể nào lão lão thực thực mà tu hành, không tu hành thì chẳng có sở đắc, cũng chẳng có trí huệ.

Người có trí huệ thì không thể ở chỗ đen tối, người ngu si thì không thể ở chỗ ánh sáng. Tại sao ? Vì người ngu si ở chỗ đen tối, thì không cảm thấy rằng đen tối, do đó tập quán thành tự nhiên. Song, người có trí huệ biết đen tối là không đúng, cho nên phải tìm chỗ có ánh sáng mà ở. Ánh sáng thì chẳng có tâm sân hận, đen tối thì có tâm sân hận. Cho nên chánh đại quang minh tức là tâm địa quang minh, chẳng có đen tối chướng ngại.

Người tu đạo phải luôn luôn hồi quang phản chiếu, tức cũng là phản tỉnh những gì mình làm mỗi ngày, rằng có hợp với giới luật chăng ? Hợp thì khỏi, không hợp thì sửa đổi, luôn luôn quản thúc mình, đừng làm cho mình niệm niệm sinh ngu si, mà phải niệm niệm sinh trí huệ, sinh trí huệ thì không nóng giận, người ngu si mới nóng giận. Người có sự tu dưỡng, thì tuyệt đối chẳng sinh tâm nóng giận. Người có hàm dưỡng công phu, thì sẽ khiến cho người tự nhiên sinh tâm cung kính. Học Phật pháp, phải ngày càng thông minh, đừng ngày càng ngu si, về điểm này hãy nên nhớ, nên luôn luôn chú ý.

Nếu bị người mắng, thì không nên mắng lại người, đó mới là công phu nhẫn nhục thật sự, tức cũng là có định lực. Chẳng những đối đãi với huynh đệ phải hòa khí, mà đối đãi với đồ đệ đồ điệt, cũng phải hòa mục, đừng bao giờ sinh nóng giận. Cổ đức có nói : ‘’Lửa vô minh, thần cọp, đây là gốc tội nghiệt kiếp trước.’’ Tức nhiên biết có gốc tội nghiệt, thì hãy bứng gốc tội nghiệt lên, nếu không, thì sẽ biến thành đại chướng ngại cho sự tu đạo, không thể tăng trưởng căn lành.

Người tu đạo, bất cứ gặp cảnh nghịch như thế nào, đều phải thuận thọ, đừng động lửa trong gan, đừng sinh nóng giận. Ở trong Chứng Ðạo Ca của đại sư Vĩnh Gia có nói :

‘’Quán lời ác là công đức,
Ðó là thiện tri thức của ta,
Ðừng vì sự phỉ báng mà khởi oán thân,
Ðó là vô sinh từ nhẫn lực.’’

Ðại ý nói là : Nếu có người mắng bạn, thì đó là công đức. Người mắng bạn, tức là thiện tri thức của bạn, họ trợ giúp bạn tăng trưởng công đức, họ trợ giúp bạn tu đạo, đừng vì họ phỉ báng mà khởi tâm sân hận, nên sinh tâm từ bi, do đó có câu : ‘’Người xuất gia, dùng từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa.’’ Làm thế nào chứng minh có tâm từ bi ? Có người đến mắng bạn, có người đánh bạn, thậm chí có người giết bạn, đó là thử thách định lực của bạn có đủ hay không, người có định lực thì chẳng động tâm, tức là không nóng giận.

Bây giờ tôi nhớ lại, lúc tôi ở tại Tam Phan Thị (San Francisco), lúc đó chỉ có mình tôi ở đó, chẳng có ai trợ giúp, do đó mới mời một vị pháp sư từ Ðài Loan đến, hy vọng ông ta giúp tôi hoằng dương Phật pháp. Tôi nhờ luật sư làm giấy tờ để bảo lãnh ông ta đến Mỹ, sau khi ông ta nhận được giấy nhập cảnh, bèn đi các nơi hóa duyên, có được nhiều tiền rồi, ông ta bỏ kế hoạch đi Mỹ. Một năm sau, giấy tờ đã bỏ hết, lại muốn đi Mỹ, tôi lại nhờ luật sư để làm giấy tờ nữa, trước sau hai lần làm giấy tờ tốn khoảng hơn tám trăm đô la. Ban đầu ông ta muốn thành tâm hợp tác, vì Phật giáo cống hiến một phần sức lực. Thật không ngờ chưa đầy một tháng, thì đã hoàn toàn thay đổi, hằng ngày ông ta đi đến hội Phật Giáo khác, bí mật ký ước với người ta, muốn rời bỏ Giảng Ðường của tôi.

Lúc đó, tôi đã biết nội tình, một ngày nọ sau khi làm lễ buổi tối xong, khi đó có năm sáu vị cư sĩ cũng ở đó, có một nhóm người mang ông ta đến. Ông ta nổi giận lôi đình dùng cây đao (đao mang từ Ðài Loan đến, dài khoảng một thước), chỉ vào bụng của tôi nói : ‘’Tôi muốn giết ông‘’ ! Lúc đó, tôi nhắm mắt lại như nhập định, tâm nghĩ : Nếu tôi kiếp trước đã giết ông, thì đời này nhất định ông sẽ giết tôi, đó là nhân quả. Cho nên thái độ của tôi rất bình tĩnh, không sao, ông cứ tùy tiện ! Vị pháp sư đó la lên nói : ‘’Ðừng nhắm mắt ! Tại sao ông không nói‘’ ! Một mặt thì chửi, một mặt dùng đao để uy hiếp, trải qua ba ngày như thế, chẳng những mắng chửi mà còn muốn giết người. Ba ngày sau, ông ta thấy tôi chẳng có chút phản ứng gì, mới dọn đến hội Phật giáo mà ông ta đã ký ước để ở. Chưa đến một tháng, chịu khổ không được bèn yêu cầu muốn trở lại, tôi nói : ‘’Hoan nghinh ông trở lại, tôi đem Giảng Ðường đó cho ông ta vô điều kiện, tôi muốn đến nơi khác để ở.’’ Ông ta chẳng dám nhận, cho nên trở về Ðài Loan, bây giờ nghe nói ông ta điết, và mắc nhiều thứ bệnh tật.

Người tu đạo mà bị người ta mắng chửi, đó là thử thách định lực của bạn như thế nào ? Người có định lực, được người ta khen cũng chẳng mừng, bị người phỉ báng cũng chẳng giận, đó là cảnh giới tám gió thổi không lay động. Hãy xem những lời mắng chửi như tiếng ca hát để thưởng thức, hoặc coi như tiếng ngoại quốc nghe chẳng hiểu, có công phu như thế thì tự nhiên sẽ hóa "đao nhọn thành ngọc lụa", có việc biến thành không việc.

Người tu đạo, tức là nhẫn nhục không được cũng phải nhẫn, chịu không được cũng phải chịu. Nhẫn được chịu được đó là có định lực, không nhẫn được không chịu được, thì chẳng có định lực. Ðịnh lực tu như thế nào ? Trước hết phải giữ giới, giữ giới thì không làm ác, ngừa việc quấy, tức cũng là ‘’Không làm các việc ác, làm các việc lành.’’ Giữ giới thì phải thường kiểm thảo mình, phải làm việc thiện, đừng làm việc ác. Ðối với thế giới có công, thì đừng ngại hãy tiếp tục làm, còn đối với thế giới có lỗi, thì lập tức hối cải, như thế thì sẽ sinh ra định lực. Sinh ra định lực rồi, thì còn phải trải qua sự thử thách. Nếu có người đến chửi bạn, hoặc đánh bạn, mà bạn như như không lay động, đến cảnh giới không người không ta, thì mới cho rằng là có định lực, do đó có câu :

‘’Tất cả là thử thách,
Xem thử bạn làm sao,
Trước mắt mà chẳng hay,
Phải luyện lại từ đầu.’’

Người tu đạo, không thể chướng ngại những người khác phát tâm bồ đề, nhất là không thể khiến cho người khác sinh đạo tâm thối lùi, nếu có những tư tưởng như thế, thì mình tu đạo cũng chẳng có sự thành tựu, bất cứ ai muốn phát bồ đề tâm, thì nên trợ giúp họ, thành tựu họ, không nên phá hoại họ, khiến cho cho họ sinh tâm thối lùi, nếu như thế thì chắc chắn sẽ đọa địa ngục.
Giữ giới phải thanh tịnh, phải từ bi, phải cung kính, phải hòa khí, do đó cần có tinh thần lục hòa. Người tu đạo lấy lục hòa làm tiêu chuẩn, mới là người giữ giới luật.

Lục hòa là gì ?

1). Thân hòa đồng trụ : Mọi người ở chung với nhau, tu với nhau, nghiên cứu với nhau. Không được nói chỗ này chỉ có tôi, chẳng có bạn, càng chẳng có ai khác, không được từ sáng đến tối, đấu tranh với sư huynh đệ, hoặc bạn đồng tu bằng thân khẩu ý, thứ tư tưởng này không nên tồn tại. Nếu có tình hình như thế, thì hãy mau sửa đổi. Không thể chỉ biết có mình, mà không biết có người khác, ngược lại dùng thế lực, địa vị để đè nén bức bách người, khiến cho họ phải phục tùng, như thế càng không thể được. Nếu đè nén bức bách người khác, thì đừng nói đến thân hòa đồng trụ.

2). Khẩu hòa vô tranh : Không được dùng miệng để tranh luận, dùng miệng để đấu tranh, đều cho rằng mình là đúng, còn người khác là sai, đó là biểu hiện miệng chẳng hòa hợp. Người tu đạo, phải tu tam muội không tranh, miệng hòa tức là chẳng tranh luận. Nếu có hàm dưỡng công phu, thì mọi người nhất định cung kính nhau như khách.

3). Ý hòa đồng duyệt : Ý niệm của bạn phải hòa hợp với ý niệm của người khác, đừng có chia rẽ ý kiến, được như thế thì mọi người thuận với nhau. Phải biết rằng, đạo tràng chẳng phải đạo tràng của một người, mà là đạo tràng của mọi người, đừng dùng thủ đoạn cưỡng bách bức ép người, khiến cho người không vui vẻ hòa thuận, mà gieo trồng xuống nhân ba đường ác.

4). Kiến hòa đồng giải : Không nên cho rằng kiến giải của người khác là không đúng, chỉ đặc biệt kiến giải của mình là hơn người khác, tư tưởng như thế không chấp nhận được. Phải minh bạch kiến giải của mọi người mới có thể thực hành, tức cũng là phục tùng ý kiến của đa số, không độc tài, không được chuyên chế.

5). Giới hòa đồng tu : Giới luật mọi người đều giữ, giống như luật pháp quốc gia, ai ai cũng phải giữ, không được nói giới này là bạn giữ, chứ chẳng phải tôi giữ. Những người có tư tưởng như thế là thứ bại hoại ở trong Phật giáo, mọi người nên cùng trừ khử ‘’trùng sư tử’’, khiến cho cửa Phật thanh tịnh.

6). Lợi hòa đồng quân : Tất cả lợi ích, mọi người nên cùng nhau chia đều, không thể chỉ một người có, một người có, đó là chẳng quân bình. Người xưa có nói :

‘’Bất hoạn quả, nhi hoạn bất quân.’’

Nghĩa là:

Không quân bình thì sẽ than oán,
Nếu đồng đều thì chẳng có lời oán trách.

Do đó có câu :

‘’Nhân bình bất ngữ,
Thủy bình bất lưu.’’

Nghĩa là :

Người hòa thì chẳng nói,
Nước bình thì không chảy.

Tức là đạo lý này.
Người tu đạo, phải minh bạch đạo lý sáu điều hòa hợp, mới không chướng ngại người khác đồng tu, không áp bức người khác đồng đạo, đó là việc rất quan trọng, mong rằng mọi người lưu ý, không được biết rõ mà cố ý phạm. Phải :

‘’Tính định ma phục triều triều lạc,
Vọng niệm bất khởi xứ xứ an.’’

‘’Tính định ma phục triều triều lạc‘’ là gì ? Giữ giới thì khiến cho tính an định. Tính an định thì ma gì cũng chẳng có. Tính không định thì mới có ma đến nhiễu loạn, tính định thì hàng phục được ma, do đó có câu :

‘’Ðạo cao long hổ phục,
Ðức trọng quỷ thần khâm’’.

Nếu bạn có đạo nghiệp cao thâm, nói ra một câu thì chư Phật, Bồ Tát, Thiên long bát bộ, đều đến ủng hộ lời nói của bạn, lúc đó rồng cũng khoanh lại, cọp cũng nằm phục xuống. Nếu bạn có đức hạnh cao thượng, thì lời nói ra đều rất linh nghiệm. Do đó, quỷ thần cũng khâm phục bạn, thấy bạn liền cúi đầu đảnh lễ rất cung kính, cho nên nói tính định ma phục triều triều lạc.

‘’Vọng niệm bất khởi xứ xứ an’’ là gì ? Nếu tâm của bạn khởi vọng tưởng, thì bất cứ đi đến đâu, cũng chẳng được bình an, cũng chẳng được cát tường. Người có vọng tưởng tức là tham tâm bất túc, đứng núi này trông núi nọ cao, đến núi nọ rồi thì thấy núi khác cao hơn. Ðó là biểu hiện lòng tham của con người, giống như tâm tham của người làm ruộng, mùa xuân gieo xuống ít hạt giống, mà muốn mùa thu thu hoạch dồi dào. Người đi học có tâm tham là hy vọng đọc tứ thư ngũ kinh, để tương lai làm quan lớn. Người làm công có tâm tham của người làm công, người buôn bán thì có lòng tham của người buôn bán. Tóm lại, ai cũng hy vọng muốn kiếm được nhiều tiền, hưởng thụ cho nhiều. Song, dục vọng chẳng ngừng, vĩnh viễn chẳng bao giờ đầy đủ. Có bài thơ này khuyên người :

‘’Suốt ngày bận rận chỉ vì cơm
Ðược cơm no rồi lại nghĩ áo
Cơm áo hai thứ đều đầy đủ
Trong phòng lại thiếu người vợ đẹp
Cưới xong vợ đẹp và thiếp xinh
Ra vào không kiệu chẳng ngựa cưỡi
Lừa, ngựa một bầy kiệu có đủ
Lại chẳng quan chức bị người cười
Năm phẩm bốn phẩm chê quan nhỏ
Ba phẩm hai phẩm cũng hiềm thấp
Nhất phẩm đương triều làm tể tướng
Lại muốn làm vua một cõi nước
Một khi được lên làm ông vua
Lại muốn thần tiên xuống đánh cờ.’’

Ðây là vọng tưởng lòng tham của con người, do đó có câu : ‘’Tâm tham bất túc xà thôn tượng.’’ Nghĩa là, lòng tham chẳng biết đủ, thì giống như một con rắn nhỏ, mà muốn nuốt chửng một con voi lớn, làm sao mà làm được ? Cũng giống như kẻ ngu nói chuyện mộng mị.

Người tu đạo phải chú trọng đức hạnh, tức cũng là chú trọng về đạo đức. Ðạo đức là lợi ích kẻ khác, chẳng phải lợi ích chính mình, việc đối với mình có chỗ bất lợi, nhất định mình phải gánh lấy, việc đối với người có chỗ thiệt hại, thì mình nhất định trợ giúp giải quyết sự khó khăn. Tóm lại, đạo đức là lợi người, chẳng phải hại người, đây là nguyên tắc cơ bản.

Quan trọng nhất về việc tu đạo là tu đạo đức. Ðạo thì ở bên ngoài, đức thì ở bên trong; tài bồi đạo bên ngoài, tức là tu tất cả đạo, ở bên ngoài có đạo rồi, thì bên trong cảm thấy rất khoái lạc, có đức nơi tâm thì gọi là đức hạnh.

‘’Có đức ai ai cũng kính,
Có đạo ai ai cũng trọng.’’

Bạn có đức hạnh thì ai ai cũng kính phục bạn, sùng bái bạn, dù bạn mắng người hoặc đánh người, song người bị mắng hoặc bị đánh, đều cảm thấy rất vinh hạnh mà sinh hoan hỷ. Nếu chẳng có đức hạnh, dù hướng về người đảnh lễ, người ta còn muốn đá bạn hai đá, chán đánh bạn chẳng có đạo đức ! Cho nên, đức hạnh là hạnh môn người tu đạo phải tu.

Người tu đạo, phải treo hai chữ đạo đức lên giữa chân mày, khi mở mắt thì thấy ngay. Ở các nước phương tây, vốn chẳng chú trọng về đạo đức, chỉ đề cập đến khoa học, chứ chẳng đề cập đến đạo đức, nên đã quên mất đi nguồn gốc. Người tu hành chẳng có đạo đức, thì không thể thành tựu đạo nghiệp, không thể thành Phật làm Tổ. Phật là vạn đức trang nghiêm, vạn đức thành tựu, có nhiều đức hạnh nên mới có thể thành Phật.

Ðạo đức tức là chánh khí, đạo đức ví như mặt trời mặt trăng, đạo đức đồng như trời đất, cho nên hai chữ đạo đức mọi người không thể coi thường. Ðạo đức tức là đạo tràng, đạo đức tức là tu hành, phải tu hành mới có đạo đức.

‘’Ðạo thì phải hành,
Không hành đạo dùng làm gì ?
Ðức thì phải tu,
Không tu đức từ đâu đến‘’ ?

Cho nên người tu đạo, nếu không chú trọng về đạo đức, thì chẳng cách chi để tu hành.

Ðạo đức tức là xả mình vì người, chẳng có tâm ích kỷ lợi mình. Cho nên người tu đạo, mỗi cử chỉ hành động, lời nói, việc làm, đều phải chú trọng về đạo đức. Khi mình có sức lực, thì hết mình giúp đỡ người khác, hộ trì đạo tràng, cúng dường Tam Bảo, tức là hành vi giúp đỡ kẻ khác, khiến cho đạo tràng chẳng có chút phiền não gì, đó đều là phương pháp tu đạo đức tốt nhất. Do đó, các bạn nên đem hết sức mình, hết lòng tu cho được viên mãn, thì mới có sở thành tựu. Thiên ngôn vạn ngữ một câu nói :

‘’Tất cả vì chúng sinh mà chẳng vì chính mình.’’

Ðó là hành Bồ Tát đạo. Người hành Bồ Tát đạo, thì nhất định phải đừng có cái ta. Tự giác tuy quan trọng, song giác tha còn quan trọng hơn. Ðiểm này mong rằng mọi người hãy chú ý, tức là phải luôn luôn lợi ích chúng sinh.

Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên