Chú phổ âm

123456789

Registered
Phật tử
Tham gia
14 Thg 6 2009
Bài viết
491
Điểm tương tác
76
Điểm
28
1. Sơ lược tiểu sử:

Ngài Thiền Sư Phổ Am họ Dư, tên thật là Ấn Túc (1115 – 1169), được tôn xưng là Thiền Sư Phổ Am, Tổ Sư Phổ Am… Trong nhân gian thường viết “Phổ Án”. Ngài sinh năm 1115 niên hiệu Tống Vi Tông Chánh Hòa năm thứ 5, quê tại Viên Châu, Nghi Xuân (nay là Khu Viên Châu, Thành Phố Nghi Xuân, Tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Ngài là cao tăng đời thứ 13 thuộc phái Thiền Lâm Tế, xuất gia năm 1134 – niên hiệu Tống Cao Tông Thiệu Hưng năm thứ 4. Một ngày nọ Ngài tụng kinh Hoa Nghiêm đến câu: “Đạt bổn tình vong tri tâm thể hợp” Ngài hoát nhiên đại ngộ nhập vào được các quốc độ của chư Phật. Trong thời gian tại thế Ngài đã sọạn ra bài chú Phổ Am nhưng nguyên nhân sáng tác không rõ. Đến năm Hiếu Tông Càn Đạo thứ 5 (1169) ngày 21 tháng 7 Ngài tắm gội, thay quần áo, đắp y hậu ngồi kiết già phu tọa thị chúng rồi thâu thần thị tịch. Thọ thế 55 tuổi, tăng lạp 28 hạ.

2. Tước hiệu:

Năm Nguyên Thành Tông Đại Đức thứ tư (1300) phong Thụy Đại Đức Tuệ Khánh, năm Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc 18 (1420) phong tặng “Phổ Am Chí Thiện Hoằng Nhân Viên Thông Trí Huệ Tịch Cảm Diệu Ứng Từ Tế Chơn Giác Chiêu Huống Tuệ Khánh Hộ Quốc Tuyên Giáo Đại Đức Bồ Tát.

3. Những chuyện kỳ lạ:

Sau khi Ngài viên tịch, sự linh hiển của Ngài khiến cho nhân dân ai muốn cầu gì cũng ứng, nhất là dùng bài Chú trong mọi trường hợp để được an bình. Bài chú nguyên có tên là: “Phổ Am Đại Đức Thiền Sư Thích Đàm Chương Thần Chú” hay còn gọi “Thích Đàm chương” chữ Thích Đàm tức Tất Đàm, chữ phiêm âm từ Phạn ngữ Siddam qua tiếng Trung quốc. Ở Trung quốc lúc bấy giờ người ta ít thấy Bài Chú của Tổ Sư sáng tác. Cho nên có một số người nhận định rằng vì sự tu hành của Ngài đã đạt đến cảm nhận được Phạn Chú và phỏng theo Phạn Âm hoặc theo chủng tử tự mẫu Kinh Hoa Nghiêm mà sáng tác ra. Dựa trên thực tế, chữ đầu của chú nầy là chữ “Án” còn đọc “Úm, Om”, chữ nầy là chủng tử tự thường thấy trong kinh chú Phật Giáo đều có tính cách linh thiêng. Chú ngữ trong Kim cang giới dùng chữ Án (Úm) đứng đầu, còn trong Thai tạng giới dùng chữ Nẵng mồ (Nam Mô) như Chú Lục Tự Đại Minh “Án, ma ni bát mê hồng” hay “Nẵng mồ tam mãn đà…...”

Theo truyền thuyết, Thiền Sư Phổ Am có rất nhiều chuyện tích linh nghiệm:

- Vào năm Thiệu Hưng 26 (1156), một lần nọ Ngài Thiền Sư cung hành Pháp hội nhưng quan địa phương có hiềm khích nên cho rằng đó là mê hoặc quần chúng, liền phái lính tuần phủ đến điều tra trước, đột nhiên gió to mưa lớn nỗi lên, trên trời hiện ra hình tượng một con rồng lớn, tuần phủ thấy vậy không dám điều tra phải quay về.

- Có một lần Ngài Thiền Sư Phổ Am đáp lời mời một tín đồ tên là Trần Thiên Chương đến nhà để cử hành pháp sự, Ngài hướng dẫn tăng chúng đi theo chỉ tụng một biến Kinh Kim Cang là kết thúc buổi lễ. Ông Trần Thiên Chương tỏ vẻ không vui, cho rằng Ngài Thiền Sư Phổ Am quá qua loa lấy lệ, vì thế mà Ngài Phổ Am lại tụng thêm một lần nữa.

Sau đó Ông Trần Thiên Chương tự nhiên bị chết đột ngột, nhưng 3 ngày sau sống lại. Ông kể rằng: Ông bị dẫn xuống địa phủ và vị Phán Quan quở trách “Ông đã có thái độ bất kính khi đối xử với Ngài Phổ Am, làm cho Ngài phải tụng 2 biến Kinh Kim Cang.” Về sau Trần Thiên Chương mang 1 cây bút lớn, dầu mè, tiền đem đến cúng dường Ngài Phổ Am, Ngài Thiền Sư Phổ Am liền viết trên lưng Ông Trần Thiên Chương 4 chữ: “Thí Tài Công Cứ” khiến người ta tấm tắc khen ngợi . Sau nầy khi Ông Trần Thiên Chương tạ thế, trong gia đình Họ Cam có người sanh một hài nhi trên lưng tự nhiên có vết sẹo đúng như 4 chữ “Thí Tài Công Cứ”.

4. Công năng của Thần Chú:

- Tín ngưỡng nhân gian (Trung Quốc)

Đặc biệt chú Phổ Am tương truyền rất linh nghiệm, dân gian đều công nhận có khả năng “phổ an thập phương, an định tùng lâm, yêu cầu côn trùng, súc vật như: chuột, kiến, muỗi, ve, gián, thằn lằn… hoặc tà ma quỷ mị … đi nơi khác, có thần lực tiêu tai giải ách, trấn sát an thai, trừ uế v.v… Do đó mà các cơ sở buôn bán Phật cụ Đài Loan đã thâu CD tụng, nhạc không lời bài Chú Phổ Am để dân chúng thỉnh về nghe vừa thoải mái tinh thần lại vừa làm cho các loài côn trùng tránh xa. Tín ngưỡng nhân gian ở Đài Loan còn truyền thuyết dùng giấy màu đỏ hoặc vàng viết 8 chữ của câu cuối trong bài chú “Phổ Am đáo thử bách vô cấm kỵ = Ngài Phổ Am đến đây trăm sự không kiêng kỵ” dán trong nhà có khả năng hoán đổi được phong thủy (địa lý) của ngôi nhà.

Dân chúng làm nghề đánh cá hay hàng hải thường thờ Thần Vị Ngài trên thuyền để cầu xin biển yên sóng lặng luôn được bình an. Đối với người dân đi biển Ngài được xem như một vị Hải Thần. Ngài Thiền Sư Phổ Am còn được một số Đạo Sĩ Trung Quốc tôn thờ như một vị Tổ Sư, Giáo Chủ tức “Phái Phổ Am”, họ thờ phụng, tạo tượng đủ hình tướng như: Tỳ kheo, Đạo sĩ, Đế vương, Tướng quân…

- Phật Giáo:

* Phật Giáo Trung Quốc và Nhật Bản các chùa thuộc phái Lâm Tế thường có thờ Thần Vị Ngài tại hậu điện (hậu liêu) để hàng ma, phục quỷ…

* Phật Giáo Việt Nam trong các chùa không thấy thờ Tôn tượng hay Thần vị Ngài kể cả tín ngưỡng nhân gian. Tuy nhiên trong hành trì quý Thầy đều có học và tụng, đặc biệt là Phật Giáo miền Trung - Thừa Thiên - Huế quý Thầy đều phải học thuộc lòng và thường tụng trong các Lễ Khai Kinh sái tịnh, kết giới đại trai đàn: Bạt Độ, Chẩn tế, Lạc thành, Đại lễ Quy y Linh trong đám tang…

- Bài Chú:

Bài chú nầy (âm Hán Việt) có in trong cuốn Tang Lễ cho người tại gia do Tôn Giả Liễu Tạng soạn, bản in tại Huế (rất tiếc không nhớ được tên của người âm) và trên mạng lưới toàn cầu Hán văn. Sau đây là toàn văn Bài Chú gồm cả phần đầu – phần chú ngữ - phần kết.

Trì tụng Bài Phổ Am:

Phổ Am linh cảm . Diệu ứng từ tế. Chơn giác chiêu huống Huệ Khánh, Đại đức Thiền Sư Thích Đàm Chương.

Khể thủ quy y Phổ Am Sư,
Nam hải Quan Âm hóa hậu thân
Thọ long đắc đạo truyền chánh pháp
Thiên long nham nội giảng Hoa nghiêm
Định quang tháp tiền tuyên mật ngữ
Từ hóa khai sơn cứu độ nhơn
Khẩn Na la vương hiển thần thông
Hổ Già la vương trấn oai linh
Ngũ thông đắc đạo thần tiên chúng
Bích Chi La Hán tổng lai lâm
Thiên bồng thiên do đại nguyên soái
Tam đàn hốt hỏa đại tướng quân
Tứ thiên môn vương tứ yết đế
Nhị thập tứ vị chư thiên bịnh
Vô số Thiên long Bát bộ chúng
Bách vạn hỏa thủ Kim cang thần
Đô thiên lục tí Tôn vương Phật
Sùng ninh đức thắng đại chơn quân
Hòa quang pháp thánh đại Thuyền sư
Long Hổ nhị Tiên tả hữu phân
Lăng nghiêm Hội thượng Phật Bồ-tát
Đại bi Lăng nghiêm Dược xoa thần
Thực quỷ thôn ma chư Thiên tướng
Tắc hải di sơn tứ mục quân
Tiền truyền hậu giáo chư Phật Tổ
Điện mẫu lôi công Tích lịch thần
Thiên long nham nội hàng ma tướng
Tế tế tham tùy nhất bộ hành
Trì xoa kỉnh xử đà thiết tỏa
Tràng phan sanh tiết chỉnh như vân
Đông diêu kim linh sơn nhạc chấn
Tận giai vân tập tiểu yêu phân
Chư quỷ hiện hình đầu phấn toái
Ác thanh biến hóa nhập vi trần
Chư thượng thiện nhơn cu vân tập
Tiền vong hậu hóa cập tiên thân
Văn thanh phúng tụng Thích Đàm Chương
Vụ ủng vân phi giáng đạo tràng
Chí tâm xướng niệm vô tà trưởng
Thiên hạ tả thần bất cảm đương
Hoặc dạ hành hề hoặc tảo khứ
Sơn lâm vọng lượng hữu tinh mỵ
Chí tâm quy y Phổ Am sư
Tự hữu long thần lai vệ hộ
Hổ lang văn tri bôn cao sơn
Ngư long thính trước quy hải thủy
Phá tháp miếu đường vô đạo nhân
Khê động nham gia thạch cái quỷ
Xà thương hổ giảo cổ độc hại
Lạc thủy đọa thai tinh tự ải
Y thảo phụ thọ mộc thạch tinh
Bất chánh tà thần tốc hồi tỵ
Nhược bất thuận ngô đại đạo tâm
Thiên lôi tích lịch dữ phấn toái
Năng cứu nhân gian bát nạn khổ
Năng giải nhân gian tử sanh uế
Thập sanh cửu tử bệnh nhơn hôn
Năng niệm chơn ngôn trì tịnh thủy
Đà la ni chú giải oan gia
Đại bi thần chú năng an ủy
Thành hoàng xã lệnh Thổ địa thần
Ủng hộ tham tùy thính khu sử
Ngũ phương tà khí tận tiêu trừ
Tử giả hoàn hồn tăng phước huệ
Thần hôn phúng tụng Thích Đàm Chương
Phật đạo hoan duyệt an thần vị
Gia đường trù táo tất an ninh
Thổ địa long thần vô cấm kỵ
Tổ tiên tam đại cập nhơn thân
Văn thanh tận đắc siêu thăng lộ.
Thiên tinh địa diệu các hồi cung
Tiêu tai giáng phước bất tư nghị
Duy nguyện cổ Phật giáng lai lâm
Tức thuyết Thích Đàm Chương diệu cú:
Nam mô Phật đà da
Nam mô Đạt ma da
Nam mô Tăng già da
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Đại Bi quán Thế Âm Bồ-tát
Nam mô Phổ Am Tổ sư Bồ-tát
Nam mô Bách vạn Hỏa thủ Kim cang vương Bồ-tát

(Tụng đến đây tiếp tụng bài chú như sau chuyển qua điệu khác)

Án, ca ca ca nghiên giới. Giá giá giá thần gia. Tra tra tra đát na . Đa đa đa đàn na. Ba ba ba phạm ma.

Ma phạm ba ba ba. Na đàn đa đa, na đát tra tra tra. Già thần giá giá giá, giới nghiên ca ca ca.

Ca ca ca nghiên giới, ca ca kê kê cu cu, cu kê cu. Kiêm kiêu kê -, kiêu kê kiêm, giới nghiên ca ca ca, ca ca ca nghiên giới, giá giá chi chi châu châu, châu chi châu, chiêm chiêu chi - chiêu chi chiêm già thần giá giá giá. Già giá giá thần già, tra tra tri tri đô đô, đô tri đô, đảm đa tri - đa tri đảm. Na đát tra tra tra - tra tra tra đát na - đa đa đê đê đa đa, đê đa đàm, đàm đa đê - đê đa đàm, na đát đa đa đa, đa đa đa đàn na, ba ba bi bi ba ba, bi ba phạm, phạm ba bi - ba bi phạm. Ma phạm ba ba ba. Ba ba ba phạm ma. Ma phạm ba ba ba, na đàn đa đa đa, Na đát tra tra tra, già thần giá giá giá, giới nghiên ca ca ca, ca ca ca nghiên giới. Ca ca kê kê cu cu, kê kiêu kiêm. Kiêm kiêm kiêm kiêm kiêm. Nghiễm nghiêu nghê, nghiêu nghê nghiễm. Giới nghiên ca ca ca, ca ca ca nghiên giới, giá giá chi chi châu châu, chi chiêu chiêm, chiêm chiêm chiêm chiêm chiêm. Nghiễm nghiêu nghê; nghiêu nghê nghiễm. Già thần giá giá giá, giá giá giá thần gia - Tra tra tri tri đô đô, tri đa đàm, đàm đàm đàm đàm đàm. Nẫm na nê na nê nẫm. Na đát tra tra tra, tra tra tra đát na, đa đa đê đê đa đa, đê đa đàm, đàm đàm đàm đàm đàm, Nẫm na nê - na nê nẫm. Na đàn đa đa đa, đa đa đa đàn na, ba ba bi bi ba ba. Ba bi phạm, phạm phạm phạm phạm phạm, phạm ma mê - ma mê phạm. Ma phạm ba ba ba, ba ba ba phạm ma. Ma phạm ba ba ba, na đàn đa đa đa, na đát tra tra tra, già thần giá giá giá, giới nghiên ca ca ca, ca ca ca nghiên giới, ca ca kê kê cu cu dè, dụ du, dụ du du du du du du. Giới nghiên ca ca ca, ca ca ca nghiên giới. Giá giá chi chi châu châu dè. Dụ du dụ du, du du du du du, già thần giá giá giá, giá giá giá thần gia. Tra tra tri tri đô đô dè, nộ nô, nộ nô, nô nô nô nô nô. Na đát tra tra tra, tra tra tra đát na. Đa đa đê đê đa đa dè. Nộ nô, nộ nô, nô nô nô nô nô. Na đàn đa đa đa, đa đa đa đàn na, ba ba bi bi ba ba dè. Mẫu mâu mẫu mâu, mâu mâu mâu mâu mâu. Ma phạm ba ba ba. Ba ba ba phạm ma, ma phạm ba ba ba, na đàn đa đa đa, na đát tra tra tra, già thần giá giá giá, giới nghiên ca ca ca, ca ca ca nghiên giới. Án, ba đa tra, giá ca da, dạ lan ha, a sắc tra, tát hải tra, lậu lô lậu lô tra. Giá ca dạ tóa ha.

Vô số Thiên long Bát bộ, bách vạn Hỏa Thủ Kim cang, sạ nhật phương ngung, kim nhật Phật địa - Phổ Am đáo thử, bách vô cấm kỵ.

- Cung Điệu

Cung điệu tụng bài chú nầy không thể giải thích được, mà chỉ nghe và bắt chước theo như tập hát. Pháp khí dùng cho bài nầy lại không có mõ mà chỉ dùng tang. Chú ngữ lặp đi lặp lại, đảo ngược đảo xuôi, mỗi địa phương có thể thêm bớt, hoặc cung điệu khác nhau rất khó nhớ cần phải tập luyện lâu dài mới thuộc lòng được.

5. Hành Trì

Đối với Mật pháp việc hành trì rất khó khăn, có riêng nghi quỹ cho từng môn. Muốn học phải có vị thầy truyền thọ (A xà Lê), nếu tự ý học và tự ý chỉ dẫn cho người khác thì phạm tội Việt Tì Ni. (Xin xem Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 1515 do Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành tại Việt Nam).

Do đó mà Phật tử chúng ta muốn tu trì riêng biệt mật chú nên tìm quý Thầy chuyên môn để thỉnh ý và xin chỉ dạy. Còn chỉ tụng như những bài kinh, chú công truyền có in trong các quyển nghi thức với mục đích an định tam nghiệp, tăng trưởng tâm từ bi, cầu nguyện cho tất cả chúng sanh hiểu được ý nghĩa bài chú để tu học, không gây tổn hại cho chúng sanh khác. Ngôn ngữ bất cứ bài chú nào cũng rất đặc biệt là tất cả mọi chúng sanh đều cảm nhận được và thực hành theo lời chỉ dạy trong bài chú đó.

Trong quá trình học hỏi nghi lễ với chư vị Tôn túc trong quá khứ, các ngài đã chỉ dẫn những điều rất đơn giản nhưng rất hữu ích. Tôi xin trình bày ra đây để Phật tử chúng ta rút tỉa thêm kinh nghiệm. Chẳng hạn như có lần tôi thỉnh ý một vị hay dùng chú thuật “Khi thực hiện tam mật = miệng mật niệm chú, thân kết ấn, ý quán tưởng” thì phải làm như thế nào? Ngài trả lời : Chú ngắn phải niệm cho hết một hơi một bài = nín thở, khi xả ấn phải đưa lên không trung, không được đưa ngang, ý phải nghĩ đến sự từ bi, hỷ xả, bình đẳng vì ấn là Pháp Thân, lời chú là Báo Thân, kinh văn là Hóa Thân của Chư Phật. Đây là những lời dạy, ký hiệu cho chúng sanh biết để tu hành, tuân theo chứ không có tưởng đến sự trừ khử, tiêu diệt, xua đuổi một chúng sanh nào cả, tức không nhắm vào bất cứ một đối tượng nào. Nếu có tư tưởng xấu, phạm vào ý nghiệp tức sẽ có sự tìm cách trả thù. Được như vậy thì công đức vô lượng, tất cả chúng sanh âm và dương đều lợi lạc.

Tuy nhiên đã là Phật tử, ít nhất cũng đã thọ tam quy, ngũ giới hoặc nhứt phần, bán phần hay toàn phần cũng cố gắng giữ giới nghiêm mật, được như vậy thì sự tu hành bản thân mới tiến được.

Kinh ngưỡng mong chư Tôn đức, Thiện tri thức chỉ dạy thêm những điều còn thiếu sót để chúng con được vững tiến trên con đường học đạo.

Nam Mô thường Hoan hỷ Bồ Tát ma ha tát.

http://thegioithanlinh.tk/
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên