Tô Canh MẶN Và LẠT

tt_chuyenphapluan

Ban Đại Biểu nhiệm kỳ III (2015-2016)
Quản trị viên
Phật tử
Tham gia
6 Thg 8 2010
Bài viết
1,020
Điểm tương tác
193
Điểm
63
TÔ CANH MẶN VÀ LẠT



Bạn tiếp xúc với một tô canh qua vị giác, có thể làm khởi sinh những cảm giác dễ chịu và khó chịu cho bạn.
Nếu cảm giác dễ chịu phát sinh, lòng tham của bạn đối với tô canh tăng lên, khiến bạn không làm chủ được tâm bạn. Giây phút ấy, bạn liền biến thành tô canh và tô canh liền biến thành bạn. Tô canh liền biến thành biển cả cho những cảm giác dễ chịu của bạn lặn hụp.
Nếu cảm giác khó chịu phát sanh, lòng sân của bạn không những tăng lên với tô canh mà còn tăng lên với những gì trong tô canh và cả những người nấu canh cho bạn, khiến cho bạn không làm chủ được tâm bạn. Giây phút ấy, bạn với tô canh tách thành hai, rồi thành ba, thành bốn; bạn cũng nổi giận đối với tô canh và cả người nấu canh, trong lúc đó cả tô canh và người nấu canh không những là vô sự đối với bạn mà còn là ân nhân của bạn nữa.
Tô canh và cả người nấu canh không hề nổi lửa, nhưng lửa tham và sân đã nổi lên trong lòng của bạn và đốt cháy hết mọi ý nghĩa trong đời sống, mà bạn đang có và cần phải có.
Tại sao bạn lại phải hành sử nông nổi và buồn cười như thế? Phải chăng bạn nghĩ rằng, bạn sinh ra để ăn và tất cả mọi người và mọi vật đều phải phục vụ cái ăn cho bạn? Nếu bạn nghĩ như vậy, thì đó không phải là những ý nghĩ đẹp.
Bạn không phải sinh ra để ăn mà bạn sinh ra để sống và trong đời sống của bạn có cái ăn. Ăn để giúp bạn sống, chứ không phải bạn sống để ăn.
Nếu bạn nghĩ rằng, bạn ăn để sống, thì ai cũng có thể giúp bạn và bất cứ cái gì cũng có thể giúp bạn. Khiến sự sống của bạn càng ngày càng trở nên phong phú, thanh cao và thánh thiện. Và bấy giờ bạn không bận rộn bởi cái ăn. Lòng tham ăn nơi bạn không thể lớn mạnh và nó không có đủ khả năng để điều khiển đời sống của bạn và quan trọng hơn hết là nó không thể cướp mất nhân cách của bạn.
Lòng tham đối với cái ăn đã cướp mất nhân cách và nhận chìm danh dự của nhiều người trong xã hội, khi họ cho rằng, sống để ăn, bạn có nhận ra được điều đó không? Nếu bạn không nhận ra được điều đó và không có khả năng phòng hộ chúng bằng những ý thức tỉnh giác sáng trong, bằng cái nhìn sâu lắng và toàn thể, thì mọi tai họa, bệnh hoạn sẽ xẩy ra cho bạn bất cứ lúc nào và ở đâu.
Và nếu bạn cho rằng, sống để ăn, thì cả thế gian nầy không ai có thể phục vụ nổi cái ăn cho bạn, vì sao? Vì càng ăn, bạn thấy càng thiếu, càng ăn bạn càng tìm đủ mọi cách khai thác cái ăn để hưởng thụ, nhưng bạn nào có biết, lòng tham ăn của bạn thì vô hạn, mà những vật dụng chứa đựng thức ăn nơi cơ thể của bạn thì lại có chừng! Vì vậy, bạn sống như một loài ngạ quỷ, và chết như một lũ khát thèm.
Bạn nên biết, một trong những nguyên nhân chính xảy ra tai họa và xung đột của xã hội con người, chính là do lòng tham ăn của họ.
Nếu bạn nhìn vào những sinh hoạt xã hội, quán ăn được dựng bản khắp nơi, con người ra vào sinh hoạt đông đúc nơi những quán xá ấy, đó là triệu chứng của nếp sống gia đình và xã hội băng hoại.
Nhiều người bạn Tây phương khi đến Việt Nam nghiên cứu, họ đã nói với tôi rằng: “Xã hội Việt Nam phát triển khá mạnh về mặt ăn uống, hơn là phát triển về mặt giáo dục và tâm linh”.
Nghe họ nói, lòng thấy nhói đau, tôi gượng cười và hỏi: Các bạn dựa vào đâu, vào tư liệu nào để phát biểu như thế? Họ trả lời với tôi rằng, họ dựa vào cái thấy thực tế mà họ đã chứng kiến.
Bấy giờ, tôi chỉ cười và nói với họ một cách gắng gượng rằng: “Trong truyền thống Việt Nam giáo dục gia đình là chính”.
Nhưng, may cho tôi trả lời như vậy, mà những người nghiên cứu kia, họ không hỏi tiếp và yêu cầu tôi rằng: “Xin Thầy chỉ giúp cho chúng tôi một vài gia đình tiêu biểu, có truyền thống giáo dục của gia đình Việt Nam, để cho chúng tôi đến bất ngờ ở nơi những gia đình ấy, nhằm nghiên cứu thực tế phong cách sinh hoạt trong ăn uống nơi gia đình của họ”.
Thực tế, hiện nay ta không biết còn có bao nhiêu gia đình của người Việt Nam được giáo dục theo truyền thống của hơn bốn ngàn năm văn hiến? Và trong mỗi bữa ăn hàng ngày, họ có còn chắp tay tỏ lòng biết ơn và cầu nguyện trước khi ăn, con cái có còn mời cha mẹ cùng ăn cơm, cha mẹ ngồi trên, anh chị em ngồi dưới tuần tự với nhau, chị đơm cơm cho em, anh gắp thức ăn cho em, em cảm ơn anh chị, ăn xong con cái pha nước cho cha mẹ, biết lấy cái tách pha hai phần ba tách để trên cái dĩa và có một cái tăm để vào nơi dĩa, có một cái khăn nhỏ giặt sạch vắt khô, xếp lại đặt vào trong một cái dĩa, để cho cha mẹ dùng cơm xong, xỉa răng, uống nước và lau miệng không nhỉ? Hay những câu hỏi ấy, chẳng khác nào, ta đang đối diện với một tô canh mặn lạt trong một bữa ăn, mà ngon hay dỡ là tùy theo cảm giác của mỗi người!
Thích Thái Hòa
www.thuviencophap.org

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên