Tư tưởng thơ ca Mặc Giang

Ky Thuat Vien

Registered
Phật tử
Tham gia
22 Thg 4 2006
Bài viết
193
Điểm tương tác
3
Điểm
18
Về danh xưng với định hướng tư tưởng thơ ca Mặc Giang
Thích Nữ Hương Trí
----------------

Lâu nay, tôi cứ ngỡ Mặc Giang là tên nằm nôi của nhà thơ, sau nhờ hỏi, mới rõ từ đâu. Thì ra, dang xưng Mặc Giang có nhân duyên tiền định đặc biệt với cốt truyện Câu chuyện dòng sông. Được biết, thi sĩ Mặc Giang khi mới 12-13 tuổi, cái lứa tuổi ham cút bắt u quạ, thế nhưng sau đọc truyện này, với ý hướng cao thượng, tâm chí mạnh mẽ độc lập, nên trong ý thức tuổi thơ mà đã xác định được vai trò trách nhiệm của mình trong cuộc sống. Một cách tràn đầy ý thức, dựa vào tinh túy cốt truyện, nhà thơ đã đặt bút hiệu mình là“Mặc Giang”, nghĩa là dòng sông trôi chảy trong lặng lẽ êm đềm, trầm tĩnh và sâu lắng. Nay đã rõ, thì thử mạo muội lạm bàn đôi điều cho thỏa dạ hậu sanh.

Câu chuyện dòng sông (Việt Nam có bản dịch của cố Ni Trưởng Trí Hải), một trong những tác phẩm văn học nghệ thuật của Hermann Hesse, ra đời vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, đã từng làm rung động cả thế giới văn đàn thời bấy giờ, đã ảnh hưởng tác động mạnh mẽ người đọc bởi sựï thống nhất giữa tính phổ quát, tính đặc thù của nội dung cốt truyện. Tuy cả Tất Đạt, Thiện Hữu, và Vệ Sử đều là nhân vâït chính, nhưng nổi bật và khiến người đọc suy nghĩ nhiều hơn cả vẫn là Tất Đạt. Thực chất, ba hình ảnh ấy chỉ là một cuộc đời, một con người mà thôi. Do đó, Câu chuyện dòng sông được hiểu như là một cuộc độc thoại nội tâm của tác giả.

Tất Đạt một thư sinh bà la môn, đã tìm chân lí bằng tu tập khổ hạnh, và đã trải qua bao hạnh phúc khổ đau, thành công thất bại, vùi dập ê chề, chán chường và tin yêu cuộc sống. Không một hạnh phúc trần gian hay khổ đau nào mà chàng chưa từng trải nghiệm.

Người bạn chí tình, thường có mặt bên Tất Đạt như cái bóng, là Thiện Hữu, người yêu Tất Đạt hơn ai hết, quan tâm chăm sóc từng diễn biến cảm xúc của chàng, nhưng rồi Thiện Hữu cũng phải rời xa Tất Đạt để gia nhập giáo đoàn của Đức Phật.

Sau khi trải qua tất cả khổ đau và hưởng thụ mọi dục lạc của đời sống tầm thường, Tất Đạt cảm thấy một nỗi buồn ghê gớm xâm chiếm lòng mình, bởi đã hoang phí đời mình một cách vô nghĩa, rồi chàng cảm nghe cõi lòng hoang mang trống trải đến vô hạn. Cuối cùng, bỏ lại sau lưng tất cả tiền tài, danh vọng, ái tình, và trở lại bên dòng sông, nơi mà ngày xưa thuyền gia Vệ Sử đưa chàng qua hồi trẻ và sau khi (Tất Đạt) từ giã không muốn gia nhập giáo đoàn Đức Phật, rồi đi đến một ý tưởng phiêu lưu cuối cùng là quyên sinh. Nhưng chính tại bên dòng sông, Tất Đạt đã tìm thấy được hạnh phúc chân chính. Tất Đạt cảm nghe được từ trong cõi trần tục mà mình đã trải qua một cách mệt mỏi tiếng vọng của toàn giác. Cũng tại đây, Tất Đạt gặp lại Thiện Hữu, một Sa môn đã từng không mệt mỏi đi tìm giác ngộ và theo đuổi nó như một mục đích. Tất Đạt cảm thấy dòng sông thơ mộng đẹp hơn khi nào cả, và đã nảy sinh một tình yêu sâu đậm với con sông đang ềm đềm xuôi chảy.

Rồi Tất Đạt học được nhiều thứ từ con sông. Chàng hiểu rằng,“bất cứ ai hiểu được dòng sông và những huyền bí của nó sẽ hiểu được nhiều điều hơn nữa, nhiều điều huyền bí, tất cả mọi huyền bí ”. Khi Tất Đạt kể cho Vệ Sử nghe về cuộc đời của mình, Vệ Sử đã lắng nghe chăm chú, rồi bảo,“chính dòng sông đã dạy tôi cách nghe, anh cũng sẽ học nơi đó. Dòng sông biết mọi chuyện, người ta có thể học mọi chuyện từ dòng sông. Anh đã học với con sông rằng nên cố gắng lặn xuống tìm kiếm những chiều sâu thẳm nhất”. Tại đây, Vệ Sử còn chỉ cho Tất Đạt biết, trong dòng sông chỉ có hiện tại, không có quá khứ và vị lai; trong tiếng của dòng sông, có tiếng của muôn loài. Tất Đạt tự quyết định không ngủ nữa để ngồi lắng nghe dòng sông, rồi nói, “dòng sông đã nói với tôi rất nhiều, nó đã cho tôi đầy những tư tưởng lớn lao, những tư tưởng về sự Nhất thể”. Tất Đạt còn hiểu, khi tin tưởng tuyệt đối vào dòng sông, chính là lúc buông hết mọi giới hạn lí thuyết sách vở.

Cuối cùng, khi nụ cười vụt sáng trên làn môi héo hắt của Tất Đạt, thì Thiện Hữu cảm nhận ra rằng, đó là “nụ cười của Nhất thể phảng phất trên bao hình hài tuôn chảy……là nụ cười của sự trầm tĩnh sâu xa, khôn dò…… nụ cười trí tuệ, nụ cười của muôn mặt Thế Tôn mà Tất Đạt đã từng nhìn thấy, lòng tràn đầy khâm phục. Thiện Hữu biết rõ nụ cười kia chính là nụ cười của đấng Toàn Giác”

Theo chúng tôi, điều quan trọng nữa không thể không chú ý là, trong cuộc trùng phùng này, người đầu tiên nhìn ra bạn cũ của mình chính là Tất Đạt, còn Thiện Hữu tuy ngồi canh cho Tất Đạt ngủ nhưng vẫn không nhận ra người bạn xa cách lâu năm; khi Tất Đạt tìm đến con sông ngày xưa, thì thuyền gia Vệ Sử đã đứng sẵn ở đấy đợi chàng, chứ không phải chàng đến rồi, sau đó Vệ Sử mới đến. Đó là triết lí sâu xa về nguyên lí của tiến trình chứng ngộ. Như khi Cao Tăng Đường Huyền Trang (trong truyện - phim Tây Du ký ) đi đến bên con sông, tiếp tục cuộc hành trình sang đất Phật thỉnh kinh ---dụ cho nẻo về Chân tâm, thì thuyền gia với một chiếc thuyền trơ trọi, không một bóng du khách, âm thầm vò võ đứng đợi sẵn tự bao giờ.

Từ những nhận định của Tất Đạt cũng như của Vệ Sử về hình ảnh dòng sông đã nêu trên, cho chúng ta thấy, dòng sông trong cốt truyện chính là hình bóng ẩn dụ về chân tâm, hay đó là dòng tâm thức của chúng ta, mà hai tầng bề mặt và lòng của nó, là thức và tâm, hay chính là thức và trí tuệ giác ngộ, là hai mặt của một thực thể. Sông dù có sóng nước bao nhiêu, thì bên dưới lòng nó mãi cứ êm đềm tĩnh lặng, cả hai mặt tĩnh và động chưa hề tách biệt. Và gần gũi nhất với cốt truyện, đó là dòng tâm, đó chính là điều mà Tất Đạt đã khẳng định,“bất cứ ai hiểu được dòng sông và những huyền bí của nó sẽ hiểu được nhiều điều hơn nữa, nhiều điều huyền bí, tất cả mọi huyền bí ”.

Tất Đạt và Thiện Hữu chính là hai khía cạnh thuộc mặt động của một con người ; còn Vệ Sử phải chăng tượng trưng cho người thầy tâm linh, đó chính là nẻo về tâm thể, mà bất kì lúc nào, hễ tự chính mình quay về với dòng tâm hay chân tâm của mình, thì sẽ bắt gặp, như là ý dụ của“quay đầu lại là bờ”, mà quay đầu chính là sự nỗ lực bình sinh, là đích thân mình chuyển hướng chứ không ai có thể thay. Nên có lần đức Phật nói với chúng đệ tử rằng, “các đấng Như Lai chỉ là đạo sư, là người chỉ đường, còn người đi đường phải là chính các con”. Cũng có nghĩa là, con đường trở về chân tâm là con đường độc hành của lữ khách đơn côi giữa trăng sao lạnh giá, bước đi trên “ chiếc cầu độc mộc”, phải đích thân dấn bước, không ai có thể bước thay. Và cố nhiên con đường trở về với tâm thể này có năng lực khám phá mọi huyền bí của kiếp người.

Tên gọi Mặc Giang như đã nói lên nội dung cuộc đời của ông, và nổi bật nhất là thể hiện rõ nét trong tư tưởng thi ca hay sự nghiệp cầm bút của nhà thơ. Dòng sông trong Câu chuyện dòng sông của văn sĩ Hermann Hesse đầu thể kỉ 20 với dòng “Mặc Giang” ngày nay, có một ảnh hưởng hay đồng điệu ra làm sao, thì một số tuyệt tác trong thi phẩm của thi sĩ Mặc Giang là chìa khóa cho ta mở cửa đi vào hành trình của huyền bí nhưng rất thực, rất đời thường ấy.

Tâm tư hay dòng tâm thức của nhà thơ mà chúng ta tìm hiểu ở đây, là vừa xuyên qua tìm hiểu những nét tiêu biểu mang âm hưởng của dòng sông đích thực, nhưng chứa đựng triết lý sâu sắc đằng sau hạn hữu của ngôn từ; vừa gồm những áng thơ biểu hiện sự rung động từ sâu thẳm của tâm thức, đó là tiếng nói trung thực nhất của cõi lòng, của nhãn quan sâu sắc, biết nhìn sâu vào sự thể của dòng sống. Có thể nói rằng, trong suốt hơn 700 bài thơ của Mặc Giang, thì biên phú của mỗi bài đều mang màu sắc thi ca, nhưng lại vừa mang dáng dấp của một tổng thể hài hòa giữa giả thiết, mở rộng, rồi giải quyết vấn đề một cách triệt để sạch lóng, khiến người đọc không còn những dấu hỏi thông thường, mà xuất hiện những dấu chấm than của cái gật đầu “vô ngôn”.

Tất cả những biểu hiện của hình thái ý thức này, đã âm thầm mách bảo cho chúng ta, chiều sâu tâm thức của dòng sông Mặc Giang và dòng sông trong Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse được xem như là cuộc tao ngộ không lời của tri âm giữa hai thời đại, là cùng trên một nhịp đập của hai khoảng thời gian, là cái lặng thinh của vô ngôn, nhưng lại là đỉnh cao không thể luận bàn của ngôn ngữ, mà thời không miên viễn vô cùng chỉ làm cho cả hai hướng về nhau trên cùng một điểm “nhất”.

Có được một nhân duyên “định mệnh” với tinh hoa cốt truyện Câu chuyện dòng sông như thế, Mặc Giang đã học được những gì và cách lắng nghe ra làm sao từ dòng tâm thức (hoặc chân tâm), học được huyền bí từ nó như thế nào? thi phẩm của ông đã nói hộ.

Hình ảnh sông nước trong thơ Mặc Giang vượt lên trên những hình ảnh nên thơ tầm thường của mọi dòng sông hữu thể, trong Dòng sông, tôi gọi tên em, ông viết :

… Nước không rẽ sóng đôi hàng

Sông nào uốn khúc bẽ bàng bờ lau

… Ngàn xưa sông vẫn một màu

Trầm trầm mặc mặc ngàn sau cũng là

(Mặc Giang Dòng sông, tôi gọi tên em,)

Hình ảnh con sông ở đây không là bóng dáng của Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, hay dòng Dương Tử mà ngày xưa đức Khổng Tử ngang qua. Sông của Tế Hanh chỉ thuần một nỗi niềm kỉ niệm vương vấn tình quê; sông của đức Khổng Tử là một sự trôi chảy không mệt mỏi dưới chiếc bóng khắc nghiệt của thời gian, và rồi Khổng Tử chỉ buông một tiếng thở dài ngán ngẫm cho vô thường của dòng đời.

Sông của Mặc Giang đã thoát li mọi khái niệm định kiến thông thường, vì sông mà lại không có rẽ sóng, uốn khúc, và ngàn xưa cho cả mai sau vẫn chỉ một hình thái, không thêm bớt, cạn sâu hay đục trong. Do đó, có thể dùng tên “Em” để gọi dòng sông. “Em” được hiểu là những gì thân thiết gần gũi, có một quan hệ bất khả phân với tôi. Em và tôi được thiết lập trên quan hệ tương tồn như nước với sóng; như bản chất giữa ngộ với mê, hay cụ thể hơn đó chính là cái gọi “âm theo tiếng, bóng theo hình ngàn năm”. Dòng sông này phải chăng là biểu tượng của tâm thể. Mà tâm thể thì không hề sanh diệt, và chính nó đưa con người đạt được yếu tính miên viễn của bản chất tâm linh, hay chính là khả tính vô biên của từ tâm và sự thấu hiểu chân tướng vạn vật.

Chính dòng sông này đã cho Mặc Giang học được cách “tôi còn nhịp thở không xin, đến khi lịm tắt tôi tìm bước sau”. Cũng chính là lúc tác giả hiểu:

Qua dòng sông ý thức, qua mấy nẻo luân hồi,

Và bốn loài sinh tử, chung cùng chỉ một thôi.

…Tôi là em tất cả, em là tôi nhiệm mầu

Đâu còn tan hợp nữa, muôn ngàn, hiện hữu thôi

(Mặc Giang, nụ hồng cho em)

Chúng sanh hay Hiền Thánh, Địa ngục hay Thiên đường, tuy là hai nẻo phân thù, nhưng quy hướng chỉ là một phương mà thôi. Vì chúng đều là những biểu hiện khác nhau của sự khuấy động dòng tâm thức, như muôn ngàn con sóng lăn tăn đều không tách rời bản chất của nước. Xem ra, dòng sông hay nói đúng hơn là dòng Mặc Giang đã cho nhà thơ hiểu hết mọi bí ẩn của dòng sống, thấu đạt được mối tương giao của hai bờ sinh tử. Đó cũng chính là lúc dòng sông dẫn tác giả đi sâu thẳm trong tột cùng của tư duy, tận cùng của tư tưởng. Tại đây, Mặc Giang hiểu sâu hơn :

Thì ra đức Phật nói chữ Pháp thân,

Ngàn sao vụt tắt, hiện bóng phù vân.

(Mặc Giang, sắc không mỉm nụ vô cùng)

Tại đây, rõ ràng tác giả cho chúng ta hiểu sâu hơn về mối tương quan giữa Pháp thân và sanh diệt thân. Quan hệ giữa hai thân này là quan hệ của băng và nước. Nơi đây, Mặc Giang chỉ rõ, Pháp thân vốn li văn tự nghĩ bàn, không thể nắm bắt qua khái niệm ngôn từ. Khi nói Pháp thân chỉ là một khái niệm khô cằn gán ép vào thực tại, và chỉ làm cho “ngàn sao vụt tắt, hiện bóng phù vân” mà thôi, bởi đó chỉ là sự vốc nước trong lòng bàn tay. Ngay khi thiết lập hai chữ “Pháp thân” hay chân lí, cũng chính là chấp nhận một thực tại đã bị cắt xén qua khái niệm, nếu vậy thì qủa là vô lí. Trong mọi lập ngôn về bất kì điều gì, đều đã mang ý nghĩa phủ định lại nó rồi. Con người cơ cảm ngu trí không đồng, nên Phật phương tiện mượn lời nói hai chữ “Pháp thân”. Ngay khi lập ngôn, thì đã thiếu mất sự nhất thể, tính toàn vẹn. Bản thân của chân lí, của Pháp thân vốn tròn đầy, không phiến diện. Hiểu được vậy, cũng chính là hiểu được “vẽ lên lối dọc đường ngang, chữ tung biến mất, chữ hoành biệt tăm” của cái nhìn về thực tại.

Đúng là trong dòng Mặc Giang hay dòng tâm, thì không có bóng dáng quá khứ và vị lai, mà chỉ có hiện tại như Vệ Sử đã nói cho Tất Đạt. Về thời gian và không gian, tác giả quan niệm là:

Ta chẻ thời gian chẳng có gì,

Dọc đường trổi nhạc bước chân đi

…Ta cắt không gian thử mấy chiều,

Một vòm trống rỗng tợ cô liêu

Đẩy đưa dung chứa cho cùng khắp,

Chẳng chút bớt thêm chẳng ít nhiều

(Mặc Giang, một nụ cười vang)

Trong nhãn quan tác giả, không gian thời gian chỉ là những quan niệm được thiết lập trên tương quan đối đãi, là một ảo tưởng của tâm thức. Ngôn từ và khái niệm về chúng thì đứng yên, trong lúc đó, chỉ có hiện tại thì đang trôi chảy, sống động như một dòng sông. Cho nên tác giả cũng đã từng cảm nghe “tay cầm hạt chuỗi chưa lần, Long Hoa đã hiện, Linh Sơn chưa tàn”. Làm sao có thể đi tìm kiếm và đợi chờ Linh Sơn và Long Hoa, biểu tượng về một quá khứ xa xôi, và một tương lai mờ ảo huyễn tưởng. Cả hai đã và đang cùng có mặt trong hiện tại, trong dòng tâm hiện tiền mà thôi. Cho thấy, tác giả đã chỉ ra, không thể nhìn chân lí qua từng mảnh vụn bị cắt xén bởi khái niệm không gian và thời gian. Không có cái gì hoàn toàn riêng rẽ, đây là hiện tại, còn có kia là quá khứ, còn kia nữa là tương lai. Khi nói thời gian thì chỉ có một hiện tại tròn đầy trước mắt, và đã bao hàm hai khoảng kia, cũng như khi nói “đất” thì đã bao hàm những yếu tố lửa và nước rồi, chứ làm gì có một yếu tố “đất” riêng biệt để định danh. Nếu bám víu vào một mảnh đã bị cắt vụn bởi khái niệm, rồi nói là thực tại, thì chẳng phải càng xa rời nó đó sao. Do đó, những khái niệm sinh ra từ ý niệm thời gian cũng chỉ là ảo tưởng, là sự so sánh, nên chúng cũng không thể đứng vững.

Chính nhờ hiểu được điều này thông qua sự liễu giải về dòng sông tâm, tác giả đã chỉ ra cho chúng ta, mọi lo sầu âu muộn, khủng hoảng, không yên cũng chỉ phát sinh từ một ý niệm cố chấp sai lầm về thời gian. Tại ý nghĩa này, Mặc Giang với một giọng điệu bội phần ân cần thân thiết :

Chưa tới đâu, đã than đời mệt mỏi

Chưa kịp đói, đã sợ mất miếng ăn

……Chưa dãi dầu, đã sợ nắng sợ mưa

Chưa xuống hố, sao lại bảo chết rồi

(Mặc Giang, con người khờ khạo của tôi ơi !)

Than, sợ, lo lắng đều là tâm lí bất an phát sinh từ quan niệm có một điều gì đó được đợi chờ, được xây tạo trong một không gian thời gian cố định. Tại đây, thâm tâm của thi nhân chỉ cho chúng ta, chỉ khi nào vượt thoát những cố chấp về ý niệm về không gian thời gian, không bị trói buộc bởi những giả định được thiết lập trên đơn vị không gian và thời gian, mới vượt khỏi ngục tù ý niệm; nhờ thoát khỏi ngục tù ý niệm, mới có thể thoát li thống khổ.

Khi những khái niệm tương quan liên hệ đến không gian và thời gian như đi, về, ở, trong ngoài, trước, sau… không còn tồn tại dưới ánh sáng nguyên lí tánh không, hay cũng chính lúc hiểu rõ nó chỉ là “mênh mông trống rỗng, cõi là về đâu”, thì chúng ta sẽ nghe được tận cùng của nẻo đến, đi chính là:

Hay về một cõi nhiệm mầu

Không thinh không sắc, không màu không vang

(Mặc Giang, mở cửa thềm hoang)

Chân thật của cõi đi cõi về sau hiểu rõ dòng tâm là thế đó. “Cõi nhiệm mầu” chính là “có thì có cả hằng sa, không thì không cả nữa là hư vô”. Trong cái cõi không bị hạn cuộc bởi ý niệm không gian và thời gian này, tác giả cũng đã xác lập một lối sống sao cho trọn vẹn, sao cho ý nghĩa trong cuộc đời. Nhưng đó cũng chỉ là một cuộc rong chơi phi thường, “rong chơi sinh tử cho đời bớt đau”, cũng tức là sống sao để:

Cụ già hằn sâu nghe ngóng, em thơ đưa vói tầm tay,

Mẹ quê cằn khô mơ vọng, hoa cau thức trắng đêm ngày.

(Mặc Giang, bài ca sỏi đá)

Tại ý nghĩa này, tác giả muốn nói với chúng ta rằng, bạn hãy thử đặt giả thiết, nếu ngày mai bạn đột ngột qua đời, thì sẽ có bao nhiêu người đến tiễn đưa bạn đến huyệt mộ; hoặc nếu không may, bạn bị sự cố nào đó mà phải nhập viện mổ xẻ, thì sẽ có chừng bao nhiêu người viếng thăm, trầm ngâm, mắt ứa mờ hoen lệ, cúi đầu không nói năng chi, ngồi với bạn mười lăm hai mươi phút. Giả thiết này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời chân thực nhất. Đó cũng chính là khi bạn đã xác định được những người hiền trí đối với bạn ra làm sao, có mong mỏi đợi chờ thân thiết như cụ già, như em bé, như bà mẹ quê, như hoa cau ở trên không. Được vậy, cuộc đời sẽ đẹp làm sao, ý nghĩa biết bao, vì đã sống một cách đáng sống, không làm cho “hạt ngọc đã từ lâu, mòn gốc rạ” phải thở phào tiếc than!.

Chính sự thấu hiểu dòng tâm thức đã cho thi nhân Mặc Giang học được cách làm thế nào đểõ đi trọn vẹn con đường trên. Sự sâu thẳm của dòng tâm thức đã chỉ cho Mặc Giang con đường để thiết lập mọi giá trị sinh tồn duy nhất, đó là yêu thương cuôïc đời này. Mặc Giang thừa hiểu, yêu thương là quan trọng hơn bất kì điều gì cả, đến với cuộc đời là đến để thương yêu kính trọng, chứ không phải đến để mà lên án chỉ trích, hay phân tích một cách vô ích.

Và thi nhân Mặc Giang đã thể hiện lòng yêu cuộc đời thông qua những áng thơ đa dạng về thể tài, phong phú về thuật dùng từ và phương pháp biểu đạt. Đôi khi biểu hiện qua phong cách xót xa thương cảm, cảm thông cho những cảnh đời bất hạnh, thiếu mất một trong sáu giác quan hoặc bệnh nan y, nghèo cùng khốn khó, nổi trôi lang bạt không nhà; khi thì biểu hiện qua phương cách ca ngợi tình thương, cầu nguyện an bình, kêu gọi tình người ; đôi khi thể hiện qua sự trầm thống xót xa trước tội ác lỗi lầm của con người; khi thì tế nhị kêu gọi tình bạn bè, tình quê hương thắm thiết; và có đôi khi thì thể hiện qua lời thơ cầu nguyện chấm dứt khủng hoảng đạo đức; có lúc thì thể hiện qua giọng điệu của một người anh tâm sự tha thiết với đàn em lầm lỗi, sa đọa; và đôi khi thì lại là tiếng trách hờn đáng yêu của mẹ trách con; đôi khi lại là buồn đau thống thiết trước bao nhiễu nhương lắt léo, éo le của cách hành xử giữa con người; đôi khi lại mô tả với giọng văn đau buồn ảm đạm thê lương về cảnh tượng chết chóc do sóng thần, động đất, hay khủng bố dã man……, vì cái chết của họ thì, “dòng thời gian là lâu đài sương bạc, bến không gian là dinh thự rêu xanh”.

Trong bất kì lối diễn đạt bày tỏ nào đi nữa, thì dòng sông trầm tĩnh sâu lắng (Mặc Giang) ấy đã thể hiện bằng các hình ảnh tứ thơ ngôn từ phong thái, bằng hồn thơ rung động chân tình, thâm thiết, truyền đi và vang vọng đến khắp chân thể của dòng tâm linh. Tuy được tạo kết bởi nhiều thơ phong, giọng điệu không giống nhau, nhưng mẫu số chung vẫn là tình yêu thương, như nước trong khe trong suối, trong nguồn, trong sông hay biển hay trong li…, tuy hình dáng không đồng, đều là một tính nước. Ôi ! thật vô bờ vô bến, nói sao cho hết, kể sao cho cùng! Nếu chứng minh mà chỉ dẫn dụng vài hàng, thì không sao tránh khỏi cái lỗi phiến diện, rất không toàn bích; nếu mọi tình huống đều dẫn dụng thì biết bao giờ cho hết. Chỉ xin ai đó nếu biết trân trọng, lật xem hơn 700 áng thi ca của “Dòng Sông Tĩnh Lặng” (Mặc Giang), thì chẳng phải một lần dấn thân cát bụi phiêu du trong thế giới tình thương và tri thức, thật diễm tuyệt, nhưng lại rất đỗi thân thiết, rất đời thường đó sao ??? Để rồi, ngày mai có sao nữa cũng không đến nỗi phải ngậm ngùi luyến tiếc, biết trước như vầy, thì chi bằng khi ấy……. để thăng hoa cuộc đời.

Thi sĩ Mặc Giang đã ý thức sâu xa, có tình thương là có tất cả. Tình thương là suối nguồn của sự đạt ngộ giải thoát; không có nó, cuộc đời sẽ ảm đạm hơn nghĩa địa một chiều mưa, và an lạc giác ngộ không có cơ sở để thiết định. Tình thương yêu cuộc đời trong thi ca Mặc Giang chính là lòng bi mẫn. Có lòng bi mẫn thì sẽ có mọi pháp lành. Dịch giả Liên Hoa chuyển dịch đề tài về Lòng Bi Mẫn, đăng trên trang mạng Đạo Phật Ngày Nay, có đoạn :

Nếu một người có lòng bi mẫn, người ấy là vị Phật;

không có lòng bi mẫn, người ấy là Thần Chết.

Với lòng bi mẫn, cội gốc của Pháp được vun trồng

…Với lòng bi mẫn, ta có mọi Pháp.

Không có lòng bi mẫn, ta chẳng sở hữu Pháp nào.

Với lòng bi mẫn, ta là Phật tử chân thực.

Không cólòng bi mẫn, ta tệ hơn kẻ trần tục.

