- Tham gia
- 27/10/06
- Bài viết
- 1,775
- Điểm tương tác
- 90
- Điểm
- 48
Tổ chức Phật giáo nhập thế Sarvodaya & Triết học Phật giáo
về hoạt động xã hội
về hoạt động xã hội
Sarvodaya do Tiến sĩ A.T. Ariyaratne, một giáo viên khoa học tại một trường trung học Phật giáo danh giá ở Sri Lanka, thành lập vào năm 1958, khi ông cùng với một số giáo viên và những học sinh của mình khởi xướng những “trại làm việc vào các ngày nghỉ” tại những ngôi làng nghèo ở đất nước này
Ý muốn ban đầu của Ariyaratne là để giúp các học sinh thành thị trải nghiệm thực tế về tình cảnh và điều kiện sống của người dân tại các ngôi làng, qua đó đánh thức trách nhiệm bản thân, dấn thân làm việc vì con người và cộng đồng xã hội. Khởi đầu, công việc mà Ariyaratne và những thành viên của ông thực hiện vào các ngày nghỉ là xây dựng những nhà vệ sinh công cộng, đắp đường, xây dựng và tu sửa trường học, đền chùa, làm vườn và trồng trọt… tại những ngôi làng.
Công việc của Ariyaratne và nhóm của ông đã tạo nên những kết quả thiết thực từ bước đầu, do đó đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Và chỉ sau một vài năm, những “trại làm việc vào các ngày nghỉ” đã có mặt tại nhiều ngôi làng trên khắp đất nước Sri Lanka. Chương trình hoạt động của tổ chức này dần được chuyển đổi và mở rộng. Sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Sarvodaya hiện đang là tổ chức phi chính phủ lớn nhất ở Sri Lanka với các chương trình làm việc đa dạng ở 15 ngàn ngôi làng trên tổng số 38 ngàn ngôi làng ở đất nước này. Và tổ chức này cho rằng đã có 11 triệu người được hưởng lợi ích từ một trong các đề án của họ.Nền tảng triết học của Tổ chức Sarvodaya
Tên đầy đủ của tổ chức là Sarvodaya Shramadana. Khái niệm Sarvodaya được Ariyaratne vay mượn lại từ Mahatma Gandhi. Sarvodaya, với nghĩa đen “nâng lên tất cả”<SUP>(1)</SUP>, được Gandhi giải thích trong tự truyện của mình với ý nghĩa “làm lợi ích tất cả”, đã trở thành một khái niệm đạo đức xã hội then chốt trong công cuộc đấu tranh của Mahatma Gandhi.Ở một góc độ, Ariyaratne đã chịu ảnh hưởng những tư tưởng từ phong trào Sarvodaya của Mahatma Gandhi. Quan điểm về một xã hội bảo đảm sự độc lập, tự trị và tự phát triển bằng việc đi theo những nguyên tắc không truy đuổi chủ nghĩa vật chất, thực hiện con đường tâm linh bất bạo động, cống hiến và tôn trọng lẽ phải của phong trào Sarvodaya ở Ấn đã tạo cảm hứng cho Ariyaratne. Cách sử dụng lại khái niệm Sarvodaya cũng thể hiện một phần sự ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, cho dù một mặt thừa nhận có sự vay mượn tư tưởng từ phong trào Sarvodaya ở Ấn, Ariyaratne cho rằng tổ chức của ông được đặt nền tảng nơi triết học Phật giáo và văn hóa Phật giáo Sri Lanka. Việc ông giải thích khái niệm Sarvodaya là “thức tỉnh tất cả” một phần thể hiện điều này.
Mahatma Gandhi xây dựng nền tảng triết học xã hội của mình trên Bhagavad-gita. Triết học Bhagavad-gita hướng con người tìm về một Tự ngã chân thật. Và theo Mahatma Gandhi, thấy được Tự ngã chân thật là giúp thực hiện rốt ráo Karma Yoga, hành động xả kỷ tuyệt đối, và đây là cơ sở để người ta hoạt động xã hội vì lợi ích của tha nhân bằng một tinh thần không thủ chấp.
A.T. Ariyaratne xây dựng nền tảng triết học hoạt động xã hội của mình chính yếu dựa trên triết học Phật giáo, với các giáo lý như Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh, Trung đạo, Bất bạo động và Tứ diệu đế. Và những giáo lý này đã được Ariyaratne giải thích theo cách của ông để có thể thích ứng với ngữ cảnh xã hội.
Thấy rõ khổ là một điều quan trọng trong con đường tu đạo, nhưng đó cũng là một điều cần thiết để tiến đến thực hiện những việc làm vì lợi ích của con người và cộng đồng. Từ lúc khởi đầu, Ariyaratne đã để các học sinh của mình trải nghiệm thực tế về những điều kiện của người dân tại các ngôi làng, lắng nghe người dân và thấy rõ được những khổ đau của họ, và sau đó dấn thân làm việc vì lợi ích của người dân ở đó. Nguyên nhân của khổ đau không chỉ có gốc rễ từ những trạng thái tâm thức, hay được nhìn từ cái nhìn triết học, mà còn có liên hệ đến những điều kiện thực tế của xã hội ngoại tại. Ariyaratne đã nói như sau: “Thứ nhất, bên trong tâm thức hay tiến trình suy nghĩ của chúng ta có những ô nhiễm mà chúng ta cần nhận diện và tẩy trừ chúng. Thứ hai, chúng ta phải nhận thấy rằng có những dây xích kinh tế xã hội bất công và thiếu đạo đức xiềng phần đông người ta vào trong vòng nô lệ.” (Gombrich & Obeyesekere, tr.245). Ở một nơi khác, Ariyaratne cho rằng nguyên nhân của khổ đau là do thói tự kỷ, ngờ vực, tham lam và cạnh tranh. Và để giải trừ khổ đau người ta cần “chia sẻ lao động” (shramadana) để qua đó một mặt thúc đẩy sự phát triển xã hội, và mặt khác nhận thức sự vô ngã ở nơi mình.
Kinh nghiệm về vô thường và sự tương thuộc (duyên sinh) nhằm để phát triển một nhận thức sâu sắc hơn về bản chất con người và xã hội. Những nguyên nhân khổ đau của con người và xã hội là có thể thay đổi được. Và vì giữa con người và con người, giữa con người và xã hội đều có sự tương thuộc, nên người ta phải có trách nhiệm đối với người khác, đối với xã hội và đối với môi trường sống. Châm ngôn của Sarvodaya là: “Chúng ta xây dựng những con đường, và những con đường xây dựng chúng ta”. Đây là một cái nhìn theo giáo lý “duyên sinh”. Chúng ta cần giúp tha nhân và xã hội trở nên tốt hơn, và chính nơi một cộng đồng tốt, chúng ta sẽ có những điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân. Con người và con người, con người và xã hội luôn tương tức.
Giáo lý Vô ngã là nền tảng cho việc phát khởi lòng từ bi. Với tâm thức vô ngã, những thành viên của tổ chức Sarvodaya sẽ làm việc với tinh thần xả kỷ, không thủ chấp, tất cả vì lợi ích của tha nhân và cộng đồng. A.T Ariyaratne giải thích học thuyết Vô ngã nghiêng về phương diện tâm lý hơn là siêu hình.
Sarvodaya cũng nhấn mạnh vào nhưng giáo lý khác như Tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả. Nhưng từ bi không chỉ là một thứ tình cảm đạo đức, mà hơn thế là hành động đạo đức. Thương yêu tha nhân thôi không đủ, cần phải làm việc vì người khác.
Thiền định là một phương diện quan trọng trong sinh hoạt của Sarvodaya, và thiền định được kết hợp với hoạt động xã hội. Các thành viên của tổ chức thực hành thiền định mỗi ngày ba lần, vào đầu ngày, giữa ngày và cuối ngày, để làm thanh tịnh tâm thức, qua đó “thức tỉnh” nhận thức và hành động của họ. Sarvodaya chú trọng vào phương pháp thực hành từ bi quán để qua đó, theo A.T Ariyaratne, nhằm làm sanh khởi một “năng lượng yêu thương”. Và với tâm thức trong sáng, tỉnh giác và năng lượng yêu thương, người ta dấn thân làm việc vì lợi ích của tha nhân và cộng đồng.
Tinh thần không gây hại và bất bạo động (ahimsa) được xem là nguyên tắc căn bản để xây dựng và phát triển một xã hội hòa bình. A.T Ariyaratne được xem là “Gandhi của Sri Lanka” bởi vì đã lấy cảm hứng xây dựng một xã hội bất bạo động từ Mahatma Gandhi. Tuy nhiên, tinh thần bất bạo động của phong trào do Mahatma Gandhi khởi xướng vốn có gốc rễ từ Kỳ-na giáo và Phật giáo. Chính Mahatma Gandhi cũng thừa nhận rằng tinh thần bất bạo động của ông là kế thừa từ Đức Phật Thích Ca.
Bố thí (dana) cũng được Sarvodaya nhấn mạnh. Nhưng bố thí đã được giải thích theo một nghĩa rộng hơn. Bố thí được giải thích như là sự chia sẻ và hiến tặng thời gian và công sức để lao động vì lợi ích của tha nhân và cộng đồng. Sarvodaya nhấn mạnh vào khái niệm Shramadana mà nó được ghép vào để đặt tên cho tổ chức. Khái niệm này được hiểu như là sự “chia sẻ lao động”, hay định nghĩa rộng hơn là “chia sẻ công việc, tri thức, năng lực và thời gian”. Và khái niệm này đã được chuyển thành những hành động cụ thể, và được cho là đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những tổ chức xã hội khác ở Sri Lanka.
Bên cạnh đó, Sarvodaya đặt ra những nguyên tắc và bổn phận làm việc cụ thể cho những thành viên của mình, và dễ dàng nhận thấy những điều này đã được rút ra từ các kinh sách Phật giáo, đặc biệt là kinh Sigālovāda (Gombrich & Obeyesekere, tr.249).