ái ngữ nhiếp

tanphuqm

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
27 Thg 10 2006
Bài viết
1,775
Điểm tương tác
90
Điểm
48
ÁI NGỮ và VẤN ĐỀ HOẰNG PHÁP
TT MINH THIỆN

Ái ngữ là lời nói chân thật gồm các hình thức như : không nói dối, không nói lời chia rẻ, không nói lời ác khẩu và lời thêu dệt. Những lời nói được thể hiện tính chất tốt đẹp như trên sẽ khiến cho người nghe thêm tin tưởng và cảm mến ta hơn. Từ đó người hoằng pháp dễ khuyến hoá mọi người tin sâu nhân quả, biết tôn kính Tam bảo và được niềm vui làm Phật tử.

A.Dẫn nhập:
Sau mùa An cư kiết hạ đầu tiên nơi vườn Lộc Uyển, khi pháp yếu đã được truyền trao cho năm anh em A Nhã Kiều Trần Như và nhóm cư sĩ Da Xá thì Đức Thế Tôn đã dục các đệ tử đầu tiên của mình “Vì lợi ích cho số đông vì sự an lạc cho số đông, vì sự hạnh phúc cho chư Thiên và loài người, các con hãy lên đường để tuyên dương diệu pháp nhưng nhớ đừng đi chung hai người một hướng… !”. Như thế có thể nói truyền bá chánh pháp Phật đà là một trọng trách, là nghĩa vụ thiêng liêng của hàng tứ chúng đệ tử Phật nhằm cứu giúp chúng sanh vạn loài . Trong vô lượng pháp môn tu và phương tiện truyền bá chánh pháp có pháp Tứ Nhiếp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự) là phương tiện hữu hiệu để nhiếp hóa chúng sanh. Vậy người viết xin trích giới thiệu khái quát về ứng dụng Ái ngữ nhiếp trong vấn đề Hoằng pháp.


B.Chánh đề:
Ta có thể nói, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp không thể thiếu giữa con người với con người. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển xã hội loài người. Thông qua ngôn ngữ, con người có thể trao gởi những tình cảm vui buồn, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, tạo cho cuộc sống cá nhân, đoàn thể ngày một tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, cũng từ ngôn ngữ ấy, lắm lúc con người đã dùng những lời nói khó nghe, tạo nên sự bất hòa, tạo nên sự ganh ghét lẫn nhau trong các mối quan hệ đến đời sống xã hội.
Như vậy, Ái ngữ theo tinh thần Phật giáo là gì, được thể hiện thế nào trong quá trình giao tiếp của con người.
I. Định nghĩa:
Thông thường, từ Ái ngữ còn được gọi là Ái ngữ nhiếp. Nhiếp là nhiếp hóa, thuyết phục, hay nói rộng hơn là dùng phương tiện Ái ngữ để tạo sự ảnh hưởng đến người khác. Cho nên, khi nói Ái ngữ là hướng đến tính hiệu quả của lời nói. Nghĩa là lời nói phải chuyển tải được tính chân thực, tính thông cảm, tính thương yêu, tính xây dựng, tính thuyết phục, khiến cho người nghe hiểu và chấp nhận được những gì mà người nói muốn truyền đạt. Do đó, từ Ái ngữ thường đi kém với từ Bố thí, Lợi hành và Đồng sự, gọi là Tứ nhiếp pháp .
Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tứ nhiếp pháp đối với đời sống của con người như sau: “Tứ nhiếp pháp như cái trục của chiếc xe. Nếu không có Tứ nhiếp pháp thì con cái sẽ không kính trọng cha mẹ.”[1] Do đó, khi Đức Phật nói với ngài Thủ Trưởng giả: “Trong quá khứ, hiện tại và vị lai, nếu có vị tăng hay Bà-la-môn nào phục vụ số đông theo chánh pháp thì sự phục vụ đó gồm cả Tứ nhiếp pháp.[2]”. Trên phương diện kinh điển thì Ái ngữ có những định nghĩa tiêu biểu như:
- Ái ngữ là lời nói chân thật.
- Ái ngữ là lời nói của lòng nhân ái .
- Ái ngữ là lời nói vì lợi ích cho người khác .
- Ái ngữ là lời nói về công đức, trí tuệ và làm cho tâm cởi mở .
- Ái ngữ là lấy tâm vô nhiễm mà chỉ rõ con đường .
- Tối thắng của Ái ngữ là dạy giáo pháp cho người thích nghe và nói giáo pháp đúng thời .
Từ các định nghĩa cơ bản này, chúng ta có thể hiểu Ái ngữ là bao gồm lời nói về sự thật, lời nói lịch sự, lời nói vui tai, lời nói cảm thông, khuyến khích tạo nên sự hiểu biết, hoà hợp trong sự thân thiện. Nó vừa mang tính đạo đức vừa mang tính kỷ năng giao tiếp.
Dưới đây, chúng ta tiếp tục khảo sát các khía cạnh của Ái ngữ.


II. Thực tập Ái ngữ vào đời sống:

1- Lời nói chân thật:
Ái ngữ là lời nói chân thật gồm các hình thức như : không nói dối, không nói lời chia rẻ, không nói lời ác khẩu và lời thêu dệt. Những lời nói được thể hiện tính chất tốt đẹp như trên sẽ khiến cho người nghe thêm tin tưởng và cảm mến ta hơn. Từ đó người hoằng pháp dễ khuyến hoá mọi người tin sâu nhân quả, biết tôn kính Tam bảo và được niềm vui làm phật tử.
Tuy nhiên, lời nói chân thật vẫn chưa đủ trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Nó đòi hỏi phải có cách nói phù hợp với hoàn cảnh thực tế của phong tục địa phương cũng như trình độ tiếp nhận của con người nơi ấy. Lại nữa khi thực hiện lời nói chân thật ta cũng cần chú ý yếu tố đúng lúc, đúng chỗ, đúng lời mới đem lại kết quả tốt. Đức Phật ví người nói lời chân thật như mặt đất có thể chấp nhận mọi thứ; như nước có thể rửa sạch mọi thứ; như lửa có thể đốt cháy mọi thứ; như một ngươi yêu thương tuổi thanh xuân, tắm rửa sạch sẻ rồi mặc đồ trắng với vòng trang sức quí giá.
2- Lời nói nhân ái:
Ái ngữ là lời nói của tấm lòng nhân ái. Hình thức thể hiện tấm lòng nhân ái thông qua ngôn ngữ, được xem như là sức mạnh cho hoạt động độ sạnh của Đức Phật, như lời tán thán, lời từ chối khéo, đối đáp, phân tích, huấn hối và Ngài cũng khuyên các đệ tử là mọi khổ đau trên cuộc đời có thể loại trừ qua sự áp dụng ba nguyên tắc của lòng nhân ái: nói lời thân thiện, lời từ bi và lời tán thán những thành quả tốt đẹp của con người từ lúc bắt đầu cho đến khoảng giữa và giai đoạn cuối.
Lời nói nhân ái thường hàm tàng tính tôn trọng, lòng khoang dung độ lượng và biết tuỳ hỷ không đố kỵ với người khác. Do đó, Đức Phật khuyên chúng đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói:
“Nếu Tôi còn không thích bị người dối gạt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại dối gạt người khác? Nếu tôi còn không thích người khác chia lìa thân hữu tôi, người khác cũng như vậy. Vậy tại sao nay tôi lại chia lìa thân hữu người khác? Nếu tôi còn không thích người khác nói lời thô ác, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác mà lại mạ nhục? Nếu Tôi còn không thích người nói lời thêu dệt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người lại nói lời thêu dệt? Cho nên đối với người khác không nên nói lời dối gạt, ly gián, thêu dệt, ác khẩu.”[3]


3.Ái ngữ là lời nói vì lợi ích cho người khác:
Nói vì lợi ích cho người khác là điều không khó nhưng cũng không phải ai ai đều sẳn sàn. Như chư Phật tổ dạy do vì chúng sanh luôn chấp ngã và ngã sở một cách kiên cố nên thường không muốn người khác được lợi lạc hơn mình về vật chất cũng như tinh thần. Thí như trong khóa tu tập Hoằng pháp viên nếu ban tổ chức tuyên bố cho làm bài kiểm tra phát thưởng thì chúng ta sẽ rất dễ bắt gặp những người bạn không thiệt tình chỉ bài làm cho bạn mình ngay. Do đó, muốn có được đức tính nói lời lợi ích cho người khác thì ta hãy nghĩ như dân gian thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”Hơn nữa nói vì lợi ích cho người khác còn đòi hỏi người nói có bản lãnh Bi-Trí-Dũng để dám kiên trì tìm cơ hội giúp người nghe hiểu được sự thật vấn đề.
4.Ái ngữ là lời nói về công đức, trí tuệ và làm cho tâm cởi mở :
Lời nói về công đức và trí tuệ là lời nói khuyến thiện để mọi người thành tựu công đức lành bằng thiện nghiệp của mình qua lời nói việc làm và cả ý nghĩ. Muốn được như vậy người nói cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về quan điểm đạo đức xã hội và về quan điểm đạo đức tôn giáo. Khi sử dụng phương tiện này yêu cầu người nói phải thể hiện được cả ba phương diện : ngôn phong, cốt cách và bản lãnh của mình, đối với người hoằng pháp viên những đức tính đó được thể hiện qua đạo hạnh của mình và sự hiểu biết về Phật pháp cũng như những yếu tố tâm lý xã hội đương thời.


5. Ái ngữ là lấy tâm vô nhiễm mà chỉ rõ con đường :
Tâm vô nhiễm ở đây là lời nói không bị vướn mắc thường tình thế gian thuộc về bỉ thử (ta và người khác). Lời nói với tâm vô nhiễm là lời nói trung thực, khéo léo, như một chân lý của nhân quả, không bị chi phối bởi một áp lực hay sự cám dỗ nào. Người hoằng pháp viên luôn thể hiện mình là một người Phật tử chân chánh chỉ duy nhất với hạnh nguyện chia sẻ Phật pháp, khuyến thiện mọi người không bị cám dỗ bởi tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Đôi khi lời nói với tâm vô nhiễm không mang lại kết quả thực thụ ngay lúc ấy nhưng nó sẽ có giá trị nhất định ở tương lai đối với người được nghe.
6. Tối thắng của Ái ngữ là dạy giáo pháp cho người thích nghe và nói giáo pháp đúng thời :
Như trên đã trình bày, Ái ngữ nhiếp là một pháp môn phương tiện trong tứ nhiếp pháp nhằm cảm hoá chúng sanh mê mờ quay về với chánh pháp giác ngộ giải thoát của Như lai. Giáo pháp của Như lai là tam tạng giáo điển Kinh, Luật, Luận thể hiện đức tính Từ bi và Trí tuệ của người tu học Phật, ở đó tiến trình tu tập của hành giả chính là Giới, Định, Tuệ. Ai có thể nghe, có thể hiểu giáo pháp của Đức phật và phát tâm thực hành theo lời Phật dạy thì đều được bớt khổ thêm vui đồng thời người ấy còn có thể góp phần đem lại sự an lạc, sự hạnh phúc cho chúng sanh vạn loài. Thế cho nên để giáo hóa chúng sanh chư Phật tổ thường dạy : cần có sự phát đại nguyện dấn thân của chúng xuất gia và tại gia đệ tử Phật, phương cách hoằng pháp của họ cần dựa trên những yếu tố : khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ. Do đó, để thành đạt điều thứ sáu này thì năm điều trên cần được thành tựu có như thế thì phương tiện Ái ngữ nhiếp mới thật sự viên mãn.


III. Một số nguyên tắc trợ duyên cho ái ngữ:

1- Không nói khi nóng giận:
Trong đời sống xã hội nhiều điều trái ý nghịch lòng về sinh kế là vấn đề dễ xãy ra, sự căng thẳng giữa các thành viên cộng đồng xã hội cũng không thể tránh khỏi. Thế cho nên, vị hoằng pháp là cư sĩ nếu gặp bất trắc khi trao đổi về giáo lý thì không nên nóng giận. Lúc bấy giờ để giảm bớt căng thẳng và đưa hai bên trở lại quan hệ bình thường thì một khoảng thời gian ngắn im lặng rất cần thiết để sự căng thẳng lắng xuống tới một mức độ nào đó và nhìn nhận lại mọi việc, rồi cùng trao đổi, xem xét lại vấn đề đã tạo ra sự căng thẳng mà có hướng hoá giải.


2- Không làm tổn thương phẩm hạnh của người khác:
Sứ giả hoằng pháp là người nhiệt tình chia sẻ giáo pháp của Thế tôn đến với mọi người, mọi giới, mọi tôn giáo, mọi giai tầng xã hội nên cần tâm niệm là mình chỉ trinh bày chính kiến Phật pháp, không tranh cao thấp hay vì mục đích gì khác để gây nên chia rẻ và xúc phạm nhân phẩm người nghe. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trước khi nói hãy đánh lưỡi 7 lần” hay phật pháp có câu nói: “Hãy nói như chánh pháp, nín như chánh pháp.”


3- Biết đồng cảm khi nói:
Người hoằng pháp cần có nghệ thuật lắng nghe thính chúng, nghe được lời khen và cũng nghe được tiếng chê, nghe điều vui, việc tốt đồng thời nghe cả điều buồn, việc xấu của mình và liên quan đến người. Tất cả những điều trên sẽ giúp ta có được sự đồng cảm với thính chúng để hiểu những gì mà họ cần quan tâm. Từ đó, vị hoằng pháp có thể trình bày vấn đề của mình như chính vấn đề của đương sự.


4- Thông điệp của tình thương và trí tuệ:
Chánh pháp của Như Lai dựa trên nền tảng từ bi và trí tuệ để giáo hoá chúng sanh nên là vị hoằng pháp cần luôn luôn trao dồi đạo hạnh của mình để có thể nói như đã biết và biết như đã tu tập. Để luôn có thể thương cảm chúng sanh người hoằng pháp hãy tâm niệm “Với những ai chưa thể thương thì đừng dội ghét” vì cuộc đời này khổ đau đã quá nhiều rồi. Với những vấn đề chưa thông hiểu, chưa kinh nghiệm về Phật pháp thì cứ mạnh dạn trả lời với thính chúng là mình chưa nắm vững để cùng nhau tìm hiểu thêm .

C.Kết luận.
Người hoằng pháp là người sử dụng văn hoá ngôn ngữ nhiều nhất để cảm hoá người khác nhận chân được lẽ thật của cuộc đời không ngoài đạo lý duyên sinh giả hợp. Từ đó khiến mọi người tìm đến chân lý Phật đà để học, hiểu và tu tập giải thoát. Do đó, hành bố thí để đời bớt khổ thêm vui, nói ái ngữ để mọi người thêm chánh kiến, dụng lợi hành đem đạo vào đời, luôn đồng sự cùng nên việc lớn. Kính nguyên hồng ân Tam bảo thường gia hộ đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Chú thích
[1] T. No. 1506
[2] Trung A Hàm số. 40, p. 483c; Tạp A Hàm số 667, 668, 669, p. 185a; T.26, p. 402c
[3] Tạp A Hàm, số, 1044, Trg. 273b
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên