"Tượng táng": Hình thức mai táng đặc biệt ở Việt Nam - Bài 1: Hai pho “tượng táng” ở chùa Đậu

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

lele

Trưởng Ban Tin Tức
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 10 2006
Bài viết
1,366
Điểm tương tác
77
Điểm
48
Năm 1983, đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ về khảo sát tại chùa Đậu (Thường tín, Hà Nội) và phát hiện trên tượng thiền sư Vũ Khắc Minh có xương sọ ở bên trong qua vết nứt ở trán và mặt của pho tượng. Sau đó,tượng được đưa chụp X quang và khẳng định được đây là thi hài của Thiền sư sau khi viên tịch đã để lại toàn thân Xá Lợi. Bên cạnh là “tượng táng” của Thiền sư Vũ Khắc Trường.

Sức mạnh của Thiền
tuong-tang.jpg
Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh trước tu bổ
Theo bia Dương Hòa thứ 5 (1639) đặt tại đây, chùa Đậu được xây dựng từ triều Lý (thế kỷ XI – XIII). Nhưng do tu sửa nhiều lần, nay chùa chỉ còn dấu ấn của triều Trần, triều Lê, triều Mạc và Nguyễn. Trong chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như sáu bia đá, hai chuông đồng, hai bài thơ nôm viết trên gỗ, cuốn sách đồng… Đặc biệt có hai pho tượng, trước đây đặt trong hai am nhỏ, mà tương truyền là của hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường(từng là trụ trì chùa Đậu vào thế kỉ 17).

Huyền thuyết về tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh, mà dân làng quen gọi Cụ sư rau, bởi thường ăn rau trừ bữa, kể rằng: Trước khi viên tịch, Thiền sư vào ngồi trong am, bảo đệ tử mang theo một chum nước, hai lọ bịt kín. Thầy dặn các đệ tử, sau một trăm ngày nếu không còn tiếng mõ thì mở cửa ra, nếu có mùi hôi thối thì chôn thầy đi. Đúng một trăm ngày sau, không còn tiếng mõ, các đệ tử mở cửa am, thấy thầy đã viên tịch trong tư thế ngồi thiền. Đệ tử cùng phật tử trong vùng nhớ lời thầy dặn, dùng sơn trong hai lọ và sơn thếp nhục thân của thầy để có pho tượng táng như ngày nay.

Các hòa thượng ở chùa đã cho biết về sức mạnh của thiền. Một người bình thường khi viên tịch không thể giữ được tư thế ngồi như các vị Thiền sư. Pho “tượng táng” của Thiền sư Vũ Khắc Minh, đang ngồi thiền ở tư thế kiết già, hai tay kết ấn tam muội, người hơi cúi về phía trước và cổ hơi gù.

Thời gian tàn phá

Các pho “tượng táng” sau hơn ba trăm năm, trong môi trường ẩm cao, lớp sơn ngoài bị bong dộp và nứt nẻ. Hơi nước trong không khí ngấm vào bên trong tượng qua khe nứt, cùng với côn trùng đã làm tượng bị mủn bở, hư hỏng. Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh, hai hốc mắt sắp bị sập vào, nứt bao quanh hai đầu gối.​
tuong-1.jpg
Tượng Vũ Khắc Trường trước tu bổ.​
Sau đó được các cụ trong làng dùng nhựa trám vá lại. Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường, vỡ toàn bộ phần chân để lộ cả xương đùi và xương chày. Trên ngực có lỗ thủng, nhiều côn trùng vào ẩn nấp. Đặc biệt, cột trụ bằng gỗ dùng khi phục hồi tượng năm 1893 đã bị mối mục, tượng có nguy cơ bị sập.

Theo người dân trong vùng kể lại, do trận lụt năm 1893, am của thiền sư bị ngập sâu, bị ngâm lâu ngày trong nước nên tượng bị vỡ. Bà con phật tử thôn Gia Phúc cùng với nhà chùa đã gom xương rồi dùng đất sét, giấy bản giả mịn để phục dựng lại và phủ bên ngoài một lớp sơn màu trắng sữa, vì vậy tượng của thiền sư không còn nguyên dạng ban đầu.

Theo các tài liệu được biết, ngoài các “tượng táng” các Thiền sư ở Việt Nam thì ở Trung Quốc có tượng sơn ta bó lụa của Lục Tổ Huệ Năng, chân thân còn nguyên vẹn, để tại Hoa Nam Tự, nằm phía tây tỉnh Quảng Đông. PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn giả thiết, nét văn hóa độc đáo này có thể Việt Nam hấp thụ được từ Trung Hoa?


Nguyễn Mạnh Hà - nguyên trưởng phòng Kỹ thuật Bảo quản – Viện Khoa học lịch sử Việt Nam (Theo Đất Việt)
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

lele

Trưởng Ban Tin Tức
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 10 2006
Bài viết
1,366
Điểm tương tác
77
Điểm
48
Bài 2: Tu bổ hai pho "tượng táng" ở chùa Đậu

Năm 2000, PGS.TS Nguyễn Lân Cường chấp bút, xây dựng dự án. Dự án được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN) bổ sung, hoàn thiện.

Thuyết phục người dân cho tu bổ tượng
tuong2.jpg
Tượng Thiền sư Như Trí đặt trong tháp (Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà)

Cuối năm 2001, dự án được UBND tỉnh Hà Tây duyệt. Đến giữa năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây và Bộ Văn hóa Thông tin giao Bảo tàng Lịch sử Việt Nam “là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong bảo quản, tu sửa hiện vật cùng Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường thực hiện dự án”. BTLSVN được tín nhiệm, được giao thực thi một dự án mang tính tâm linh vô cùng nhạy cảm.

Bắt tay vào công việc, chúng tôi mới hiểu được vì sao dự án không tiến triển được và kéo dài đến thế! Khi đó, BTLSVN đã nhận được rất nhiều “thông báo và kiến nghị khẩn cấp” từ vị sư chủ trì chùa với nhiều chữ ký nhằng nhịt của một số người “ mang danh phật tử”.

Tất cả những kiến nghị này xoay quanh vấn đề tín ngưỡng nên khi bảo quản không được mang Xá Lợi ra khỏi chùa, không được động chạm đến Tổ… Cùng với đó là rất nhiều đòi hỏi không mang tính xây dựng và thiếu lòng tin. Ngoài ra, còn một số góp ý tu bổ tượng của một số cá nhân có tâm huyết, nhưng thiếu kiến thức về mặt khoa học bảo quản, tu bổ.

Vào thời điểm ấy, tôi phụ trách phòng Kỹ thuật bảo quản – BTLSVN và được giao quản lý dự án. Bao nhiêu khó khăn và thách thức đang phía trước... Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cơ quan cùng với sự hợp tác của Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (cũ), chúng tôi đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc. Nhiều cuộc họp với nhân dân địa phương thôn Gia Phúc, có sự tham gia của các ngành ở tỉnh, huyện như: đại diện Mặt trận, Tôn giáo, Văn hóa và các cán bộ chủ chốt xã Nguyễn Trãi đã được tổ chức.

Rất may mắn cho tôi... Là một người đã từng là cán bộ quân đội, lại được tham gia vào công tác bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên tại một cuộc họp, tôi đã mạnh dạn báo cáo quá trình công tác của bản thân và được bà con cùng nhà chùa tin tưởng, mọi công việc bắt đầu được khai thông.

Kỹ thuật bảo quản của cha ông

Ngày 18/4/2003, lễ khởi công Dự án Tu bổ tượng cổ hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ khắc Trường được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và BTLSVN tổ chức trọng thể tại chùa Đậu có sự tham dự của Lãnh đạo tỉnh Hà Tây, Bộ Văn hóa Thông tin và đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nội dung tu bổ chính là diệt nấm mốc, vi sinh vật, gia cố tăng cường độ cứng vững và tu bổ áo cho các Thiền sư.

Khó khăn nhất là tu bổ áo, bởi chưa hiểu được những “tượng táng” này đã được làm như thế nào? Những tượng sơn son, thếp vàng thông thường có cốt bằng gỗ mít hay bằng đất sét giã mịn cùng trấu, giấy bản hoặc tượng cốt bằng đồng. Sau đó, dùng sơn ta (sơn sống) và tiến hành theo quy trình sơn mài truyền thống là hom, bó, lót, thí, thếp. Mỗi công đoạn hom, bó, lót phải làm từ ba đến bốn lần; mỗi lần hom, bó, lót xong lại mài thật nhẵn rồi lại hom, bó. Những công đoạn này càng làm kỹ thì sản phẩm sơn mài căng, mọng, bóng và đẹp. Cuối cùng, phủ lớp sơn thí rồi thếp bạc phủ hoàn kim hoặc sơn son.

Khi tiến hành bảo quản, nhóm thực hiện dự án đã mày mò nghiên cứu và xác định được, trước đây cha ông đã làm các công đoạn sau: quét một lớp sơn ta, dùng vải thô quấn quanh thi thể, sơn tiếp rồi hom, bó, lót, thí, thếp bạc và phủ lớp sơn son giống như những tượng sơn son khác.

Không ngại khó khăn
<table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" width="1"> <tbody> <tr> <td>
</td></tr> <tr> <td caption="">
tuong3.jpg

</td></tr></tbody></table>
Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh sau tu bổ (Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà)​

Riêng pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường do tu sửa lại nên một vài chi tiết có thay đổi. Nắng nóng mùa hè, hơi sơn, mùi hóa chất làm cho gian phòng gần 20m2, xung quanh che chắn kín, dành riêng để tu bổ tượng hai vị thiền sư càng thêm ngột ngạt. Sơn ta và hơi bay ra từ hóa chất trong môi trường nóng ẩm, làm một số thành viên dự án bị dị ứng mẩn ngứa khắp người... Dù vậy, không vì thế mà tiến độ công việc bị ảnh hưởng.

Xử lý khe nứt, tạo sự liên kết giữa lớp mới và cũ; ghép xương đùi bị rời ở tượng Vũ Khắc Trường là công việc Ban dự án cùng nhau bàn bạc, trao đổi rất kỹ. Bằng kinh nghiệm của các nghệ nhân, chuyên gia và bằng trí tuệ các nhà khoa học, cuối cùng những vướng mắc, khó khăn đó được giải quyết. Tại các khe nứt, xắn sâu xuống khoảng 2-3mm và mở rộng mỗi bên 1cm để cấy lớp vải màn cùng sơn ta giọt một. Đây là loại sơn được mua từ Thanh Sơn, Phú Thọ. Sau khi sơn thì hom, bó nhiều lớp để ngang bằng bề mặt ở xung quanh. Việc sắp đặt các xương đùi, trước hết đưa chúng vào vị trí, dùng mùn cưa, sơn ta tạo thành gối đỡ, sau đó dùng keo chuyên dụng gắn chặt.

Đặc biệt, tu sửa hai mắt thiền sư Vũ Khắc Minh, mọi người lo lắng vì sợ bị rơi vào bên trong tượng. Từng công việc, từng thao tác trong quá trình tu bổ bảo quản phải chính xác, thận trọng. Bảo quản và làm lớp sơn son cuối cùng trên các pho tượng, các nghệ nhân căng màn tuyn để tượng vào trong đó. Làm như vậy, để chống bụi –và không làm ảnh hưởng độ bóng lớp sơn.

Để có tư liệu phục vụ quá trình tu bổ và làm tài liệu đối sánh khi nghiệm thu, Ban dự án đề xuất phục chế hai pho tượng bằng thạch cao, có hình dáng, kích thước, màu sắc y hệt hai tượng cũ. Công việc phục chế các pho tượng này cũng khá gian nan, bởi tượng gốc đã bị hư hỏng nặng, khi đổ khuôn dễ bị gẫy, sập. Các nhà điêu khắc, các nhà bảo quản đổ khuôn tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh, được phân ra nhiều phần.

Khi xong phần này, mới chuyển sang phần khác, để đảm bảo an toàn. Nhưng như vậy, đòi hỏi chính xác rất cao mới ghép được khuôn. Riêng tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường không thể đổ khuôn trực tiếp, giải pháp duy nhất là nặn pho tượng bằng đất sét giống hoàn toàn tượng gốc. Sau đó, dùng tượng này làm cốt đổ khuôn để làm tượng đối chứng. Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường, có một số xương bị hở, nên trong quá trình tu bổ, nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường đã đo được kích thước và chỉ số xương, trên cơ sở đó tính toán được chiều cao cơ thể của Thiền sư khoảng 1,65m.

Cả hai tượng gốc Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường sau tu bổ, được bảo quản trong các khám gỗ, thiết kế kiểu Long đình mang phong cách thời Lê Trung Hưng. Trong khám là hộp kính bảo quản. Kính được đặt gia công loại đặc biệt, chống được va đập mạnh và lắp đặt rất kín. Kính trong suốt, đứng từ xa vẫn nhìn rõ tượng các thiền sư ở bên trong. Sau khi đưa tượng các thiền sư vào trong khám, hút hết không khí và thay vào đó là khí nitơ để bảo quản. Đây là loại khí không độc, không mùi được dùng để bảo quản sạch, an toàn.

Ngày 29/11/2003, lễ khánh thành tu bổ tượng hai Thiền sư chùa Đậu được tổ chức trọng thể. Tại buổi lễ, khi tôi cho biết kinh phí tu bổ tượng các vị thiền sư là hơn ba trăm triệu đồng, một chị phó phòng biên tập của Thông tấn xã Việt Nam đã thốt lên “Em cứ tưởng tiền tỷ” khiến cho tôi cứ nhớ mãi...
 

lele

Trưởng Ban Tin Tức
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 10 2006
Bài viết
1,366
Điểm tương tác
77
Điểm
48
Bí mật "tượng táng" ở chùa Tiêu Sơn

Chùa Tiêu Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) gắn liền với Thiền sư Vạn Hạnh. Thiền sư Vạn Hạnh là người đã giúp vua Lê Đại Hành trị nước an dân và được vua tôn kính làm thầy.
Nhà chùa mời tu bổ tượng
Tương truyền Ngài (Thiền sư Vạn Hanh) có công nuôi dạy và đưa Lý Công Uẩn lên làm vua và trở thành Quốc sư. Nhục thân của thiền sư Như Trí được đặt trong tháp của vườn chùa. Trên tháp có viên gạch, bên trái có dòng chữ Hán, tạm dịch: “Ngày lành mùa xuân (1/4), niên hiệu Bảo Thái thứ tư triều Lê xây mộ tháp” (đời vua Lê Dụ Tông, năm 1723). Bên phải là dòng chữ Hán nói rõ: nhục thân trong tháp là Ma ha Đại Tỳ kheo Như Trí.
<table style="margin: 5px;" align="left" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" width="1"> <tbody> <tr> <td class="cms_img">
tuong5.jpg
</td> </tr> <tr> <td class="cms_imgCaption"> </td> </tr> </tbody> </table> Sau khi BTLSVN cùng PGS- TS Nguyễn Lân Cường và các cộng sự tu bổ, bảo quản thành công tượng hai vị thiền sư chùa Đậu, Đại đức Thích Kiến Nguyệt, đại diện Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đến gặp Ban dự án và đưa chúng tôi xem ảnh tượng thiền sư Như Trí rồi nhờ giúp đỡ.
Theo Ni sư Thích nữ Đàm Chính, hơn 60 năm ở chùa này, nhưng mãi năm1971, một sự tình cờ, khi bắc thang trèo lên cắt rễ cây, cành lá trên tháp, thấy viên gạch màu đỏ, trên có ghi tên và năm tịch của người trong tháp. Nhìn qua khe nứt của tháp, Ni sư thấy nhục thân ngồi ở bên trong. Nhưng để đảm bảo an toàn, Ni sư bịt kín khe nứt lại và giữ kín chuyện.
Mãi đến năm 1996, khi Hòa thượng Thích Thanh Từ trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt đến thăm chùa, Ni sư Đàm Chính, chủ trì chùa nhờ Thiền viện giúp đỡ. Trong môi trường không thông thoáng và ẩm ướt, vì vậy “tượng táng” của Thiền sư Như Trí bị hư hỏng rất nặng. Hai tay tượng Thiền sư bị hỏng mất quá khuyủ, dưới mắt trái bị thủng một lỗ, chân và nhiều vị trí khác bị mục, mủn. Lớp sơn trên thân tượng bị bong, dộp toàn bộ .
Nhóm dự án bắt tay vào khảo sát, nghiên cứu và xây dựng các phương án, giải pháp kỹ thuật tu sửa, bảo quản. Nhờ kinh nghiệm bảo quản tượng thiền sư chùa Đậu, nên dự án được xây dựng rất nhanh và được nhà chùa chấp thuận.
Phục hồi nguyên vẹn tượng cổ

Ngày 5/3/2004, nhà chùa cùng chính quyền địa phương sở tại, đại diện Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và bà con phật tử làm lễ đưa nhục thân Thiền sư ra khỏi tháp. Ngày 11/ 3, nhà chùa làm lễ khởi công tu bổ tượng. Công việc được triển khai nhanh, gọn nhờ kinh phí tu bổ bảo quản tượng Thiền sư được Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt đầu tư cùng với sự đóng góp của một số bà con phật tử. Mặt khác, vì tượng bị hư hỏng quá nặng nên triển khai càng nhanh càng giảm thiểu sự hư hỏng. BTLSVN đã được nhà chùa và Thiền viện nhờ tư vấn và giám sát chất lượng kỹ thuật bảo quản, tu bổ với tinh thần công đức.
Do tượng Thiền sư bị hư hỏng nặng, nên nhóm dự án và tư vấn cùng nhau trao đổi, thống nhất với nhà chùa xử lý, phục hồi các vị trí bị mất sát với thực tế. Trong quá trình tu bổ, có những phát hiện mới ở tượng Thiền sư Như Trí. Đó là có một tấm đồng ở ngực rộng 22cm và tấm ở lưng dài 65cm, rộng 15cm. Trên đầu và cổ cũng được cuốn những dải băng bằng đồng có nhiều kích thước khác nhau. Sau khi bó vải và bồi lớp thứ nhất, người ta đặt các tấm đồng rồi tiếp tục hom, bó, lót, thí theo quy trình sơn mài cổ truyền.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu và suy đoán là thiền sư viên tịch lâu ngày, di hài không còn cứng vững nên trước khi hom, bó, sơn thếp thành tượng phải gia cố thêm. Có lẽ nhờ vậy, tượng Thiền sư tư thế vươn thẳng, như đang ngồi thiền vậy. Sau hơn bốn tháng làm việc, một pho “tượng táng” nữa được phục hồi, trả lại giá trị ban đầu. Chúng tôi hòa chung niềm vui cùng bà con phật tử và nhân dân trong vùng trong ngày khánh thành tu bổ, bảo quản tượng tại chùa Tiêu Sơn.
Chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn là những di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia. Những pho “tượng táng” đang được lưu giữ tại đây là di sản văn hóa Phật giáo độc đáo của Việt Nam và thế giới. Mỗi năm, nhất là mùa lễ hội dịp đầu xuân, hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đã đến viếng chùa và tham quan những pho tượng táng độc đáo này.
<!--123-->
Theo: baodatviet.vn
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên