Vai trò của người cư sĩ phật tử ...

lele

Trưởng Ban Tin Tức
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 10 2006
Bài viết
1,366
Điểm tương tác
77
Điểm
48
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CƯ SĨ PHẬT TỬ
TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Thượng Tọa Thích Giác Mãn
Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế​
Phó Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Thừa Thiên Huế​
Chánh đại diện Phật giáo thị xã Hương Thủy.

Không phải ngẫu nhiên mà giới Cư sĩ ngoài việc hộ trì Tam bảo mà còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoàng dương Phật pháp, góp phần làm cho Chánh pháp được hiện thực hóa giữa cuộc đời. Trần Nhân Tông trog bài Cư trần lạc đạo phú, Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông viết “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tất”. Ý ngài muốn nói dù bất cứ ai dù muốn sống giữa cõi đời nếu nỗ lực tu hành, thực tập về đời sống tâm linh sẽ được giải thoát và an lạc. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao, tột bậc mà con người có khả năng thành tựu. Ngoại trừ những bậc xuất gia tu hành sống một đời sống không gia đình, ở trong chùa, số còn lại là cư sĩ tại gia, sống với gia đình, thì thành phần này chiếm số đông trong giới Phật giáo. Nếu cư sĩ nào có Chánh kiến, nỗ lực tu học và sống theo đúng chánh pháp thì chắc chắn cũng thành tựu giải thoát tự thân, góp phần làm cho phật giáo sẽ thêm hưng thịnh trường tồn.
Theo Hòa thượng Thánh Nghiêm, tác giả phật giáo Chánh Tín thì cư sĩ xuất hiện lần đầu tiên trong kinh Duy Ma Cật, trong kinh, ngày Duy Ma Cật được gọi bằng 3 danh hiệu: Một là trưởng giả trong phầm “Phương tiện”, hay là thượng nhân hay Đại sĩ trong phẩm “Văn thù thăm bệnh”, ba là Cư sĩ trong phẩm “Bồ tát”.
Theo các ngày Cưu Ma La Thập, Huyền Trang, Trí Khải thì ngày Duy Ma Cật nguyên là một vị bổ xứ Bồ tát (vị Bồ tát sắp chứng quả phật) trên cõi Phật A Thiềm ở phương đông. Để hỗ trợ cho sự nghiệp giáo hóa của Đức Phật Thích Ca ở cõi ta bà, ngài Duy Ma Cật đã thị hiện thành một vị tại gia mà trình độ giác ngộ, giải thoát giác ngộ của ngài khiến cho một vị Bồ tát trí tuệ hàng đầu như ngày Văn Thù cũng phải kiên nể. Như vậy trong kinh Duy Ma, từ cư sĩ đồng nghĩa với từ đại Bồ tát.
Trong kinh trường A Hàm có từ “cư sĩ báu”, chỉ cho vị quan đại thần trong coi kho vàng bạc của Vua Chuyển Luân Vương. Rõ ràng từ cư sĩ ở đây chỉ cho nhà quản lý được vua trọng dụng. Ở Ấn Độ ngày xưa đẳng cấp thứ 3 sau hai đẵng cấp Bà la môn và Sát đế lỵ là đẳng cấp Vệ xá (Vaiyas) bao gồm các công thương gia, các nhà doanh nghiệp. Từ cư sĩ báu trên chỉ các công thương gia, các nhà doanh nghiệp thuộc cấp Vệ xá này.
Vào thời Phật Thích Ca, từ cư sĩ được dùng rộng rãi để chỉ các gia chủ có thể là Phật tử. Trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt(Trường A Hàm. Từ ca la việt chỉ cho cư sĩ. Kinh này ở Tạng Pali, có tên gọi là Singalovada, dịch ra chữ Hán là kinh Thiện sanh). Như vậy từ cư sĩ trong kinh Singalovala đồng nghĩa với từ gia chủ.
Sau này, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ cư sĩ để chỉ cho những người Phật tử tại gia tu học, hướng tâm giải thoát, hộ trì Phật pháp. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Lý-Trần có những ông vua Phật tử, tuy không xuất gia nhưng là những Thiền sư lổi lạc, nổi tiếng những nhà Phật học uy bác như Lý Thái Tông, vua thứ 2 đời Lý, đệ tử đắc đạo của Thiền sư Thiền Lão, được cuốn “Thiền Uyển tập anh” xếp làm một tổ thuộc thế hệ thứ 9 của Phái Thiền Vô Ngô Thông. Vua Lý Thánh Tông, vua thứ 3 đời Lý được công nhận là tổ thứ hai của phái thiền Thảo Đường (Phái thiền thứ 3 của Việt Nam). Vợ vua là Thái phi Ỷ Lan được nhân dân tôn xưng là Quan Âm nữ cũng là một cư sĩ xuất sắc có một bài thơ thiền được lưu lại trong sách thiền uyển. Đời Trần vua Trần Thái Tông, tác giả cuốn khóa hư lục và tuệ Trung thượng sĩ đều là những cư sĩ nỗi tiếng mà ngay các tu sĩ cũng tôn xưng họ là những bậc thầy trong đạo. Vua Trần Nhân Tông sau này xuất gia lập ra phái Thiền Yên tử cũng tôn xưng Tuệ Trung thượng sĩ là đạo sư của mình.
Trong quá trình tồn tại và pháp triển của Phật giáo Việt Nam, các hoạt động của giáo hội qua các thời kỳ luôn gắn liền với vai trò quan trọng của các cư sĩ Phật tử. Đặc biệt là thành lập các hội Phật học khắp ba miền Nam Trung và Bắc sự thành công của ba hội này có sự góp phần quan trong của các thành phần Cư sĩ Phật tử. Cụ thể:
Tại Nam kỳ, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học ra đời năm 1931, khởi đầu là tại Miền Nam (1920-1929), cùng với sự vận động chấn hưng Phật giáo của Hòa Thượng Khánh Hòa, HT Từ Phong, HT Huệ Quang HT Khánh An, Sư Thiện Chiếu, HT Pháp Hải, Từ Nhẫn, Chơn Huệ…còn có nhiều cư sĩ Phật tử tham gia như : Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Cần, Huỳnh Văn Quyền, Trần Văn Khuê, Trần Nguyễn Chấn…Tiến đến thành lập hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học. Người đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển của hội sau này, nhất là truyền bá chánh pháp cùng với Chư Tôn Đức là Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền, về phía GĐPT có Tâm Bửu-Tống Hồ Cầm, Nhật Minh – Nguyễn Hữu Huỳnh.
Trong khi đó tại Trung kỳ, Hội An Nam Phật học ra đời vào năm 1932 do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ xướng. Khởi đầu hội có 5 vị Hòa Thượng chứng minh (như ngài Giác Tiên, Giác Nhiên v.v…) và 11 cư sĩ, trong đó cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chánh hội trưởng. Đặc biệt cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là người sáng lập gia đình phật tử Việt Nam cùng với sự tham gia của các cư sĩ tiền Bối Đinh Văn Nam (HT Thích Minh Châu) Dinh Văn Vinh, Võ Đình Cường, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Tráng Thông, Lê Cảnh Đạm…là thành viên ban sáng lập GĐPT Việt Nam.
Hội Phật Giáo Bắc Kỳ thành lập vào năm 1934, với danh hiệu Bắc kỳ Phật giáo hội, được cụ Nguyễn Năng Quốc hỗ trợ. Ban sáng lập gồm 32 vị cư sĩ, tổ Vĩnh Nghiêm được thỉnh làm Tòng Lâm Pháp chủ, chỉ có một số Thượng tọa trẻ tuổi đứng ra tổ chức như thầy Thái Hòa và thầy Trí Hải v.v…về phía cư sĩ thì ũng hộ rất đông, nhất là cụ Hoàng Trọng Phu và cụ Nguyễn Năng Quốc cộng với sự hợp tác của cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu) Vũ Đình Chung …tiến hành vận động chánh hưng thành lập hội.
Tất cả nhựng hoạt động của các hội đưa đến thành công trong sự thiết lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1951 tại từ Đàm Huế. Từ đó về sau, qua bao cuộc đấu tranh bảo tồn Phật Pháp, cư sĩ Phật tử luôn là thành viên trung thành của Giáo Hội. Đến năm 1981 thống nhất Phật giáo, cư sĩ Phật tử đã tích cực tham gia vào các ban, Ngành, Viện của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên trong các thời kỳ khác nhau của Phật Giáo, vai trò của cư sĩ Phật tử có phát huy công đức tác dụng đến đâu cũng đều do sự quan tâm giúp đỡ chỉ đạo của chư Tôn Đức Tăng Ni trong giáo hội và quý thầy Trụ trì chùa.
Điểm đáng nói là với sự thành lập nhiều tiểu ban: Thanh thiếu nhi Phật tử, Phật tử dân tộc ít người, Phật tử Nam Tông kinh-Kimer, Phật tử hệ Phái Khất sĩ, Phật tử người Hoa và tiểu ban liên lạc Phật tử Hải ngoại …Ban hướng dẫn Phật tử trung ương nhiệm kỳ VI 2007-2012 đã thể hiện vị trí và vai trò của cư sĩ Phật tử trong thời hội nhập và phát triển là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ban cũng cần chú trọng việc xây dựng các tổ chức các đoàn phật tử hoạt động và tu học theo nghành chuyên môn của họ như: Đoàn Phật tử Doanh nghiệp, Đoàn Phật tử tiểu thương, Đoàn Phật tử y Khoa, Đoàn Phật tử Giáo Dục, Đoàn Phật tử Văn Nghệ sĩ, Đoàn Phật tử từ thiện, Đoàn Phật tử Ngi Lễ v.v… Chính các Đoàn Phật tử có tính chất chuyên nghiệp này sẽ phát huy năng lực và hiệu quả trong tu học cũng như tham gia các Phật sự, khi mọi thành viên đều có chung một thế mạnh về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Và như thế, tất cả mọi tổ chức sinh hoạt của nam cư sĩ phải thống nhất từ trong quan điểm cho đến hành động theo tinh thần đại gia đình Phật giáo đúng như lời dạy của Hòa Thượng Thích Trí Quang, nguyên Chánh hội trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật học huấn từ trong lễ trao cấp hiệu đầu tiên cho GĐPT tại chùa Từ Đàm Huế, ngày 23/7/1956, đã huấn từ: “Hội chúng ta vốn là một tổ chức có thầy có trò, có chú có bác, có anh có em, một tổ chức có tính chất đại gia đình được điều khiển bởi chính Đức phật và những lời giáo huấn thanh tịnh của ngài. Sống trong tổ chức đó, anh chị em có một sứ mệnh rõ rệt, ấy là thay hội dìu dắt đàn em của mình bước từng bước vững vàng theo dấu chần của đức Từ Phụ”.
Đây cũng chính là cơ sở để phổ cập hóa chương trình hoạt động Phật hóa gia đình. Nghĩa là đem giáo lý Phật đà để áp dụng vào trong từng gia đình của các thành viên, thiết lập một đời sống đạo đức hiền thiện, hướng tâm đến giải thoát. Trong ngôi nhà chung của giáo hội thì hàng phật tử tại gia là lực lượng đông đảo nhất trong cấu trúc “tứ chúng đồng tu”. Là lực lượng hộ trì tam bảo, Phụng sự đạo pháp đắc lực nhất, là lực lượng hậu duệ, kế thừa truyền trì mạng mạch Phật giáo từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Thực tế cho thấy, phong trào chấn hưng phật giáo thập niên 1930 của thế kỷ trước, chúng ta đã có “Gia đình Phật hóa phổ’, rồi đến gia đình Phật tử. Tuy nhiên, có trường hợp, trong một gia đình có khi ông bà theo đạo Phật nhưng con cháu thì không, hoặc cha đi chùa nhưng mẹ thì không hoặc ngược lại, hoặc cha mẹ theo đạo phật nhưng con cái thì lấy vợ gả chồng theo đạo khác….có những hoàn cảnh đáng tiếc xảy ra cha làm Huynh trưởng vì thương con đi cưới con dâu là khác đạo …Do đó, chư Tôn Đức Ngành hướng dẫn Phật tử phải thường xuyên lòng ghép nội dung Phật hóa gia đình vào mỗi thời thuyết giảng của mình trên phương tiện truyền thông, báo chí như tạp chí VHPG, Giác Ngộ, Nội san PG tại các tỉnh thành…mở chuyên mục Phật hóa gia đình để con em có chánh kiến trong đời sống tu học, tránh những tình trạng đáng tiếc nói trên xảy ra.
Cụ thể, các cư sĩ lãnh đạo, các gia đình Phật tử, niệm Phật đường thường xuyên động viên khuyến khích các bậc cha mẹ có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên Gia nhập gia đình Phật tử, hoặc Đoàn thanh thiếu niên Phật tử của đơn vị đối với nam nữ phật tử, đoàn sinh, huynh trưởng GTĐT đến tuổi lập gia đình, các bậc cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con em mình nên chọn người hôn phối cùng tín ngưỡng. Các vị trụ trì khuyến khích các bậc cha mẹ và nam nữ Phật tử tổ chức lễ Hằng thuận ở chùa khi đăng ký kết hôn và khi có con được ba tháng tuổi thì đưa cháu về chùa xin thầy qui y đặt cho pháp danh để theo hạt giống bồ đề cho các cháu ngay từ lúc măn non.
Rõ ràng vai trò của các cư sĩ Phật tử Việt Nam ngày nay một mặt tiếp tục nỗ lực nhiệt tâm tinh cần với một tinh thần “tôn sư trọng đạo”, hộ trì tam bảo, trên hết là phát tâm dũng mãnh tu học, mong cầu những được giải thoát khổ đau.
Trên bước đường tu học, cư sĩ Việt Nam ngày nay được kế thừa truyền thống của tổ tiên cha ông, nôi theo và thực hành theo lời khuyên của các bậc cư sĩ ngộ đạo như Trần Thái Tông, Tuệ Trung,…Trong khóa hư lục, Trần Thái Tông dạy: “Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, bất câu tăng tục, hưu biện xuất gia tại gia, nhi chủ yếu biện tâm, bổn vô nam nữ, hà tu trước tướng” không phân biệt là sống ở đời hay sống trong rừng, không phân biệt tại gia hay xuất gia, chỉ cốt yếu là biện tâm, vốn không nam nữ sao lại chấp tướng).
Chúng ta thấy rõ qua lời dạy của Ngài Trần Thái Tông, người cư sĩ (tất nhiên người xuất gia cũng thế) phải biết tận tâm. Biện tâm là phương thức chuyển hóa nội tâm, thanh lọc tâm cho đến khi nào tâm trở về sự thanh tịnh. Tuy nhiên cuộc đời có rất nhiều bụi trần mà người cư sĩ phải thường xuyên biện tâm bằng cách tẩy rửa bụi trần đem lại. Điều đó có nghĩa sống tron thế giới đầy nhiễm ô của bụi trần, Trần Thái Tông khuyên mọi người hãy biện tâm bằng cách khởi chánh tư duy trong khi suy nghĩ, trong lúc thể hiện lời nói và hành động cụ thể để thực thi điều gì đối với mình, và cho người khác.
Hay nói cách khác tức là tự tìm hiểu tâm mình, tự tu tập tâm mình trước các vấn đề mà mình chuẩn bị làm, đang làm, sẽ làm. Muốn tu tập tam tất nhiên phải luôn luôn tỉnh giác quan sát tâm mình, trong tâm mình nảy sinh ra cảm thọ gì, ý nghĩ gì, giải quyết gì chúng ta đều phải biết rõ. Đó là cảm thọ ý nghĩ quyết định đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực, có lợi hay có hại cho mình và người để kịp thời điều chính uốn nắn.
Sơ Tổ Trúc Lâm- Trần Nhân Tông trong bài Cư Trần Lạc đạo phú, hội 3, lại còn khẳng định hơn nữa: “ Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc, Sơn Lâm chẳng cốc, họa kia thật cả đồ công” (là người tại gia mà tu học thành công được giác ngộ và giải thoát thì phúc đức ấy thật là đáng quí hết sức, còn tu ở núi rừng (xuất gia tu ẩn) mà vẩn không giác ngộ (cốc từ Nôm nghĩa là giác) thì thật là uổng công)
Theo lời dạy của Tổ, thì người cư sĩ tại gia mặc dù sống “trần tục”, tức là sống bụi bặm biết biện tâm thì vẫn thành công trong sự tu tập, vượt thoát khổ đau, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất, cái gọi là “Phúc ấy càng yêu hết tấc”,đáng tán dương và trân trọng hơn bao giờ hết. Bởi vì không ai khác hơn, các cư sĩ tại gia, vừa có bổn phận thực thi vai trò và trách nhiệm của một công dân của đất nước, của một người lo gánh vác của gia đình, của một Phật tử thuần thành hướng tâm tu tập, đem đạo vào đời. Chính vì vậy vai trò của người cư sĩ rất quan trọng, họ là hình ảnh Phật giáo đi vào đời và làm cho đời sống tươi như ngài Tuệ Trung Thượng sĩ thường dạy.
Trong kinh Pháp Cú, phẩm “Tâm”, Phật đã dạy nhiều lời về sự tu tập tâm mà bất cứ ai dù tại gia hay xuất ngày nay cần phải thành trì. Chẳng hạn “Người trí làm tâm thẳng, Như thợ tên là tên…” (kệ 33), “Người trí phòng hộ tâm, Tâm hộ an lạc đến ….” (Kệ 35)
Như vậy, đức Phật khuyên chúng ta luôn luôn tỉnh giác để uốn nắn tâm như thợ tên uốn nắn tên vậy, phòng hộ tâm, đều phục tâm khi chúng ta gặp phải các nghịch cảnh có thể làm chúng ta nảy sinh ra các phiền não tham, sân si, v.v… có thể nói đời sông người tại gia tạo ra cho họ nhiều cơ hội để hiểu biết tâm mình, rèn luyện tâm mình, bồi dưỡng những đức tính đáng quy như nhẫn nhục, kiên trì, tinh tấn.
Có thể nói biện pháp tinh tấn là biện pháp tu tập tâm, biện tâm hàng đầu đối với cư sĩ Phật tử. Người cư sĩ sống giữa đời thế tục rộn ràng phải càng tỉnh giác hơn tăng sĩ nữa. Bởi vì giữa những người sống rộn ràng, hay ốm đau, hay hận thù mà cư sĩ lại sống không rộn ràng, không bệnh tật, không hận thù thì thật là đáng quý biết bao. Đức Phật từng khen ngợi những con người như vậy dù là tăng sĩ hay cư sĩ. Phật tử cư sĩ cũng làm được nếu thực hành theo lời Phật dạy: “Luôn luôn chánh niệm tỉnh giấc”. Hay “Vui thay chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù”. (Kệ 197) và “Vui thay chúng ta sống, Không rộn, giữa rộn ràng (kệ 199).
Các câu kệ trên của kinh Phap1 cú cũng dễ hiểu nếu chúng ta biết rằng những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sân hận tạo ra trong thân tâm những đảo lộn về nội tiết, khiến trong máu tiết ra nhiều độc tố, tích lủy lâu sẽ sinh ra nhiều bệnh tật. Cũng như người tham danh, tham lợi và vì danh lợi mà suốt đời tất bật, rộn ràng thì phải hao phí nhiều năng lượng khiến chống già và dễ sinh bệnh tật. Thế nên, Phật, Tổ dạy: Phiền não, chướng duyên, nghịch cảnh là những điều kiện, môi trường để tự thân nỗ lực tu tập, để chuyển hóa thân tâm và sống an nhiên tự tại, giải thoát hơn bao giờ hết. Cư sĩ là những người hiện thân vào đời và góp phần làm cho sáng tươi, Phật pháp thêm huy hoàng.
Tóm lại, cuộc sống vốn biến động vô thường, chính trong sự biến động vô thường ấy mà làm cho con người sống trong trần tục nỗ lực vượt lên, thăng hoa, nâng cao phẩm chất đạo hạnh. Từ một người phàm phu tục tử có thể trở thành bậc Thánh giữa cõi đời này đúng như tinh thần Tổ Trúc Lâm dạy “Trần tục mà nên, phúc ấy càng hết tấc”. Đạo Phật là đạo giác ngộ, cũng thế con người có thể ngộ Phật pháp dù tại gia hay xuất gia giữa cuộc đời trần tục. Đây chính là mục đích tối hậu mà vai trò của người cư sĩ trong thời đại hội nhập và phát triển cần phải thực thi.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên