Nội Thiền .- Bài 39.- Tâm Pháp Chân Như.-
Tông Quy Ngưỡng.
Thiền sư Qui sơn Linh Hựu là Tổ khai tông của phái thiền Quy Ngưỡng.
Dòng thiền này sau được tông Lâm Tế hấp thụ và thất truyền trong thế kỉ thứ 10/11.
Một nét đặc biệt của tông này là phương pháp giáo hoá, "đánh thức" môn đệ bằng những biểu tượng được vẽ trong 97 vòng tròn (viên tướng). Hệ thống giáo hoá này được Lục tổ Huệ Năng sử dụng, truyền cho Quốc sư Nam Dương Huệ Trung đến Đam Nguyên Ứng Chân và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngày nay cách sử dụng viên tướng này đã thất truyền nhưng có lẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của Thập mục ngưu đồ (mười bức tranh chăn trâu)
Thiền sư Ngưỡng Sơn trả lời như sau khi được hỏi vì sao Sư thấy người đến liền vẽ một vòng tròn trong đó viết chữ "Ngưu" (牛)
(Theo
https://vi.wikipedia.org/wiki/Quy_Ngưỡng_tông)
Chúng ta sẽ thông qua, một số lời dạy trong "Quy sơn Cảnh sách " để tìm hiểu về thiền phái này.
Qui sơn Cảnh sách là một trong 4 bộ luật, mà người xuất gia trong Thiền môn ở VN bắt buộc phải học thuộc nằm lòng (Tỳ ni + Sadi + Oai nghi + Cảnh sách), gọi là luật Trường hàng.
Chánh Văn:
“Xuất ngôn tu thiệp ư điển chương, đàm thuyết nãi bạng ư kê cổ, hình nghi đĩnh đặc, ý khí cao nhàn”.
Dịch:
Nói ra phải hợp với kinh điển, luận bàn phải noi theo gương mẫu người xưa, hình dung đĩnh đạc, ý chí cao nhàn.
Chánh Văn:
“Nhược dục tham thiền học đạo, đốn siêu phương tiện chi môn, tâm khế huyền tân, nghiên cơ tinh yếu, quyết trạch thâm áo, khởi ngộ chân nguyên”.
Dịch:
* Đây là Tổ dạy: Nếu muốn tham thiền hành đạo, thì đây là pháp môn siêu việt không cần phương tiện tiệm tiến (tu hành từng bước). Muốn như vậy thì trong lòng phải khế hợp huyền cơ, tức là phải hợp với cơ thiền, nghĩa là phải tu pháp hợp với căn cơ của mình, ví như người tâm hay tán loạn thì tu pháp quán sổ tức, người ham dâm dục thì tu quán bất tịnh v.v... nghiên cơ tinh yếu: Nghĩa là nghiên cứu cái tinh túy yếu chỉ của tông môn. ví như Kiến Tánh, minh Tâm là yếu chỉ của Thiền trực chỉ, Tông Quy Ngưỡng này. quyết trạch thâm áo, khởi ngộ chân nguyên, nghĩa là: Chọn lựa được chỗ thâm sâu rồi mới có thể khai ngộ được nguồn chơn (NHƯ).
Chánh Văn:
“Phục vọng hưng quyết liệt chi chí, khai đặc đạt chi hoài. Cử thố khán tha thượng lưu, mạc thiện tùy ư dung bỉ. Kim sanh tiện tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân. Tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối. Tâm không cảnh tịch chỉ vị cửu trệ bất thông”.
Dịch:
Trông mong (các ông) phát chí dũng mãnh, mở lòng rộng xa. Việc làm phải noi gương hàng Thượng đức chớ học kẻ tầm thường. Đời này tự mình quyết đoán, chẳng do người khác liệu giùm. Dứt ý quên duyên, đừng với các trần làm bạn. Tâm không cảnh lặng, chỉ vì hằng lâu ngăn trệ chẳng thông.
Đoạn này Tổ khuyên người học đạo, phải nên tinh tấn siêng năng, "Tự mình thắp đuốt lên mà đi", chớ không có ai tu giúp cho mình được cả.
Tu bằng cách dứt ý, quên duyên, nghĩa là không để lầm theo vọng thức, quên đi các duyên thế gian trói buộc.
Mặc dầu, thật ra, khi đã chứng đạo rồi thì tâm yên cảnh lặng, nghĩa là khi thấu được nguồn tâm.- Tức CHÂN NHƯ-, thì vọng tâm cũng là NHƯ, mà 6 trần cũng là NHƯ, mà chúng ta không thể khế nhập CHÂN NHƯ từ vọng tâm và trần cảnh đó, là vì chúng ta bị vô minh ngăn trệ, thâm căn cố đế từ lâu nên bị ngăn ngại không thông suốt được.
Như vậy. Tổ Quy Sơn Linh Hựu (phái thiền Quy Ngưỡng) nhiều lần nhắc nhở và Chỉ thẳng Tâm Pháp Chân Như.- Ở Ngũ lục Quy Sơn Cảnh Sách-.