Xin chia sẽ một bài Pháp tuyệt vời của thầy Viên Minh vừa đọc được trên Facebook

Hoa Vô Tướng

Well-Known Member
ĐÃ TIẾN CÚNG
Tham gia
9 Thg 4 2018
Bài viết
733
Điểm tương tác
262
Điểm
63
Khai Thị Thực Tại
www.trungtamhotong.org

ĐẠO ĐẾ - DIỆT ĐẾ

Chúng ta cần thấy rõ Khổ đế và Tập đế vì nếu không thấy đúng đâu là khổ và nguyên nhân của nó thì vô tình làm theo Tập đế mà cứ tưởng mình hành theo Đạo đế. Từ đầu chúng ta đã nói đến Pháp là: “Thực tại hiện tiền, có thể thấy ngay, không qua thời gian, quay lại là thấy, ngay trên thực tại mà mỗi người có thể tự chứng”. Cho nên nếu ngay đây không thấy ra Diệt đế (Niết-bàn) mà phải đợi đến tương lai thì chắc chắn là đang đi theo vọng tưởng được lập trình bởi bản ngã. Nói đến Diệt đế, đức Phật có những định nghĩa rất đơn giản:

- Bặt dứt tham, sân, si là Niết-bàn

- Không sinh-hữu-tác-thành là Niết-bàn.

- Không, vô tướng, vô tác, vô cầu là Niết-bàn

- Tịch tịnh, rỗng lặng, an nhiên, tịch diệt là Niết-bàn.

Vậy, tu chứng Niết-bàn chắc chắn không phải là kết quả của sự nỗ lực rèn luyện hay tạo tác để mong trở thành, mà đúng như lời Phật dạy chỉ cần “nhất hướng viễn ly, ly tham, đoạn diệt” mọi bất thiện, mọi vọng cầu thì tâm liền “an tịnh”, và “chánh trí” không còn bị tà kiến, tham ái của bản ngã che lấp, ngay đó liền “giác ngộ Niết-bàn”. Khi đức Phật dạy: “Tịch tịnh là siêu lạc” (santī paramam sukham), là cái lạc của vô tham, vô sân, vô si; của không, vô tướng, vô tác, vô cầu chứ không phải cái lạc thọ trong tam giới, dù là hiện tại lạc trú của thiền định hữu sắc và vô sắc.

Sở dĩ đức Phật phần lớn định nghĩa Niết-bàn bằng thể phủ định vì thể xác định rất dễ bị hiểu lầm thành trạng thái lý tưởng. Như nếu định nghĩa theo Bà-la- môn, Niết-bàn là thường-lạc-ngã-tịnh thì rất dễ rơi vào thường kiến, ngã kiến và tham chấp vào lạc, vào tịnh mà không ngay đây giác ngộ Sự Thật. Không thấy được Sự Thật ngay đây và bây giờ là vô minh; mong cầu đạt được lý tưởng ở tương lai mà mình chưa thực sự biết là ái dục; ham muốn thủ đắc thường-lạc-ngã-tịnh là tham; nỗ lực loại bỏ vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh là sân. Và tất nhiên muốn đạt được ý đồ này thì phải lệ thuộc vào thời gian, phải tạo nhân gặt quả để rồi tự chuốc lấy phiền não khổ đau. Rốt cuộc, khởi điểm tu hành như thế là xuất phát từ tham sân si nên vô tình rơi vào quỹ đạo của Tập đế, Khổ đế, của quá trình thời gian luân hồi sinh tử mà cứ tưởng là đang tu hành để giác ngộ giải thoát.

Không thể nào khởi tâm tham sân si để mong cầu đoạn tận tham sân si được, cũng không thể lấy bản ngã để đi tìm vô ngã được. Vì vậy chỉ khi tâm không, vô tướng, vô tác, vô cầu mới có thể chứng ngộ Niết- bàn.

- Không là không khởi tâm tham sân si hay không sinh tà kiến, tham ái. Khi muốn tu với mục đích diệt khổ là đã sân rồi, muốn đạt được định là đã tham rồi, làm sao đoạn tận tham sân si được!

- Vô tướng là không cố nắm bắt hay trụ vào bất cứ một tướng trạng nào dù là định, an lạc hay Niết-bàn, huống chi một phương pháp hay một pháp môn chế định. Như đức Phật dạy: “pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp”.

-Vô tác là không nỗ lực tạo tác để trở thành bất cứ điều gì. Ngược lại, tạo tác tức luôn cố gắng tu luyện để trở thành hay đạt được sở tri, sở đắc nào đó. Như vậy làm sao thấy được hữu vi vô thường, khổ và tất cả pháp vô ngã!

- Vô cầu là không mong cầu bất cứ điều gì. Do không thấy pháp vốn đã đầy đủ bên trong nên mới hướng ngoại tìm cầu. Như tất cả thiền định, Niết-bàn đều đã có sẵn, tại vọng tâm tìm kiếm bên ngoài mới không tự thấy được mà thôi. Chỉ cần không còn bản ngã tham sân si thì Đạo đế và Niết-bàn liền hiển lộ.

Vậy, dù cho pháp hành gì mà xuất phát từ hữu, tướng, tác, cầu thì không thể nào đưa đến mục đích viễn ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí giác ngộ Niết-bàn được.

Thí dụ khởi tâm ham thích thiền định là hữu, muốn an trú trạng thái định là tướng, cố gắng tu luyện để đắc định là tác, và mong đắc được định là cầu. Vậy nỗ lực hành thiền sở đắc là hữu vi hữu ngã trong tam giới nên chỉ bị trói buộc bởi sắc ái và vô sắc ái khó mà giác ngộ hoàn toàn được.

Một hôm chư Tăng đi với đức Phật đến bên một dòng sông. A-nan hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng con tu tập theo sự hướng dẫn của Thế Tôn thì khi nào đến được Niết-bàn?”. Đức Phật chỉ khúc cây trôi giữa dòng sông và nói: “Nếu khúc cây kia không bị tấp vào bờ này, bờ kia, không tự mục nát, không bị chìm đắm, không bị vớt đi thì chắc chắn tự vào biển cả”.

Câu chuyện này vô cùng sâu sắc. Ai cũng tưởng mình phải cố gắng tu luyện cho nhanh để mau đạt tới Niết-bàn. Nhưng không phải. Chỉ cần không vướng vào nhị nguyên tham ưu, lấy bỏ (bờ này bờ kia), không sống buông lung phóng dật (tự mục nát), không bám trụ sở đắc (bị chìm đắm), không ham hưởng phước nhân thiên (bị vớt đi) thì ngay đó là Niết-bàn chứ không phải bản ngã muốn nỗ lực tu luyện để sở đắc Niết-bàn trong ảo mộng.

Bậc Thánh Tu-đà-hoàn (quả Nhập Lưu) là người đã bắt đầu sống thuận với sự vận hành của Pháp, nói cho dễ hiểu là đã trở về với Pháp Tánh tự nhiên vốn hoàn hảo, nên không cần nỗ lực hướng ngoại tìm cầu sở đắc gì nữa. Tất cả mọi nỗ lực tu luyện đều hướng đến sở đắc tương lai, trong khi Đức Phật lại dạy “viễn ly, ly tham, đoạn diệt” chính là buông mọi nỗ lực rèn luyện để trở thành - tức mong cầu sở đắc tương lai - để trở về giác ngộ Niết-bàn ngay nơi hiện tại.

Bất cứ pháp hành gì xuất phát từ ý đồ trở thành hay đạt đến sở đắc tương lai đều rơi vào tham vọng của bản ngã. Như vậy, không thể chấm dứt tham sân si, không thể chứng ngộ Niết-bàn được. Hướng tới tương lai chỉ có giá trị trong tục đế, còn tìm kiếm Niết- bàn trong tương lai thì chỉ mất thời gian thả mồi bắt bóng, vì Niết-bàn luôn có mặt ngay nơi thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian mà Đức Phật dạy:

“Quá khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai thời chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính là đây, ...

Không động không rung chuyển

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai” ...

Không động tức “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” hay “không sinh-hữu-tác-thành”. Pháp tánh là chân lý muôn đời, không sinh diệt nên Đức Phật dạy: “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời Pháp vẫn vậy”. Do đó ai ít “bụi trong mắt” đều có thể thấy ngay không cần lăng xăng nỗ lực “sinh-hữu-tác-thành” để rồi chỉ tạo ra luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau.

Nỗ lực tạo tác mà tưởng là tu hành, thực ra chỉ đang đầu tư cho vô minh ái dục của bản ngã. Khi còn cái “tôi” tạo tác, mong cầu, thì không bao giờ thấy Pháp được. Vì vậy đức Phật nói quá trình hành đạo của Ngài là đi tìm người thợ làm nhà. Đến lúc chứng đạo quả dưới cội bồ-đề, Ngài tuyên bố, Như Lai đã tìm được người thợ làm nhà, đã bẻ gãy tất cả kèo cột rui mè mà người thợ đã dựng lên. Người thợ làm nhà đó chính là bản ngã “sinh-hữu-tác-thành”, là 5 uẩn, 12 duyên sinh và luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Vì vậy cần phải thận trọng, nếu hành không đúng hướng thì thiền chỉ là động thái tạo tác lăng xăng của bản ngã mà thôi.

Có một điều quan trọng cần lưu ý là Pháp luôn vận hành đúng nguyên lý tự nhiên. Chỉ khi bản ngã xen vào tạo tác theo tư kiến, tư dục - tức tà kiến, tham ái - mới làm xáo trộn trật tự vận hành của Pháp. Bản ngã luôn chọn cho mình những pháp ưa thích để sở hữu nhưng trên thực tế chỉ làm tăng thêm ảo tưởng “ta”, “của ta” và “tự ngã của ta”. Như vậy, phải có một pháp hành nào đó thực sự thoát khỏi bản ngã. Một pháp hành khởi đầu bằng vô tham, vô sân, vô si; một pháp hành thực sự không, vô tướng, vô tác, vô cầu thì mới đúng Đạo đế, nếu không sẽ mãi loay hoay trong vô minh ái dục, sinh tử luân hồi.

Đức Phật cảnh báo rằng những vị chư thiên, phạm thiên trong cõi trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, khi hết tuổi thọ hi hữu lắm mới được sinh lại làm người, còn phần lớn bị đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Tại sao đã tu luyện được lên các cõi cao như vậy mà vẫn khó sinh lại làm người? Vì sao? Đơn giản chỉ vì tu không đúng hướng xả ly mà chỉ lo tìm cầu sở đắc nên dù sở đắc cao đến đâu vẫn còn vô minh ái dục và chỉ củng cố thêm cho cái “Ta” ảo tưởng. Đó không phải là Đạo đế, không phải “viễn ly, ly tham, đoạn diệt”, hay vô vi (vô hành, vô tác), vô ngã. Nếu hành đúng hướng thì ngày càng đoạn giảm bản ngã tham, sân, si. Nhưng đây là do tham vọng sở đắc mà tu hành nên chỉ tập trung vào sở cầu tương lai, bỏ quên biết bao bài học giác ngộ ngay trong từng khoảnh khắc hiện tại. Ví như một em học sinh lớp 2 thích môn toán và có thể là một thần đồng toán học, nhưng tất cả các môn khác thì vẫn là trình độ lớp 2, thậm chí đã quên hết nên phải học lại lớp 1. Cũng vậy những người ham thích sở đắc thiền định, an lạc, thần thông sẽ quên tính xả ly của những ba-la-mật, nên khi hưởng hết quả thiền định trên cõi Sắc,VôSắcsẽphảivàocácđọaxứđểhọclạitừđầu.Đó là luật tự nhiên, không thể khác được.

Vậy tại sao chúng ta không học tất cả sự kiện đến đi, sinh diệt ngay nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp? Ngay khi mắt tai mũi lưỡi thân ý tiếp xúc với sắc thanh hương vị xúc pháp? Ngay các cảm thọ khổ lạc hỷ ưu đang diễn ra nơi thân tâm để thực chứng Tứ Thánh đế? Tại sao không thấy Pháp ngay nơi thực tại đang là? Đơn giản chỉ vì tâm cứ khởi lên phi hữu ái, hữu ái, dục ái (hay tham sân si) nên mải nỗ lực tìm cầu sở tri sở đắc, mải chọn lựa lấy bỏ theo ý mình rồi lăng xăng tạo nghiệp để chỉ chuốc lấy khổ khổ, hoại khổ, hành khổ mà thôi. Tất cả các pháp đến đi nơi mỗi người chính là duyên nghiệp, nhân quả do người ấy tạo ra trong sự vận hành của Pháp, bây giờ không ngay đó học ra bài học giác ngộ lại tìm cầu sở đắc, như vậy không phải là vô minh ái dục hay sao? Có thể nhìn ra bên ngoài để học nhân quả nghiệp báo nơi người khác, nhưng chủ yếu vẫn phải học ra bài học của Pháp nơi thân, tâm và hoàn cảnh của chính mình. Nghiệp có chánh báo và y báo. Hoàn cảnh mình đang sống là y báo, những gì đang xảy nơi mình là chánh báo. Đó là những sự kiện hiện thực đang đến với mình, đang diễn ra nơi mình, nên chỉ qua đó mới thấy Pháp, không cần tìm kiếm đâu xa.

Thí dụ như khi thân đang đi, đang đứng, đang ăn, đang uống... thì ngay đó mà niệm thân; khi có cảm thọ khổ, lạc hay xả thì ngay đó mà niệm thọ; khi trạng thái hay thái độ tâm như thế nào thì ngay đó mà niệm tâm; khi tương giao hay quan hệ căn cảnh như thế nào thì ngay đó mà niệm pháp, vì đó đều là những đối tượng thực tại đang vận hành cần được tinh tấn chánh niệm tỉnh giác ngay không thể bỏ qua. Toàn bộ hoạt động thân-tâm-cảnh biểu hiện ngay đây chính là sự vận hành của Pháp trong nhân quả nghiệp báo của chính mình chứ không phải của ai khác. Tất cả đều phải là thực tại, không qua thời gian, trở lại ngay đó mà thấy, không cần tìm kiếm viển vông, không cần tạo dựng đối tượng theo ý mình hay theo một phương pháp chế định sẵn nào.

Pháp luôn là thực tại hiện tiền, sống động, tự nhiên như nó đang là, không cần lập trình của lý trí hay ý chí chủ quan của bản ngã mà chỉ cần trở về với thực tại thân-tâm-cảnh ngay đây và bây giờ thì liền thấy Pháp. Bỏ quên cái đang là để tìm cầu cái tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là... tức đã rơi vào bờ này bờ kia, rơi vào tướng thế gian làm sao thấy được chân đế, Niết-bàn? Niết-bàn đâu phải ở bên ngoài hay ở tương lai mà phải mất thời gian nỗ lực tuân thủ một phương pháp chế định mới đạt tới. Thấy thì ngay đây liền thấy, không thấy thì càng tìm kiếm càng xa, càng vướng vào phương pháp để đạt sở đắc tương lai càng tự dựng lên chướng ngại, làm sao thấy được Niết-bàn? Vậy, chỉ khi pháp hành là “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” tức không bị ý đồ của bản ngã tham sân si che lấp, không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai, không đắm chìm trong hiện tại thì Niết-bàn liền tự hiện.

Cần thấy rằng Pháp luôn có sẵn, là những sự kiện đang diễn ra ở mỗi người, như đang đi, đứng, ngồi hoặc nằm, đang cảm thọ khổ lạc hoặc xả, đang sân hận hoặc từ bi, đang bị trói buộc hoặc tự do v.v... tức cái gì đang diễn ra thì thấy, cái gì không diễn ra thì thôi. Chỉ khi tâm khởi lên mong cầu đạt cái này cái kia thì mới buông lung ra khỏi Pháp hiện tiền. Hễ biết tâm lang thang ra khỏi thực tại thì nhớ đức tính “ehipassiko” của pháp để trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại - đó chính là hành thiền Tinh tấn, Chánh niệm, Tỉnh giác như Đức Phật đã dạy. Tinh tấn là nghiêm túc với thực tại, nhưng nếu đã buông lung phóng dật thì tinh tấn là trở về với thực tại. Chánh niệm là tâm trọn vẹn với thực tại, ngược lại là thất niệm - tâm dính mắc, chìm đắm trong đối tượng quá khứ, vị lai hoặc bên ngoài. Tỉnh giác là tâm không mê mờ nơi thực tại, khi có tinh tấn chánh niệm thì tâm liền trong sáng phản ánh trung thực và sáng suốt biết rõ thực tại.

Pháp có đức tính Ehipassiko. Vì vậy có muốn tu thành Phật đi chăng nữa cũng vẫn phải trở về thấy rõ thực tại thân tâm trước đã. Đang sân thì thấy tâm đang sân, phải thấy sân đang sinh diệt thế nào đã, khoan nghĩ tới Niết-bàn; lúc đó mà nghĩ tới Niết-bàn liền rơi vào vô minh, quay lại thấy tâm đang sân chính là minh. Sân là một sự kiện đang diễn biến, do duyên như vậy mới sinh tâm như vậy, thấy được tất cả sự diễn biến sinh diệt của thái độ sân đó mới gọi là minh. Ngược lại khi đang sân mà suy nghĩ: “Ta sân, ta muốn hết sân, ta muốn có tâm từ để diệt sân” thì đó là ý chí của bản ngã nên dù hết sân, dù có tâm từ thì chỉ thay đổi được thái độ hoặc trạng thái tâm nhưng bản ngã vẫn còn nguyên. Có ý muốn “làm thế nào để hết sân” là rơi vào “hữu, tướng, tác, cầu” rồi! Trong khi nếu tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thấy sự sinh diệt ngay trên trạng thái sân đó thì đã có thể thấy được tính vô thường, khổ, vô ngã của pháp hữu vi sinh diệt.

Như vậy, phiền não khổ đau có thể là đối tượng giúp trí tuệ - vô vi, vô ngã - ngay đó thấy ra sự thật; cũng có thể là đối tượng giúp bản ngã tham sân si tạo tác thêm ảo tưởng, thời gian và đau khổ:

Nói vậy không có nghĩa là không cần đến tâm từ. Thực ra, khi đủ bình tĩnh sáng suốt để thấy trạng thái sân sinh diệt mà không khởi thái độ đối kháng thì đó chính là tâm từ rồi. Nếu không có tâm từ này, không bao giờ có thể thấy trạng thái sân đang sinh diệt được vì nếu có thái độ đối kháng với tâm sân thì đã thêm một lần sân nữa. Đó là sân chồng lên sân, làm sao có tâm từ được. Chỉ cần lắng nhìn trạng thái sân với tâm trong lành định tĩnh sáng suốt thì lúc đó không cố diệt mà sân vẫn tự diệt, và cùng lúc đó giới định tuệ, từ bi hỷ xả đều tự hiển hiện đầy đủ.

Trong Nikāya thuật rằng có một đạo sĩ hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, có phải mục đích đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn là để thoát khổ không?” Đức Phật trả lời: “không” khiến ông ta rất ngạc nhiên. Theo ông, đức Phật dạy Tứ Diệu Đế là để diệt khổ sao bây giờ Phật lại nói không? Ông ta hỏi tiếp: “Vậy mục đích đời sống phạm hạnh là gì?” Đức Phật trả lời: “là để thấy khổ, biết khổ, hiện quán khổ và thực chứng khổ”. Quả thật đúng như vậy! Chỉ cần thấy khổ, biết khổ, soi sáng khổ, chứng nghiệm khổ thì mới thấy ra nguyên nhân của khổ là do nhận thức sai lầm và hành vi bất thiện (tà kiến và tham ái). Khi nhận thức và hành vi đúng tốt thì khổ cũng tự chấm dứt mà không cần phải cố thoát khổ. Trái lại, nôn nóng thoát khổ chính là phi hữu ái xuất phát từ tà kiến và tham ái của bản ngã làm sao thoát khổ được. Nếu thoát khổ để được lạc thì còn tệ hơn nữa, vì muốn lạc vẫn rơi vào cái tham của hữu ái. Cần lưu ý rằng muốn thoát khổ để an trú trong trạng thái lạc thì vẫn tạo ra Khổ đế vì đó là an trú của bản ngã. Cho nên Đức Phật xem hiện tại lạc luận (chủ trương mục đích vui sống trong hiện tại) là một trong 62 tà kiến. Ở đây, chỉ cần thấy khổ là pháp đang vận hành theo nhân quả duyên báo, không có bản ngã trong đó mới là sự thật.

Như vậy, tất cả các pháp duyên khởi đều chỉ là hiện tượng sinh diệt như nhau trong sự thấy, biết, hiện quán và thực chứng. Cho nên không cần phải loại bỏ khổ đau để tìm cầu an lạc. Thích lạc ghét khổ nên cố gắng ngồi thiền, tập định suốt ngày này qua tháng khác để được toại nguyện chính là thái độ tham sân si của bản ngã, là nguyên nhân tạo ra luân hồi sinh tử. Trong khi đó, rất đơn giản, Đức Phật dạy chỉ cần trở về thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là mà thấy thì mỗi người đều có thể tự chứng ngộ sự thật. Khổ chỉ là pháp cần thực chứng chứ không phải loại bỏ để tìm lạc. Do đó càng muốn thoát khổ để tìm lạc thì càng chuốc thêm đau khổ.

Thí dụ trong cuộc sống ai cũng có khổ, có lạc. Nên nếu ai thích lạc thì khi gặp khổ sẽ thấy khổ hơn, ngược lại, ai chịu được khổ thì khi lạc sẽ thấy lạc nhiều hơn. Trong Dịch lý, mọi sự vận hành theo quy luật “cực lạc sinh bi” nên cực lạc sẽ đi dần đến cực khổ. Mùa Xuân hoa lá đẹp tươi rồi sẽ dần héo tàn trơ trụi vào mùa Đông. Sự vận hành của pháp là sự xoay chuyển tự nhiên, từ cực này đến cực kia, “Bĩ cực thái lai” rồi “Cực lạc sinh bi” chính là sự vận hành theo quy luật cùng tắc biến, cực tắc phản của Dịch lý. Hạnh phúc và đau khổ chỉ là hai cực của sự trở thành. Cho nên sự tìm cầu và tu luyện sở đắc chỉ là vòng lẩn quẩn của luân hồi sinh tử mà thôi. Đức Phật cũng thường đề cập đến tính chất thành trụ hoại không của vũ trụ, sinh trụ dị diệt của vạn vật hoặc sinh lão bệnh tử của chúng sinh như là quy luật vận hành của pháp.

Người giác ngộ không chọn thái bỏ bĩ hay chọn lạc bỏ khổ mà là người sống trọn vẹn tỉnh thức trong thực tại đang là, dù bĩ hay thái, khổ hay lạc. Bản ngã càng chọn thái bình an lạc càng gặp phiền não khổ đau nhiều hơn. Ví như người chỉ thích mùa Xuân thì ba mùa Hạ, Thu, Đông sẽ cảm thấy khổ. Do đó thích lạc thì khổ nhiều hơn, ngược lại chịu được khổ thì lạc nhiều hơn. Đó là lý do vì sao Dịch có đạo lý “Thời bĩ tắc bĩ, thời hanh tắc hanh” tức khi bế tắc cứ bế tắc, khi hanh thông cứ hanh thông, không cần đứng núi này trông núi nọ, vì bế tắc rồi cũng qua, hanh thông rồi cũng hết. Chọn lựa cái mình thích cuối cùng chỉ mời gọi cái mình ghét. Đó là quy luật vận hành của Pháp.

Vậy hiện tại, bất cứ đang trong tình trạng nào cũng đều là bài học của Pháp để dù bĩ hay thái, tham hay sân thì cũng ngay đó cần định tĩnh sáng suốt để thấy ra sự thật, vì “chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây”. Nếu đang trong thời bĩ, mà cảm nhận trọn vẹn được cái bĩ này tức cảm thông được với nguyên lý vận hành của vạn pháp. Như vậy, khi tâm đang sân thì ngay đó trọn vẹn tỉnh giác, cảm nhận trạng thái sân thì trọn vẹn chính là Định, tỉnh giác chính là Tuệ. Tức ngay đó Định và Tuệ đầy đủ. Cho nên Dịch lý mới nói muốn “cảm nhi toại thông” nguyên lý của Dịch thì phải “Vô vi”, “vô tư” và “tịch nhiên bất động” tức là không tạo tác gì hết, ngay đó sân chỉ thấy sân thôi, bĩ chỉ thấy bĩ thôi. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy rất rõ, sân thì thấy sân như nó đang là, tham thì thấy tham như nó đang là. Dịch lý gọi đó là “thời vị trung chính”, tức ngay đây và bây giờ nó đang là như vậy là như vậy.

Ở đây có một điểm rất đáng lưu ý, đó là trật tự vận hành của Pháp. Tại sao có sự bất an? Vì làm mất trật tự vận hành của Pháp. Tại đây và bây giờ Pháp đang vận hành như vậy thì lại mơ mộng tương lai, tiếc nuối quá khứ hoặc thả ý lang thang theo ngoại cảnh chính là tạo ra bất an, còn nếu ngay đây và bây giờ dù hiện trạng đang như thế nào tâm vẫn trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thì làm sao bất an được. An có nghĩa là để Pháp vận hành tự nhiên như nó đang là. Nhưng nếu chúng ta bị quá khứ, tương lai hay bên ngoài chi phối thì liền đánh mất trật tự vận hành của Pháp ngay nơi thực tại. Hoặc nếu chúng ta khởi ý cố dừng lại ở một trạng thái nào như định chẳng hạn cũng đánh mất trật tự vận hành của Pháp vì sự vận hành luôn trôi chảy chứ không dừng lại chỗ nào. Mọi hiện tượng đều vô thường vậy mà mình cứ muốn nó thường theo ý mình như muốn đắc định, muốn an lạc rồi cố giữ lại những trạng thái đó cũng là đánh mất trật tự vận hành của Pháp. Đức Phật nói: “Không bước tới, không dừng lại, Như Lai thoát khỏi bộc lưu”. Vì nếu dừng lại thì bị chìm đắm, bước tới thì bị cuốn trôi. Bộc lưu là dòng nước chảy xiết tượng trưng cho vòng sinh tử luân hồi, thoát khỏi bộc lưu không phải là bước ra ngoài dòng Pháp mà là không dừng lại, không bước tới, chỉ thấy dòng Pháp đang vận hành.

Vậy cần xem xét lại liệu phương pháp mỗi người đang hành có bước tới hay dừng lại không. Nếu cố hành để mau đắc định là đang bước tới, rồi khi đã đắc định thích an trú trong định là đang dừng lại. Cũng vậy, cố hành để được an lạc là đang bước tới, được an lạc rồi thì dính mắc là đang dừng lại. Đó chính là đang bị cuốn trôi và chìm đắm trong câu trả lời vô cùng chính xác của Đức Phật. Chỉ cần một yếu tố là thấy, giác hay minh, tức sáng suốt không bị mê mờ mới có thể “vô vi giả, vô tư giả”, mới có thể không bị cuốn trôi hoặc chìm đắm trong sinh tử.

Trong Thiền Tông có câu chuyện. Một thiền giả được hỏi: “Một người đã chứng ngộ có bị rơi vào nhân quả hay không?” Ông ta trả lời: “Bất lạc nhân quả” nên bị đọa làm chồn 500 kiếp. Đến lúc gặp Tổ Bách Trượng ông đem câu đó hỏi lại, Tổ đáp: “Bất muội nhân quả”, tức là không mê mờ nhân quả chứ không phải không còn nhân quả tự nhiên. Nhân quả tự nhiên khác với nhân quả nghiệp báo. Tuy người đã giác ngộ không tạo tác nghiệp nhân cho tương lai nhưng hiện tại vẫn còn nghiệp quả, chỉ là không mê mờ trong nhân quả nữa thôi. Ngoài nhân quả tự nhiên, chỉ khi nào có ý muốn tạo tác để trở thành mới có tạo nhân để rồi gặt quả. Còn khi tâm hoàn toàn trong lành, định tĩnh, sáng suốt thì không còn bản ngã tạo nghiệp nữa nhưng nhân quả tự nhiên trong sự vận hành của pháp thì vẫn còn.

Vậy tu là gì, ai tu và tu theo ai? Nếu theo Phật thì tu là “không (tham sân si), vô tướng, vô tác, vô cầu” hoặc “không bước tới, không dừng lại”. Còn tu theo bản ngã thì mới cần “hữu, tướng, tác” để “mong trở thành hay đạt được sở đắc” theo ý mình, tức đã bị cuốn trôi và chìm đắm mất rồi. “Thời vị trung chính” là biểu hiện trật tự vận hành của Pháp. Nếu không sống đúng thời (bây giờ), đúng vị (tại đây) như Pháp đang vận hành (trung chính) thì hoặc là bị đắm chìm, hoặc là bị cuốn trôi.

Tác giả: ~ Thầy Viên Minh ~
 

Bantoioi

Active Member
ĐÃ TIẾN CÚNG
Tham gia
16 Thg 3 2020
Bài viết
471
Điểm tương tác
141
Điểm
43
Hoan hỷ,,, quá hoan hỷ...
Cảm ơn bạn chia sẻ bài pháp rất tuyệt của thầy VM.

Chúc diễn đàn thường trụ; để mọi người vào xem và thấy Pháp...

Cung kính.
 
Who read this thread (Total readers: 0)

    TOP 5 Tài Thí

    Bên trên