Nội Thiền .- Bài 44.- Tâm Pháp Chân Như.-
Thiền phái Lâm Tế.
Phái Thiền Lâm Tế, là một trong ngũ gia tông phái, được truyền thừa từ Lục Tổ Huệ Năng, phát tích tại Trung hoa. Phái này do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền sáng lập.
Tông phong và Thiền ý của Tông này được ghi chép trong Lâm Tế Ngũ Lục.
Ngữ Lục là bạch thoại đời xưa, thời bấy giờ ghi theo tiếng nói của chư Tổ, một số chỉ có âm mà không có chữ, những tiếng này không có trong tự điển ngày nay, nên dịch ngữ lục khó hơn dịch kinh, vả lại, ý của chư Tổ không phải ở nơi lời nói. Cũng như hỏi : "Thế nào là Phật ? đáp : ba cân mè", "Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc đến ? đáp : cây bách trước sân". v.v...
Chúng tôi dịch thẳng theo lời của chư Tổ. Người đọc nếu ngay đó ngộ liền là rất tốt, nếu không ngộ được tức nhiên phải không hiểu. Do sự không hiểu, sẽ phát khởi "Nghi Tình". Nếu giữ mãi nghi tình, sau này sẽ được ngộ. Không nên tự ý giải thích để tự bít cửa ngộ của mình. Cho nên Lục Tổ nói
"Nay ta gượng nói ra,
Khiến ngươi bỏ tà kiến
Chớ hiểu theo lời nói
Mới cho biết ít phần"
Tức là ý này vậy.
Về giáo lí của tông này thì dạy "Tứ liệu giảng" để làm phương tiện truyền pháp.
Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh
Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân
Hữu thời nhân cảnh câu đoạt
Hữu thời nhân cảnh câu bất đoạt
Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh
Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân
Có khi nhân cảnh đều đoạt
Có khi nhân cảnh đều không đoạt.
Tổ Lâm Tế thường dùng phương tiện dạy Đạo là cây gậy và tiếng HÉT, để đưa Thiền Cơ ra khỏi vọng thức suy lường.
+ Đánh và Hét.
....... Phái Thiền Lâm Tế, dùng sự cắt dứt tư tưởng, thoát khỏi ngữ ngôn, văn tự, suy nghĩ, so đo của vọng thức.- Bằng cách đánh và hét. để làm phương tiện tiếp cận "Chân Như", như trong Lâm Tế Ngữ Lục sau:
* Lúc đang kiết hạ, Sư lại lên núi Hoàng Bá gặp lúc Bá xem kinh, Sư bèn nói: "Ta tưởng ông là người, lại vốn là lão Hòa Thượng đếm đậu đen" (Giấy trắng chữ đen). Sư ở lại mấy ngày rồi cáo từ.
Bá nói: "Ngươi phá hạ đến nay sao chẳng hết hạ rồi mới về ?".
Sư nói: "Con tạm đến lễ bái Hòa Thượng".
Hoàng Bá bèn đánh đuổi đi. Sư đi mấy dặm, nghi việc này rồi trở lại ở cho đến hết hạ mới cáo từ.
Bá hỏi: "đi đâu ?"
Sư đáp: "Chẳng phải Hà Nam thì về Hà Bắc".
Bá bèn đánh một cái, Sư nắm gậy lại, cho Hoàng Bá một bạt tai. Bá cười to, gọi: "Thị giả, đem thiền bản kỷ án của Tiên sư Bá Trượng ra đây".
Sư gọi: "Thị giả ! đem lửa lại".
Hoàng Bá bảo: "Không phải vậy, ngươi cứ đem đi, sau này ngươi sẽ dẹp sạch ngôn ngữ của mọi người trong thiên hạ" (không có ai mở miệng được hết).
* Sư cùng Phổ Hóa đi dự trai tăng, Sư hỏi Phổ Hóa:
"Sợi lông nuốt cả biển lớn.
Hạt cải dung chứa tu di.
Ấy là thần thông diệu dụng hay là pháp giống như thế?"
Phổ Hóa đạp đổ bàn ăn cơm, Sư nói: "Thô lỗ quá vậy!"
Phổ Hóa nói: "Ðây là chỗ gì mà nói thô nói tế".
*****
Hôm sau cũng cùng đi dự trai tăng, sư lại hỏi: "Sự cúng dường hôm nay đâu bằng hôm qua?"
Phổ Hóa cũng đạp đổ bàn ăn nữa, Sư nói: "Ðược thì được, sao thô lỗ quá vậy !"
Phổ Hóa hét rằng: "Thằng mù, Phật pháp nói gì thô với tế".
Sư le lưỡi.
Thiền Phái Lâm Tế rất thịnh hành và còn sáng tỏa đến ngày nay, và hiện đang thạnh hành ở Nhật bổn, Hàn Quốc, Đòai loan, và đến tận các nước Tây Phương,...
+ Cây gậy Lâm Tế.
Tiếng "Hét" và "cây gậy" của Tổ Lâm Tế. ví như cây cầu Trực Tâm thẳng tắp bắt qua dòng sông Vô minh ái dục, để đến bờ "Chân Như Thật Tế"
Nhưng đối tượng "trực tâm" này thì rất hiếm hoi, ví như người nghệ sĩ siêu xuất, đi trên dây cầu trực tuyến, mà nhân lực tiềm năng, có thể đạt đến Bảo sở thì còn nằm trong lá ủ. Do vậy . Các vị Tổ kế thừa Tông Lâm Tế mở bày phương tiện, dùng " bài kệ truyền tâm" để tìm người kế vãng khai lai.
Các bài kệ Truyên Tâm Ấn này, có thể ví như những chiếc võng, treo bên cây cầu "Trực tâm", mà người chỉ cần chút ít năng lực cũng có thể tìm về bảo sở.
Các chi phái của Thiền Lâm Tế, thường dùng các bài kệ này để truyền tâm pháp.
Ví dụ- Bài kệ:
Thiệt Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
Đức Bổn Từ Phong...
Mỗi chữ sẽ là một đời. Thầy thuộc chữ "Thiệt", thì truyền cho đệ tử chữ "Tế". Đệ tử chữ Tế, truyền cho đệ tử mình chữ "Đại" v.v... cứ thế mà truyền cho hết bài kệ.
Cách truyền như vầy, là do Tổ muốn truyền lại sở đắc của mình cho người hậu thế có duyên, sẽ nhận ra Tâm Ấn. Tức là nhận ra và chứng ngộ giống như Thầy Tổ của mình.
(Theo Ngũ Gia Tông Phái)
Kính các Bạn
Vấn đề "Thật Tế" mà Tổ Lâm Tế khai thị và truyền thừa:
Hỏi: Thế nào là Thật Tế ?
Đáp: ĐT ĐL dạy:
THẬT TƯỚNG là :
PHÁP NHƯ- PHÁP TÁNH- THẬT TẾ.
.......Khi đã vào được nơi Thật Tướng pháp rồi, thì chẳng còn có sự phân biệt giữa tướng và tánh. Lúc bấy giờ, tướng và tánh chỉ là một, chẳng phải hai, chẳng phải khác.
.......Bởi vậy, nên Thật Tướng pháp còn được gọi là:
- Pháp như.
- Pháp tánh.
- Thật tế.
....... * Pháp Như:
....... Là tánh như như bất biến của các pháp. Tánh ấy vốn thường KHÔNG.
....... * Pháp Tánh:
....... Là bản tánh, là Thật thể của các pháp. Tánh ấy vốn thường KHÔNG.
....... * Thật Tế:
....... Là lý chân thật, vẹn toàn của các pháp. Thật tế vốn thường KHÔNG.
....... Hỏi: Pháp như, pháp tánh và thật tế có 3 nghĩa riêng khác, hay chỉ có một nghĩa ?
....... Đáp: Pháp như, pháp tánh và thật tế đều là Thật Tướng Pháp cả, đều diễn đạt lý KHÔNG của các pháp. Chỉ là một nghĩa mà có 3 tên gọi khác nhau, để tùy trường hợp rộng giải về lý KHÔNG.
....... Đây chỉ là phương tiện. Thật ra Pháp như, Pháp tánh, Thật tế đều là bất khả đắc cả.
(hết trích)
Thiền phái Lâm Tế. - Chỉ chỗ đồng qui.
Phái Thiền Lâm Tế, dùng sự cắt dứt tư tưởng, thoát khỏi ngữ ngôn, văn tự, suy nghĩ, so đo của vọng thức.- Bằng cách đánh và hét. để làm phương tiện tiếp cận "Chân Như".
Tiếng "Hét" và "cây gậy" của Tổ Lâm Tế. ví như cây cầu Trực Tâm thẳng tắp bắt qua dòng sông Vô minh ái dục, để đến bờ "Chân Như Thật Tế"
Có thể tạm lý giải việc này như sau:
* Chơn Tâm, tức là "Tâm Chơn Như" của tất cả chúng sanh, vốn là bất sanh, bất diệt v.v... đó là Tánh Phật hằng hữu.
Tâm này có hai đặc tính nổi bậc là TỊCH và CHIẾU.
+ TỊCH là vắng lặng, trong suốt, bản nhiên thanh tịnh. Đây là Thể
+ CHIẾU là hằng sáng suốt minh minh, ứng vật hiện hình (đó là sự phân biệt, duyên lự, nguyên tố để hình thành Thức tưởng). Đây là dụng
* Chư Phật Thể và Dụng được bất nhị, đồng qui. (Tịch chiếu đồng thời mà không bị vô minh ái trước nên gọi là Như Lai).
Chúng sanh không tự nhận biết chỗ Trạm tịch Chơn Như, mà chỉ chấp lấy phần Chiếu, nên lìa xa Chơn Như để chạy theo "Vọng Thức" (phần Chiếu). Nếu mãi chạy theo như vậy, thì lìa xa thể Đạo, không thể tu hành.
* Để giúp người đệ tử minh Tâm kiến Tánh, mà Hồi Quang Phản Chiếu. Tổ Lâm Tế dùng phương tiện Đánh và Hét, nhằm cắt đứt dòng suy niệm, vọng tưởng của Ý Thức (là Chủ Tướng của đoàn quân vọng tưởng.- Đây là kế sách "cầm tặc, cầm vương).
* Khi Ý thức đã bị chận đứng, lúc đó "Tự Nhiên Trí" sẽ hiễn bày, đây là lúc thể nhập Chơn Như. từ cái kinh nghiệm thể nhập này, hành giả sẽ biết được Con đường trở về.
Như vậy Tổ Lâm Tế đã dùng Trực Tâm để khai thị Chơn Như Tâm cho đệ tử. Đây gọi là truyền Tâm Ấn đó.
Như vậy bài kệ truyền Pháp của Tông Lâm Tế là khai thị
THIỆT TẾ, tức là khai thị PHÁP NHƯ.- Tức là CHÂN NHƯ đó.