I

Chuyện ít người biết về xá lợi Phật

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
Kỳ 1: Thiền sư từ VN sang đất Ngô

( Theo báo Thanh Niên )

Dịp này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc một số tài liệu đặc biệt liên quan đến nguồn gốc và những câu chuyện lạ quanh ngọc xá lợi Phật được lưu truyền ở Việt Nam lâu nay.

Mở đầu là chuyện thiền sư Khương Tăng Hội từ Việt Nam chống gậy sang miền Giang Tả của Trung Quốc để truyền bá Phật pháp cách đây hơn 1.700 năm (vào năm 247 dương lịch). Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp của nước Ngô (là một trong ba nước chia nhau thế chân vạc thời Tam Quốc) để dựng am tranh và lập bàn thờ Phật. Thời đó, tuy đạo Phật đã truyền vào nước Ngô song vì mới manh nha buổi đầu nên người trong nước còn ngờ vực và rất ngạc nhiên khi thấy một "ông thầy tu" xuất hiện, họ đã tâu lên với vua là Tôn Quyền rằng: "Có một người ở nước ngoài mới vào, trông dáng điệu và cách ăn mặc của người ấy khá lập dị, lạ mắt, vì thế xin nhà vua cho kiểm tra xét hỏi kỹ càng".

Nghe tâu, Tôn Quyền sai người mời Khương Tăng Hội đến gặp và hỏi: "Đạo Phật có gì linh nghiệm?". Khương Tăng Hội đáp: "Có ngọc xá lợi Phật". Tôn Quyền hỏi xá lợi là gì? Ngài giải thích, đại ý xá lợi là phần còn lại sau khi dùng lửa hỏa thiêu thân của Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngài mới qua đời. Thân ấy là thân kim cương, không có gì làm hư hoại được, song vì lòng đại bi thương xót chúng sanh nên Phật đã dùng thần lực khiến nát thành hàng chục vạn hạt ngọc sáng đẹp li ti để lại cho đời. Ai nhìn thấy và cung kính chiêm ngưỡng, lễ bái xá lợi, người ấy sẽ được phước lớn. Chính vì vậy, sau ngày Phật tịch diệt khoảng 100 năm, vua A Dục đã tìm kiếm và phân phát xá lợi cho người khắp các phương, đồng thời ra lệnh xuất vàng bạc trong kho, quyên góp thêm của bá tánh bên ngoài, để xây tám vạn bốn nghìn tháp thờ xá lợi ở nhiều quốc gia: "Phàm việc dựng tháp cũng là nhằm giữ gìn ngọc Phật, để làm rõ thêm cho đời sau biết sự linh ứng của những gì còn sót lại từ thân kim cương bất hoại của đấng chí tôn". Tôn Quyền vẫn chưa tin hẳn, bảo Khương Tăng Hội:

- Thầy nói Phật linh ứng thì thầy hãy thử cầu Phật ban xá lợi xuống nơi đây, đem đến ta xem tận mắt. Nếu thật có xá lợi ta sẽ truyền cho dựng tháp để thờ. Còn như thầy cầu không có xá lợi tất nhiên thầy sẽ mang tội khinh dối và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo phép nước của ta.

Khương Tăng Hội đồng ý mở pháp hội cầu xá lợi Phật tại kinh thành Kiến Nghiệp trước sự chứng kiến của vua tôi nhà Ngô và xin cho 7 ngày để báo kết quả. Liền đó ngài về am tranh gọi hết các pháp thuộc tức các đệ tử đã đi theo ngài từ Việt Nam sang đất Ngô thông báo: "Giáo pháp của đức Thích Ca có thịnh hành hoặc bị gạt bỏ ở đất Ngô này sẽ do chính kết quả của pháp hội lần này quyết định, nên các ngươi phải chí thành cầu nguyện nếu không về sau hối hận cũng vô ích". Nói rồi ngài cùng các pháp thuộc rút vào hẳn trong tịnh thất, chay tịnh cả thân lẫn tâm, nâng chiếc bình rỗng đặt lên bàn thờ, thành kính thắp hương lễ lạy nguyện cho xá lợi Phật hiện ra trong bình. Nhưng 7 ngày trôi qua không thấy ứng nghiệm, bình vẫn rỗng không. Ngài bèn xin thêm 7 ngày nữa, vẫn không hiệu quả... Tôn Quyền tỏ ý bực dọc nói: "Thật là dối gạt người khác" và định kết tội ngài. Song ngài lại xin gia hạn lần cuối nữa, thêm 7 ngày tiếp đó. Tôn Quyền cũng rộng rãi chấp thuận, y theo. Lần này, đến sẩm tối ngày thứ 7 rồi, vẫn chưa thấy động tịnh gì, Tôn Quyền muốn xử tội ngài thích đáng. Ai nấy đều lo sợ và nghĩ chắc tính mạng của ngài và các đệ tử đã được định đoạt, nhưng khi tới canh năm, lúc trời mờ mờ sáng, bỗng "nghe có tiếng leng keng, loảng xoảng trong bình, Khương Tăng Hội đến mở ra xem, thấy có xá lợi hiện ra trong đó, sáng hôm sau Khương Tăng Hội đem trình cho Tôn Quyền xem. Cả triều đều tụ lại chiêm ngưỡng và thấy ánh sáng năm màu của xá lợi chói sáng lên quanh miệng bình rất đẹp. Tôn Quyền tự tay mình nâng bình lên để trút ra chiếc mâm bằng đồng đặt sẵn. Lạ thay, xá lợi lăn tới đâu thì mâm đồng vỡ nát tới đó".

Đoạn trích trên đây không phải là lời nói cửa miệng, mà được chính các sách sử Trung Quốc ghi lại, như Cao tăng truyện của Huệ Hạo (496 - 553) hoặc Xuất tam tạng ký tập của Tăng Hựu (445 - 518), tham khảo sử sách các triều Tấn, Tống, Tề, Lương, Ngụy... Riêng Cao tăng truyện ghi lại chi tiết tiếp theo như sau: Khi thấy xá lợi trút ra lăn vỡ mâm đồng, Tôn Quyền quá đỗi kinh ngạc, nói: "Thật là điềm lành hiếm có".

Khương Tăng Hội nói thêm với Tôn Quyền: "Oai thần của xá lợi không chỉ dừng lại ở những tia sáng ngũ sắc kia đâu. Mà còn ở chỗ đem lửa đốt không cháy, lấy chày bằng kim cương đập cũng không thể nát". Tôn Quyền sai người làm thử, đặt xá lợi trên chiếc đe sắt, bảo lực sĩ cầm chày để đập, nhưng xá lợi không hề gì, mà cả đe sắt lẫn chày đều bị nứt vỡ: "Quyền tận mắt chứng kiến việc ấy nên thán phục không ngớt, truyền cho dựng tháp để thờ và lập một ngôi chùa gọi là chùa Kiến Sơ. Chỗ đất ấy về sau gọi là xóm Phật". Và đạo pháp ở Giang Tả hưng thịnh bắt đầu từ câu chuyện một thiền sư từ Việt Nam cầu nguyện cảm ứng xuất hiện ngọc xá lợi tại Trung Hoa như thế.

Khi Tôn Quyền bệnh chết năm 252, nước Ngô trải qua cuộc biến động, đến Tôn Hạo nối ngôi cha năm 264 muốn hủy báng Phật pháp, sai đem tượng vàng đào được sau hậu cung đặt ở ngoài trời, lấy nước bẩn tưới lên gọi là "tắm Phật" để đùa cợt, nhạo báng. Chỉ trong chốc lát, cả mình mẩy Hạo sưng to, bìu đái đau nhức, gào kêu suốt ngày không bớt, liền cho mời Khương Tăng Hội vào hỏi chuyện. (Còn tiếp)

Giao Hưởng ( Báo Thanh Niên )

diendan.giacngo.vn
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

I

imported_gioidinhhue

Guest
Những linh ứng bất khả tư nghì

Xe hoa rước ngọc xá lợi Phật tại Hà Nội, 6.6.2009 - Ảnh: G.H

Tôn Hạo muốn phá bỏ tháp thờ xá lợi Phật do cha mình (Tôn Quyền) phát tâm dựng nên. Hay tin ấy, nhiều vị tâu vua chớ khinh suất vì xá lợi do Khương Tăng Hội cầu nguyện cảm ứng là điềm lành hy hữu của nước Ngô, mà “Phật là vị đạo sư của chư thiên trên trời lẫn loài người dưới thế, nên xin nhà vua hãy cẩn trọng đừng đập phá, sợ sẽ động đến mệnh nước và ngôi thiên tử”.

Nghe lời tấu trên, Tôn Hạo chùn tay lại, sai một người “có tài ăn nói lưu loát, bắt bẻ ngọn ngành” là Trương Dục đến chùa Kiến Sơ gặp Khương Tăng Hội để chất vấn về ngọc xá lợi và Phật pháp. Hai người đàm đạo suốt ngày, Hội giải thích và đối đáp trôi chảy, khiến Dục tâm phục, hỏi thêm: “Sát cổng chùa có ngôi miếu thờ dâm từ trái với Phật pháp sao chưa đập phá?”. Hội đáp:

- Khi sấm sét vang dậy, sức nổ đánh sập cả ngọn núi lớn, nhưng người điếc không nghe tiếng sấm ấy, không phải vì thế mà tiếng sét bị nhỏ đi. Thưa ngài, cũng vậy, giáo lý nhà Phật rất sâu mầu, nếu có kẻ tăm tối không rõ chánh pháp thì chánh pháp vẫn không vì thế bị lu mờ theo. Nay dâm từ ở cạnh chùa, chùa không vì thế mà mất chân pháp...

Nhớ lời đáp ấy, Trương Dục đem về tâu với Tôn Hạo. Hạo ngẫm nghĩ nghĩa thâm diệu, mới quyết định không đập phá chùa tháp nữa. Khi Tôn Hạo ngã bệnh (như viết ở kỳ trước), cho người cầu đảo khắp miếu đường không lành, phải đem tượng Phật đặt lên điện lễ bái, sám hối ngày đêm và lấy nước thơm rửa tượng mấy chục lần, cơn đau mới giảm dần. Khương Tăng Hội vào cung thuyết pháp cho Hạo, đến đoạn nói người tu hành đi, đứng, nằm, ngồi (tứ oai nghi) đều nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh để cứu vớt, Hạo cảm động thấu tim, mới xin quy y tam bảo (là ba ngôi cao quý: Phật, pháp và tăng). Quy y được 10 ngày, bệnh lành, Tôn Hạo xuống lệnh tu sửa chùa Kiến Sơ rỡ ràng trang nghiêm hơn nữa và bảo các tôn thất quần thần phải phụng thờ chư Phật, ai nấy đều tuân theo.

Sống và truyền pháp như thế trên đất Hoa hơn 30 năm, Khương Tăng Hội đã viên tịch năm 280, để lại nhiều công trình dịch kinh, dựng chùa, xây tháp thờ xá lợi. Đến đời Đường, ngài Huyền Trang sau chuyến Tây du mang về 150 viên ngọc xá lợi Phật và rất nhiều kinh tiếng Phạn để phiên dịch sang tiếng Hán, người ta đã vẽ trên tường của Viện phiên kinh ở chùa Đại Từ Ân các dịch giả kinh Phật trước đó, trong đó có tượng Khương Tăng Hội.


Còn học giả Lê Mạnh Thát cũng nêu rõ: “Tổ tiên Khương Tăng Hội gốc người Khương Cư (Sogdiane), nhưng đã mấy đời đến ở Ấn Độ, tới thời cha Hội vì buôn bán lại di cư sang nước ta và sinh sống tại Giao Chỉ (...). Qua các tác phẩm (của Khương Tăng Hội) để lại có nhiều dấu vết chứng tỏ Hội đã chịu ảnh hưởng truyền thống Lạc Việt một cách sâu đậm.

Một là, về mặt ngôn ngữ, hiện nay Lục độ tập kinh (một dịch bản của Khương Tăng Hội) chứa đựng nhiều cấu trúc mang ngữ pháp tiếng Việt cổ, mà ngoài lý do Hội phải dùng một nguyên bản tiếng Việt, còn có yếu tố thói quen ngôn ngữ hình thành từ chính mẹ đẻ (người Việt) của mình mới mạnh mẽ như thế để có thể lưu lại dấu ấn trong tác phẩm. Hai là, về nội dung và tư tưởng, Khương Tăng Hội đã chứng tỏ một lòng yêu mến tha thiết truyền thống văn hóa người Việt đến nỗi truyền thuyết Trăm trứng - một truyền thuyết đặc biệt Việt Nam - nói về nguồn gốc của dân tộc Việt, vẫn không bị Khương Tăng Hội cải biên”.

Sử sách ở Trung Quốc và Việt Nam đều ghi chép Khương Tăng Hội là một vị sư “hiểu rõ ba tạng (Kinh, Luật, Luận của Phật giáo), xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vĩ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, viết văn rành rõi”. Vậy một thiền sư, một bậc học giả lớn như Khương Tăng Hội trưởng thành từ Việt Nam (Giao Chỉ) với bản lĩnh như thế, chứng tỏ lúc ấy nước ta đã có một nền văn hóa và giáo dục vững chắc như Lê Mạnh Thát kết luận: “Có thể nói Khương Tăng Hội là một thành tựu đầu tiên và xuất sắc của nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, khác hẳn các sản phẩm của nền giáo dục nô dịch Trung Quốc đang hoạt động mạnh mẽ vào thời đó (thế kỷ thứ 3)...”.

Khoảng 46 năm sau ngày Khương Tăng Hội qua đời, tháp thờ xá lợi do ngài dựng nên bị Tô Tuấn đốt cháy, sau được Tư không Hà Sung dựng lại và tướng Triệu Dụ đứng dưới tháp thách thức: “Ta nghe từ lâu tháp này phóng ra ánh sáng năm màu rực rỡ, ta cho đó là lời thêm thắt hư ngụy không có thật, ta không tin, nếu ngay bây giờ ta thấy ánh sáng ấy mới tin”. Chưa dứt lời, tháp xá lợi đã phóng quang bừng sáng cả chùa.

Dụ lóa mắt, rợn tóc gáy, lập tức sai dựng thêm một tháp nhỏ và vẽ hình Khương Tăng Hội lưu truyền. Hơn 700 năm sau, ở Việt Nam, chuyện lạ thứ hai lại xuất hiện khi người ta thấy một luồng ánh sáng chói chang đột nhiên phóng lên từ đất chùa Pháp Vân. Đào xuống chỗ phát nguồn sáng ấy, lấy lên được một hòm xá lợi Phật còn nguyên, với màu ngũ sắc lung linh như vừa từ lửa đỏ đem ra. Việc ấy thế nào? (Còn tiếp)

Giao Hưởng ( Báo Thanh Niên )

diendan.giacngo.vn
 
I

imported_gioidinhhue

Guest
Thăng Long đón xá lợi Phật từ gần 1.000 năm trước

Khi ngọc xá lợi Phật đưa từ TP.HCM về tôn trí tại điện Pháp vương (Pháp chủ) ở chùa Bái Đính - Ninh Bình hoàn tất tốt đẹp cuối chiều 6.6, ban tổ chức đã mời đông đảo tăng ni Phật tử dự bữa cơm tối tại nhà hàng Vạn Tâm chay nằm trên đỉnh đồi Tam thế của ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất này.

Chính bữa đó, không ít người nêu câu hỏi: "Hôm nay có phải là lần đầu tiên Hà Nội rước ngọc xá lợi Phật hay không?" Người đáp thế này, kẻ nói thế nọ, lát sau một vị hòa thượng đã ôn tồn giải đáp:

- Không. Đây không phải là lần đầu tiên. Mà từ xa xưa gần cả nghìn năm trước, Thăng Long tức Hà Nội ngày nay đã đón xá lợi Phật rồi. Việc cung nghinh và chiêm bái xá lợi Phật thời ấy bắt nguồn từ phước duyên của hai vị hoàng đế mở đầu triều Lý...

Vị thứ nhất là Công Uẩn (Lý Thái Tổ) nằm mộng thấy rồng cuộn bay lên (Thăng Long). Rồng - theo hòa thượng trên - là thị hiện của một trong 8 vị Thiên long bát bộ vốn đã phát nguyện luôn luôn hộ trì Phật pháp, gồm: 1. Thiên (chư thiên trên cõi trời) nguyện nếu xá lợi Phật lập tháp tôn thờ nơi đâu các ngài sẽ rải mưa hoa xuống nơi đó. 2. Long (tức rồng) nguyện nếu xá lợi Phật phát quang nơi nào các ngài sẽ uống ánh sáng (ẩm quang) của nơi đó để soi rõ đường về hạnh phước cho các sinh linh lạc đường. 3. Dạ xoa (loài quỷ có phép phi hành qua lại trên không trung nhanh như chớp) nguyện nếu xá lợi Phật cần di chuyển hiến cúng nơi nào các ngài sẽ hộ trì để việc cung nghinh nhanh đến nơi đó. 4. A-tu-la (có thần lực đưa cả nghìn quyến thuộc vào ẩn trong một cọng sen) nguyện nếu xá lợi Phật hiện trong bất cứ đóa hoa nào các ngài sẽ rưới nước thơm để nuôi hoa ấy bất tử. 5. Ca-lâu-la (đại bàng Kim Sí Điểu) nguyện nếu xá lợi Phật thờ ở dòng suối xa nhất bắt nguồn từ trên nghìn mây đổ xuống thì các ngài cũng sẽ nghiêng đôi cánh để dòng nước ấy rót về mọi trái tim và để tất cả tắm mát trong ánh sáng từ thân kim cương Phật tỏa ra. 6. Càn thát bà (thần âm nhạc) nguyện nếu xá lợi Phật ở nơi nào các ngài sẽ đến nơi ấy tấu nhạc lên cho hoa nở và tỏa hương thơm vào tận chỗ sâu thẳm nhất của hồn người. 7. Khẩn-na-la (thần ca hát) nguyện nếu xá lợi Phật ở nơi nào các ngài sẽ đến nơi đó hát lên lời ngợi ca mà gió càng thổi lớn lời ca ấy càng lan rộng qua ba ngàn thế giới và đầy ắp hư không không có biên bờ. 8. Ma-hầu-la-già (đại mãng xà vương) nguyện nếu xá lợi Phật ở nơi nào các ngài sẽ cuộn mình quanh nơi ấy để bảo vệ cho người đến lễ lạy và phun nọc độc trừ diệt tà tâm. Vậy khi rồng xuất hiện trong mộng của Lý Công Uẩn chính là để báo trước thời Phật giáo cực thịnh đời Lý với sự có mặt không ngớt của hộ pháp Thiên long bát bộ, thể hiện ngay khi Công Uẩn còn sống, như ghi nhận của Nguyễn Lang: "Lúc vừa lên ngôi Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đã cho xây 8 ngôi chùa ở quê mình (tức ở phủ Thiên Đức tỉnh Bắc Ninh), cho dựng chùa Hưng Thiên Ngự ở Thăng Long, lập thêm các chùa Vạn Tuế, Thiên Quang, Thiên Đức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, tất cả chừng 300 ngôi mới, đồng lúc dựng lại những chùa cũ (bị hư nát)". Trước khi mất (1028), vua lập thêm chùa Chân Giáo (1024) và răn dạy tôn thất phải đời đời quy y tam bảo, thực hành chánh pháp và thờ xá lợi Phật.

Vị thứ hai, là thái tử Phật Mã, lên nối ngôi (tức Lý Thái Tôn), đã tiếp tục công cuộc hoằng pháp của vua cha để lại, sắc lập 95 ngôi chùa, sơn mới lại các tượng Phật khắp nơi, rước Đại tạng kinh về thờ. Vua làm lễ lạc thành 1.000 tượng Phật bằng gỗ, 1.000 bức tranh Phật, 10.000 cờ phướn, đúc tượng Di Lặc bằng đồng nặng đến 7.560 cân, dựng chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột)... Những Phật sự ấy chắc chắn đã tạo phước duyên lớn đưa đến sự kiện xá lợi Phật dưới nền chùa Pháp Vân phát sáng hào quang. Người ta theo luồng ánh sáng ấy đào xuống, phát hiện và lấy lên một cái hòm bằng đá. Mở hòm đá ra, thấy bên trong có một hòm khác bằng bạc. Trong hòm bạc lại có một hòm nữa bằng vàng. Mở hòm bằng vàng, lại thấy một bình lưu ly đựng xá lợi Phật.

Biết chuyện, Phật Mã sai rước xá lợi Phật vào cấm điện của hoàng thành Thăng Long. Việc cung nghinh xá lợi Phật vào Thăng Long như thế nào các sử gia theo Nho giáo không mô tả rõ ràng. Song những nét chính của sự kiện vẫn phải ghi lại qua các cuốn sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Theo đó, sau ngày rước về cung điện chiêm bái, Phật Mã sai đem tôn trí chỗ cũ (trong khuôn viên chùa Pháp Vân) vào năm 1034. Niên đại ấy xác nhận ngọc xá lợi Phật có mặt tại Thăng Long - Hà Nội cách đây đã gần 1.000 năm, nếu tính chính xác là đã 975 năm rồi (tức từ 1034 - 2009) chứ không đợi đến bây giờ.

Một điều nữa: Ngọc xá lợi Phật vì sao lại có tại chùa Pháp Vân? Và có từ bao giờ?

Điều ấy giới nghiên cứu giải thích khá rõ. Chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu) là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi thiền sư Pháp Hiền xây tháp để thờ 1 trong 5 hòm xá lợi đưa từ Trung Quốc sang nước ta hiến cúng khoảng năm 601 (tức cách đây hơn 1.400 năm) bởi vua Tùy Văn Đế (Dương Kiên). Dương Kiên là một ông vua rất sùng kính Phật pháp, sai dựng bảo tháp thờ xá lợi tại hơn 150 chùa ở "ngoài các châu", từng nói với pháp sư Đàm Thiên là hãy chọn một số vị tăng có đạo hạnh và nổi tiếng ở Trung Quốc để đưa sang Giao Châu truyền bá đạo Phật, nhưng Đàm Thiên nói đại ý: "Đất Giao Châu xưa nay có đường thông với Thiên Trúc (Ấn Độ) nên Phật pháp đã truyền thẳng đến đó và lúc ở Giang Tả chưa có gì mà trên đất Luy Lâu của họ (Việt Nam) đã dựng được 20 ngôi chùa, độ tăng đã hơn 500 vị, kinh tiếng Phạn đưa tới cũng dịch trọn 15 cuốn rồi. Nay lại đang xuất hiện thượng sĩ Pháp Hiền là vị đã đắc pháp với ngài Tì-ni-đa-lưu-chi (đại đệ tử của Tam tổ Tăng Xán) và đang lưu chuyển mạng mạch thiền tông trên đất ấy, có không dưới 300 người dự mỗi lần mở pháp hội, xem thế chẳng khác quy mô truyền pháp ở Trung Quốc chút nào. Vậy nhà vua không cần đưa cao tăng Trung Quốc đến, mà chỉ cần dùng lời tùy thuận để khuyến phát, hoặc gởi cúng hiến ngọc xá lợi để trang nghiêm pháp giới của họ". Dương Kiên nghe theo, nên đã "sai sứ ban 5 hòm xá lợi Phật kèm sắc điệp" gửi sang nước ta để thiền sư Pháp Hiền dựng tháp cúng dường từ đầu thế kỷ thứ 7. Đến thế kỷ 14, sử sách còn ghi nhận sự tồn tại các xá lợi ấy trước khi bị thất tán. Nay các nhà nghiên cứu đứng trước câu hỏi đáng suy ngẫm: phải chăng ngọc xá lợi Phật đã từng được cung nghinh về hoàng thành Thăng Long từ gần 1.000 năm trước vẫn đang còn ẩn đâu đó dưới lòng đất của nền chùa Pháp Vân? (Còn tiếp)

Giao Hưởng ( Báo thanh Niên )
 
I

imported_gioidinhhue

Guest
Bất tử sau ngọn lửa thiêu

Trong số 7 ngọc xá lợi cung nghinh đến chùa Quán Sứ cuối tuần qua có 4 ngọc xá lợi Phật và 3 ngọc xá lợi thánh tăng. Xá lợi thánh tăng là của những vị nào? Trả lời câu hỏi ấy, hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm viện chủ của hai chùa Quán Sứ và Bái Đính, cho biết:

- Đó là xá lợi của ba vị đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, trong đó có hai vị rất hữu duyên và quen thuộc từ xưa với Phật tử nước ta là: Đại hiếu Mục Kiền Liên mà chúng ta thường nghe nhắc đến tên ngài vào mỗi dịp lễ Vu lan rằm tháng 7 hằng năm và Đại trí Xá-lợi-phất mà mỗi sớm mai các chùa ở Việt Nam thường xướng danh ngài khi tụng Bát nhã tâm kinh qua câu: Xá lợi tử (tức Xá-lợi-phất)! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm... Cả hai ngài đều đắc quả A la hán và mỗi ngài đứng đầu một thành tựu, Mục Kiền Liên thì đạt đến chỗ “thần thông đệ nhất”, Xá-lợi-phất đạt đến “trí huệ đệ nhất” trong hàng đại đệ tử của Phật thời tại thế.

Vì vậy, hòa thượng viện chủ nói thêm, được chiêm bái xá lợi của hai thánh tăng trên là hạnh phúc lớn và là dịp để Phật tử nhớ đến những bài học sống động do hai ngài để lại sau ngọn lửa thiêu. Trước hết là tình bạn tâm giao, chung thủy hiếm có giữa hai ngài. Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất cùng theo học với một vị thầy là Phạm chí Sanjaya (người đề xướng một trong 6 phép tu ngoại đạo nổi tiếng thời ấy ở Ấn Độ) và đều nhanh chóng trở thành thượng thủ của phái trên, mỗi ngài thống lĩnh 250 đồ chúng. Tuy vậy, hai ngài vẫn thấy sức tu học của mình theo phái ấy chưa thật sự xuất trần giải thoát. Nhất là ngày kia, khi thầy Sanjaya lâm bệnh nặng, hơi thở nhọc mệt, đứt quãng, hai ngài đứng hầu không rời, Mục Kiền Liên đứng phía dưới chân giường, Xá-lợi-phất đứng ở đầu giường, buồn bã trước cơn hấp hối của thầy. Bỗng hai ngài hết sức ngạc nhiên khi thấy thầy cựa mình, rồi phá lên cười lớn, cười mãi, liền thưa: “Sao thầy lại cười?”. Sanjaya mở mắt, giải thích: “Ta sắp chết, ta lại nghĩ đến cái chết vô ích của nhiều người khác, trong đó có đại phu nhân của hoàng đế nước Kim Địa. Phu nhân ấy cũng giống như bao người, sau khi bị cột chặt trong vòng ân ái một đời, đã thương yêu quyến luyến, đến nỗi vua Kim Địa chết, bà đã tự nhảy vào giàn lửa để chết theo, vì bà nghĩ rằng sẽ gặp được nhà vua sau cái chết chung tình ấy. Ngờ đâu hai người không thể gặp nhau được. Là vì nhà vua theo nghiệp lực và nhân duyên của riêng mình dẫn dắt nên phải đầu thai vào một nơi. Còn phu nhân cũng theo nghiệp lực và nhân duyên của bà mà đầu thai vào nơi khác. Họ không thể gần nhau ở kiếp sau như mơ ước. Ta thấy thương xót trước sự nhầm lẫn của phu nhân. Nhưng ta cũng không nhịn cười được trước cảnh trái ngang đó. Bởi phu nhân tuy có tình, nhưng không có trí huệ chân thật, nên ta phá lên cười”. Sanjaya bảo rằng hãy nghe đây các đại đệ tử của ta, ta chỉ biết ngang đó, còn bước tiếp theo để giải thoát khỏi sự chi phối của nghiệp lực thì các ngươi hãy tìm học vị thầy khác, để có thể tự do chọn nơi mình đến sau ngày nhắm mắt. Nói xong thầy Sanjaya qua đời, để lại niềm trăn trở đầy trời cho Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất. Từ đó hai ngài thao thức tìm hướng đi mới và giao ước nhau hễ ai gặp được vị đạo sư trước, phải chỉ dẫn cho người kia cùng theo học pháp môn giải thoát.


Người Hà Nội cung nghinh xá lợi Phật - Ảnh: Giao Hưởng

Một hôm Xá-lợi-phất thấy đệ tử Phật Thích Ca là tì kheo Mã Thắng (A-thuyết-thị) đang đắp y và cầm bình bát đi vào thành Vương Xá khất thực trông rất trang nghiêm, với thần sắc tự tại, trong lòng không khỏi thầm phục, liền lên tiếng hỏi đạo. Ngài Mã Thắng đem lý vô ngã trả lời cho Xá-lợi-phất nghe hết sức ngắn gọn qua mấy câu kệ: “Các pháp nhân duyên sanh. Các pháp nhân duyên diệt...”. Ngay đó, ngài Xá-lợi-phất chứng Sơ quả giữa đường phố, hoan hỉ về báo lại với Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên nghe kệ xong, cũng liền chứng Sơ quả. Hai ngài dẫn tất cả đồ chúng của mình đến thưa với Phật: “Bạch đức thế tôn, chúng con đến đây muốn được xuất gia theo Phật”. Phật nói: “Thiện lai tì kheo !”, lời vừa dứt, râu tóc Mục Kiền Liên, Xá-lợi-phất và tất cả đệ tử đi theo đều tự rụng hết, trên thân hiện ra áo pháp mặc vào, y bát đầy đủ, thành tựu việc thọ giới chưa đầy một sát na.

Nay xá lợi của hai ngài đã về đến chùa Quán Sứ và Bái Đính để làm phước điền (ruộng phước) cho mọi người. Lúc chiêm bái, lễ lạy, chúng ta nhớ đến Mục Kiền Liên mà cái chết của ngài là một bài học lớn. Nguyên đi khất thực, ngài bị các môn đồ do Phạm chí Chấp Trượng cầm đầu vì ganh ghét đã vây đánh ngài. Với sức thần thông bậc nhất ngài có thể khiến đám người kia nát tan thành bụi trong chớp mắt, song ngài vẫn đứng yên để bọn đó dùng gậy gộc gạch đá đập vào người, vào đầu, bị thương nặng đến chết. Các vị sư giải thích, sở dĩ ngài đứng yên là để trả món nợ tiền kiếp, không một lời chống cự. Đó là do lòng từ tâm và sức nhìn thấu những duyên do quá khứ của ngài. Ngài cũng cầu nguyện cho những người đánh chết ngài luôn được an vui và tìm thấy con đường giải thoát khỏi phàm tình. Đức Phật đã cho xây tháp Mục Kiền Liên ở cổng vào tịnh xá Trúc Lâm ngày trước và xá lợi của ngài phân phát khắp nơi.

Ngài Xá-lợi-phất cũng nhập diệt sớm hơn Phật, sau lễ trà tỳ (hỏa thiêu) xá lợi của ngài đưa vào tháp, ngày nay đã cung nghinh đến hai chùa Quán Sứ và Bái Đính. “Hãy chiêm bái ngọc xá lợi của các vị thánh tăng không những với sự tôn kính quả vị A-la-hán của các ngài, mà còn với niềm tôn kính dành cho những vị Phật tương lai. Như ngài Xá-lợi-phất chẳng hạn, đã được thọ ký là sẽ thành Phật ở đời vị lai hiệu là Hoa Quang Như Lai”. Đó là lời dặn dò của hòa thượng viện chủ trước đông đảo Phật tử phía Bắc. Quay lại phía Nam, đồng bào Sài Gòn đã tham dự đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn nhất thế kỷ 20 vào năm nào? Và tháp thờ xá lợi Phật lớn nhất của TP.HCM nằm ở chùa nào? (Còn tiếp)

Giao Hưởng ( Báo Thanh Niên )

diendan.giacngo.vn
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

TOP 5 Tài Thí

Bên trên