Ngay cả khi thiền định về tánh Không, ta cần có lòng bi mẫn như cốt tủy của nó

…Lòng bi mẫn hoàn thành những hi vọng bản thân và chúng sanh

Chỉ cần chừng ấy, cũng đủ cho ta hiểu tại sao nhà thơ Mặc Giang thấu hiểu sâu sắc tình thương là điều quan trọng trong cuộc đời. Tuy nhiên, cần hiểu, việc có mọi Pháp, là một tất yếu tự nhiên cuối cùng nằm sau đức tính phát triển nuôi dưỡng tình thương, chứ không là mục đích được đặt ra đầu tiên khi tình thương chưa thiết lập. Vậy, việc ban trải phát tán tình thương của nhà thơ Mặc Giang càng không là mục đích để cụ già hằn sâu nghe ngóng, em thơ đưa vói tầm tay và hoa cau thức trắng đêm ngày. Là hiện tượng hữu xạ tự nhiên hương. Nhã hương là bản chất vốn có của hoa, nào bao giờ có ý gọi mời ong bướm đâu! Nhưng những đáp trả ấm áp của người khác, chứng minh mình đã sống ra lẽ, sống thật đáng sống, như mục tiêu sống của nhà thơ đã được minh định ngay từ đầu, là sống làm sao cho có ích, vì “thân cát bụi, cũng tiêu ma một kiếp”

Dấu hiệu trên còn chứng minh rằng, thi nhân đã đứng vững trên nhịp cầu giữa lòng bi mẫn yêu thương và giác ngộ. Có tình thương sẽ có giác ngộ, giác ngộ về tính bất sanh diệt trong các Pháp, giác ngộ về tương quan giữa Pháp thân và sanh diệt thân. Nhờ đó sẽ giác ngộ không gian và thời gian chỉ là ảo giác ảo tưởng của tâm thức, cả hai vốn là một nhất thể, vốn không có mặt trong chiếc áo khái niệm mà con người đã khoác lên nó. Bấy giờ sẽ thoát li mọi khổ đau do vọng tưởng, lo lắng đợi chờ, bất an và khủng hoảng tâm lí.

Trở lại bên dòng sông, nơi mà Tất Đạt tìm được an lạc đích thực sau bao năm lặn hụp trong khổ đau tuyệt vọng và dòng Mặc Giang tĩnh lặng, ta thấy chỉ một thể, cả hai đều trôi chảy về hạ nguồn của kiếp sống nhân sinh, mà hai bờ của nó là hoa trái của tình thương, sự sống, và tuệ giác. Trong đó ta thấy rõ một Tất Đạt đang chèo chiếc “thuyền không đáy”, một Vệ Sư,û người Thầy đã được giáo dục nhờ con sông và không cần bất kì sách vở hay thầy nào cả, đã biến hút trên dòng sông vô tướng và hòa nhập trọn vẹn trong từng hơi thở nụ cười thánh thiện của Tất Đạt, rồi thì thầm với chàng: “khi mê thì Thầy độ con, khi ngộ rồi thì con tự độ”. Rồi ta thấy một Thiện Hữu “đã dừng chân”, không còn tìm kiếm bất kì điều gì nữa, không còn ám ảnh bởi bất kì mục đích nào nữa, bởi đã chứng nghiệm được sự Nhất Thể sau hôn lên trán Tất Đạt, nơi đã cho Thiện Hữu thấy được bao trôi nổi diệt sanh của bao cõi đời trong tương quan vô tận. Đây là sự thống nhất của trong cùng một con người. Xuyên qua ba hình ảnh này, ta bắt gặp một dòng sông tĩnh lặng--- dòng Mặc Giang. Đây là một dòng tâm thức, một chân tâm, một hoài bảo, một tâm hồn rộng mở, một tình thương vô hạn trước dòng đời cát bụi mịt mù, một lối sống cho cả mọi người, một tâm nguyền cho cả tinh cầu. Nhưng rồi ra, đó cũng chỉ là “bài thơ không đề, nhưng cũng là bài “thơ gác đầu non nhìn bóng nguyệt, thơ nằm góc biển ngắm trăng mơ”, với nỗi niềm bình dị là :

Tôi viết cho đời bớt khổ đau

Đừng gây ai oán tạo ưu sầu

Đừng mang cay đắng xây phiền lụy

Mà kết hương thơm đượm sắc màu

Bài thơ tôi viết gợi yêu thương

Mở cửa cảm thông mọi nẻo đường

Xoa dịu vạn sầu đeo thế kỉ

Tình người vun vén, lấp tang thương

(Mặc Giang, tôi đâu có nói tôi làm thơ)

Đây chính là chất keo tạo nên tính phổ quát trong hồn thơ của Dòng Sông Tĩnh Lặng. Cái tính phổ quát này làm cho bất kì ai và vào bất kì thời đại nào đều có cảm tưởng như thi nhân đang nói với chính họ, họ luôn thấy mình có mặt trong hầu hết mọi tình huống, ai cũng có thể cảm thấy cảnh đời của mình được phản chiếu qua thi phẩm của Mặc Giang. Nhưng chính trong cái tính phổ quát ấy vốn cũng đã bao hàm tính đặc thù, vì trong tất cả mảnh đời, con người, tánh hạnh của anh của chị của em, đều có hình ảnh của cuộc đời của riêng mình, con người tánh hạnh của riêng mình.

Nói chung, tình yêu thương cuộc đời là chủ đề xuyên suốt bàng bạc trong gần toàn bộ đại tác của nhà thơ Mặc Giang, được thể hiện qua nhiều thể tài và tứ thơ, nó là chất phù sa ngọt ngào tô bồi cho dòng sông thơ thêm tươi mát ngọt lành, cho thần bút mở ngõ đi vào vô tận của thế giới thi ca. Đây chính là bí quyết, là hướng đi đích thực mà dòng tâm đã chỉ dạy cho thi sĩ, hay chính là điều mà Mặc Giang học được mọi chuyện từ sâu thẳm của dòng tâm thức, cũng như Vệ Sử nói với Tất Đạt, dòng sông biết mọi chuyện, người ta có thể học mọi chuyện từ dòng sông.

Vậy, với tình thương cao thượng, với lòng bi mẫn xót thương cuộc đời từ ý thức sâu sắc, liễu tri được bản tâm, hay chiều sâu của tâm thức, thi sĩ Mặc Giang đã hội đủ những yếu tố xây dựng thành công suối nguồn luân lí đạo đức chuẩn mực, mở ra cho cuộc sống đương đại, cho con người đang sống trong ngục tù hắc ám của tội ác vô minh một cơ hội chuyển hóa, quay về với cội nguồn thánh thiện.

Sự tự đặt định cho mình bút hiệu Mặc Giang cách gần 40 năm về trước, dù đó là cái tuổi ấu thơ, chỉ là xuất phát từ trong tiềm tàng của vô thức, nhưng đó chính là sức mạnh của một đòn bẩy, của cái búng, là sức mạnh tiếp sức cho Dòng Sông Tĩnh Lặng của ngày sau biết chảy vào dòng đời những hồn thơ đầy ắp tình người, chứa đựng bao triết lý thâm sâu, và hình như không những không biết mệt mỏi, mà còn nhiệt huyết, chân thành và tràn đầy thân thiện.Vì vậy, Dòng Sông Tĩnh Lặng cũng chính là độc thoại nội tâm, nhưng cũng chính là đang thỏ thẻ với cả non sông. Thì thầm thủ thỉ vạn lời với đất trời, nhưng lời của người độc thoại, nên thật ra cũng chẳng có gì để trao đổi, như Tô Thức (1037-1101), một văn nhân đời Tống, nói :

Tiếng suối chảy trong khe, là tiếng suối nhiệm mầu

Khói lam trên núi biếc, đâu chẳng là Pháp thân.

Đêm nghe trong tịch lặng, tám mươi ngàn kệ tụng,

Nhưng mai gặp tri âm, chẳng có gì luận bàn.

Một cái đặt tên mà có năng lực quyết định cả một cuộc tử sinh, một lần đặt tên để thêm phần ý thức, để sống trọn vẹn như một lời thệ hải minh sơn, hay một lần vừa chơi cút bắt, vừa trông nhà trước vườn sau cho mẹ, nhưng cũng tranh thủ lật nhanh gấp chậm trang sách Câu chuyện dòng sông, để rồi cái tên tự đặt ấy cùng với tâm tư tình cảm như đã và đang ghi lại dấu son trong dòng đời phù phiếm, để lại tiếng vang theo dòng thời gian.

Tôi cũng không dám hoàn toàn khẳng định, nhờ hồi nhỏ đặt bút hiệu ấy mới có ngày hôm nay, bởi trong trong con người thi nhân sinh ra vốn đã có chất liệu ấy rồi. Khi đặt tên đó, khi lấy bút hiệu đó, thì chỉ như một sự xác định lại lần nữa mà thôi, nhưng vô cùng quan trọng, như là lời thức tỉnh nhắc nhở của một bậc Thầy bên cạnh, như bậc Thầy Vệ Sử ngày xưa đã dẫn dắt thức tỉnh cho Tất Đạt vậy. Và bây giờ, trên con sông tĩnh lặng này, tuổi thơ ngày xưa hay nhà thơ Mặc Giang ngày nay là người lữ khách đi tìm trăng sao cửa động, đá đầu non, và con đường để đi, hay lối về chỉ là “chiếc cầu độc mộc”, cheo leo giữa thế giới ba ngàn. Để từ đó, lời thơ, ý thơ như sông suối, dù có ồ ạt tuôn chảy muôn hướng ngàn phương, nhưng cũng vẫn luôn vần vũ, lưu động, lên xuống, lại qua giữa đôi bờ tình thương và trí tuệ.

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tutuong_thoMacGiang.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên