nguyenvanhoc2006

THỦ-LĂNG-NGHIÊM KINH TÔNG THÔNG _ Quyển VI

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Bảy là, tiếng tăm tiêu trọn, Thấy-Nghe xoay lại nhập vào, lìa các vọng trần, có thể khiến cho chúng sanh gông cùm, xiềng xích chẳng thể trói buộc.

THÔNG rằng :

Có Tiếng, có Trần, chưa vào Tánh Nghe, bèn bị Trần trói. Giờ tiếng tăm tiêu trọn, hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh. Cái Thấy Nghe xoay lại nhập vào, đến chỗ chẳng sanh diệt, liền lìa các trần hư vọng, đó gọi là Chân Giải Thoát vậy. Như đảm đương đại pháp, riêng cần sẵn đủ một con mắt lẻ !

Tổ Vân Môn đến trang trại Tổ Tuyết Phong, gặp một nhà sư bèn hỏi : “Thượng Tọa hôm nay lên núi đó ư ?”
Nhà sư đáp : “Phải”.
Tổ Vân Môn nói : “Xin gởi một tắc nhân duyên, hỏi Hòa Thượng trụ trì, chỉ chẳng được nói là lời của người khác.”
Nhà sư nói : “Được”.
Tổ Môn nói : “Thượng Tọa lên tới núi, thấy Hòa Thượng thượng đường, chúng vừa tụ tập, liền bước ra nắm đứng lại nói rằng : “Lão già này mang gông sắt trên cổ, sao chẳng cởi ra ?”
Nhà sư y theo lời của Tổ Môn.
Tổ Tuyết Phong thấy nhà sư nói thế, liền xuống tòa túm ngực nắm đứng, nói : “Nói mau, nói mau !”
Nhà sư không đáp được.
Tổ Phong buông ra, nói rằng : “Chẳng phải lời ông !”
Nhà sư đáp : “Chính lời của tôi”.
Tổ Phong nói : “Thị giả ! Đem gậy lại đây !”
Nhà sư rằng : “Chẳng phải lời của tôi, mà là của một vị Thượng Tọa người Triết Giang ở xóm trên dạy tôi đến nói”.
Tổ Phong nói : “Đại chúng đến xóm trên rước vị thiện tri thức của năm trăm người đến !”
Cũng lại Tổ Vân Môn, đến Nga Hồ, nghe thượng đường rằng : “Chớ nói chưa rõ người ấy, vẫn hằng nổi nghẹt đầy đất ! Giả sử rõ được đó, rành rành biết có chỗ đi, cũng là nổi nghẹt đầy đất !”
Tổ Môn bèn hỏi thầy Thủ Tòa : “Vừa rồi ý Hòa Thượng ra làm sao ?”
Thầy Thủ Tòa đáp : “Nổi nghẹt đầy đất !”
Tổ Môn nói : “Thầy Thủ Tòa ở đây đã lâu, đầu bạc răng vàng mà nói lời thế ấy”.
Đáp rằng : “Thượng Tọa lại như thế nào ?”
Tổ Môn nói : “Muốn nói bèn được, thấy bèn tiện thấy, nếu không thấy chớ nói loạn”.
Đáp rằng : “Chỉ như nổi nghẹt đầy đất, lại là thế nào ?”
Tổ Môn nói : “Trên đầu mang gông, dưới chân mang cùm !”
Hỏi : “Thế thì chắc không có Phật Pháp vậy ?”
Tổ Môn nói : “Đó là cảnh giới Văn Thù, Phổ Hiền Bồ Tát”.

Hai tắc này đáng để xem lẫn nhau.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Tám là, dứt cái tiếng, tròn vẹn cái Nghe, khắp sanh sức Từ, có thể khiến cho chúng sanh đi qua đường hiểm, giặc không thể cướp”.

THÔNG rằng :

Cảm và Ứng là một Cơ, đây và kia là một Tâm vậy. Trong chẳng ứng, ngoài chẳng làm gì được. Nên tâm không có sự sát hại thì quỷ chẳng thể xâm phạm. Khắp sanh sức Từ, ắt giặc không thể cướp. Bởi vì, diệt cái tiếng thì trọn không có đối đãi. Tròn vẹn cái Nghe tức đồng một Thể, nên không thành thù địch để bị cướp vậy.

Thiền sư Đại Đồng ở Đầu Tử Sơn gặp ổ cướp làm loạn.
Có bọn cuồng cầm dao chỉa vào Tổ mà nói rằng: “Ở đây làm gì ?”
Tổ bèn tùy nghi thuyết pháp, tên đầu đảng nghe xong bái phục, cởi áo dâng cho mà lui đi.
Am chủ Pháp Ngộ ở Tam Giác Sơn, nhằm thời ly loạn, có tên đầu đảng vào núi, hỏi : “Hòa Thượng có của báu gì ?”
Tổ Ngộ nói : “Cái báu của nhà sư chẳng hợp với ông”.
Đầu đảng hỏi : “Là của báu gì ?”
Tổ Ngộ hét lên một tiếng.
Đầu đảng chẳng ngộ, cầm dao đâm tới.
Một đàng lãnh nhận, một đàng chẳng lãnh nhận, há chẳng phải định nghiệp ư ?
Tổ Nham Đầu thường nói với chúng rằng : “Lão già này khi đi, rống lớn một tiếng rồi đi”.
Ở Trung Nguyên giặc cướp nổi lên, đại chúng đều tìm nơi lánh trốn. Tổ Đầu đàng hoàng ở yên. Một hôm giặc đến đông, trách rằng không dâng biếu, bèn lấy dao đâm. Tổ Đầu thần sắc tự nhiên, hét lớn một tiếng mà tịch. Tiếng hét nghe vang cả mười dặm.

Đây là định nghiệp nên chẳng tránh khỏi. Nhưng cái của báu của Tổ Tâm Giác và Tổ Nham Đầu há bọn cướp có thể cướp được sao ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Chín là, huân tu theo Tánh Nghe, lìa các trần tướng, sắc không thể cướp níu, có thể khiến cho chúng sanh nhiều dâm lìa xa tham dục.

THÔNG rằng :

Huân tu theo Tánh Nghe ắt dục ái khô khan. Bởi do nước về căn nguồn, nên lửa chẳng thể đốt vậy. Tiếng trần đã tiêu tan, các trần khác đều thoát. Căn và Cảnh chẳng cướp lẫn nhau, nên hình sắc chẳng mê hoặc được.
Cổ đức nói,

“Lâu trồng sâu căn lành
Ở trần, trần chẳng xâm
Nào giữ Trần khỏi xâm
Vốn bởi ta vô tâm”.


Ngài Cưu Ma La Thập bỗng nghe trên vai có hai đứa con nít khóc.

Tổ Thập nói : “Đây là dục chướng vậy”.

Ngài nói với vua Tần ban cấp cho bốn người cung nữ, một lần giao hợp mà sanh hai con trai. Dục chướng liền dứt.

Đệ tử thấy vậy, chẳng gìn giữ Giới Luật.

Tổ Thập bèn túm nắm kim nhai nuốt mà nói : “Có thể như ta nuốt kim, mới có thể hành dục”.

Do đó, hết thảy chúng sợ hãi mà phụng trì Giáo Pháp.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

Mười là, thuần Âm không trần, Căn Cảnh viên dung, không năng sở đối, có thể khiến cho tất cả chúng sanh căm giận lìa lòng oán giận.

THÔNG rằng :

Sân so với Tham lại càng vi mật, rất khó nhổ khỏi. Nên lìa Trần thì có thể dứt Tham, còn Sân thì phải không có Trần rồi sau mới dứt được vậy. Bên ngoài không có chỗ Sở Đối thì dễ, trong không có cái Năng Đối thì khó. Chẳng được Căn Cảnh viên dung, thuần lại càng thuần, khó nói lời này. Tuy nhiên, cũng có thể dùng sân giận mà làm Phật sự.

Như thầy Từ Minh, ở Tổ Phần Dương hai năm, chưa được nhập thất, mỗi lần gặp là bị mắng nhiếc, hoặc chê bai các nơi khác, đến khi dạy bảo thì đều là chuyện phàm tục thô bỉ.

Một đêm nọ, thầy than rằng “Từ khi đến học pháp đã hai hạ, chẳng được chỉ bày, chỉ tăng thêm trần lao thế tục; thầm nghĩ năm tháng trôi mau, việc mình chẳng rõ, mất đi sự lợi ích xuất gia”.

Lời chưa dứt, Tổ Dương quắc mắt, nói : “Ác tri thức ! Dám nói thêm nói bớt cho ta !”

Rồi nổi giận cầm gậy rượt.

Thầy Minh định kêu cứu. Tổ Dương bịt miệng, bèn đại ngộ, nói : “Mới biết đạo của Lâm Tế vượt khỏi thường tình”.

Từ đó, phục dịch bảy năm mới ra đi.

Sau, ở Từ Minh, thầy Hoàng Long Nam thiết tha cần cầu khai thị.

Tổ Minh nói : “Ông học thiền Vân Môn ắt rành yếu chỉ. Như nói “Tha Động Sơn ba gậy”, là có hợp phần ăn gậy hay không hợp phần ăn gậy ?”

Thầy Nam đáp : “Có hợp phần ăn gậy”.
Tổ Minh nghiêm sắc mặt, nói : “Từ sáng đến chiều cắt réo quạ kêu lẽ ra đều phải ăn gậy !”
Tổ Minh lại hỏi : “Triệu Châu nói “Lão bà Đài Sơn, ta đã vì ông khám phá rồi vậy”. Thế đâu là chỗ Triệu Châu khám phá Lão bà ?”
Thầy Nam toát mồ hôi chẳng đáp được.
Ngày sau lại tới, Tổ Minh mắng nhiếc không dứt.
Thầy Nam nói : “Chửi mắng há là từ bi thí pháp ư ?”
Tổ Minh nói rằng : “Ông cho là chửi sao ?”
Thầy Nam ngay lời đại ngộ. Nhân trình kệ rằng:

“Kiệt xuất tùng lâm thiệt Triệu Châu
Lão bà khám phá, mất nguyên do
Giờ đây bốn biển trong như kính
Người đi chớ giận oán con đường”.


Tổ Minh gật đầu.
Các thứ giận dữ này thì không xa lìa lại càng tốt.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Mười một là, tiêu tan trần tướng, trở lại Tánh Bản Minh, pháp giới thân tâm như ngọc lưu ly, sáng suốt không ngại, có thể khiến cho tất cả các kẻ u mê ám chướng lìa xa vĩnh viễn si tối".

THÖNG rằng :

Tánh Nghe chẳng phải là Tánh Thấy, sao lại nói chữ Minh ? Minh tức là Giác vậy. Giác và Sở Giác đều không, nên sáng khắp pháp giới. Không-Giác cùng tột tròn vẹn, nên pháp giới, thân tâm như ngọc lưu ly, sáng suốt không ngại. Mới là sáu Căn dùng lẫn nhau, thấy tức là nghe, nên nói rằng tiêu tan trần tướng, trở lại Tánh Bản Minh vậy.

Nghiệp bên trong có mười thứ làm che mất Pháp Thân, trong đó Dâm, Nộ, Si là lớn nhất. Ngài Thiên Thai giải thích ba cái độc thông cả trong ngoài. Bên trong gọi là Tư Hoặc, bên ngoài gọi là Vô Minh. Bậc Nhị Thừa thích khoái Niết Bàn là Tham; chán ghét Sanh Tử là Sân; không biết Trung Đạo là Si. Bậc Bồ Tát thì rộng cầu Phật Pháp là Tham, la đuổi Nhị Thừa là Sân, chưa rõ Phật Tánh là Si. Đều là ba độc, mà Si là gốc rễ, nên rất khó trừ nghiệp Si vậy thay !

Tổ Bách Trượng nói : “Pháp đục là Tham, Sân, Ái, Thủ, cả thảy nhiều tên vậy. Pháp trong là Bồ Đề, Niết Bàn, Giải Thoát cả thảy nhiều tên vậy. Chỉ như nay soi tỏ nơi hai thứ trong đục, các pháp phàm thánh trọn chẳng có được chút tơ hào nào ái thủ. Đã chẳng ái thủ, mà nương trụ cái chẳng ái thủ cho là đúng, đó là Sơ Thiện, là trụ tâm điều phục, là người Thanh Văn, là người yêu thích bè chẳng bỏ, là đạo của Nhị Thừa, là quả của thiền na. Đã chẳng ái thủ, cũng chẳng nương trụ cái chẳng ái thủ, đó là Trung Thiện, là Giáo Pháp nửa chừng, còn là Vô Sắc Giới, tuy khỏi sa vào đạo Nhị Thừa, khỏi sa vào dân Ma, vẫn còn là bệnh của thiền na, đó là chỗ trói buộc của Bồ Tát. Đã chẳng nương trụ cái chẳng ái thủ, chẳng khởi tri giải chẳng-nương-trụ, đó là Hậu Thiện, là Giáo Pháp toàn mãn, khỏi sa vào Vô Sắc Giới, khỏi sa vào bệnh thiền na, khỏi sa vào Bồ Tát Thừa, khỏi rớt vào vị Ma Vương, là các thứ Trí Chướng, Địa Chướng và Hành Chướng. Cho nên thấy Phật Tánh chính mình, như đêm thấy sắc.

“Như nói “Phật Địa đoạn dứt cả hai thứ ngu : một là Vi Tế Sở Tri Ngu; hai là Cực Vi Tế Sở Tri Ngu”. Thế nên mới nói, “Có người đại trí phá bể hạt bụi, mở ra cuốn kinh”. Nếu thấu qua “Ba cú”, chẳng bị “Ba đoạn” giam. Hàng giáo điển nêu ví dụ là như nai nhảy ba cái ra khỏi lưới, gọi là người ngoài ràng buộc, không có vật gì móc ràng được hắn. Đó là thuộc về Nhiên Đăng Hậu Phật, là Tối Thượng Thừa, là Thượng Thượng Trí, là địa vị cao thượng trong Phật đạo. Người này là Phật, có Phật Tánh, là Đấng Đạo Sư, là người khiến sử được ngọn gió không chỗ ngại, là Trí Huệ Vô Ngại. Về sau có thể sử dụng được nhân quả, phước trí tự do, làm cái xe chở chuyên nhân quả. Ở nơi sanh chẳng bị sanh lưu giữ, ở nơi tử chẳng bị tử ngăn ngại, ở nơi năm ấm như cửa mở hoác, đi ở tự do. Bằng có thể như thế thì chẳng luận giai cấp, yếu mạnh, chỉ có thể như thế thì cho đến thân kiến trùng thảy là quốc độ diệu tịnh, chẳng thể nghĩ bàn. Đây vẫn là lời nói mở trói. Vốn tự không ghẻ nhọt, chớ làm ra thương tích ! Dù là ghẻ Phật hay ghẻ Bồ Tát các thứ. Hễ nói các pháp có, không v.v... thì đều là thương tích cả”.

Ôi ! Tổ Bá Trượng từ bi, tận lực bày rõ chướng ngại vi tế của Tâm Tánh. Cần mỗi mỗi thấu qua, mới gọi là vĩnh viễn đoạn dứt si ám.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Mười hai là, viên dung hình tướng, trở lại Tánh Nghe, là đạo trường bất động, thấm vào cõi đời mà không hoại thế giới, hay khắp mười phương, cúng dường Chư Như Lai như số vi trần, bên mỗi mỗi Phật làm bậc Pháp Vương Tử, có thể khiến cho chúng sanh không con trong pháp giới muốn cầu con trai, sanh được con trai trí huệ phước đức".

THÔNG rằng :

Đây là Tánh Chân Như thấm nhập thế gian, tùy làm Sắc-Không, khắp mười phương cõi, ấy là Bất Không Như Lai Tạng vậy. Quan Âm Đại Sĩ vốn là Pháp Vương Tử của Đức A Di Đà, mà bên mỗi mỗi vị Phật giúp việc không nhàm mỏi, thật là con giỏi vậy. Cho nên cầu con trai liền ứng.

Tổ Thứ Hai Mươi Ba là Tôn Giả Hạc Lặc, người nước Nguyệt Thị, cha tên là Thiên Thắng, mẹ là Kim Quang. Vì không có con, nên cúng cầu nơi đền Phướn Vàng Thất Phật, bèn mộng thấy trên đỉnh núi Tu Di có một thần đồng cầm chiếc kim hoàn nói rằng : “Ta đến vậy”. Tỉnh dậy thì có thai.
Năm Ngài bảy tuổi, đi dạo xóm làng thấy dân gian thờ cúng Dâm Thần, mới vào miếu la rằng : “Ngươi bày đặt chuyện họa phước, dối gạt người ta, hao tiền tốn mạng, làm hại quá lắm”.

Lời dứt, hình tượng trong miếu bỗng nhiên đổ sập.

Do đó, người làng gọi là ông Thánh Con. Năm hai mươi hai tuổi, xuất gia, ba mươi tuổi gặp Tổ Ma Nả La tôn giả, được phó pháp nối ngôi Tổ.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Mười ba là, sáu căn Viên Thông(17), sáng chiếu không hai, trùm mười phương cõi, thành Đại Viên Kính Không Như Lai Tạng, thừa thuận pháp môn bí mật của mười phương vi trần Như Lai, lãnh nhận không sót, có thể khiến cho chúng sanh không con trong pháp giới muốn cầu con gái, sanh được con gái đoan chánh, phước đức, dịu hiền, tướng tốt, mọi người yêu kính".

THÔNG rằng :

Một Căn về nguồn, sáu Căn dùng lẫn, đó là Viên Thông. Chỉ bởi tròn vẹn mà sáng chiếu không hai, nên thành Đại Viên Cảnh Trí. Chỉ bởi thông suốt mà trùm mười phương cõi, nên là Không Như Lai Tạng. Thừa thuận Như Lai, nhận lãnh không sót, là đều có cái đạo của người nữ, nên cầu gái được gái.

Cô Nguyệt Thượng Nữ(18) tướng tốt đoan nghiêm, mọi người yêu kính; kẻ cầu hôn nối gót đến, cô hiện thần dị(19); chí cầu xuất gia.
Ông Xá Lợi Phất nhân đang vào thành gặp cô đi ra. Thầm nghĩ, chị này ra mắt Phật, chẳng biết đắc nhẫn hay chưa đắc nhẫn, ta phải hỏi xem.
Vừa đến gần, bèn hỏi : “Chị đi đâu thế ?”
Cô đáp : “Như Xá Lợi Phất đi vậy”.
Ông Xá Lợi Phất nói : “Tôi mới vào thành, cô mới ra thành, sao lại nói : “Như tôi đi vậy ?”
Cô hỏi : “Các đệ tử Phật phải nương đâu trụ ?”
Ông Xá Lợi Phất nói : “Các đệ tử Phật y nơi Đại Niết Bàn mà trụ”.
Cô nói : “Các đệ tử Phật đã y nơi Đại Niết Bàn mà trụ, nên tôi cũng như chỗ đi của Xá Lợi Phất vậy”.
Lại Ngài Văn Thù, hỏi Cô Am Đề Già rằng : “Sanh lấy gì làm nghĩa ?”
Cô đáp : “Sanh lấy sanh-mà-chẳng-sanh làm nghĩa sanh”.
Ngài Văn Thù : “Như sao là lấy sanh-mà-chẳng-sanh làm nghĩa sanh ?”
Cô đáp : “Nếu hay rõ biết bốn duyên Địa, Thủy, Hỏa, Phong chưa từng tự được, tuy có chỗ hòa hiệp mà chỉ tùy chỗ ứng hợp, đó là nghĩa sanh”.
Ngài Văn Thù hỏi : “Tử lấy gì làm nghĩa”.
Cô đáp : “Tử lấy tử-mà-chẳng-tử làm nghĩa tử”.
Ngài Văn Thù hỏi : “Như sao là tử lấy tử-mà-chẳng-tử làm nghĩa tử ?”
Cô đáp : “Nếu hay biết bốn duyên Địa, Thủy, Hỏa, Phong chưa từng tự được, tuy có chỗ lìa tan, mà chỉ tùy chỗ ứng hợp, đó là nghĩa Tử”.
Cô Am Đề Già hỏi Ngài Văn Thù rằng : “Rõ biết cái lý sanh là chẳng sanh, thì vì sao lại bị sanh tử trôi vần ?”
Ngài Văn Thù nói : “Vì sức lực chưa đủ”.

Hai cô gái này, sanh đời có Phật, không chỉ đầy đủ phước đức, hiền dịu, mà còn phát minh việc hướng thượng. Cũng là kiếp xưa nhận lãnh Pháp Môn Bí Mật mà thị hiện đó ư ?
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Mười bốn là, trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới trăm ức mặt trời, mặt trăng này, các Pháp Vương Tử hiện ở thế gian có đến sáu mươi hai hằng sa số, tu Phật Pháp, nêu gương mẫu, giáo hóa chúng sanh, tùy thuận chúng sanh, trí huệ phương tiện, mỗi mỗi chẳng đồng. Do tôi đã được bổn căn Viên Thông phát ra diệu tính của căn Tai, sau đó Thân Tâm vi diệu trùm chứa cùng khắp pháp giới nên có thể khiến cho chúng sanh trì niệm danh hiệu của tôi, so với những người trì niệm danh hiệu của sáu mươi hai hằng sa số Pháp Vương Tử ấy, hai đàng phước đức bằng nhau không khác.

“Bạch Thế Tôn, một danh hiệu của tôi cùng với rất nhiều danh hiệu kia không khác, là do tôi tu tập được Chơn Viên Thông. Đó gọi là mười bốn sức Thí Vô Úy, phước sẵn đủ khắp cho chúng sanh".


THÔNG rằng :

Ban đầu, hết quán cái Âm Thanh liền được Giải Thoát là để tiếp bậc thượng thượng căn, chỉ soi thấy năm uẩn đều Không tức vượt hết thảy khổ ách. Dùng cái quán Tự Tánh, nếu chẳng phải là Quán Hạnh vi diệu thì không thể hành được vậy.

Chót là chỉ trì niệm danh hiệu, phước sẵn đủ khắp cho chúng sanh, là để tiếp bậc trung hạ căn.
Nói rằng phước sẵn đủ khắp là khỏi bị Nước Lửa, cho đến được trai, có gái, không gì cầu chẳng được. Cho nên trong ba mươi hai Ứng Thân, nói Giải Thoát tức là chứng ngộ, còn lại là thành tựu, chỉ đầy cái phước mà thôi.

Chúng sanh phương này, căn Tai lanh lợi, nhiều người nhận lãnh được Đạo, bởi thế sự giáo hóa của Đức Quan Âm trổi bật. Các Căn khác chậm lụt, người được Đạo ít, cho nên sự giáo hóa của các vị Thánh khác kém hơn. Viên Thông so với chẳng Viên Thông, như một ngày sánh với một kiếp, nên tự thầm chọn căn Tai làm cái giáo thể phương này vậy.

Thiền sư Hoa Lâm Thiện Giác thường cầm tích trượng, ban đêm ra khoảng rừng dưới chân núi, mỗi lần bảy bước dộng gậy một cái mà xưng lên danh hiệu Quan Âm.

Sư Giáp Sơn hỏi : “Ở xa nghe Hòa Thượng niệm Quan Âm, có phải chăng ?”

Tổ đáp : “Phải”.
Thầy Sơn nói : “Khi cỡi được đầu thì thế nào ?”
Tổ nói : “Ló đầu thì cho ông cỡi, chẳng ló đầu cỡi cái gì ?”
Thầy Sơn hết lời đối đáp.
Quán Sát Sứ Bùi Hưu đến thăm, hỏi rằng : “Thầy có thị giả không ?”
Tổ nói : “Có một cặp, chỉ là không thể gặp khách”.
Ông Hưu hỏi : “Ở đâu ?”
Tổ bèn gọi : “Đại Không, Tiểu Không !”
Hai con cọp từ sau am liền đi ra. Ông Bùi thấy thế kinh hãi.
Tổ nói với hai con cọp rằng : “Có khách, hãy lui”.
Hai con cọp rống lên mà lui vào.
Ông Hưu hỏi : “Thầy giữ hạnh nghiệp gì mà cảm hóa được như vầy ?”
Sư mới im lặng chập lâu, hỏi : “Am hiểu chăng?”
Ông Bùi đáp : “Dạ, không hiểu”.
Tổ nói : “Sơn tăng thường niệm Quan Âm vậy”.
Biết được chỗ nín lặng của Hoa Lâm, và chỗ chẳng ló đầu tức là khéo quán Tánh vậy. Nếu không, hãy niệm Quan Âm.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Bạch Thế Tôn, do tôi đã được Viên Thông Đạo Vô Thượng Tu Chứng ấy, nên lại khéo được bốn đức mầu vô tác không-nghĩ-bàn.

“Một là, do tôi ban đầu được Tánh Nghe Chí Diệu, cái Tâm thuần túy không còn Tướng Nghe; các sự Thấy, Nghe, Hay, Biết chẳng còn phân cách mà thành một Bảo Giác viên dung thanh tịnh, nên tôi có thể hiện ra rất nhiều hình dung mầu nhiệm, có thể nói ra vô biên Thần Chú bí mật.

“Trong ấy, hoặc hiện một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu, chín đầu, mười một đầu, cho đến một trăm lẻ tám đầu, ngàn đầu, vạn đầu, tám vạn bốn ngàn đầu Kim Cang như thế; hoặc hiện hai tay, bốn tay, sáu tay, mười hai tay, mười bốn, mười sáu, mười tám, hai mươi, hai mươi bốn cho đến một trăm lẻ tám tay, ngàn tay, vạn tay, tám vạn bốn ngàn tay bắt ấn như thế; hoặc hai mắt, ba mắt, bốn mắt, chín mắt, cho đến một trăm lẻ tám mắt, ngàn mắt, vạn mắt, tám vạn bốn ngàn mắt báu thanh tịnh như thế; hoặc Từ hoặc Oai, hoặc Định, hoặc Huệ, cứu độ chúng sanh được đại tự tại".


THÔNG rằng :

Đồng Từ Lực Phật, nên có ba mươi hai Ứng Thân, đồng Bi Ngưỡng với chúng sanh, nên bố thí mười bốn sự Vô Úy, đã là Diệu Lực Vô Tác không thể nghĩ bàn; lại còn có bốn Diệu Đức Vô Tác không thể nghĩ bàn, là do tu chứng Vô Thượng Đạo. Cái Đạo Vô Thượng này thần diệu càng chẳng thể đo lường.

Ở trước, thuyết pháp cùng xưng danh hiệu, còn có thể suy lường được. Đến đây thì hình dung và thần chú, khiến chúng sanh đắc Đại Tự Tại quả là cảnh giới rất khó nghĩ bàn vậy. Tất cả cũng từ Tánh Nghe Chí Diệu lưu xuất.

Ban đầu, mất hết Căn, Trần, tâm yên định mầu nhiệm, nhưng cái mầu nhiệm đối với thô này chưa phải là cái mầu nhiệm tuyệt mọi đối đãi. Kế đó, Trí, Cảnh đều vong, Năng-Sở tịch diệt, nên nói là Chí Diệu. Ban đầu là xoay cái Nghe lại, không còn cái Cảnh. Đến đây tâm thuần túy không còn cái Nghe, cái Nghe đã bỏ mất, sáu Căn đều hóa. Bởi thế, Thấy, Nghe, Hay, Biết không còn phân cách, mà thành một Bảo Giác viên dung thanh tịnh, tức chỗ gọi là Tịch Diệt Hiện Tiền vậy.
Vốn viên dung thanh tịnh nên ứng hóa không ngằn. Đầu là chỗ tóm gồm của sáu dụng. Tay thể hiện lòng Bi tiếp đỡ. Mắt biểu hiện cái Trí soi tỏ. Đầu, tay, mắt, đều tám vạn bốn ngàn là đối với tám vạn bốn ngàn phiền não trần lao mà hiển pháp môn đối trị vậy.

Đức Lục Tổ nói : “Pháp môn này của ta, từ một Trí Huệ Bát Nhã sanh tám vạn bốn ngàn Trí Huệ. Vì sao thế ? Vì người đời có tám vạn bốn ngàn trần lao. Nếu không có trần lao thì Trí Huệ thường hiện, chẳng lìa Tự Tánh”.

Quan Đại Phu Lục Tuyên hỏi Tổ Nam Tuyền : “Đức Bồ Tát Đại Bi dùng bấy nhiêu tay, mắt làm chi?”

Tổ Tuyền nói : “Chỉ như quốc gia lại dùng Đại Phu làm chi ?”

Tổ Ma Cốc hỏi Tổ Lâm Tế : “Đại Bi ngàn tay, ngàn mắt, cái nào là Chánh Nhãn ?”

Tổ Lâm Tế nắm đứng, nói : “Đại Bi ngàn tay, ngàn mắt, thế nào là Chánh Nhãn ? Nói mau, nói mau !”

Tổ Cốc kéo Tổ Tế xuống thiền sàng, mà lên ngồi.

Tổ Tế xá chào, nói : “Chẳng rõ”.

Tổ Cốc định nói. Tổ Tế bèn hét, kéo Tổ Cốc xuống thiền sàng rồi lên ngồi.

Tổ Cốc bèn bỏ đi.

Lại Tổ Ma Cốc hỏi : “Đức Quan Âm mười hai mặt, cái nào là mặt chánh ?”
Tổ Tế xuống thiền sàng, nắm đứng, hỏi : “Quan Âm mười hai mặt hiện ở chốn nào ? Nói mau, nói mau !”

Tổ Cốc xoay mình định ngồi. Tổ Tế liền đánh. Tổ Cốc bắt cứng cây gậy, cùng kéo nhau về phương trượng.

Hai vị tôn túc đây, mỗi vị đều hiển lộng thần thông đại bất khả tư nghì. Thấy được cái cơ đoạt nhau đó mới cho là đủ tay mắt Quan Âm.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Hai là, do sự Nghe, Nghĩ của tôi thoát khỏi sáu Trần, như tiếng suốt qua bức tường, chẳng hề ngăn ngại, nên tôi có thể diệu dụng hiện ra mỗi mỗi hình, tụng mỗi mỗi Chú. Hình ấy, Chú ấy có thể dùng Vô Úy Thí cho chúng sanh. Thế nên mười phương cõi nước như vi trần đều gọi tôi là bậc Vô Úy Thí".

THÔNG rằng :

Nghe, Nghĩ viên thông, như tiếng qua tường. Vì vượt thoát sáu Trần, chẳng hề chướng ngại, nên hiện hình tụng Chú, hiện diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn. Tánh Nghe chẳng thể nghĩ bàn, nên sức Chú chẳng thể nghĩ bàn.

Trước thì dùng một Bảo Giác viên dung thanh tịnh cứu hộ chúng sanh được Đại Tự Tại, ấy là dùng toàn lực mà dẫn dắt cho lên bờ Đạo, nên đầu, tay, mắt hoặc Từ hoặc Oai, hoặc Định hoặc Huệ đều đầy đủ, khiến cho giải thoát. Ở đây, chỉ hiện mỗi mỗi hình dạng, tụng mỗi mỗi Thần Chú, khiến cho chúng sanh không sợ hãi, nghĩa là chỉ không sợ sự khổ sanh tử chứ chưa đến Đại Tự Tại vậy.

Xưa, có người bị bẫy để tế cho quỷ ăn, bị trói vào cột trong miếu. Nửa đêm có con mãng xà to lớn đến, sắp sửa ăn. Người ấy ngày thường chỉ thuộc mỗi một Chú Đại Bi, liền trì tụng không ngớt. Mãng xà chẳng thể đến gần, như có vật gì ngăn trở, rốt cuộc bỏ đi. Trời sáng, mở khóa thấy người ấy không bị gì cả. Mọi người làm lạ, hỏi duyên cớ. Người đó nói vì tụng Chú Đại Bi mà được khỏi. Từ đó, cái miếu tà bị bỏ phế.

Năng lực Thần Chú có thể ban cho sự không sợ hãi, khái quát là vậy.

Thầy Trương Tăng Diêu vẽ tượng hình Ngài Bửu Chí, mới hạ bút, chưa biết định liệu sao. Ngài Bửu Chí liền dùng ngón tay vạch trên mặt, phân ra thành mười hai mặt Quan Âm diệu tướng tốt đẹp, hoặc Từ hoặc Oai. Thầy Tăng Diêu rốt cuộc chẳng vẽ được.

Có nhà sư hỏi thiền sư Văn Thù rằng : “Vì sao Tăng Diêu vẽ chân dung Tổ Chí Công chẳng được ?”

Tổ Thù đáp : “Không chỉ Tăng Diêu, mà Chí Công có vẽ cũng chẳng được”.
Nhà sư hỏi : “Vì sao Chí Công vẽ cũng chẳng được ?”
Tổ Thù nói : “Màu, vải chẳng đem đến được”.
Nhà sư hỏi : “Hòa Thượng lại vẽ được hay không ?”
Tổ Thù nói : “Ta cũng chẳng vẽ được”.
Nhà sư hỏi : “Vì sao Hòa Thượng vẽ chẳng được ?”
Tổ Thù nói : “Hắn chẳng màng nhan sắc của ta, bảo ta vẽ như thế nào ?”
Tổ Đơn Hà tụng rằng :

“Thân quang rờ rỡ, tướng nguy nguy (sừng sững)
Tay khéo làm sao thể hiện y
Thôi hỏi Tăng Diêu, Ngô đạo tử
Chí Công kia tự chẳng năng tri”.


Ngay Chí Công cũng chẳng hay biết thì có thể rõ là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn vậy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Ba là, do tôi tu tập cái Bổn Căn Thanh Tịnh, vốn diệu viên thông, nên qua mọi thế giới đều khiến cho chúng sanh xả bỏ thân cùng của báu, cầu tôi thương xót".


THÔNG rằng :

Cái Bổn Căn Thanh Tịnh vốn diệu viên thông, tức là căn Tai vậy. Xa lìa trần cấu, vốn không phiền não, nên gọi là thanh tịnh. Nhưng chúng sanh trong thế giới khổ vì phiền não, không thể giải thoát, nên thương xót khẩn thiết cứu vớt.

Lục Độ mà Bồ Tát tu, thì Bố Thí là trước hết, nên dạy làm Bố Thí, bỏ tham bỏ tiếc, lấy đó làm Nhân Tu. Một Pháp Bố Thí ấy, tức chẳng thấy người cho, chẳng thấy người nhận, cũng chẳng thấy có vật bố thí, thế gọi là Bố Thí Ba La Mật. Nếu chẳng được Viên Thông trong sạch thì chẳng thể rõ sự mầu nhiệm này vậy. Cho nên Quan Thế Âm Bồ Tát nhận chuỗi ngọc báu của Bồ Tát Vô Tận Ý(20) lại hiến dâng Phật. Ban đầu chẳng nhận, có thể thấy Giới Hạnh. Phụng sự Phật không mỏi mệt, có thể thấy sự Tinh Tấn. Chẳng tự thọ dụng, có thể thấy cái Nhẫn. Cho và nhận đều vô tình, có thể thấy Thiền Định. Chỉ cầu phước đầy đủ cho chúng sanh, có thể thấy cái Trí Huệ. Nêu ra một việc Bố Thí mà sáu Ba La Mật đủ hết trong đó vậy. Há chỉ dạy một phép Bố Thí thôi đâu !
Có nhà sư hỏi Tổ Bá Trượng : “Như nay hết thảy Sa Môn đều nói rằng “Tôi y theo Giáo Pháp Phật, học mỗi một Kinh mỗi một Luận, mỗi một Thiền mỗi một Luật, mỗi một hiểu biết, mỗi một tỏ thông”, mà lãnh nhận bốn việc cúng dường của đàn việt, thì có tiêu được chăng ?”

Tổ Trượng nói : “Chỉ như giờ đây soi dùng (chiếu dụng) mỗi một Thanh mỗi một Sắc, mỗi một Hương mỗi một Vị, nơi tất cả các Pháp Hữu Vô, trong mỗi mỗi Cảnh đều không có mảy bụi giữ nhuốm (thủ nhiễm), cũng chẳng nương trụ tri giải. Cái người ấy mỗi ngày ăn vạn lượng vàng ròng cũng tiêu hết được. Chỉ như nay soi chiếu tất cả các pháp hữu vô, nơi cửa sáu căn quét ráo mọi tham ái. Có chút mảy lông chẳng xong thì dầu có nhận của thí chủ một hột gạo, một sợi chỉ đều là mang lông đội sừng, kéo cày chở nặng, mỗi mỗi phải bồi thường lại hết mới được. Vậy là chẳng y theo Phật. Phật là người không bám dính, người không cầu kiếm, người không dựa nương. Giờ mà bôn ba tham lam tìm kiếm Phật, đều là nghịch lại vậy”.

Tin lời này, ắt gọi là tu tập Bổn Căn Thanh Tịnh, mới nên nhận bố thí của người.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Bốn là, tôi đắc Tâm Phật, chứng đến rốt ráo, nên có thể dùng đủ thứ quý báu cúng dường mười phương Như Lai. Cả đến chúng sanh sáu đường trong pháp giới, người cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu Tam Muội được Tam Muội, cầu sống lâu được sống lâu, như thế cho đến cầu Đại Niết Bàn được Đại Niết Bàn".


THÔNG rằng :

Chứng đến rốt ráo, Trí Huệ tròn đủ vậy, nên có thể ban cho người cái vui xuất thế. Cúng dường Như Lai, phước ấy tròn đủ, nên có thể ban cho người cái phước thế gian. Đều từ trong cái chẳng thể nghĩ bàn mà thành tựu. Nếu thấy có cầu, có đắc, thì chỗ cho ra cũng là nhỏ hẹp. Được phước chẳng bằng được Quả Vị, được Quả chẳng bằng được Cực Quả, nên đắc Đại Niết Bàn là tột bậc.

Tổ Bá Trượng nói : “Chỉ như nay có người lấy bốn việc phước trí cúng dường bốn trăm vạn ức a tăng kỳ chúng sanh trong sáu đường thế giới, tùy theo chỗ thích cho đến hết tám mươi năm, lại nghĩ rằng : nhưng các chúng sanh này đều phải già yếu, ta nên dùng Phật Pháp mà dẫn dạy cho, khiến họ đắc quả Tu Đà Hàm cho đến đạo A La Hán. Thí chủ ấy chỉ bố thí cho chúng sanh tất cả vật ưa thích, công đức đã là vô lượng. Huống là khiến cho đắc quả Tu Đà Hoàn, cho đến đạo A La Hán thì công đức vô lượng vô biên. Vậy mà chẳng bằng công đức người thứ năm mươi nghe kinh mà vui theo.

“Kinh Báo Ân nói rằng : Ma Da phu nhân sanh năm trăm thái tử đều đắc Bích Chi Phật, mà đều diệt độ, mỗi vị đều được dựng tháp cúng dường. Mỗi một lần lễ bái, phu nhân than rằng : Chẳng bằng sanh một đứa con đắc Vô Thượng Bồ Đề, đỡ bớt tâm lực ta. Chỉ như nay trong trăm ngàn vạn chúng sanh, có một người đắc Đạo, thưởng bù ngay cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới !”
Than ôi ! Đức Quan Thế Âm đã đắc Tâm Phật, mà khiến cho chúng sanh đều đắc Tâm Phật, bi nguyện ấy thật chẳng thể nghĩ bàn.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do theo cửa Tai, tròn soi Tam Muội, nhân Tâm được tự tại, duyên theo tướng Nhập Lưu, đắc Tam Ma Địa, thành tựu Bồ Đề, đó là Đệ Nhất.
“Bạch Thế Tôn, Đức Phật Như Lai ấy khen tôi khéo được Pháp Môn Viên Thông, ở trong đại hội thọ ký cho tôi hiệu là Quan Thế Âm. Do tôi thấy nghe thấu suốt mười phương nên danh hiệu Quán Âm cùng khắp mười phương thế giới”.


THÔNG rằng :

Kinh Thư nói rằng “Sáng bốn mắt, thông bốn tai”, là nói lấy tai mắt của bốn phương làm tai mắt vậy. Lại nói rằng “Trời thấy tức là tự dân ta thấy. Trời nghe là tự dân ta nghe”. Đó là nói cái Thấy Nghe của trời vốn không thể thấy mà thấy được ở nơi dân vậy.

Đức Quan Âm đã lấy cái Thấy Nghe của mười phương làm cái Thấy Nghe, nên cái Thấy Nghe của mười phương tức là Quan Âm vậy. Danh ấy sao chẳng khắp mười phương ư ?

Tổ Bảo Phước hỏi nhà sư : “Ở đâu lại ?”
Đáp : “Quan Âm”.
Tổ Phước nói : “Vậy thấy Quan Âm chăng ?”
Đáp : “Thấy”.
Tổ Phước nói : “Thấy bên trái hay thấy bên phải ?”
Đáp rằng : “Thấy thì chẳng trải qua trái phải”.
Tổ Pháp Nhãn riêng nói rằng : “Như Hòa Thượng thấy”.
Phù Thượng Tọa dự pháp hội Kính Sơn, một ngày nọ trước đại điện Phật, có nhà sư hỏi : “Thượng Tọa từng đến Ngũ Đài chưa ?”
Đáp : “Từng đến”.
Hỏi : “Lại thấy Văn Thù chăng ?”
Đáp : “Thấy”.
Hỏi : “Thấy ở chỗ nào ?”
Đáp : “Thấy trước điện Phật Kính Sơn”.
Tổ Tuyết Phong nghe lời ấy lấy làm lạ.

Tổ Lâm Tế nói : “Có một loại học nhơn, hướng trong núi Ngũ Đài tìm Văn Thù, thật sớm hiểu lầm ! Ngũ Đài không Văn Thù. Ông muốn biết Văn Thù ư ? Chỉ là cái chỗ dùng trước mắt ông, trước sau chẳng khác, chốn chốn chẳng nghi, ấy là Văn Thù sống. Ông một niệm tâm không có ánh sáng sau biệt thì xứ xứ thảy là chân Phổ Hiền. Ông một niệm tâm tự nhiên mở trói, tùy chốn giải thoát, đây chính là Quan Âm Tam Muội Pháp, đắp đổi chủ bạn. Ra thì lập tức ra, một là ba, ba là một. Hiểu được như thế mới xem kinh điển”.

Ôi ! Lời này của Tổ Lâm Tế nói ngay tông giáo, thảy không sai biệt.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

MỤC NĂM :
CHỈ PHÁP VIÊN TU

I. PHÓNG HÀO QUANG, HIỆN ĐIỀM LÀNH

KINH :

Bấy giờ Đức Thế Tôn nơi tòa sư tử, từ trong năm vóc đồng phóng quang báu, rọi xa trên đảnh mười phương Như Lai số như vi trần cùng các vị Pháp Vương Tử và các Bồ Tát. Các Đức Như Lai kia cũng từ năm vóc đồng phóng quang báu, từ các thế giới số như vi trần đến rọi trên đảnh Phật, rót vào đảnh các vị Đại Bồ Tát và A La Hán trong hội; rừng cây ao hồ đều diễn pháp âm, ánh sáng giao nhau trùng trùng, như lưới tơ báu. Thảy trong đại chúng được cái chưa từng có, tất cả đều được Kim Cương Tam Muội. Liền khi ấy, trời mưa hoa sen trăm báu, xanh, vàng, đỏ, trắng xen nhau lẫn lộn, mười phương hư không thành sắc bảy báu. Núi sông, đất đai cõi Ta Bà này đồng thời chẳng hiện, chỉ thấy cõi nước vi trần mười phương hợp thành một cõi, phạm âm ca ngợi tự nhiên nổi khắp".


THÔNG rằng :

Các vị Bồ Tát, A La Hán chứng Viên Thông đều đã nhập vào cảnh giới bất khả tư nghì, cho nên Đức Phật từ trong cái Bất Tư Nghì hiện khởi điềm lành, ứng ra quang báu. Cả hai Chánh Báo và Y Báo đều hiển Viên Thông. Chánh Báo là năm vóc phóng quang, Phật Phật chẳng khác, hiển thị hai mươi lăm chỗ viên thông, thảy thảy là Đạo. Mỗi người ai cũng đủ hình vóc, nhưng Phật mới được toàn thể. Y Báo là ánh sáng giao nhau trùng trùng, như lưới tơ báu, cho đến mười phương hư không thành sắc bảy báu, hiển bày mười tám giới, bảy Đại đều là Như Lai Tạng Chân Như Diệu Tánh, giao nhau hòa lẫn, đồng một Biển-Không Sáng Báu (Bửu Minh Không Hải) vậy. Cõi Ta Bà này hợp thành một cõi, là cái tượng “Trần tiêu, trở lại Tánh Nghe (Trần tiêu Văn phục)” vậy. Rừng cây ao hồ đều diễn pháp âm, là cái tượng “Thuần Âm, không Trần” vậy. Cái Bảo Giác tròn sáng cùng khắp pháp giới, đã âm thầm xem sự Phản Văn xoay về Tánh Nghe làm Đệ Nhất Cơ vậy.

Sư Động Sơn đến Tổ Ngụy Sơn, hỏi rằng : “Từng nghe Trung Quốc Sư có việc vô tình thuyết pháp, tôi chưa rõ thấu chỗ vi diệu ấy”.

Tổ Ngụy nói : “Ta trong ấy cũng có, chỉ thật khó được người”.
Sư nói : “Xin thỉnh Hòa Thượng nói”.
Tổ Ngụy nói : “Cái miệng cha mẹ sanh, rốt chẳng vì ông nói”.
Hỏi rằng : “Lại có ai mộ đạo cùng thời với Thầy chăng ?”
Tổ Ngụy rằng : “Thạch thất cách liền đây, có Vân Nham đạo nhân. Nếu có thể tìm đến ra mắt thì hẳn thỏa mãn ý nguyện của ông”.
Sư đến Tổ Vân Nham, hỏi rằng : “Vô tình thuyết pháp, kẻ nào được nghe ?”
Tổ Nham đáp : “Vô tình được nghe”.
Hỏi : “Hòa Thượng lại nghe chăng ?”
Tổ Nham nói : “Tôi nếu nghe, ắt thầy chẳng nghe tôi thuyết pháp vậy”.
Hỏi : “Tôi đây vì sao chẳng nghe ?”
Tổ Nham dựng đứng phất tử, nói : “Lại nghe chăng ?”
Đáp : “Chẳng nghe”.
Tổ Nham nói : “Ta thuyết pháp ông còn không nghe huống là vô tình thuyết pháp”.
Hỏi : “Vô tình thuyết pháp, kinh giáo nào nói ?”
Tổ Nham nói : “Há chẳng thấy kinh Di Đà nói : nuớc, chim, cây rừng thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, cây cỏ vô tình hòa tấu vui ca”.
Thầy Động Sơn ngay đó tỉnh ngộ, mới thuật bài tụng :

“Thật lạ lùng, thật lạ lùng !
Vô tình thuyết pháp, chẳng nghĩ bàn
Nếu đem tai ngóng càng không hiểu
Nhãn xứ nghe thanh mới tỏ thông”.


Thiền sư Vân Cư Hựu thượng đường : “Tất cả Âm Thanh là Thanh Phật !”
Gõ thiền sàng, nói : “Phạm Âm trong xa khiến người thích nghe !”
Lại nói : “Tất cả Sắc là Sắc Phật !”
Bèn đưa phất tử lên, nói : “Nay Phật phóng quang minh, chiếu rõ thiệt tướng nghĩa. Người đã thấu đáo, đỉnh đội vâng làm. Người chưa thấu đáo, hợp như thế rõ, hợp như thế tin !”
Rồi gõ thiền sàng, xuống tòa.

Các vị tôn túc đây đích thân đến dự Viên Thông Hội Thượng mà đi lại, nên trùng trùng diễn thuyết như thế.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

II. PHẬT BẢO NGÀI VĂN THÙ CHỌN CĂN VIÊN THÔNG


KINH :

Khi ấy, Đức Như Lai bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử rằng : “Ông nay xét xem trong hai mươi lăm vị Vô Học Đại Bồ Tát và A La Hán đây, mỗi vị trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập chỗ Viên Thông chân thật, chỗ tu hành của các vị thật không có hơn, kém, trước, sau sai khác. Nay Ta muốn khiến cho Ông Anan khai ngộ, thì trong hai mươi lăm pháp tu hành, pháp nào hợp căn cơ ông ấy. Lại sau khi Ta diệt độ, chúng sanh cõi này vào Thừa Bồ Tát, cầu đạo Vô Thượng thì pháp môn phương tiện nào được dễ thành tựu ?”

Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử vâng ý chỉ lành của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thừa oai thần Phật, nói kệ đáp lời :


THÔNG rằng :

Chỗ tu hành của các vị thật không hơn kém, trước sau, sai khác, đều đã ngộ nhập Vô Thượng Bồ Đề, được Phật ấn chứng.

Tổ Hoàng Bá nói : “Từ Đức Như Lai phó pháp cho Ngài Ca Diếp đến nay, là dùng tâm ấn tâm, tâm tâm không khác. Ấn vào hư không thì ấn chẳng thành văn. Ấn vào vật thì ấn chẳng thành pháp. Nên dùng tâm ấn tâm, tâm tâm chẳng khác. Năng ấn, sở ấn đều khó khế hội, nên người được ít ỏi. Nhưng tâm tức vô tâm, đắc tức vô đắc”.

Ôi, chỉ Vô Tâm Vô Đắc, nên mới không có trước sau sai biệt. Hai mươi lăm vị Vô Học đây thật không sai biệt, vì lấy tâm ấn tâm, cho nên tâm tâm không khác vậy.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113

III. LỰA RA NHỮNG CĂN KHÔNG VIÊN


KINH :

“Tánh Biển Giác lặng khắp
“Toàn trong (lặng), Giác nguyên diệu
“Nguyên minh, chiếu sanh sở
“Sở lập, tánh chiếu vong


THÔNG rằng :

Tánh Giác nguyên diệu vốn nhiệm mầu mà hằng sáng vậy. Vì phân biệt tiền cảnh, nên nói là nguyên minh. Đã rơi vào đất ý thức, tức là Tự Lượng. Tự Lượng lập thì cái Hiện Lượng tròn sáng mất. Ở trước, Đức Thế Tôn nói, vô thủy Bồ Đề Niết Bàn nguyên là thể trong sạch, cái năng sanh các duyên, theo duyên thì bỏ mất. Đây là từ trùng tụng mà ra.

Hòa Thượng Phổ Minh dạy chúng rằng : “Tâm Pháp của Tổ Sư rỗng suốt mười phương, xưa nay hằng nhiên, Pháp vốn như thế. Cái Pháp như thế không mượn tu tập, mà tự thành tựu; chẳng cần đắc, mà tự viên mãn. Tất cả hiện thành, gọi là Địa Bất Động. Dùng mà chẳng phải có, không dùng chẳng phải không, thể mầu nhiệm trong lặng như nhiên, thường hằng chẳng biến. Thể hợp diệu dụng, ứng khắp vô vi, ảnh hiện trùng trùng, vô biên sắc tướng. Tâm không tự tánh, gặp sự trọn bày rực rỡ, đạo tràng bất động, khắp mười phương cõi. Như cảnh giới này, chỉ sơ lược tạm cái hồi quang; bỏ trần hiệp Giác, chẳng làm việc bóng dáng. Cái ý sự này như ngự trên đường lớn. Hành (đi) lấy thì tức là. Giả sử chẳng hành, cũng tại trên đường. Luận bàn như vậy, vẫn còn là lời thuyết của pháp môn dạy dỗ. Nếu mà cử xướng tông thừa, chỉ là nhất thời giải tán đi là tốt.

“Nếu giải tán đi bèn là vô sự, bao nhiêu cái Giác Hải trừng viên kia cũng đoạn dứt. Bằng không, còn ngồi trong hang ổ vô vi”.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Mê vọng, có hư không
“Nương Không, lập thế giới
“Tưởng đọng thành cõi nước
“Hay Biết thành chúng sanh
“Không sanh trong Đại Giác
“Như một bọt nổi biển
“Cõi hữu lậu vi trần
“Đều nương Không sanh khởi
“Bọt diệt, Không (vốn) chẳng có
“Huống là có ba cõi


THÔNG rằng :

Giác nói là Đại Giác, là để phân biệt với cái giác của sự hiểu biết vậy. Đại Giác như biển, không có bến bờ. Cái Tánh vốn Không, chẳng thể lấy Giác đặt tên. Có tướng thì ngay bày, không có tướng thì ẩn. Chân Tánh mà ẩn, cái Không cái Giác bèn phân. Vừa khởi cái Không Kiến, liền sanh ra tướng phần, nên cõi nước trong tam giới đều nương Không mà lập. Hễ nhận cái Giác Minh bèn sanh kiến phần, nên cái hữu lậu của chúng sanh đều chạy theo hư vọng mà có ra. Tướng chẳng phải lìa kiến mà thành tướng, chính là do tưởng lắng đọng mà kết thành. Kiến chẳng phải lìa tướng mà thành kiến, mà là cái trôi xoay trong ba cõi hiệp với Trần mà có vậy. Cái tướng đó, cái kiến đó, sanh ra trong Đại Giác, như một bọt nước trong biển cả. Nếu trở về chỗ tột cùng của căn trôi dạt, đến chỗ chẳng sanh chẳng diệt thì bọt nước tan mất trong biển, y nhiên một Đại Giác mầu sáng. Tìm hư không còn chẳng thể được, huống là các cõi nước vi trần ba cõi hữu tình, vô tình an lập trong hư không ư ?

Nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng : “Hư không sanh ra trong Đại Giác như một bọt nước khởi trong biển là sao ?”

Tổ Trượng đáp : “Hư không thí dụ cho cái bọt, biển thí dụ cái Tánh. Tự Tánh linh giác chính mình, vượt cả hư không, nên nói “Không sanh trong Đại Giác. Như bọt nổi trong biển”.

Thiền sư Mộc Bình Đạo hỏi Tổ Lạc Phổ rằng : “Khi một bọt nước chưa sanh, làm sao rõ mạch nước?”

Tổ Phổ nói : “Dời ghe rành thế nước. Giở chèo biết sóng mòi”.

Thầy Bình không khế hiểu, đến tham hỏi Tổ Bàn Long, hỏi lại lời trước.

Tổ Long nói : “Dời ghe chẳng rõ nước. Giở chèo tức mê nguồn !”

Liền ngộ nhập.
Tổ Đơn Hà tụng rằng :

“Mặt trời mặt trăng cùng sáng tỏa
Soi thuở Oai Âm chưa động lay
Như nói trời xanh riêng có lối
Y xưa, người gỗ nhíu đôi mày”.


Đại để, chỗ thấy (kiến xứ) của Tổ Bàn Long là chỗ ẩn thân thì không dấu vết. Chỗ thấy của Tổ Lạc Phổ là chỗ không dấu vết, chẳng ẩn thân. Rõ được, chỉ là một đường, chẳng hề có khác.
Về sau, có nhà sư hỏi : “Như sao là Mộc Bình ?”

Đáp : “Chẳng nhọc búa rìu”.

Nhà sư nói : “Vì sao chẳng nhọc búa rìu ?”

Đáp : “Mộc Bình”.


Quả là soi rõ một đoạn đại sự của thuở Oai Âm chưa máy động.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Về nguồn, Tánh không hai
“Phương tiện có nhiều cửa
“Thánh Tánh, đâu cũng thông
“Thuận nghịch đều phương tiện
“Sơ Tâm vào Tam Muội
“Chậm nhanh bậc chẳng đồng"


THÔNG rằng :

Trước nói “Mười phương Như Lai, nơi mười tám giới mỗi mỗi tu hành đều đắc viên mãn Vô Thượng Bồ Đề”, tức ở đây nói “Cái Thánh Tánh này không đâu mà chẳng thông, thuận nghịch đều là phương tiện” vậy. Lại nói “Như ngay đây ngộ căn viên thông liền nghịch lại cái dòng vọng nghiệp thêu dệt từ vô thủy. Được tùy thuận viên thông thì so với cái chẳng viên thông cách nhau như ngày với kiếp”. Tức ở đây nói “Cái Sơ Tâm này vào Tam Muội thì có nhanh chậm chẳng đồng”.

Tổ Hoàng Bá nói : “Về nguồn Tánh không hai, nghĩa là thật tánh của Vô Minh tức là Tánh Chư Phật. Phương tiện có nhiều cửa, nghĩa là người Thanh Văn thấy Vô Minh diệt, chẳng thấy Vô Minh sanh, niệm niệm chứng tịch diệt, Chư Phật thấy chúng sanh suốt ngày sanh mà không sanh, suốt ngày diệt mà không diệt. Không sanh không diệt tức là quả Đại Thừa. Bởi thế đạo quả mãn, Bồ Đề tròn, hoa nở thế giới sanh”.

Thiền sư Khô Mộc Thành thượng đường : “Về nguồn Tánh không hai. Phương tiện có nhiều cửa. Chỉ ngộ Tánh-về-nguồn, lo gì cửa phương tiện. Các ông muốn rõ Tánh-về-nguồn ư ?
“Lộ trụ lấy làm chuôi Bắc Đẩu, người đời chẳng nhận theo như thế. Muốn rõ cửa phương tiện ư ? Chuôi Bắc Đẩu lấy làm lộ trụ, chống trời đỡ đất cũng vừa nên. Hãy nói một câu chẳng rơi vào cửa phương tiện, nói làm sao ? Ba mươi năm sau chớ có nêu ra lầm lẫn !”
Hai vị tôn túc đây, mỗi vị đều theo chỗ thấy mà phát huy đối với ý chỉ về nguồn thật là không-hai.
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Sắc Tưởng kết thành trần
“Hay Biết không thể thấu
“Không thấu suốt như vậy
“Làm sao được Viên Thông ?


THÔNG rằng :

Theo pháp Quán Thập Tưởng mà vào, kết thành nội trần, nên cái tinh minh hay biết thật chẳng thể biết thấu suốt, vì bị pháp buộc vậy.
Tổ Thạch Đầu hỏi khách mới đến : “Từ đâu tới?”
Đáp rằng : “Giang Tây”.
Tổ Đầu nói : “Thấy đại sư Mã Tổ chăng ?”
Đáp : “Có thấy”.
Tổ Đầu bèn chỉ một khúc củi, nói : “Mã đại sư đâu giống như cái đó ?”
Nhà sư không đáp được. Rồi trở về đem nói lại y vậy với Ngài Mã Tổ.
Ngài Mã Tổ nói : “Ông thấy khúc củi lớn hay nhỏ ?”
Đáp rằng : “Lớn quá cở”.
Ngài Tổ nói : “Ông rất có sức !”
Nhà sư hỏi : “Sao vậy ?”
Ngài Mã Tổ nói : “Ông từ núi Nam Nhạc vác một khúc củi đến đây, há chẳng mạnh sao ?”
Nếu nhà sư này là Kẻ Ấy, bèn bỏ quách là phải ngay
 

nguyenvanhoc2006

Ban Cố Vấn Chủ Đạo Diễn Đàn
Phật tử
Tham gia
2/12/06
Bài viết
5,891
Điểm tương tác
1,535
Điểm
113
KINH :

“Âm Thanh trộn ngữ ngôn
“Chỉ là vị danh cú
“Một chẳng gồm tất cả
“Làm sao được Viên Thông ?


THÔNG rằng :

Ngộ Thanh Trần đối với người nhập theo căn Tai thì chẳng đồng. Thanh là lời của Phật, Căn mới là tự Tâm. Nhận Thanh Trần ắt bám níu danh cú kia. Xoay lại cái Nghe ắt rõ thấu nguồn Tánh mình. Danh cú trệ vướng vào một mối, còn Nguồn Tánh không đâu chẳng bao quát khắp. Cho nên nghe Tiếng ngộ Đạo cũng không chọn được.

Tổ Vân Cư Ứng thượng đường : “Hết thảy các ông, dầu cho học được chuyện bên Phật, thì cũng đã sớm dụng tâm lầm ! Há chẳng thấy người xưa giảng kinh được hoa trời rụng, đá gật đầu. Cũng chẳng nhầm gì chuyện tự kỷ. Những kẻ khác nhàn rỗi làm sao mà định lấy cái thân tâm hữu hạn này hướng vào trong vô hạn mà sử dụng ? Như lấy gỗ vuông tra vào lỗ tròn, thế nào cũng sai hở. Nếu không có cái chuyện ấy dầu ông có thêu hoa dệt gấm cũng là vô dụng, chưa lìa khỏi thức tình. Hết thảy mọi sự phải hướng về trong-ấy cùng dứt hết. Nếu còn một mảy lông phủi bỏ chẳng sạch, bèn bị trần trói buộc, huống chi là nhiều ? Sai một hào li, lỗi lầm như núi.

“Há chẳng nghe người xưa nói “Chỗ học chẳng sâu mầu, đều trôi theo thế tục. Sự vật trong chốn lầu son gác tía bỏ chẳng được, đều là rỉ chảy”. Cần thẳng vào trong ấy, nào nắm, nào đến, nào đi đều sạch dứt mọi sự mới là không lỗi. Như người việc việc đều rõ, vật vật đều thông, chỉ gọi là người rõ việc, rốt cuộc chẳng gọi là người tôn quý. Hãy biết rằng tôn quý tự riêng một đường. Há chẳng nghe nói “Theo cửa bước vào chẳng phải là của báu, cây gậy chẳng thành rồng”, ư ?”
Chỗ này có ý vị thay ! Danh cú sáng rỡ thấu suốt!
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Top