K

THỦ-LĂNG-NGHIÊM KINH TÔNG THÔNG _ Quyển VIII

  • Người khởi tạo kequaduong
  • Ngày bắt đầu
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Đã vào Đạo Thai, chính mình nhờ được sự nuôi sống của Tánh Giác, như Thai đã thành, tướng người không thiếu gọi là Phương Tiện Cụ Túc Trụ".

THÔNG rằng :

Thánh Thai đã thành thì không chỉ nhận cái khí phần mà chính mình còn được sự nuôi sống của Tánh Giác, tiếp nối mạng mạch của Phật, ứng cơ tiếp vật, đủ đầy phương tiện. Tuy chưa đến chỗ viên mãn, nhưng cũng cụ thể chi tiết, như người ở trong thai, tướng mạo đầy đủ. Tướng mạo hiển bày để có thể thấy được, đó thuộc về phương tiện ứng dụng, nên gọi là Phương Tiện Cụ Túc Trụ.

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đại sư, người ở xứ Hoàng Mai Kỳ Châu. Kiếp trước là đạo giả Tài Tùng ở Phá Đầu Sơn, từng hỏi Đức Tứ Tổ : “Có thể nghe được đạo pháp chăng ?”

Tổ đáp : “Ông đã già, có nghe được rồi làm sao rộng hóa ? Nếu sanh lại được thì tôi còn chờ ông”.

Đạo giả bèn đi, đến bờ sông, thấy một cô gái đang giặt áo, chắp tay hỏi rằng : “Ở nhờ được chăng?”

Cô gái nói : “Tôi có phụ huynh, có thể đến đó mà xin”.

Nói rằng : “Đồng ý tôi mới dám đi”.

Cô gái gật đầu ưng chịu. Đạo giả bèn quay gậy mà đi.

Cô gái là con út nhà họ Châu, khi về nhà thì có thai. Cha mẹ rất xấu hổ, đuổi đi. Cô gái không chỗ nương tựa, ngày thì quay tơ mướn trong xóm, tối thì ngủ nhờ trong quán tiệm. Rồi sanh ra một đứa con trai, cho đó là chẳng lành, nên đem ném xuống một rạch nước đục. Sáng ngày thấy trôi ngược trở lên, khí phách tươi tốt, rất kinh sợ, vớt lên nuôi nấng. Đứa bé theo mẹ đi xin ăn, người làng gọi là thằng bé không họ.

Có hôm, gặp một vị trí giả than rằng : “Đứa bé này thiếu mất bảy tướng tốt nữa, nên chẳng bằng Như Lai”.

Sau này, gặp Đức Tứ Tổ, Tổ hỏi : “Cậu bé tánh (họ) gì ?”

Đáp rằng : “Tánh thì có, nhưng chẳng phải tánh thường”.

Tổ hỏi : “Là tánh gì ?”
Đáp rằng : “Là tánh Phật”.
Tổ hỏi : “Con không có tánh (họ) ư ?”
Đáp rằng : “Tánh Không vậy”.

Tứ Tổ biết là pháp khí, bảo thị giả đến chỗ ở bà mẹ để xin cho Ngài xuất gia. Bà mẹ vì duyên cũ, nên không cản trở, cho theo làm đệ tử, về sau nối ngôi Tổ.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Hoàng Mai quả chín, sen trắng hoa khai
Hỏi, chỉ họ Phật, thân khác phàm thai
Y truyền Nam Lãnh người đem mất
Tùng lão Tây Sơn, trở lại đây
Hai lớp túi da thành nên chuyện
Một bầu trăng gió lặng bụi đời”.


Ngài Thủy Am tụng rằng :

“Hẹn đi, Tài Tùng, ấy lão nhơn
Trở lui vui pháp cậu đồng chân
Thân có mẹ sanh, cha Không Tánh
Linh miêu ngoài kiếp chẳng phạm xuân”.


Nếu đạo giả chưa đến Phương Tiện Cụ Túc Trụ thì làm sao đến đi tự do, gần được đầy đủ tướng tốt Như Lai ?
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

K

kequaduong

Guest
KINH :

“Dung mạo như Phật, tâm tướng cũng đồng, gọi là Chánh Tâm Trụ".

THÔNG rằng :

Dung mạo ví dụ cho sự ứng dụng, tâm tướng ví dụ cho Chân Trí. Dù cho bề ngoài giống nhau mà bên trong hơi khác thì chẳng phải Chánh Tâm vậy. Chánh Tâm cũng khó nói ra, vì phải phàm Thánh đều quên, Tình hết sạch, Thể hiện bày, mới có thể nói là Chánh.

Thiền sư Nam Tháp Quang Dũng lên miền Bắc gặp Tổ Lâm Tế rồi trở lại hầu Tổ Ngưỡng Sơn.

Tổ Sơn hỏi : “Ông đến làm gì ?”
Đáp : “Ra mắt thân cận Hòa Thượng”.
Tổ Sơn hỏi : “Có thấy Hòa Thượng chăng ?”
Đáp : “Dạ, thấy”.
Tổ Sơn nói : “Hòa Thượng sao giống con lừa ?”
Đáp : “Con thấy Hòa Thượng cũng chẳng giống Phật”.
Tổ Sơn nói : “Nếu chẳng giống Phật thì giống cái gì ?”
Đáp : “Nếu có chỗ giống thì đâu khác con lừa”.
Ngài Ngưỡng Sơn rất kinh ngạc, nói : “Phàm Thánh đều quên, tình dứt, thể lộ. Ta lấy chỗ này để xét nghiệm người, hai mươi năm nay không người rõ thấu. Ông giữ gìn đi”.
Ngài Ngưỡng Sơn thường chỉ sư mà nói với người khác : “Ông ấy là nhục thân Phật vậy”.
Xem đây thì “Dung mạo như Phật, tâm tướng cũng đồng”, chỉ có Ngài Quang Dũng là gần đó vậy.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Thân Tâm hợp thành, ngày càng tăng trưởng, gọi là Bất Thối Trụ".

THÔNG rằng :

Địa vị Bất Thối Tâm(07) ở trước chỉ sự vào sâu trong Tánh Sáng, có tiến không có lùi, thì chỉ mới nói về phương diện Tâm. Còn địa vị Bất Thối Trụ ở đây là Thân Tâm hợp thành, ngày càng tăng trưởng, là tiến tới gồm cả trong lẫn ngoài. Tức là ở địa vị trước đây, dung mạo, tâm tướng thoải mái, nhàn hạ mà chờ tự tăng trưởng, chứ chẳng phải chứa công dồn hạnh mà so sánh được.

Có nhà sư nêu lên bài kệ của thiền sư Ngọa Luân :

“Ngọa Luân có tài khéo
Hay dứt trăm tư tưởng
Đối cảnh, Tâm chẳng khởi
Bồ Đề ngày tăng trưởng”.


Đức Lục Tổ nghe xong, nói rằng : “Kệ này chưa rõ Tâm Địa, nếu nương theo đó mà tu hành thì càng thêm trói buộc.
Nhân đó chỉ bày bằng bài kệ :

“Huệ Năng không tài khéo
Chẳng đoạn trăm tư tưởng
Đối cảnh, tâm tâm khởi
Bồ Đề nào tăng trưởng”.


Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Hoa Quỳ hướng nhật, tơ liễu tùy phong”.

Ôi, một khiếu hướng thượng, chẳng tăng chẳng giảm, chỉ vì thức tình tiêu ma chưa hết nên thấy có tăng trưởng, có thối sụt đó thôi. Nếu có cái Thấy nơi chỗ chẳng tăng chẳng giảm mà xu hướng theo đó, liền đồng như hoa Quỳ hướng theo mặt trời. Nếu có cái Thấy nơi chỗ chẳng tăng chẳng giảm mà bỏ quên đi, liền đồng như tơ liễu tùy theo gió. Như vô tâm đối với cả hai, tùy thời ăn cơm mặc áo, nuôi lớn Thánh Thai, mới được gọi là Bất Thối Trụ.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Linh tướng của mười thân, cùng lúc đầy đủ, gọi là Đồng Chân Trụ".

THÔNG rằng :

Mười Thân là Bồ Đề Thân, Nguyện Thân, Hóa Thân, Lực Thân, Trang Nghiêm Thân, Uy Thế Thân, Ý Sanh Thân, Phước Thân, Pháp Thân và Trí Thân vậy. Linh Tướng đầy đủ so với “Tướng người không thiếu” ở trước thì đã viên mãn. Tuy cả hai đều đầy đủ cái Thể mà ở đây đã thành đứa bé, nên gọi là Đồng Chân Trụ.

Thiền sư Phần Dương Chiêu thượng đường rằng : “Phàm thuyết pháp, cần phải đủ mười Trí Đồng Chân. Nếu không đủ mười Trí Đồng Chân thì tà chánh chẳng rõ, tăng tục chẳng rành, không thể làm bậc tai mắt cho trời, người để quyết đoán phải quấy. Như chim bay giữa không mà gãy cánh, như bắn tên mà đứt dây cung. Cánh gãy chẳng thể bay lên không, dây cung đứt bắn chẳng trúng đích. Dây cung chắc, cánh cứng thì đích bắn hay hư không đều thấu suốt. Thế nào là mười Trí Đồng Chân ? Xin chỉ ra cùng quý Thượng Tọa. Một là Đồng Nhất Chất(08). Hai là Đồng Đại Sự(09). Ba là Tổng Đồng Tham(10). Bốn là Đồng Chơn Chí(11). Năm là Đồng Biến Phổ(12). Sáu là Đồng Cụ Túc(13). Bảy là Đồng Đắc Thất(14). Tám là Đồng Sanh Sát. Chín là Đồng Âm Hống(15). Mười là Đồng Đắc Nhập(16).

Ngài lại nói : “Cùng với người nào Đồng Đắc Nhập ? Cùng với ai Đồng Âm Hống ? Thế nào là Đồng Sanh Sát ? Vật gì Đồng Đắc Thất ? Cái gì Đồng Cụ Túc? Cái gì là Đồng Biến Phổ ? Người nào Đồng Chân Chí ? Ai có thể Tổng Đồng tham ? Cái gì Đồng Đại Sự ? Vật nào Đồng Nhất Chất ? Có chỉ ra được chăng ? Chỉ ra được thì chẳng tiếc từ bi. Chỉ không ra thì chưa có con mắt tham học vậy. Cần thiết chọn lấy, biết rõ phải quấy cái mặt mũi hiện tại. Chẳng thể đứng lâu, trân trọng!”

Mười Trí Đồng Chân này chỉ bày tỏ sự việc bên phía Trí Thân. Mười thân mà đầy đủ lại phải càng nhập vào chỗ vi diệu. Tuy thế, tất cả chỉ là một thể Bồ Đề, tùy chỗ khác tên mà thôi. Như riêng có chỗ đặc sắc thì làm sao có thể “Cùng Lúc Đầy Đủ” ư ?
 
K

kequaduong

Guest
Kinh :

“Thành đủ hình hài, ra khỏi thai, chính mình là Phật Tử, gọi là Pháp Vương Tử Trụ".

Thông rằng :

Tự mình thọ nhận khí phần của Phật, vào dòng giống Như Lai, lần hồi thành thai, tiến tới “Dung Mạo”, tiến tới “Tăng Trưởng”, tiến tới “Đồng Chân” mới được hình thể hoàn thành mà ra khỏi thai làm Pháp Vương Tử. Đã nhập Phật Tri Kiến mà còn được bảo nhậm như thế mới càng sáng càng suốt, thay Phật hoằng hóa. Sự thành tựu quả là không dễ dàng vậy.

Ngài Xá Lợi Phất tự miệng Phật sanh, từ Pháp hóa sanh làm trưởng tử của Phật. Ngài là Trí Huệ Đệ Nhất, từ nhiều kiếp đến nay chứ chẳng phải là sức lực một sớm một chiều vậy.

Tổ Quy Sơn đang ngủ, Ngài Ngưỡng Sơn đến thăm hỏi. Tổ bèn quay mặt vào vách.
Ngài Ngưỡng nói : “Hòa Thượng sao được như vậy ?”
Tổ Quy Sơn ngồi dậy bảo : “Ta vừa có một giấc mộng, ông thử suy đoán giùm ta xem !”
Ngài Ngưỡng Sơn bèn đem một thau nước đến cho Tổ rửa mặt.
Lát sau, Ngài Hương Nghiêm cũng đến thăm lễ.
Tổ Quy Sơn nói : “Ta vừa có một giấc mộng, Huệ Tịch đã suy đoán giùm ta rồi, ông suy đoán giùm ta xem nào !”
Ngài Nghiêm bèn rót một chén trà bưng tới.
Tổ Quy nói : “Chỗ kiến giải của hai ông vượt cả Ngài Thu Tử(17)”.
Ôi, trí huệ như Ngài Xá Lợi Phất mà còn lại vượt qua thì há chẳng phải “Thành đủ hình hài, ra khỏi thai” mà còn “Lại ra khỏi thai” nữa ư ?
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Cốt cách đã thành người lớn, như vị Quốc Vương phân công ủy nhiệm các việc nước cho vị Thái Tử, khi vị Thế Tử trưởng thành, Sát Lợi Vương kia bày ra lễ Quán Đảnh, gọi là Quán Đảnh Trụ"
.

THÔNG rằng :

AAAAVị Pháp Vương Tử vì phương tiện, tâm tướng đều giống như Phật, đủ sức nối tiếp địa vị Phật, thay Phật làm việc cho nên lấy ví dụ Quốc Vương và Thái Tử, cũng như Sát Lợi Vương và thế tử bày ra lễ Quán Đảnh.

Con Quốc Vương gọi là Thái Tử, con Chư Hầu gọi là Thế Tử. Cốt cách đã thành người lớn, sắp được phó thác ngôi vua, cũng tương tự như Lễ Đội Mũ. Dùng nước biển lớn rưới trên đầu để biểu trưng rằng làm vua thì nên dùng các bậc Trí, như biển thu nạp trăm sông. Dùng nước biển là dùng tất cả nước vậy. Đây chỉ lấy việc nước nhà phân công ủy nhiệm, khiến nắm lấy mà lo liệu chứ chẳng phải chánh thức giao phó ngôi báu để được “Tức Chân” vậy.

Bởi địa vị này thầm đủ các đức, đủ sức phân hóa mười phương mà làm Phật sự nên gọi là Quán Đảnh Trụ. Đến hàng Thập Địa, hạnh viên mãn, gần với bực Đẳng Giác, mới có thể chánh thức được giao phó chức vị Phật. Vì thế, Pháp Vân Địa gọi là Quán Đảnh Bồ Tát, đó là Tức Chân vậy, chẳng còn trụ nơi trụ.

Vị Tăng hỏi Tổ Tào Sơn : “Thế nào là sư tử ?”
Tổ Sơn đáp : “Các thú chẳng thể gần”.
Hỏi : “Thế nào là sư tử con ?”
Đáp : “Nuốt mất cha mẹ”.
Hỏi : “Đã là các thú chẳng thể gần vì sao lại bị con nuốt ?”
Đáp : “Há chẳng nghe nói : “Con mà gầm rống, tổ phụ đều mất sạch” ư ?”
Hỏi : “Mất sạch rồi thì thế nào ?”
Đáp : “Toàn thân về với cha”.
Hỏi : “Chưa rõ khi tổ mất thì phụ về chỗ nào ?
Đáp : “Chỗ nào cũng mất hết”.
Hỏi : “Vậy sao mới vừa nói “Toàn thân về với cha” ?”
Đáp : “Thí như con vua hay thành việc của cả nước”.
Tổ lại nói : “Thầy Xà Lê, nơi chuyện này, chẳng được vướng hẹp. Ngay như bây giờ, trên cành khô lại tung ra một ít hoa !”

Đây là từ trong Thể khởi ra cái Dụng, đó gọi là Diệu Trạm vậy.

Ông Tư Mã Đầu Đà từ Hồ Nam đến, thưa với Tổ Bách Trượng rằng : “Vừa rồi ở Hồ Nam, tôi có tìm được một ngọn núi tên là Đại Quy. Đó là chỗ ở của vị Thiện Tri Thức của một ngàn năm trăm đồ chúng vậy”.
Tổ Trượng nói : “Lão tăng ở được chăng ?”
Đầu đà đáp : “Chẳng phải chỗ ở của Hòa Thượng”.
Tổ hỏi : “Sao vậy ?”
Đầu đà đáp : “Hòa Thượng là người xương mà kia thuộc về núi thịt, giả sử có ở thì đồ chúng chưa đủ ngàn người”.
Tổ nói : “Trong chúng của ta không có ai ở được sao ?”
Đầu đà đáp : “Xin chờ xem qua đã !”
Khi ấy Ngài Hoa Lâm Giác đang làm Đệ Nhất Tòa. Tổ Trượng bảo thị giả mời đến rồi hỏi : “Người này thì sao ?”
Ông Đầu Đà mời Ngài tằng hắng một tiếng và đi vài bước; rồi nói : “Không được”.
Tổ Trượng lại bảo gọi Ngài Quy Sơn khi ấy đang làm Điển Tòa.
Đầu Đà vừa thấy bèn nói : “Đây chính là chủ nhân của Quy Sơn vậy”.
Tổ Trượng đêm đó gọi Ngài Quy Sơn vào thất, phó chúc rằng : “Ta hóa duyên ở đây. Thắng cảnh Quy Sơn ông nên ở đó để nối tiếp Tông ta, rộng độ lớp sau”.
Ngài Hoa Lâm Giác hỏi : “Con ở địa vị đầu chúng, sao vị Điển Tòa lại được trụ trì ?”
Tổ Trượng nói : “Nếu có thể ở trước đại chúng nói được một lời xuất cách thì sẽ trụ trì”.
Liền chỉ cái tịnh bình hỏi : “Không được gọi là tịnh bình thì ông gọi là cái gì ?”
Ngài Hoa Lâm nói : “Không thể gọi là khúc bộng cây vậy !”
Tổ Trượng bèn hỏi Ngài Quy sơn, Ngài đá đổ tịnh bình, bỏ đi ra.
Tổ Trượng cười rằng : “Đệ Nhất Tòa thua mất hòn núi rồi vậy”.

Ngài Quy Sơn bèn sang núi kia ở, hoằng hóa thịnh hành đất Hồ Nam, gọi là Quy Ngưỡng Tông.
Nếu chẳng có cái thấy xuất cách làm sao có thể rộng hóa một phương, phân công ủy thác Phật sự như vị Thái Tử một nước được ? Hàng Thập Tín còn phải bỏ Vọng về Chân, hàng Thập Trụ thì thuần Chân vậy, chỉ vì sức lực chưa sung mãn nên có giai cấp như thế.
 
K

kequaduong

Guest

IV. THẬP HẠNH

KINH :

“Anan, người thiện nam đó đã thành Phật Tử, đầy đủ Diệu Đức của vô lượng Như Lai, tùy thuận mười phương, gọi là Hoan Hỷ Hạnh".


THÔNG rằng :

Diệu Đức của Như Lai là “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Ở chốn trần ai mà chẳng nhiễm nên gọi là Diệu. Đã thành con Phật đầy đủ Diệu Đức. Can gậy tùy thân, gặp trường sân khấu thì làm trò múa men, nên có thể tùy thuận với mười phương, lấy cái vui thích của thiền mà tự vui chơi. Hoan Hỷ Hạnh này tùy thuận với chúng sanh, phương tiện mà tiếp dẫn chính là muốn hiển phát Diệu Đức của Như Lai vậy. Còn cứ một bề nương bám thì Diệu sao được ?

Tổ Triệu Châu trên tám mươi tuổi mà vẫn còn hành cước. Một hôm đến chỗ Ngài Vân Cư.
Tổ Cư nói : “Già cả lắm rồi sao chẳng tìm cái chỗ trụ ?”
Tổ Châu nói : “Chỗ nào trụ được ?”
Tổ Cư nói : “Trước núi có cái nền chùa xưa”.
Tổ Châu nói : “Hòa Thượng tự trụ lấy !”
Sau lại đến Ngài Thù Du.
Tổ Thù Du nói : “Già cả lắm rồi sao chẳng tìm cái chỗ trụ ?”
Tổ Châu nói : “Hướng về chỗ nào trụ ?”
Tổ Du : “Già cả lắm rồi mà chỗ trụ cũng chẳng biết !”
Tổ Châu : “Ba mươi năm giỡn đùa cỡi ngựa, hôm nay lại bị lừa đá !”
Ngài Vân Cư Tích nói : “Chỗ nào là chỗ Triệu Châu bị lừa đá ?”
Sau này, có vị tăng từ giã Tổ Triệu Châu.
Tổ hỏi : “Đi đâu vậy ?”
Vị tăng đáp : “Kẻ học nhơn định đến phương Nam học Phật Pháp”.
Tổ Châu dựng đứng cây phất tử, nói : “Chỗ có Phật chẳng được trụ, chỗ không Phật chạy mau qua ! Ngoài ba ngàn dặm gặp người, không được đề ra sai quấy !”
Vị tăng nói : “Như vậy thì không đi ư ?”
Tổ Châu nói : “Hái bông Dương (Liễu), hái bông Dương !”

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Đắm không, vướng vết; tay chạm mũi đâm đều chưa phải là chỗ nạp tăng tựu đến. Liền phải : chớ vào hàng quán của người, chớ ngồi giường phản ai khác. CHÁNH chẳng lập huyền, THIÊN chẳng nương vật, mới có thể nắm-ở, buông-đi, có phần tự tại !
Chỉ có Triệu Châu đầy đủ Diệu Đức của vô lượng Như Lai, có phần tự do nên thường hành Hoan Hỷ Hạnh, tuy già mà chẳng mỏi mệt.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Khéo hay lợi ích cho hết thảy chúng sanh, gọi là Nhiêu Ích Hạnh".

THÔNG rằng :

Sự lợi ích cho chúng sanh tuôn ra từ Tâm Từ Bi. Có Tâm Từ Bi thì có khả năng ấy, mà lại khéo làm được. Trí đã soi khắp, Dụng cũng viên dung. Lòng Từ cứu độ chúng sanh mà không có ý. Chẳng kể là tài thí hay pháp thí, chỉ cốt quy về sự lợi ích cho chúng sanh hữu tình mà thôi, nên gọi là Nhiêu Ích Hạnh.

Thiền sư Ngưu Đầu Dung đã được Đức Tứ Tổ thọ ký, từ đó hoằng pháp rất thịnh hành. Vào niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường, đồ chúng thiếu lương thực, Ngài sang xứ Đơn Dương quyên gạo, cách núi tám mươi dặm. Tự mình vác bao gạo một thạch tám đấu, sáng đi chiều về cung cấp cho ba trăm vị tăng hai bữa ăn mỗi ngày. Đây thật là hay hành Nhiêu Ích Hạnh vậy.



KINH :

“Tự giác, giác tha, được không-chống-trái, gọi là Vô Sân Hận Hạnh".

THÔNG rằng :

Tự giác để giác tha. Có Trí thế gian, có Trí xuất thế gian, có Trí xuất thế gian thượng thượng để đem ra nói cho người, được không có sự chống trái, như đá thả xuống nước. Đó là chỗ nói “Gặp rồi nối truyền, cùng đẹp lòng để hiểu rõ”, nên không có sân hận. Cái sân hận này chẳng phải tình phàm có thể so sánh. Hận là hận tất cả chúng sanh đều có Trí Huệ, Đức Tướng của Như Lai mà chẳng tự biết; mà sân là giận rằng ta chưa độ thoát cho hết.
Đức Lục Tổ có đoạn kệ :

“Muốn định hóa độ người
Cần tự có phương tiện
Chớ khiến người có nghi
Tức là Tự Tánh hiện
Phật pháp tại thế gian
Chẳng lìa thế gian : Giác
Lìa thế kiếm Bồ Đề
Khác nào tìm sừng thỏ
Chánh Kiến là xuất thế
Tà Kiến là thế gian
Tà, Chánh dẹp hết ráo
Bồ Đề Tánh rõ ràng”.


Thế nên dùng Trí Thế Gian mà giác tha đó là cái nhân Trời, Người; dùng Trí Xuất Thế Gian mà giác tha là nhân Bồ Đề. Độc chỉ cái Vô Thượng Bồ Đề, cả hai đều phá bỏ mới gọi là Thượng Thượng Trí. Dùng cái Trí ấy mà giác tha là cái nhân Đẳng Giác, Diệu Giác vậy.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Theo loài mà sanh ra, cùng tột vị lai, ba đời đều bình đẳng, mười phương đều thông suốt gọi là Vô Tận Hạnh".

THÔNG rằng :

Theo loài mà sanh ra, được Ý Sanh Thân, tùy theo loài mà dạy dỗ, dọc cùng ba đời, ngang khắp mười phương, không đâu chẳng phải là chỗ tự giác, giác tha. Đó là chỗ nói “Hư không có tận, nguyện ta vô cùng” vậy.

Vào đời Thái Bình, niên hiệu Hưng Quốc, ở Kiện Dương có nhà sư tên Biện Thông dạo chơi vùng núi Ngũ Đài. Vị Thượng Tọa chùa này đã già, bị trong chúng khinh rẻ, riêng một mình Biện Thông vẫn cung kính hầu hạ. Khi Biện Thông sắp về kinh sư, vị tăng già đó đưa cho ông một bức thơ, bảo tìm Bộc Hạ ở phía Bắc thành đưa giùm.

Giã từ đi, Ông Thông lén mở ra xem thì không viết gì khác, chỉ có mấy chữ : “Độ chúng sanh xong, gấp gấp trở lại, nếu gượng ở lại sợ rằng tạo nghiệp”. Biện Thông rất kinh hoảng, vội dán thơ lại.

Khi đến xứ Quảng Tế, bên bờ sông nghe trẻ kêu Bộc Hạ.

Ông hỏi : “Bộc Hạ ở đâu ?”
Đứa bé chỉ con heo lớn nằm dưới chân bức tường phía Tây ngã tư đường, cổ có mang cái vòng vàng. Biện Thông hỏi : “Bác đồ tể là ai ?”
Đáp : “Nhà Triệu Sinh”.
Hỏi : “Sao tên là Bộc Hạ ?”
Đáp : “Vì chỉ ăn bạc hà nên trẻ trong xóm gọi thế. Mỗi ngày tôi làm thịt cả trăm, ngàn con, heo chạy tứ tán khó bắt, mà hễ con heo này dẫn tới thì ngoan ngoản chịu chết, nên nuôi đã mười lăm năm nay !”

Ông bèn lấy thơ đưa cho nó, con heo ăn liền rồi bỗng đứng lên như người mà chết.

Do đây mà xét, thì Ứng Thân phân hóa theo loài làm sao mà suy lường được ? Giới hạn nào cho cùng ? Chúng sanh vô tận, sự độ thoát cũng vô tận, nên gọi là Vô Tận Hạnh.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Tất cả hợp thành đồng nhất, thảy thảy pháp môn đều không sai lầm, gọi là Ly Si Loạn Hạnh".

THÔNG rằng :

Đã đầy đủ Diệu Đức của vô lượng Như Lai, tự giác, giác tha ích lợi cho đời vô tận, nào có đến nỗi si loạn sai lầm ư ? Bởi thảy thảy pháp môn thì có đủ thảy thảy tam muội, nên chẳng đủ con mắt pháp phân biệt thì chẳng thể phân biện. Nay tất cả đều hòa đồng mà dung hội, được sự không sai lầm. Như Khổng Tử đại thành Tập, Thanh, Nhiệm, Hòa mà đúng thời đưa ra, thì vốn lấy cái Trí làm đầu. Trí ví như sự khéo giỏi, chẳng phải là sự gắng sức có thể so sánh, nên không có si loạn, ở ngay sau Vô Tận Hạnh vậy.

Tướng Quốc Bùi Hưu đề tựa cho cuốn thiền Nguyên Chư Thuyên Đô Tập của Ngài Khuê Phong Tông Mật rằng : “Những môn hạ trong các tông đều có người thấu đạt, nhưng mỗi tông đều theo chỗ tu tập của mình nên dung thông thì ít mà hạn cục thì nhiều, nên mấy mươi năm nay pháp Tổ càng băng hoại. Lấy chỗ học được làm cửa nẻo, mỗi mỗi tự khai trương, lấy kinh luận làm giáo mác công kích lẫn nhau. Tình theo cung tên mà biến cải. Pháp vào nhân ngã mà thấp cao. Phải quấy lăng xăng chẳng thể nào phân biện. Nếu các tông phái mà tranh luận nhau thì người hậu học càng tăng thêm bệnh phiền não, nào có lợi ích chi đâu !

“Đại sư Khuê Phong đã lâu than rằng : “Tôi ở thời này không thể làm thinh vậy !”

“Ngài bèn lấy ba thứ giáo nghĩa của Như Lai để ấn chứng cho ba loại pháp môn của thiền tông. Nung chảy thau, mâm, vòng thành độc một thứ vàng ròng, khuấy tô lạc, đề hồ thành một vị. Nắm giềng lưới đưa lên thì mọi chỗ đều thuận theo. Căn cứ vào yếu lý dung hội thì người đến cùng theo. Còn sợ hàng học giả khó minh bạch nên lại chỉ thẳng gốc ngọn của nguồn thiền, chỗ hòa hợp của chân vọng, chỗ ẩn hiển của Không Tánh, chỗ sai khác của giáo nghĩa, chỗ khác của đốn tiệm, chỗ hỗ tương đắp đổi của che đậy và bày tỏ, chỗ sâu cạn của quyền thực, chỗ phải quấy của hạn cuộc và dung thông.

“Như Thầy tôi (Khuê Phong) quả là nâng mặt trời Phật mà soi chiếu mọi ngóc ngách thì các nghi ngờ, che khuất đều trừ sạch. Thuận tâm Phật mà ban rải Đại Bi, tột kiếp đều được lợi ích. Vậy thì Đức Thế Tôn là giáo chủ khai mở giáo pháp, Thầy tôi là người dung hội giáo pháp, gốc ngọn phù hợp nhau, xa gần soi rọi nhau. Có thể nói là “Hoàn tất cái công việc một đời truyền giáo của Như Lai” vậy.

“Hoặc có người hỏi : “Từ Đức Như Lai chưa hề có tổng hợp mà thông suốt, nay một phen làm trái với tông thú mà chẳng chịu giữ, bỏ sự quan phòng mà chẳng chịu trông nom thì há chẳng trái với Đạo bí tàng thầm hợp ư ?”

“Xin đáp rằng : “Đức Như Lai tuy ban đầu nói riêng ba thừa, về sau mới thông thành một Đạo. Bởi thế trong kinh Niết bàn, Bồ Tát Ca Diếp thưa : “Chư Phật có mật ngữ, không có chỗ chứa giấu bí mật !” Đức Thế Tôn mới khen rằng : “Lời nói của Như Lai mở tỏ rõ ràng, thanh tịnh không che lấp. Người ngu chẳng hiểu, gọi đó là bí mật chứa giấu. Người trí rõ thông thì chẳng gọi là chứa dấu”. Đây là chứng cớ vậy. Bởi thế Vương Đạo hưng thịnh, thì cửa nẻo chẳng phải đóng, chỉ cần giữ chốn biên cương. Phật đạo đầy đủ thì các pháp tự tổng trì mà chỉ đề phòng ma ngoài. Chẳng nên giữ lấy tình chấp, mà tranh cãi lẫn nhau vậy”.

Như Ông Bùi Hưu, đắc pháp nơi Tổ Hoàng Bá, rõ việc hướng thượng mà lại không bỏ một lối cát đằng của Ngài Khuê Phong quả có thể nói là “tất cả hòa đồng, được không sai lầm” vậy. Là người sanh trở lại ư ?
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Ở ngay trong cái Đồng mà hiện ra các cái Khác. Mỗi mỗi Tướng Khác đều mỗi mỗi thấy Đồng, gọi là Thiện Hiện Hạnh".

THÔNG rằng :

Đã lìa Si Loạn ắt Lý Sự vô ngại. Tức Lý, tức Sự ắt Đồng chẳng ngại Khác vậy. Tức Sự, tức Lý ắt Khác chẳng ngại Đồng. Ở trong thể hòa đồng, chẳng ngại hiển ra cái Khác. Ở trong chỗ khác tướng, lại mỗi mỗi thấy Đồng. Hiện Đồng, hiện Khác cả hai đều chẳng ngăn ngại nhau. Đó chỉ vì không si loạn, tách bạch rõ ràng cùng cực mảy tơ mới có thể biến hiện như thế, nên gọi là Thiện Hiện Hạnh.

Tổ Quy Sơn đang cho quạ ăn, quay đầu thấy Ngài Ngưỡng Sơn, bèn nói : “Hôm nay vì nó mà thượng đường một phen”.
Ngưỡng Sơn : “Con cũng tùy lệ được nghe !”
Tổ Quy : “Nghe việc ấy thế nào ?”
Ngưỡng Sơn : “Quạ kêu tiếng quạ, bồ cắt kêu tiếng bồ cắt !”
Tổ Quy : “Sao lại còn thanh sắc ?”
Ngưỡng Sơn : “Hòa Thượng mới nói gì thế ?”
Tổ Quy : “Ta chỉ nói vì nó mà thượng đường một phen”.
Ngưỡng Sơn : “Vì sao lại gọi là thanh sắc ?”
Tổ Quy : “Tuy nhiên như thế, nghiệm suốt qua rồi thì không ngại”.
Ngưỡng Sơn : “Đại sự nhân duyên nghiệm ra làm sao ?”
Tổ Quy đưa nắm tay lên.
Ngưỡng Sơn : “Rốt cũng chỉ Đông vẽ Tây”.
Tổ Quy : “Ông vừa hỏi cái gì thế ?”
Ngưỡng Sơn : “Hỏi Hòa Thượng đại sự nhân duyên”.
Tổ Quy : “Vì sao lại gọi là chỉ Đông vẽ Tây ?”
Ngưỡng Sơn : “Vì vướng nơi thanh sắc nên con mới hỏi qua”.
Tổ Quy : “Thật chưa hiểu rõ chuyện này”.
Ngưỡng Sơn : “Như sao là được hiểu rõ chuyện này ?”
Tổ Quy : “Huệ Tịch thanh sắc, lão tăng Đông Tây”.
Ngưỡng Sơn : “Một mặt trăng ngàn con sông, Thể chẳng phân theo nước !”
Tổ Quy : “Vậy nên thế nào mới được ?”
Ngưỡng Sơn : “Như vàng với vàng rốt không khác sắc, huống có khác tên ?”
Tổ Quy : “Vậy thì cái đạo lý không có khác tên là thế nào ?”
Ngưỡng Sơn : “Thoi, mâm, trâm, vòng làm quách cái chậu bồn”.
Tổ Quy : “Huệ Tịch nói thiền như sư tử rống, làm các loài chồn cáo, giả can kinh hoảng tứ tán”.
Xem cha con Quy Ngưỡng tơ lại sợi qua, trong Đồng hiện Khác, trong Khác hiện Đồng, nói Đồng nói Khác như hạt châu lăn trên mâm. Đó là chơn đắc Thiện Hiện Hạnh bí mật tạng. Chẳng phải là bậc mắt sáng thì có ai biết nỗi !
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Như thế cho đến mười phương hư không đầy khắp vi trần, trong mỗi mỗi vi trần hiện mười phương thế giới. Hiện vi trần, hiện thế giới, không ngăn ngại nhau, gọi là Vô Trước Hạnh".


THÔNG rằng :

Đây là từ Thiện Hiện Hạnh mà mở rộng ra. Không những Đồng, Khác hỗ tương hiển lộ mà Một, Nhiều cũng hỗ tương dung thông, hiện vi trần, hiện thế giới, trong mười phương giao thiệp lẫn nhau. Trong một vi trần hiện bày mười phương cõi, gọi là hiện thế giới. Ngay chỗ hiện ra cõi không phá hoại hình tướng vi trần, gọi là hiện vi trần. Tương tự lưới ngọc Đế Thích trùng trùng, cảnh tượng của sự sự vô ngại. Mới bắt đầu vào cảnh giới này, nên chỉ gần với Vô Trước, chứ chưa đến chỗ nhiệm mầu của tất cả thần hóa giải thoát thuần ròng chẳng thể nghĩ bàn. Hạnh Vô Trước này thì Vô Trước cũng không, nên so với cái Vô Trước ở đoạn Bảy Chỗ Trưng Tâm hoàn toàn khác hẳn. Nếu có chút tơ hào cái chẳng bám trước chưa hết sạch thì không thể gọi là Vô, vì đã có đối đãi làm sao khỏi ngăn ngại nhau ư ?

Ngày khai đường, có vị tăng hỏi thiền sư Đại Huệ Tông Cảo : “Trời, người tụ hội, trường tuyển Phật mở, Tổ lệnh đang hành, rao bảo thế nào ?”
Tổ Cảo nói : “Chim ngu bay ngược gió”.
Vị tăng hỏi : “Khắp cõi còn không nơi tìm thấy. Rõ ràng một điểm giữa tòa viên”.
Tổ Cảo nói : “Nhơn gian muôn nước chảy về Đông !”

Lại có vị tăng giành bước ra, Tổ Cảo ngăn đứng lại mà nói : “Giả sử nghiền nát trái đất thành vi trần, mỗi mỗi hạt bụi có một cái miệng. Mỗi mỗi miệng đầy đủ tướng lưỡi rộng dài vô ngại, phát ra vô lượng sai biệt ngôn từ. Mỗi mỗi ngôn từ có vô lượng sai biệt diệu nghĩa. Hàng nạp tăng nhiều như số vi trần trên, mỗi vị đều đầy đủ miệng như thế, lưỡi như thế, âm thanh như thế, ngôn từ như thế, diệu nghĩa như thế, cùng lúc đưa ra trăm ngàn vấn nạn, mỗi mỗi vấn nạn khác nhau, chỉ như một tiếng ho hen của lão tăng là đáp xong hết một lượt. Thừa khi ở tại giữa ấy, làm vô lượng vô biên Phật sự rộng lớn cùng khắp pháp giới. Đó là chỗ nói “Trong một mảy lông hiện thần biến, tất cả Phật cùng thuyết, trải khắp vô lượng kiếp không cùng ngằn mé”. Bèn như thế là xong.

“Còn làm náo nhiệt trong môn đình, đứng trong chánh nhãn mà xem, đó chính là nghiệp thức mang mang không gốc rễ. Môn hạ của Tổ Sư một điểm cũng chẳng có dùng, huống là gai góc cú chương, đối đáp giỡn đùa. Chẳng những làm mai một tông thừa từ xưa, mà còn cười giỡn lỗ mũi nạp tăng. Bởi thế mà nói “Tơ hào vướng niệm, là nhân nghiệp của ba đường. Thoáng chút sanh tình là muôn năm bị trói buộc”. Danh Thánh, hiệu phàm đều là tiếng tăm giả dối. Tướng tốt, hình hèn đều là huyễn sắc. Các ông cầu theo đó làm sao khỏi mang lụy ? Mà chán bỏ đi lại càng đại hoạn. Hãy xem Thánh xưa bảo dạy như vầy : “Như binh khí quốc gia, bất đắc dĩ mới dùng”. Trên “Việc bổn phận”, không làm gì có chuyện ấy.

“Hôm nay sơn tăng rao bày như vậy, thật cũng giống như không mộng mà nói mộng, da thịt lành mà khoét cho thành ghẻ. Bậc hiểu biết mà đến thì quả đáng ăn gậy. Chỉ vì nay không có tay hạ được độc thủ ư ? Nếu có thì có thể báo đáp cái ân không thể báo đáp, cùng chung hoằng hóa vô vi. Như không làm ngược lệnh này, tốt rồi vậy.”

Bổng đưa cây gậy lên, nói : “Đưa ngang kiếm thần toàn chánh lệnh. Thái bình hoàn vũ, chém si ngoan !”

Dộng gậy một cái, hét một hét, liền xuống tòa.

Theo chỗ thấy của Ngài Đại Huệ thì hiện vi trần, hiện thế giới cũng chưa là kỳ đặc. Đáng nói là “Vô Trước cũng không”.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Mọi thứ trước mắt đều là Đệ Nhất Ba La Mật Đa, gọi là Tôn Trọng Hạnh."

THÔNG rằng :

Hiện vi trần, hiện thế giới, hiện thân thể, hiện thuyết pháp đều chẳng ngăn ngại nhau, đều từ trong Tâm Bát Nhã tuôn ra. Sáu Ba La Mật gọi là Đáo Bỉ Ngạn(18), chỉ có Bát Nhã là tối cao Đệ Nhất. Bát Nhã là Đại Trí Huệ, vượt tất cả những gì tôn quý nhất nên gọi là Tôn Trọng Hạnh. Nếu chỉ nhận thấy, nghe, hay, biết, đuổi theo trần trôi lăn mà cho là diệu dụng, đó là việc phía “Con tôi cái tớ”, “Trước lừa sau ngựa”, chẳng có gì là tôn quý.

Tổ Cư nói : “Như người nơi mỗi thứ đều rõ. Nơi mỗi vật đều thông thì chỉ gọi là người rõ chuyện, rốt cuộc chẳng thể gọi là Tôn Quý. Hãy biết Tôn Quý là một đường tự khác. Tức đó là vật cực quý cực trọng, chẳng được rồi đem hướng về phía Tôn Quý. Hãy biết cái đó chẳng thể nghĩ bàn, chẳng đợi tâm mong. Bởi thế, người xưa nói : “Giống như hai tấm gương, ánh sáng mỗi bên đối nhau, quang minh cùng chiếu, chẳng hề thêm bớt há chẳng phải là một thứ sao ?” Còn gọi là chuyện phía bên ảnh tượng. Như mặt trời mọc, chiếu sáng thế gian, một phần là sáng tỏ còn phần nửa kia gọi là gì ? Như nay người chưa rõ được bóng sáng ở nơi đầu cửa, là chuyện nông cạn bên ngoài, mà cho là chuyện trong nhà thì sao được ?”

Vị tăng hỏi Tổ Vân Cư : “Như sao là chỗ tôn trọng của Sa Môn ?”

Tổ Cư nói : “Chỗ tâm thức chẳng đến”.

Có vị tăng hỏi thiền sư Quảng Lợi Dung : “Ngàn đường bặt nẻo, nghĩ nói chẳng thấu thì thế nào ?”

Đáp rằng : “Vẫn còn là kẻ dưới thềm”.
Hỏi : “Như sao là người trên thềm ?”
Đáp rằng : “Lầu rồng chẳng giở tay”.

Rồi nói : “Thế nào là người tôn quý ấy ? Thử nói xem ! Chớ có ngồi mãi trên thiền sàng, gặp người khác thì chẳng chịu đâu. Bổng bị bậc sáng mắt bức bách liền hướng về trong núi Thiết Vi ẩn mình. Nếu đến cửa Quảng Lợi này phải nói cho được Đệ Nhất Cú, liền mở một mối Đạo, cùng huynh đệ thương lượng”.

Khi ấy có một vị tăng bước ra lễ bái.

Ngài nói : “Sắp nói ấy là chủ tàu bè nước khác, nào hay là người buôn bán xứ này !”
Chỗ này mà chẳng thấu rõ Đệ Nhất Ba La Mật Đa thì quả khó mà thấy suốt một đường Tôn Trọng rõ ràng như lằn chỉ tay.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Như thế viên dung, thành tựu Quy Tắc của mười phương Chư Phật, gọi là Thiện Pháp Hành".

THÔNG rằng :

Ở địa vị trước hiện vi trần hiện thế giới, mọi thứ diệu dụng đều là Đệ Nhất Ba La Mật Đa từ trong chỗ Bất Từ Nghì tuôn ra, nên viên dung vô ngại, thành tựu Quy Tắc lợi sanh của mười phương Chư Phật. Quy Tắc ấy là Pháp vậy. Viên dung không dấu vết, đó là Thiện Pháp. Chẳng phải Thiện Pháp thì không thể độ chúng sanh. Hạnh này đã viên mãn, dần dần hướng về Bi Nguyện vậy.

Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo thượng đường : “Muốn rõ nghĩa Phật Tánh phải xem thời tiết nhân duyên. Thời tiết đến, Lý ấy tự sáng”.

Ngài dựng đứng cây phất tử mà nói : “Có thấy không ?”

Gõ thiền sáng nói : “Có nghe không ? Thấy, nghe rõ ràng là cái gì thế ? Như hướng vào trong ấy đưa ra được thì ơn vua ơn Phật một lúc đền xong. Nếu chưa như thế thì Kính Sơn(19) phá dây leo cho”.

Lại đưa cây phất tử lên mà nói : “Xem đây, xem đây ! Phật Vô Lượng Thọ trên đầu cây phất tử của Kính Sơn, phóng đại quang minh chiếu soi không thể nói, không thể nói, lại ở nơi cõi Phật số vi trần thế giới không nói hết chuyển đại pháp luân, làm vô lượng vô biên Phật sự rộng lớn.

Trong đó, dầu phàm dầu Thánh, dầu chánh dầu tà, dầu cỏ dầu cây, dầu hữu tình dầu vô tình gặp ánh sáng ấy đều đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Do đó, Chư Phật ở đây mà đắc thì đầy đủ Nhất Thiết Chủng Trí. Chư Đại Bồ Tát ở đây mà đắc thì thành tựu hết các Ba La Mật. Bậc Bích Chi, Độc Giác ở đây mà đắc, ra đời không có Phật, hiện thần thông quang minh. Các vị chúng Thanh Văn kịp tới nghinh đón năm trăm vị A La Hán, ở đây mà đắc, được tám Giải Thoát, đủ sáu Thần Thông. Trời, Người ở đây mà đắc thì tăng trưởng Thập Thiện. Tu La ở đây mà đắc thì trừ bỏ kiêu mạn. Địa ngục ở đây mà đắc thì đốn siêu Thập Địa. Ngạ quỷ, bàng sanh cùng bốn loại sanh, chín cách sanh, tất cả hữu tình ở đây mà đắc thì tùy theo căn tánh đều được thọ dụng.
“Phật Vô Lượng Thọ phóng đại quang minh, làm xong các Phật sự, sau đó dùng nuớc bốn biển lớn rưới lên đỉnh đầu Đức Phật Di Lặc mà thọ ký A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, sẽ nơi ngôi Bổ Xứ làm đại Phật sự.

“Phật Vô Lượng Thọ có thần thông như thế, có tự tại như thế, có oai thần như thế, vào trong ấy, còn có biết ân, báo ân hay chăng ? Nếu có, đưa ra cho Kính Sơn này cùng xem. Nếu không, hãy nghe lấy một bài tụng :

“Pháp giới mười phương trong miệng người
Cả thảy pháp giới tức cái lưỡi
Chỉ nhờ chót lưỡi với miệng này
Chúc tôi, ông thọ không hở sót
Đây ức vạn năm nhuần nguồn phước
Như biển rộng sâu đời không cạn
Sư tử hang, sanh sư tử con
Phụng hoàng hẳn xuất Đơn Sơn động
Là tốt là lành khắp chín trời
Cây cỏ côn trùng trọn đẹp vui
Đảnh lễ Bất Khả Tư Nghì Phật
Như bầy sao chầu mặt trăng soi
Khiến được rao bày vi diệu kệ
Trong Đệ Nhất Nghĩa nói Thật Chân”.


Đoạn cát đằng dây leo này của Ngài Đại Huệ hiển bày đầy đủ quy tắc của mười phương Chư Phật, đủ làm nghi thức Thiện Pháp cho khắp nơi. Chỉ tiếc là lúc ấy không có một tri âm tương kiến để liền lật ngược thiền sàng, xem coi Ngài còn lời nào chỉ dạy !
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Mỗi mỗi đều là Nhất Chân vô vi thanh tịnh vô lậu, vì Tánh Bổn Nhiên là như thế, gọi là Chân Thật Hạnh".

THÔNG rằng :

Toàn Tánh là Tu, nên thành Quy Tắc. Toàn Tu là Tánh, nên vốn Vô Vi. Rõ được Tánh vốn Vô Vi bèn chẳng hướng đến Bồ Đề, vì vốn tự trong sạch. Chẳng trừ phiền não, vì vốn tự Vô Lậu. Nhậm vận liền liền, trọn gọi là Thật Hạnh. Nếu một niệm dính vào hữu vi thì trọn chẳng phải Chân vậy. Hữu vi thuộc về tạo tác, làm sao được là Bổn Nhiên.

Đức Mã Tổ khai thị cho đại chúng rằng : “Đạo chẳng dùng tu, chỉ không ô nhiễm. Sao là ô nhiễm ? Hễ có tâm sanh tử tạo tác hướng theo đều là ô nhiễm. Như muốn hội thẳng vào Đạo thì bình thường tâm là Đạo. Sao là bình thường tâm ? Không tạo tác, không thị phi, không nắm bỏ, không đoạn thường, không phàm không Thánh. Kinh nói “Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh Thánh Hiền đó là hạnh Bồ Tát”.

“Chỉ như nay đi, đứng, nằm, ngồi, ứng cơ tiếp vật trọn hết là Đạo. Đạo chính là Pháp Giới, cho đến hằng sa diệu dụng chẳng lọt ra ngoài Pháp Giới. Nếu chẳng như thế sao nói được là Tâm Địa pháp môn ? Sao nói là Vô Tận Đăng ? Tất cả pháp đều là tâm pháp. Tất cả danh đều là tâm danh. Muôn pháp đều từ tâm sanh. Tâm là nguồn gốc của vạn pháp. Kinh nói “Rõ Tâm, thấu suốt nguồn gốc, nên gọi là Sa Môn”.

“Danh bình đẳng, nghĩa bình đẳng, tất cả các pháp đều bình đẳng thuần nhất không tạp. Nếu ở trong giáo môn được tùy thời tự tại, kiến lập pháp giới thì trọn cả là pháp giới, nếu lập Chân Như thì trọn cả là Chân Như, nếu lập Lý thì tất cả pháp trọn là Lý, nếu lập Sự thì tất cả pháp trọn là Sự. Đưa lên thì một thì ngàn theo, Lý-Sự không khác, trọn hết thảy là diệu dụng, không còn Lý nào khác, tất cả đều do sự xoay chuyển ứng dụng của Tâm. Thí như bóng trăng có biết bao nhiêu mà mặt trăng chỉ là một cái. Các loại nước có biết bao nhiêu mà Tánh nước vốn là một. Mọi thứ lập thành đều do Nhất Tâm vậy. Kiến lập cũng được, quét sạch cũng được, trọn cả là diệu dụng, đều là nhà mình, chẳng có lìa Chân Như mà có được chỗ lập. Chỗ kiến lập tức Chân, trọn cả là Chân Thể của nhà mình. Nếu chẳng như thế lại là ai khác ? Tất cả pháp đều là Phật Pháp. Hết thảy các pháp, đó là giải thoát. Giải thoát tức là Chân Như. Các pháp chẳng ra ngoài Chân Như. Đi, đứng, nằm, ngồi chính là hoạt dụng Bất Khả Tư Nghì, nào đợi thời tiết. Kinh nói “Chốn chốn, nơi nơi ắt đều có Phật”.

“Phật là Năng Nhân, tròn trí huệ, khéo cơ quyền, hay phá trừ lưới nghi của hết thảy chúng sanh, khỏi ngoài trói buộc của hữu, vô, tình phàm Thánh hết tận, Nhân-Pháp đều Không, chuyển pháp luân vô đẳng, siêu vượt số lượng, chỗ làm không ngại, Sự-Lý suốt thông. Như trời nổi mây, thoạt có liền không, chẳng lưu dấu ngại. Cũng như vẽ nước thành chữ, chẳng sanh chẳng diệt. Đó là Đại Tịch Diệt.

“Trong trói buộc(20) có tên là Như Lai Tạng. Khỏi trói buộc(21) gọi là Thanh Tịnh Thân. Pháp Thân vô cùng, thể không tăng giảm, lớn được nhỏ được, vuông được tròn được. Ứng vật hiện hình, như trăng trong nước, làu làu vận dụng chẳng gieo mầm rễ. Chẳng hết hữu vi, chẳng trụ vô vi. Hữu vi là cái thường dùng của vô vi. Vô vi là chỗ nương của hữu vi. Không trụ vào chỗ nương nên gọi là Như Không Vô Sở Y.

“Nghĩa tâm sanh diệt cũng là nghĩa Tâm Chân Như. Tâm Chân Như là như gương sáng soi hình tượng. Gương ví dụ cho Tâm, hình tượng ví dụ cho các Pháp. Nếu tâm bám nắm Pháp tức là dính líu với nhân duyên ở ngoài, đó là nghĩa sanh diệt. Chẳng bám nắm các Pháp đó là nghĩa Chân Như.

“Thanh Văn thì nghe thấy Phật Tánh; Bồ Tát thì mắt thấy Phật Tánh. Rõ thấu Vô Nhị gọi là Tánh Bình Đẳng. Tánh nào có khác nhau, Dụng thì chẳng đồng. Ở mê là Thức, ở ngộ là Trí. Thuận với Lý là ngộ, thuận với sự là mê. Mê tức là mê Bổn Tâm chính mình. Ngộ tức là ngộ Bản Tánh chính mình. Liền ngộ thì vĩnh viễn là ngộ, chẳng trở lại mê. Như mặt trời mọc chẳng hợp với tối. Mặt trời Trí Huệ hiện ra thì chẳng còn tối tăm phiền não.

“Tỏ suốt tâm cùng cảnh giới, vọng tưởng liền chẳng sanh. Vọng tưởng đã chẳng sanh đó là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Xưa có, nay có, chẳng mượn tu Đạo, tọa thiền. Không tu, không tọa đó là Như Lai Thanh Tịnh Thiền.

“Như nay mà thấy lý chân chánh này thì chẳng tạo các nghiệp, tùy phận qua một đời, một thân một áo, ngồi đứng có nhau, Giới Hạnh tăng huân chứa trong nghiệp sạch. Chỉ là như thế, lo gì chẳng thông. Các người đứng đã lâu. Trân trọng !”

Đại sư Mã Tổ nói về cái Bản Lai Chân Thật, không mượn tu làm, mà lại không phế bỏ Giới Hạnh tăng huân chứa trong nghiệp sạch. Quả là đắc pháp yếu Viên Đốn.

Mười Hạnh như vậy chẳng rời Mười Trụ ở trước, tùy theo địa vị tiến tới thêm, không Hạnh nào mà chẳng khai thác Tánh Giác, đó là thành thục quả Phật mà thôi.

Trụ, tiếp theo đó là Hạnh chính là muốn chẳng trụ vào chỗ nương-y mà hành Bồ Tát Hạnh, rõ ràng như Đại Sư Mã Tổ chỉ bày. Đó mới là một vị (mùi) Chân Thật Hạnh vậy.
 
K

kequaduong

Guest

V. THẬP HỒI HƯỚNG

KINH :

“Anan, người thiện nam ấy đầy đủ thần thông, thành tựu Phật sự rồi, thuần khiết tinh chân, xa các lỗi nạn. Hiện độ chúng sanh mà diệt dứt các tướng hóa độ. Quày tâm vô vi hướng lối Niết Bàn, gọi là Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sanh, Ly Chúng Sanh Tướng Hồi Hướng"
.

THÔNG rằng :

Mười Hạnh đã đủ, hiện trần, hiện sát, Một là Vô Lượng, Vô Lượng là Một, đó là Thần Thông. Hay thành tựu quy tắc của mười phương Chư Phật, đó là Phật sự. Thuần khiết tinh chân chỉ một cái Chân Thật duy nhất, trong sạch không phiền não, xa lìa các lỗi nạn ngăn ngại, có thể nói là người tự độ vậy. Cứ thế mà một đường nhắm hướng Vô Vi thì gọi là người rõ xong, cho nên đảm đương việc độ thoát chúng sanh. Giả sử khi độ chúng sanh mà hình tướng hóa độ chưa diệt tức là bám mắc vào Ngã, Nhân, Chúng Sanh, Thọ Giả. Cho nên phải diệt dứt những sự làm vẻ có cứu độ, quày cái tâm vô vi của ta, hướng về hết thảy chúng sanh kia mà cùng bước vào con đường Niết Bàn Tịch Diệt. Tự chứng Niết Bàn, Tánh vốn Vô Vi. Hiện dẫn dắt chúng sanh hướng bước chốn Niết Bàn cũng chỉ là Vô Vi. Nên suốt ngày độ thoát chúng sanh mà thật không có tướng độ nào để đắc. Nếu thấy có người để cứu độ liền dính lấm hữu vi, trái ngược với đường Niết Bàn Tịch Diệt, chẳng trở về được cội gốc quyết định chẳng sanh chẳng diệt vậy. Nên diệt dứt các tướng hóa độ tức gọi là Ly Chúng Sanh Tướng Hồi Hướng. Tướng độ thoát còn không có, tướng chúng sanh nào đâu có được ?

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Phật có độ chúng sanh chăng ?”

Tổ Bá nói : “Thật không có chúng sanh để Như Lai độ. Ngã chẳng thể đắc, phi ngã nào đâu để đắc ? Phật, chúng sanh đều chẳng thể đắc”.

Nhà sư hỏi : “Hiện có ba mươi hai tướng cho đến việc độ chúng sanh, sao nói được là không ?”

Tổ Bá nói : “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Như thấy các tướng chẳng phải tướng liền thấy Như Lai”.

Ông Sơn Nhân tên Sử hỏi thiền sư Khuê Phong : “Các kinh đều nói độ thoát chúng sanh, mà chúng sanh tức phi chúng sanh thì cớ sao phải nhọc nhằn độ thoát ?”

Tổ Phong đáp : “Chúng sanh nếu là thật có thì độ thoát hẳn là nhọc nhằn. Còn đã tự nói “Tức phi chúng sanh” thì nào chẳng khác độ mà không độ”.

Hợp hai chuyện trên là đủ để chú giải đoạn kinh này.

Lại như Nam Nhạc Huệ Tư đại thiền sư khi nghe Ngài Chí Công sai người đến bảo rằng : “Sao chẳng xuống núi giáo hóa chúng sanh mà cứ một mực làm kẻ “Đưa mắt trông mây” là sao ?”
Ngài nói : “Ba đời Chư Phật bị một cái miệng của ta nuốt ráo thì còn chỗ nào có chúng sanh để độ nữa ?”

Ngài Bảo Giác Nhất tụng rằng :

“Mắt nhìn hơi khói, nằm mây trắng
Kể gì dưới núi có càn khôn
Từ đâu lại có chúng sanh độ ?
Một miệng, ba đời Phật, nuốt luôn”.


Ni sư Nhàn Lâm An tụng rằng :

“Một miệng nuốt luôn Phật, chúng sanh
Mảy may chẳng lập, mới rành rành
Đầu cây (gậy) khêu dậy vầng nhật nguyệt
Khua động tam thiên núi biển mờ”.


Như đại sư Huệ Tư(22) thật đắc Ly Chúng sanh Tướng Hồi Hướng vậy. Há chỉ chứng địa vị Thiết Luân mà thôi ư ?
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Hoại diệt cái có thể hoại diệt, xa lìa các sự lìa, gọi là Bất Hoại Hồi Hướng.

THÔNG rằng :

Hoại diệt cái có thể hoại diệt tức là lìa chúng sanh tướng. Xa lìa các sự lìa tức là chỗ lìa tướng cũng lìa bỏ. Hoại diệt các tướng là Sở Không, xa lìa sự lìa là Năng Không. Năng Sở đều Không mà Bản Giác chẳng hoại, nên gọi là Bất Hoại Hồi Hướng. Nói là Bất Hoại để mà phân biệt với cái Ngoan Không của Nhị Thừa và Đoạn Kiến của ngoại đạo. Tuy hoại diệt các tướng mà cái Bất Hoại vẫn thường tồn, thế mới là Bất Hoại Hồi Hướng vậy.

Chân thiền sư hỏi Bổn Tịnh thiền sư : “Đạo đã vô tâm thì Phật có tâm chăng ? Phật và Đạo là một hay là hai ?”

Tổ Tịnh nói : “Chẳng một, chẳng hai”.

Thiền sư Chân hỏi : “Phật độ chúng sanh vì là có tâm. Đạo chẳng độ chúng sanh vì là vô tâm. Một độ, một chẳng độ sao lại không hai ?”

Đáp rằng : “Nếu nói Phật độ chúng sanh, Đạo thì không độ : đó là Đại Đức vọng sanh nhị kiến. Như sơn tăng thì chẳng thế. Phật là hư danh, Đạo cũng vọng lập, cả hai đều không thực, toàn là giả danh. Trọn trong một cái giả, làm sao phân hai ?”

Hỏi : “Phật và Đạo nếu là giả danh thế ngay khi lập danh đó là ai lập ? Nếu có người lập sao lại nói không ?”

Đáp : “Phật và Đạo nhân tâm mà lập. Suy cho cùng cái tâm lập ra này thì cũng là không. Cả hai đều chẳng thực, biết như mộng huyễn liền tỏ ngộ cái Bổn Không. Gượng lập hai danh Phật, Đạo đó là kiến giải hàng Nhị thừa”.
Nhơn đó nói bài kệ Vô Tu Vô Tác rằng :

“Thấy Đạo mới tu Đạo
Không thấy lấy gì tu ?
Tánh Đạo như hư không
Hư không chỗ nào tu ?
Xem khắp kẻ tu hành
Bươi lửa tìm bọt nước
Hãy xem hình gỗ múa
Dây đứt cả thảy ngừng”.


Hình gỗ múa rối có thể hoại diệt, nhưng người làm cho hình gỗ múa rối chẳng thể hoại diệt, nên khi tướng chúng sanh hoại thì đó là hư không chẳng hoại, chứ chẳng phải lìa ngoài cái tướng bị hoại diệt mà riêng có cái gọi là chẳng hoại. Ngay hoại là chẳng hoại, nên gọi là Bất Hoại Hồi Hướng.
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Bản Giác lặng trong như nhiên, Giác ấy bằng cái Giác của Phật, gọi là Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng.

THÔNG rằng :

Hành tướng có thể hoại diệt, nhưng cái Biết sự hoại diệt thì chẳng hoại. Cái lìa có thể lìa, nhưng cái Biết sự lìa thì chẳng có lìa. Đây là Bổn Giác vậy. Lặng trong hợp vào lặng trong, Thức tức là Trí, cũng có thể gọi là lặng trong như nhiên.

Chỗ này nói “Bản Giác lặng trong như nhiên” thì chẳng phải là chỗ không dao động của Thức lặng yên vậy. Chỉ vì cái Bổn Giác này chẳng phải là Thức, nên có thể ngang bằng cái Giác của Phật. Tình phàm Thánh giải tất cả tiêu tan, chỉ còn một cái Chân thật, nên có thể bằng ngang với tất cả Chư Phật. Tuy ngang với cái Giác của tất cả Chư Phật, nhưng không phải là Đẳng Giác vì còn sự hồi hướng trong đó, còn có sự tiến đến ở trong đó, nên gọi là Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng.

Tổ Hoàng Bá nói : “Bậc Thanh Văn là do âm thanh mà đắc ngộ nên gọi là Thanh Văn. Chỉ là chẳng rõ Tự Tâm, ở trên Thanh Giáo(23) khởi ra hiểu biết, hoặc do thần thông, hoặc nhờ tướng tốt, ngôn ngữ vận động, nghe có Bồ Đề Niết Bàn, trải qua ba tăng kỳ kiếp tu thành Phật Đạo, đều thuộc về đạo Thanh Văn, gọi là Thanh Văn Phật. Độc chỉ ngay đây tức thời rõ suốt Tự Tâm, xưa nay là Phật, không một pháp khá đắc, không một Hạnh để tu, đó là Vô Thượng Đạo, đó là Chân Như Phật.

“Này người học Đạo, chỉ sợ một niệm có : liền cách xa Đạo. Niệm niệm Vô Tướng, niệm niệm Vô Vi, tức đó là Phật. Này người học Đạo, như muốn thành Phật thì tất cả Phật Pháp đều chẳng dùng đến chuyện học, độc chỉ học không cầu, không bám mắc. Không cầu thì tâm chẳng sanh, không bám mắc thì tâm chẳng diệt. Chẳng sanh chẳng diệt, tức đó là Phật.

“Tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối với tám vạn bốn ngàn phiền não,, đó chỉ là cửa dẫn dắt giáo hóa, vốn thật chẳng có pháp nào. Lìa tức là pháp; biết lìa, đó là Phật. Chỉ lìa tất cả phiền não thì liền chẳng có pháp nào để đắc”.

Nếm được mùi vị “Biết lìa là Phật” của Tổ Hoàng Bá thì rõ ràng cái ý kinh “Bản Giác lặng trong như nhiên, Giác ấy bằng cái Giác của Phật”.

Lại như Ngài Huệ Siêu hỏi Tổ Pháp Nhãn : “Như sao là Phật ?”

Tổ Nhãn nói : “Ông là Huệ Siêu”.

Vị tăng hỏi Tổ Sơ Sơn : “Như sao là Phật ?”

Tổ Sơn nói : “Sao chẳng hỏi cái lão già Sơ Sơn ?”

Như lời đáp ấy là quá chừng nhiều. Thảy cốt đề tỉnh Bản Giác, thì ngay đây bình đẳng với Phật.
 
K

kequaduong

Guest
KINH : “

Tinh Chân phát sáng, địa như Phật Địa, gọi là Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng.

THÔNG rằng :

Cái Tinh Chân của Bản Giác chẳng phải chỉ là linh nhiệm sáng suốt vững bền mà thôi, lại có thể phát sáng rải bày, bước đi để thành Địa Vị. Địa Vị như Phật Địa, đối với Trị Địa Trụ ban đầu thật khác xa vậy. Có cái Thể của Chân Như toàn khắp pháp giới như thế thì cũng cùng ngay cái Dụng của Chân Như toàn khắp pháp giới như thế. Cho nên, cái Giác của Phật cùng khắp tất cả chỗ thì cái Hành của Phật cũng cùng khắp tất cả chỗ. Có chỗ chưa khắp thì chẳng phải là Phật Địa. Đây chỉ mới có thể như Phật chứ chưa có thể là một với Phật, nên gọi là Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng.

Vị tăng hỏi Tổ Lâm Tế : “Thế nào là Tam Nhãn Quốc Độ ?”

Tổ Lâm Tế nói : “Ta cùng ông vào trong quốc độ Tịnh Diệu, mặc áo thanh tịnh, thuyết nói Pháp Thân Phật. Lại vào trong quốc độ Vô Sai Biệt, mặc áo không sai biệt, thuyết nói Báo Thân Phật. Lại vào trong quốc độ Giải Thoát, mặc áo quang minh, thuyết nói Hóa Thân Phật. Tam Nhãn Quốc độ này đây đều là Y Báo biến hóa. Theo các kinh luận gia thì lấy Pháp Thân làm căn bản, Báo Thân, Hóa Thân là Dụng. Chỗ thấy của sơn tăng thì Pháp Thân chẳng mượn đến lời nói. Bởi thế cổ nhân nói “Thân (Pháp, Báo, Hóa) y theo nghĩa mà luận, Độ căn cứ nơi Thể mà luận”. Pháp Tánh Thân, Pháp Tánh Độ rõ ràng là pháp kiến lập. Quốc độ y-thông là nắm tay không, là chiếc lá vàng để dối gạt trẻ nít. Trái tật lê, củ ấu sừng hột khô queo thì tìm nước gì đây ? Ngoài tâm không pháp, trong còn chẳng thể đắc thì cầu vật gì ?

Thiền sư Thiên Y Hoài thượng đường : “Vô biên cõi Phật, đây kia chẳng cách hở mảy lông. Hãy nói Bất Động Như Lai thế giới Diệu Hỷ thuyết pháp gì đó? Bao đời xưa nay thủy chung chẳng lìa Đương Niệm. Vậy như trong một hội tối sơ Phật Oai Âm Vương độ người nhiều ít ? Như thật là người suốt khắp thử nói xem !”

Giây lâu, Ngài nói : “Đường đi khó ! Đường đi khó ! Đầu núi muôn tầm ông tự thấy !”

Bởi thế, ngộ Pháp Tánh Thân, Pháp Tánh Độ cốt yếu là quay về Vô Vật(24), đó là Chân Phật Địa.

Nếu có chỗ đắc thì đã có nơi chốn, làm sao “Đến khắp tất cả chỗ(25)” ?”
 
K

kequaduong

Guest
KINH :

“Thế giới, Như Lai hỗ tương, dung nhập, được không chướng ngại, gọi là Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng.

THÔNG rằng :

Thế giới tức là Chân Như Pháp Giới, thuộc Tướng Phần. Như Lai tức là Chân Như Bản Thể, thuộc Kiến Phần. Kiến Phần và Tướng Phần vốn đồng một nguồn nên tuy Căn Trần phân minh, mà đây kia vẫn là dung nhập. Nêu Kiến Phần thì Tướng Phần ở ngay trong đó. Nêu Tướng Phần thì Kiến Phần ở ngay trong đó. Tức Kiến không gì chẳng phải là Tướng, tức Tướng không gì chẳng phải là Kiến. Thế nên, Thế Giới, Như Lai hỗ tương dung nhập. Vốn không chướng ngại mà chẳng khỏi có chướng ngại, là cái thấy chưa dung thông vậy.

Tinh chân phát sáng đến khắp mọi chốn nhưng vẫn còn ở mọi nơi chốn thấy có hai. Nay hỗ tương dung nhập, tinh chân là tất cả mọi chốn, tất cả chốn chính là tinh chân. Tâm, cảnh trọn dung thông, cả hai không ngăn ngại. Lý chẳng ngại Sự, Sựï chẳng cản Lý, đầy ắp tất cả chỗ, nên gọi là Vô Tận Công Đức Tạng.

Vô Lượng Công Đức của mười Hạnh trước chỉ đủ đức ở thân, còn Vô Tận Công Đức Tạng này là kho công đức không cùng, dùng mà chẳng hết, lấy ra chẳng cạn, ấy là chỉ cái Biển Tạng Thức Như Lai vậy. Hầu như ngang bằng với Hư Không Tạng Bồ Tát, thân và cõi dung nhập mà hay rộng làm Phật sự, tùy thuận chúng sanh.

Ngài Ngũ Tổ Diễn thượng đường rằng : “Ngàn núi bày xanh, bến liễu rủ vàng, lão tiều ca hát, ngư ông nhảy múa, sênh phách rộn ràng, chim hát líu lo, người đẹp phấn hồng, công tử phong lưu, mỗi mỗi đều vì các ông mà phát tỏ cái thượng thượng cơ, mở ra Chánh Pháp Nhãn. Nếu hướng trong ấy mà tiến cử được thì Kim Sắc Đầu Đà(26) không chỗ dung thân. Nếu chẳng am hiểu, ăn cháo, nhai cơm, chịu cho ông bảy hang tám lỗ(27)!”
Lại như Ngài Pháp Đăng nói bài kệ :

“Ai tin Thiên Chân Phật ?
Hưng Bi khắp vạn đường
Bờ xưa, hoa Liêu nở
Cò trắng đứng bãi vàng
Sương rơi sân cỏ mọc
Mây thâu, lạnh trăng khe
Mỗi mỗi : nơi bày chỉ
Tử tế, hãy nhìn xem”.


Đây là Thế Giới, Như Lai chung thành một phiến. Theo đây mà ngộ nhập gọi là Chân Giải Thoát. Dùng công đức này tiếp dẫn chúng sanh, vì thế giới vô tận nên công đức cũng là vô tận.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Top