THỦ-LĂNG-NGHIÊM KINH TÔNG THÔNG _ Quyển V

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

XXIII. VIÊN THÔNG VỀ THỨC ĐẠI


KINH :

Đức Di Lặc Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhớ vi trần kiếp về trước, có Đức Phật ra đời tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh, tôi được xuất gia theo Đức Phật ấy, nhưng tâm còn trọng danh đời, thích giao du với hàng vọng tộc. Lúc ấy, Đức Thế Tôn dạy tôi tu tập định Duy Tâm Thức vào Tam Ma Địa. Trải nhiều kiếp đến nay, dùng Tam Muội ấy phụng sự hằng sa Phật, cái tâm cầu danh đời diệt hết không còn. Đến khi Đức Phật Nhiên Đăng ra đời, tôi mới đắc thành “Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội”. Cho đến tận hư không các cõi nước của Như Lai dơ, sạch, có, không, đều là sự biến hóa hiện ra của tâm tôi. Thưa Thế Tôn, tôi thấu rõ Duy Tâm Thức như thế, nơi Thức Tánh lưu xuất vô lượng Như Lai. Nay được thọ ký, kế tiếp làm Phật.
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do đế quán mười phương đều Duy Thức, thức tâm tròn sáng, chứng nhập Viên Thành Thật Tánh, xa lìa Y Tha Khởi Tánh và Biến Kế Chấp Tánh, đắc Vô Sanh Nhẫn, đó là Thứ Nhất”.


THÔNG rằng :

“Tôi do đế quán mười phương Duy Thức”. Hai chữ Duy Thức ý vị thật sâu xa. Chữ Duy che mất cái cảnh đang có, chữ Thức rút về Tâm Không. Lại nữa, Thức để nói tất cả mọi sự hiện bày, Duy để nói che hết. Hiện bày tất cả ấy, là nói tất cả hữu tình đều có tám Thức, sáu vị Tâm Sở, cùng hai Kiến Phần và Tướng Phần được biến hiện ra, đều là sai biệt nhau, cùng với cái Lý Không để hiển bày Chân Như, tất cả các pháp như vậy đều chẳng rời Thức, cho nên dùng chữ Thức để hiển bày tất cả vậy. Che hết là vì hạng phàm phu chấp rằng lìa ngoài Tâm Thức thật có các pháp, nên dùng chữ Duy, để che hết cái Kiến của phàm phu vậy.
Thức Tâm tròn sáng, chứng nhập Viên Thành Thật Tánh là do ban đầu tu tập định Duy Tâm Thức, đến chỗ thành tựu Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội, đã chuyển Thức thành Trí, nên nói là nhập vào Viên Thành Thật Tánh. Khi chưa chuyển được Thức, ban đầu bị cảnh trói buộc, đó là thô hoặc(31), gọi là Biến Kế Chấp. Kế đó là bị pháp trói buộc, đó là tế hoặc(32), gọi là Y Tha Khởi.

“Tâm trọng danh đời, ưa giao du với hàng vọng tộc”, đó là tướng dạng của Biến Kế Chấp. “Cái Tâm cầu danh đời diệt hết không còn”, đó là tướng dạng của Y Tha Chấp vậy. Cho đến “Thấu rõ Duy tâm thức như thế, nơi Thức Tánh lưu xuất vô lượng Như Lai” là tướng dạng của Viên Thành Thật Tánh vậy.

Kinh Giải Thâm Mật nói : “Biến Kế Chấp là như người nhặm mắt; Y Tha Khởi là như hiện ra xanh, vàng; Viên Thành Thật là như mắt trong sáng”.

Luận Bảo Trượng nói, “Như người thấy vật động đậy cho là rắn, nhưng khi nhìn kỹ thấy là sợi dây, thì cái tâm nghi là rắn không phải đoạn trừ mà tự hết. Đó là lìa Biến Kế Chấp. Nhưng dây vẫn còn. Lại xem kỹ lưỡng nó mà nói “Chẳng phải dây mà là sợi gai”; liền cái tâm chấp là dây lại chẳng đoạn trừ mà tự hết. Đó là lìa Y Tha Khởi Chấp”.

Sợi gai và dây vốn là một, có bện lại gọi là dây, không bện gọi là gai, là để dụ cho Tánh và Thức vốn là Một. Có trói buộc thì gọi là Thức, không trói buộc gọi là Tánh. Đến chỗ rõ thấy Duy Thức thì ngoài Thức không có Tánh; Thức đó là Tánh. Tức Đệ Bát Thức là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vậy.

Đã lìa Y Tha Khởi cùng Biến Kế Chấp, ắt tiêu tan chủng tử sanh diệt, mà y theo cái Chân Tánh chẳng sanh, chẳng diệt, nên đắc Vô Sanh Nhẫn. Đó là tất cả cõi nước dơ sạch, có không đều là chỗ biến hiện của Tâm. Ta chẳng phân biệt, thì hiện đây là tịch diệt, ngay nơi Tướng Phần chứng Vô Sanh Nhẫn.

“Thức Tánh lưu xuất vô lượng Như Lai”, ấy là Lý tức Pháp Thân, Trí tức Báo Thân, Hạnh tức Hóa Thân. Trí tức Văn Thù, Hạnh tức Phổ Hiền, Bi tức Quán Thế Âm, đều từ Nhất Tâm lưu xuất. Ta không có sự phân biệt, thì hiện đây là tịch diệt, ngay nơi Kiến Phần chứng Vô Sanh Nhẫn.
Ngài Pháp Nhãn tụng rằng :

“Ba cõi Duy Tâm
Mắt thanh, tai sắc
Sắc chẳng đến tai
Thanh nào chạm mắt !
Mắt sắc, tai thanh
Vạn pháp thành khác
Muôn pháp chẳng duyên
Nào quán như huyễn ?
Đất đai sông núi
Chi bền, chi biến ?”.


Tổ Pháp Nhãn, thức tâm tròn sáng, mới nói được lời tròn vẹn này.

Tổ Bàn Sơn dạy rằng : “Ba cõi không pháp, nơi nào cầu tâm ? Bốn Đại vốn không, Phật nương đâu trụ ? Trăng sao chẳng động, lặng đứng không ngần. Đối mặt trình nhau, còn chuyện gì nữa !”
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Ba cõi không pháp
Nơi nào cầu tâm ?
Mây trắng làm lọng
Nước chảy làm đàn
Một khúc, hai khúc, không người hiểu
Đêm mưa ao vắng, nước thu trong”.


Có nhà sư hỏi Tổ Thạch Sương : “Muôn cửa đều đóng thì chẳng hỏi, muôn cửa đều mở thì thấy nào ?”

Tổ Sương nói : “Chuyện trong nhà thì thế nào ?”

Nhà sư không đáp được. Trải qua nửa năm, mới nói được rằng : “Không người tiếp được y”.

Tổ Sương nói : “Nói thì nói cho lắm, mà chỉ nói được tám tướng”.

Nhà sư nói : “Hòa Thượng thì thế nào ?”

Tổ Sương nói : “Không người biết được y !”

Ngài Đầu Tử tụng rằng :

“Điện xưa cao ngất trăng phủ tùng
Sương ngưng, tuyết lộ, nói không cùng
Đối sao, nằm ngắm, nhà ngàn núi
Phật, Tổ không nhân, biết HẮN chân !”.


Bồ Tát Di Lặc tu tập định Duy Tâm Thức, vào Tam Ma Địa. Nay Tổ Bàn Sơn lại nói : “Nơi nào cầu tâm ?” Tổ Thạch Sương thì nói : “Không người biết được y !” Hai chuyển ngữ này, đợi đời sau hạ sanh. Bổ Xứ thành Phật sẽ trùng trùng khai diễn.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

XXIV. VIÊN THÔNG VỀ KIẾN ĐẠI


KINH :

Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi nhớ hằng sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời, hiệu Vô Lượng Quang. Thuở ấy, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng, hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, Ngài dạy tôi pháp Niệm Phật Tam Muội. Ví như có người, một bên thì chuyên nhớ, một bên thì chuyên quên thì hai người ấy, dầu gặp cũng như không gặp, dầu thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ mãi, khắc sâu và tâm niệm, như thế từ đời này qua đời khác, như hình với bóng, chẳng hề xa cách nhau, mười phương Như Lai thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh tuy nhớ cũng chẳng được gì. Con mà nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không hề ngăn cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện giờ hay mai sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa. Chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương, thân có mùi thơm. Đây gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Nhân Địa Căn Bản của tôi là dùng Tâm niệm Phật, vào Vô Sanh Nhẫn. Nay tôi ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về nơi Tịnh Độ.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi không riêng lựa chọn mà nhiếp trọn cả sáu Căn, tịnh niệm nối tiếp nhau, đắc Tam Ma Địa. Đó là Thứ Nhất”.


THÔNG rằng :

Quán kinh nói, “Dùng ánh sáng Trí Huệ, chiếu khắp tất cả. Nay rời ba đường, được Vô Thượng Lực, gọi là Đại Thế Chí”. Bạn đồng tu có năm mươi hai vị Bồ Tát cũng đủ để chứng nghiệm chuyện vãng sanh Tịnh Độ là dễ thành tựu. Phàm người niệm Phật không được trong khoảnh khắc như gảy móng tay mà thấy Phật, chỉ vì niệm năm Dục thế gian, đó là niệm trói buộc. Còn tịnh niệm kế tiếp nhau, như con nhớ mẹ, thì ngay hiện giờ hay về sau nhất định thấy Phật. Miệng niệm tâm nhớ, tai mắt chuyên nhất, mỗi mỗi oai nghi, đều nhiếp trọn cả sáu Căn, nhất tâm không loạn. Trong chánh định như thế, chắc chắn thấy được Phật, cách Phật không xa, ánh sáng Trí Huệ rực rỡ, chẳng mượn tu hành mà tự thành khai ngộ, như người xông ướp hương, chẳng mong thơm mà tự thơm. Đây là nguyện lực của Phật A Di Đà nhiệm mầu không thể nghĩ bàn vậy.

Ngài Đại Thế Chí đã dùng Tâm niệm Phật mà đắc Vô Sanh Nhẫn. Lại tiếp dẫn người niệm Phật về Tịnh Độ, thì tự giác giác tha đầy đủ Hạnh Bồ Tát chân thật.

Sáu Căn đều thuộc về Kiến Phần. Ở đây chú trọng về sự thấy Phật, nên dùng Kiến Đại để mà thu nhiếp. Kiến Đại sao lại để sau Thức Đại ? Bởi vì trước phải chuyển Thức Thứ Tám để chứng Hậu Đắc Trí rồi sau chuyển năm Thức trước. Đã chuyển Thức thành Trí, sanh về Tịnh Độ của Phật là cái quả cùng cực, cớ sao ở sau lại còn pháp môn Xoay Lại Cái Nghe của Đức Quan Âm ? Phàm cái chỗ quý báu của chuyện vãng sanh Tịnh Độ, chứng Viên Thông thì không phải chẳng những tự cho mình mà thôi, mà là độ thoát chúng sanh. Ắt như ba mươi hai Ứng Thân, chốn chốn nơi nơi đều là Tịnh Độ, đều chứng Viên Thông, thì sau mới tròn đủ quả Phật vậy.

Thiền sư Vĩnh Minh Thọ, thuở nhỏ tụng kinh Pháp Hoa, năm Hạnh(33) đầy đủ trong sáu tuần lễ. Sau tham học với Thiều quốc sư, phát rõ tâm yếu, đến ngọn núi Thiên Thai của Ngài Trí Giả tu định trong chín tuần(34), chim chóc làm tổ trên áo. Ngài làm hai cái thăm, khấn bói : một là, một đời thiền định; hai là, tụng kinh, muôn thiện trang nghiêm Tịnh Độ. Rồi chí thành cầu nguyện, bảy lần đều rút được tụng kinh, muôn thiện. Bèn chuyên tu Tịnh Nghiệp. Tụng kinh ba năm, trong lúc thiền quán, thấy Đức Quan Âm rót cam lồ vào miệng, bèn được biện tài.

Vua Trung Ý thỉnh Ngài trụ trì chùa Linh Ẩn, hai năm sau sang chùa Vĩnh Minh. Khóa biểu mỗi ngày có một trăm lẽ tám việc, không hề gián đoạn. Học giả đến tham học thì Ngài chỉ Tâm làm tông chỉ, lấy Ngộ làm phép tắc. Mỗi đêm lại sang nơi khác để tu hành niệm Phật.

Vua Trung Ý than rằng : “Từ xưa đến nay, chưa có ai chuyên tâm tha thiết cầu sanh Tây Phương cho bằng !”

Bèn làm điện Tây Phương Hương Nghiêm để Ngài hoàn thành chí nguyện. Đệ tử đến một ngàn bảy trăm người. Ngài thường cùng đại chúng thọ Giới Bồ Tát, thí thực cho quỷ thần, hàng ngày phóng sanh đều hồi hướng trang nghiêm Tịnh Độ. Làm trăm pho sách, nhan đề là Tông Cảnh Lục, lại viết các quyển Vạn Thiện Đồng Quy và Chỉ Về Tịnh Độ.

Sau khi Ngài diệt độ, tháp ở trong núi, có một nhà sư từ Lâm Xuyên đến nói : “Khi tôi bệnh nặng, chết xuống cõi u minh, được thả về. Tôi thấy trong điện Diêm Vương có tượng một vị tăng, Diêm Vương tự thân đảnh lễ, tôi hỏi : “Tượng ấy là ai ?”

“Vị Chủ-Lại nói rằng : “Đó là thiền sư Thọ ở Chẩm Châu. Nghe rằng Ngài đã vãng sanh bậc thượng phẩm ở Tây Phương. Diêm Vương kính trọng Ngài nên lễ bái”.

Ông Dương Kiệt, tự là Thứ Công, phu nhân Kinh Châu cũng trong mộng thấy Ông Kiệt ngồi trên đài hoa sen, tiêu dao tự tại. Trước kia ông Dương Kiệt thấy mặt trời như cái mâm vọt lên, có điều tỏ ngộ, làm bài kệ rằng :

“Trai lớn thì cưới vợ
Gái lớn thì lấy chồng
Hỏi công phu : nhàn lắm !
Lại nói lời Vô Sanh”.

Rất nên cùng Ông Bàng cư sĩ thẩm tra !
Khi ông sắp từ biệt cõi đời, có bài kệ :

“Không chi để mến
Không chi để bỏ !
Trong khoảng thái hư
Ờ, à, thế, đó !
Từ an tới an
Tây Phương Cực Lạc”.


Đó là Ngài Vĩnh Minh Thọ và Ông Dương Kiệt đều sanh về Tịnh Độ, sáng tỏ pháp Niệm Phật Tam Muội, như con nhớ mẹ.

Tổ Động Sơn có nói : “Đối với Đạo thì chớ đi, còn quay về thì nghịch lại với cha”.
Có nhà sư hỏi Tổ Tào Sơn : “Con quay về với cha, sao cha chẳng thèm nhìn đến ?”
Tổ Sơn nói : “Lý hợp như thế đấy !”
Nhà sư hỏi : “Thế thì ân tình cha con ở đâu ?”
Tổ Sơn nói : “Thế mới thành ân tình cha con”.
Nhà sư hỏi : “Thế nào là ân tình cha con ?”
Tổ Sơn nói : “Đao búa chặt chẳng rời”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Rèm biếc buông rồi, lệnh vua chưa xuống. Màn hoa đã khép, thấy nghe khó thông ! Động nhằm đầu lông, trăng lên song cửa. Im dời một bước, hạc ra lồng bạc. Có biết chăng ? Thoát thân một sắc, không lưu bóng. Chẳng tọa đồng phong, lạc đại công”.
Lại có nhà sư hỏi Tổ Hộ Quốc : “Như thế nào là cha mẹ xưa nay ?”
Tổ Quốc nói : “Ấy đầu chẳng bạc”.
Nhà sư hỏi : “Lấy gì phụng hiến ?”
Tổ Quốc nói : “Ân cần không cơm gạo, trong nhà chẳng hỏi thân”.
Ngài Đơn Hà tụng rằng :

“Ra cửa khắp đời không tri kỷ
Vào nhà ngập mắt : chẳng ai thân
Nhà không đêm lạnh, không gì có
Trời xanh, trăng sáng : cũng bạn gần”.


Hai tắc trên thật rõ ràng Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ, phải thấy như thế mới là cái Thấy chân chánh.

Xưa, có vị ni cô ra mắt Tổ Vân Nham.
Tổ Nham hỏi : “Cha cô còn không ?”
Ni cơ nói : “Dạ, còn”.
Tổ Nham hỏi : “Tuổi bao nhiêu ?”
Ni cô nói : “Sáu mươi lăm”.
Tổ Nham nói : “Cô có người cha chẳng phải sáu mươi lăm tuổi, cô biết hay chăng ?”
Ni cô nói : “Chẳng phải là cái như-vậy-đến ư ?”
Tổ Nham nói : “Cái như-vậy-đến vẫn còn là con cháu”.
Ngài Động sơn nói : “Dù được cái chẳng-như-vậy-đến cũng là con cháu !”
Ô hô ! Cha mẹ xưa nay đâu có dễ thấy ! Nên thấy được cha mẹ xưa nay thì thấy Tự Tánh Di Đà mà Thiền Tịnh viên dung, đều thuộc về cảnh giới không thể nghĩ bàn vậy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2 Thg 12 2006
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
CHÚ THÍCH :

01 Núi Kê Túc, nơi Đức Ca Diếp, vị được Đức Thích Ca truyền chánh pháp nhãn tạng làm vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông, ngồi nhập định chờ Đức Phật Di Lặc tương lai.
02 Lộ bày cái miệng.
03 Ra khỏi trói buộc.
04 Còn trong trói buộc.
05 Giữ.
06 Vụng về.
07 Đời nhà Đường, Tổ Ngưỡng Sơn lập ra đề mục Tổ Sư Thiền trước tiên. Gọi chỗ tâm ấn của Tổ Đạt Ma truyền lại là Tổ Sư Thiền, cái pháp thiền tột mức riêng truyền ngoài giáo pháp. Gọi Như Lai Thiền chỉ cái ý tu chưa đến chỗ minh tâm kiến tánh.
08 Y phục, ngọa cụ, y dược, ẩm thực.
09 Vàng, bạc, ngọc, châu, san hô, hổ phách, mã não.
10 Linh Vân.
11 Tổ Hối Đường Bửu Giác thiền sư, tên là Tổ Tâm, đời Tống, tại Huỳnh Long Sơn. Nối kế pháp của Tổ Huỳnh Long Nam thiền sư.
12 Tổ Cao An, tự Đại Ngu, tự hiệu Đại Ngu Sơn. Nối pháp Tổ Qui Tông. Tổ Qui Tông nối pháp Đức Mã Tổ.
13 Năm loại Thiền : ngoại đạo, phàm phu, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Tối Thượng Thừa.
14 Nhứt vị thiền. Là phép thiền mau tỏ ngộ, mau thấm vào (tức đốn ngộ, đốn nhập).
15 Bọn Ông Hiền Hộ, 16 Cư Sĩ Bồ Tát.
16 Chỗ dựa nương của Phật Tử.
17 Nghiã là lời nói rối rắm, vu vơ. Các thành ngữ đồng nghiã khác như: thất linh bát lạc, thất thượng bát lạc.
18 Giống xà phòng, dùng để tắm.
19 Em Vua Tịnh Phạn.
20 Tì: đầy tớ gái.
Ông Trưởng Lão Tất Lăng Già Bà Ta hay sợ đau mắt; ông đi khất thực thường phải qua sông Hằng. Đến bờ sông, khảy móng tay rồi nói: “Tớ gái nhỏ, ngừng lại, đừng cho chảy”. Nuớc liền rẽ hai cho ông đi qua.
Bà Thần sông Hằng đến nơi Phật bạch rằng: “Đệ tử Phật, Ông Tất Lăng Già Bà Ta, thường hay mắng tôi là : Tớ gái nhỏ, ngưng lại, đừng cho chảy”.
Đức Phật dạy Ông Tất Lăng Già Bà Ta xin lỗi, ăn năn với Bà Thần sông Hằng.
Ông Tất Lăng Già Bà Ta liền chấp tay, nói với Bà Thần sông: “Cô tớ gái nhỏ, nay ăn năn xin lỗi cô”.
Đại chúng cười rộ. Nói rằng sao xin lỗi mà lại còn mắng vậy.
Đức Phật dạy Bà Thần sông Hằng: “Bà thấy Ông Tất Lăng Già Bà Ta chấp tay ăn năn xin lỗi chăng ? Ăn năn xin lỗi không có kiêu căng, nhưng còn lời nói. Nên biết chẳng phải hung dữ. Người này năm trăm đời đến nay thường đầu thai vào nhà Bà La Môn. Hằng ỷ mình sang, khinh hèn người khác, là chỗ thói quen xưa nay. Chỉ miệng nói mà thôi, lòng không có kiêu ỷ. Các vị A La Hán cũng y như vậy: tuy dứt lìa các sự ràng buộc, sui khiến sai biểu, nhưng dường còn thừa thói cũ”.
21 Tự tri Phi.
22 Móng Tay Dài.
23 Sát, Đạo, Dâm.
24 Vọng Ngôn, Lưỡng Thiệt, Ác Khẩu, Ỷ Ngữ.
25 Dịch là Biến Hành.
26 Đánh Đất.
27 Đường.
28 Nhất vị lưu thông.
29 Thái : lớn; cô : độc trọi.
30 Thành Đạo.
31 Lầm lạc to lớn.
32 Lầm lạc nhỏ nhiệm.
33 Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Chỉ Quán.
34 Tuần : muời ngày.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên