nguyenvanhoc2006

THỦ-LĂNG-NGHIÊM KINH TÔNG THÔNG _ Quyển IV

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Anan, giờ đây các Căn của ông mà nhổ sạch ra được, thì cái sáng chói bên trong phát ra. Như thế, các phù trần và các tướng biến hóa của thế gian vật chất đều tiêu mất như băng gặp nước sôi, lập tức hóa thành Tri Giác Vô Thượng.

THÔNG rằng :

Tùy theo nhổ dứt một Căn, thoát khỏi sự dính, phục về bên trong, trở lại cùng tột dòng Căn đến chỗ chẳng sanh chẳng diệt. Đó là chuyện phía bên công phu, cái cơ duyên là do ở ta.

Các Căn nhổ sạch, cái sáng chói bên trong phát ra, sanh diệt dứt hết, Tịch Diệt hiện tiền. Đây là chuyện phía bên Đốn Ngộ, cơ duyên chẳng ở tại ta. Do đó, không ngộ thì căn thân phù trần, các tướng biến hóa của thế gian sự vật đều quy về Pháp Sanh Diệt, như nước đóng thành băng. Còn một phen Đốn Ngộ, liền chuyển cái Sanh Diệt làm Tánh Chẳng Sanh Chẳng Diệt, như nước sôi tiêu tan băng giá, mà trở lại thành nước vậy. Nước là cái Bổn Lai vậy. Vô Thượng Tri Giác là cái vốn có của ta vậy. Đã thành ra cái Tri Giác Vô Thượng, thì còn có sáu tên giặc nào để lo nữa ư ?

Ngài Long Đàm Tín hỏi Tổ Thiên Hoàng Ngộ rằng : “Từ khi đến đây, con chẳng được Hòa Thượng chỉ bày cho tâm yếu”.
Tổ Hoàng nói : “Từ khi ông đến đây, ta chưa từng có lúc nào mà không chỉ bày tâm yếu”.
Ngài Long Đàm nói : “Chỉ bày chỗ nào đâu ?”
Tổ Hoàng nói : “Ông đem trà tới, ta vì ông rước lấy. Ông đem cơm tới, ta vì ông lãnh lấy. Khi ông cung kính, ta bèn cúi đầu. Có chỗ nào là chẳng chỉ bày cái tâm yếu cho ông đâu ?”
Thầy Long Đàm đứng trân, suy nghĩ.
Tổ Hoàng nói : “Thấy thì thấy ngay. Nghĩ suy liền trật.”
Long Đàm ngay khi ấy khai ngộ. Bèn thưa : “Bảo nhiệm(24) thế nào ?”
Tổ Hoàng nói :

“Theo Tánh rong chơi
Tùy duyên phóng khoáng
Chỉ hết phàm tâm
Không riêng Thánh giải”.


Tổ Giáp Sơn có thầy Tiểu Sư theo làm thị giả đã lâu. Tổ bảo đi hành cước, đi các nơi học thiền. Sau nghe Tổ Giáp Sơn nhóm chúng, tiếng đạo vang xa. Thầy Tiểu Sư bèn về thăm và hỏi : “Hòa Thượng có chuyện kỳ đặc như thế, sao chẳng sớm nói cho con ?”

Tổ Sơn nói : “Ông vo gạo thì ta chụm lửa, ông dọn cơm thì ta bày bát. Chỗ nào là ta phụ rẫy ông đâu ?”
Tiểu Sư nghe đó, liền ngộ nhập.

Đều có thể nói là “Lập tức hóa thành Tri Giác Vô Thượng” đó vậy.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Anan, như người thế gian kia gom cái Thấy ở nơi con mắt. Nếu bảo nhắm kín thì tướng Tối hiện ra trước mặt, cả sáu Căn đều tối, đầu và chân cũng thế. Người kia lấy tay rờ quanh ngoài thân thể, thì tuy chẳng thấy, mà vẫn phân biệt được đầu và tay, cái tri giác vẫn đồng như cũ.

“Cái Thấy nhân nơi Sáng, khi Tối thành ra không thấy. Còn cái Thấy mà không nhân nơi cái Sáng mà vẫn tự phát ra, thì các tướng Tối chẳng bao giờ làm mờ tối đi được. Căn và Trần đã tiêu tan rồi, thì sao tánh Giác Minh không trở thành nhiệm mầu cùng khắp ?


THÔNG rằng :

Đoạn trước chỉ bày Tánh Trạm Viên chẳng theo Căn, ở đây chỉ ra Tánh Trạm Viên chẳng nương nơi duyên. Người nhắm mắt kia, lấy tay rờ theo thân thể người khác thì phân biệt được đầu và chân. Cái tri giác trong tối với cái tri giác khi Sáng không khác nhau. Người đời còn chẳng cần mượn cái duyên ánh sáng mà vẫn phân biệt được, huống gì Chân Giác của Thánh Nhân há lại mượn duyên ư ? “Cái Thấy nhân nơi Sáng, khi Tối thành ra không thấy”. Đó là nói theo thế đế. Như vậy là cho rằng cái thể Giác Minh, nhờ có ánh sáng mà sáng, do bởi tối mà thành tối. Nay hãy xem người nhắm kín mắt, chẳng có nhờ Duyên ánh sáng mà vẫn hay biết, trong bóng tối cũng vẫn phân biệt rõ đầu và chân. Cái Thấy này, Sáng không làm cho nó Sáng, Tối không làm cho nó Tối, không ngăn cách nó được. Căn và Trần đã tiêu mất, bèn tay có thể làm mắt, mắt có thể làm tai. Một Căn về gốc, sáu Căn thanh tịnh, làm sao tánh Giác Minh chẳng thành nhiệm mầu tròn khắp ?

Cái Giác Minh từ sáu Căn mà phát ra ấy, phạm vi của cái Sáng giới hạn bởi Căn, nên chẳng thể nhiệm mầu tròn khắp. Duy cái Giác Minh chẳng nương cậy Căn và Trần, mà tự phát ra, đó là thần thông diệu dụng, cảm ứng khắp nơi, đó thật là sáu Căn dùng thay nhau, tức là cái gốc cho ba mươi hai Ứng Thân do Viên Thông của Đức Quán Thế Âm vậy.

Ngài Vân Nham hỏi Tổ Đạo Ngô : “Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bao nhiêu tay mắt ấy như thế nào ?”
Tổ Ngô nói : “Như người nửa đêm trở tay rờ cái gối”.
Ngài Nham nói : “Tôi hiểu”.
Tổ Ngô nói : “Ông hiểu làm sao ?”
Ngài Nham nói : “Khắp Thân(25) là tay, mắt”.
Tổ Ngô nói : “Nói thì quá lắm, mà chỉ nói được tám tướng thành Đạo”.
Ngài Vân Nham nói : “Sư huynh nói thế nào ?”
Tổ Ngô nói : “Suốt Thân(26) là tay, mắt”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Một khiếu rỗng thông
Tám mặt cửa song
Không tướng, không thân, xuân vào luật
Chẳng ngăn, chẳng ngại, nguyệt trời không
Mắt quý sạch trong, tay công đức
Khắp Thân nào giống được Suốt Thân !
Hiện tiền tay, mắt toàn cơ hiện
Đại dụng tung hoành, mặc cữ kiêng”.


Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Khắp Thân phải, Suốt Thân phải
So ra còn cách mười muôn dặm !
Cánh bằng che khắp mây lục hợp
Cuốn gió rền vang bốn biển xanh
Cái ấy bỗng sao, hề, bụi sanh ?
Trong ấy, mảy tơ, hề, chưa dứt !
Anh thấy chăng,
Lưới châu buông xuống, ảnh trùng trùng
Đầu gậy, tay mắt từ đâu khởi ?”.


Ôi chao ! Sao Khắp Thân lại cách Suốt Thân mười vạn dặm ? Vì Khắp Thân là chưa lìa được Thân Kiến. Suốt Thân là gồm hết thảy mà quên đi. Chút tơ hào sai khác này, không đầy đủ con mắt thì nào có biện được. Ngài Tuyết Đậu thì tay, mắt đều quên. Còn Ngài Thiên Đồng chẳng ngại cơ duyên cùng diệu dụng, nên huyền lại càng huyền vậy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

B. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ HIỆN TÍNH THƯỜNG


1. NGHI CĂN TÁNH KHÔNG CÓ TỰ THỂ

KINH :

Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy, muốn cầu được thường trụ, thì phải ở từ Nhân Địa là Giác Tâm, và những danh mục tu chứng phải cần tương ưng với quả vị. Thưa Thế Tôn, như trong quả vị đó, thì bảy danh hiệu là Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh, Am Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, tuy tên gọi khác nhau, nhưng Thể Tánh là trong sạch tròn đầy, vững chắc như Kim Cương Vương, thường trụ chẳng hoại.

“Nếu cái Thấy Nghe này lìa ngoài cái sáng, cái tối, cái động, cái tĩnh, cái thông bít thì rốt ráo không có tự thể; cũng như cái tâm niệm rời ngoài Tiền Trần vốn không chỗ có, thế thì tại sao lại lấy cái rốt ráo là đoạn diệt này mà làm Nhân Địa để tu cho được bảy quả đức Thường Trụ của Như Lai ? Thưa Thế Tôn, nếu lìa ngoài sáng và tối, thì cái thấy của tâm niệm diệt mất. Tới lui qua lại, suy xét chín chắn, thì vốn không có Tâm tôi và cái Tâm Sở của tôi, vậy lấy gì làm Nhân Địa để cầu Vô Thượng Giác ? Đức Như Lai trước kia có nói cái Tánh trong lặng tròn đầy thường trụ, nay lời nói khác nhau, hóa thành hý luận. Đâu là lời chân thực của Như Lai. Xin Thế Tôn rủ lòng đại từ, mở chỗ mê chấp cho tôi.


THÔNG rằng :

Ông Anan cho cái Nhân là Nhân Thực, cái Quả là Quả Thực, nên cho là lìa ngoài Trần không có tự thể, lìa ngoài Niệm không có Tâm : nghi là đoạn diệt. Đó là vì ông chưa từng biết rằng cái Tâm đối với Cảnh nguyên thuộc về sanh diệt, là sanh diệt thì có thể đoạn, còn cái Tâm lìa Cảnh, không thuộc sanh diệt, nên chưa từng đoạn được. Cái Tánh trong lặng tròn đầy thường trụ rốt ráo là vô sở đắc, xem xét nhặt nhiệm thì vốn không có Tâm ta, cùng với Tâm Sở của ta. Lấy cái ấy làm Nhân, thì đó là Chánh Nhân; lấy cái ấy chứng quả, thì đó là Chân Quả. Cái Tánh trong lặng tròn đầy thường trụ vốn là như thế, sao lại nghi ngờ là mâu thuẫn ư ? Vốn là một Tánh mà có bảy thứ tên gọi.

Kinh Bảo Tích nói : Không Như Lai Tạng lìa tất cả phiền não của tâm thức không giải thoát. Bất Không Như Lai Tạng đầy đủ hằng sa Pháp không thể nghĩ bàn của Phật Trí giải thoát. Không Bất Không Như Lai Tạng tùy hiện sắc không, ứng khắp tất cả.

Không Như Lai Tạng là Quả Thường Trụ. Đại Viên Cảnh Trí thấy rõ tất cả mà không phân biệt. Am Ma La Thức phân biệt tất cả mà không nhiễm trước. Vì rõ ràng thấu suốt nên gọi là Phật Tánh. Rõ ràng thấu suốt là cứu cánh Giác, nên gọi là Bồ Đề. Cứu cánh Giác, Thể vốn Tịch Diệt, nên gọi là Niết Bàn. Tịch Diệt nên hết thảy vọng tâm không chạm tới được, nên gọi là Chân Như. Bảy quả đức vốn là một Thể vậy.

Sơ Tổ Đạt Ma chỉ dùng tám chữ bao quát đầy đủ hết. Đó là : “Tịnh Trí Diệu Viên, Thể Tự Không Tịch”. Tịnh là Bạch Tịnh Thức. Trí là Đại Viên Cảnh Trí. Không là Không Như Lai Tạng. Tịch là Niết Bàn. Còn Chân Như, Bồ Đề, Phật Tánh, không ngoài hai chữ Diệu Viên. Hai chữ Diệu Viên tức là phân biệt mà chẳng phân biệt, sanh diệt mà chẳng sanh diệt, đó là Tánh Giác Như Như tròn khắp vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Thế nào là Đạo ? Thế nào là tu hành ?”
Tổ Bá đáp : “Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành ?”
Hỏi : “Tông sư các nơi truyền nhau tham thiền học đạo như thế nào ?”
Tổ Bá nói : “Lời tiếp dẫn hạng độn căn, chưa thể nương dựa được”.
Hỏi : “Ấy đã là lời tiếp dẫn hạng độn căn, còn chưa rõ là tiếp hạng thượng căn thì nói pháp gì ?”
Tổ Bá nói : “Nếu là người thượng căn, thì chỗ nào mà đến Đạo, tìm Đạo ? Cái Tự Mình còn bất khả đắc, huống là có riêng pháp để tìm cầu ? Chẳng thấy trong kinh nói, “Các pháp có hình trạng gì ?”, sao ?”
Hỏi : “Nếu như thế kia, ắt chẳng cần tìm kiếm gì hết thảy ?”
Tổ Bá nói : “Như thế ấy thì chẳng hao tâm lực”.
Hỏi : “Nếu như thế thì thành đoạn diệt, chẳng phải là không có ư ?”
Tổ Bá nói : “Ai bảo cái ấy không có. Nhưng cái đó là gì mà ông định tìm kiếm nó ?”
Hỏi : “Đã chẳng cho tìm kiếm, cớ sao lại còn nói chẳng đoạn lìa nó ?”
Tổ Bá nói : “Chẳng tìm kiếm, tức bèn thôi nghỉ. Ai bảo ông đoạn lìa ? Ông thấy hư không trước mắt đó, làm sao đoạn lìa nó ?”
Hỏi : “Có phải pháp ấy đồng như hư không chăng ?”
Tổ Bá nói : “Hư không có bao giờ nói với ông là đồng hay khác gì đâu. Ta mới tạm nói thế, ông lại ngay liền ở trong ấy mà sanh tri giải”.
Hỏi : “Vậy nên chẳng cho người sanh tri giải ư ?”
Tổ Bá nói : “Ta không hề ngăn chướng ông. Nhưng tri giải là thuộc Tình, Tình sanh thì Trí cách”.
Hỏi : “Hướng vào trong ấy mà chẳng sanh tình, thế có đúng không ?”
Tổ Bá nói : “Như chẳng sanh tình, thì ai nói là đúng ?”
Thế mà hơn ngàn năm rồi, vẫn còn có cái nghi như của Ông Anan, nếu được vài lời của Ngài Hoàng Bá, bèn cùng trùng tuyên cái chỉ thú sâu xa !
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
2. CHỈ BÀY TÁNH NGHE LÀ THƯỜNG TRỤ

KINH :

Phật bảo Ông Anan : “Ông học đa văn, chưa dứt hết sạch các lậu. Trong tâm chỉ biết suông cái nhân điên đảo, mà cái điên đảo thật sự ở trước mắt, lại chưa biết được. E rằng ông thật sự còn chưa tin phục, nay ta thử đem các chuyện trần tục để giải trừ cái nghi của ông”.

Liền đó, Như Lai ra lệnh cho La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi Ông Anan : “Nay ông có nghe không ?”

Ông Anan và đại chúng đều nói : “Có nghe”.

Chuông hết kêu, không còn tiếng. Phật lại hỏi : “Nay ông có nghe không ?”

Ông Anan và đại chúng đều nói : “Không nghe”.

Khi ấy La Hầu La lại đánh một tiếng chuông.

Phật lại hỏi : “Nay ông có nghe không ?”

Ông Anan và đại chúng lại đều nói : “Có nghe”.

Phật hỏi Ông Anan : “Theo ông, thế nào là nghe, thế nào là không nghe ?”

Ông Anan cùng đại chúng đều bạch Phật rằng : “Tiếng chuông nếu có đánh thì chúng tôi được nghe. Đánh lâu hết tiếng, âm vang đều không còn, thì gọi là không nghe”.

Như Lai lại bảo Ông La Hầu La đánh chuông, rồi hỏi Ông Anan : “Theo ông, hiện giờ có tiếng không ?”

Ông Anan và đại chúng đều nói : “Có tiếng”.

Ít lâu tiếng hết, Phật lại hỏi rằng : “Theo ông, hiện giờ có tiếng không ?”

Ông Anan và đại chúng đều đáp : “Không có tiếng”.

Lát sau, Ông La Hầu La lại đánh tiếng chuông; Phật lại hỏi : “Theo ông nay có tiếng không ?”

Anan và đại chúng đều nói : “Có tiếng”.

Phật hỏi Ông Anan : “Theo ông, thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng ?”

Ông Anan và đại chúng đều bạch Phật rằng : “Chuông nếu có đánh thì có tiếng chuông. Đánh lâu tiếng hết, âm vang đều không còn, thì gọi là không tiếng”.

Phật bảo Ông Anan và đại chúng rằng : “Nay cớ sao các ông nói trái ngược, lộn xộn thế?”
Đại chúng và Ông Anan cùng bạch Phật : “Cớ sao giờ đây chúng tôi bị gọi là trái ngược, lộn xộn ?”
Phật dạy : “Ta hỏi ông sự Nghe, thì ông bảo là Nghe. Hỏi ông cái Tiếng, thì ông nói là Tiếng. Chỉ có sự Nghe và cái Tiếng mà trả lời không nhất định, như thế không gọi là trái ngược lộn xộn sao được ?

“Anan ! Tiếng kêu không còn vang, thì ông nói là không Nghe. Nếu thật không Nghe, nghĩa là Tánh Nghe đã diệt, giống như cây chết khô, vậy khi tiếng chuông lại đánh lên, làm sao ông còn biết được ? Biết rằng có, biết rằng không, đó là cái Tiếng của Trần hoặc có hoặc không, chứ Tánh Nghe đó, há vì ông mà có hoặc không ư ? Tánh Nghe nếu thật là không có, thì còn cái gì biết là không có ?

“Thế nên, Anan, cái Tiếng ở trong cái Nghe tự có sanh có diệt, không phải vì ông nghe cái Tiếng Sanh cái tiếng diệt, mà khiến cho Tánh Nghe ông ông thành có, thành không. Ông còn điên đảo, lầm cái Tiếng là cái Nghe, lạ gì chẳng mê mờ mà lấy cái thường làm cái đoạn. Trọn chẳng nên nói rằng, lìa ngoài các thứ động tịnh, đóng bít, mở thông thì cái Nghe không có tự tánh.

“Như người ngủ mê trên giường gối, khi ấy trong nhà có người giã gạo. Người ấy trong mộng, nghe tiếng giã gạo, lầm cho là vật gì khác, hoặc cho là đánh trống, hoặc cho là đánh chuông. Ngay trong khi mộng, người ấy cũng lấy làm lạ sao tiếng chuông lại vang lên như tiếng vang của cây, của đá. Khi chợt tỉnh dậy, liền biết là tiếng chày, bèn nói với người nhà : “Khi tôi đang nằm mộng, lầm tiếng chày này là tiếng trống”. Này Anan, người ấy ở trong mộng nào còn nhớ các thứ động tĩnh, mở đóng, thông bít. Thế thì thân thể tuy ngủ mà tánh Nghe chẳng mờ. Dầu thân ông có tiêu tan mất, thân mạng đổi dời, Tánh ấy làm sao vì ông mà tiêu diệt được ?

“Bởi vì chúng sanh từ vô thủy đến nay, đeo đuổi theo hình theo tiếng, chạy theo niệm mà lưu chuyển, không từng khai ngộ Bản Tánh trong sạch, nhiệm mầu, vĩnh cửu. Không theo cái thường còn ấy, mà chạy tìm các thứ sanh diệt, bởi thế đời này sang đời khác cứ dơ trộn mà lưu chuyển. Chỉ bỏ đi chuyện sanh diệt, giữ lấy Tánh Chân Thường, thì cái ánh sáng thường trụ hiện ngay trước mắt, mọi thứ căn, trần, tâm thức tức thì tiêu mất.

“Tướng vọng tưởng là trần, thức tình là cấu. Hai thứ ấy một lúc xa lìa, thì con mắt Pháp của ông ngay liền trong sáng. Thế thì sao không thành Tri Giác Vô Thượng ?”
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
THÔNG rằng :

Đức Phật dạy, “Thoát khỏi sự dính, phục vào bên trong”, tức là Tánh lặng trong tròn đầy, thường trụ vậy. Ông Anan nghi rằng lìa ngoài tiền trần thì không có tự tánh, sợ là đồng với đoạn diệt, bởi vậy, ngay nơi tiếng chuông mà hiển Tánh Nghe. Cái Tiếng tan mất không còn âm vang, thì chỉ là không có Tiếng chứ thật không phải là không có cái Nghe. Cái Tiếng thì có sanh diệt, cái Nghe thì không có sanh diệt. Nếu nói cái Nghe do cái Tiếng mà sanh, do cái Tiếng mà diệt, thì đang khi không nghe, ai biết là không nghe ? Do đó, cái hoặc có hoặc không thì có thể diệt, còn cái Biết Có Biết Không ấy chưa từng diệt vậy. Chẳng những khi tỉnh thức đối cảnh thì chẳng diệt, mà ngay khi ngủ nằm mộng, lìa tiền cảnh cũng chẳng có sanh diệt. Chẳng những khi ngủ nằm mộng căn vẫn còn thì chẳng diệt, mà khi thân thể mất rồi, căn tiêu tan hết cũng chẳng có diệt. Chỗ này so với “Cái thấy sông(27)” ở đoạn trước cũng tương tự. Ở trước, hiển bày cái Thấy, là ý nghĩa về chỗ chẳng sanh chẳng diệt. Còn ở đây hiển bày cái Nghe, ý để chỉ cái Nhĩ Căn viên thông vậy.

Xoay ngược lại cái Nghe để nghe tự tánh, tức là khai ngộ Bản Tánh trong sạch, nhiệm mầu, thường hằng. Ánh sáng thường trụ hiện ngay trước mặt, tức đó là cái Tịch Diệt hiện tiền. Da thịt lột thoát hết, chỉ có một cái Chân Thực. Như thế mới có thể gọi là con mắt Pháp sáng trong, thành Vô Thượng Giác.

Ông Đỗ Hồng Tiệm hỏi thiền sư Vô Trụ ở chùa Bảo Đường rằng : “Đệ tử nghe Hòa Thượng Kim nói : Không nhớ, không niệm, chớ vọng. Pháp môn ba câu, có phải không ?”

Sư đáp : “Phải”.

Ông Đỗ hỏi : “Ba câu ấy là một hay ba ?”

Sư nói : “Không nhớ là giới, không niệm (vô niệm) là Định, chớ vọng là Huệ. Một Tâm chẳng sanh, đó là Giới Định Huệ, chẳng phải một, chẳng phải ba”.

Ông Đỗ lại hỏi : “Thầy có dùng ba câu ấy để tiếp người không ?”

Sư nói : “Người học nhân sơ tâm, thì còn khiến họ dứt niệm, dừng làn sóng thức, nước trong thì cảnh hiện, ngộ cái Thể Vô Niệm, Tịch Diệt hiện tiền, lúc ấy vô niệm cũng chẳng còn lập”.

Khi ấy, trên cây trước sân có tiếng quạ kêu.

Ông Đỗ hỏi : “Thầy có nghe không ?”

Sư nói : “Nghe”.

Quạ bay đi mất, lại hỏi : “Thầy có nghe không ?”

Sư nói : “Nghe”.

Ông Đỗ nói : “Quạ bay đi rồi, đâu còn tiếng, sao nói là nghe ?”

Thiền sư bèn dạy cả đại chúng rằng : “Đời Phật khó gặp, Chánh Pháp khó nghe ! Mỗi người hãy lóng nghe kỹ ! Có nghe, không nghe, đều chẳng liên quan gì đến Tánh Nghe. Xưa nay chẳng sanh, sao từng có diệt ? Khi có Tiếng, đó là cái Tiếng của Trần tự sinh, khi không có tiếng, đó là cái Tiếng của Trần tự diệt, nhưng cái Tánh Nghe này, chẳng theo Tiếng mà sanh, chẳng theo Tiếng mà diệt. Ngộ Tánh Nghe này thì khỏi tiếng tăm của Trần ràng buộc. Phải biết cái Nghe không có sanh không có diệt, cái Nghe không có chuyện đến, đi”.

Ông Đỗ và đại chúng cúi đầu vâng lãnh.

Ông Đỗ lại hỏi : “Sao là chẳng sanh, sao là chẳng diệt, như thế nào được giải thoát ?”

Thiền sư nói : “Thấy Cảnh, tâm chẳng khởi là chẳng sanh. Chẳng sanh tức là chẳng diệt ! Đã không sanh diệt thì nào có bị tiền trần trói buộc ? Ngay đây là Giải Thoát. Chẳng sanh là vô niệm, vô niệm thì không sanh diệt. Vô niệm là không buộc, vô niệm là không thoát. Rốt ráo là : Biết Tâm là lìa Niệm, Thấy Tánh là giải thoát. Ngoài Biết Tâm, Thấy Tánh mà lại có pháp môn chứng Bồ Đề Vô Thượng, thật không thể có”.

Ông Đỗ hỏi : “Sao gọi là Biết Tâm, Thấy Tánh ?”

Thiền sư nói : “Hết thảy người tu học, theo niệm mà trôi dạt, đều vì chẳng biết Chân Tâm. Cái Chân Tâm ấy, niệm sanh cũng chẳng thuận theo mà sanh, niệm diệt cũng chẳng nương theo mà mất. Chẳng đi chẳng đến, chẳng định chẳng loạn, chẳng nắm chẳng bỏ, chẳng nổi chẳng chìm. Vô vi, vô tướng, sống động lưu thông, bình thường, tự tại. Tâm Thể ấy rốt ráo bất khả đắc, không thể lấy tri thức mà biết, chạm mắt đều là Như, không có gì là chẳng phải thấy Tánh”.
Ông Đỗ và đại chúng làm lễ, xưng tán, vui mừng hớn hở mà đi.

Ngài Bảo Đường, diễn lại Lăng Nghiêm, xét xem lời nói như cùng một miệng thuyết ra.
Chỉ có Tổ Vân Môn, chỗ thấy lại khác. Tổ thượng đường, nghe tiếng chuông, liền nói : “Thế giới rộng rãi thế kia, cớ sao nghe tiếng chuông lại mặc áo thất điều ?”

Đối với chỗ này mà chẳng có chút nghi, mới gọi là Pháp Nhãn(28) thanh tịnh.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

CHÚ THÍCH :


01 Cái Năng dối trá.
02 Chỗ cá thi làm rồng.
03 Cá hóa rồng ắt có sấm sét đốt cái đuôi. Ý nói tuyệt hậu sanh.
04 Mê mờ.
05 Ma Kiệt : ở thành này, ngoại đạo hỏi Phật về sự sinh thành vũ trụ, Phật im lặng không nói gì.
06 Cũng gọi là Ca la la. Tiếng Phạn : Kalala. Dịch nghiã là tạp uế (cái nhơ bẩn, trộn lộn). Là một trong năm địa vị (từng giai đoạn của thai theo thai kỳ) của thai, gọi là thai nội ngũ vị
07 Tích xưa, có vua tên Bố Sát Đà Vương, trên đầu bỗng sanh một bọc mụt, trong bọc mụt sanh ra một đứa con. Lớn lên làm Kim Luân Vương, xưng là Đảnh Sanh Vương. Đảnh Sanh Kim Luân Vương chinh phục bốn châu thiên hạ, rồi lên cung trời Đao Lợi muốn hại Đế thích để thay ngôi. Việc chẳng thành, trở về đất lại, bị bệnh chết. Đảnh Sanh Vương ấy nay là Thích Ca Phật đó.
08 Chữ Lục.
09 Thân Phật.
10 Đạo Nhất thiền sư, xứ Giang Tây, đời Đường. Là người kế pháp của Tổ Nam Nhạc Nhượng. Ngài họ Mã thị, đời ấy gọi là Mã Tổ. Trong niên hiệu Ngươn Hòa được phong tặng là Đại Tịch.
11 Pháp của ngón tay.
12 Ở đây, lấy cái bản đầu của mình ví dụ cho Chơn Tánh; cái đầu trong gương ví dụ cho Vọng Tưởng (cái giả hình) ; chỗ vui vẻ thấy cái đầu trong gương có mặt mày ví dụ chỗ nhìn nhận cái giả tưởng là thật, chấp cứng, chẳng chịu bỏ. Chỗ chẳng thấy cái bản đầu của mình là vì Chơn Tánh không có hình tướng chi cả.
13 Đạo nhân vô y.
14 Biết : phân biệt.
15 Cái Tâm như con nít vô tư.
16 Chỉ y : áo giấy.
17 Nối Pháp theo bên ngoài.
18 Nối ở bên trong.
19 Sáu thức trong sáu tình.
20 Không hở sót.
21 Tổ Đạt Ma.
22 Chuyện Cô Thảnh Nữ lìa hồn như sau : Đời Đường có ông Trương Giật, có con gái là Thảnh Nương, đã hứa gả cho cháu là Vương Trụ. Lớn lên, định gả cho nơi khác. Vương Trụ bỏ đi. Nửa đêm thấy Thảnh Nương tới. Hai người ở với nhau có hai con. Sau năm năm, Vương Trụ đưa vợ con về thăm nhà để xin lỗi. Ông Giật rất kinh ngạc, vì cô Thảnh vẫn ở nhà từ trước đến giờ, và nằm bệnh đã năm năm. Hai cô gặp nhau thì nhập thành một..
23 Pháp Thân.
24 Gìn giữ.
25 Biến Thân.
26 Thông Thân.
27 Xem Q II. Phần II. Đoạn vua Ba Tư Nặc.
28 Một trong ngũ nhãn. Xem xét thấu biết rõ ràng cái duyên sanh ra cái pháp sai khác nhau.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Top