T
tinhquangthongtri
Guest

1. Dương Liễu Quán Âm:
còn có tên gọi khác là Dược Vương Quán Âm, bổn nguyện của Ngài là bạt
trừ cứu độ những bệnh khổ của chúng sanh, vì chúng sanh thân nhiều khổ
nạn nên Ngài cầm cành dương. Dương liễu mềm mại biểu trưng cho đức tướng
ôn hòa nhẫn nhục của Quán Thế Âm Bồ tát. Thân mặc y màu trắng ngà, hình
tượng của Ngài biểu hiện sự kỳ nguyện phước đức.

2. Long Đầu Quán Âm:
là Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trên lưng rồng. Rồng là vua trong các loài
thú để biểu thị cho uy lực của Quán Thế Âm Bồ tát; Long Vương đến mang
mây mưa sấm chớp chiếu diệu khắp trời đất, thấm nhuần muôn vật, tất cả
đều tán thán uy lực của Long vương. Ngài hiện thân ngồi kết già trên
mình rồng thuyết pháp cho chúng sanh.

3. Trì Kinh Quán Âm: còn
gọi là Thanh Văn Quán Âm. Thanh Văn là nghe Phật thuyết pháp được khai
ngộ mà xuất gia. “người đáng dùng thân Thanh Văn được độ thoát Ngài liền
hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”. Hình tượng của Ngài biểu hiện
sự an tường.

4. Viên Quang Quán Âm:
đây là Quán Thế Âm Bồ tát lòng từ ái viên mãn, biểu trưng bằng ánh
quang minh quanh thân. “sáng thanh tịnh không nhơ, huệ nhựt phá các tối,
hay tiêu tai khói lửa, khắp soi sáng thế gian”. Thân Ngài được cảm thọ
qua đoạn kinh này, hiện tướng thuyết pháp.

5. Du Hý Quán Âm:
Quán Thế Âm Bồ tát giáo hóa chúng sanh viên thông vô ngại, không câu nệ
vào thời gian và nơi chốn, biểu hiện tướng du hý tự tại. Thân màu hồng,
Ngài ngoảnh mặt chăm chú nhìn chúng sanh.

6. Bạch Y Quán Âm:
còn gọi là Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu. Toàn thân Ngài mặc y trắng, ngồi kết
già trên hoa sen trắng, đầu đội khăn, tay trái cầm hoa sen, tay phải
kết dữ nguyện ấn. Màu trắng biểu ý Thanh Tịnh và Tâm Bồ đề, xưa nay mọi
người lễ bái Ngài để cầu tiêu tai, trường thọ.

7. Liên Ngọa Quán Âm: là
Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện tọa ngọa trên lá sen. Ngài hiện thân Tiểu
Vương trong phẩm Phổ Môn, để thí dụ cho thân Tiểu Vương tôn quý ngồi
trên lá sen. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi kết già hiệp chưởng, đầu đội mão
hoa, hiện tướng từ bi nhu hòa, cổ đeo anh lạc, mặc thiên y, bi nhãn nhìn
chúng sanh.

8. Lang Kiến Quán Âm:
còn gọi là Phi Bộc Quán Âm. Nước là vật mềm mại nhất nhưng có thể đối
trị sự cứng chắc của đá, từng giọt nước có thể xuyên thủng đá. Sức nước
suối từ trên cao chảy xuống rất lớn, tuy nhỏ cũng có thể chảy thành sâu
rộng. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi nhìn dòng thác, nhưng tâm tư Ngài như tinh
thần của dòng nước.

9. Thí Dược Quán Âm:
ngoài việc trị bệnh khổ của chúng sanh về thân và tâm, Quán Thế Âm Bồ
tát còn ban bố cho chúng sanh lương dược. Bài kệ trong phẩm Phổ Môn ghi
rằng: “Quán Âm bậc Tịnh Thánh, nơi khổ não nạn chết, hay vì làm nương
cậy”. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát nhìn hoa sen cảm thương chúng sanh
nhiều bệnh khổ.

10. Ngư Lam Quán Âm:
là Quán Thế Âm tay cầm giỏ cá và nhánh lá. Do Ngài thấy con sông không
có cầu, người qua sông rất dễ ngã xuống. Vì vậy Ngài hóa thân thành một
mỹ nữ bán cá, nhưng có điều kiện rằng ai có nhiều tiền ném vào trong giỏ
cá thì sẽ cưới làm chồng, nếu ném không trúng thì phải bỏ ra khoản tiền
để xây cầu, kết quả chẳng có ai ném trúng. Những người không ném trúng
đều phải mang tiền đến, tiền chất thành đống che khuất không còn nhìn
thấy Ngài, khi nhìn lại thì mọi người thấy Ngài hóa thân đứng trên sông.

11. Đức Vương Quán Âm: trong
phẩm Phổ Môn chép rằng: “người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát,
Ngài liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”. Phạm Vương là chủ
cõi trời sắc giới, công đức rất lớn, nên còn gọi là Đức Vương. Hình
tượng thông thường trong nhân gian là đầu đội bảo quan, ngồi kết già,
tay phải cầm nhánh lá, tay trái để trên đầu gối.

12. Thủy Nguyệt Quán Âm:
tức là Thủy Cát Tường Quán Thế Âm Bồ tát trong Thai Tạng Mạn trà la,
mật hiệu của Ngài là Nhuận Sanh Kim Cang, Quán Thế Âm Bồ tát nhất tâm
quán thủy tướng, nhập thủy định. Vì vậy hình tượng của Ngài ngồi kết già
trên hoa sen nổi trong đại hải, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết thí
vô úy ấn, trong lòng bàn tay chảy xuống một dòng nước có hình mặt trăng
nên gọi là Thủy Nguyệt Quán Âm.

13. Nhất Diệp Quán Âm:
nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, liền được
đến chỗ cạn. Có thể thấy hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát hiện trên nước.
Ngài ngồi trên hoa sen nổi trên mặt nước, ngắm nhìn nước tâm suy nghĩ
sâu sắc đến những nơi tối tăm không ánh sáng (địa ngục).

14. Thanh Cảnh Quán Âm:
có các vị thần muốn tìm lấy Cam Lộ nên khuấy động nhũ hải, nhưng phát
hiện trong biển có lọ thuốc độc, Quán Thế Âm Bồ tát vì sợ thuốc độc hại
chúng sanh, mới phát tâm đại từ bi uống hết lọ thuốc độc, vì vậy mà cổ
Ngài biến thành màu xanh. Hình tượng đặc trưng của Ngài là tay trái cầm
hoa sen, lòng bàn tay phải hướng lên trên, ngồi kết già trên bệ đá.

15. Uy Đức Quán Âm:
Quán Thế Âm Bồ tát có đầy đủ uy đức để chiết phục và hộ trì chúng sanh.
Trong phẩm Phổ Môn có đoạn: “người đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân
đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà vì đó thuyết
pháp”. Thiên Đại Tướng Quân có đầy đủ uy đức nên được gọi là Uy Đức Quán
Âm. Hình tượng của Ngài là tay trái cầm kim cang xử biểu hiện uy thế để
chiết phục tâm cang cường của chúng sanh, tay phải cầm hoa sen ngồi
trên bệ đá.

xem chi tiết
Trích nguồn: www.PhapBaoToanThu.net